top of page
Banner edge
DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

Bác sĩ HỒ VĂN HIỀN, bài do CH Đỗ Ngọc Thạch chuyển

“Thưa Bác sĩ

Tôi đôi khi nghe hay  đọc những chuyện về y học thấy chữ “lâm sàng” được sử dụng như “thử  nghiệm lâm sàng”, “khám sức khỏe cận lâm sàng”, hay là “chết lâm sàng”.
Tôi tra một số tự điển, sách báo nhưng vẫn hiểu rất mơ hồ về từ này.
Xin Bác sĩ giải thích từ ngữ này bằng những ngôn từ bình dân để cho  người bình dân như tôi dễ hiểu. Đồng thời xin Bác sĩ cho những ví dụ  minh họa cho giải thích một cách dễ hiểu.
Cũng xin Bác sĩ liệt kê những cụm từ có từ “lâm sàng” này thường được dùng cho mọi người, không phải cho giới chuyên môn.
Xin cảm ơn Bác sĩ."


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:


Lâm sàng


Hôm nay, nhân bàn đến từ  ngữ "lâm sàng" chúng ta sẽ bàn về dạy y khoa bằng tiếng Việt ở Việt nam,  và một khía cạnh quan trọng nữa của y khoa hiện đại là vấn đề thực  nghiệm và y khoa lâm sàng.

Trong chữ "lâm sàng" có  lâm nghĩa là đến gần, vào một hoàn cảnh nào đó: như lâm nguy, lâm bồn  (thai phụ sắp sinh), lâm bệnh, lâm chung (chung = đoạn cuối, sắp đến  đoạn cuối cuộc đời, chết). “Sàng” có nghĩa là cái giường, ở đây chỉ  giường của người bệnh.


Lâm sàng là từ chúng ta dùng để dịch từ tiếng Pháp “clinique”  trước đây, lúc các trường y khoa còn dạy bằng tiếng Pháp. Đến khoảng  thập niên 1960's , dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ ở miền Nam, trường y  khoa Sài gòn mới bắt đầu chuyển một phần dạy bằng tiếng Việt. Trường Y  khoa Đại học Huế dạy bằng tiếng Việt ngay từ lúc mới mở cửa (1957) với  khoa trường là bác sĩ Lê Khắc Quyến, một người có khuynh hướng cấp tiến  và hoạt động chính trị phe tả hơn là các vị giáo sư của trường y khoa  Sài gòn.


Lúc trường y chuyển qua dạy bằng tiếng Việt, một trong những từ chúng tôi học đầu tiên là “lâm sàng”.  Đa số các từ điển tiếng Việt hay Anh Việt hiện nay đều định nghĩa "lâm  sàng " không chính xác lắm đối với cách dùng của từ "clinical" trong y  khoa/y tế hiện nay. Trong những tự điển trước 1970 không thấy từ này, và  các từ điển dịch "clinic' cũng không đầy đủ hay sái nghĩa. Có lẽ những  nhà làm tự điển không hiểu lắm về cách tổ chức của các nhành y tế.


Tiếng Pháp, “clinique”,  tiếng Anh “clinical” chỉ những gì xảy ra bên giường người bệnh, nói giản  dị là lúc khám bệnh. Do từ Hy lạp cổ "kline" là cái giường.


Hippocrates (460-377 TTC),  sinh ra ở đảo Kos, gần 100 năm sau khi Khổng tử ra đời, ông tổ ngành  Tây Y tiên phong trong ngành chữa bệnh căn cứ trên quan sát người bệnh  trực tiếp và lý luận trên cơ sở của những "triệu chứng" mà mình thấy,  nghe, sờ và ngữi được.


Hippocrate bị ảnh hưởng  bời triết lý của Pythagore (nhà toán học Hy Lạp) theo đó “Thiên nhiên”  gồm 5 yếu tố (elements) : nước, đất, gió và lửa; do đó học thuyết thời  đó cho rằng cơ thể chúng ta gồm năm chất lỏng (fluids) hay dịch (humors)  khác nhau tạo nên: mật đen, mật vàng, đàm (nhớt) và máu. Người chữa  bệnh có nhiệm vụ tái lập sự quân bình giữa các chất lỏng đó. Có lẽ cũng  tương tự nhưng chắc không chi tiết như bên Đông phương, muốn giữa sự  quân bình giữa âm và dương, lục phủ (Tiểu Trường, Ðại Trường, Ðởm, Vỵ,  Bàng Quang, Tam Tiêu), ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận).


Tuy nhiên, điểm quan trọng  ở đây là lý luận căn cứ trên những điều quan sát trên người bệnh, khác  với cách chữa bệnh căn cứ trên niềm tin tôn giáo, hay ma thuật. Y học  cũng như khoa học thời cổ đại (antiquity) của Hippocrate bị thất truyền  sau khi văn minh Hy lạp và La Mã suy tàn. Qua thời trung cổ, cách chữa  bệnh có tính cách tôn giáo và tín điều là chính.


Y khoa lâm sàng chỉ phát  triển trở lại sau thời kỳ Phục Hưng Renaissance), với sự khám phá lại  các kiến thức "cổ điển" của thời cổ đại, loại bỏ quan niệm về các dịch  ("humors") và các ngành cơ thể học, hoá học, phẫu thuật được phát triển.


Qua thế kỷ thứ 17, kiến  thức về sinh lý (cách cơ thể được điều hành như thế nào) mở rộng, và  người ta chú trọng nhiều hơn đến phần thục hành y khoa, bên giường bệnh  (bedside clinical practice), nghĩa là quan sát các biểu hiện của cơn  bệnh, dùng những kiến thức về cơ thể học, sinh lý học để suy xét nguồn  gốc bệnh.


Chúng ta có thể bàn thêm  một chút về cách làm việc "lâm sàng" của các thầy thuốc đông y ở Đàng  Trong (của Chúa Nguyễn) vào thế kỷ thứ 17 được linh mục Alexandre de  Rhodes, người tiên phong tạo ra chữ viết quốc ngữ, kể lại.


Phương pháp "lâm sàng" của  họ khác phương pháp của tây phương: thầy thuốc "bắt mạch" rồi chẩn đoán  trước, không để bệnh nhân khai bệnh trước như trong tây y. Người thầy  thuốc được học theo kiểu cha truyền con nối và có nhiều sách bí truyền.  Thầy thuốc bắt mạch bằng 3 ngón tay (cho 3 phần cơ thể: đầu, dạ dày và  bụng), mất chừng 15 phút đắn đo suy tính, rồi tiết lộ cho bệnh nhân biết  anh ta bị những triệu chứng gì, bệnh ra sao. Nếu thầy thuốc nói không  đúng thì bị đuổi đi, không trả tiền vì bệnh nhân hết tin tưởng, nếu nói  đúng thì bệnh nhân tin tưởng để cho chữa bệnh mình, nhưng chữa hết xong  mới trả tiền. Theo kinh nghiệm bản thân của Alexandre de Rhodes thì các  bác sĩ Viêt thời đó không thua gì các bác sĩ ở châu Âu.


Sau mấy ngàn năm, y khoa  của Hippocrate chuyển biến và phát triển thành Tây Y hiện nay, trên nền  tảng của quan sát, suy luận và thực nghiệm, và vai trò quan trọng của  các khoa sinh-y học (biomedical sciences).


Hiện nay những gì liên hệ trực tiếp đến người bệnh thì gọi là lâm sàng  (clinical). Ví dụ bác sĩ hỏi câu chuyện về bệnh tình (bệnh sử,  history), ghi nhận những triệu chứng (symptoms) như bệnh nhân khai mệt,  đau đầu, buồn nôn, có tính cách chủ quan; và khám trên người bệnh nhân  để phát hiện những dấu hiệu (signs) khách quan như da có mụn, tim đập  loạn nhịp, khối u trong bụng, là những biểu hiện ghi nhận khách quan do  người không phải người bệnh quan sát mà ghi nhận. Những dấu hiệu đó được  gọi là dấu hiệu lâm sàng (clinical signs). Chẩn đoán bệnh căn cứ vào  quá trình khám này được gọi là chẩn đoán lâm sàng (clinical diagnosis).  Tuy nhiên, bác sĩ còn có thể có những phương tiện để tìm hiểu thêm về  bệnh nhân.


Cách đây mấy chục năm,  phòng mạch bác sĩ có thể có những phương tiện đơn giản như: máy ly tâm  để quan sát cặn nước tiểu qua kính hiển vi, lấy đàm, nhớt để nhuộm màu  và tìm trong đó có vi trùng hay không, hoặc có máy soi quang tuyến (X  Ray), ví dụ để xem bệnh nhân có nám phổi hay không, vv và thường những  xét nghiệm đó bác sĩ hay y tá tự làm lấy, gần chỗ người bệnh nằm, cho  nên tiếng Pháp gọi những kết quả thử nghiệm đó là “paraclinique” (do:  para=bên cạnh, clinique=giường bệnh). Chúng ta dịch là “cận lâm sàng”.  Tuy nhiên, trong tiếng Anh, ít khi dùng từ ngữ "paraclinical".


Ở Mỹ, thông thường người  ta ít dùng từ paraclinical. Bác sĩ thế hệ trẻ có huynh hướng giảm bớt  phần hỏi, khám trực tiếp người bệnh vá chú trọng hơn (the một số người  thì là quá nhiều) quá nhiều vào kết quả "cận lâm sàng", tốn kém hơn  trước nhiều. Bác sĩ thường nói đến những ngành "cận lâm sàng" như: "lab  work"= thử máu, thử vi trùng (ví dụ cấy máu [blood culture] xem có vi  khuẩn mọc không), thử di truyền [genetic testing], biopsy (sinh thiết).


"Pathology" (ngành bệnh  học, tìm các thay đổi của bệnh gây ra trên các mô, tế bào quan sát bằng  kính hiển vi, ngày xưa ở Sài gòn gọi tắt là "ana-path, do tiếng Pháp  anatomie pathologique=cơ thể bệnh lý.


Các hoạt động như chụp  quang tuyến, làm CT, MRI, siêu âm (ultrasounds), được gộp trong khoa  "hình ảnh y khoa" (medical imaging). Bác sĩ quang tuyến, phần lớn đọc  các phim, hình ảnh, không "đụng" tới bệnh nhân, cũng có thể có những  hoạt động lâm sàng; ví dụ bác sĩ quang tuyến can thiệp (interventional  radiologist) có thể nhờ CT, siêu âm hướng dẫn chọc vào ngực, bụng bệnh  nhân để hút mủ, lấy mẫu sinh thiết để thử nghiệm.


Một trong những phương  pháp giảng dạy y khoa là các “hội nghị đối chiếu lâm sàng và bệnh học”  (tiếng Pháp: confrontation clinico pathologique). Các bác sĩ, nội trú  trình bày các nhận xét về lâm sàng và đề nghị một định bệnh (diagnosis)  suy luận từ các quan sát đó. Sau đó, bác sĩ về bệnh học (pathologist, cơ  thể bệnh lý) trình bày kết quả của phòng thí nghiệm như sinh thiết  (biopsy) hay kết quả giải phẫu tử thi (autopsy), nghĩa là giải đáp của  câu hỏi ban đầu là người bệnh mắc bệnh gì, nguyên nhân gì gây ra các  triệu chứng lâm sàng.


Một số từ ngữ hay dùng:


1. Chết lâm sàng (clinical death), tim bệnh nhân ngưng đập (cardiac arrest), bệnh nhân  ngưng thở. Tuy nhiên, với các phương pháp hồi sức hiện nay, có thể đảo  ngược "chết lâm sàng" trong một số trường hợp (CPR: cardiopulmonary  resuscitation).


2. Clinic: phòng khám bệnh tư, phòng ngoại chẩn của một  bệnh viện. Đôi khi một clinic là một cơ quan lớn gồm cả nhiều bệnh  viện, phòng khám, phòng thí nghiệm, ví dụ Mayo Clinic do bác sĩ William  Mayo và các người con mở ra ở Rochester, Minnesota cuối thế kỷ thứ 19,  và hiện nay là một trong những hệ thống chữa bệnh và khảo cứu y khoa lớn  nhất thế giới, nhân viên gồm trên 50,000 người và gần 4000 bác sĩ mọi  ngành. Cleveland Clinic ở Cleveland, tiểu bang Ohio cũng là một bệnh  viện giáo dục y khoa vĩ đại, lợi tức gần 10 tỷ đô la/ năm, và chi nhánh ở  nhiều tiểu bang Mỹ, Canada và Trung Đông. Lúc đầu, chỉ là một phòng  mạch tư của một bác sĩ giải phẫu vào cuối thề kỷ thứ 19.


3. Theo  nghĩa rộng, clinic cũng được dùng trong một số lãnh vực ngoài y tế: như  "legal clinic"chỉ những văn phòng giải quyết, tư vấn về các vấn đề luật  pháp.


4. Ở Mỹ,  người khám và chữa bệnh không phải luôn luôn là bác sĩ y khoa: có những  người chuyên về tâm lý trị liệu (psychologist), nurse practitioner; nhân  viên điều dưỡng được huấn luyện khám bệnh và điều trị, thường dưới sự  giám sát của bác sĩ y khoa, phụ tá bác sĩ "physician assistant" (PA). Từ  "clinician" có lúc được dùng để bao gồm hết các nhóm người có nhiệm vụ  "lâm sàng" khám và chữa bệnh ở trình độ, lãnh vực khác nhau.


5. Trong  bệnh viện Mỹ, sinh viên y khoa được thực hành khám bệnh nhân trong 2 năm  cuối gọi là 2 năm lâm sàng (clinical years, clinical rotations) sau khi  đã hoàn tất 2 năm đầu về khoa học căn bản, gọi là 2 năm tiền lâm sàng  (preclinical years).Các bác sĩ tình nguyện dạy không thù lao cho sinh  viên y khoa và bác sĩ đang thực tập (interns, residents, fellows/ hay  doctors in training) được trường y khoa phong tước vị giáo sư phụ tá  giáo sư (clinical assistant professors), phó giáo sư (clinical associate  professors), giáo sư lâm sàng (clinical professor). Clinical = “lâm  sàng” để phân biệt với ban giảng huấn cơ hữu toàn thời gian, chính quy  (tenure track faculty) ăn lương của trường, nặng về khảo cứu hơn là dạy  học.


Tóm lại, chúng ta có thể dùng định nghĩa của Tự điển Merriam Webster:


Clinical:


1) relating to or based on work done with real patients


2) of or relating to the medical treatment that is given to patients in hospitals, clinics, etc.


3) requiring treatment as a medical problem


4) of or relating to a place where medical treatment is given 5) of or relating to a clinic


Lâm sàng:


1) liên hệ đến hoặc căn cứ trên nghiên cứu trên người bệnh thật.


2) thuộc về hoặc liên hệ đến chữa trị y khoa được cung cấp cho bệnh nhân trong bệnh viện, phòng khám, vv


3) cần được chữa trị như là một vấn đề y khoa.


4) thuộc về hoặc liên hệ đến một nơi ở đó người ta chữa bệnh (trị liệu)


Bác sĩ Hồ Văn Hiền, Source: VOA

(Bài do CH Đỗ Ngọc Thạch chuyển)

bottom of page