top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
LÊ PHƯƠNG LAN

Để  chuẩn bị mừng đón hai ngày đại lễ trong đạo Công Giáo là lễ Giáng Sinh  và lễ Phục Sinh, các giáo xứ thường xuyên tổ chức cho giáo dân các buổi  tĩnh tâm. Tại sao để có sự chuẩn bị lại cần đến tĩnh tâm? Xin đưa ra hai  hình ảnh sau đây:


- Ngày kia, có một nhà  thông thái cố ý tìm đến một thiền sư để đàm đạo. Mở đầu buổi tiếp kiến,  ông được vị thiền sư mời uống trà và ngài cứ thong thả tiếp tục rót mãi  nước vào tách trà khi đã đầy tràn. Khi được khách nhắc nhở, vị thiền sư  nhẹ nhàng nói: "Nước trà sẽ chỉ được chứa đựng khi tách vẫn còn trống  rỗng. Nếu ngài đến thăm bần đạo với đầy ắp những hiểu biết đã có sẵn thì  buổi gặp gỡ này ngài sẽ không nhận được gì hơn là những tranh luận mà  thôi!”


- Khi quan sát thói quen  uống nước của loài voi, người ta nhận thấy khi voi tìm ra được nguồn nước, bất kể là một vũng nước nông hay sâu, thay vì để yên cho nước tĩnh  lặng, trong trẻo, chúng thường dùng vòi khuấy cho nước đục ngầu lên để  chịu uống loại nước đầy bùn đó. Hiện tượng khuấy động được giải thích là vì làn nước trong khiến cho loài voi sợ khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính nó.


Do vậy, khi ta chọn lọc để  tìm biết, học hỏi những tư tưởng hay, những hiểu biết sâu sắc thì cần  phải trang bị cho mình một tâm hồn tĩnh lặng, buông bỏ để đón nhận thì  mới hy vọng nhìn ra bản ngã của chính mình hầu được kín múc nguồn nước  trong lành. Có một câu từ nhà Phật nói rằng: “Sự bình an của chính mình  là món quà bác ái lớn nhất dành cho tha nhân.” Vì nguyên nhân của 90%  những đau khổ, tang tóc là do con người gây ra cho nhau. Những đau đớn  làm hư nát tâm hồn luôn đến từ những vấn nạn trong đời sống gây ra hơn  là những bệnh tật nơi thể xác. Các bác sĩ tâm lý hay tâm thần đều nghĩ  rằng hầu hết những căn bệnh bất trị của con người phát sinh từ các xúc  cảm tiêu cực mãnh liệt tiềm tàng bên trong, và cứ âm thầm phá hủy các cơ  phận trong con người! Ngược lại, ngay khi bị ung thư tàn phá, AIDS hủy  hoại, mà con người vẫn còn tâm tình yêu thương, hy vọng thì sức chịu  đựng càng kiên cường và sự bình an càng chan chứa.


Tuy nhiên, làm thế nào để giữ cho thân tâm được thanh tịnh hay an bình?


Xin tóm tắt những góp ý trong bài giảng tĩnh tâm mùa chay 2022 của linh mục Trần Tiến Đạt:


1- Bỏ bớt những chấp nhất  không quan trọng trong đời sống hằng ngày, bỏ bớt những mong cầu, đòi  hỏi nơi người thân “Thân nhẹ thì tâm an”. Bỏ bớt để không bị “dính” mãi  vào những hận thù, hay những lời nói chê bai, những hành động làm mình  tổn thương.


2- Tập một lối suy nghĩ  tốt, một hoạt động lành mạnh nào đó để tạo thành thói quen mỗi ngày cho  tâm được nhẹ nhàng (release stress). Tư tưởng Phật giáo dạy rằng:” Tâm  tư con người khi chưa được hóa giải thì tựa như một bình nước chứa nhiều  muối nên rất mặn. Những thói quen tốt tựa như những ly nước sạch đổ vào  bình. Lâu dần muối sẽ bị loại bỏ và nước sẽ trở nên thanh khiết. Khi  thói quen tốt dần dần thay thế cho thói quen xấu thì nhân đức sẽ nảy  nở.”


3- An vui với những gì là  “tương đối” trong cuộc sống: càng mong cầu sự “tuyệt đối” càng bất mãn,  chán đời khi không đạt được. Tập không luôn quy hướng về mình để cho  “cái tôi” mỗi ngày nhỏ lại một chút.


4- Hoán chiếu suy nghĩ và  hành động theo triết lý không có gì là vĩnh cửu (vô thường) “Ở dưới bầu  trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời,  một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ….”  (trích sách Giảng Viên 3:1)


5- Luôn hoán chiếu về luật  “nhân quả” trong tương quan với người chung quanh. Biết rằng cuộc sống  chính mình chỉ có thời hạn, tại sao chúng ta không gieo cho nhau những  hạt giống nâng đỡ hay hy vọng thay vì những hạt giống của chê bai, hiềm  khích?


6- Biết ơn mỗi ngày từ  những gì mình đang có: sức khỏe, tình thương yêu và khoảng không gian, thời gian khi còn được sống bên những người thân. Tri ân ngay cả những  gì tưởng chừng như miễn phí như không khí trong lành, nguồn nước sạch, cảnh đẹp thiên nhiên …


Cuối cùng, “tâm bình, thế giới bình” là tựa đề của một bài thuyết pháp tôi đã được nghe và cũng là lời kết của bài viết này.


Mong rằng những chia sẻ  trên đây sẽ phần nào giúp cho chúng ta trong khi phải vất vả đối phó để  lo cho kinh tế gia đình cộng với những điều xảy đến không như ý muốn,  những bất toàn không thay đổi được của người thân. Thay vì cứ mãi đau  khổ, bất mãn, chúng ta thử cố gắng giúp mình tìm được niềm bình an trước  những thử thách, lo âu trong cuộc sống hàng ngày.


Riêng tôi, những chia sẻ  này cũng sẽ là những nhắc nhở, luyện tập cho chính mình để mong có được  một tâm thân an tịnh vì ngoài những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực trong  đời sống, còn là những lo âu của cơn đại dịch vẫn tiếp tục xuất hiện  những biến thể; của chiến tranh có nguy cơ lan rộng từ tham vọng ngông  cuồng không lường trước được của các ác nhân, bạo chúa! Nhất là nỗi lòng  của người đã gần 50 năm qua vẫn chưa nhìn thấy được ánh sáng hưng thịnh  tại quê hương thân yêu bên kia bờ đại dương!


Lê Phương Lan


Tháng Tư đen trong những ngày cuối mùa chay 2022


bottom of page