top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
NHƯ NGÃ

Có lẽ không ai lại không một lần gặp rắc rối với mấy ông “bạn dân”. Bạn dân là danh từ để ám chỉ mấy ông cảnh sát ở Việt Nam trước năm 1975. Danh từ này bắt nguồn từ khẩu hiệu “Cảnh Sát là Bạn Dân” của ngành Cảnh Sát Quốc Gia VNCH để rồi cũng từ cái khẩu hiệu đó người ta đã dùng chữ “bạn dân” để chế diễu, đùa cợt ám chỉ mấy ông cảnh sát. Tuy vậy, trước năm 1975, người dân miền Nam mặc dù không ưa cảnh sát nhưng những khi cần như đưa người đi cấp cứu, đưa mấy bà đi đẻ trong giờ giới nghiêm, hay hàng xóm xô xát, du đãng ẩu đả,… thì cũng lại vẫn kêu réo cảnh sát can thiệp, giúp đỡ chứ biết kêu ai.


Phải thành thật mà nói, chẳng cứ gì ở Việt Nam, ở đâu cũng vậy, mấy ông bạn dân ít khi nào được người dân có cảm tình vì hầu hết người ta chỉ thấy mỗi khi gặp cảnh sát là có chuyện không vui, phiền toái, rắc rối cho họ. Nếu không bị cảnh sát cho một cái giấy phạt thì cũng là một lời cảnh cáo, hay nếu nặng hơn thì bị tặng một cái còng số tám chẳng vui vẻ gì, đó là chưa kể có khi còn được cho ăn kẹo đồng nếu ngoan cố chống cự, tấn công cảnh sát.


Thời gian gần đây ở nhiều nơi trên đất Mỹ đang có phong trào chống đối cảnh sát đã sử dụng vũ lực quá đáng dẫn đến cái chết của một vài người, phần lớn là những người da đen. Sự chống đối đã lên đến cao điểm khi anh da đen George Floyd ở Minneapolis vì vi phạm luật pháp đã bị cảnh sát khống chế, sử dụng vũ lực quá đáng đến chết khiến cho làn sóng phẫn nộ và chống đối cảnh sát càng lên cao. Vụ này cộng đồng người da đen đã bất bình phản đối dữ dội ở khắp nơi, không chỉ ở địa phương Minneapolis mà còn trên khắp nước Mỹ.


Mặc dù phần lớn những người vi phạm pháp luật đã có hành vi bạo động chống lại cảnh sát nên mới dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nhưng dư luận vẫn lên án và phản đối cảnh sát ở khắp nơi. Đã có nhiều cuộc biểu tình bạo động. Nhưng những vụ bạo động này chưa dữ dội và ghê gớm như vụ Rodney King ở Los Angeles vào đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước. Lần đó, mấy ông bạn dân Mỹ đã hơi mạnh tay với anh Rodney King, một người da đen vi phạm lưu thông lái xe quá tốc độ bị cảnh sát rượt đuổi trên xa lộ. Có lẽ vì phải rượt đuổi một đoạn đường dài đã làm cho mấy ông cò Mỹ nổi sùng nên khi đuổi kịp anh này, họ đã nện cho anh một trận thừa sống thiếu chết. Sự việc này đã làm cho mấy ông bạn dân Mỹ phải ra hầu tòa. Nhưng vì mấy ông cò Mỹ lúc đầu đã được quan tòa tha bổng vì cho rằng cảnh sát đã tự vệ chính đáng khiến cho cộng đồng người da đen tức giận phản đối cho là bản án kỳ thị và bất công. Cuộc biểu tình đã biến thành bạo động đốt phá khắp thành phố Los Angeles đã làm chết mấy chục người và hàng trăm người khác bị thương, thiệt hại về tài sản lên tới cả tỷ đô la. Cũng vì sự kiện đó mà mấy ông cò Mỹ đã bị đem ra xét xử lại và ông nào cũng bị bóc mấy cuốn lịch, trong khi đó anh Rodney King nhờ bị ăn đòn mà đã được bồi thường mấy triệu đô bỗng nhiên trở thành một tân triệu phú.


Cho nên ở Mỹ, nếu chẳng may đụng độ cảnh sát, nếu không biết cách xử trí cho đúng luật thì coi chừng, nếu không bị mất mạng như George Floyd thì cũng bị bầm dập gần chết như Rodney King. Cộng đồng người Việt cũng đã nhiều lần từng là nạn nhân của mấy ông bạn dân Mỹ sử dụng vũ lực quá đáng dẫn đến chết người, nhưng cộng đồng Việt tương đối hiền lành chỉ biểu tình phản đối mà không có bạo động xảy ra. Người viết cũng đã có một vài lần ‘đụng’ với cảnh sát Mỹ nhưng chỉ là những cái rắc rối lẻ tẻ không đáng kể.


Nhớ ngày mới định cư Mỹ được mấy tháng, một buổi chiều trên đường từ College lái xe về nhà tới một ngã tư đèn đỏ tôi ngừng lại rồi không hiểu lúc đó tôi mải ‘lo ra’ suy nghĩ cái gì mà khi đèn hiệu đã chuyển sang màu xanh mà tôi vẫn không hay cứ ngồi tỉnh bơ trong xe nghĩ gì đâu. Bất chợt có tiếng còi xe ở phía sau tôi mới giật mình vội giơ tay lên ra dấu như xin lỗi rồi lái xe đi. Nhưng ngay sau đó, tôi thấy có ánh đèn xanh đỏ của xe cảnh sát nhấp nháy ở phía sau. Thì ra tiếng kèn xe vừa rồi là của xe cảnh sát. Tôi nhủ thầm, chết rồi, mình đã bị cảnh sát nghi ngờ vì sao ngừng xe ở ngã tư có đèn xanh mà không chạy.


Tôi vội chớp đèn ra hiệu tấp xe vào bên vệ đường. Chiếc xe cảnh sát ở phía sau cũng dừng lại cách sau xe tôi khoảng chừng 5, 6 mét. Tưởng như ở Việt Nam, tôi như anh Hai Lúa ở quê ra tỉnh vội tắt máy xe rồi mở cửa bước xuống định lại phân trần với người cảnh sát, tay không quên cầm theo cái bóp trong có giấy tờ bằng lái xe. Lúc đó, người cảnh sát cũng đã bước xuống xe, một tay anh ta để trên báng súng ở thắt lưng quần, còn tay kia ra hiệu cho tôi dừng lại và nói: “No, no. Stop. Go back and get into your car.” Tôi vội vã trở về xe rồi ngồi lại trong xe. Viên cảnh sát đến bên xe tôi, một tay vẫn để trên báng súng, ra hiệu cho tôi quay kính xe xuống và yêu cầu tôi đặt hai tay lên trên vô lăng. Sau đó, anh ta ra lệnh cho tôi xuất trình giấy căn cước và bằng lái xe, đồng thời hỏi tôi: “Are you drunk or sleepy?” (Anh có say rượu hay buồn ngủ không?). Sau khi đã đưa các giấy tờ cần thiết cho người cảnh sát, tôi cố gắng trả lời bằng Anh ngữ: “No, I’m going home from college. Here is my back pack.”, vừa nói tôi vừa chỉ vào cái túi đeo lưng mang sách vở của tôi để bên cạnh ghế ngồi rồi giải thích thêm: “I’ve just come from Vietnam. Maybe, I’m nervous because I just have a driver license.”


Người cảnh sát không nói gì, cầm bằng lái xe của tôi rồi ra lệnh cho tôi ngồi yên trong xe, sau đó anh ta quay trở lại chiếc xe cảnh sát có lẽ để rà soát những tin tức về tôi vì thường trên mỗi xe cảnh sát đều có trang bị máy computer để kiểm tra khi cần thiết. Một lát sau, anh ta quay lại, trả lại những giấy tờ của tôi với lời cảnh cáo “mỗi khi lái xe đến ngã tư phải chú ý đến đèn báo hiệu giao thông, đừng ngừng xe giữa đường làm cản trở lưu thông của người khác.” Tôi nhận lại các giấy tờ và cám ơn người cảnh sát.


Sau này, khi kể lại chuyện trên cho bạn bè, ai cũng nói tôi may mắn gặp một người cảnh sát tử tế, chứ gặp một người khác nóng nảy, thiếu bình tĩnh thì có khi tôi đã hóa ra người thiên cổ. Họ nói, khi bị cảnh sát dừng xe vì vi phạm lưu thông hay vì bất cứ lý do gì thì chớ có xuống xe kẻo bị chết oan vì khi mình bước ra khỏi xe, cảnh sát lại tưởng mình định chống đối lại họ, khi đó họ có thể nổ súng để tự vệ thì mình có thể bị mất mạng oan. Chớ có dại. Cách tốt nhất là cứ ngồi yên trong xe và chờ đợi làm theo yêu cầu của họ.


Một lần khác, tôi đang lái xe từ nhà trên một con đường nhỏ trong khu gia cư (resident area) để chuẩn bị ra một con đường khác lớn hơn thì gặp một chiếc xe màu đen chạy chậm rì như rùa bò làm kỳ đà cản mũi ở phía trước. Tôi lái xe ở phía sau thấy cái xe kia chạy quá chậm mà mình cũng không thể nào vượt qua mặt được nó vì đường quá nhỏ hẹp. Tôi bực mình không thể kiên nhẫn lâu hơn nên đã bấm còi để xin qua mặt. Không ngờ chiếc xe đó ngừng lại ngay giữa đường rồi một ông Mỹ cao lớn trong sắc phục cảnh sát màu đen bước ra. Lúc đó tôi mới để ý thì ra chiếc xe phía trước là xe cảnh sát. Chiếc xe này không có dàn đèn xanh đỏ trên mui xe như những xe cảnh sát khác, bấy giờ nhìn kỹ tôi mới thấy ở bên trong kính xe phía sau có một dàn đèn cảnh sát ở trong mà tôi không để ý. Tôi nhủ thầm, “xui rồi, hôm nay ra ngõ gặp phú lít, chắc là bị dính ‘ticket’ quá”. Người cảnh sát đó bước lại xe tôi dáng vẻ hống hách hất hàm hỏi:


- Why did you push the horn?


Tôi trả lời:


- Because you drive too slowly. I didn’t know you are a police officer.


Người cảnh sát hỏi tiếp tôi có biết anh ta đang trên đường đi làm nhiệm vụ tuần tra không. Tôi nghĩ thầm trong đầu, ông bạn dân Mỹ này hỏi một câu hơi kỳ cục, làm sao tôi biết được ông đang lái xe làm cái gì ở ngoài đường. Cho nên, tôi trả lời là: “Of course, I don’t know”. Sau đó, có lẽ thấy việc bắt lỗi tôi là vô lý, nhưng vẫn để thị oai ra cái điều khoan dung, ông vẫn hách dịch nói chỉ “warning” tôi thôi. Nói rồi ông ta trở về xe và lái xe đi thẳng, lần này không còn chậm chạp như trước. Tôi tự nghĩ trong đầu, chẳng lẽ vì lý do này mà tôi bị ông cảnh sát cho một cái giấy phạt thì thật vô lý. Tôi chỉ đậu xe lâu ở ngã tư đèn xanh mà còn xuýt bị phạt vì cản trở lưu thông trong khi ông cảnh sát này lái xe rõ rang làm cản trở lưu thông người khác thì lại hăm he đòi phạt tôi là sao? Phải chăng ông bạn dân Mỹ này thấy tôi là dân Á châu nên bắt nạt?


Thực ra khi lái xe ở trên đường bạn có thể bị cảnh sát chận lại bất cứ lúc nào vì bị tình nghi một cái gì đó. Trong trường hợp này, nếu là người lương thiện, cách tốt nhất là bạn cứ ngừng xe lại làm theo lệnh của họ, chẳng có gì phải ngần ngại. Có một lần, cách nay cũng đã lâu, trong một lần đang hướng dẫn con gái tôi tập lái xe ở khu vực chung quanh nhà thì bỗng có một xe cảnh sát chớp đèn ở phía sau. Tôi không hiểu vì lý do gì xe con tôi lái bị chận lại vì con tôi đang tập lái xe ở một con đường rất vắng vẻ ít xe đâu có lái nhanh. Nhưng tôi thoáng nghĩ trong đầu, có lẽ vì thấy xe chúng tôi cứ chạy lòng vòng trong khu vực nên có ai đó đã tình nghi gọi báo cho cảnh sát. Tôi nói con gái tôi dừng xe lại chờ xem cảnh sát hỏi chuyện gì. Ngay sau đó có một ông cảnh sát đến bên xe chúng tôi chào hỏi:


- Hi, what are you doing?


Tôi trả lời:


- I’m instructing my daughter to learn driving.


Người cảnh sát hỏi tiếp:


- Can I see your I.D. and the driving permit?


Vì đã chuẩn bị trước, tôi đưa I.D. của tôi cùng với tờ giấy chứng nhận con tôi đã thi đậu bài thi viết lái xe cho người cảnh sát và nói:


- Sure, here they are.


Người cảnh sát cầm các giấy tờ, xem xong trả lại cho con gái tôi rồi nói “Thank you”, đồng thời nhắc nhở con tôi phải tập lái xe cẩn thận và chúc con tôi “Good luck”.


Cho nên nói rằng cứ mỗi lần gặp cảnh sát là có chuyện rắc rối thì cũng hơi oan cho họ. Thực ra đôi khi họ cũng giúp ích được cho người dân khá nhiều việc. Những lúc ấy, họ đúng là những người bạn dân dễ thương chứ chẳng đáng ghét một tí nào. Chẳng hạn nếu chẳng may lái xe trên đường, nhất là khi ở trên xa lộ, xe bị chết máy, bạn sẽ thấy chỉ ít phút sau, không rõ từ đâu đã có một xe cảnh sát chạy tới giúp bạn tìm cách sửa xe, kéo xe, mua săng, hoặc liên lạc với thân nhân (nếu bạn không có điện thoại, v.v… Có lần tôi và gia đình đi chơi về thì xe bị chết máy. Lúc đó đang là buổi chiều, xe cộ qua lại rất đông trên khúc đường này, tôi ngồi yên trong xe mà chưa biết xử trí ra sao. Tôi định sẽ gọi em trai tôi đến để cứu bồ bằng cách câu bình điện hay là tìm cách “tow” xe về nếu hết thuốc chữa. Nhưng tôi chưa kịp làm gì thì đã có một xe cảnh sát đến dừng lại ngay phía sau xe của tôi, rồi một ông cảnh sát đến bên xe tôi hỏi:


- What’s wrong with you?


Tôi trả lời:


- I don’t know why my car suddenly stop. Can you help me? (Ý tôi muốn nói nhờ cảnh sát giúp cho xe tôi nổ máy trở lại.)


Người cảnh sát trả lời tôi, “Sure”, rồi nói tôi kéo cần sang số xe về dấu “Neutral” (chữ N) còn anh ta sẽ lái xe cảnh sát ở phía sau ủi vào xe tôi cho nó chạy về phía trước tới một ngã rẽ nào có bãi trống thì quẹo vào đó để tìm cách sửa xe hay kéo xe tùy ý để không cản trở lưu thông ngoài đường. Dĩ nhiên tôi đồng ý vì không còn chọn lựa nào khác.


Một lần khác, trên đường đi làm tôi bị kẹt xe trên xa lộ gần nửa tiếng đồng hồ. Khi vừa ra khỏi chỗ kẹt xe thì đã gần sát tới giờ làm. Sợ trễ giờ đến sở, tôi nhấn ga để dọt đi cho thật lẹ, dĩ nhiên quá tốc độ cho phép, không ngờ chỉ còn cách một exit nữa ra khỏi xa lộ thì tôi bị xe cảnh sát chớp đèn đuổi theo. Tôi ngừng xe lại mà nghĩ bụng hôm nay sao xui xẻo quá, họa vô đơn chí, vừa bị kẹt xe trên xa lộ cả nửa giờ, nay lại gặp cảnh sát. Một lát sau có một người nữ cảnh sát đến bên xe tôi yêu cầu tôi xuất trình bằng lái và giấy tờ xe. Cô cảnh sát này trông khá trẻ không có vẻ gì dữ dằn, hỏi tôi có biết rằng tôi đã chạy xe quá tốc độ rồi không. Trong lúc cô cầm các giấy tờ của tôi xem, tôi bèn ca bài ca “con cá sống vì nước” thú thực rằng, tôi vừa bị kẹt xe trên xa lộ vì sợ trễ giờ làm nên đã lái xe hơi nhanh, hơn nữa tôi lại đang bị đau bụng mong cô thông cảm. Có lẽ nhìn vẻ mặt đau khổ như… táo bón của tôi, do sợ bị “ticket” cũng có mà cũng do hơi bị đau bụng cũng có, nên cô cảnh sát này không biết nghĩ sao, chắc là tội nghiệp cho tôi, nên đã trả lại các giấy tờ cho tôi với lời cảnh cáo tôi mà không ghi giấy phạt. Nhờ vậy, may quá tôi vẫn đến sở kịp giờ. Cũng may vì tôi thường đi làm ra khỏi nhà rất sớm để phòng hờ bị kẹt xe như hôm nay nên không bị trễ. Thành ra tưởng xui mà hóa ra hên.


Có gặp những trường hợp như vậy mới thấy, chớ vội có thành kiến với mấy người bạn dân cảnh sát. Họ cũng là những con người nên cũng có những hỷ, nộ, ái, ố như ai. Nếu có một vài trường hợp đáng tiếc xảy ra thì chỉ là những trường hợp riêng lẻ, đừng vơ đũa cả nắm. Chúng ta đã từng là những bạn dân của VNCH nên thông cảm cho họ. Rắc rối hay không rắc rối với các ông bạn dân cũng tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh và tùy từng cá nhân. Đừng căn cứ vào một vài vụ lẻ tẻ của mấy ông bà phú lít Mỹ lạm dụng quyền lực và hay vũ lực mà quên đi những đóng góp của họ trong việc đem lại an ninh và trật tự cho cộng đồng và xã hội.


NHƯ NGÃ


bottom of page