DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
HOÀNG MẠNH HẢI
Đề tài này tôi đã viết rải rác mấy lần, hôm nay muốn tổng hợp lại và post lên. Các bạn thử tham khảo và kiểm tra lại bản thân xem mình có phải là một “Chân trí thức” không, nếu xét trên ba điểm quan trọng: Kiến thức, Tư cách và Trách nhiệm với đất nước.
1. KIẾN THỨC:
Kiến thức chuyên môn tự nó không có nhiều ý nghĩa, đó chỉ là thứ để giúp ta kiếm cơm hàng ngày. Muốn biết có phải là người trí thức hay không, ta phải xét kiến thức của mình về về bốn lĩnh vực Chính trị, Xã hội, Kinh tế và Văn hóa. Ta có biết cấu trúc quản lý của một quốc gia; có biết vai trò của chính phủ, quốc hội, tòa án; có biết vai trò của người dân; có biết 30 quyền con người; có biết thế giới đang theo đuổi những chuẩn mực, giá trị nào không. Và như một thước đo của EQ, bạn có kiến thức khá về ba môn Văn, Sử và Triết không.
Người trí thức là người có chân tài thực học, biết dùng kiến thức để lý giải sự việc, biết phân biệt đúng sai. Người trí thức dùng tài học của mình để tạo ảnh hưởng tích cực lên môi trường xung quanh, nơi mình làm việc và sinh sống. Một cách hiển nhiên, người trí thức chân chính không cần tới những đồ trang sức như bằng cấp hay chức vụ. Họ tỏa sáng bằng sự tự tin với thực lực của mình, bằng sự tin tưởng mọi người gửi gắm cho mình.
2. TƯ CÁCH:
Yêu cầu về tư cách đối với người trí thức còn cao hơn yêu cầu về kiến thức. Xã hội đòi hỏi ở giới trí thức cách hành xử đàng hoàng, lịch thiệp xứng với đẳng cấp của mình. Nói hơi ví von một chút, người ta kỳ vọng người trí thức phải chính trực như những người quân tử trong Nho giáo vậy. Chính trực (integrity) là một “đại tính cách”, rất khó đạt được vì nó tổng hòa từ ba đức tính Trung thực (Honesty), Can đảm (Courage) và Khiêm nhường (Modesty). Có một trong ba thì còn dễ, hai trong ba đã khó, được cả ba là rất khó. Không chú tâm rèn luyện thì hầu như không thể đạt được tính cách này.
3. TRÁCH NHIỆM VỚI ĐẤT NƯỚC:
Sau hết, trí thức chỉ là trí thức khi có sự công nhận của công chúng, của người dân. Sự công nhận đó không phải bởi mấy tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Càng không phải là chức danh giáo sư hay chức vụ bộ trưởng. Sự công nhận đó chỉ có được khi ta biết dùng sở học của mình để nói thay tiếng nói của người dân, cái nguyện vọng sâu kín của họ. Nếu người dân bị bất công khốn khổ mà ta im hơi lặng tiếng, nếu giặc đến sát bên hè nhà mà ta vẫn im thin thít, thì dù có trong tay rất nhiều bằng cấp, ta vẫn không phải là một người trí thức.
Trong xã hội văn minh, chính quyền thường rất đau đầu với giới trí thức. Tuy vậy, họ không trù dập hay thù ghét nhóm người rất đặc biệt này, vì họ cũng từ trí thức mà ra. Họ bước chân vào chính trường không chỉ là để theo đuổi một nghề mà còn để thỏa chí bình sinh giúp đời. Ralf Dahrendorf nói: “… all intellectuals have the duty to doubt everything that is obvious, to make relative all authority, to ask all those questions that no one else dares to ask" (… tất cả các bậc trí thức có bổn phận phải nghi ngờ những thứ đang được coi là rõ ràng, phải làm cho tất cả các loại thẩm quyền hóa thành tương đối, phải hỏi tất cả những câu không ai dám hỏi).
Như vậy, nhìn vào các khía cạnh Kiến thức, Tư cách và Trách nhiệm xã hội thì không khó để chúng ta nhận ra ai thật ai giả trong hàng ngũ trí thức này. Thực tế, tầng lớp trí thức chỉ chiếm vài phần trăm dân số. Khi tìm hiểu một xã hội nào đó, người ta tiếp xúc với giới trí thức trước tiên. “Mặt tiền” của đội ngũ này là văn nghệ sĩ và các chính khách, kế đến là giới luật sư và các vị làm trong ngành giáo dục. Những người có học thức cao như bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư thì không phải “mặt tiền”. Họ thường được tiếp xúc sau, khi cần phỏng vấn về những khía cạnh khác của xã hội một cách cụ thể, chuyên sâu.
Ngược lại với trí thức không phải là tầng lớp bình dân hay lao động chân tay. Ngược lại với trí thức là ngụy trí thức. Có rất nhiều dạng ngụỵ trí thức nhưng ta chỉ điểm qua vài loại chiếm đa số trong hàng ngũ này.
• Dạng “Mũ ni che tai”: Chưa rõ từ bao giờ thành ngữ này được dùng trong tiếng Việt. Ý ban đầu của nó là “Biết gạt bỏ chuyện thị phi ở đời thì mới tu được” nay đã chuyển sang ý thường dùng là “Bịt tai bịt mắt lại, xem như không có gì” trước những chuyện chướng tai gai mắt để được yên thân.
Đó là thái độ an phận thủ thường, ranh giới hiền hòa nhất có thể khi chọn lối sống “ẩn cư”, nhưng thật đáng tiếc vô cùng. Xã hội thiếu vắng sự tham gia của giới trí thức trong mọi lĩnh vực thì không thể hy vọng ở tương lai. Nguyên nhân làm cho họ chọn cách sống mũ ni che tai này khá nhiều, nhưng nói chung là không nằm ngoài sự nhiễu nhương của xã hội mà họ không có cách nào vượt qua. Trước khi sống theo lối bịt tai bịt mắt, họ cũng từng đóng vai trò phản biện xã hội.
• Dạng “Gió chiều nào che chiều ấy”: Những người này chưa đến nỗi yếm thế, thu mình như nhóm an phận đã nói bên trên, nhưng vẫn là những người có chí khí thấp. Họ chọn đường lối ít hoạt động và đã xuất hiện thì phải an toàn. Cũng vì chủ trương này mà ta thấy nhiều lúc họ như con lật đật, chạy tới chạy lui mà không làm được gì nhiều. Họ không nhất quán, thay phe đổi chủ để luôn được đứng bên phía an toàn. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của sự sợ hãi, một thứ vừa mang tính di truyền vừa có tính tập nhiễm. Sự sợ hãi di truyền vì con người có thói quen nghĩ về tương lai bất định. Sự sợ hãi tập nhiễm là do người ta trải qua những thất bại hoặc đau khổ trong đời. Họ đáng thương nhiều hơn đáng trách nhưng vẫn phải xác định rõ ràng: Đó chính là cái đang tầm thường hóa giới trí thức.
• Dạng “Con buôn cao cấp”: Là những người học hành nhiều, từng đi nhiều nơi trên thế giới, biết cả chuyện trên kiến trúc thượng tầng lẫn chuyện dưới cơ sở hạ tầng. Có điều, họ dùng tất cả những hiểu biết đó để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Những người này coi tiền là trên hết, hơn cả quyền cao chức trọng vì họ đã từng dùng tiền để thao túng những người có chức quyền. Ta thấy hạng người này thường thành công, đa số bằng cách kinh doanh, trong rất nhiều lĩnh vực. Họ có quan hệ rất rộng, quen biết với nhiều người nổi tiếng và có địa vị xã hội cả ở trong và ngoài nước.
Tuy rất ham cảnh giàu sang nhưng nhóm này vẫn muốn được biết đến như là người trí thức. Vì thế nên sau khi dư dả về tiền bạc, ưu tiên kế tiếp của họ là một tấm bằng tiến sĩ để ghi vào danh thiếp, để được xướng lên trong lời giới thiệu của MC khi họ tham dự một buổi lễ nào đó. Các chức vụ như Tổng giám đốc hay Chủ tịch HĐQT xem ra chưa lấy làm thỏa mãn.
• Dạng “Đạo đức giả”: Sở dĩ họ trở thành đạo đức giả là vì rất hay dùng tiêu chuẩn kép. Tiêu chuẩn kép là luôn thủ sẵn hai tiêu chuẩn trong người và dùng cái có lợi nhất cho mình. Chẳng hạn, khi ủng hộ cho người có ý kiến trái chiều với một chính sách nào đó thì gọi là “phản biện xã hội”, nhưng khi muốn trù dập ý kiến phản biện thì coi đó là “chống phá nhà nước”. Những kẻ này thường thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ là kinh tế. Họ có thể là nhà văn nhà thơ, có thể là kỹ sư bác sĩ, hay những người làm trong hệ thống chính quyền. Những người này có xu hướng xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông để tô vẽ cho hình ảnh của bản thân.
Một trong những nỗi khổ lớn nhất của tôi là thấy bản thân nằm trong đám trí thức hèn nhát, không dám làm cái việc quan trọng nhất của giới trí thức - cất tiếng nói thay cho đa số người dân không có nhiều hiểu biết như mình. Chúng ta không thể không biết rằng sở dĩ mình có được cuộc sống trung lưu là vì có hàng triệu nông dân/công nhân đang phải làm việc và sinh sống ở phân đoạn tạo ra giá trị thấp. Chính vì họ nhận mức lương thấp nên mình mới có mức lương cao.
Cho nên, bổn phận của giới trí thức là phải nói thay cho họ, để người nông dân có thể bán nông sản với giá cao, để người công nhân được nhận mức lương đủ sống. Vai trò đó được gọi tên là "phản biện xã hội". Làm việc này cần nhiều can đảm nên Aristotle mới nói: "Courage is the first of human qualities because it is the quality which guarantees the others" (Can đảm là đức tính phải có trước tiên vì nó bảo đảm cho các đức tính khác).
Thỉnh thoảng tôi cũng đọc được một vài bài viết trên mạng và rất khâm phục khi nhận ra những người trí thức thật sự. Có người nói lên nguyện vọng của dân, có người từ chối một lời mời danh dự đến một sự kiện khi nó được tổ chức trong một tòa nhà mà họ cho là đã được xây trên đau khổ của người khác. Những vì tinh tú ấy quá hiếm hoi, cô độc giữa đám đông hỗn tạp.
Rất may là nhân loại vẫn đi theo dòng chảy lớn, đi về phía văn minh. Giống như tất cả các dòng sông đều hướng ra biển dù phẳng lặng hay thác ghềnh, tất cả các quốc gia dù muốn hay không muốn thì cuối cùng cũng sẽ đi về phía văn minh và trong dòng văn minh đó, không thể thiếu bóng dáng của người trí thức...
Hoàng Mạnh Hải
Nguồn: https://nguoiphuongnam52.blogspot.com