DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
NHẤT HÙNG
Rạng sáng 26/10, khoảng 100 máy bay quân sự của Israel, bao gồm F 15, F 16, máy bay tiếp nhiên liệu, trong đó có tiêm kích tàng hình F-35I, tham gia vào chiến dịch không kích Iran. Chiến dịch chia thành 3 đợt, nhắm đến các mục tiêu quân sự của Iran ở Tehran, Khuzestan và Ilam. Cuộc không kích kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ. Giới chức Israel khẳng định, tất cả phi đội máy bay quân sự của họ đã trở về căn cứ an toàn và hoàn thành mọi mục tiêu đề ra.
Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Trung Đông sau một loạt sự kiện, trong đó có việc Israel hạ hàng loạt chỉ huy, lãnh đạo cao cấp của Hamas và Hezbollah, Iran phóng gần 200 tên lửa đạn đạo vào Israel và IDF mở chiến dịch đột kích vào miền nam Lebanon. Israel đã đáp trả bằng một cuộc tấn công “có giới hạn” vào hệ thống tên lửa phòng không của Iran ở Isfahan. Lúc đó, Iran đã quyết định không đáp trả hành động này. Vào tháng 7, Israel đã hạ sát một lãnh đạo cao cấp của Hezbollah trong một cuộc không kích ở Beirut (Lebanon). Một ngày sau, thủ lĩnh chính trị của Hamas, ông Ismail Haniyeh, cũng đã bị hạ sát trong một vụ nổ ở Tehran. Iran cáo buộc Israel là thủ phạm. Cuối tháng 9, Israel ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và Phó tư lệnh IRGC Abbas Nilforoushan ở Beirut. Ngày 1/10, Iran phóng 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, tuyên bố đó là hành động đáp trả cho cái chết của ông Haniyeh, Nasrallah và Nilforoushan.
Iran là quốc gia hậu thuẫn chính của cho một loạt các nhóm hoạt động ở khắp Trung Đông - thường được mô tả là các nhóm ủy nhiệm - những nhóm thù địch với Israel, trong đó có Hamas, Hezbollah và Houthi, các nhóm này đều đang có chiến tranh với Israel.
Khởi đầu chiến dịch, các tiêm kích của Israel tập kích các trạm radar ở Syria để ngăn Iran nhận cảnh báo từ xa, sau đó tấn công mục tiêu quân sự ở nhiều khu vực khác nhau của Iran, trong đó có thủ đô Tehran.
Iran tuyên bố hệ thống phòng không của họ đã đánh chặn thành công các cuộc tấn công nhưng vẫn có những thiệt hại hạn chế…Còn Israel cho rằng đây là ”một lời nói dối”. Iran đã thất bại hoàn toàn, không có vụ đánh chặn nào thành công, tất cả bốn hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Iran đã bị phá hủy. Đây là các hệ thống phòng thủ hàng đầu do Nga cung cấp, có khả năng ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa từ máy bay và tên lửa, là trụ cột của hệ thống phòng không Iran. Mặc dù Israel không nhắm vào các cơ sở dầu mỏ và hạt nhân của Iran, nhưng cuộc tấn công đã gây thiệt hại lớn cho hệ thống phòng thủ quốc gia của Iran. Tại một buổi lễ tưởng niệm vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết cuộc không kích đã “gây tổn hại nghiêm trọng năng lực quốc phòng và năng lực sản xuất tên lửa của Iran để có thể tấn công chúng ta”, ông khẳng định cuộc tấn công được thực hiện “chính xác và mạnh mẽ” và “đạt được tất cả mục tiêu”.
Lãnh đạo tối cao Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei đã lên tiếng rằng, sự kiện này "không nên bị coi nhẹ hay phóng đại", đồng thời quân đội Iran sẽ cân nhắc các bước đi tiếp theo, ám chỉ rằng Tehran có thể sẽ chưa đáp trả ngay lập tức.
Những dấu hiệu ban đầu cho thấy diễn tiến không nghiêm trọng như dư luận từng lo ngại. Nhưng một cuộc tấn công quy mô như vậy thường sẽ đối mặt với những động thái đáp trả quyết liệt tương ứng. Kịch bản dễ xảy ra nhất là Iran sẽ phản ứng bằng một cuộc tập kích tên lửa đạn đạo khác vào lãnh thổ Israel, giống như cách họ đã thực hiện hai lần trong năm nay. Nếu đáp trả Israel mạnh tay, Iran có thể đẩy xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát, nhưng nếu không hành động, họ sẽ bị coi là yếu thế trước đối thủ. Những phát biểu của các lãnh đạo cao nhất Iran cho thấy thế khó mà Iran đối mặt sau đòn tập kích chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự mà Israel tung ra. Nếu quyết định trả đũa trực tiếp bằng biện pháp quân sự, họ sẽ châm ngòi một vòng lặp lại xung đột mới, khiến Israel đáp trả mạnh mẽ hơn và đẩy hai nước tiến gần hơn đến chiến tranh toàn diện. Vì vậy, Iran đã có nhiều dấu hiệu hạ thấp tác động của các cuộc không kích, dù trên thực tế chúng khá nghiêm trọng, chẳng hạn như một tuyên bố có vẻ kiềm chế từ quân đội Iran vào đêm 26/10 được cho là đã tạo ra tiền đề quan trọng để Tehran lùi bước trước vực sâu xung đột, khi cho rằng lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza và Lebanon quan trọng hơn bất kỳ hành động trả đũa nào chống lại Israel. Lựa chọn phương cách trả đũa là một bài toán nan giải cho Iran khi nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế do bị phương Tây cấm vận từ lâu, những hạn chế và khó khăn về quân sự khi các lực lượng vệ tinh của họ như Hamas, Hezbollah…đang bị suy yếu và có nguy cơ tan rã. Ngoài ra kết quả cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tại Hoa Kỳ có tác động rất lớn đến mọi diễn biến ở Trung Đông.
Căn cứ vào phát biểu của những lãnh đạo cấp cao Israel: “chúng tôi nhắm vào những mục tiêu đe dọa Israel trong quá khứ và cả tương lai”. Chiến dịch tấn công của Israel trong đêm 26/10 biết đâu chỉ là “dọn đường” cho một cuộc tấn công khác, có thể sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ, mà mục tiêu lúc ấy sẽ là chương trình hạt nhân hoặc cơ sở dầu khí của Iran.
IDF hạ gục các hệ thống radar, các hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300, S-400 của Iran tạo nên một thay đổi chiến lược. Với kết quả này, Israel đã dọn đường để có thể thực hiện thêm các cuộc tấn công trong tương lai. Lúc ấy, các chương trình hạt nhân và hạ tầng năng lượng của Iran dễ bị hủy diệt nếu Israel quyết định tấn công vào đó.
Chưa biết chính xác năng lực sản xuất tên lửa của Iran đã bị tổn hại đến đâu trong cuộc tấn công. Nhưng cuộc tấn công gửi một tín hiệu quan trọng đến Iran, rằng đầu não của hệ thống sản xuất quốc phòng của Iran hoàn toàn nằm trong tầm tấn công của Israel. Iran rất khó bổ sung các loại hỏa tiễn phòng không tối tân và tối cần thiết như S-300 hay S- 400 vì Nga đang phải ưu tiên cho nhu cầu của họ trong cuộc xung đột với Ukraine.
Khi điều hơn 100 máy bay chiến đấu tấn công Iran, IDF nói trong một thông cáo rằng “chúng tôi đang tập trung vào các mục tiêu chiến tranh ở Dải Gaza và Lebanon. Chính Iran là bên thúc đẩy tình trạng leo thang căng thẳng ở khu vực”. Chính phủ Israel đã cố tình thu hẹp danh sách mục tiêu bị tập kích, chỉ nhắm vào các căn cứ, nhà máy quân sự, không tấn công cơ sở hạt nhân hay dầu khí, đánh vào các hệ thống phòng không quanh một số cơ sở năng lượng nhưng không nhắm mục tiêu vào chính các cơ sở đó nhằm chừa lại đường lùi, giúp Iran dễ dàng có lý cớ không leo thang….giúp Iran "giữ thể diện" và không phải tung đòn đáp trả bằng mọi giá.
Bây giờ quả bóng lại nằm trong chân Iran, cả thế giới lại đặt câu hỏi: Iran có trả đũa Israel hay không?. Nếu có thì bao giờ, ở đâu và mức độ như thế nào?. Nếu Tehran quyết định trả đũa đợt không kích ngày 26/10 một cách quyết liệt, xung đột Iran - Israel có thể leo thang khó lường, thậm chí biến thành chiến tranh toàn diện ở Trung Đông.
Theo dõi diễn biến, ngay từ đầu, truyền thông Iran đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công cho thấy Tehran dường như muốn tránh leo thang hơn nữa, vì vậy nhiều chuyên gia dự đoán Iran sẽ chưa tấn công trả đũa ở thời điểm này.
Mỹ giữ vai trò then chốt trong xung đột Iran và Israel. Mỹ viện trợ vũ khí cho Israel, bật đèn xanh cho Israel không kích Iran và kiềm chế Israel, tránh tấn công vào những mục tiêu “nhạy cảm”. Nhưng chắc chắn Mỹ không muốn chiến tranh bùng nổ lớn, biết không thể chấm dứt tình trạng thù địch của các nước ở Trung Đông nên Mỹ chỉ muốn mọi chuyện vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Trong buổi họp báo sau cuộc không kích của Israel, giới chức cao cấp của chính quyền Tổng Thống Mỹ Joe Biden đề nghị “nên xem vụ này là vụ kết thúc tình trạng bắn qua bắn lại giữa Israel với Iran”.
Có một điều chắc chắn, diễn tiến chiến cuộc Trung Đông, tạm lắng hay bùng nổ tùy thuộc rất nhiều vào kết quả bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào ngày 5/11/24, nghĩa là chỉ còn một tuần nữa mà thôi.
Nhắc lại, tổng thống Hoa Kỳ quyết định vận mệnh thế giới nhưng cử tri Hoa Kỳ quyết định vận mệnh Tổng Thống. Trong đó có cử tri người Mỹ gốc Việt.
Cử tri người Mỹ gốc Việt hãy tham gia bầu cử, quý vị đang quyết định ai là Tổng Thống Hoa Kỳ và thế giới chúng ta đang sống sẽ ra sao.
NHẤT HÙNG