top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
K10 NGUYỄN MINH HÙNG

Tôi ngồi đây với hoàng hôn, mây chiều là đà nhuộm sắc màu đỏ rực loang loáng trên mặt sông mênh mông, bóng chiều chầm chậm chìm xuống sau rặng cây đen thẩm cuối tận chân trời để biến không gian trở nên xam xám huyền ảo trước khi bước vào đêm đen thăm thẳm.


Cảnh cũ ngày nào xuồng ghe thương hồ suôi ngược đó đây tấp nập, nay không còn nữa, lác đác vài chiếc ghe mệt mỏi chậm chạp cùng những dề lục bình lũ lượt trôi trên dòng sông hoang vắng…! Nỗi buồn đan kín, tôi cảm nhận rõ ràng dất nước đang oằn mình trong cơn đau vật vã thay máu bằng sinh lực cạn kiệt của người cộng sản áp đặt từ ngày chiếm miền nam chưa tròn hai năm, đã chứng thực viễn ảnh lầm than đen tối cho dân tộc với ước mơ vinh quang nơi chân trời ảo vọng…! Gởi tâm tư theo dòng nước lấp lánh ánh chiều trôi mịt mờ về miền biển xa xôi…! Mới đây, ngậm ngùi chia tay Nguyễn Bác Ái trên vĩa hè Cần Thơ, mặc nhiên sư câm lặng của cả hai đọc trên ánh mắt chất chứa nỗi thống thiết đớn đau hàng giờ bên ly cà phê tan loãng, để vội vã trao nhau địa chỉ hy vọng một lần hội ngộ mong manh trong cuộc đời tan vỡ, mà cả hai vừa vượt đường xa từ Học Viện CSQG về đến cận quê nhà…! Nguyễn Bác Ái quê tận Châu Đốc (Tđt/td2/ĐĐ 33, có bằng Cử Nhân Luật) hiền hậu, nhỏ nhẹ, đẹp trại, có lối chào tay đẹp nhất đại đội, khoan thai, hùng dũng, tác phong quân cách tuyệt vời (tôi rất ngưỡng mộ và hy vọng hắn ra trường thủ khoa). Có lần Trung úy Hòa (ĐĐT 33 trước Đại úy Lân) than phiền hàm râu lún phún của anh ta và bảo hắn phải “thanh toán” nhẵn nhụi trong 5 phút, anh ta bèn “sáng chế” ra cách dùng ngón tay trỏ sọt qua kẽ giửa lưỡi lam…và cạo không cần kiếng soi, kể từ đó chúng tôi đều có lưỡi lam trong ba lô để thực hành cách cạo râu Nguyễn Bác Ái.


Học Viện, những buổi sáng đầu xuân chào đón ánh bình minh với sương giăng mờ khắp lối, bàng bạc Vũ Đình Trường, ve vuốt những khóm hoa lấp lánh sương đêm, lướt thướt trên cành hoa sứ đang trổ bông khoe sắc và lan tỏa mơn man đến những cao ốc lừng lững rải rác đó đây, với ánh dương quang ửng hồng từ chân trời làm nền… cho bức tranh thủy mạc tuyệt đẹp. Tôi thường hướng mắt từ cửa sổ lầu 2 (ĐĐ33) thưởng thức cảnh nên thơ vài phút trong những ngày đầu xuân và bất chợt bắt gặp một bóng lãng tử (Vương Văn Hải ĐĐ33) lững thững nhàn du quanh hàng hoa sứ với gương mặt sảng khoái thỏa nguyện, rồi hắn ngắt cánh hoa sứ ghim lên túi áo (thay cho bông mai?) mà hắn quên vứt bỏ khi còi tập họp vang lên nên được thưởng 50 cái hít đất và rất lạ là hắn bị phạt 3 lần như thế trong một tháng (hắn nói cảnh Học Viện buổi sáng đẹp quá làm hắn nhớ Đà Lạt của hắn). Trong giờ Trung Tá Phạm Công Bạch hỏi Luật là gì, VVH định nghĩa “luật là phi luật, phi luật tức là luật” làm mấy chàng Luật gia thứ thiệt cười một trận tưng bừng, mà K10 có cả lố Cử Nhân, Cao Học Luật, SV năm thứ 2, 3, 4 nhiều vô số…! Tôi mến KTS Khưu Phan hiền hòa, điềm đạm, lúc ở Rạch Dừa anh được đưa về Sài Gòn trên chiếc Jeep của Trung Tá Giám Đốc, khi trở ra cũng mang cho tôi một món quà là một bịch tôm khô nhỏ xíu, tôi rất cảm động tấm thân tình của anh…! Nguyễn Văn Đông lớn tuổi nhất (31 tuổi, có Cử Nhân năm 71 dạy trường Công Giáo ở Nha Trang) người Bắc và thật kín đáo hiền hòa, anh thấy tôi mang túi đạn vải kéo xệ xuống thắt lưng, rất khó khăn khi phải chạy (và thấy không oai) nên anh để lại giâyTAP (giây ba chạc) của anh cho tôi và nói “H có dáng cao mang giây ba chạc trông hùng hơn nữa, kỳ phép sau anh mua cái khác” (anh cho tôi nợ), anh là nhạc trưởng ca đoàn nhà thờ có đôi tay dịu dàng mà mỗi sáng chào cờ anh bắt nhịp cho ĐĐ hát quốc ca với đôi tay đưa lên hạ xuống nhịp nhàng, chúng tôi rất quý mến anh với tính tình hòa nhả, lý luận sắc bén từ tốn (thi vào K10 anh đậu hạng nhât). Hoàng Văn Ngọc người Huế nhỏ nhắn lẹ làng, có bắp thịt nông dân cuồn cuộn, đào giao thông hào không cần nghỉ ngơi, cả tiểu đội đều nể, tôi chỉ lo đi lấy nước cho hắn uống, một hôm đi phép về thấy hắn lo le trên tay chiếc đồng hồ Seiko vàng chóe có 3 thằng chụm đầu vào xem, thỉnh thoảng hắn móc trong túi chiếc khăn tay lau nhè nhẹ lên mặt kính chiếc đồng hồ đầu đời, hai hôm sau khoảng 1 giờ sáng còi báo động rú lên trong đêm đen vằng vặc, tôi phóng lại tủ cùng lúc mọi người hối hả nai nịt, tôi chụp cây M16 (tôi có 3 cây súng M16, M79, và Garant diễn hành trong tủ) vừa bước ra cửa hối thúc “nhanh lên mấy ông…” thì nghe cái “Bốp” tiếng thằng Ngọc thảng thốt “Chệt mẹ cái đồng hồ tao…”, tôi đứng lại thì Nguyễn Trung Lên cúi xuống lia ánh đèn pin bắt gặp ngay vỏ đồng hồ sáng chói còn dính một đầu giây mà “bộ đồ lòng” biến đâu mất, thằng Ngọc quờ quạng chụp cái “tàn tích” còn lại với gương mặt đau đớn buồn rười rượi, thật tội nghiệp…!, anh Đông lên tiếng “Thôi để lát nửa về tìm lại…” Thằng Lên cười nhẹ “mày mua nhầm đồ made in Hồng Kông bên hông Chợ Lớn rồi mày…”


Nhà Mồ (chúng tôi gọi thế, là căn nhà tiền chế kiểu dã chiến của Mỹ) có bán đủ thứ, lon lá quân dụng…, v. v… mà ở đó có một “tiết mục” SV thỏa mãn nhất là được mượn tiền xài khi trong túi không còn một xu, được ký mượn không quá 4 ngàn một tháng, với phân lời là 15% và phải thanh toán vào kỳ lương tháng tới, cả 4 đại đội đều có “sổ vàng” riêng, chúng tôi gọi là Bảng Phong Thần, nơi đây cũng giúp SV giải quyết được tình trạng nan giải về tài chánh và cũng là vấn đề đau đầu cho chủ nhân Nhà Mồ khi có số SV…”quên” trả nợ, để có đôi lần ThiếuTá Phước (Liên Đoàn Trưởng) tập họp ĐĐ33 ngoài Vủ Đình Trường “xài xể” thậm tệ. K10 có 4 Đại Đội: ĐĐ31, 34 kỷ luật, ngoan ngoãn; ĐĐ32 là xuất sắc nhất nên được phong là Đại Đội Mẫu; Đại Đội 33 nổi tiếng vô kỷ luật (có thể lịch sử HV chưa từng có) đã bị Trung Tá Bạch Phó Viện Trưởng ra lệnh cúp phép cả đại đội. Đúng ra ĐĐ33 không phải bị phạt phạt nặng vậy, vì thầy đến lớp trễ 20 phút chúng tôi đoán chắc là thầy bận chuyện riêng nên đại đội áp lực “bộ chỉ huy” ra quyết định cho… “ngủ” (chúng tôi cũng mệt vì mới ứng chiến đêm qua) nên tất cả hạ thổ dưới gầm bàn, một số nằm co trên mặt bàn… Thầy Bạch tiến vào… như chỗ không người…? Vì không ai phát giác sự hiện diện của ông, ông giận đỏ mặt khi thấy một đám tàn quân (Mông Cổ) thua trận nằm la liệt, ông sợ quá quay ra ngay lập tức. Cũng có 2 thằng ĐĐ33 rủ nhau ra bên ngoài cửa sổ lầu hai (khoảng 9 giờ tối) chơi cạn 2 xị nước mắt quê hương (xỉn mẹ nó) tụt quần đái xuống đất, trời bất dung gian nhằm lúc Đ/U Sâm (ĐĐT34) đi ngang qua, ngỡ trời mưa nghịch mùa ngó lên thì… 2 ông trời con bị kéo xuống thi hành lệnh phạt dã chiến suốt 3 đêm và khỏi về phép Sài Gòn…!


Gian khổ nhất là tập diễn hành nhão người hàng tháng trời để chuẩn bị làm lễ mãn khóa 9, giữa trưa nắng cháy da, hay chiều tối thôi thúc ngoài Vũ Đình Trường vẫn còn vài nhóm người nhưng đi đứng… chưa ra con người (lời Thiếu Tá Phước), và ông thường hay la… “Tôi lưu ý ĐĐ33, đi đứng như một... đàn bò, cố gắng lên chứ…”.


Rồi cũng xong, ngày trọng đại cũng đến, trời vừa mờ sáng, vầng hồng e ấp ló dạng ở chân mây, sương đêm còn giăng mắc mịt mờ, thì đã thấy lác đác vài thằng cứng người trong bộ đại lễ rực rỡ, sáng chói, tay cầm cặp găng tay trắng, trịnh trọng tới lui ngoài hành lang, không dám ngồi, không dám uống cà phê, không dám đi nhanh… (sợ không khí làm… nhăn bộ đồ, rõ khổ!). Trời sáng tỏ, Học Viện nhộn nhịp tô điểm những bộ đại lễ rực rỡ khắp nơi thật đẹp, thật huy hoàng hòa lẫn với sắc màu của những tà áo dài thướt tha hay những bộ jupe thời trang của những nàng tiên lộng lẫy hay những mệnh phụ phu nhân sang trọng làm tăng thêm ý nghĩa huy hoàng của ngày vui trọng đại nơi Học Viện CSQG. Lúc này những ông phó nhòm, nhiếp ảnh gia nghiệp dư hoạt động hết mình, để các tân sĩ quan và SVSQ ghi lại những hình ảnh đẹp nhất, hãnh diện nhất của thời trai trẻ… SVSQ/CSQG…


Nhưng Khóa 10 tan hàng không la vang lời “cố gắng”, bàng hoàng, ngơ ngác, không chào vĩnh biệt bạn đồng ngũ thân thương, không kịp đưa ánh mắt nhìn lưu luyến nơi đã gắn bó, ấp ủ bao tình đời quân ngũ của những người con yêu Tổ quốc với lời nguyện góp sức phục vụ quê hương. Dù thời gian có qua đi, nhưng hình ảnh Học Viện vẫn thiết tha nhất trong tinh thần hoài niệm của K10 trong cuộc đời này.


Nguyễn Minh Hùng K10

(Trích trong ĐS Đa Năng số kỷ niệm 50 Năm HVCSQG – 1966-2016)


bottom of page