top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
K3 LÝ KÝ HOÀNG (Hồi ký)

Được người bạn thân cùng Khóa Nguyễn Văn Cư nhắc nhở và khuyến khích, tôi xin gởi bài Hồi Ký về việc Họp Báo Tại Tòa Bạch Ốc.


Năm 1972, tôi và bốn sĩ quan CSQG được chọn đi tu nghiệp tại International Police Academy (gần  Georgetown University) Washington D.C. Trước chúng tôi một khóa còn có  Ong Tỷ, K3 và một số Sĩ Quan CSQG khác cũng đang tu nghiệp tại đây.


Phải nói rằng những năm  1971-1972 là thời điểm mà đất nước chúng ta gặp nhiều khó khăn nhất.  VNCH đã bị ép buộc phải ngồi vào bàn Hội Nghị Paris ngang hàng với Mặt  Trận Giải Phóng Miền Nam. Cộng quân đã mở nhiều cuộc tấn công lớn trên  toàn lãnh thổ, chúng ngang nhiên chiếm đất dành dân. Cũng năm 1972 đã  xảy ra trận chiến kinh hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa. Quân Lực VNCH chống trả  oai hùng các đợt tấn công của quân chính qui Bắc Việt, đông hơn gấp  nhiều lần trong điều kiện thiếu thốn và cô đơn. Tưởng cũng nên nhắc lại,  vào năm 1971 hai ứng cử viên Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh rút tên ra  khỏi danh sách ứng cử Tổng Thống và tung tin Ông Thiệu tổ chức bầu cử  gian lận, liên danh Nguyễn Văn Thiệu-Trần Văn Hương “độc diễn” v..v...   CS Bắc Việt, các nhóm thiên tả và báo chí quốc tế xách động học sinh,  sinh viên xuống đường chống đối, nhóm “ký giả ăn mày” liên tục tấn công  chính phủ, tung tin bất lợi cho VNCH. Trong hoàn cảnh đó, cố vấn Hoa Kỳ  thuộc cơ quan USAID, Office of Public Safety đang làm việc với CSQG lại  bị giải thể theo đạo luật bổ sung của Thượng Nghị Sĩ phản chiến Mike  Mansfield (Mansfield’s Ammendement). Một phần ngân sách USAID/OPS còn  lại được dùng vào việc gấp rút đào tạo Sĩ Quan CSQG/VNCH tại Hoa Kỳ.  Trong thời gian nầy, tôi phục vụ tại Khối Tư Pháp, Bộ Tư Lệnh CSQG và  thường hay gặp các Cố Vấn Hoa Kỳ. Trong số các vị cố vấn có một Đại Tá  Bộ Binh tùng sự tại MACV (Millitary Asistant Command, VietNam) Tân Sơn  Nhất. Năm 1971, Ông ta được thăng chức và chuyển về làm việc tại Tòa  Bạch Ốc. Trước khi chia tay, Ông ân cần căn dặn tôi nếu có dịp đến  Washington, nhớ ghé thăm Ông.


Ngày đầu tiên vào lớp học,  tôi ngạc nhiên khi vị sĩ quan phụ trách giảng dạy tại đây trao cho tôi một thơ mời được gửi từ Tòa Bạch Ốc. Đây là bức thư của Ông Cố Vấn MACV mà tôi đã quen ở VN, nay là Phụ Tá cho một Cố Vấn Tổng Thống Hoa kỳ. Ông  ta truy tìm ra tôi. Chúng tôi rất vui mừng khi gặp lại nhau. Sau đó,  tôi được giới thiệu với Tiến Sĩ Robert Dupont, cố vấn của Tổng Thống  Nixon. Tiến Sĩ Robert Dupont là Director of National Drug Control  Policy. Ông ta tiếp chuyện rất vui vẻ và mời tôi trở lại tuần sau đó để  tham gia vào cuộc họp báo với đề tài “Ma Túy tại các trường học quốc tế ở Bangkok”.  Tôi từ chối với lý do không biết gì về chuyện bên Bangkok. Ông Cố Vấn  thuyết phục tôi “Anh nên cố gắng đến bởi vì chúng tôi rất muốn anh tham  dự cuộc họp báo vào tuần tới”. Tôi trả lời là phải được Tư Lệnh CSQG cho  phép thì tôi mới có thể tham gia. Ông bảo tôi hãy yên tâm và Ông sẽ xúc  tiến việc xin phép Tư Lệnh CSQG.


Vài hôm sau tôi được gọi  lên Văn Phòng của nhà trường và họ đã trao cho bức điện tín khẩn từ  Saigon với dòng chữ: “Col. Nguyen Khac Binh authorizes Captain Ly Ky  Hoang attend a Press Conference at White House on.....” Bức điện tín đi  khá nhanh, mãi về sau tôi mới biết Giám Đốc USAID/Office of Public  Safety Mike McCann đích thân xin phép Tư Lệnh CSQG cho tôi. Tôi đã giữ  bức điện tín như “lá bùa hộ mệnh”.


Hôm họp báo, tôi hơi  “khớp” vì dàn micro của các cơ quan truyền thông lớn như ABC, NBC,  CBS....đặt trước mặt và hàng loạt máy quay phim nhà nghề chĩa vào. Tôi  chưa bao giờ tham dự một cuộc họp báo có tầm vóc quốc tế như thế. Thôi  thì đã lỡ “mang chuông đi đánh xứ người” mình phải cố gắng làm sao cho  tiếng chuông không bị rè là tốt rồi.


Mở đầu cuộc họp báo, tôi  trình bày sơ lược về đường giây chuyển vận ma túy từ Tam Giác Vàng (Lào,  Miến Điện và Thailand) qua ngã Bangkok nơi có hàng ngàn học sinh Trung  và Tiểu học mà phần lớn là con em của các nhân viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ  và quốc tế đang theo học. Học sinh có thể tìm mua ma túy một cách dễ  dàng với giá rất rẻ. Các ký giả chỉ hỏi qua loa vài câu sau đó họ chuyển  sang đề tài chính trị. Họ đặt những câu hỏi như: “Ông nghĩ gì về đề  nghị ngưng bắn “da beo” và cuộc bầu cử “độc diễn của Ông Nguyễn Văn  Thiệu?” Bị bất ngờ vì các câu hỏi không nằm trong đề tài của cuộc họp  báo. Tôi định từ chối nhưng chợt nhớ tới “lá bùa hộ mệnh” và thầm nghĩ  “cờ đến tay” sao không phất?


Tôi trả lời:


"Hiệp Định Geneve năm 1954  không có điều khoản nào cho phép các lực lượng võ trang của Cộng Sản  Bắc Việt lấn chiếm lãnh thổ VNCH và chính phủ VNCH cũng chưa bao giờ ra  lệnh cho quân lực của mình xâm lấn lãnh thổ Bắc Việt.  Đề nghị ngưng bắn  “da beo” của Cộng sản Bắc Việt không những là một âm mưu thâm độc mà  còn là một thừa nhận việc vi phạm trắng trợn Hiệp Định Geneve vào lãnh  thổ VNCH.  Quý vị nên nhớ Hiệp Định Geneve 1954 đã được quốc tế công  nhận và Cộng Sản Bắc Việt cũng đã cam kết tôn trọng.


Về việc chỉ có Liên Danh  Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương ra ứng cử thì chiếu theo Hiến Pháp Đệ  Nhị Cộng Hòa do Quốc Hội Lập Hiến ban hành năm 1966 có điều khoản như  sau: “Nếu chỉ có một liên danh ra ứng cử thì cử tri có quyền bỏ phiếu  tín nhiệm hay bất tín nhiệm.” Năm 1971, dưới sự giám sát của các tổ chức  quốc tế, Liên Danh của hai ông Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương được  hơn 71% phiếu tín nhiệm.  Vì vậy, việc đắc cử của Liên danh Nguyễn Văn  Thiệu-Trần Văn Hương là hợp hiến, hợp pháp.”


Buổi chiều hôm đó, nhiều  cơ quan truyền thông Hoa Kỳ tường thuật lại cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc  trên các Đài truyền hình quốc gia.


Một tuần sau khi tôi trở  về nước, Trung Úy Khanh thuộc Phòng Văn Thư Bộ Tư Lệnh mời tôi lên trò  chuyện chơi. Tôi được Trung Úy Khanh cho xem bản phúc trình của Tòa Đại  Sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn gửi cho Bộ Tư Lệnh CSQG về cuộc họp báo “giải  độc” cho VNCH. Trên bản phúc trình tôi đọc được nét bút của Tư Lệnh CSQG  Nguyễn Khắc Bình: “Khen ngợi Ô. Hoàng”. Trung Úy Khanh cho tôi biết  “Công văn này sẽ được lưu vào hồ sơ cá nhân”.


Ba năm sau, khoảng 4 tuần  trước khi mất nước, tôi được Trung Tá Tạo, Chánh Văn Phòng Tư Lệnh CSQG  gọi lên trình diện. Tôi thật lo lắng vì trong Bộ Tư Lệnh ai ai cũng biết  Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình làm việc rất nghiêm khắc, tất cả các mệnh  lệnh phải theo hệ thống quân giai. Muốn gặp Tư Lệnh phải có mặt của  Trưởng Khối liên hệ nhưng tôi lại được Văn Phòng thông báo trình diện  ngay tức khắc. Đây là lần đầu tiên tôi trình diện Thiếu Tướng Nguyễn  Khắc Bình. Bước vào Văn Phòng của Ông tôi theo phương thức quân kỷ:


“Thiếu Tá Lý Ký Hoàng,  Khối Tư Pháp trình diện Thiếu Tướng Tư lệnh”.


Thiếu Tướng Bình đang từ  bàn làm việc ngẩng nhìn lên, Ông vẫy tay cho tôi đến gần Ông hơn. Bước  thêm ba bước, tôi đứng lại với tư thế nghiêm.


Thiếu Tướng Bình nói:


“Tôi cho phép Thiếu Tá đi  Hoa kỳ theo lời mời của Tòa Đại Sứ Mỹ. Thiếu Tá cũng biết giờ phút này  tôi không còn cho ai xuất ngoại để học hành làm gì. Tuy nhiên, tôi cho  Thiếu Tá đi Mỹ với hy vọng nếu gặp cơ hội như năm 1972 Thiếu Tá có thể  trình bày cho Chính Phủ và công dân Hoa kỳ biết tình trạng khó khăn của  VNCH. Tôi và Tổng Thống hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Thiếu Tá”.


Ông tiếp: “Chúc Thiếu Tá may mắn và thành công”.


Rời văn phòng của vị Tư  Lệnh CSQG, tôi không khỏi bàng hoàng và lo lắng. Mặc dù đây chỉ là những  lời nhắn nhủ nhưng thi hành nhiệm vụ thật không dễ chút nào. Đây là  chuyện quốc gia đại sự chớ không phải chuyện đi tu nghiệp thông thường.  Tôi không hiểu Kinh Kha trước khi sang Tần có tâm trạng rối bời như tôi  hay không? Làm sao thuyết phục Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ quân sự cho  VNCH?


Tôi đáp chuyến PanAm đi  Washington DC.  Đây là một trong những chuyến bay cuối cùng vì sau đó  vài hôm, Việt Cộng pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất, hãng hàng  không PanAm đã hủy tất cả các chuyến bay sau này.


Vừa đến Washington DC, tôi cấp tốc đến gặp ngay Ông Cố Vấn MACV. Tình hình thay đổi quá nhanh. Chỉ  trong vòng hai tuần, vùng I vùng II đã bỏ ngỏ và rơi vào tay Cộng Sản.  Ông Cố Vấn cho tôi biết Quốc Hội Mỹ đã “khóa tay” Tổng Thống Hoa Kỳ từ  lâu. Tổng Thống Ford cũng vừa tuyên bố “lịch sử Việt Nam đã sang trang”.  Bây giờ Hoa Kỳ chỉ có thể trợ giúp nhân đạo mà  thôi. Tôi “chết điếng”  khi nghe tin này nhưng vẫn cố vớt vát nhờ Ông Cố Vấn hỏi lại Văn Phòng  Tòa Bạch Ốc về những cam kết của Chính Phủ Hoa Kỳ với VNCH xem có còn  thực hiên được chút nào hay không? Chẳng hạn như cho VNCH vay 300 triệu  Mỹ Kim để mua đạn dược, xăng dầu. Câu trả lời vẫn là không vì: “Tất cả  đều tùy thuộc vào Quốc Hội Hoa Kỳ!”. Tôi nghẹn ngào hỏi: Số phận quân dân cán chính của VNCH rồi sẽ ra sao???


40 năm sau, nhân dịp Thiếu  Tướng Nguyễn Khắc Bình đến Washington DC, tôi được Ông tiếp chuyện qua  điện thoại và có nhắc đến hai chuyến công tác năm xưa tại Tòa Bạch Ốc.


Xin Thiếu Tướng nhận bài hồi ký này như một phiếu trình muộn màng.


Lý Ký Hoàng

Cựu SVSQ Khóa 3 Học Viện CSQG.

Cựu Thiếu Tá Khối Tư Pháp Bộ Tư Lệnh CSQG/VNCH


Ghi chú của tác giả:

Sau ngày 30/4/1975, các đồng minh của Hoa Kỳ đã  hết tin vào những cam kết của chính phủ Hoa Kỳ. Phi Luật Tân đuổi Mỹ ra  khỏi Subic Bay và Clark Air Base. Thái Lan đuổi Mỹ ra khỏi Udorn, Utapao  và trong chiến tranh Iraq, Hoa Kỳ bị Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh quan  trọng trong Khối NATO áp dụng biện pháp “gậy ông đập lưng ông”: Quốc Hội  Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép phi cơ quân sự Hoa Kỳ bay qua không phận của  họ để đánh Iraq. Cuối cùng Hoa Kỳ đã phải điều đình với các nước thuộc  Liên Bang Sô Viết cũ như Tajikistan, Kyrgystan để sử dụng lãnh thổ và  không phận của họ.


bottom of page