top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
K3 NGUYỄN VĂN A

(Chuyện đời của một Bạn Đồng-ngũ)


Gần cuối  năm 1971, Bảy Lê được chuyển tới Đại-đội Vĩnh Bình, làm phó cho tôi. Hai  đứa là đồng khóa, cùng Trung đội SVSQ 24 - Đại đội 102, nằm gần nhau  trong HV/CSQG tạm trú trong Trại Lê văn Duyệt thuộc Biệt Khu  Thủ-đô.


Sở dĩ Bảy phải làm phụ tá  cho một đồng môn là vì tôi mãn khóa 3/70 Thủ-đức gần cuối năm 1970. Bảy  học khóa 5/70 ra trường hơi chậm nên đành chịu thôi. Nhưng mà "trong cái  xui có cái hên", hay nói theo văn hoa  chữ Hán thì "họa trung hữu  phước". Đó là duyên nợ của anh.


Tôi không thể "dùng" anh như một phụ tá, mà dành cho Bảy mọi sự dễ dàng,  anh sẽ tùy nghi mà giúp tôi trong công việc của Đại đội, mà 7 Trung đội  đang tăng phái hoạt động ở các BCH/CSQG Quận. Tại BCH hậu cứ chỉ có văn  phòng Đại đội gồm các ban 1, 2, 3, và tiếp liệu, tổng cộng 24 người.  Lực lượng tác chiến có 2 Trung đội: Trung đội Thám báo ( TrĐ 8) và Tr/đ  quận Châu thành.


Thành ra Bảy rất vui vẻ cùng tôi làm việc. Anh được vài Trung đội Trưởng  như Lý và Đức Rỗ hướng dẫn rong chơi trong Thị xã Phú Vinh những khi  ngoài giờ hành chánh.


Và chuyện phải đến đã đến.  Bảy làm quen được với giai-nhân M., ái-nữ của Ông Bà chủ tiệm vàng  Trần Văn Trương trong Thị xã. M. là một trong số ít người đẹp, con nhà  giàu ở nơi Tỉnh lẻ nầy. Nàng có một chiếc xe gắn máy PC hay chạy rong  chơi với vài cô bạn ít đẹp hơn nên càng tăng thêm nhan sắc. Một  giai-nhân khác là cô Tuyết Đầu bờ, sau làm xướng ngôn viên Đài Truyền  hình Cần Thơ. Tuyết cũng nhong nhong trên chiếc PC, với tóc đuôi ngựa  làm cho các chàng trai Thị xã ngẩn ngơ. Tôi đã có vợ con "đàng-hoàng"  nên chỉ hơi hơi tiếc thôi! Nàng Tuyết có 2 biệt danh là Tuyết Đầu bờ  và Tuyết Đuôi Ngựa.


Bảy hơi đen nên có biệt  danh Bảy Cà-ri (da ngâm đen giống Ấn độ). Nhưng duyên phận đã được Lão  Trời Già định đoạt, hai người đi đến hôn nhân và khoảng giữa năm 1972.  Sau đó không lâu Bảy được thuyên chuyển đi Gò Công để làm Đại đội  Trưởng.


Sáng ngày 30/04/1975, Bảy  một mình di tản (không rõ khi ấy nàng M. ở đâu?). Sau gần nửa năm "xa  quê hương nhớ vợ hiền, con thơ", anh theo gót hơn ngàn người khác lên  chiếc tàu "định-mệnh" VNTT, rời đảo Guam, Mỹ khoảng ngày 15 tháng 10,  1975 "để quy cố hương", cặp bến ngày 26-10-1975, rồi đi vô trại cải-tạo ở  Phú Yên (Trại A-20). Năm 1976 Bảy chuyển trại tới Tân-Kỳ, Nghệ An, Bắc  phần, có nhạc sĩ Trường Sa Nguyễn Thìn ở chung.


Trong một lần thăm  nuôi chồng ở A-20, M. nói thẳng với anh rằng nàng đang có "kế hoạch ra  đi" để sum họp với chàng. Thế mà anh lại "ngu dại" quay về. "Tôi thà ở  vậy chớ không thể có một anh chồng ngu-ngốc, anh ráng giữ gìn sức khỏe  để tự lo lấy thân mình, tôi đã để lại tiền bạc thăm nuôi anh một thời  gian".


Tôi nằm tù ở Trại Cây Me,  cách Bến Giá hơn 1 km, hướng ra Biển Ba động, nên biết nhiều biến động  của vụ "đánh tư sản" trong tỉnh. Ông Bà nhạc của Bảy bị "cướp sạch nhà  cửa, tài sản..". Ông TVT bị nhốt tù ở Phú Vinh rồi đưa xuống Bến Giá. Bà  T. phải chịu "xuống đời", bưng cái tràng bán kim chỉ, vật dụng linh  tinh nào đó. (Có lẽ lúc nầy M. đã ra đi?).  Đến nay có lẽ Ông Bà đang ở  nơi "vĩnh-hằng"! Xin đốt một nén hương lòng cho Nhị Vị. Bạn tôi về  Sa-đéc làm nghề vô gas quẹt máy ( cái bật lửa) sống qua ngày, vậy mà  "khỏe hơn" tôi chạy xe 3 bánh và làm ruộng!!!


Bảy bước thêm bước nữa với  một cô-giáo ở địa phương, Cô giáo nầy chỉ thương người lính VNCH!,  nên đồng ý kết duyên với Bảy, hai người có 1 con trai rồi đi Mỹ,  khoảng năm 1992. Tại nơi ở gần Sacramento, do Khóa 3 Nguyễn Phước Tường  (đồng sự ở Gò Công) bảo trợ, anh có thêm 1 trai.


Dĩ nhiên Bảy muốn tìm lại  đứa con trai bé bỏng sanh ra ở Gò Công, cùng với M. Trời không phụ lòng  người cha, vì thương nhớ con mà trở về để nhận lãnh những chuỗi ngày  "nghiệt-ngã", "đớn đau"! Anh đã gặp con, nhưng không thấy M. Anh rất vui  mừng trong phút giây đầu tiên nhìn mặt con nay đã là một thanh-niên.  Nhưng anh phải thất vọng vì con anh lớn lên ở Mỹ, sự giao tiếp khác nhau  của hai nền văn hóa đã tách rời hai cha con. Anh buồn bã chia sẻ với  tôi như vậy. Nhưng anh có chút mãn nguyện và an lòng vì con mình đã khôn  lớn, dù chưa "thành-đạt".


Hai con trai của Bảy là  Hồng Phúc, đã tốt nghiệp nhiều năm qua, và Hồng Đức đều thương người anh  cùng cha khác mẹ. Bảy làm việc trong các trường học của Quận hạt địa  phương cho đến khi lâm "bạo bịnh", rồi qua đời sau nhiều ngày "chống  chọi" với diabetes, đau gan, thận, …


Nghe tin Bảy mất, Hội trưởng K3 Phạm Văn Quyết đã lái xe trong mưa tuyết  từ Nam Cali, lên San Jose cùng với các Bạn cùng khóa tìm đến an ủi và  chia buồn cùng Chị Sở, người quả-phụ đáng thương. Tôi cũng góp phần   hương khói cho bạn mình.


Nhớ lại những cuộc chuyện trò tâm sự mà thương cho anh rồi nhớ đêm ở Văn  phòng Đại đội năm nào, anh vừa thổi sáo vừa ngâm bài thơ "Sông Đuống"  của Hoàng Cầm:


Anh sẽ về đây, đưa em qua sông Đuống.......


Bảy ơi hãy yên nghỉ và nhớ phù hộ cho Vợ con anh.


K3 Nguyễn Văn A


bottom of page