DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
NGUYỄN VĂN TUẤN (Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales)
Lâu nay, khái niệm trí thức thường bị hiểu thiên lệch vì nhuốm màu bằng cấp.
Tôi thấy nhiều khi công chúng dùng chữ "trí thức" để chỉ người có bằng đại học trở lên. Nhưng cách hiểu đó có lẽ chưa đúng.
Có những nhóm người Việt trong và ngoài nước lấy từ "trí thức" làm tên diễn đàn, hội của họ. Vì họ cho rằng các thành viên là người có bằng cấp, một số giữ các chức vụ khoa bảng, học hàm, học vị cao. Nhưng vài người trong đó chia sẻ với tôi, họ vẫn cảm thấy dè dặt tự nhận mình là trí thức. Theo họ, đó là một đại ngôn.
Tuy nhiên, nếu đã hiểu ý nghĩa của khái niệm trí thức thì những người có bằng cấp cao cũng có lý do để dè dặt hơn khi tự xem mình là trí thức.
Tôi tìm hiểu, chữ "trí thức" xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào đầu thập niên 1930 trong cuốn Từ điển Pháp - Việt do Đào Duy Anh biên soạn. Ông dịch chữ intellecktuel là "trí thức".
Trí thức có thể hiểu là người làm cho xã hội lúc nào cũng thức tỉnh. Để làm cho xã hội thức tỉnh, người trí thức phải hội đủ ba yếu tố: có kiến thức, nhiều ý tưởng mới, giá trị và tự nguyện dấn thân. Tôi thấy cách dịch của cụ Đào Duy Anh rất hay và đúng.
Hiểu theo nghĩa đó, người làm cho xã hội thức tỉnh không nhất thiết phải có bằng cấp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư hay danh hiệu khoa bảng. Nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, nhà sư, linh mục, doanh nhân... đều có thể là trí thức. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến những vị tiền nhân như Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... Họ là những trí thức tiêu biểu của đất nước.
Đó là những người đã làm cho xã hội thức tỉnh. Đọc lại những bài nghị luận và sách của cụ Phan Châu Trinh, ta dễ dàng nhận ra ông đã dùng ngòi bút của mình để phê phán lối học cũ và lề lối lạc hậu làm kìm hãm dân tộc hàng ngàn năm. Ông phê phán những quan chức quan liêu. Dù đã qua đời gần 100 năm, nhưng chúng ta vẫn ngưỡng phục phong trào "Khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh" của ông. Có thể còn người đương thời không đồng tình với ông, nhưng vai trò làm thức tỉnh xã hội của một trí thức thời nào cũng rất đáng trân trọng và noi gương.
Bản chất của trí thức là hoài nghi lành mạnh. Họ hay nhìn ra nhiều vấn đề. Họ thường không hài lòng hoàn toàn với cách giải quyết trong hiện tại và lúc nào cũng suy tư, tìm ý tưởng, giải pháp tiến bộ hơn cho tương lai. Do đó, họ muốn xã hội nếu không đồng trăn trở với họ cũng thừa nhận và tôn trọng các ý tưởng tiến bộ.
Có thể ví vai trò của đội ngũ trí thức như người kiến tạo hệ thống miễn dịch tư duy cho xã hội. Họ làm được việc này bằng cách thách thức những ý niệm và lề lối được xem như chân lý. Họ giúp xã hội cảnh giác trước những đe doạ manh nha và thách thức mới, đôi khi tinh vi.
Người trí thức thường là những kẻ "vượt rào" và quan tâm cả đến những vấn đề ngoài chuyên môn của họ. Noam Chomsky là nhà ngôn ngữ học, nhưng ông rất nổi tiếng qua những bài nghị luận chính trị. Ông dùng sở trường ngôn ngữ để phân tích về chính sách ngoại giao và đấu tranh cho tự do tư tưởng, được ghi nhận là nhà tư tưởng lớn giai đoạn hiện đại. Albert Einstein là nhà vật lý học lừng danh, nhưng ông rất nổi tiếng vì những hoạt động liên quan đến chính sách, nhân đạo và xiển dương hòa bình. Họ chính là những nhân tố giúp thế giới thay đổi tốt hơn.
Ngược lại với trí thức, trong thực tế, hàng nghìn người có bằng cấp đại học không phát huy vai trò của trí thức. Họ coi bằng cấp là công cụ để tiến thân hay cơ bản nhất là để có việc làm, thu nhập, lấy cái oai trước người khác. Nhiều người còn liên kết với nhau để tìm danh và lợi chứ không bao giờ muốn "đánh thức xã hội".
Một số người tìm đến bằng cấp như một phương tiện để có chức vụ. Mục tiêu của họ là chức quyền chứ không hẳn vì tiến bộ xã hội, cũng chẳng vì giáo dục hay khoa học.
Có những người với bằng cấp cao lại hay phụ hoạ quan điểm của người có quyền dù quan điểm đó bị đa số công chúng phản đối hoặc không tốt cho sự phát triển chung của cộng đồng. Tôi nghĩ họ không phải trí thức chân chính - hiểu theo nghĩa những người không ngần ngại nói ra suy nghĩ thật của mình và không chấp nhận vai trò bợ đỡ người có quyền, có tiền.
Không ít người có bằng cấp cao chọn im lặng trước bất công xã hội, nhưng tự an ủi bằng ngữ vựng nằm lòng là "tập trung làm tốt chuyên môn". Lại có những "diễn đàn" mang danh giới trí thức, tinh hoa của xã hội nhưng thực chất là nơi nhiều người đấu tố nhau, đưa ra những nhận xét thiếu tính chuyên nghiệp. Họ không đáp ứng ba thành tố của người tinh hoa.
Vào thế kỷ 15, học giả nổi tiếng của Việt Nam là Thân Nhân Trung nhận định "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Câu nói vẫn luôn đúng cho thời nay. Phẩm chất của cộng đồng trí thức có thể phản ánh mức độ hưng thịnh của một quốc gia.
Trí thức đúng nghĩa sẽ có đất dụng võ - đánh thức xã hội khi được mọi người thấu hiểu và tôn trọng vai trò của họ. Đồng thời, xã hội sẽ kiến tạo cho họ một thể chế dung nạp và môi trường tự do học thuật, nơi trí tuệ tinh anh trưởng thành.
Nguyễn Văn Tuấn