top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
LÊ PHƯƠNG LAN dâu K1

Tác giả (giữa) và phu quân Nguyễn Văn Vinh (K1) và con gái (hình tác giả cung cấp)


Chúng tôi, những người đã phải rời bỏ quê hương mình vẫn mang theo một quá khứ tha thiết, bi hùng. Lẽ ra thì gần nửa thế kỷ trôi qua nếu nhà cầm quyền cộng sản thực sự đem lại tự do, hạnh phúc cho dân Việt thì chúng tôi không ôm ấp mãi sự hoài niệm có muốn quên đi cũng không đành lòng! Vì trong lịch sử của các dân tộc văn minh như lịch sử người dân Mỹ sau cuộc chiến tranh Nam- Bắc, lịch sử của người dân của hai miền Đông và Tây Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ chỉ ghi lại những xây dựng sau khi thống nhất đất nước mà không hề phải ghi lại những sự trả thù dã man đối với đồng bào, những người đã tham gia trận chiến không cùng giới tuyến, không hề ghi lại chính sách khắc nghiệt để cướp đất, cướp nhà,để xua đuổi người dân phải vượt thoát hãi hùng bỏ thân trong rừng sâu, trên biển cả!


Người dân Việt cho đến nay vẫn bị bắt buộc phải sống ảo để cho đảng cộng sản cầm quyền che đậy những ung thối của nạn tham nhũng, vô lương. Hàng trăm tờ báo chỉ luôn “hát vang tự hào VN” hoặc “quyết tâm đấu tranh chống tiêu cực” nhất nhất theo lệnh từ ban tuyên giáo. Tác giả Thạch Thảo đã nói rất rõ rằng tự do ngôn luận không hề có tại VN, nhất là trong đội ngũ sinh viên, những trí thức tương lai của đất nước: "Trong trường đại học của VN, luôn có tổ chức của đoàn thanh niên cộng sản hoạt động để kiểm soát tư tưởng của sinh viên. Vì thế bao nhiêu thế hệ sinh viên nhập học rồi ra trường, hàng triệu thanh niên vẫn im thin thít chịu đựng không ai dám lên tiếng tranh đấu cho lẽ phải, cho quyền lợi chính mình. Tác giả viết thêm:” Khi con tôi viết lên Facebook nói lên tất cả sự thật những bất công trong xã hội hoặc những tiêu cực hiển nhiên của nhà trường, lập tức những đoàn viên thuộc chi đoàn TNCS liền theo dõi và báo cáo lên ban Giám Hiệu, báo cáo lên công an phường, mời con gái tôi lên răn đe, hăm dọa. Họ rất sợ mầm mống chống đối trong các trường đại học. Trần Hoàng Phúc, Đoàn Kim Khánh là hai sinh viên có tư tưởng tự do, dân chủ đều bị cầm tù với những bản án rất nặng!”


Trong hoàn cảnh của người dân Việt như thế bảo sao niềm vui của những buổi họp mặt như trong ngày gặp gỡ đón chào người bạn đồng khóa từ Minnesota về thăm của Gia đình Khóa 1 CSQG Bắc Cali tại San Jose vừa qua vẫn có những hoài niệm về những biến cố đau thương vẫn còn nằm sâu trong ký ức. Nhưng tạ ơn trên, sau bao năm tháng sống tại các quê hương thứ hai những đau thương, mất mát, hy sinh của những người thuộc thế hệ chúng tôi đa số đã được trả giá bằng cuộc sống ổn định và sự vươn lên thành đạt trong mọi lĩnh vực của các thế hệ tiếp nối.


Không chỉ là sự vươn lên của tuổi trẻ, lớp người tiên phong đã tiến bước xây dựng và đào tạo đội ngũ thầy cô dạy Việt ngữ tại California và hầu hết các tiểu bang khác trên nước Mỹ. Điển hình là hiện nay, để đáp ứng nhu cầu dạy tiếng Việt cho trẻ em tại trường và tại nhà, nhất là trong mùa hè và giai đoạn hạn chế đến trường, phân khoa Nghiên Cứu về Người Á Châu và Người Mỹ Gốc Á Châu thuộc Đại Học California State University, Long Beach, phối hợp với Trung Tâm Giáo Dục Tuổi Hoa sẽ tổ chức khóa Sư Phạm Kỳ 3 dành cho các thầy cô và phụ huynh học sinh được thực hiện qua hình thức”online”(trực tuyến). Các thuyết trình viên bao gồm: Thầy Quyên Di (Đại học UCLA và Đại học Cal State University, Long Beach), Tiến sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh (cựu giáo sư chuyên ngành sư phạm song ngữ tại CSU Dominguez Hills, Long Beach, nguyên tùng sự tại bộ Giáo Dục Liên Bang), Giáo sư Tahara Hiroki (Ritsumeikan Asia Pacific University, Nhật Bản, Cô Natsuki Kitayama (Kanto International Senior High School, Tokyo, Nhật Bản), Nhạc sĩ Hồng Trang (Trung Tâm Giáo Dục Tuổi Hoa).


Thật vậy, để giúp cho thế hệ con cháu biết vì sao chúng có mặt tại quê hương thứ hai; để nhắc nhớ các cháu ghi nhận sự hy sinh của ông bà, cha mẹ; để các cháu hiểu rõ nguồn gốc, sự thật của lịch sử và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt chúng tôi vẫn hoài niệm và vẫn tiến bước.


San Jose, mùa hè 2022

Lê Phương Lan


bottom of page