top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
HỒ CẢNH PHÙNG

Định  cư sang Mỹ khá muộn, tháng 9 năm 1994. Tuy nhiên lúc còn ở Việt Nam sau   khi ra tù cải tạo, vượt biên vài lần thất bại, lòng vẫn mong có cơ hội   là sẽ sang Mỹ. Vì vậy tôi dùng thời gian rảnh luyện lại Anh Văn. Lục  lại  bộ English For Today còn có sẵn ở nhà, tôi bắt đầu tập làm đi làm  lại  tất cả các bài tập từ quyển 2 đến quyển 4. Cho đến lúc đó, tôi thấy  chưa  có bộ sách nào dạy văn phạm và từ ngữ tiếng Anh hay hơn bộ này.  Để tăng  cường khả năng đọc hiểu và cũng để giết thì giờ rảnh, tôi ra  chợ sách  cũ (đường Lê Công Kiều) tìm mua những truyện tiểu thuyết tiếng  Anh rút  ngắn gọn (simplified) của nhà xuất bản Longman. Bộ sách của  Longman gồm 7  bậc, mỗi bậc dạy mình vài trăm chữ. Sách cũ tiếng Anh ở  Sài Gòn lúc đó  rẻ như bèo. Tôi mua rất nhiều, bắt đầu học từ bậc 3, đến  cao nhất là bậc  7. Bên cạnh đó, mỗi bậc kèm theo nhiều sách toàn những  truyện rất hay,  gói gọn trong số những chữ mình vừa học được. Nên vừa  đọc để giải trí,  vừa học thêm ngữ vựng. Hết bậc 7 tôi có được số vốn  khoảng 3,000 chữ  tiếng Anh, và luyện được cách đọc hiểu tiếng Anh khá  nhanh. Tôi cũng tìm  đọc vài tạp chí thời sự bằng tiếng Anh do Liên Xô  xuất bản, có ở vài  sạp báo lớn. Nhờ đó trau dồi thêm tiếng Anh trong  khi chờ đợi làm thủ  tục đi Hoa Kỳ theo diện HO. Cũng xin nói thêm, để  có tiền sinh nhai, nhờ  người anh ruột là kỹ sư công nghệ giới thiệu,  tôi đi làm ở các xưởng cơ  khí nhỏ và xí nghiệp đóng tàu bên quận 4 Sài  Gòn. Chỉ học thêm Anh Văn  khi có thời gian rảnh.


Sang Hoa Kỳ, sau thời gian  đầu làm giấy tờ định cư, tôi cố tìm hiểu  về sinh hoạt của những người  qua đây trước mình và hỏi ý kiến của người  bảo trợ (bà con bên vợ).  Không muốn an phận đi làm dây chuyền ở các hãng  xưởng, nghĩ rằng muốn  sống ổn định ở Mỹ cần có cái nghề. Vì vậy, sang  Mỹ giữa tháng 9, sau  khi lấy bằng lái xe, đến cuối tháng 10 tôi xin thi vào trường dạy nghề  (Technical College) ở địa phương. Nhờ có mang theo  chứng chỉ Tú Tài 2  ngày xưa, được ngành giáo dục Mỹ công nhận tương  đương với tốt nghiệp  trung học, tôi được chấp thuận cho thi. Trường có  rất nhiều ngành nghề  để mình chọn theo học: kế toán, điện tử, hớt tóc, thợ hàn, sửa xe, đồ  họa, trợ tá, máy lạnh… Hầu hết là những thanh niên đã tốt nghiệp trung  học mà không lên đại học được đều xin thi vào học.


Cuộc thi gồm có 3 môn:  Math, Grammar và Reading. Tùy ngành mình chọn  học, sẽ có yêu cầu điểm  khác nhau. Tôi chọn học làm thợ tiện  (Machinist). Kết quả may mắn đủ  điểm để vào học ngay trong tháng 12.  Cùng lúc đó người bạn chung khóa 3  / HVCSQG là Nguyễn Thanh Nhàn, sang  từ tháng Tư năm 1975, hiện ở  Calgary (Canada) có nói chuyện điện thoại  với tôi, sau khi nghe tôi đã  thi và chọn môn Machinist, anh cho biết  thời gian đầu ở Mỹ anh đã có  bằng Machinist rồi, nhưng vì kinh tế Mỹ lúc  đó xuống dốc nên các hãng  xưởng đóng cửa hàng loạt, thợ bị thất nghiệp.  Anh cũng phân tích thêm,  làm thợ tiện thì tay phải vững, mắt phải tỏ,  mà mình khá lớn tuổi về  sau sẽ gặp trở ngại. Theo anh, tôi nên chuyển  qua học Air-  Conditioning, ít sợ thất nghiệp vì kinh tế Mỹ dù lên hay  xuống, hãng  xưởng có dọn đi nước khác, nhà cửa của họ vẫn ở đây và cần  có máy lạnh,  máy sưởi.  Sau khi hỏi thăm thêm vài người khác, thấy có  lý, tôi xin  chuyển qua học Air Conditioning. Môn này gồm 4 Quarter dạy  theo tín chỉ  (Credit). Mỗi Quarter, nếu học Full-Time sẽ gồm 10 tuần lễ,  tuần học 5  ngày, mỗi ngày 6 tiếng. Giữa các Quarter sẽ được nghỉ 10  ngày. Lúc này  tôi còn đang hưởng trợ cấp 6 tháng nên quyết định theo học  Full-Time  Quarter đầu tiên, lại được hưởng học bổng để mua sách, đồ  nghề, tiền ăn  trưa, đi xe bus…mà vẫn còn dư chút ít.


So với Việt Nam, lớp học  máy lạnh ở Mỹ thấy sao mà kỳ cục quá, làm  mình ngỡ ngàng bối rối. Sinh  viên ra vào lớp tự bấm thẻ như vào làm ở  hãng xưởng. Tất cả các lớp  trên dưới đều ngồi chung phòng học và sử dụng  chung phòng thực tập. Mỗi  người được phát tập tài liệu cho lớp mình  học, trong đó nói rõ mình  phải mua sách gì, đồ nghề gì…cho lớp mình đang  học. Đặc biệt là tự ai  nấy học, tự làm thực tập theo hướng dẫn của tài  liệu được phát. Cái gì  không hiểu thì tìm thầy mà hỏi. Môn Air Conditioning có cả thảy là 6  người hướng dẫn (Instructors). Khu vực để  thực tập (Lab) rất rộng lớn,  trang bị nhiều máy móc thiết bị và các bảng  sơ đồ diện đủ loại… để học  viên thực tập những điều đã học trên lý  thuyết. Khi thực tập, mình có  quyền làm đi làm lại bài tập cho đến khi  nắm vững vấn đề.


Học từ bài đầu trở đi,  cuối bài làm theo yêu cầu tiếp, làm bài Test  trên Computer hay qua  phòng Lab thực tập điều mình mới học xong. Kết quả  bài Test hay thực  tập sẽ được Instructor kiểm tra và cho điểm. Sau đó  mới qua bài kế  tiếp.


Thực sự đọc và viết tiếng  Anh mình không ngán, nhưng nghe nói thì có  khi phải… ra dấu! Mấy ông  Instructors tỏ ra thông cảm, nhưng cũng để ý  theo dõi việc học của mình  lắm. Sau thời gian đầu, họ khuyến khích mình:  chỉ cần đọc và hiểu bài,  làm Lab đúng là được. Có ông còn đùa: lớp này  dạy thợ máy lạnh chứ  không có dạy người đi diễn thuyết! Chỉ cần hiểu bài  và làm được là OK,  còn nghe nói thì từ từ sẽ quen. Nghe vậy mình cũng  thấy vững dạ.


Sau 10 tuần, xong Quarter  đầu, được cấp giấy chứng nhận đã qua các lớp căn  bản đầu tiên với số  điểm khá cao. Được nghỉ 10 ngày. Lúc này gần hết  thời gian lãnh trợ cấp  nên tôi mang giấy chứng nhận của trường đi xin  việc. May mắn được hãng  lắp ráp máy lạnh ở gần nhà nhận ngay. Họ phỏng vấn và xem bảng điểm của  mình trong lớp, họ đề nghị sẽ cấp học phí cho  mình tiếp tục học. Từ  Full Time tôi sang học Part Time. Ngày đi làm, đêm  đi học. Như vậy là  phải sắp xếp thời gian: ban ngày từ 7:00 sáng đi làm  đến 4:00 chiều tan  sở, chạy vội đến trường học lớp đêm từ 5:00 chiều  đến 9:00 tối. Có khi  phải học thêm vào ngày cuối tuần. Cứ vừa học vừa  làm như vậy suốt gần 2  năm.


Nói thêm về việc dạy nghề ở  Mỹ. Các Instructors cho biết họ muốn đào  tạo mình khi ra trường sẽ là  một Technician. Cho nên ra vào phải bấm  thẻ, tập đi về đúng giờ. Họ cố ý  không giảng bài, mà phải tự xem tài  liệu để học và làm Lab, xong rồi  họ kiểm tra, chấm điểm. Lý do là sau  khi ra trường mình phải lái xe đi  làm một mình, tự tìm hiểu qua  Instruction của từng loại máy hay phụ  tùng (Parts) và tự làm công việc,  sẽ không có ai ở bên cạnh mình để  hướng dẫn đâu. Gặp chuyện khó mới gọi  hỏi Supervisor, giống như trong  lớp mình hỏi Instructor khi không hiểu  vấn đề.


Thú thật ở Việt Nam ngày  trước, nghe nói tới điện là cứ sợ bị… giựt!  Nhưng vào lớp đọc lý thuyết  thấy không có gì là ghê gớm. Cũng áp dụng  định luật Ohm, rồi công thức  tương quan giữa điện thế, cường độ và điện  trở…mà mình đã học ngày  xưa. Bài giảng có sơ đồ hướng dẫn rõ đâu là  nguồn điện, dây nóng, dây  nguội, dây mát ra sao… Rồi cách đấu dây từ  nguồn điện qua công tắc đến  bóng đèn. Lần đầu làm Lab, mình tự đấu dây  vào bóng đèn, bật công tắc  thấy đèn sáng lên là mừng hết lớn! Sau đó học  thêm cách đi dây và tính  chất khác nhau giữa các mạch điện nối tiếp,  mạch điện song song. Học  cách đọc ký hiệu và hiểu sơ đồ điện, nhất là  các bộ phận safety,  controls…


Sau khi nắm vững căn bản,  qua phần Troubleshout điện họ dạy theo  nguyên tắc lý luận loại suy của  môn triết. Cứ lần lượt loại bỏ những  mạch điện song song nào không có  liên quan rồi sẽ tập trung vào mạch  điện còn lại để tìm ra vấn đề. Đến  mạch điện nối tiếp thì áp dụng phương  pháp “nhảy cừu”, đi lần lượt từng  bộ phận để xác định cái nào bị vấn  đề, tại sao bị như vậy… Vụ gì chứ  cái này tụi tui đã học từ hồi trung  học rồi mà chưa ứng dụng thôi. Vậy  mà với mấy người Mỹ họ cho rằng rắc  rối quá. Còn qua phần cơ. Nguyên  tắc căn bản nhất là định luật tương  quan giữa áp suất và nhiệt độ. Đọc  bài giảng trong sách mới nhớ lại định luật vật lý này: “Trong một thể  tích cố định, cùng một loại dung môi chất lỏng hay hơi, hễ áp suất tăng  là nhiệt độ tăng. Và ngược lại”. Vì vậy muốn điều khiển nhiệt độ cung  cấp vào trong nhà, người ta dùng sức hút và đẩy của Compressor máy lạnh  để tăng giảm áp suất nhờ vậy sẽ tăng  giảm nhiệt chất Freon… Nói chung  việc học nghề Air Conditioning không  quá khó đối với trình độ Tú Tài 2  của Việt Nam ngày xưa. Khi qua phần  máy sưởi thì hơi ngỡ ngàng. Ở Sài  Gòn từ nhỏ, mình có biết máy sưởi Gas,  máy sưởi điện là gì. Nhưng đọc  lý thuyết và làm thực tập vài lần thì  thấy về nguyên tắc, nó cũng tương  tự cái bếp Gas, bếp điện có thêm cái  quạt (Blower) với bộ phận  Controls quy mô lớn hơn và phức tạp hơn, hơi  khó một chút.


Cũng nhờ vừa học vừa làm,  tôi đem kiến thức học được trong lớp vào  hãng áp dụng và tìm hiểu thêm  về các bộ phận của máy lạnh, máy sưởi mà  hãng đang lắp ráp. Dần dần tôi  lên làm Supervisor của bộ phận Test máy,  và sau cùng là  Quality  Control, kiểm tra toàn bộ việc vận hành trước  khi cho máy xuất xưởng.  Điều gì còn thắc mắc, tôi hỏi thêm Plant Manager  hoặc Engineer của  hãng. Nhờ vậy mà việc học trong lớp được thuận lợi  hơn và nắm vững về  tất cả các bộ phận căn bản của hệ thống máy lạnh, máy  sưởi ở Mỹ. Cũng  vậy, nhờ Test máy hàng ngày trong hãng nên có kinh  nghệm, vào lớp làm  các bài Lab cũng khá dễ dàng.


Thời gian cuối ở trường,  họ cho thực tập làm Service Technician ở một hãng  máy lạnh địa phương.  Ban đầu phải đi chung xe với người hướng dẫn (họ  gọi là Senior  Technician), học cách nhận Work Order, cách tiếp xúc với  khách hàng,  làm xong rồi, báo cáo với Dispatcher để nhận tiếp Work Order  khác. Liên  tục như vậy, sau hai năm vừa học vừa làm, đến đầu năm 1997  tôi tốt nghiệp Air ConditioningTechnician, được cấp Diploma với hạng High Honor.


Thời gian sau, về trường  thăm thầy cũ, nói chuyện với một ông thầy lớn tuổi,  nhiều kinh nghiệm.  Ông gợi ý: tôi thấy anh cũng không còn trẻ lắm, nên  tìm công việc gì  làm ở một chỗ, như Maintenance cho Building… khỏe hơn  làm Service  Technician phải lái xe từ nơi này sang nơi khác, rất vất vả  và căng  thẳng.  Rồi ông giới thiệu tôi qua một khách sạn khá lớn làm AC   Technician. Bắt đầu làm quen với công việc Commercial. Làm AC  Technician  trong khách sạn, tôi được hướng dẫn thêm về thiết bị  Commercial, như  Chiller, Boiler, Roof Top Unit (RTU) tức loại máy lạnh,  máy sưởi đặt  trên nóc Building. Thiết bị ở nhà bếp thì biết thêm về  Cooler, Freezer,  máy làm nước đá, các lò nấu bếp loại lớn…


Một thời gian sau, về lại  trường, tôi biết được trường đang tuyển  dụng AC Technician. Tôi nộp  đơn, qua phỏng vấn và được thâu nhận vì đã  từng làm ở khách sạn, có  chút kinh nghiệm về Building lớn. Trở thành  công chức Tiểu Bang. Từ  đây, tôi bắt đầu biết thêm về hệ thống máy lạnh  máy sưởi, điện, nước,  gas… của Building lớn, quy mô hơn hẳn ở khách sạn.  Tức là sau lãnh vực  Residential, Commercial nay qua Industrial. Tôi  được thực tập và dần  dần phụ trách toàn bộ hệ thống các máy RTU, Chiller  và Boiler của 5  Building, mỗi Building có vài chục lớp học và văn  phòng. Dĩ nhiên phải  được sự dìu dắt, chỉ dạy của người đi trước và cấp  trên. Nói thì nghe  ghê gớm, thực ra chỉ cần đọc kỹ tài liệu hướng dẫn để  hiểu các bộ phận  của từng hệ thống, hoạt động ra sao. Nói chung máy  lạnh máy sưởi dù lớn  nhỏ, đều phải theo nguyên tắc vận hành và hoạt động  tương tự. Máy có  quy mô lớn hơn thì sử dụng nhiều động cơ hơn, lớn hơn,  có thêm nhiều bộ  phận an toàn và vận hành phức tạp hơn. Riêng hệ thống  trong trường,  phần lớn mọi việc đều được điều hành qua Computer, thỉnh thoảng mới sửa  chữa vài bộ phận, hoặc bảo trì định kỳ. Chỉ có cái là  phải học thêm  cách sử dụng các phần mềm phức tạp của các hệ thống điều  hành. Nhưng  làm riết rồi cũng quen. Rồi được cấp trên cho đi học thêm về  Boiler,  Chiller. Trước kia chỉ làm theo hướng dẫn, nay học đàng hoàng  và được  bộ Lao Động cấp chứng chỉ. Ngoài ra tôi cũng được hướng dẫn và  hiểu  biết thêm về hệ thống điện, nước, gas… của Building. Ngoài giờ làm   trong trường, tôi nhận đi service cho các khách hàng, đa số là người   Việt, sửa chữa hoặc thay máy để có thêm kinh nghiệm và…có tiền! Lại có   cơ hội tiếp xúc với các Technician người Mỹ, các Dealer máy lạnh.


Đến lúc kinh tế Mỹ xuống  dốc, ngân sách nhà trường bị cắt giảm, họ  giao thêm cho mình nhiều việc  của các bộ phận điện, nước…tôi phản đối vì  trong hợp đồng tuyển dụng,  mình  là AC Technician , chỉ phụ giúp các bộ  phận khác trong trường hợp  Emergency thôi. Họ biết sai nhưng cố thuyết  phục tôi làm vì không còn  tiền để mướn thêm người nữa!


Xin nói thêm: trong thời  gian đầu làm ở trường, tôi được cấp trên  giúp xin thi lấy License hành  nghề của Tiểu Bang. Phải có 3 Contractors  ký giấy giới thiệu. Kỳ thi  rất gian nan. Có License của Tiểu Bang là ước  mơ của mọi Technician.  Tôi được cho thi cấp 1, tức là Restricted,  chỉ  được làm máy từ 5 tons  trở xuống, không được làm máy có điện 3 ph. May  mắn thi đậu ngay lần  đầu năm 2001. Đến 2003 tôi xin thi tiếp cấp 2,  Non-Restricted (còn gọi  là Master License). Lại đậu ngay lần đầu. Xong  là coi như khỏe, không  bị hạn chế về quy mô của máy, to lớn bao nhiêu  cũng được, điện  3ph/230V-460V cũng OK.


Bên cạnh việc làm trong  trường, nhờ có License, tôi xin mở Business  riêng và được phép thuê  công nhân. Sau giờ làm việc trong trường, đến  hết giờ hoặc cuối tuần,  tôi ra ngoài để làm thêm với anh em thợ, nhờ đó  có thêm kinh nghiệm. Cứ  mỗi 2 năm mình phải học thêm 8 giờ để cập nhật  kiến thức trước khi  Renew License.


Trong thời gian này, tôi  có may mắn trúng thầu của một công ty phát  triển nhà (Development),  người Việt Nam làm chủ. Liên tiếp từ năm 2003  đến 2008, tôi đã lắp ráp  hệ thống Central Air cho hơn 200 căn nhà mới  tinh. Mỗi căn trên dưới  4,000 SF, làm từ A - Z, lắp ráp 2 -3 hệ thống  Central Air với tất cả  đường ống phân phối Air.  Đầu tiên, tôi xin nghỉ 1  tuần trong trường để  học hỏi thêm từ các nhà thầu, các Dealer máy lạnh  rồi hướng dẫn thợ  làm. Sau khi làm khoảng chục căn nhà, thợ đã quen  việc, tôi giao cho họ  làm. Chỉ cần lên danh sách vật liệu để Order các  hãng máy lạnh và yêu  cầu giao đến nơi cho thợ. Khi cần tôi ghé qua vào  cuối giờ hoặc cuối  tuần để kiểm tra và hướng dẫn thêm. Điều gì không  biết hoặc gặp trở  ngại thì học hỏi thêm ở các Contractors khác hay các  Dealers. Thỉnh  thoảng ghé qua County hay City bổ túc giấy phép, gặp  Inspector thảo  luận… Lúc này nghề nghiệp vững vàng rồi. Nhờ có Master  Lisence nên đi  đâu cũng được nể nang, giao tiếp dễ dàng. Năm 2013, tôi quyết định xin  về hưu non trong trường, chỉ lo Business của mình. Dần  dần, ngoài lãnh  vực Residencial, tôi làm qua Commercial, như chùa, nhà  thờ, nhà hàng,  chợ, tiệm nail … nhiều khi phải cắt nóc Building, thuê xe  cẩu đưa máy  lên nóc nhà, đi các hệ thống ống theo bản vẽ…Thời gian đầu  cũng hơi vất  vả. Sáng thức dậy 6 giờ, vào làm trong trường, buổi chiều  có khi phải  làm Service bên ngoài đến 11 giờ khuya mới về. Sau này thì  khỏe rồi.


Công việc nói chung ngày  càng ổn định và phát triển. Nhưng rất tiếc  tuổi tác đã cao, phải tính  đến chuyện rửa tay gác kiếm thôi. Các  Technicians của tôi, những người  thợ chánh đều có học về Air Conditioning như tôi ngày trước, họ còn trẻ,  khỏe và giỏi nên rất yên  tâm khi giao việc cho họ. Có người sau một  thời gian cũng thi đậu  License và ra mở Cty riêng, nhưng vẫn giữ liên  lạc vui vẻ.


***


Nhìn chung, phải nói là  mình thật may mắn chọn được một nghề giúp  cuộc sống tại Hoa Kỳ được ổn  định, vững vàng. Bên cạnh nỗ lực của bản  thân, sẽ rất là thiếu sót nếu  không nhắc đến bà xã. Có được người bạn  đời hiểu biết, khích lệ và chia  sẻ buồn vui trong sinh hoạt hàng ngày  giúp mình thấy an tâm, có hứng  thú khi đi học cũng như đi làm. Chính  điều này là một trong những nguồn  lực giúp mình thành công.


Xin cám ơn bà xã. Xin cám  ơn nước Mỹ. Xin cám ơn tất cả những người  đã góp phần hướng dẫn, dìu  dắt và giúp đỡ chúng tôi trong cuộc sống mới  nơi xứ người.


Viết tại Atlanta cuối Đông 2018,

Hồ Cảnh Phùng


bottom of page