top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
JAMES DIEU

Tối ngày  28.4.1975 khi việt cộng bắn những trái pháo vào phía sau rạp hát Quốc Thanh trên đường Võ Tánh – Sài Gòn 2, lúc ấy gia đình tôi đang sống  trong khu cư xá bên trong BTL/CSQG gần đó, cạnh Sở Căn Cước và Sở Truyền  Tin… phía sau sân cờ. Bố tôi lúc ấy là Đại Tá Giám Đốc Trung Tâm Hành  quân Cảnh Lực Trung Uơng và kiêm nhiệm một công việc mới theo quyết định  của Thủ Tướng CP là ông Vũ Văn Mẫu ngày 30/04/1975 là Chỉ Huy Trưởng  CSQG Thủ Đô Sài Gòn. Ông liên lạc với một người em kết nghĩa là chú Phạm  Như Hoành (con trai của cụ Phạm Như Phiên là TNS Quốc Hội Việt Nam Cộng  Hòa) chú Hoành khi ấy đang làm Giám Đốc khách sạn Majestic gần bờ sông  Bạch Đằng. Thế là gia đình tôi di chuyển tới ở tại lầu 5 của khách sạn  này, khi Mẹ tôi dắt đàn con 7 đứa ra xe, Bố tôi khi ấy bận công vụ không  có nhà, các sĩ quan và cảnh sát viên ở Nha Trang di tản về  ở tạm quanh  sân cờ BTL thấy vậy, họ nghĩ là gia đình tôi cũng bỏ chạy,  có người  hỏi chú Ba tài xế:


– Bộ gia đình Đại tá Chánh đi hả?


– Không, chỉ ra ngoài ở sợ Việt cộng pháo trúng mấy đứa nhỏ thôi.


Hình như họ không tin  tưởng lắm qua những ánh mắt nhìn theo chúng tôi. Mẹ tôi có dừng lại và  bà có nói gì đó với họ, tôi không nghe rõ. Tình thế lúc bấy giờ ở bên  ngoài rất hỗn loạn, người ta đổ xô ra đường rất đông, các lực lượng  phòng thủ ở thủ đô Sài Gòn lúc bấy giờ có lẽ đông nhất là các chiến sĩ  Nhảy Dù cùng với rất nhiều các binh chủng tập trung về Thủ Đô. Mặc dù  vậy, Thủ Đô vẫn an ninh, không có việc cướp bóc như có một số người đã  nói, những chiến binh của quân đội VNCH vẫn rất có kỷ luật, cầm súng  trên các ngã đường trong thủ đô, đồng bào đổ xô và tranh nhau lên các  chiếc tàu biển đậu trên bờ sông Bạch Đằng để hy vọng được thoát khỏi Sài  Gòn giờ phút cuối cùng, tôi nhìn thấy các chiến sĩ Nhảy Dù đang cố giữ  trật tự cho đồng bào lên tàu…


Nhưng những chiếc tàu vẫn  không rời bến. 10 giờ sáng sớm hoặc trễ hơn một chút, ông Dương Văn Minh  ra lệnh đầu hàng, tôi thấy Mẹ tôi khóc, chúng tôi chờ Bố tôi tại khách  sạn, những tên Việt cộng đầu tiên xuất hịện trên đường phố cùng những  chiếc xe thiết giáp gầm rú để trấn áp tinh thần dân chúng Sài Gòn. Mẹ  tôi ôm chúng tôi vào lòng, Bố tôi trở về cùng với người tài xế, cả hai  đều không mặc cảnh phục, Bố tôi ôm Mẹ tôi và hôn từng đứa con, chú tài  xế lái xe đi đem theo khẩu M-16, trở lên phòng. Bố tôi lại nói chuyện  riêng với Mẹ tôi, không cho chúng tôi nghe, sau đó tôi nghe chị Thu là  người giúp việc cho gia đình tôi òa lên khóc, chị quỳ dưới chân Mẹ tôi van xin được ở lại cùng gia đình tôi, chị không muốn về quê ở Gò Công, lúc ấy tôi mới biết Bố tôi định dùng súng bắn hết anh em chúng tôi rồi cùng Mẹ tôi tự sát.


Mẹ tôi khi ấy không còn  khóc nữa, Mẹ cũng chọn sự lựa chọn của Bố tôi, tôi khóc và ôm lấy Mẹ, có lẽ lúc ấy là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết khóc, tôi không ý  thức được sống chết là gì, nhưng tôi rất sợ khi mọi người nói tới hai  tiếng “Việt cộng”!


Bố tôi rút khẩu súng ra và  ôm lấy chúng tôi… Có lẽ có điều gì đó không nỡ,  Bố tôi không đành lòng  nổ súng vào đàn con thơ dại đang đứng chờ đợi…  Những người phóng viên  ngoại quốc họ đến tận phòng ở gia đình tôi và hỏi: “Chuyến đi cuối cùng  rồi ông có ra đi không? Bố tôi trả lời:


“Không”.


Tại sao vậy? Bố tôi nhìn  Mẹ tôi một hồi lâu, Bố nói ông không nỡ bỏ các anh em đang cầm súng ở  lại ngoài kia, có lẽ ở BTL CSQG cũng không còn ai ngoài Bố tôi và ông Tướng Nhu.


Với cấp bậc của Bố tôi,  ông có thể tìm được một chỗ cho ông và gia đình một cách dễ dàng để bay  thoát ra ngoài hạm đội Mỹ đang đợi ngoài khơi, nhưng ông đã không làm  như một định mệnh với quá nhiều đau khổ cho ông và gia đình về sau, khi ở  lại dưới chế độ cộng sản, tôi xuống thang máy khách sạn và gặp một toán  Việt Cộng cầm cờ đang tìm cách lên sân thượng  của khách sạn, chúng  quát người phục vụ khách sạn khi anh ta đưa họ vào thang máy, chúng bảo:  “Chúng tôi muốn lên trên ấy chứ không phải vào cái  buồng nhỏ này”.


Chúng  dí súng vào đầu  người dẫn đường, sợ quá và không thể giải thích với chúng, anh ta đành  dắt họ đi cầu thang… Thấy chúng lên lầu, tôi và chị  Thu giúp việc sợ  quá, vội dùng thang máy chạy vội lên phòng, và tôi đã ném chiếc kính cận  của Bố tôi xuống cửa sổ, tôi khóc nói với Bố tôi:


“Con sợ tụi nó biết Bố ở đây nên con ném xuống dưới rồi”.…..


Sau đó gia đình tôi trở về  cư xá Thanh Đa, nơi Bố Mẹ tôi có một căn nhà mua trả góp trước đây, căn  nhà nhỏ này vốn dùng để cho các gia đình của các chú trước đây làm việc  với Bố tôi ở Sư Đoàn 23 di tản về ở tạm, gia đình chú Thọ cũng đã đi  đâu rồi nên gia đình tôi dọn vào, tất cả mọi người đều chỉ có một bộ đồ  mặc trên người, Mẹ tôi phải đưa chúng tôi ra chợ mua thêm để mặc. Tất cả  mọi người phải nằm chiếu, nhà không có bàn ghế hay giường tủ gì cả…


Khởi sự cho một cuộc sống  hoàn toàn trắng tay đúng nghĩa! Lúc ấy đứa em út của tôi chưa biết đi.  Ngày Bố tôi đi tù, có hai chú ngày xưa làm việc cùng ở Sư Đoàn 23 trước  khi Bố tôi được biệt phái về Cảnh Sát là chú Phạm Ninh và chú Nghiêm  Xuân Đông đến đưa Bố tôi đi, ông đi ngay trong ngày sinh nhật thứ 41 của  mình, tôi chạy theo đến tận chân cầu thang cư  xá và đứng nhìn Bố tôi  lên chiếc xe lam…


Từ  ngày 30/4 năm ấy, một  tay Mẹ nuôi dạy chúng tôi, sau này còn phải nuôi Bố tôi ở trong tù cộng  sản, có những lúc Mẹ quá sức và tuyệt vọng vì không biết ngày về của Bố  tôi, Mẹ có lần bạo gan hỏi Việt cộng: “Sao nói đi một tháng mà bây giờ  đã hơn một năm chồng tôi vẫn chưa về? Gia đình cũng không biết đang ở  đâu, sống hay chết?” Chúng trả lời: “Nói một tháng là một tháng đi đường  (?) chứ ai nói là đi cải tạo một tháng rồi  về đâu…"


Chừng vài năm sau, trong  cuộc sống quá khổ sở, Mẹ tôi phải lặn lội sớm hôm kiếm tiền nuôi con,  trong một lần quá tuyệt vọng Mẹ tôi đã viết một lá thư để lại cho Bố tôi  và nấu một nồi chè đậu xanh trong đó, Mẹ đã bỏ thuốc diệt chuột mà Tổ  Dân phố cấp cho, Mẹ múc ra chén cho từng đứa con…  Có lẽ tôi cũng không  nhớ lầm thì lúc ấy bên ngoài mọi người đang tưng bừng mừng 2 năm “giải  phóng” thì phải, có lẽ Mẹ tôi cũng mượn dịp này để Mẹ và đàn con 7 đứa  cũng được giải thoát chăng?

Lúc ấy các em tôi cũng đã  lớn, các em gái như Tuyết, Trinh, Hằng… đã khóc và quỳ xuống xin Mẹ cho  chúng con được sống, chỉ sống để chờ Bố về, có đứa còn khóc gọi “Bố ơi!”  …


Mẹ tôi dường như đã cạn  khô hết nước mắt rồi, thương con cực khổ quá thì chỉ muốn cho chúng chết  đi để hy vọng một kiếp sống mới tốt đẹp hơn?  Sống với đời sống “con  của ngụy” thì cũng chẳng ra gì? Cuối cùng tình yêu thương của Mẹ vẫn  chiến thắng, Mẹ đã hắt đổ nồi chè gần như trở thành định mệnh – như ngày  nào Bố tôi đã bỏ khẩu súng lục xuống để đàn con tiếp tục được sống như  sự an bài của Trời Phật vậy!


Sau đó Mẹ càng cố bương  chải kiếm sống ngoài đường, có lúc bị kẻ gian đập đầu bất tỉnh ngoài bến  xe khi Mẹ mua đồ xuống Cần Thơ cho dì bán nhà hàng, mong kiếm chút tiền  mua cơm về cho con, lúc ấy Việt Cộng cấm mang gạo, ai có gạo sẽ bị tịch  thu, nhưng nếu nấu thành cơm mang về Sài Gòn thì được… Chúng con biết  Mẹ rất cực khổ – từ một bà mệnh phụ, Mẹ từng là Tổng Thư Ký Hội Bảo Trợ  Gia Đình Binh Sĩ SĐ 23 BB, rồi Hội Trưởng Hội BT/GĐBS của Trung Đoàn 44  BB ở Sông Mao khi Bố tôi làm Trung Đoàn Trưởng… Thế mà vì vận nước suy  vong, Mẹ sẵn sàng lam lũ như những kiếp đời vốn dĩ bần hàn.


Những ngày 30 tháng Tư đi  qua, tuy Mẹ không nói, nhưng trong đôi mắt của Mẹ –  Chúng con biết Mẹ  buồn tủi lắm! Thấy Mẹ tôi vất vả quá, cậu Khánh tôi ở Ban Mê Thuột có ý  nhận nuôi phụ vài đứa, nhưng Mẹ không chịu, có một chú lính ngày trước  của Bố tôi từ Nha Trang vào, thấy cảnh đời gia đình tôi khổ sở quá, bèn  móc ví ra đưa cho thằng em tôi vài trăm, nó nhất  định không lấy, chú  lính phải năn nỉ mãi nó mới cầm và thằng bé chưa đầy 10 tuổi đã phải bật  khóc vì tủi thân, có bao giờ nó phải nhận sự giúp đỡ thương hại như  thế?


Thời gian sau này, có các  chú may mắn ra đi được, có người ở Mỹ, có người ở Na Uy như các chú  Nguyễn Xuân Thọ, Phạm Ninh, Hồ Đắc Tùng, các bác bạn của Bố tôi Bác  Thăng… gởi tiền và quà về giúp Mẹ tôi khi Mẹ đã quá sức cùng kiệt – nhờ  vậy mà chúng tôi được sống!


Ngày 30/4 sắp đến – cũng  dịp này, tôi xin mượn những giòng chữ này để một lần được nói lên lời  tri ân những ân nhân của gia đình tôi, cũng như xin được thưa với Mẹ của  chúng tôi rằng “Chúng con hiểu và suốt đời yêu thương Mẹ, đó là điều có  thật đang diễn ra trong tâm hồn chúng con!” Và với Bố, một người Cha đã  suốt đời sống thanh liêm, yêu thương đồng đội, trung thành với Tổ Quốc,  kiên định trong gông cùm biệt giam của cộng  sản, cho dù có lúc Bố đã  từng nói trong cuốn sách lưu niệm của các sinh viên Sĩ Quan Khóa 8 Hoàng  Thúy Đồng trường VBQG Việt Nam rằng: “Điều mà tôi ân hận nhất là để cho  Vợ và các con của tôi phải sống những ngày tháng đau khổ đói khát dưới  chế độ cộng sản…" Thưa Bố, chúng con hiểu được, chúng con bây giờ đã lớn  khôn, trưởng thành, chúng con không trách cứ gì số phận của minh cả, mà  bù lại có lẽ chúng con càng hãnh diện và tự hào hơn vì chúng con có một  người Mẹ tuyệt vời, biết hy sinh và biết  đau xót cho Quốc Gia, không  như những người Mẹ bình thường, có một người Cha sống ngay thẳng, tận  tụy cùng Tổ Quốc, chức nghiệp, không hèn hạ và vô trách nhiệm… Nước mất  nhà tan nên gia đình mình cùng hàng trăm ngàn gia đình sĩ quan binh sĩ  Việt Nam Cộng Hòa phải đau khổ, chia sẻ và  thăng trầm cùng vận nước –  Điều đó đâu có gì nhục nhã đâu!


Như  Bố vẫn thường kể cho  chúng con nghe về những trận đánh của Bố ngày xưa, kể về các sĩ quan của  đơn vị Bố một cách hãnh diện và tự hào như các chú Xuân, chú Tài, chú  Đức, chú Lâm, chú Ninh… trong số ấy có những người đã ra đi không bao  giờ trở về…sau  mười mấy năm tù đày – Bố tôi đã trở về với gia đình và  được ra đi định  cư tại Hoa Kỳ theo diện RD-7 – Và mười mấy năm sau trên  mảnh đất Utah,  Mẹ tôi đã thực hiện một điều mà Bố tôi mơ ước, đó là  một bộ quân phục khaki vàng với phù hiệu Quân Đoàn II, Sư Đoàn 23 BB  cùng các loại huy chương Việt – Mỹ của Bố tôi trước đây… Trong bộ quân  phục oai phong ấy,  Bố ơi! Người sĩ quan của ngày nào vẫn còn đấy, chúng  con thấy Mẹ cười  thật tươi, hạnh phúc, có phải chăng lý tưởng Quốc Gia  vẫn âm ỉ trong tâm hồn của Bố Mẹ, dù thời gian có đi qua bao xa? Chúng  con thấy bàn tay Bố vân vê Bảo Quốc Huân Chương IV và trong ánh mắt của  người lính già gãy  súng vẫn âm vang nỗi bi tráng của một thời binh lửa…


Ngày mất nước lần thứ 34  lại về, chúng con hiểu sự đau khổ trong tâm hồn của Bố Mẹ – âm thầm,  chịu đựng, u uẩn, lực bất tòng tâm… Bố vẫn thường nhắc cùng với Mẹ về  những người đã hy sinh ngoài mặt trận để bảo vệ miền Nam Việt Nam, những  bạn bè của Bố đã ngã xuống trong ngục tù CS…. Con xin  được tạm kết ở  đây cho những dòng tâm tư này bằng hai chữ “Định Mệnh”!


Vâng, Định Mệnh của cả một  nền Cộng Hòa, của hàng trăm ngàn tử sỉ, của hàng trăm ngàn người không  yên dưới biển sâu trên hành trình đi tìm tự do, và của ai nữa ? … Của  những người Quốc Gia đang còn sống đây cho dù ở trên xứ sở Tự Do hay còn  trong nước, vành khăn trắng này sẽ được cột lên đến  bao giờ?


James Dieu


bottom of page