top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
TOÀN NHƯ

Mỗi  năm, cứ đến mùa Giáng Sinh mọi người lại được nghe những âm thanh rộn  ràng, vui tươi của những khúc nhạc Giáng Sinh quen thuộc. Một trong  những khúc nhạc đó là bản nhạc Giáng Sinh Trắng (White Christmas).  Nó đã trở thành một trong những ca khúc truyền thống trong mùa Giáng  Sinh hàng năm bên cạnh những ca khúc truyền thống nổi tiếng khác như Silent Night – Holy Night (Đêm Thánh Vô Cùng), Jingle Bells, v.v…


Nhưng người Việt lại có  một kỷ niệm buồn với Giáng Sinh Trắng. Nó gợi lại cho mọi người về một  tháng Tư buồn năm 1975. Bởi vì bài hát đó đã là ám hiệu báo cho những  người Mỹ cuối cùng đang có mặt ở Việt Nam vào thời điểm đó biết rằng đã  đến lúc họ phải rời khỏi Việt Nam. Sự ra đi của những người Mỹ vào những  giờ phút sinh tử đó chẳng khác gì là  một báo hiệu chế độ Việt Nam Cộng  Hòa sắp đến hồi cáo chung. Sự sụp đổ của nó, ai cũng nghĩ, sẽ là điều  không tránh khỏi.


Vào sáng ngày 29 tháng 4,  1975, khi quân Cộng sản Bắc Việt đã tiến đến gần cửa ngõ Sài Gòn, chiến  tranh Việt Nam coi như sắp đến hồi kết thúc. Cũng vào lúc đó, trên làn  sóng phát thanh FM của quân đội Mỹ ở Việt Nam bỗng phát ra bản nhạc “Giáng Sinh Trắng”  do danh ca Mỹ Bing Crosby hát. Đối với những người Mỹ, khi nghe bản  nhạc này vào thời điểm đó, họ hiểu rằng đó là hiệu lệnh cho họ đi đến  những địa điểm tập trung đã được chỉ định để được di tản ra khỏi Việt  Nam đến một nơi an toàn. Cuộc di tản này được gọi là “Chiến Dịch Gió Đổi Chiều”  (Operation Frequent Wind). Chiến dịch không chỉ dành riêng cho người Mỹ  mà còn cho cả các công dân có quốc tịch khác trong đó có Việt Nam,  những người mà sinh mạng của họ có thể bị nguy hại khi quân cộng sản Bắc  Việt chiếm được Sài Gòn vì họ từng có những liên hệ mật thiết với Hoa  Kỳ.


Thực ra, trước đó nhiều  ngày, chiến dịch này đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thông qua tòa đại sứ ở  Sài Gòn, phổ biến cho các người Mỹ còn ở Việt Nam một bản hướng dẫn dày  15 trang về kế hoạch di tản khỏi Việt Nam vào một ngày N. nào đó. Bản  hướng dẫn này được yêu cầu không phổ biến cho những người khác biết. Bản  hướng dẫn cũng cho biết, vào ngày N. mật lệnh di tản sẽ được bắt đầu  thi hành khi làn sóng phát thanh của quân đội Mỹ ở VN phát ra “bản tin  đặc biệt”. Bản tin đó sẽ có nội dung như sau: “Nhiệt độ ở Sài Gòn hiện nay là 112 độ (F) và đang gia tăng. Tiếp theo đây sẽ là ca khúc ‘Tôi Đang Mơ Một Giáng Sinh Trắng’” (Nguyên văn bằng Anh ngữ:  THE TEMPERARURE IN SAIGON IS 112 DEGREES AND RISING. THIS WILL BE  FOLLOWED BY THE PLAYING OF ‘I’M DREAMING OF A WHITE CHRISTMAS’). Dĩ  nhiên tiếp theo sau “bản tin đặc biệt” đó người ta đã được nghe bản nhạc  ‘Giáng Sinh Trắng’ do Bing Crosby hát. Bài hát này cũng với  giọng hát của Bing Crosby đã từng được Quân Đội Mỹ phát ra cho các binh  lính của họ mỗi khi giáng sinh về như để cho họ có một chút không khí  của mùa giáng sinh. Giáng Sinh nào mà không đầy tuyết trắng. Bài hát sẽ  làm cho những người lính vơi đi nỗi nhớ nhà, nhưng lần này đặc biệt nó  lại diễn ra trong một mùa hè nóng bỏng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng,  ở Sài Gòn.


Quả thực lúc đó ở Sài Gòn  đang là tháng Tư, trời mùa Hè rất nắng và nóng. Nói về cái nắng nóng của  tháng Tư, người Việt thường nói, “nắng tháng Tư chó già le lưỡi”. Nói  như thế để diễn tả về cái nóng kinh khiếp của tháng Tư, không chỉ ở Sài  Gòn mà còn ở cả Việt Nam nói chung. Thế mà, nay đang là mùa Hè nóng như  vậy mà những người dân Sài Gòn lại tình cờ nghe được làn sóng phát thanh  của Quân Đội Mỹ phát thanh bản nhạc “Giáng Sinh Trắng”. Người  ta ngạc nhiên và thắc mắc rỉ tai nhau, hình như có cái gì bất thường  trong sự phát thanh này. Bởi vì ai cũng biết “Tháng Tư không phải là mùa  Giáng Sinh” và  vì “không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơinhư  lời một bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Vậy tại sao đang giữa mùa  Hè mà đài Mỹ lại phát thanh một bản nhạc Giáng Sinh (vô lý) như thế?  Phải chăng đó là ám hiệu gì của người Mỹ? Cùng với thắc mắc đó, người ta  đã thấy những sự di chuyển nhộn nhịp bất thường của người Mỹ trong  thành phố. Những chuyến xe buýt chở đầy người Mỹ và nhân viên sở Mỹ đổ  xô về phía phi trường Tân Sơn Nhất.


Những chiếc máy bay vận  tải cơ khổng lồ của Mỹ bay đến rồi bay đi đầy ắp người. Rồi hàng chục  những chiếc trực thăng bay vần vũ trên bầu trời Sài Gòn đáp xuống, bay  lên đón người ra đi tấp nập. Đến lúc đó thì họ đã hiểu rằng, người Mỹ đã  và đang ‘good bye Vietnam’! Giấc mơ ‘Giáng Sinh Trắng’ của họ chẳng qua  chỉ là giấc mơ hồi hương cho những người Mỹ mà Bing Crosby đã hát:


“I’m dreaming of a white Christmas

Just like the ones I used to know

Where the treetops glisten

and children listen

To hear sleigh bells in the snow

I’m dreaming of a white Christmas

With every Christmas card I write

May your days be merry and bright

And may all your Christmases be white…”


Tạm dịch:


Tôi đang mơ một Giáng Sinh trắng

Cũng giống như bao người tôi đã biết

Những ngọn cây lấp lánh nơi đâu

và những đứa trẻ lắng tai

Nghe những tiếng chuông xe trong tuyết

Tôi đang mơ một Giáng Sinh trắng

Với mọi tấm thiệp Giáng Sinh tôi viết

Chúc các bạn có những ngày vui tươi sáng

Và tất cả những Giáng Sinh của các bạn đều trắng…


Bài hát rất ngắn, chỉ có  54 chữ với 64 nốt nhạc cùng những ca từ giản dị nhưng đã đi sâu vào lòng  người. Nó đã vẽ ra một khung cảnh giáng sinh truyền thống đầy màu trắng  (của tuyết) với những cây thông lấp lánh và những chiếc xe tuyết rung  chuông của ông già nô-en đem niềm vui đến cho các em nhỏ cùng những cánh  thiệp Giáng Sinh với những lời chúc tụng tốt đẹp.


Tác giả của bài hát này là  Irving Berlin (1888-1989), một người Mỹ gốc Do Thái. Ông sinh tại  Siberia, Nga, nhưng đã theo gia đình di dân sang New York, Hoa Kỳ, sinh  sống từ giữa thập niên 1890’s để tránh sự kỳ thị vì gia đình ông là  người Do Thái. Ông có tên khai sinh là Israel Isidore Baline, nhưng từ  khi nhập quốc tịch Mỹ ông đã đổi tên trở thành Irving Berlin (nghe nói  vì tên ông là Baline thường bị đọc lầm là Berlin nên ông đã lấy luôn tên  này). Ông là tác gỉa của hàng trăm ca khúc, trong đó có nhiều bài thuộc  loại ‘top hit’ như “Easter Parade”, “No Business Like Show Business”;  nhưng nổi tiếng nhất là “God Bless America” (bài hát được coi như bài  quốc ca phụ của Hoa Kỳ) và “White Christmas”. Ông từng chín lần được đề  cử giải Academy Awards (tức giải Oscar) về Âm nhạc trong đó có bảy lần  đoạt giải – trong số bảy lần đó có bản nhạc ‘Giáng Sinh Trắng’ thắng  giải năm 1943.


Giáng Sinh Trắng hay White  Christmas được Irving Berlin viết ra năm 1940 cho cuốn phim ca nhạc  ‘Holiday Inn’ do hai ca sĩ tài tử Bing Crosby và Fred Astaire đóng vai  chánh. Phim dự tính sẽ được ra mắt vào năm 1942, nhưng vào đêm giáng  sinh 25 tháng 12 năm 1941, Bing Crosby đã hát giới thiệu nó trên đài  phát thanh NBC. Sau buổi phát thanh vào đêm giáng sinh đó, “Giáng Sinh  Trắng” đã có một tiếng vang tốt nên hãng đĩa nhạc Decco đã không bỏ lỡ  cơ hội phát hành ‘White Christmas’ cho Bing Crosby. Đĩa nhạc đã được  phát hành trước cả khi trình chiếu phim “Holiday Inn” (tháng 8/1942) và  nó đã mau chóng trở thành một “best seller” ngay sau đó. Cũng từ đó, mỗi  khi đi trình diễn cho các binh sĩ Hoa Kỳ ở hải ngoại vào dịp giáng  sinh, Bing Crosby luôn luôn được yêu cầu hát bài “Giáng Sinh Trắng”. Cho  đến nay, “Giáng Sinh Trắng” đã trở thành đĩa nhạc bán chạy nhất với số  bán kỷ lục tổng cộng lên tới trên 100 triệu đĩa, chưa có ai vượt qua nổi  con số này. Ngay cả nhiều ca sĩ gạo cội trong làng ca nhạc Mỹ như Frank  Sinatra, Elvis Presley, … cũng đã từng hát “Giáng Sinh Trắng” nhưng vẫn  không vượt qua được Bing Crosby.


Giáng Sinh Trắng đã gắn  liền với các gia đình người Mỹ, nhất là những người lính xa nhà, vào mùa  giáng sinh như vậy. Nhưng nó cũng đã có những lịch sử gắn liền với  chiến tranh. Bing Crosby lần đầu tiên đã hát nó chỉ 18 ngày sau khi Hoa  Kỳ bị Nhật Bản tấn công vào Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Giữa cái  không khí lạnh lẽo của một đêm đông giáng sinh  trong ngày 25/12/1941,  bài hát đã làm mọi người nhớ về cái biến cố bi thảm ở Pearl Harbor và  cảm thương cho những người quân nhân Hoa Kỳ ngoài mặt trận đã không được  hưởng cái không khí giáng sinh bên gia đình. Những người lính ấy hẳn  đang mơ về cái hình ảnh giáng sinh với đầy màu tuyết trắng quen thuộc  qua những cây thông tuyết phủ và những chiếc xe nai chuông rung đi trong  tuyết trắng với ông già nô-en. Phải chăng, đó cũng là lý do sau này  quân đội Mỹ thường phát ra bản nhạc này cho những người lính ngoài tiền  tuyến, nhất là ở hải ngoại, vào những dịp Giáng Sinh.


Nhưng Giáng Sinh Trắng  cũng gắn liền với một cuộc chiến khác: Việt Nam. Cũng với giọng hát của  Bing Crosby, Giáng Sinh Trắng đã đánh dấu một kết cuộc bi thảm cho cuộc  chiến Việt Nam. Kết cuộc bi thảm đó là sự tan rã của một đất nước từng  là người bạn đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Bài hát không chỉ là một  mật lệnh cho người Hoa Kỳ ra đi khỏi cái đất nước đang có chiến tranh đó  mà còn là một chứng nhân của một sự phản bội và gian trá. Sự phản bội  của người bạn đồng minh Hoa Kỳ thì đã quá rõ. Sau hơn hai thập niên gắn  bó, họ đã ra đi như không hề quen biết. Còn sự gian trá thì đã nằm ngay  trong bài hát bởi vì làm gì có một giáng sinh nào vào cuối tháng Tư  1975. Riêng đối với người Việt, nó cũng là khởi đầu của những chia lìa,  mất mát, ly xứ tha hương cho cả triệu người. Sau ngày 30/4/1975, khi cả  nước Việt Nam đặt dưới sự thống trị của người cộng sản, hàng triệu người  Việt đã phải bỏ xứ ra đi tìm tự do sống đời viễn xứ ly hương. Đối với  họ, bài hát Giáng Sinh Trắng luôn luôn là một kỷ niệm buồn khó quên.


Bốn mươi năm trước người  Việt Nam đã nghe ‘Giáng Sinh Trắng’ với một tâm trạng hoang mang khó tả  trước một viễn ảnh đầy âu lo cho một tương lai bất định. Nhớ lại những  ngày ấy, biết bao là ngậm ngùi xúc cảm lẫn cay đắng. Nhưng bốn mươi năm  sau, có ai trong số họ còn giữ được cái cảm xúc đắng cay ấy mỗi khi nghe  lại khúc nhạc giáng sinh năm nào. Hay họ chỉ còn thấy, như bao nhiêu  người bản xứ, Giáng Sinh trắng bây giờ cũng chỉ là hình ảnh của những  ngày mùa đông gía buốt, tuyết trắng bao phủ tiêu biểu của những ngày  giáng sinh trên quê hương mới nơi xứ lạ tạm dung. Có thể nhiều người  đang mơ về một “Giáng Sinh Xanh” cho quê hương (?):


Tôi không mơ một Giáng Sinh Trắng

Trên quê hương tôi những ngày chiến tranh

Tôi đang mơ một Giáng Sinh Xanh

Trong những ngày hậu chiến

Cho quê hương tôi,

Một ước mơ xanh và một hy vọng mới. 

(TN)


Toàn Như

(Little Saigon (CA), Mùa Giáng Sinh 2015)


bottom of page