top of page
Banner edge
DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

HẠ NGÔN

Trước 75, trường Đh. Vạn Hạnh nằm trên đường Trương Minh Giảng có khoa Báo Chí. Tôi rất thích ngành này, nhưng ông bà cụ bảo phải tránh xa ngành Luật và Báo Chí, vì hai ngành này ác tâm, thất đức, sống trên xương máu con người. Đó là nguyên văn của ông cụ tôi nói với tôi sau khi đậu Tú đôi, chuẩn bị vào đại học.


Không hiểu bắt nguồn từ đâu, nhưng hầu hết các cụ đều nghĩ đám luật sư chuyên lật lọng, đổi trắng thay đen. Một phạm nhân bỗng trở nên vô tội, và ngược lại một người vô tội vẫn trở thành phạm nhân. Còn bọn ký giả sẵn sàng bẻ cong ngòi bút. Một bài báo có thể giết chết sự nghiệp của một người, và cũng một bài báo có thể đưa ai đó lên đài danh vọng. Thành ngữ “nhà báo nói láo ăn tiền” lưu truyền qua nhiều thế hệ sau khi nghề làm báo xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1865. Một ngành dùng cách ăn nói để lươn lẹo. Một nghề dùng ngòi bút để lừa lọc. Nếu đúng như thế thì 2 ngành này thất đức thật.


Sự thật thế nào? Lớn lên với kinh nghiệm trường đời, tôi nhận ra ngành nào cũng có kẻ xấu người tốt. Tất cả đều từ tâm mà ra. Học ngành báo chí, các sinh viên phải qua lớp Luân Lý Báo Chí, dạy về các quy tắc, luật lệ – thành văn và bất thành văn – cầm bút với thái độ không thiên vị, không luồn lách để tìm lợi ích riêng tư. Riêng tại Hoa Kỳ, ngành báo chí hầu như có mặt tại các trường đại học. Nghề báo truyền hình và báo giấy ăn khách trong giới truyền thông Hoa Kỳ. Những ký giả tên tuổi vào cuối thiên niên kỷ qua như Ted Kopple, Connie Chung, Tom Brokaw, Barbara Walters đưa ngành báo chí lên đỉnh cao. Báo giấy cũng khuynh loát thị trường tin tức như Washington Post, Time, Newsweek gồm các ký giả như Christiane Amanpour, Hannah Arendt, James Baldwin, Russell Baker.


Riêng tờ báo có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay là tờ New York Times (NYT).


Phát hành ấn bản đầu tiên vào năm 1851, tính đến nay đã trên 170 năm. Mỗi ngày, hàng trăm tờ báo, đài truyền hình và đài truyền hình cáp trên khắp thế giới đều theo dõi hoặc trích dịch tin tức từ New York Times. Như thế, có phải NYT được xem là tiêu chuẩn vàng của ngành báo chí, nơi mà mọi người tin tưởng tin tức được trình bày cho công chúng một cách trung thực, không thiên vị hay mang thành kiến?


Trên thực tế, câu trả lời là không.


Nhà báo điều tra Ashley Rindsberg xuất bản cuốn The Gray Lady Winked (2021); trong đó ông trình bày những phúc trình sai, bóp méo sự thật và loan tin bịa đặt của tờ New York Times đã làm thay đổi bộ mặt lịch sử như thế nào. Những bài báo trên tờ NYT có tầm ảnh hưởng làm thay đổi cục diện thế giới theo ý họ muốn. Bài viết sau đây điểm qua một vài biến cố tiêu biểu do tờ NYT không đưa cho công chúng những tin tức báo chí khách quan. Thay vào đó, họ tìm cách bóp méo sự thật – và hậu quả là gây ra những hậu quả thảm khốc. NYT cố ý tung tin giả nhằm thu về lợi ích tài chính và phục vụ cho ý thức hệ của chính tờ báo.


Xin quay trở lại năm 1932.


Năm đó nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Ukraine. Từ 5 đến 7 triệu người Ukraine chết đói. Thảm họa không liên quan gì đến thời tiết xấu mà chỉ vì sự tàn bạo của nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin.


Walter Duranty, phóng viên ngoại quốc của NYT ở Moscow, biết tất cả những điều này nhưng lại cố tình che giấu. Trên thực tế, các phúc trình của Duranty phủ nhận trắng trợn là không hề có nạn đói nào cả trong đất nước Ukraine. Các phương tiện truyền thông Mỹ đổ xô lấy tin tức từ nhà phóng viên thượng thặng NYT Duranty. Giới tinh hoa chính trị của Mỹ cũng vậy, bao gồm cả Tổng thống mới đắc cử Franklin Roosevelt, đích thân gặp Duranty để thảo luận về “tình hình” ở Liên Xô.


Không những giới truyền thông Mỹ tung hê Duranty, ông còn có một người khác ngưỡng mộ ông không kém: đó là Josef Stalin. Tên bạo chúa tàn ác hết lời khen ngợi ngôi sao phóng viên của tờ NYT: “Ông làm một việc rất tốt khi đưa tin về Liên Xô… bởi vì ông luôn nói lên sự thật về đất nước chúng tôi.”


Nếu Duranty vạch trần sự thật về Stalin và nạn đói, dân Mỹ sẽ hiểu rõ hơn về bản chất thực sự của Liên Xô, của chế độ cộng sản. Thay vào đó, rất nhiều người bị lừa.


Khi đưa tin về cuộc đàn áp người Do Thái ở Đức dẫn đến Thế chiến Hai, tờ NYT thậm chí còn tệ hơn. Ban đầu, tờ báo từ chối đăng những phúc trình về các trại tập trung. Và cuối cùng khi không thể che giấu được nữa, những bài viết về các trại tập trung được chuyển xuống trang sau; xem như một loại tin không quan trọng. Giới truyền thông Mỹ, trong những năm trước Thế Chiến Hai, cũng xem các trại tập trung là chuyện nhỏ. Một lần nữa, tờ NYT dẫn đầu và lèo lái giới truyền thông Mỹ dễ dàng. Một khi tờ NYT xem chuyện diệt chủng dân Do Thái là chuyện không quan trọng, thì giới truyền thông ở Mỹ cũng xem đó là chuyện nhỏ.


Năm 1957, tờ NYT đi ngược quan điểm này. Nó biến một chuyện nhỏ – một cuộc nổi loạn ở Cuba – thành một chuyện lớn. Trong quá trình đó, NYT đã góp phần phá hủy cả một đất nước.


Phóng viên Herbert Matthews của tờ NYT, lần mò tìm ra một kẻ nổi loạn gần như bị đánh bại mang tên Fidel Castro đang ẩn náu trên một ngọn núi. Matthews xin được phỏng vấn và ông viết một loạt bài báo đăng trên trang nhất của tờ NYT ca ngợi Castro là vị cứu tinh dân chủ của Cuba. Tờ NYT dễ dàng biến nhà cách mạng – tả tơi như chiếc mền rách – theo chủ nghĩa Mác-xít thành một ngôi sao quốc tế. Thật không ngoa khi nói chính NYT tạo ra Castro, chính NYT đánh bóng tên tuổi Castro, và chính NYT đưa Castro lên ngôi vị tổng bí thư của đảng cộng sản Cuba. Nếu không có sự hỗ trợ của NYT, cuộc cách mạng Cuba xem như thất bại, hoặc ít nhất chưa hẳn thành công dễ dàng như đã xảy ra.


Một hiện tượng tương tự đã diễn ra vài năm sau đó ở Đông Nam Á. Lần này thay vì biến côn đồ thành anh hùng, tờ NYT lại biến nhân vật anh hùng thành kẻ côn đồ.


Với sự ủng hộ của tay chủ bút, David Halberstam – một phóng viên trẻ tuổi, thô lỗ và xấc xược của NYT – quả quyết rằng nhà lãnh đạo dân cử của miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm là một kẻ máu lạnh, giết người điên cuồng không gớm tay. Bị cuốn hút vào quan điểm cánh tả đang thịnh hành vào thời điểm đó là các nỗ lực chiến tranh của Mỹ đều vô đạo đức, và những người cộng sản Bắc Việt mới là những kẻ đấu tranh cho tự do thực sự, Halberstam viết một loạt các loại bài nhằm bôi nhọ và hạ bệ TT Diệm. Bài báo gây nguy hại trầm trọng nhất cho nền Cộng Hòa non trẻ của miền Nam là loạt bài Halberstam lên án chính phủ Ngô Đình Diệm thẳng tay tàn sát 30 tu sĩ Phật giáo đang phản đối chính sách của ông.


Thật sự chuyện này không hề xảy ra. Trong những năm đầu nắm quyền, TT Diệm đã ủng hộ và tài trợ để xây nhiều ngôi chùa tại miền Nam. Halberstam viết báo lên tiếng tố cáo hoàn toàn dựa trên các nguồn tin ẩn danh và nghe ngóng các tin đồn. Sau đó, khi một nhóm được Liên Hợp Quốc gửi đến để điều tra các vụ giết người, họ phát hiện tất cả các Phật tử “bị sát hại” đều còn sống và khỏe mạnh.


Tất nhiên, đến lúc đó, tai hại đã xảy ra rồi và không cách gì cứu chữa được nữa. TT Diệm không thể nào khôi phục danh tiếng của ông. Không lâu sau, ông bị ám sát và nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ. Bất chấp tất cả những khiếm khuyết của chế độ cộng hòa non trẻ, TT Diệm vẫn là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, liêm khiết, và trung kiên. Điều này được minh chứng vào những năm tiếp theo của miền Nam, vẫn không có một vị lãnh đạo nào tương xứng với TT Diệm. May mắn là dân miền Nam còn hưởng nền dân chủ tự do thêm mười năm nữa.


Hiện tại, tờ NYT đang tuyên truyền lời dối trá tai hại nhất từ trước đến nay – rằng nước Mỹ bắt nguồn từ chế độ nô lệ chứ không phải tự do. Đây là chủ đề chính của Dự án 1619.


Các nhà sử học khắp nơi thẳng thắn bác bỏ những tuyên bố cốt lõi của các loạt bài viết. Nhưng thật khó thay đổi lời dối trá này, vì tờ NYT ngày càng tung ra những lý luận để biện hộ cho Dự án 1619, vận động các khu học chánh trên khắp đất nước thay thế chương trình giảng dạy lịch sử của họ bằng những lời vu khống trắng trợn qua Dự án 1619.


Tôi chỉ nêu ra một vài ví dụ về hành vi nghiêm trọng của NYT. Nếu muốn biết rõ sự lạm dụng quyển tự do báo chí của NYT, quý vị nên tìm đọc cuốn sách trên để thấy thủ đoạn của NYT, cố ý bóp méo và bịa đặt và làm thay đổi hoàn toàn lịch sử như thế nào. Tất cả đều vì ích lợi riêng tư và quảng bá ý thức hệ cánh tả do chính họ vun trồng và theo đuổi.


Tờ báo có ảnh hưởng nhất thế giới không xứng đáng với sự tin tưởng của quý vị. Lúc nào họ cũng rêu rao tính khách quan nhưng sự thật chỉ làm tăng thêm tính dối trá của nó. Thế lực của tờ NYT ngày càng mạnh nhờ sự thông đồng với nhóm tinh anh chính trị.


Không riêng gì tờ NYT, chúng ta phải cẩn trọng với giới truyền thông cánh tả. Cần tránh xa chúng, và nếu nghe thì nên tìm hiểu, đồng thời vận dụng kiến thức riêng của mỗi người để chọn lọc, sau đó kiểm chứng bằng cách tiếp cận với những nguồn thông tin khác để so sánh, đối chiếu.


Nguồn: Can You Trust the NY Times? | PragerU


bottom of page