top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
K3 NGUYỄN NGỌC TUẤN

Là một người Cảnh Sát Dã Chiến mà nói chuyện ma nghe nó lạ làm sao ấy và cũng hơi kỳ kỳ nữa. Viết bài để đăng trên Đặc San kỷ niệm 50 năm khóa 3 Học viện CSQG mà cứ nhắc lại chuyện ngày xưa, những chuyện mà các bạn đã đọc qua, tôi cũng cảm thấy hơi nhàm nên muốn thay đổi đề tài một chút cho nó hấp dẫn người đọc. Do đó tôi đành chọn đề tài "Ma xứ Đà Lạt mù sương", mong là các bạn sẽ không chê bai, nhất là không chê tôi là "CSDC mà sợ ma".


Tháng 10 năm 1968, trong ngày mãn khóa 3 Học Viện CSQG và trong ngày chọn đơn vị sau khi ra trường, ba tôi đã xin với ông Viện Trưởng giữ tôi làm một Cán Bộ để phục vụ tại Học viện CSQG. Cùng ở lại làm việc cho Học Viện có các bạn Nguyễn Văn Sơn, Đặng Thanh Thủy, Nguyễn Phú Thịnh, Lê Thanh Sơn và hai người SVSQ Ngoại Trú.


Tháng 1 năm 1969, sau khi trụ sở của Học Viện đã được di chuyển từ Biệt Khu Thủ Đô Saigon lên quận Thủ Đức, Tổng Nha CSQG có lệnh, tất cả mọi nhân viên CSQG, trừ CSĐB, tuổi sinh năm 1948 và 1949 phải chuyển qua để phục vụ trong ngành CSDC. Tôi về trình diện Khối CSDC Saigon và đã làm đơn xin lên phục vụ tại Đà Lạt. Tôi muốn lên làm việc trên Đà Lạt vì tôi rất mê thích cái thành phố sương mù này, một thành phố có rất nhiều cảnh đẹp, khí hậu thì mát mẻ quanh năm. Trung Tá Nguyễn Văn Đại, Trưởng Khối CSDC đồng ý cho tôi lên phục vụ trên Đại Đội 209/1 CSDC Tuyên Đức nhưng không giữ chức vụ chỉ huy vì hiện lúc đó đã có Đại Đội Trưởng là Thiếu Úy Nguyễn Hoài Ân, một Sĩ Quan Quân Đội biệt phái và K3 Lê Lang là Đại Đội Phó. Đại Đội 209/2 CSDC do một ông Thẩm Hiến Binh là Trần Đình Nhã làm ĐĐT.


Cả hai Đại Đội CSDC được trú đóng cùng chung với Phòng CSĐB, Ty CSQG Đà Lạt/Tuyên Đức trên một ngọn đồi cao, quay mặt ra đường Trần Bình Trọng, Đà Lạt. Khu vực này gồm có hai biệt thự rất lớn. Biệt thự phía trước gồm hai tầng với rất nhiều phòng, đây là trụ sở của Đại Đội 209/1 và của Phòng CSĐB. Văn phòng làm việc của Th/U Nguyễn Hoài Ân và phòng ngủ của ông nằm trên lầu hai. Biệt thự phía sau cũng rất lớn và có 3 tầng với rất nhiều phòng. Building này là văn phòng của ĐĐ 209/2, nhưng lầu hai của căn này lại gồm văn phòng các Ban của Đại Đội 1 (hai Ban Quản Trị và Hành Quân), một phòng nhỏ được dùng làm phòng truyền tin của  ĐĐ 1 và trên lầu ba là phòng ngủ của K3 Lê Lang. Tôi được cho một chỗ ngủ tạm trong phòng truyền tin, phía dưới của phòng ngủ của bạn Lê Lang. Tại phòng này, ngay đêm đầu tiên, khi đang ngủ thì tôi bị bóng đè, không nhúc nhích được. Mắt tôi mở lớn và tôi đã thức dậy. Tôi thấy rất rõ một người đứng lù lù cách tôi chưa đến một thước. Tôi cố lấy tay luồn xuống dưới gối tôi đang nằm để nắm lấy cây súng rouleau. Với mãi thì nắm được chuôi súng. Ngay lúc đó bóng đen bên cạnh tôi liền biến mất. Lúc đó tôi toát mồ hôi vì sợ, mặc dù trời khi đó rất lạnh. Tôi ra khỏi phòng, đi lên cầu thang gỗ và gõ cửa phòng Lê Lang. Tôi nói Lê Lang là phòng tôi có ma. Lê Lang nói với tôi, mình ở trong khu này, chuyện đó là chuyện thường tình, đừng có sợ. Đêm hôm sau, tôi nói với Hạ Sĩ Quan Truyền Tin Nguyễn Mẹo đem cái ghế bố lên phòng của tôi để trong phòng có hai người cho bớt sợ. Tôi không còn dám nằm trong căn phòng đó một mình nữa.


Khoảng một tháng sau ngày tôi lên phục vụ tại Đà Lạt thì Thiếu Úy Nguyễn Hoài Ân được trả về Quân Đội để phục vụ (Sư Đoàn 18). K3 Lê Lang lên làm ĐĐT. Tôi được "lên chức" làm Đại Đội Phó. Bạn Lang vẫn giữ phòng ngủ của mình trên lầu ba của căn biệt thự phía sau. Tôi dời phòng ngủ lên lầu hai của biệt thự phía trước, căn phòng ngủ cũ của Thiếu Úy Ân. Căn phòng này sáng sủa hơn vì có cửa sổ nhìn ra sân sau và ra rặng núi Lang Biang xa xa. Đêm đầu tiên ngủ trong phòng này, tôi thấy cảm giác hơi là lạ, tôi có cảm tưởng có một người nào đó đang ở trong phòng chung với mình. Tôi mặc kệ cảm giác đó với ý nghĩ là, dù sao căn phòng này cũng khá hơn căn phòng trước, nơi tối tăm và tôi đã bị bóng đè, sợ hãi đến nỗi phải gọi nhân viên truyền tin vào ngủ chung phòng cho bớt  sợ.


Tôi vốn rất thích hoa hồng Đà Lạt. Hoa hồng bán ngoài chợ vừa to, vừa đẹp mà tại Saigon rất là khó tìm ra và giá tiền hoa tại Saigon cũng rất là đắt. Tại chợ Đà Lạt, lúc thời bấy giờ (đầu năm 1969) giá tiền một chục hoa hồng chỉ có mười đồng trong lúc một ly cafe là năm đồng. Buổi chiều hôm đó, tôi mua một chục hoa hồng màu đỏ thắm đem về cắm trong một bình để trên cái tủ quần áo, loại chest có 4 ngăn kéo. Ngủ dậy sau một đêm, tôi thấy cả mười cành hoa hồng đều gãy gập xuống như có một ai đã cố tình bẻ gẫy những cành hoa đó. Tôi rất là ngạc nhiên. Tôi nghĩ là tôi đã mua nhằm một bó hoa hồng đã bị hư hỏng. Buổi trưa cùng ngày tôi đi ra chợ Đà Lạt mua lại một chục hoa hồng khác và đem về cắm vô bình. Đêm hôm đó, khoảng 12 giờ đêm, tôi nằm chùm chăn để hở đầu nhưng chưa ngủ. Tôi chợt nghe tiếng ai như đang thở phì phò chỗ cửa sổ nhìn ra sân sau, ngay cạnh cái chest trên có đặt bình hoa. Tôi hơi sờ sợ. Tôi không dám quay đầu lại nhìn bình hoa và chỉ nằm im. Tôi chợt nghe những tiếng cắc cắc, âm thanh nghe giống như những cành hoa đang bị ai đó bẻ gãy từng cái một. Tôi sợ quá, không dám thở mạnh, không dám nhìn sang bên cạnh. Tôi chùm chăn kín đầu và ngủ thiếp đi lúc nào tôi cũng không rõ. Sáng hôm sau thức dậy. Vẫn còn nằm trên giường và nhìn sang bên phải nơi có bình hoa hồng. Hỡi ôi, cả mười cành hoa hồng đều gãy gập hết. Tôi lại hết hồn, nổi da gà vì sợ. Nhìn ra cửa phòng thì cái chốt cửa vẫn còn khóa nguyên như đêm qua tôi đã cài rất cẩn thận trước  khi vô giường ngủ. Như vậy là phòng này có ma. Xuống văn phòng để hỏi thăm mấy nhân viên đã tùng sự nhiều năm tại đơn vị này. TS Nguyễn Quang Sơn, Trưởng Ban Công Xa của Đại Đội cho tôi biết, hai tòa nhà lớn nơi chúng tôi đang trú đóng ngày xưa là hai đồn Công An thời Tây còn ở tại  Việt Nam và rất nhiều người đã bị nhốt, tra tấn hoặc chết tại đây. Sơn  nói căn phòng mà tôi đang ngủ ngày xưa có thể là một phòng tra tấn nào đó. Tôi nói với Sơn về việc hoa hồng cắm trong bình đều gãy gặp sau một  đêm. Sơn nói có thể con ma phòng đó không thích hoa hồng. Tôi ra chợ mua một bó hoa loại khác không phải hoa hồng và đem về cắm trong phòng ngủ.  Qua sáng ngày hôm sau, nguyên bình hoa vẫn nở đẹp như thường. Như vậy thì đúng như Sơn nói, con ma trong phòng này không thích hoa hồng hoặc là một cô gái nào đó tên là Hồng, ngày xưa đã bị Tây tra tấn và chết tại căn phòng này.


Vào tháng 3 hay tháng 4 năm 1969, K3 Nghiêm Xuân Phúc Cương cưới vợ và hai vợ chồng lên Đà Lạt hưởng tuần trăng mật. Vợ chồng Cương ở tại nhà người ông nội vợ tại khu Chi Lăng, gần trường Võ Bị Đà Lạt. Khi đó K3 Lê Lang đang đi phép thăm nhà tại Quảng Ngãi và 3 Trung Đội CSDC  của Đại Đội chúng tôi đang đóng quân tại 3 quận Tùng Nghĩa (Đức Trọng),  Đơn Dương và Lạc Đương. Trên Hậu Cứ chỉ còn Trung Đội Hậu Cứ lo giữ an  ninh cho doanh trại. Tôi có thì giờ rảnh rỗi để đưa vợ chồng Cương đi  chơi khắp Đà Lạt, từ thác Cam Ly đến đèo Prenn, vườn hoa Bích Câu, hồ  Than Thở, hồ Xuân Hương v.v... và chiều nào tôi cũng theo vợ chồng Cương  về nhà ông Nhượng, ông nội của vợ Cương để ăn cơm tối và ở lại chơi cho  đến khuya mới trở về doanh trại. Tôi kể cho ông Nhượng nghe về việc hoa  hồng trong phòng tôi bị ai đó hay là ma bẻ gãy hết. Ông Nhượng nói ngày  xưa ông từng đi thầu bên Lào, ông có học được một số bùa chú trừ tà.  Ông cho tôi một bài chú và bảo tôi trước khi đi ngủ đọc 7 lần thì ma quỷ  trong phòng sẽ đi hết, không còn gì phải sợ. Ngay đêm hôm đó, tôi về  trại và trước khi đi ngủ, tôi đọc bảy lần bài thần chú mà ông Nhượng mới  cho rồi chùm chăn đi ngủ. Đà Lạt khí hậu lúc nào cũng lạnh và ngày đó  không có heater trong phòng. Tôi mặc cái quần CSDC, một áo thun, một áo  len chui cổ cho ấm và chân thì đi vớ để đi ngủ như thường lệ. Buổi sáng thức dậy tôi giật mình kinh hãi khi thấy mình hoàn toàn trần truồng trong chăn. Tất cả quần áo của tôi kể cả áo thun, quần lót đều nằm một  góc trong phòng, sát cánh cửa ra vào. Tôi biết tôi chưa bao giờ có bệnh mộng du, có nghĩa là khi tôi đang ngủ, nếu tôi có làm gì tôi đều biết.  Thế mà bây giờ ai đã lột hết quần áo của tôi ra và vứt xuống đất như  vậy. Tôi sợ quá vì nghĩ rằng con ma trong phòng ngủ của tôi muốn nói cho  tôi biết rằng, bùa chú tôi vừa đọc đêm qua trước khi đi ngủ chỉ là con  số không, không có "áp phê" gì với nó cả. Chiều hôm đó, lúc gặp ông  Nhượng và kể lại cho ông ấy nghe chuyện vừa xảy ra. Ông Nhượng nói với  tôi là con ma trong phòng tôi là một con quỷ chứ không phải ma.


Ngay ngày hôm sau, tôi gặp Thiếu Úy Trưởng Phòng CSĐB (tôi tạm giấu tên) để điều đình với ông ấy cho tôi đổi căn phòng ngủ của tôi qua một phòng khác gần bên cạnh. Tôi ngủ trong căn phòng sau này thì không còn thấy chuyện gì lạ trong phòng hay có hiện tượng ma quỷ gì nữa cả.


Sau thời gian vợ chồng Nghiêm Xuân Phúc Cương nghỉ, hưởng tuần trăng mật tại Đà Lạt, hai người trở về Saigon. Vì nghe tôi nói tôi đã học Anh Văn trong thời gian khá lâu tại Hội Việt Mỹ Saigon, ông Nhượng mời tôi làm thầy dạy kèm Anh Văn cho Phillip, con trai riêng của vợ ông và Kim Oanh, cháu ngoại của ông. Phillip và Kim Oanh lúc đó đang học lớp Đệ Tam tại trường Tây Lycee Yersin Đà Lạt, theo chương trình Pháp. Kể từ ngày đó, sau giờ làm việc, mỗi buổi chiều tôi đều lái xe lên trường Lycee Yersin và đón Phillip cùng Kim Oanh đưa họ về nhà ông Nhượng. Sau khi dạy họ học Anh Văn theo chương trình sinh ngữ hai của lớp Đệ Tam trường Pháp, tôi cùng gia đình ăn cơm tối tại nhà ông Nhượng. Sau khi dùng cơm xong, tối nào cũng vậy, ông Nhượng giữ tôi ở lại uống cafe, uống trà và chơi bài "binh xập xám chướng" đến gần khuya tôi mới từ giã để lên xe trở về trại CSDC. Nhà ông Nhượng trong khu Chi Lăng cách xa chợ Đà Lạt khoảng 6 cây số về hướng Đông Bắc khu chợ. Như vậy là mỗi đêm tôi đã lái xe gần 8 cây số để trở về trại. Mọi sinh hoạt như tôi vừa nêu trên đã diễn ra bình thường được hai ba tuần lễ.


Một buổi tối, lúc đó khoảng gần 12 giờ đêm, tôi lái xe một mình từ nhà ông Nhượng đi ra đường Chi Lăng để đi về. Trời sương mù hơi đặc.  Mới chạy được vài phút, tôi thấy hai cô gái tuổi chừng trên dưới hai mươi đứng trên lề đường bên phải vẫy tay xin quá giang. Tôi dừng xe lại.  Tôi mở cửa xe và hỏi họ muốn đi về đâu. Một cô nói là họ muốn về khu Hòa Bình Đà Lạt (tức là khu chợ Đà Lạt). Tôi nói hai cô lên xe. Cả hai  đều ngồi chung trên ghế xe Jeep phía trước. Tôi vòng tay để gài cửa xe lại và lái đi. Tôi không hỏi chuyện mà cũng chẳng nhìn sang họ vì lúc đó sương mù khá dày, tôi muốn chăm chú lái xe cho an toàn. Xe chạy đến ngã ba bờ Hồ Xuân Hương, chỗ đó nếu quẹo trái sẽ về Tư Dinh của Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, một cô nói tôi dừng xe lại. Tôi dừng xe và hỏi, sao nói là về khu Hòa Bình mà lại xuống đây. Họ mở cửa và bước xuống xe. Cùng một lúc, đó tôi rút một điếu thuốc lá Camel trong túi áo jacket CSDC và châm lửa hút. Tổng cộng thời gian không quá ba mươi giây đồng hồ. Đưa tay để đóng chốt cửa xe bên phải thì tôi rất ngạc nhiên khi không còn nhìn thấy ai cả. Tại ngã ba này có rất nhiều cột đèn đường sáng trưng, có lẽ vì tại đây đã xảy ra rất nhiều tai nạn xe cộ. Tôi vội  nhìn phía trước qua kính xe cũng không thấy ai. Tôi quay đầu nhìn ra phía sau xe, xuyên qua miếng nylon trong suốt của xe Jeep cũng không  thấy ai. Tôi nhìn sang bên trái phía tôi ngồi thì nhìn thấy cái Miếu  "Hai Cô". Trong miếu này có gắn đèn màu hồng và hơi mờ mờ. Đến lúc đó tôi mới chợt nhớ câu chuyện về Miếu Hai Cô tại ngã ba bờ Hồ Xuân Hương.  Nghe câu chuyện thì hai cô gái này đã nhảy xuống hồ tự tử tại chỗ này vì lý do gì thì tôi không nhớ rõ. Kể từ thời gian đó, năm nào cũng có một  hai tại nạn xe cộ đụng nhau chết người tại đây. Dân chúng hoặc một nhóm người nào đó đã cất một cái miếu dưới một gốc cây để thờ cúng hai cô. Tại khu ngã ba bờ hồ này thì hoàn toàn không có một nhà dân nào cả. Tôi chưa bao giờ có cảm giác sợ dựng tóc gáy, hôm nay thì điều đó đã xảy ra cho tôi. Tôi sợ quá. Tóc gáy tôi dựng lên. Tôi vội lái xe thật nhanh chạy về đến khu Hòa Bình thì nhìn thấy một xe Tuần Cảnh đang đậu ngay trước rạp hát Hòa Bình. Tôi đậu xe Jeep bên cạnh xe Tuần Cảnh và bi ba bi bô nói chuyện với mấy người Cảnh Sát trên xe đó cho bớt sợ. Tôi không kể cho họ về việc tôi có thể đã vừa chở ma "hai cô" trên xe Jeep. Một lúc sau, khi đã bớt sợ, tôi mới lái xe về trại. Sáng ngày hôm sau, tôi  xuống gặp anh em nhân viên trong Ban Chỉ Huy của Đại Đội CSDC. Tôi kể cho họ nghe sự việc xảy ra ngày hôm qua. Rất nhiều nhân viên CSDC tại Đà Lạt là dân đã sinh đẻ tại Đà Lạt hoặc đã từng cư ngụ lâu năm tại địa phương này. Anh em cho tôi biết, hằng năm đều có một hai xe đang chạy trên đường Chi Lăng và đã nhẹ nhàng đi thẳng rồi chìm nghỉm xuống hồ Xuân Hương. Cũng có một gia đình kia, ông bố mới mua xe hơi từ Saigon về. Ông ấy lấy xe chở vợ và 3 con trên xe để chạy vòng quanh bờ hồ này cho vui. Không biết sao lại chạy xe thẳng xuống hồ và cả nhà đều chết chìm chung với cái xe. Một người nói với tôi là tôi may mắn đã không lái xe thẳng xuống hồ Xuân Hương, có thể vì tôi đã không trêu ghẹo, không nói điều gì sàm sỡ với hai cô gái khi họ đang ngồi trên xe của tôi, do đó tôi đã không bị tai nạn xe. Họ tiếp, nếu tôi nhìn kỹ hai cô gái khi họ còn đứng trên lề đường và vẫy tay xin quá giang, tôi sẽ thấy là hai cô này không có chân. Họ đứng trên chân không. Tại ngã ba miếu hai cô, bên phải đường là một bờ cỏ thoai thoải, chổ khu đường cong cong. Khi xe đang đổ dốc, nếu không chạy xe chậm lại và bẻ tay lái về bên trái một chút, xe sẽ êm dịu mà chạy thẳng xuống hồ nước. Họ kể cho tôi là, có một số người lái xe bị lao xuống hồ nhưng không chết, đã kể lại rằng, khi xe đến ngã ba, khi họ bẻ tay lái một chút sang trái theo con đường cong thì tay lái xe đã bị cứng lại, không di chuyển được. Đạp thắng xe cũng không ăn. Thế là xe lao xuống hồ.


Nghe kể xong, tôi và người tài xế lái xe ra chỗ Miếu Hai Cô để xem lại vị trí nơi đó. Tôi thấy giống y như anh em đã mô tả. Tôi vô Miếu "Hai Cô", thắp một nén nhang cho họ. Thật là hú hồn.


Buổi chiều hôm đó, sau khi đón Phillip và Kim Oanh tại trường và đưa họ về nhà ông Nhượng. Tôi lấy lý do là công việc Cảnh Sát hơi bận nên không thể tiếp tục đón hai cháu cũng như dạy Anh Văn cho họ nữa.  Tôi chấm dứt ghé nhà ông Nhượng hàng ngày kể từ thời gian đó.


CHUYỆN MA CUỐI CÙNG TẠI ĐÀ LẠT:


Từ tháng 2 năm 1969, sau khi Thiếu Úy Nguyễn Hoài Ân trở về bên Quân Đội và K3 Lê Lang lên thay, bạn Lê Lang đã dời văn phòng ĐĐT CSDC 209-1 từ lầu hai của biệt thự bên ngoài cổng vô căn phòng nằm trên lầu ba của biệt thự bên trong vì phòng ngủ của bạn Lang nằm cùng lầu, cách văn phòng này một cầu thang bằng gỗ. Bàn làm việc của tôi, ĐĐP cùng ở trong văn phòng này. Tầng hai của biệt thự này là văn phòng Ban Quản Trị, Ban Hành Quân. Phòng Truyền Tin thì nằm bên dưới phòng ngủ của ĐĐT.


Tháng 1 năm 1970, bạn Lê Lang nhận lệnh đi học bổ túc quân sự khóa 2/70 tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Tôi lên thay để giữ chức vụ XLTV/Quyền ĐĐT Đại Đội 209-1 CSDC Tuyên Đức (Đại Đội 209-2 CSDC Đà Lạt vẫn do TSV Trần Đình Nhã làm ĐĐT). Sau khi bạn Lê Lang rời Đà Lạt, tôi  dời phòng ngủ của tôi từ lầu hai biệt thự bên ngoài vô phòng ngủ của bạn  Lê Lang, trên lầu ba của căn biệt thự phía sau. Lý do tôi dời phòng ngủ  vì từ căn phòng này, tôi chỉ bước qua cầu thang là sang văn phòng làm việc, không phải đi xa và căn phòng ngủ này tuy nhỏ nhưng rất yên tĩnh.


Văn phòng của tôi có khá nhiều cửa sổ hai phía nên căn phòng rất sáng về ban ngày. Một hôm, tôi đi suốt ngày đến tối mới về đến đơn vị. Tôi bước qua văn phòng để xem trên bàn có giấy tờ công văn nào quan trọng không. Đây là lần đầu tiên tôi đi phòng này vào ban đêm. Tôi bật đèn điện thì không thấy sáng. Tôi gọi Mẹo, nhân viên Truyền Tin lên để hỏi. Mẹo nói với tôi là văn phòng này từ xưa đến giờ không có đèn vì gắn bóng đèn nào lên thì hôm sau bóng đèn đó đều bị bể và rớt xuống sàn nhà. Tôi không tin chuyện quái lạ này nên sáng hôm sau tôi nhờ nhân viên đi mua bóng đèn và gắn lên. Bật đèn thì đèn vẫn sáng như thường. Ngay buổi tối ngày hôm đó, khi đi ăn cơm về, tôi bước vào văn phòng thì thấy cái bóng đèn tròn không còn nằm trên vị trí của nó. Bóng đèn đã vỡ tan và nằm trên sàn nhà trong khi cái chuôi đèn vẫn dính trên dây điện. Tôi cho là có người phá phách. Tôi nhờ Mẹo gắn một bóng đèn khác lên, bật thử cho sáng. Tôi ra khỏi phòng và khóa cửa lại chứ không để mở như thường lệ. Tôi trao một chìa khóa cho TS Trần Phan Hưng, trưởng ban Quản Trị để hắn có thể mở khi muốn đưa công văn giấy tờ đến và đi mỗi khi tôi không có mặt tại đơn vị.


Buổi sáng ngày hôm sau, tôi bước vào văn phòng làm việc. Tôi nhìn lên ngọn đèn điện trên gần trần nhà. Bóng đèn vẫn còn đó và sáng lên khi tôi bật đèn. Sau khi xem xét công văn giấy tờ, tôi rời căn phòng  lúc trưa để đi ra ngoài sau khi đã khóa cửa phòng vì tôi biết Hưng có chìa khóa. Tôi trở về doanh trại lúc 8 giờ tối. Trước khi vô phòng ngủ tôi đã mở cửa văn phòng để xem có công văn đi và đến hay không. Khi tôi bật công tắc điện thì không thấy sáng. Lấy đèn pin rọi lên trên trần nhà. Cái bóng đèn đã vỡ tan và nằm trên sàn gỗ.


Vào cuối tháng 2 năm 1970, tôi trở về doanh trại lúc gần nửa khuya và đi vào phòng ngủ của tôi. Mới thay quần áo xong và chuẩn bị nấu nước pha trà thì có tiếng gõ cửa. Mẹo bước vô. Hắn hỏi tôi lúc 11 giờ  khuya tôi có về phòng ngủ không. Tôi nói với Mẹo là lúc 11 giờ đêm tôi còn đang uống cafe tại phòng trà Chic Cabare trên đường Hoàng Diệu và bây giờ tôi mới về đến nơi. Mẹo nói, khoảng 11 giờ khuya, hắn nghe tiếng chân đi lên cầu thang gỗ, ngang qua phòng hắn lên lầu ba (phòng Mẹo ở  lầu hai dưới phòng ngủ của tôi). Mẹo tưởng tôi vừa về đến phòng nên đi lên gõ cửa. Thỉnh thoảng, vào ban đêm, tôi thường mời hắn vô phòng uống trà cho ấm bụng. Mẹo nói, khi lên đến cửa phòng tôi hắn thấy phòng tôi còn tối thui. Hắn gõ cửa nhưng không thấy tôi mở. Tôi nói với Mẹo, ông lại dọa tôi nữa. Mẹo vội đưa ngón tay lên miệng hắn ra dấu tôi im lặng.  Mẹo thì thầm nói với tôi, ông có nghe thấy gì không? Tụi nó đang uống trà trong văn phòng của ông đó. Tôi im lặng và lắng nghe thì quả tình nghe thấy tiếng lách cách như có ai đó cứ đưa tách lên rồi đặt xuống cái đĩa nhỏ nhiều lần. Trong phòng làm việc của tôi rất trống và rộng.  Trong đó có một bàn 'bureau", một bộ salon 4 ghế và có một bộ tách trà  trên chiếc bàn salon nhưng bộ tách trà này chỉ dùng để làm kiểng cho đẹp. Đằng sau cái bàn làm việc của tôi là một bảng gỗ ghi sơ đồ tổ chức Đại Đội. Tôi cầm khẩu súng ruleau trong tay trái, tay phải cầm cái đèn pin. Tôi ra đấu cho Mẹo theo tôi. Tôi lấy chìa khóa mở cửa văn phòng rồi đạp cửa thật nhanh và đi vào phòng. Ngay lập tức tôi dùng đèn pin quét một vòng thật nhanh quanh cả căn phòng. Tôi không nhìn thấy gì khác lạ. Bộ tách trà vẫn nằm yên vị trên bàn salon. Lúc đó tôi mới cảm thấy sợ.  Mẹo và tôi ra khỏi căn phòng. Mẹo đi xuống phòng hắn để đi ngủ và tôi cũng vào phòng ngủ, chùm chăn kín đầu để đi ngủ chứ không còn hứng thú gì trong việc uống trà ban đêm nữa. Nằm mãi vẫn không ngủ được. Tôi chợt có cảm giác như có ai đang đứng bên ngoài, sát cửa phòng ngủ của tôi và thở phì phì. Tôi lại bật dậy mở cửa ra thì không thấy ai. Chui lại vô bên trong chăn thì lại nghe có tiếng thở phì phì bên ngoài cửa. Tôi lại ra xem xét một lần nữa thì cũng chẳng thấy gì cả. Tôi nghĩ, có lẽ vì tôi sợ nên bị thần hồn nát thần tính, tiếng thở phì phì là tiếng do hơi thở của tôi phát ra chứ không phải tiếng thở của ai cả. Tôi bèn nín thở xem sao. Sau khi nín thở và chỉ hít thở thật nhẹ, tôi vẫn rõ ràng nghe thấy tiếng thở phì phì phát ra rất rõ ràng bên ngoài cánh cửa phòng ngủ của tôi. Lúc bấy giờ thì tôi đã có quyết định. Tôi gọi Mẹo và nói hắn đi xuống gọi CVS Lê Phát Đạt, người tài xế của tôi lên. Tôi nói với Đạt là,  kể từ thời gian đó, Đạt mang cái ghế bố của hắn lên phòng ngủ của tôi để hai người cùng ngủ chung trong căn phòng này. Đạt nằm chung phòng với tôi từ ngày đó cho đến giữa tháng 4 năm 1970, khi tôi rời Đà Lạt để cùng Đại Đội Phó Nguyễn Hữu Hiếu về thụ huấn bổ túc khóa 4/70 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.


Sau này tôi có hỏi chuyện một số nhân viên kỳ cựu của Phòng CSĐB Đà Lạt. Một vài người có cho tôi biết, văn phòng mà tôi và bạn Lê Lang dùng làm phòng làm việc, ngày xưa, lúc thời Tây và sau năm 1954, phòng này được xử dụng làm phòng điều tra và hỏi cung phạm nhân. Trong một thời gian không rõ năm tháng, cũng trong căn phòng này, một phạm nhân nam, tay đang bị trói để chuẩn bị được hỏi cung, trong lúc mọi người không để ý, người phạm nhân này đã phóng mình lao qua một cửa kính. Cửa kính vỡ tan và người này đã rơi từ lầu ba xuống đất và chết tại chỗ.


Trừ một lần tôi đã lái xe Jeep để chở hai cô "ma" từ khu Chi Lăng Đà Lạt về đến Miếu Hai Cô bên bờ hồ Xuân Hương, ngoài ra thì tôi chưa bao giờ chính mắt nhìn thấy một con ma nào. Tuy nhiên, qua những hiện tượng tôi vừa kể ra như trên, tôi vẫn tin rằng thế giới vô hình là có thật mà chúng ta không nhìn thấy hoặc không biết đến. Quý bạn nào không tin ở ma quỷ, xin tùy nghi nhận định.


Nguyễn Ngọc Tuấn

15/5/2018

bottom of page