top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
LÊ THÀNH QUANG

(22/01/2023 – Mồng Một Tết tại Philadelphia)

(Đề tài khô khan - tài liệu, sự thật là chính)


Ngày 2 tháng 6 năm 1948, Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam của Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân chính thức dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ.


Ý nghĩa của lá cờ được giải thích như sau: 


1. Màu vàng là màu truyền thống của đế vương Việt Nam từ xưa, cũng là màu tượng trưng cho đất nước. 


2. Màu đỏ là màu của thịnh vượng, thành công. Ba sọc đỏ tượng trưng cho ba kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ thống nhất dưới một chính thể quốc gia.


Lá cờ vàng ba sọc đỏ sau này tiếp tục là quốc kỳ dưới thời Quốc gia Việt Nam (1949-1955), và sau đó là quốc kỳ cho suốt thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng hòa (1955-1975).


Hồi ký Việt Nam Nhân Chứng của tướng Trần Văn Đôn xác nhận:


“Bảo Đại mời Nguyễn Văn Xuân. Nguyễn Văn Xuân nói tiếng Việt không được nhưng hiểu và biết việc, nên được Bảo Đại mời làm Thủ tướng Chính Phủ Lâm Thời Trung Ương ba miền chứ không phải riêng một mình Nam phần….” 


“...Ngày 24.4.1948, Nguyễn Văn Xuân trở về Sài Gòn để tổ chức một đại hội quy tụ khoảng 40 đại biểu. Đại hội do ông Lê Văn Kim và tôi (Trần Văn Đôn) tổ chức. Chính trong hội nghị này chúng tôi đề nghị thay lá cờ vàng chữ Ly có từ chính phủ Trần Trọng Kim ra cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng dòng máu dân của ba miền ..”


“...Thời Ngô Đình Diệm dự định thay lá cờ này và đã tuyển 350 mẫu cờ của 350 người dự thi, nhưng không chọn được mẫu cờ thay thế nào cả...”


Hiện nay. Việt Nam Cộng Hòa đã bị Cộng Sản cưỡng chiếm. Lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của chúng ta không còn đại diện cho bất kỳ chính thể, không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và Liên Hợp Quốc công nhận. Dù vậy, chúng ta, những cựu quân nhân, công chức, dân chúng Việt Nam Cộng Hòa nói chung, đã và đang là những nạn nhân tỵ nạn Cộng Sản thường trú trên các quốc gia tự do vẫn sử dụng lá cờ chính nghĩa này trong nhiều hoạt động chính trị, xã hội. 


Chúng ta đã từng phát động Chiến Dịch Cờ Vàng tức là phong trào vận động nhằm đưa cờ vàng ba sọc đỏ làm lá cờ chính thức đại diện cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, Úc, và Canada. 


Cho đến bây giờ, thời khắc này, cờ vàng ba sọc đỏ được chính quyền của một số thành phố và tiểu bang của Mỹ gọi là "Lá Cờ Tự Do và Di Sản" dành cho những người gốc Việt sống tại các địa phương này (tiếng Anh: Heritage and Freedom Flag).

Sau 30 tháng 4 năm 1975, làn sóng người vượt biển, vượt biên tìm tự do trên những chiếc thuyền nan nhỏ bé, bất chấp nguy hiểm với cái chết gần kề bất luận lúc nào... đã đánh động lương tâm thế giới. 


Thế giới đã không còn im lặng như một hành động đồng lõa với Cộng Sản tận diệt truy bức một dân tộc hiếu hòa Quốc Gia Việt Nam, đã cứu vớt người vượt biển, đón nhận người tỵ nạn, kêu gọi các nước tự do khác mở rộng vòng tay cứu vớt tùy phương tiện hiện hữu của mình. Các tổ chức cộng đồng đã hình thành khắp các thành phố, tiểu bang có người Việt và nghi lễ Chào Cờ Đầu Năm đã xuất hiện như là một Quy Ươc Bất Thành Văn nhưng lại là một lệnh ngầm không trái được.


Về bài quốc ca, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, Quốc hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa được bầu ngày 4-3-1956 trong khi soạn thảo hiến pháp, Quốc hội dự tính tuyển chọn quốc kỳ và quốc ca cho chính thể mới, nhưng chưa chọn được lá cờ và bản nhạc nào ưng ý, nên ngày 31-7-1956, Quốc hội quyết định giữ quốc kỳ và quốc ca cũ. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, California, Nxb. Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 200.) 


Bản quốc ca “Tiếng Gọi Thanh Niên” được đổi thành "Tiếng Gọi Công Dân", và mở đầu bằng câu: “Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng…” Đồng thời thay đổi khá nhiều lời so với bài “Tiếng Gọi Thanh Nhiên”. (Những người lớn tuổi, nhứt là những vị di cư sau hiệp định Genève, cho biết sau khi vào Nam Việt Nam năm 1954 một thời gian, thì mới có bài “Tiếng Gọi Công Dân.) 


Quốc hội lập hiến cũng đã mở cuộc thi vẽ quốc kỳ và thi sáng tác quốc ca. Có tất cả 350 mẫu cờ và 50 bản nhạc được đề nghị. Ngày 17-10-1956, một lần nữa, Quốc hội Lập Hiến tuyên bố không chọn được bản quốc ca hay quốc kỳ mới, và quyết định giữ nguyên quốc kỳ và quốc ca cũ làm biểu tương. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 203.) 


Nguyên văn lời bản "Tiếng Gọi Công Dân" thời Việt Nam Cộng Hòa::


Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng

Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.

Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,

Làm sao cho núi sông, từ nay luôn vững bền.

Dù cho thây phơi trên gươm giáo,

Thù nước, lấy máu đào đem báo.

Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,

Người công dân luôn vững bền tâm trí.

Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi

Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!

Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!

Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ

Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống

Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng!


Tác giả bài quốc ca này là Lưu Hữu Phước và đã có những dư luận từ bọn bưng bô Cộng Sản xuyên tạc cho rằng cả một miền Nam không làm nổi một bản quốc ca, phải lấy tác phẩm của một tên Việt Cộng. Do bởi đề tài hôm nay không phải là phản biện lập luận này, chúng tôi sẽ có bài viết về vấn đề nay khi có dịp. Chúng tôi khẳng định rằng:


“Bản nhạc được dùng làm quốc ca Quốc Gia Việt Nam từ năm 1948, rồi quốc ca Viêt Nam Cộng Hòa từ sau năm 1954, là tâm huyết của những sinh viên yêu nước vào những năm 1941, 1942, chứ lúc đó những tác giả nầy không phải là những người cộng sản.” 


Năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản tạm cưỡng chiếm. Bản quốc ca “Tiếng Gọi Công Dân" và lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ cùng với người Việt di tản ra hải ngoại, được hát vang khắp nơi trên thế giới. Chẳng những thế, ngày nay bản quốc ca nầy cùng với lá Cờ Vàng bắt đầu sống lại ở trong nước, chẳng những ở Nam Việt Nam mà cả ở Bắc Việt Nam, như là biểu tượng của tự do dân chủ mà toàn dân Việt Nam đang khao khát.


Hãy thử tưởng tượng: 


Chúng ta đang nghiêm trang trong tư thế ĐỨNG, nghiêm chỉnh ngước nhìn lá quốc kỳ, trầm lắng tâm tư nghe tiếng khẩu lệnh của người điều khiển, cùng cất tiếng ca:


“... Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng

Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống”


trong bầu không khí uy nghiêm của nơi hành lễ.


Từng người, từng người, chúng ta cảm nhận như tiền nhân đang cùng chúng ta ca ngợi tổ quốc thân yêu Việt Nam không còn Cộng Sản! 


Chúng ta như đang thề cùng nhau sát cánh tiêu diệt quân xâm lược, đem lại hòa bình hạnh phúc tự do nhân quyền cho toàn dân. 


Tâm tư của chúng ta đang bày tỏ một tình cảm thiêng liêng nhất, cho dù vài phút ngắn ngủi nhưng cũng khiến cho chúng ta trở về quá khứ, ngậm ngùi  nuối tiếc nhớ lại những trách nhiệm chưa tròn khi bảo vệ quê hương.


Chúng ta đang lòng nhủ lòng, ghi nhớ lời thề tại quân trường ngày nọ, người dân thường nhớ lại những thụ hưởng ân mưa móc về tự do hạnh phúc của 2 nền Cộng Hòa... để củng cố niềm tin, chuẩn bị tinh thần cho một ngày mai khi Tổ Quốc, Dân Tộc xuống lệnh.


Người Việt tỵ nạn Cộng Sản chúng ta đã hãnh diện chưa?

Hãy cùng tham dự Lễ Chào Quốc Kỳ và hát Quốc Ca Việt Mỹ vào lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật 22 tháng 1 năm 2023 tức Mồng Một Tết Quý Mão tại trụ cờ Việt Mỹ do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Philadelphia & Phụ Cận tổ chức.


Nhà hàng Grand Palace Restaurant (Saigon Maxim Cũ)

600 Wasington Avenue

Góc đường số 6th Sreet và Wasington Avenu

Philadelphia, PA 19147


Lê Thành Quang (K1)


bottom of page