top of page
Banner edge
DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

MƯỜNG GIANG

Ngày nay những luận điệu điêu ngoa láo bịp, bẻ cong ngòi bút của đám truyền thông báo chí phương tây mà phần lớn là Mỹ nhắm vào VNCH đã trở nên lỗi thời, sau khi Bắc Việt công khai xé bỏ hiệp ước ngưng bắn mà chúng đã ký với Hoa Kỳ vào năm 1973. Viết về trận chiến Tết Mậu Thân (1968) Sir R Thompson, nhà bỉnh bút người Anh đã dựa vào lời kể của Dương Quỳnh Hoa, Trần Văn Trà, Hoàng Văn Hoan, Viễn Phương.. viết “Ðây là ý đồ của Võ Nguyên Giáp, muốn tạo sai lầm chiến thuật, để đẩy VC miền Nam vào chỗ chết. Có vậy Hà Nội mới đưa được cán binh Bắc Việt vào Nam trám chỗ các đơn vị địa phương vừa bị QLVNCH và Ðồng Minh tiêu diệt , để dành lấy địa vị độc tôn sau cuộc chiến”.


Sự thật là vậy nhưng hệ thống truyền thông Hoa Kỳ đã đổi trắng thay đen, biến thất bại quân sự của CS tại miền Nam thành một chiến thắng chính trị trên đất Mỹ, gieo sự nghi ngờ tới tầng lớp dân chúng về những công bố của chính phủ trong cuộc chiến VN. Từ đầu năm 1967, Hà Nội đã ban hành nghị quyết số 13, kêu gọi đồng bào miền Nam “đồng khởi” để dành thắng lợi trong một thời gian ngắn. Sở dĩ có hiện tượng này, là vì Ðảng quá tin tưởng vào cảnh rối ren đang xảy ra khắp VNCH nhất là tại Miền Trung, bỉ ổi tới cái độ đem bàn thờ Phật ra đường để biểu tình.Vin vào cảnh loạn ngầu trên, Lê Duẩn kết luận rằng khi phát động cuộc tổng công kích, dân chúng miền Nam sẽ đứng dậy theo chúng và lật đổ chính quyền như họ đã từng làm vào ngày 1-11-1963.


Do ảo tưởng trên, Hà Nội đã chuẩn bị sẵn chính quyền tương lai cho miền Nam bằng cái gọi là “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình” để làm mồi danh lợi câu bọn trí thức khoa bảng phản thùng VNCH. Ðồng thời dùng liên minh trên để thay thế Mặt Trận Ma GPMN đang hấp hối sắp bị tiêu diệt. Ngoài ra Duân còn ban lệnh cho tất cả cán binh bộ đội miền Bắc, thẳng tay tàn sát “ngụy quân” để làm tan rã “ngụy quyền”. Kết quả VC đã gây nên một cuộc tàn sát có một không hai trong giòng sử Việt tại VNCH mà ghê gớm nhất ở cố đô Huế.


Tất cả đều là ảo tưởng vì chỉ có Huế bị giặc chiếm lâu ngày nên đồng bào không chạy thoát được. Những nơi khác tại VNCH kể cả hai thành đồng của “bác” là Phan Thiết và Bến Tre, cũng chẳng thấy ai đứng dây đồng khởi. Ngược lại ở đâu đồng bào đều di tản vào các vùng do QLVNCH trấn giữ, để tránh bị thảm sát vì giặc và bom đạn. VC còn hoang tưởng tới độ cho rằng lính miền Nam đánh thuê cho Mỹ, nên không có lý tưởng do đó sẽ buông súng đầu hàng “cách mạng” chống lại chánh quyền. Nhưng đã không có chuyện gì xảy ra và dù quân số tại hàng rất ít. Thế mà QLVNCH vẫn giữ vững được phòng tuyến và phản công sau đó để chiếm lại hầu như tất cả những lãnh thổ bị giặc cưỡng chiếm ban đầu.


Dịp này Duẩn bắt giam Hoàng Minh Chính, Vũ Ðình Huỳnh, Ðặng Kim Giang.. đồng thời sang chầu Nga, Tàu mua chịu bom đạn súng ống. Riêng Mao tăng viện cho 300.000 quân phòng không và công binh, để giúp phòng thủ đất Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Theo Xuân Sách thì năm 1967, không quân Hoa Kỳ oanh tạc Bắc Việt dữ dội. Kế hoạch tổng công kích Tết Mậu Thân nhằm tấn công thẳng vào VNCH, cũng để giải vây cho Hà Nội.


Tất cả các kế hoạch đột kích miền Nam được chuẩn bị rất chu đáo và bí mật, trong đó có công tác của đội văn công trung ương. Vì quá tin tưởng sẽ chiếm được VNCH nên Duân ra lệnh cho Xuân Sách, Huy Du, Vũ Trọng Hối, Huy Thục, Doãn Nho.. dàn dựng một bản đại hợp xướng với tiêu đề “xuân chiến thắng”, được nữ ca sĩ Kim Oanh hát và thu vào băng nhựa để phát ra khắp miền Nam sau khi chiếm được Sài Gòn vào giờ G.


Nhưng năm Mậu Thân 1968 vĩnh viễn không có giờ G để đám Việt Gian có dịp hát. Vì vậy cuối cùng Ðảng chỉ xài có phần 3 của bảng hợp xướng để tuyên truyền qua tựa “VN trên đường chúng ta đi”. Chính Võ Nguyên Giáp là người đã soạn thảo kế hoạch còn Hồ Chí Minh thì ban lệnh tổng tấn công , qua bài thơ Máu nay vẫn còn:


“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

thắng trận tin vui khắp mọi nhà

Nam-Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên ! toàn thắng ắt về ta”


Giáp cũng là tác giả vụ “đổi lịch mới” từ 1-1-1968, để cho ngày mùng một Tết trên đất Bắc trùng với giờ giao thừa tại miền Nam, hầu đánh lừa dư luận để giữ kín bí mật quân sự. Sau tháng 5-1975, VC khoe thành tích và ăn mừng chiến thắng Mậu Thân hằng năm nhưng năm 1969, khi Giáp được một nhà báo phương tây phỏng vấn, thì cũng chính miệng hắn chối là Hà Nội không hề hay biết gì về cuộc chiến Tết Mậu Thân xảy ra tại Miền Nam. Tư cách của các chóp bu đảng CS là thế đó, nên khi chúng nắm được quyền lãnh đạo đất nước, VN không đói nghèo hèn nhục trước giặc Tàu và thế giới, thì mới là chuyện lạ.


Trong khi đó tại VNCH gần suốt 20 năm hiện diện, dù đang bị chiến tranh triền miên và từ Tổng Thống Diệm tới Thiệu đều bị tố cáo tham nhũng, độc tài. Thế nhưng cả nước đâu cũng có quyền biểu tình xuống đường chống chính phủ, làm báo viết văn phỉ báng cá nhân cấp lãnh đạo không chừa lớn bé nếu thích, chẳng ai làm gì ai vì đó là quyền tự do ngôn luận. Những câu chuyện sử mà sau tháng 5-1975 được viết kể lại để khoe thành tích “nằm vùng, đâm sau lưng người lính trận” của đám Việt Gian như là những vết dao trí mạng của cuộc đời.


Bi thảm nhất là ngay tại thủ đô Sài Gòn vào những ngày lửa đạn người chết nhà cháy, thì một số chùa đình lại là nơi giặc Hồ đặt Bộ Chỉ Huy quân sự, kho chứa súng đạn, hầm dấu người.. Trên tờ Thế Giới Mới số 220 xuất bản tại thành Hồ ngày 20-1-1997, sư Thích Trí Dũng đã khoe thành tích hợp tác với các đặc công trong Biệt Ðộng Ðội VC tại Thủ Ðức như Bùi Kỳ Vân, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Thắng .. để xây dựng các cơ sở bí mật tại chùa Một Cột (Thủ Ðức) và chùa Phổ Quang kế phi trường Tân Sơn Nhất, để nuôi dưỡng và che giấu các tên đặc công thuộc Lữ đoàn 316 Biệt Ðộng Sài Gòn.


Sư Dũng cũng là người chỉ huy trực tiếp các cơ sở bí mật của VC tại Sài Gòn cho tới ngày 1-5-1975. Tàn nhẫn vô nhân đạo nhất là hành động sư đã cạy nắp mồ của Ngô Ðình Cẩn để dấu súng đạn vũ khí bên trong. Trong trận Tết Mậu Thân, chùa Phổ Quang là điểm khai hỏa trong đêm tấn công phi trường cũng như chỗ ẩn nấp của Trần Hải Phụng (Thiếu tướng công an VC) và Trần Văn Bá (chỉ huy đặc công Sài Gòn-Gia Ðịnh).


Trong khi đó chùa Giác Lâm ở Tân Bình (Gia Ðịnh), trong gian thờ Thập Ðiện Diêm Vương là cơ sở hậu cần nuôi chứa cán bộ hoạt động trong thủ đô. Các sư Hồng Hưng, Thiện Thuận đều là VC. Năm 1969 khi Hồ về chầu tổ Mác, chính chùa này đã công khai tổ chức lễ truy điệu cáo vương. Bên cạnh còn có chùa Giác Viên ở đường Lạc Long Quân, quận 11 Bình Thới, cũng là cơ sở hậu cần nuôi giấu cán bộ VC do sư Minh Nguyệt chỉ huy.


MẶT TRẬN SÀI GÒN :


Từ tháng 4-1965, tổ đặc công thành lập tại Sài Gòn, Gia Ðịnh qua bí số T.300 thuộc Quân khu 6 do Ðỗ Tấn Phong chỉ huy, gồm hai tổ A-20 và A-30 nhiệm vụ chuyển vận và chôn giấu vũ khí tại các cơ sở nằm vùng. Dương Long Sang, Sáu Mía, cha con Võ Văn Nhân phụ trách chuyển vận súng ống từ ngoài vào Sài Gòn bằng đường bộ và đường sông. Trước khi mở màn cuộc chiến, VC đã có được 8 hầm bí mật chứa vũ khí tại Sài Gòn gồm nhà Năm Lai ở 287/70 Nguyễn Ðình Chiểu (Gia Ðịnh), Nguyễn Thị Phê số 59 Phan Thanh Giản, Ðỗ Văn Căn số 183/4 Minh Mạng. Riêng Bộ Chỉ Huy Ðặc Công thì đặt tại tiệm phở Bình. Ba Ðen (Ngô Thanh Vân) chỉ huy toán đánh Tòa Ðại Sứ Mỹ, Trần Phú Cương chiếm Ðài Phát Thanh, Lê Tấn Quốc tấn công Dinh Ðộc Lập và Ðổ Tấn Phong đột kích Bộ Tổng Tham Mưu.


Trong khi đó Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Nam của VC, vào những ngày sắp tết đóng tại Ba Thu là một xóm Việt kiều trên đất Miên, sát tỉnh Kiến Tường. Ðây là một gò đất nổi nằm giữa vùng đất trũng đầm lầy giáp với khu Ðồng Tháp Mười, mùa khô nước sông cạn nhưng sát đáy có nhiều bùn lún rất nguy hiểm. Trên bờ kênh có thể đi bộ nhưng cũng rất khó khăn vì đất thịt gồ ghề trơn trợt nếu có mưa. Năm đó VC được lệnh ăn Tết sớm vì lệnh tổng tấn công dự định vào ngày mùng bốn rạng mùng năm. Cũng theo kế hoạch, Ðảng sẽ tổ chức một Tết vĩ đại gọi là Tết Quang Trung tại vườn Tao Ðàn (Sài Gòn để ăn mừng thắng lợi.)


Vì vậy trưa ngày 29 Tháng Chạp âm lịch (28-1-1968), tất cả Bộ đội VC tại Miền Nam cũng như BCH Miền gồm Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Trần Bạch Ðằng (Trương Gia Triều - Tư Ánh) đang lúc chuẩn bị ăn Tết thì nhận được lệnh hỏa tốc của Phạm Hùng (xứ ủy Miền Nam thay Nguyễn Chí Thanh đã chết), qua truyền đạt của Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) “Tổng Tấn Công Miền Nam vào lúc 1 giờ sáng ngày Mùng Một Tết Nguyên Ðán Mậu Thân (31-1-1968).


Vì có lệnh hưu chiến trong ba ngày Tết nên phía VNCH có phần lơ là trong việc phòng thủ, nhất là tại các yếu điểm Ðức Hòa, Bến Lức.. nên VC đã dùng xuồng nhỏ di chuyển quân từ kênh kháng chiến tới kênh Bo Bo rồi vào sông Vàm Cỏ nằm đầy dọc trong các ruộng lúa và dọc bờ sông Bến Lức (Long An). Cuối cùng vào lúc 3 giờ chiều ngày 30 tết, VC đã tập trung tại Bến Cây Dương và gần sáng mùng một mới tới Long Cang. Trong khi đó thì nhiều tỉnh ở Miền Trung và Cao Nguyên, trận chiến đã mở màn do lệnh không thống nhất vì “đổi lịch mới”. Riêng lực lượng chính tấn công vào Tổng Nha CSQG tại Sài Gòn là Tiểu đoàn Long An, từ Tiểu đoàn trưởng xuống tới du kích, theo lời kể của Trần Bạch Ðằng, thì ai cũng đang say rượu. Bộ đội, lệch lạc và kế hoạch như thế, quả thật Võ Nguyên Giáp đã chơi màn thấu cấy sâu hiểm, lùa gọn cán binh Mặt Trận Ma GPMN vào tử địa để QLVNCH và Ðồng Minh tiêu diệt.


Lúc 2 giờ 50 phút sáng mùng một Tết Mậu Thân, đang lúc đồng bào thủ đô đang vui vẻ đón xuân mới vì lệnh giới nghiêm được mở và là thời gian Hưu Chiến, nên quang cảnh ban đêm cũng rộn rịp như ban ngày. Bỗng dưng từ hướng Dinh Ðộc Lập trên đường Thống Nhất, các loại súng lớn nhỏ thi nhau nổ rầm trời, làm thành những cột khói xanh phá tan màn đêm. Tiếp theo là súng đạn nổ khắp nơi gần như bốn phương tám hướng, nơi nào cũng có, át hẳn tiếng pháo nổ đì đẹt. Mọi người túa ra đường coi vì tưởng có đảo chánh. Mãi tới 7 giờ sáng ngày mùng một Tết, đài phát thanh Sài Gòn mới ban lệnh giới nghiêm của Tòa Ðô Chánh và cho biết VC đang tấn công một vài nơi trong thành phố như Dinh Ðộc Lập, Tòa Ðại Sứ Mỹ ở đường Thống Nhất, Ðài Phát Thanh Sài Gòn trên đường Phan Ðình Phùng, BTL Hải Quân ở Bến Bạch Ðằng, Bộ TTM, Ngã Tư Hàng Xanh ngoài xa lộ, Trại Hoàng Hoa Thám của Nhảy Dù, phi trường Tân Sơn Nhất, trại Quân Cụ ở Gò Vấp, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Tòa Ðại sứ Phi Luật Tân ở đường Trương Minh Giảng, Trại Phù Ðổng của Thiết Giáp..


Tại Sài Gòn, VC tấn công 3 đợt bắt đầu đêm mùng một Tết, sử dụng lực lượng Biệt Ðộng Thành F-100 và các đơn vị chủ lực của cục R. do Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Ðức Anh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và Trần Bạch Ðằng chỉ huy. Về phía QLVNCH ngoài lực lượng CSQG, các đơn vị cơ hữu chuyên môn.. còn có Chiến Ðoàn 1 Dù (TÐ 1,6 và từ Vùng 1 về + Liên Ðoàn 5 BĐQ ( TÐ 30,33,34 và 38) và Chiến Ðoàn B/TQLC.


Trong những ngày lửa loạn, bộ mặt Sài Gòn khác hẳn với Huế, Nha Trang, Phan Thiết về cảnh tượng chết thật sự. Tại thủ đô, dù hai bên đang đánh nhau ngập trời máu lửa nhưng ngoài phố lúc nào cũng đông người. Ðó là những nạn nhân chiến cuộc rời bỏ các vùng đang giao tranh để tới các khu an toàn hơn. Sau đó lại phải chạy lòng vòng vì rốt cục chỗ nào cũng xảy ra giao tranh. Ðó là bức tranh vân cẩu của những ngày tết Mậu Thân, ghi lại những khuôn mặt hốc hác đau khổ, bên cạnh xác chết, nhà cháy và sự thắc mắc trong lòng mọi người lúc đó là tại sao VC lại có thể mang được súng đạn vào Sài Gòn nhiều quá vậy ?


Cuối cùng VC cũng bị đánh bật ra khỏi thủ đô, chỉ tội nghiệp cho đồng bào cứ tin theo đài BBC Luân Ðôn với những loan báo trên trời dưới biển, làm cho cả chánh phủ VNCH lẫn Hoa Kỳ phải yêu cầu người Anh cải chánh mãi.


THẢM SÁT TẾT MẬU THÂN TẠI HUẾ :


Tỉnh Thừa Thiên nằm giữa miền Trung VN, có diện tích 5054km2 và dân số tính đến năm 2000 là 1.045.134 người với các quận Phong Ðiền, Quảng Ðiền,Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, A Lưới và Nam Ðồng. Tỉnh Lỵ là thành phố Huế hiện nay có diện tích 380km2 với 209.043 người. Theo Từ Nguyên, Huế là do Hoá tên nôm của Thuận Hóa đọc trại ra nhưng đến nay vẫn chưa tìm được xuất xứ, ngoài tên Huế được đề cập lần đầu, trong bài văn viết bằng chữ nôm “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” của đại đế Lê Thánh Tôn (1460-1497). Là cố đô của nhà Nguyễn (1802-1945), Huế muôn đời vẫn đẹp và thơ mộng, mang nhiều sắc thái tiêu biểu cho dân tộc, nhân chứng của một chặng đường lịch sử, văn hóa, kiến trúc VN, nên trong hội nghị lần thứ 17 tại Cartagena nước Colmbia, vào tháng 12-1993, tổ chức UNESCO của LHQ, đã công nhận Huế là di sản văn hóa của nhân loại cần bảo tồn.


Nghĩ về Huế, dù là địa phương hay kẻ viễn khách, ai cũng đều ưa thích nhưng công trình kiến trúc lịch sử cung điện và lăng tẩm của các tiên vương nhà Nguyễn. Kinh thành Huế do vua Gia Long cho khởi công xây cất từ năm 1805 mãi tới năm 1838 đời vua Minh Mạng mới xong. Ðây là một tòa thành hình vuông, mỗi cạnh 2.223m, bề cao 6,60m, chân thành có hào sâu 4m, phía đông nam sát bờ sông Hương nhìn về phía trước là núi Ngự Bình. Ngoại thành hướng bắc có pháo đài Mang Cá, ngoài ra còn có 10 cửa chính với những vọng lầu cao ngất, dùng để ra vào. Tòa thành được kiến trúc độc đáo, từ kiểu Vauban của Pháp cho tới nghệ thuật xây cất Á Ðộng, biểu hiện nét hoành tráng, lộng lẫy nhưng không kém phần thơ mộng trang đài từ vách thành,vọng lầu,cửa ngọ môn.. cho tới đền đài cung các được chạm trổ, điêu khắc hài hòa trong cảnh trí thiên nhiên tuyệt diệu.


Ngược dòng lịch sử, từ năm 1366 Huế đã là thủ phủ của Ðàng Trong, tức là hai Châu Ô, Rí do vua Chế Mân của Chiêm Thành, dâng cho nhà Trần làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Ðại Việt, từ đó trở thành đất Thuận Hóa. Những gì còn lại của Huế hôm nay chỉ là một phần công trình của cố đô trong đống gạch vụn do Việt Cộng và bọn Việt Gian VNCH tàn phá vào Tết Mậu Thân 1968. Ngoài ra Huế còn nhiều nét tiêu biểu khác như Chùa Thiên Mụ, cầu Trường Tiền, Chợ Ðông Ba, với trường Quốc Học cổ kính nằm cạnh bờ sông với hàng phượng vỹ nở rộ mỗi độ hè về, núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong, hồ Tĩnh Tâm sen nở ngút ngàn và Phú Văn Lâu trơ gan cùng tuế nguyệt.


Nói tới Huế để nhớ về những hình ảnh nổi bật dịu dàng của người dân đất Thần Kinh như mái tóc thề, tà áo dài trắng, chiếc nón bài thơ, những giọng hò, câu hát.. tất cả là những nét đẹp làm Huế miên viễn sống với sông núi thời gian. Ðến Huế để ăn những món vương giả cũng như bình dân tính hơn 600 món vừa chay, vừa mặn, vừa cháo, vừa chè kể cả bánh, mứt và đủ thứ dưa. Ðến Huế đâu quên món bún bò giò heo cọng to rất cay, rồi thì bánh khoái nơi cửa Thượng Tứ, chiều tối đi ăn cơm Âm Phủ, là thứ cơm thập cẩm đặc biệt với món dưa gan làm món chua rất ngon. Cũng đâu quên được cơm hến bến Cồn, một hương vị đặc thù của Huế, giống như nem chua An Cựu, mè xửng và ốc gạo bến Cồn, mực Thuận An và sò huyết Lăng Cô. Cuối cùng nhớ Huế là nhớ đến công trình mở nước vĩ đại của các Chúa Nguyễn Hoàng, Sãi Vương, Hiền Vương, Phúc Chu, Phúc Trú.. cho ta một giải giang sơn gấm vốc tới tận mũi Cà Mau no giàu để con cháu về sau một đời sung mãn. Những đấng Tiên Vương công đức và sự nghiệp ngất cao như núi trên, từ khi VC lên nắm quyền, đã bị chúng hủy diệt, để dành công, dành tiếng và dành địa vị độc tôn yêu nước trong dòng sử Việt.


Từ năm 1967, Hà Nội đã quyết định tổng tấn công VNCH vào những ngày hưu chiến Tết Mậu Thân 1968. Trong số 44 tỉnh, thị tại miền Nam bị đột kích, thì Sài Gòn và Huế là quan trọng hơn cả. Vì trại Lực lượng đặc biệt A-Shau rút đi, nên thung lũng A Shau bị bỏ ngỏ và VC đã lợi dụng dịp này để chuyển một số lớn bộ đội vào tấn công cố đô với sự dẫn đường chỉ lối của đám Việt Gian VNCH tại Huế. Trận chiến mở màn vào sáng mồng hai Tết, nhằm ngày 31-1-1968, bằng hai cánh quân : Ðoàn 6 gồm các tiểu đoàn đặc công K1, K2, K6 và K12 từ phía bắc bên tả ngạn sông Hương, tấn công BTL.SĐ1BB tại đồn Mang Cá, phi trường Tây Lộc, Ðại Nội. Ðoàn 5 gồm các tiểu đoàn K4A, K4B, K10 và K21 từ phía nam, hữu ngạn sông Hương, hợp với Thành đội tấn công các cơ sở hành chánh phía nam. Ngoài ra còn có Ðoàn 9 gồm hai tiểu đoàn 416, 418 hợp với một đơn vị mang tên Ðường 12, tấn công mặt tây.


Cũng nói thêm là VC đã lợi dụng những xáo trộn tại Huế trong các năm 1965, 1966, xâm nhập hoạt động cũng như móc nối dụ dỗ một số học sinh, sinh viên, quá mê thầy mà phản bội lại VNCH. Thật ra mặt trận quan trọng nhất của VC ở Huế là mặt trận chính trị, vì vậy Hà Nội bất chấp máu xương của cán binh và thường dân vô tội, ra lịnh cho đám tàn binh phải cố thủ trong Ðại Nội dù thực trạng bi thảm tuyệt vọng bởi các vòng vây của quân lực Hoa Kỳ và VNCH.


Phụ trách công tác tổng khởi nghĩa, để lập chính quyền cách mạng ở Huế là Hoàng Kim Loan và Hoàng Lanh, đã vào nằm vùng từ lâu trong nhà một giám thị trường Quốc Học là Nguyễn Đóa . Ngoài ra còn có Nguyễn Trung Chính,Nguyễn Hữu Vân (giáo sư trường Âm nhạc kịch nghệ), Phan Nam, Nguyễn Thiết. Ngày 14-2-1968 đài VC phát thanh tại Hà Nội cho biết đã lập xong chính quyền cách mạng tại Huế do Lê Văn Hảo làm chủ tịch, còn Ðào Thị Xuân Yến và Hoàng Phương Thảo làm phó. Ngoài ra còn có cái Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình được Hà Nội nặn ra ngày mồng ba Tết ( 1-2-1968 ) cũng do Lê Văn Hảo, Tiến sĩ giảng sư về nhân chủng học tại Ðại Học Huế và Sài Gòn làm chủ tịch liên minh.


Theo Hảo vì trốn lính, nên 1953 qua Pháp du học và tiêm nhiễm chủ nghĩa cộng sản của Trần Văn Khê, Nguyễn Khắc Viện, nên vào các năm 1965, 1966 dù đang sống trong cảnh giàu sang, chức trọng lại được trốn lính nhưng vẫn tán tận lương tâm, theo VC nằm vùng là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Tôn Thất Dương Tiềm vào MTGPMN và ra bưng cuối tháng 12/1967. Trong Liên Minh Ma này còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thích Ðôn Hậu, Nguyễn Đóa, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân.. Tóm lại mặt trận được chỉ huy tổng quát bởi Lê Minh, Trưởng ban an ninh khu ủy Trị Thiên, còn Tống Hoàng Nguyên và Nguyễn Đình Bảy Khiêm chỉ lo về phần thủ tiêu, giết người vô tội tại Huế. Theo Bảy Khiêm, chính Y đã giết rất nhiều sĩ quan và cán bộ, công chức VNCH bị kẹt tại Huế, cùng các giáo sư người Ðức dạy tại Ðại học Y Khoa, qua chỉ điểm của VC nằm vùng và sau này Lê Minh lẫn Bùi Tín đều xác nhận Việt Cộng đã tận tuyệt tàn sát vô nhân đạo đồng bào vô tội tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968.


Ngay từ đầu, nhờ lợi dụng dịp hưu chiến, nhiều đơn vị cho các quân nhân về nhà ăn Tết, nên VC đã chiếm được hầu hết các cơ sở hành chánh, khu Đại Nội, chợ Ðông Ba, cửa Thượng Tứ, An Hòa, Chánh Tây.. ngoại trừ BTL.SĐ1BB tại đồn Mang Cá, cơ sở MACV, Tiểu khu Thừa Thiên, Ðài phát thanh, Trường Kiểu Mẫu và cầu tàu Hải Quân vẫn do QLVNCH kiểm soát. Ngày mồng ba Tết 1-2-1968, một ngày sau đó, Chiến đoàn Dù với 2 tiểu đoàn 2,7 và chi đoàn 2/7 từ phía bắc vào giải vây Huế. Hai đại đội TQLC cùng 4 chiến xa M48 trong Chiến đoàn X-Ray đóng tại Phú Bài cũng về Huế tăng cường phòng thủ MACV. Chiều ngày mồng 4 Tết, TÐ 9 Dù được trực thăng vận vào chiến trường, từ đây cho tới ngày 12-2-1968, cuộc chiến trở nên khốc liệt bạo tàn với sự tổn thất nhân mạng rất cao của cả hai phía. Cùng ngày đó, Chiến đoàn A Thủy quân lục chiến VN gồm các tiểu đoàn 3, 4, 5 thay thế chiến đoàn Dù, tiếp tục giải tỏa áp lực VC tại sân bay Tây Lộc và Ðại Nội. Ngày 19/2 TQLC mở chiến dịch Sóng Thần 739/68. Ngày 22/2 hai tiểu đoàn 21 và 39 BĐQ được tăng cường tại Huế và VC cũng bắt đầu tháo chạy. Ngày 25/2/1968 Biệt Động Quân chiếm lại Khu Gia Hội, chấm dứt chiến cuộc tại Huế với đổ nát, điêu tàn, nhà cửa, cầu cống, cây cối, đường sá gần như tử địa với xác người nằm la liệt đã sình thối. Tất cả chỉ còn là sự tàn nhẫn, thê lương, từ bàn tay đẫm máu của VC và bọn Việt gian mang đủ loại mặt nạ gây nên. Tóm lại không còn lời nào để đủ viết về Huế đang quằn quại trong lửa máu, giống như những nhịp cầu Tràng Tiền trên Hương Giang đớn đau gãy xập. Hỡi ôi sắt thép, gỗ đá còn biết rơi nước mắt với Huế thê lương, trong khi đó lại có không ít người thản nhiên đứng vỗ tay cười.


Những hành động dã man nhắm vào dân lành tại Huế, làm nhớ tới Nga Sô tàn sát hơn 5000 hàng binh Ba Lan phần lớn là sĩ quan vào tháng 9-1939 tại rừng Katyn ở phía tây thành phố Smolensk, chứng tỏ bản chất hiếu sát vốn tiềm tàng trong máu óc của cộng sản, dù chúng là ai chăng nữa, tất cả đều giống nhau vì cùng chung một tổ, một lò. Trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968, Huế là thành phố bị thiệt hại nặng nhất về nhân mạng cũng như vật chất vì bị VC chiếm đóng lâu dài nhất. Riêng người Huế sỡ dĩ bị tàn sát dã man, theo một số nhân chứng, do VC được chỉ điểm bởi một số nằm vùng địa phương vì thù oán nhau mà trả thù, rồi lại được tự do đi lại trong thành phố nên tự do hành động, nhất là trong khoảng từ mồng hai tới mồng bốn, tha hồ đi từng nhà, lôi từng người ra bắn giết theo ý muốn, đúng với kỹ thuật bắt và thủ tiêu theo KGB và Maoit.


Ðọc lại những trang sử của VNCH từ 1963 tới tháng 4-1975, ngày nay cả thế giới đều công nhận là VC thua VNCH trên mặt trận quân sự nhưng ngược lại chiếm được miền Nam bằng thủ đoạn chính trị, qua phương cách xách động quần chúng, đồng thời vin vào đó mà nặn ra những mặt trận MA như Giải Phóng Miền Nam năm 1960, rồi sau đó là Hội Ðồng Nhân Dân Cứu Quốc do phần lớn cộng sản nằm vùng lãnh đạo như Lê Khắc Quyến, Lê Tuyên, Tôn Thất Hanh, Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Thất Dương Tiềm..


Trong số các hung thần can dự tới bữa tiệc máu tại Huế, dư luận trước sau vẫn nhắm vào Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân. Năm 1966 khi còn là một sinh viên, Nguyễn Đắc Xuân từng tổ chức đoàn “Phật Tử Quyết Tử” quậy nát Huế, sau đó trốn theo VC và trở lại cố đô vào Tết Mậu Thân, phụ trách đội “Công tác thanh niên” và khuyến dụ các quân nhân VNCH bị kẹt, để lập cái gọi là đoàn nghĩa binh.. Trái với dự đoán của cộng sản, dân chúng Huế không hưởng ứng tổng khởi nghĩa, trái lại bỏ trốn sang các khu vực có QLVNCH như Mang Cá, Trường Kiểu Mẫu, Tiểu Khu Thừa Thiên, Bến Tàu, Phú Bài.. Bắt đầu ngày mồng ba Tết, QLVNCH và Hoa Kỳ phản công, ngày 7-2-1968 VC giựt sập cầu Trường Tiền. Ngày 15-2 Quân Ủy cộng sản tại Hà Nội ban lệnh cho VC tử thủ tại Huế, nhưng tình hình càng lúc càng bi đát cho VC nên Lê Minh muốn rút quân. Ngày 23-2 VC bị đẩy ra khỏi Huế, lá cờ VNCH lại tung bay trên kỳ đài ở Phú Văn Lâu.


Nói chung cộng sản tàn sát đồng bào Huế nhiều nhất là tại khu dân cư Gia Hội vì vùng này bị VC chiếm lâu nhất từ ngày mùng 2 Tết đến 22-2-1968 mới được Biệt Ðộng Quân giải tỏa, bởi vậy giặc và Việt gian mới có cơ hội giết nhiều đồng bào vô tội. Cho đến nay không ai biết chính xác số người bị VC tàn sát tại Huế là bao nhiêu nhưng căn cứ vào thống kê số hài cốt tìm được trong một số hầm chôn tập thể sau khi giặc bị đánh đuổi khỏi thành phố, tại các địa điểm Trường Gia Hội, Chùa Theravada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng viện, Quận tả ngạn, Phía đông Huế, Lăng Tự Ðức, Ðồng Khánh, Cầu An Ninh, Cửa Ðông Ba, Trường An Ninh Hạ, Trường Vân Chí, Chợ Thông, Chùa Từ Quang, Lăng Gia Long, Ðồng Di, Vịnh Thái, Phù Lương, Phú Xuân, Thượng Hòa, Thủy Thanh, Vĩnh Hưng và Khe Ðá Mài.. tổng cộng đếm được 2326 xác.


Về câu hỏi tại sao VC tàn sát thường dân vô tội, đến nay Hà Nội vẫn tránh né, còn Võ Nguyên Giáp thì đểu giả hơn khi bị các ký giả ngoại quốc phỏng vấn sau Tết Mậu Thân, đã trả lời là Bắc Việt không hề biết vì đó là chuyện của MTGPMN và VNCH. Theo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thì động cơ cộng sản tàn sát dân chúng tại Huế, ngoài một lý do nhỏ là sự trả thù do hờn oán trước đây giữa cá nhân và cá nhân, thì tàn sát theo kế hoạch phá hủy và làm rối loạn bộ máy cầm quyền của VNCH, điều này đã được ghi lại trong một tài liệu của cán bộ VC, bị SĐ1 Không kỵ Hoa Kỳ bắt được tại tỉnh Thừa Thiên ngày 12-6-1968. Tàn sát để khủng bố và cảnh cáo đe dọa dân chúng đừng tòng quân chống cộng. Tàn sát tín đồ Thiên Chúa Giáo để chia rẽ sự đoàn kết tại miền Nam, tạo sự nghi kỵ giữa các tôn giáo cho tới ngày VC cưỡng chiếm dược miền Nam mới chấm dứt vì VC độc tài đảng trị, cấm biểu tình xuống đường, nên bốn bên bốn phía bình đẳng chịu sống chung hòa bình. Từ đó mới không thấy tự thiêu, tuyệt thực và ra báo chống đối, bêu xấu, hạ nhục chính quyền như cơm bữa thời VNCH. Tàn sát dân chúng để gây tiếng vang với thế giới.


Trong dòng Việt Sử, từ thời Vua Hùng dựng nước cho tới ngày nay, chỉ thấy có ghi lại một cuộc tàn sát tập thể tôn thất nhà Hậu Lý do Trần Thủ Ðộ gây ra vào năm 1232 bằng thủ đoạn cho giựt xập nhà trai đàn, giết chết chừng vài chục người trong tôn thất nhà Lý nhưng hành vi trên dù đã thuộc vào quá khứ, đến nay vẫn bị đời nguyền rủa, dù mặt thật của lịch sử, nếu không có Trần Thủ Ðộ sẽ không có Trần Thái Tông quyết chiến chống quân Mông Cổ xâm lăng Ðại Việt lần thứ 1 với câu nói vang danh thiên cổ : “đầu Ðộ chưa rơi, không thể đầu hàng giặc Mông”. Cũng qua dòng Việt sử, ta thấy kinh thành Thăng Long từ lúc được Vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô vào năm 1010 cho tới thời Pháp thuộc vào năm 1884 đã 10 lần bị giặc Tàu, giặc Chiêm cả Pháp tàn phá chiếm đóng va kinh thành Huế thất thủ năm Ất Dậu 1885 nhưng tuyệt nhiên không thấy nói tới quân ngoại quốc tàn sát người Ðại Việt khi làm chủ thành. Tóm lại dù bị kết tội như thế nào chăng nữa, người Tàu,Chiêm, Pháp cũng còn nhân đạo hơn VC trăm ngàn lần, về cung cách đối xử với thường dân trong chiến tranh.


Ðem các biến cố năm 1885 tại Huế và 1946 ở Hà Nội để so sánh với Mậu Thân 1968 tại Huế, bỗng thấy lạnh mình về những lời chạy tội của tên Ðại Tá VC Bùi Tín, khi trả lời về cuộc tàn sát của VC đối với thường dân tại Huế năm 1968, theo nhận xét của Nguyễn Đức Phương trong Chiến Tranh toàn tập, thi Bùi Tín không biết gì về qui ước Geneve dành cho tù binh chiến tranh, hoặc biết nhưng giả bộ ngây thơ không biết để có lý do bào chữa sự tàn ác dã man của cán binh VC và biết thêm về quan niệm của Hà Nội, luôn qui chụp tất cả những ai chống đối họ, đều bị gán là tù binh với kết quả như Bùi Tín nói là phải được chết để giữ gìn bí mật quốc phòng.


Theo Chính Ðạo trong “Mậu Thân 1968 thắng hay bại” thì sau khi các mật khu bất khả xâm phạm của VC tại Tam Giác Sắt, các chiến khu C-D bị quân Ðội Ðồng Minh và QLVNCH phá tan nát, khiến Nguyễn Chí Thanh trùm cộng sản Hà Nội, chỉ huy Cục R đã phải thay đổi chiến lược tại Miền Nam vào tháng 5/1967, là đưa chiến tranh vào thành phố để cứu nguy cho cán binh và cơ sở VC tại nông thôn đang sắp bị tiêu diệt. Nhưng rồi Nguyễn Chí Thanh đột ngột chết vào mùa thu năm đó và cái chết của Y tới nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng vì có quá nhiều nguồn tin và các cách chết khác nhau từ VNCH, Bùi Tín, Hoa Kỳ và Xuân Vũ , một cán binh VC hồi chánh từng sống hơn 2000 ngày tại Củ Chi và rất thân cận cũng như am tường chuyện thâm cung bí sử của vua chúa VC tại Cục R. Do trên Lê Duẩn ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng,Lê Ðức Thọ, Phạm Văn Ðồng.. cải tiến kế hoạch đột kích của Nguyễn Chí Thanh, thành tổng công kích và thêm vào đó là lập một mặt trận ngoại giao chính trị.


Cũng theo Chánh Đạo, thì việc Trần Ðộ năm 1968 là Phó chính ủy B2, phụ trách tình báo, có địa vị tại cục R rất khiêm tốn so với Phạm Hùng, Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn.. nên dù là một trong những cấp chỉ huy trong mặt trận tại Sài Gòn vào Tết Mậu Thân 1968, cũng chưa chắc được Quân Ủy Hà Nội thông báo các kế hoạch bí mật trong Ðảng và lời tuyên bố không có cơ sở, với ký giả Stanley Karnov năm 1981 rằng phản ứng của Mỹ trong cuộc chiến này, chỉ là sự may mắn không có dự liệu trước. Chỉ vì dã tâm xâm lăng cho được VNCH, mà Hà Nội trong cuộc chiến Mậu Thân đã giết hại hàng chục ngàn người trên toàn quốc và chỉ riêng tại Huế lại chôn sống đồng bào, vậy mà tới nay từ Hà Nội cho tới bọn cộng sản tại Huế vẫn coi như không hề xảy ra một chuyện gì và cũng chẳng có ai nhận trách nhiệm, ngoài việc công khai đổ hết nợ máu cho Lê Văn Hảo, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đóa, Nguyễn Đắc Xuân.


Năm 1998, ngày giỗ chung của gần 100.000 người VN chết trong cuộc chiến cũng là ngày VC ăn mừng chiến thắng Mậu Thân, ca tụng bài thơ của Hồ viết chúc Tết đồng thời cũng là mật hiệu cho cán binh tại miền Nam mở cuộc tiệc máu. Chính Bộ Trưởng quốc phòng Bắc Việt lúc đó là Võ Nguyên Giáp soạn thảo kế hoạch, Phạm Hùng Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Trung Ương Cục Miền Nam chỉ huy trận tổng tấn công, vậy mà cũng chính Võ Nguyên Giáp đã trâng tráo dám nói láo với nhà báo Tây Phương vào năm 1969 là hoàn toàn vô can, vô trách nhiệm. Ðây là một tội danh thiên cổ của VC đã gây ra trong dòng sử Việt, được các sử gia xếp chung với bốn cuộc tàn sát lớn trên thế giới cận đại như vụ quân Nhật tàn sát 300.000 người Hoa tại thành Nam Kinh ngày 13-12-1937, việc Ðức quốc xã giết hàng triệu dân Do Thái trong đệ nhị thế chiến 1939-1945, kế đến là cộng sản Liên Xô tàn sát 15.000 tù binh Ba Lan năm 1940 và Khmer đỏ tàn sát hơn 2 triệu dân lành sau năm 1975 khi chiếm được Cao Mên.


Theo Nguyễn Lý Tưởng, thì những hành động dã man của Việt Cộng, tại Thành Nội và Gia Hội, do cái gọi là Toà Án Nhân Dân được quyết định bởi các chóp bu trong Liên Minh Dân Chủ Hòa Bình, là Lê Văn Hảo, Thích Ðôn Hậu, bà Nguyễn Ðình Chi.. nhưng chủ chốt và dã man tàn bạo vẫn là bọn theo phong trào tranh đấu chống VNCH năm 1966, sau đó theo VC và quay về Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường (giáo sư), Hoàng Phủ Ngọc Phan (sinh viên y khoa), Nguyễn Đắc Xuân (sinh viên sư phạm), Trần Quan Long (sinh viên sư phạm), Phan Chính Dinh hay Phan Duy Nhân (sinh viên).. dẫn an ninh VC như Tống Hoàng Nhân, Bảy Khiêm.. đi lùng bắt bạn bè, thân nhân, các thành phần quân, công, cán, chính VNCH cũng như các đảng phái bị kẹt lại tại Huế.


Hiện nay tất cả những bí mật của lịch sử gần như được khai quật trong đó có cuộc thảm sát thường dân tại Huế năm Mậu Thân. Những tội nhân thiên cổ ngoài bản án của lương tâm, đạo đức và sự nguyền rủa của đời, nên không ngớt tìm đủ mọi cách để biện minh về tội lỗi của mình. Năm 1988, trên báo Sông Hương và được dịch đăng lại trên tờ Newsweek ở Hoa Kỳ, Ðại Tá Bắc Việt Lê Minh, nguyên chỉ huy mặt trận Thừa Thiên-Huế, xác nhận và chịu trách nhiệm về việc tàn sát dân chúng Huế nhưng vẫn đưa ra lý do là lúc đó VC đang ở vào giờ thứ 25, nên không kiểm soát được. Còn thủ phạm chính Hoàng Phủ Ngọc Tường thì đổ thừa cho cục bộ, địa phương chứ không phải tại đảng, vẫn giữ nguyên ý là miền Nam mất vì cách mạng chứ không bị cộng sản quốc tế xâm lăng, và trên hết vào ngày 12-7-1997 Tường công khai chối tội là không tham dự mặt trận Huế, vì lúc đó y đang trốn tại địa đạo trong quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Còn nhân vật bị bia miệng nhắc tới là Hoàng Phủ Ngọc Phan.. mà người Huế tưởng lầm? Lê Văn Hảo hiện đang sống tại Pháp cũng chối tội. Sau rốt chỉ có Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân vì lúc đó gần như là công an, cai tù, chánh án và đao phủ thủ.. nên người Huế ai cũng nhận được, vì vậy phải chịu tai tiếng nhơ nhớp muôn đời.


Ngày nay ai cũng biết Tết Mậu Thân VC thua lớn và Tổng thống Hoa Kỳ là Johnson phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước lịch sử vì đã cố tình tạo nên một lỗi lầm nghiêm trọng về đạo đức, gây tử vong cho nhiều người có thể tránh khỏi nếu được báo trước sự thật.


Tóm lại dù Hà Nội đã chuẩn bị kế hoạch cưỡng chiếm VNCH thật chu đáo, cũng như đã tin tưởng tuyệt đối vào đám Việt gian Miền Nam nhưng cuộc tổng tấn công đã hoàn toàn thất bại về quân sự. Chúng cũng thua VNCH về phương diện đạo đức và chính nghĩa, khi đã tàn nhẫn bất lương xô đẩy hàng trăm ngàn người vào cõi chết, kể cả bắt các thiếu niên đi lính đỡ đạn “sanh bắc tử nam”. Hồ, Duẩn lẫn Giáp đã phỉnh gạt cán binh chết lót đường cho chúng khi nói láo rằng “Miền Nam đã được giải phóng, nên miền Bắc chỉ vào tiếp thu mà thôi”.


Rốt cục cận sử VN chỉ là một canh bài bịp, Hồ và băng đảng VC đã thắng cuộc, đã xây được một nấm mồ tập thể vĩ đại tại Huế và khắp nước suốt cuộc chiến “nồi da xáo thịt” từ 1945 - 1975. Ngoài ra còn phải nói tới cái gọi là “bạo lực cách mạng”. Chính nó mới là niềm vinh quang của đảng. Hỡi ôi đã 41 năm qua rồi nhưng những ai còn sống sót sau cuộc chiến, chắc chắn làm sao quên được cảnh giết người man rợ của VC trong những ngày Tết Mậu Thân 1968.


Mường Giang


bottom of page