top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
LÊ PHƯƠNG LAN (Dâu K1)

“Sinh, lão, bệnh, tử” là chu kỳ tất yếu đời người phải trải qua. Trong đó sinh và tử là thuộc ngoài tầm kiểm soát và ý muốn của ta. Còn như lão và bệnh cho đến ngày nay với sự hiểu biết và tiến bộ của y khoa, con người đã có khả năng nhận biết để có thể kiểm soát được hoặc làm chậm lại tiến trình của hai chu kỳ này.


Dù muốn hay không khi dòng đời vẫn cứ đều đặn trôi nhanh thì tuổi già sẽ đến như một định luật tất yếu. Làm cách nào để chuẩn bị tốt cho tuổi gia hay tuổi về hưu sẽ là một bài chia sẻ tiếp theo. Theo thời gian thì khi cơ thể chúng ta đã bắt đầu lão hóa thì đó là lúc mà bệnh tật dễ thâm nhập và tấn công nhất. Những căn bệnh về thể lý thì chúng ta khó tránh khỏi nhưng vẫn có khả năng đề phòng hoặc khám phá sớm để chữa trị. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là có những căn bệnh tâm lý có khả năng làm cho chúng ta bị chấn thương hay thậm chí dẫn đến cái chết mà ít được người Việt xem là quan trọng.


Khi cơ thể đã bắt đầu lão hóa thì những căn bệnh tinh thần như nỗi cô đơn, sự buồn phiền, đau khổ khiến cho thể xác hao mòn rất nhanh. Khi đi tập thể dục trong Gym, tôi có biết một bác đã lớn tuổi đến Gym để tập tành thì ít mà chính là để làm bà tám và đem theo các loại bánh được bác làm tại nhà để bán những người bạn trong đó. Thời gian sau không thấy bác ấy nữa, tôi hỏi thăm thì được biết cô con gái thấy bác làm bánh tốn điện, tốn nước quá nên đã vứt hết các dụng cụ để làm bánh khiến bác mất đi nguồn vui và sinh lực và nay thì đang bị bệnh rất nặng! Một đôi bạn già trước đây vẫn rất khỏe mạnh, vui vẻ, tham dự thánh lễ mỗi tuần chung với nhau. Nay bác trai đã mất, bác gái lưng còng hẳn xuống, chống nạng “walker” đi lễ con gái phải đưa vào tận chỗ ngồi trong nhà thờ!


Bản thân tôi thì trong khoảng thời gian diễn tiến cái chết đột ngột của cô em út cũng là lúc tôi phải chịu đựng những cơn đau đầu gối và đau lưng dữ dội đến nỗi phải chống gậy mỗi lần vào bệnh viện thăm em. Căn bệnh này làm cản trở những sinh hoạt rất bình thường mỗi ngày khiến cho tôi cảm thông nỗi buồn của những bệnh nhân khao khát được tự làm cho bản thân những hoạt động vệ sinh cá nhân.


Đáng lo hơn nữa là khi căn bệnh đau lưng đầu gối chỉ mới bớt đi thì tôi bắt đầu cảm thấy có từng cơn đau nhói phần ngực bên trái và đôi lúc cảm thấy như phải hít vào thật sâu thì mới có đủ hơi để thở. Khi gọi cho bệnh viện Kaiser để xin khám bệnh thì y tá trực chuyển ngay cho bác sĩ. Tôi được khuyến cáo là phải vào ngay phòng cấp cứu! Tại đó tôi được khám rất kỹ để chụp X ray và chuyền thuốc từ động mạch tay thẳng vào tim để phát hiện ra những bệnh trạng có thể xảy ra. Ngay hôm sau thì bác sĩ gọi lại báo tin vui cho biết là không tìm thấy có nguy cơ gì về căn bệnh tim mạch hết và những cơn đau có thể do những chấn động tâm lý! Bấy giờ tôi mới ý thức tác hại của những chấn thương thể lý gây ra do những chấn thương tâm lý. Kìa như chàng Từ Hải đã bị “heart attack” chết đứng khi sa cơ bị gài bẫy bởi Hồ Tôn Hiến! Ngũ Tử Tư sau một đêm suy nghĩ vận nước mà bạc trắng mái đầu!


Tôi phải tự giải cứu mình thôi! Tôi bắt đầu tập những động tác cho khớp gối và cột sống, tập Dịch Cân Kinh, tập ngồi thiền để hít thở thật sâu chuyển khí công đến các vùng bị đau đều đặn mỗi sáng. Mỗi tuần hai ngày vào Gym tập các máy vận động cho đầu gối và vùng lưng. Sau đó ngâm hồ nước Spa để các tia nước nóng phun thẳng massage các vùng bị đau và các huyệt đạo.


Bây giờ thay vì thương tiếc em thì tôi đọc kinh, xin lễ cho em và những người thân đã khuất. Trời đã sang xuân, khí hậu ấm áp cho tôi được thưởng thức vẻ đẹp bình dị “cây nhà lá vườn”: Sáng mở hết màn cửa sổ ngắm các chú chim sâu “hummingbirds” chuyền nhanh trên các cành hoa lê trắng muốt tại sân trước. Chiều đến đi bộ quanh vườn sau ngắm hoa mai, hoa lan, và hoa mười giờ cùng hít thở hương thơm của giàn dạ lý hương “jasmin” của nhà hàng xóm leo trên hàng rào. Nhất là tôi cố gắng giảm thiểu tối đa những gây hấn với “đối phương” để duy trì nền “hòa bình, thịnh vượng chung” trong đó “đôi bên cùng có lợi”!


Vẫn biết rằng “Giày dép còn có số, huống chi là con người!” Nhưng trước cái viễn ảnh khi ta chưa “tới số” được mà đã bị bệnh quật ngã nằm một chỗ. Đau khổ nhất là khi đầu óc thì tỉnh táo nhận biết hết mọi sự mà mọi cử động, sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào người khác hay các dụng cụ y khoa thì dù ở bất cứ tuổi nào thì đầu tư vào sức khỏe để được sống vui, sống khỏe phải kể là sự đầu tư khôn ngoan nhất.


Lê Phương Lan


bottom of page