DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
TRẦN TRUNG CHÍNH
Luận đề= mệnh đề hay học thuyết coi là đúng và đưa ra để bảo vệ bằng luận cứ.
Cũng có thể xem luận đề như là một đề tài để thảo luận chung và bàn luận cũng như cùng nhau góp ý trên diễn đàn.
Mốc thời gian tính từ 30 tháng 4 năm 1975 đến nay cũng suýt soát gần 50 năm và mối ưu tư của nhiều người Việt hải ngoại là số lượng người Việt tại Hoa Kỳ không thôi cũng đã gần tới 2 triệu người mà tình trạng thiếu đoàn kết hầu như không có, thí dụ: tất cả các tỉnh thành của VNCH từ Quảng Trị đến Cà Mau đều có “boat people” nên sau khi ổn định cư trú tại hải ngoại thì người Việt đã thành lập các Hội Ái Hữu các tỉnh địa phương gốc gác của mình. Ngay dân địa phương của quận Dầu Tiếng (một quận của tỉnh Bình Dương – nơi có đồn điền cao su Michelin) cũng thành lập được Hội Ái Hữu Dầu Tiếng, huống hồ các tỉnh thành lớn như Huế và Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang – Khánh Hòa, Pleiku, Ban Mê Thuột, Đà Lạt – Tuyên Đức, Bình Thuận, Phan Rang, Biên Hòa, Vũng Tàu, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng – Ba Xuyên, Châu Đốc, Long Xuyên, Vĩnh Long, Kiên Giang…v…v…là đương nhiên phải có. Nhưng Đô Thành Sài Gòn, thành phố có dân số đông nhất của VNCH, có số người “boat people” đông nhất, có nhiều thành công về kinh tế, về thành công trong uy thế chính trị và cũng nhiều người đạt được thành quả học vị nhiều hơn các tỉnh thành khác. Nhưng người viết chớ hề thấy Hội Ái Hữu Sài Gòn được thành lập.
Tại sao? Không người Việt hải ngoại nào có được lời giải thích thỏa đáng. Suy diễn ra nếu không có Hội Ái Hữu Sài Gòn thì cũng không thể có được Ban Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam đúng nghĩa (như Cộng Đồng người Cuba ở tiểu bang Florida là một thực lực chính trị có trọng lượng rất đáng kể). Người Việt hải ngoại thường có thói quen “đổ thừa” cho NQ 36 của VC làm phân hóa “Cộng Đồng”, hay lũng đoạn sự đoàn kết cộng đồng hoặc “vô hiệu hóa” các hoạt động chống VC của cộng đồng người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản. Nghị Quyết 36 có từ 2006, vậy sự thiếu đoàn kết từ trước 2006 chắc chắn xuất xứ từ các lý do khác!
Nạn “sứ quân” xảy ra khắp mọi nơi, phải chăng giai đoạn THẬP NHỊ SỨ QUÂN của thế kỷ thứ 10 của nước ta sau khi nhà vua NGÔ QUYỀN qua đời đã được tái lập tại hải ngoại trong hậu bán thế kỷ 20 và vẫn còn tiếp diễn qua thế kỷ 21? Như vậy chúng ta phải cần một VẠN THẮNG VƯƠNG ĐINH BỘ LĨNH để dẹp tan nạn “sứ quân” chăng?
Người Anh – Mỹ ,người Pháp… chỉ có chữ respect để chỉ “kính trọng”, nhưng người Việt còn có chữ PHỤC (nhưng tôi không biết tiếng Anh, tiếng Pháp…có động từ nào tương đương với chữ PHỤC) trong đó người Việt đã biết thế nào là KHẨU PHỤC và TÂM PHỤC. Sau đây chỉ là nhận xét của cá nhân người viết: “nếu cá nhân ai đó có TÀI hơn những người xung quanh một chút thôi thì những người xung quanh sẽ ghen tỵ và nhiều khi đưa tới đụng chạm cá nhân vì hiềm khích. Nhưng nếu cá nhân đó có TÀI NĂNG và ĐỨC ĐỘ vượt trội mà những người xung quanh biết rằng họ không thể vượt tới được, thì như vậy trong trường hợp hiếm hoi này mới có hiện tượng PHỤC SÁT ĐẤT xảy ra”. Mà người Việt Hải ngoại sau khi rời VN trốn chạy VC dù đến Hoa Kỳ , Pháp, Canada, Australia…v…v…thì không có cá nhân nào có KHẢ NĂNG và ĐỨC ĐỘ vượt trội cho nên những người xung quanh chưa PHỤC, vì vậy hiện tượng “SỨ QUÂN” xảy ra đều khắp và liên tục.
Một nhận xét nữa có tính cách cá nhân của người viết: “Việt Nam là một xứ nhiệt đới mưa nắng 2 mùa, lại chuyên canh trồng lúa, nên nếp suy nghĩ của người Việt ảnh hưởng bởi sinh hoạt của một nông dân nghĩa là làm việc từ A đến Z (mọi khâu sản xuất) một mình không cần nhờ ai giúp cả”. Trong khi các xã hội Âu Mỹ được cơ khí hóa và kỹ nghệ hóa từ hơn 400 năm nay, do đó công nhân bất cứ ngành nghề sản xuất nào cũng cần hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp của các ngành nghề khác. Do đó danh xưng TEAM WORK đúng ý nghĩa với xã hội Âu Mỹ hơn là đúng với xã hội Việt Nam.
Học giả Đào Duy Anh đã định nghĩa NGƯỜI QUỐC GIA là NGƯỜI ĐẶT QUYỀN LỢI CỦA QUỐC GIA và TỔ QUỐC LÊN TRÊN HẾT, TRÊN CẢ QUYỀN LỢI CỦA ĐẢNG PHÁI, CỦA PHE NHÓM , CỦA THÂN TỘC, CỦA GIA ĐÌNH VÀ CỦA CÁ NHÂN MÌNH.
Các thành phần người Việt hải ngoại trốn chạy VC có nhớ tới trường hợp Trọng Thủy – Mỵ Châu hay không? Đã thế lại chưa bao giờ đọc tới định nghĩa của học giả Đào Duy Anh nên ra hải ngoại mà vẫn quy phục các lãnh tụ nêu cao học thuyết “Đạo Pháp và Dân Tộc” tức là đặt quyền lợi phe nhóm của mình lên trên cả quyền lợi của Quốc Gia và Tổ Quốc thì làm sao có thể tập họp được những người yêu nước chân chính? Hãy nhớ lại bài thơ ANH HÙNG VÔ DANH của thi sĩ ĐẰNG PHƯƠNG-NGUYỄN NGỌC HUY thuở thiếu thời chúng ta đã học vào những năm 1950 – 1960: con dân Việt Nam làm nên lịch sử vì dám hy sinh quyết tử để Tổ Quốc quyết sinh kia mà.
Những tên “ngụy hòa” và tay sai VC thường hay rêu rao những người Việt hải ngoại thường ôm ấp quá khứ rồi “chống Cộng cực đoan” nhưng chúng quên không nhắc đến nguyên tắc căn bản của VC là TRÍ – PHÚ – ĐỊA – HÀO, ĐÀO TẬN GỐC TRỐC TẬN RỄ cũng như bọn ngụy hòa và tay sai cũng cố tình không dám nhắc tới nguyên lý chủ đạo của VC là THÀ GIẾT LẦM HƠN THA SÓT.
Cho nên Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại phải vô hiệu hóa bọn tay sai VC đó đi, dĩ nhiên không thể sử dụng phương pháp khủng bố, bức hại đến sinh mạng của người ta …nhưng có lẽ giải pháp tẩy chay và cô lập hóa những phần tử này là giải pháp khả thi và tương đối hữu hiệu nhất trong phạm vi luật pháp các quốc gia sở tại mà người Việt hải ngoại trú ngụ. Thí dụ minh họa: Hoa Kỳ thiết lập bang giao với chính quyền VC từ 1995 (dưới thời của Tổng Thống Bill Clinton), nhưng lá cờ đỏ sao vàng cũng vẫn quanh quẩn trong khuôn viên Tòa Đại Sứ VC ở Washington D.C., riêng Lãnh Sự Quán của VC ở San Francisco, chủ building (mà văn phòng Lãnh Sự Quán thuê làm trụ sở) không cho phép treo lá cờ máu vì sợ người Việt biểu tình phản đối khiến cho các văn phòng của các cơ quan khác bị trở ngại business của họ.
Thí dụ minh họa thứ hai: năm 2006 khi cộng đồng người Việt hải ngoại đi biểu tình chống đối phái đoàn VC do Thủ Tướng Phan Văn Khải cầm đầu tại thành phố biển Dana Point ở Nam Cali, một người Hoa gốc Đài Loan khen ngợi cộng đồng VN giữ vững lá cờ vàng ba sọc đỏ không cho lá cờ máu của VC phát triển ra ngoài, trong khi vào năm 1971 khi Hoa Kỳ tuyên bố bang giao với Trung Cộng thì cờ đỏ của Trung Cộng bay phất phới khắp nơi. Người Hoa gốc Đài Loan này đã hỏi Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu (khi đó đang đứng trong đoàn biểu tình) có thể giải thích nguyên do. Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu trả lời: “ Ở San Francisco và Los Angeles, người Trung Hoa Taiwan sống chung cạnh người Trung Hoa Lục Địa không có xung đột, ngày 1-10 người Trung Hoa Lục Địa treo cờ đỏ mừng ngày “Quốc Khánh của Trung Cộng”, tới ngày Song Thập 10 tháng 10 người Trung Hoa Taiwan treo cờ “ Thanh Thiên Bạch Nhật” mừng ngày “Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc” , đó là quyền tự do chính trị của mỗi người vì Trung Hoa Lục Địa và Taiwan là 2 quốc gia riêng biệt cách nhau eo biển Taiwan, chính quyền Trung Cộng không thể gây thù oán với người dân Taiwan được. Trong khi chính quyền VC sau khi chiến thắng VNCH đã gây thù oán với tất cả mọi thành phần dân chúng của VNCH, nên người ta phải đào thoát ra khỏi quê hương của chính họ, biết bao thảm cảnh đã xảy ra đối với “Boat People Việt Nam” cho nên dân Việt tỵ nạn Cộng Sản chống đối lá cờ máu và bọn VC tới cùng. Điển hình là cuộc biểu tình vĩ đại của Cộng Đồng người Việt tại Orange County với sự trợ lực của các địa phương lân cận vào tháng 2 năm 1999 để chống lá cờ máu và tên tay sai của VC là Trần Trường khiến giới truyền thông báo chí Hoa Kỳ và cả chính giới của Hoa Kỳ ngạc nhiên vì con số người tham dự cuộc biểu tình quá đông có thể lên tới khoảng 50,000 người.”
Nhiều nhà hoạt động cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như các ứng cử viên người Việt ra tranh cử tại nhiều địa phương khác nhau trên nước Mỹ đều nhận định là Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại thiếu đoàn kết, người viết cho rằng đó là những nhận xét chỉ căn cứ trên “hiện tượng” mà không suy xét vào “bản chất” của vấn đề ĐOÀN KẾT và THIẾU ĐOÀN KẾT (tôi không sử dụng nhóm từ CHIA RẼ vì Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại chưa bao giờ Đoàn Kết thì làm sao có sự Chia Rẽ cho được). Một thí dụ được đưa ra sau đây có vẻ là “đùa bỡn” nhưng không sai với thực tế:
“Đoàn Kết thì mau chết chùm và chết một lúc. Chia Rẽ thì cũng chết, nhưng chết lai rai và chết rải rác không cùng một lúc”. Như vậy theo sự phán đoán của tôi sự THIẾU ĐOÀN KẾT CỦA NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI chủ yếu là vì chúng ta không có được LÃNH TỤ KIỆT XUẤT.
Năm 2016, cá nhân người viết được nhà báo Huỳnh Lương Thiện mời tham dự buổi thuyết trình của Thượng Tọa Thích Giác Đẳng từ Texas qua San José (phái đoàn có cả Luật Sư Đỗ Thái Nhiên – một lý luận gia hậu duệ của Duy Dân Quốc Dân Đảng theo yểm trợ, nhà báo Trương Sĩ Lương của Dallas – Texas…). Sau một giờ trình bày vấn đề của Giáo Hội Phật Giáo Hải Ngoại, trong giờ giải lao, tôi hỏi thẳng anh Huỳnh Lương Thiện là anh “đánh giá” Thượng Tọa Thích Giác Đẳng là Minh Quân hay Sứ Quân dù ông nói chuyện rất lưu loát và ý nhị. Ngần ngừ vài phút, anh Thiện nói anh nghĩ Thượng Tọa Thích Giác Đẳng chỉ là Sứ Quân chứ chưa đủ kích thước bước lên hàng Minh Quân. Từ 2016 đến nay đã 6 năm, tình trạng của Giáo Hội Phật Giáo vẫn nằm trong tình trạng Sứ Quân y như tình trạng của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại.
Cũng trong giờ giải lao, một nhóm huynh trưởng GĐPT lên trình bày âm nhạc để giúp vui, tôi đặc biệt chú ý đến bản nhạc DẬY MÀ ĐI, thuở còn sinh viên Sài Gòn những năm 1967 cho đến 1972, tôi đã tham dự khá nhiều sinh hoạt ca hát của Miên Đức Thắng, Trịnh Công Sơn - Khánh Ly, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng…thì cảm nghĩ của tôi là Trịnh Công Sơn làm bản DẬY MÀ ĐI để khích động đám sinh viên non trẻ của chúng tôi ĐI VÔ BƯNG THEO VIỆT CỘNG.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, trong đa số đám sinh viên chúng tôi ĐI VÔ TÙ CẢI TẠO, số còn lại thì TÌM ĐƯỜNG VƯỢT BIÊN nên chúng tôi rất “dị ứng” với những NỐI VÒNG TAY LỚN, DẬY MÀ ĐI… Chúng tôi đã nghêu ngao hát nhạc chế trong tù như là:
Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, còn tay kia thì dắt con cầy….
Tôi bày tỏ ý kiến với anh Huỳnh Lương Thiện, DẬY MÀ ĐI không quan trọng bằng ĐI ĐÂU? Anh Huỳnh Lương Thiện hỏi sao vậy? Tôi mượn lời hát của một bản nhạc khác của Trịnh Công Sơn để trả lời: “nếu không biết đi đâu thì TCS nói ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT, tức là lại trở về chỗ cũ ngồi tiếp tục!!!”
Trở lại vấn đề Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại thiếu LÃNH TỤ KIỆT XUẤT, người viết cho rằng sự việc xuất phát từ những nguyên nhân khách quan:
1/Quan niệm giáo dục của các gia đình Việt Nam đã quá chú trọng về việc đạt thành tích học vấn cá nhân để được đi du học ngoại quốc, để được trúng tuyển vào các phân khoa thi tuyển…hầu sau này có được tương lai tốt, nhưng lại quá lơ là về các sinh hoạt cộng đồng…nghĩa là thiếu sự vị tha mà chỉ nổi bật phương diện vị kỷ nên ra hải ngoại rất khó tập họp được tha nhân ủng hộ mình.
2/Thời niên thiếu, rất ít sinh viên học sinh được gia đình khuyến khích tham gia tổ chức HƯỚNG ĐẠO. Khẩu hiệu SẮP SẴN của HƯỚNG ĐẠO là tập cho con người “chuẩn bị sẵn sàng” đối phó với mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống. Đoàn thể HƯỚNG ĐẠO cũng dạy cho cá nhân biết tinh thần tập thể và tương trợ lẫn nhau, thiếu tinh thần “chuẩn bị sẵn sàng” và thiếu tinh thần tương trợ lẫn nhau thì rất khó thành công trong công việc Lãnh Đạo Cộng Đồng.
3/Những người gia nhập các trường huấn luyện các sĩ quan Hiện Dịch và Trừ Bị cho 3 quân chủng Hải Lục Không Quân dễ thành công trong việc Lãnh Đạo Chỉ Huy vì họ được dạy nguyên tắc TRƯỚC KHI BIẾT RA LỆNH, PHẢI BIẾT TUÂN LỆNH. Họ có tinh thần đồng đội (qua thành ngữ Huynh Đệ Chi Binh), họ có tinh thần Kỷ Luật Tự Giác và LÀM GƯƠNG TỐT CHO THUỘC CẤP NOI THEO. Nhưng thành phần thứ ba này, theo thời gian và tuổi tác sẽ tàn lụi dần. Tuy nhiên thế hệ sau này dù không có cơ hội gia nhập các quân trường, nếu muốn trở thành những LÃNH ĐẠO CỘNG ĐỒNG phải nên tự luyện các đặc tính vừa nêu.
Người viết đưa ra hình ảnh minh họa của QUANG TRUNG HOÀNG ĐẾ để chứng minh thế nào là một LÃNH TỤ KIỆT XUẤT của lịch sử Việt Nam:
A. Có tầm nhìn chính trị bao quát toàn lãnh thổ và dám gánh trách nhiệm đánh đuổi ngoại xâm với chiến công đánh tan 200,000 quân xâm lược của nhà Thanh do Tôn Sĩ Nghị lãnh đạo. Thái Đức Hoàng Đế Nguyễn Nhạc giao cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ bình định 3 tỉnh phía bắc đèo Hải Vân là Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình (là đất đai của chúa Nguyễn). Nhưng Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc 3 lần để dẹp tan những bất ổn chính tri trên đất Bắc như Nạn Kiêu Binh, Nguyễn Hữu Chỉnh mưu toan ly khai, Vũ Văn Nhậm lộng quyền…khiến vua Lê Chiêu Thống phải sang Tàu cầu viện nên nhà Thanh viện cớ sang giúp Lê Chiêu Thống để xâm chiếm nước ta.
B. Trước khi đem quân ra Bắc, Bắc Bình Vương lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Quang Trung và tuyên cáo cũng như tế lễ với trời đất ở thành Phú Xuân (Huế sau này), điều đó có nghĩa là dân chúng 6 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa theo Quang Trung Hoàng Đế ra Bắc để tham dự chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược nhà Thanh, chứ không phải là theo một sứ quân này ra Bắc đánh nhau với 1 sứ quân khác (nội chiến).
C. Điểm binh tại Đèo Tam Điệp, Quang Trung Hoàng Đế chỉ có 100,000 quân và 100 thớt voi, đây là đoàn quân ô hợp vì thiếu quân trang quân dụng và thiếu cả vũ khí. Nhưng với thiên tài quân sự, Quang Trung Hoàng Đế đã tốc chiến tốc thắng, cường tập tấn công vào những chỗ hiểm yếu khiến các tướng lãnh của quân Thanh như Sầm Nghi Đống, Hứa Thế Hanh…phải tự tử hay bị giết và ngay chính Nguyên Soái Tôn Sĩ Nghị phải tháo chạy không kịp mang thư từ ấn tín…
D. Người viết gọi Quang Trung Hoàng Đế là LÃNH TỤ KIỆT XUẤT vì ông không chờ sự ĐOÀN KẾT CHÍNH TRỊ của NHÀ TÂY SƠN, cũng như sự ĐOÀN KẾT CHÍNH TRỊ của ĐẤT BẮC HÀ, lại cũng không chờ có được số quân cần thiết để mở cuộc tiến công ra Bắc…Vậy mà ông đánh đuổi 200,000 quân Thanh phải chạy trối chết vượt thoát về Tàu chỉ trong thời gian rất ngắn.
Nêu ra trường hợp điển hình của Quang Trung Hoàng Đế không có nghĩa là chúng ta mong chờ một LÃNH TỤ KIỆT XUẤT từ trên trời rơi xuống, sự mong chờ đó chỉ có trong ý nghĩ và ước mơ mà thôi. Người viết đề nghị một phương cách khả thi mà các Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại tại các thành phố ngụ cư hay các cấp tiểu bang tại Hoa Kỳ hay Canada, Australia, Pháp, Đức…có thể thực hiện được.
Trong khi quan sát các cuộc biểu diễn của các đoàn xiệc hay một nhóm các vận động viên múa dẻo, người viết nhận thấy người diễn viên được đưa lên cao thường là người nhỏ con, nhẹ cân nhất, dẻo dai nhất, giữ thăng bằng khéo léo nhất, thân hình mảnh mai nhất, có khuôn mặt rất khả ái và nụ cười tươi vui nhất. Dĩ nhiên các cameramen đều quay ống kính vào diễn viên này nhiều nhất, khán giả cũng chú ý vào diễn viên này nhất và đương nhiên các hãng quảng cáo cũng sẽ mời mọc diễn viên này nhiều nhất (nghĩa là make money nhiều hơn các diễn viên viên kia). Nhưng Ban Giám Khảo chấm điểm là trao huy chương (Vàng , Bạc , Đồng) cho toàn đội và ngay chính diễn viên lên cao nhất này cũng thừa hiểu là nếu không có những bạn diễn làm nền (base) cho mình bước lên biểu diễn thì làm sao có được kết quả mỹ mãn được.
Người Lãnh Tụ Cộng Đồng có nhiều điểm tương đồng với diễn viên được đưa lên cao nhất, do đó Ban Lãnh Đạo Cộng Đồng phải có tinh thần TEAM WORK như tập thể các diễn viên múa dẻo vừa nói ở phần trên. Nghĩa là câu nói CÁ NHÂN PHỤ TRÁCH, TẬP THỂ CHỈ HUY chứ không phải Người Lãnh Tụ là kẻ kiêu ngạo, tự coi là mình có “Thiên Mệnh Lãnh Tụ” bắt buộc những người khác phải tuân theo mệnh lệnh của Lãnh Tụ ban ra, và có quyền ban ân huệ cho người mình yêu thích.
Người viết năm nay đã 72 tuổi, cũng không thể tìm thấy trong thế hệ của mình có tinh thần TEAM WORK nên đã không tham gia các hội đoàn, đảng phái, hay đoàn thể chính trị nào. Bài viết này cũng có tác dụng rất hạn chế vì hiện nay rất ít người chịu đọc sách báo, phần lớn chỉ tham gia facebook VÀ chỉ đọc và nghe theo những chương trình mà người ta thích nghe mà thôi. Sự hiểu biết và hành động TEAM WORK phải do tinh thần tự nguyện và dấn thân tích cực chọn lựa (bây giờ người viết lại hay thấy đám đông theo hùa nhiều hơn là suy nghĩ chín chắn). Nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn ở các thế hệ tiếp nối.
San José ngày 27 tháng 9 năm 2022
Trần Trung Chính
Trích Dẫn
ANH HÙNG VÔ DANH
Tác giả: Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là những kẻ muôn nghìn năm thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một giải sơn hà gấm vóc.
Họ là kẻ không ngại đường hiểm hóc
Không ngại xa, hăng hái vượt trường sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam tiến mở giang sơn lớn rộng.
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc.
Trong chiến đấu, không ngại muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan
Người thất cơ thành thịt nát tan xương
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cản, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc dời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vàng, bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non song
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống VIỆT.