top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
NGÔ VIẾT TRỌNG

PHẢI CHĂNG BẮT ĐẦU NĂM 1975, CÁC KHÓA 1, 2, 3 Cựu SVSQ/HV/CSQG KHÔNG CÒN AI MANG CẤP BẬC THIẾU ÚY NỮA?


Tôi tốt nghiệp khóa 2 Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia VNCH (ở Biệt khu Thủ Đô SG)vào tháng 7 năm 1967 với ngạch TSV/Tập Sự và được bổ về phục vụ ở ngành Cảnh Sát Dã Chiến (CSDC). Vừa sang ngành CSDC tôi đã được bổ nhiệm làm Đại Đội Trưởng ĐĐ 308/CSDC Lâm Đồng mới thành lập (sau này đổi thành ĐĐ 212/CSDC). Đầu năm 1969 tôi được thuyên chuyển về ĐĐ 101/CSDC Quảng Trị và giữ các chức vụ như Trung đội trưởng, Sĩ quan CTCT, Đại đội phó v.v... đổi qua đổi lại nhiều lần tùy nhu cầu.


Khoảng tháng 10 năm 1974, tôi được gọi đi dự một khóa học ở Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia (Thủ Đức) để được chuyển sang ngành Cảnh Sát Sắc Phục. Thời gian khóa học kéo dài khoảng hơn hai tháng, chỉ đặc biệt dành riêng cho những sĩ quan thiếu úy, trung úy CSDC đã phục vụ trong ngành này từ 5 năm trở lên. Tổng số học viên tôi không nhớ rõ năm sáu chục chi đó. Phần lớn mang cấp thiếu úy chánh ngạch, tốt nghiệp từ HV/CSQG. Số học viên mang cấp bậc trung úy ít hơn, hầu hết là ngoại ngạch. Trong số học viên ấy tôi biết rõ 2 anh Lê Quang Tồn và Lê Phước Thôi đều tốt nghiệp K1/Học Viện năm 1966 nhưng vẫn còn mang lon thiếu úy. Khóa chuyển ngành này có thể còn vài ba anh K1 nữa mà tôi không biết. Khóa 2 chỉ có tôi, cũng mang lon thiếu úy. Khóa 3 tôi không thấy ai, có lẽ vì anh em khóa 3 tuy đã phục vụ trong ngành CSDC trên 6 năm nhưng vẫn không thâm niên bằng những học viên các khóa đàn em từ K4, K5, K6 ... từng phục vụ trong ngành CSDC lúc còn là Cảnh sát viên rồi mới vào Học Viện sau.


Khóa học để chuyển ngành này thật sự như chỉ để cho học viên ôn lại những đề tài cũ chứ cũng chẳng có gì mới mẻ. Ngọai trừ những sĩ quan ngoại ngạch, tất cả các học viên đã được học qua những đề tài này từ khi ngồi vào ghế Học Viện để trở thành sĩ quan cảnh sát.


Gặp lại Lê Quang Tồn ở lớp học này tôi rất bùi ngùi. Ngày xưa, khi nhóm tân sĩ quan cảnh sát khóa 2 chúng tôi mới được chuyển sang ngành CSDC, được gởi về TTHLCSDC Đà Lạt để học bổ túc quân sự hai tháng rưỡi. Lúc đó Lê Quang Tồn đang là ĐĐT ĐĐ/CSDC Thừa Thiên Huế cũng dẫn cả ĐĐ này về TTHL/CSDC Đà Lạt hấp lại. Hồi đó chúng tôi thấy cách chỉ huy đầy oai phong của Tồn mà phát thèm. Một bạn đồng khóa của tôi là Hà Thúc Thiệt cứ nhìn Tồn mà khen mãi “Ngầu quá! Ngầu quá!”. Giờ đây tôi tin chắc Tồn không khỏi đau ngầm khi gặp lại những người quen biết cũ. Anh đã giữ chức ĐĐT một thời gian khá dài, đã mang cấp bậc thiếu úy hơn 8 năm mà nay vẫn hoàn thiếu úy! Nỗi đau ngầm ấy đã biểu lộ khi Tồn chỉ tay vào một học viên mang lon trung úy tên Định mà nói “Thằng này trước đây cũng là lính thuộc ĐĐ của tao đó”. Tôi hơi tức cười nhưng chẳng ngạc nhiên. Chính trong khóa chuyển ngành này tôi còn quen hai anh trung úy nữa. Đó là anh Ngô Bé ở ĐĐ/102/CSDC Thừa Thiên tốt nghiệp K5/HV và anh Cao Xuân Lô vốn là thiếu úy ngoại ngạch chưa lâu phục vụ ở ĐĐ 101/CSDC Quảng Trị đều mới được thăng cấp đầu năm 1974.


Trước cảnh ngộ éo le đó, chúng tôi chỉ còn biết cười méo mó với nhau: Thôi thì cứ coi mình như mấy “con vịt còi” là xong!


Vào một buổi gần mãn khóa, có một ông trung tá Chánh sở Sở Tổng Quản Trị Bộ Tư Lệnh CSQG, đã vào đứng lớp. Đề tài hinh như là Quản Trị Hành Chánh Nhân Viên Căn Bản gì đó. Ông này giảng bài rất lưu loát, hấp dẫn. Rất tiếc lúc bấy giờ tôi đang mang tâm trạng là “đồ bỏ” sau hơn 7 năm tận tụy phục vụ trong ngành CSDC mà chẳng được chút công tích gì nên cũng chẳng chú ý lắm. Khi giảng xong bài, ông trung tá cho phép các học viên muốn hỏi gì cứ hỏi. Thấy ông có vẻ cởi mở, nhiều học viên đã hỏi nhiều câu và đều được ông vui vẻ trả lời. Tất nhiên tôi cũng chỉ nghe một cách thờ ơ... Nhưng rồi một câu hỏi của ai đó đã làm tôi chú ý:


-Thưa trung tá, Học Viện mình là một HV lớn mà sao ít được chính phủ ưu đãi thể? Em thấy nhiều đàn anh tốt nghiệp từ HV, đã từng được cử giữ những chức vụ như Đại đội trưởng, Chỉ huy trưởng quận v.v..., thế mà tới 7, 8 năm sau vẫn còn mang cấp bậc thiếu úy là sao?


Ông trung tá cười rất tươi:


-À, một câu hỏi rất hay! Thật tình đây là một sự sơ sót của Bộ Tư Lệnh. Chẳng qua vì trước đây nhân sự cứ thay đổi liên miên nên chẳng có vị thẩm quyền nào ở lâu để có đủ thì giờ lưu ý đến vấn đề này. Nhưng cứ yên chí, nay BTL đã nhận ra điều thiếu sót đó rồi. Những người bị thiệt thòi sẽ được đền bù tương xứng. Tôi xin báo một tin mừng cho các bạn: Kể từ đầu năm 1975, ba khóa đầu tiên của Học Viện K1, K2, K3 sẽ không còn một sĩ quan nào mang cấp bậc thiếu úy nữa.


-Thưa trung tá, thăng cấp đồng loạt hay sao?


-Đúng! Thăng cấp tập thể.


-Như thế thì các anh em K1 chịu thiệt thòi hơn các anh em K3?


-Không đâu! Thứ bậc thâm niên vẫn được duy trì cho những lần thăng thưởng kế tiếp.


-Thưa trung tá, cách đây ba bốn năm ở đơn vị em có một anh CSV/CN đã bổ túc một cái bằng gì đó rồi được thăng cấp thiếu úy ngoại ngạch, được bổ nhiệm chức vụ trung đội trưởng. Trong kỳ thăng cấp thường niên vừa qua, tại đơn vị em có 3 sĩ quan đủ điều kiến lập hồ sơ xin thăng cấp, thế nhưng hai anh thiếu úy chánh ngạch và có thâm niên cao đều bị đánh rớt trong khi anh thiếu úy ngoại ngạch ít thâm niên hơn lại được thăng cấp trung úy là sao?


Ông trung tá lại cười:


-Đây là một vấn đề hơi xót xa: vấn đề ngân sách! Các bạn phải hiểu ngân sách của nhà nước mình có phần phụ thuộc vào khoản viện trợ của nước ngoài đấy, Phần chi cho ngành cảnh sát thường eo hẹp hơn phần chi cho bên quân sự nhiều. Vì vấn đề này mà người ta phải đắn đo khi xét duyệt việc thăng cấp. Nói trắng ra, thăng cấp cho một anh ngoại ngạch đỡ tốn hơn thăng cấp cho một anh chánh ngạch, đó chỉ là việc bất đắc dĩ thôi.


Hình như để lướt qua cái vấn đề không tế nhị này, ông trung tá trở lại chuyện Học Viện:


-Cái việc thăng cấp tập thể cho cấp thiếu úy của ba khóa K1, K2 và K3 Học Viện có thể phần giấy tờ nay đã hoàn tất và sẽ được ban bố nhưng chưa biết sớm hay muộn. Cũng có thể các bạn có người quen làm việc tại BTL báo cho biết trước tin này và có thể tặng bạn 1 bản sao Quyết Định thăng cấp luôn nhưng chớ dại mà sắm lon đeo trước đẩy. Sắm lon đeo trước là có thể vô tình làm hại người thân mình đó. Ông tướng Bình kỷ luật lắm.


Thế rồi ông trung tá kể chuyện ở BCH/CSQG Biên Hòa có một ông thiếu tá đã có quyết định thăng cấp trung tá nhưng BTL/CSQG chưa cho công bố. Ông thiếu tá này lại có người bạn đại úy đang phụ trảch việc ấn loát giấy tờ tại BTL. Thấy bạn được thăng cấp ông đại úy lấy một bản sao quyết định để tặng trước cho bạn mừng. Nào ngờ vào ngày chào cờ đầu năm tại BCH/CSQG Biên Hòa ông thiếu tá cao hứng diện lon trung tá luôn. Tình cờ hôm đó thiếu tướng Bình cũng đến dự lễ chào cờ đầu năm ở BCH/CSQG Biên Hòa. Sau khi chào cờ xong, thiếu tướng Bình đã bắt tay chúc mừng ông tân trung tá và hỏi thăm ông ta đã được thăng cấp khi nào. Ông tân trung tá bất đắc dĩ đã trình tờ quyết định cho ông tướng xem và thưa thật sự việc. Kết quả là ông đại úy thương bạn ấy đã bị mất việc!


Cái tin vui mà ông trung tá cho biết thật sự cũng chỉ có mấy “con vịt còi” lẻ tẻ liên can đến như tôi chú ý thôi. Tuyệt đại đa số học viên trong lớp đều đang băn khoăn vể môi trường sinh hoạt mới sắp tới của họ. Thật sự chưa mấy ai biết rồi đây mình sẽ được đưa đẩy đi đâu về đâu trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh càng ngày càng khốc liệt...


Chỉ mấy ngày sau đó lớp học chuyển ngành của chúng tôi mãn khóa. Chính ông trung tá Sở Tổng Quản Trị trên đã đến Học Viện lo việc phân phối, bổ nhiệm những sĩ quan mới chuyển ngành này về các đơn vị mới theo nhu cầu. Trước hết, ông trung tá cho các học viên xem bản danh sách những đơn vị nào đang cần bao nhiêu người rồi cho phép ai thấy thích hợp nơi nào cứ lựa chọn. Xem bản danh sách nhu cầu xong, hầu hết những anh chàng gốc vùng I đều thất vọng vì ở vùng I không có BCH/CSQG nào cần người cả. Nghĩa là những chàng đã sống quen ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Tín chẳng còn hi vọng được về phục vụ gần quê quán nữa. Tôi còn nhớ rõ thái độ thất vọng của anh Ngô Bé khi anh thở dài thốt lên:


-Tưởng được chuyển qua cảnh sát sắc phục công việc sẽ đỡ vất vả hơn, ai ngờ đổi lại mình phải chịu cảnh sống xa quê hương!


Ông trung tá cười mà an ủi:


-Cứ thi hành lệnh đã. Về đơn vị mới rồi xin hoán chuyển với bạn bè, lo gì!


Thấy TTHL/CSDC/Đà Lạt cần 3 người, tôi có gia đình bà cô ruột sống ở đó nên chọn đơn vị này. Hai thiếu úy khác là Nguyễn Tấn Lành và Lê Văn Bổn thì “bị” chỉ định về phục vụ ở đó. Lúc ấy đã sang tháng 1/1975. Khi nhận lệnh thuyên chuyển, tôi thấy trong lệnh này ghi tôi cấp bậc trung úy. Tôi không ngạc nhiên lắm mà mừng nghĩ có lẽ quyết định thăng cấp đã có nhưng chưa công bố thôi. Nhớ chuyện ông trung tá đã kể, tôi im lặng chờ đợi.


Khi tôi về trình diện TTHL/CSDC/Đà Lạt, ở đây có nhiều người hỏi tôi sao trong SVL ghi trung úy mà còn mang thiếu úy? Thông thường thì dễ kết luận lắm: lỗi người thư ký đánh máy. Nhưng vì đã được nghe trực tiếp ông trung tá Sở Tổng Quản Trị báo trước, tôi bèn kể lại những gì mình đã được nghe. Báo hại cho mấy người bạn đồng cảnh ngộ với tôi đã trông cái tin vui ấy dài cổ đến ngày trời sập vẫn không thấy,


Năm 1975, khi đã vào tù, vụ cấp bậc này cũng còn làm khố chúng tôi không ít. Phe “đỉnh cao trí tuệ” không thể nào tin được chuyện năm 1966, 1967 đã là thiếu úy chỉ huy trưởng CSQG quận, thiếu úy đại đội trưởng CSDC mà năm 1975 lại trở thành thiếu úy cuộc trưởng cuộc hạng C hay thiếu úy trung đội trưởng CSDC dù không có sai phạm đáng kể. Họ đã tra hỏi đi tra hỏi lại, hành hạ chúng tôi chẳng biết bao nhiêu lần!


Khôi hài hơn, vấn đề cấp bậc này cũng làm khổ một số anh em chúng tôi trước người thân nữa. Có một số bạn đồng môn, khi xưa sớm được “lên voi”, được cử giữ chức vụ đại đội trưởng, chi trưởng CSQG quận... đã có cơ hội cưới được các cô vợ con nhà danh giá, sau này khi “xuống voi”, cứ nằm ỳ ở cấp thiếu úy, vì thể diện, các bạn ấy đã phải giấu giếm cấp bậc thật của mình ngay với gia đình bên vợ một cách khổ sở. Một bạn đồng môn khác đã tức cười mà kể chính anh đã đánh thằng con trai mình một bạt tai khi anh rày nó học kém thì nó trả lời “ba siêng giỏi sao ba cứ mang thiếu úy mãi trong khi chú Thuận đi lính sau ba 3 năm lại mang đại úy?”.


Thằng nhỏ hơi hỗn láo nhưng nó nói không sai. Như trường võ khoa Thủ Đức có qui chế ra chuẩn úy 4 năm được đương nhiên thăng trung úy, tới 6, 7 năm sau họ có thể mang ba mai rồi!


Sau này, khi ở hải ngoại đã tổ chức những cuộc Hội Ngộ Cựu SVSQ/HV/CSQG và những cuộc Hội Ngộ Cựu SVSQ/HV/CSQG từng khóa một, ai cũng thấy rõ điểm đặc biệt là 3 khóa K1, K2, K3 rất ít thành phần cựu SVSQ Thẩm Sát Viên chịu tham gia. Khi tìm hiểu người ta mới biết những Cựu SVSQ/TSV ấy đều có một lý do giống nhau: họ không được thoải mái tinh thần! Làm sao thoải mái được khi bước công danh của mình cứ đứng ỳ một chỗ làm mốc để bao nhiêu thế hệ đàn em cứ lần lượt vượt qua mặt?


Tôi nhớ lần đầu tiên, khi được một đồng nghiệp báo tin sắp có một Cuộc Hội Ngộ cho toàn thể cựu viên chức CSQG do Tổng Hội CSQG/VNCH tổ chức rủ đi dự, tôi liền gọi một người bạn đồng khóa và cũng đồng thân phận vịt còi như tôi rủ anh đi để có dịp gặp mặt nhau. Nào ngờ anh bạn đã tỏ thái độ vùng vằng đáp: “Ông thích cứ đi đi. Tôi thì dứt khoát không. Tôi không muốn gợi lại những nỗi bực bội, những điều thua thiệt trong quá khứ mà lâu nay tôi đã cố quên. Sau này khi tôi chết, nếu bạn nào chia buồn với gia đình tôi qua danh phận một cựu thiếu úy trưởng cuộc... thì thà cứ chửi tôi là thằng vô tích sự còn hơn”. Thấy bạn tỏ vẻ bất bình quá đáng, tôi liền thuật lại những gì ông trung tá Sở Tổng Quản Trị đã nói cho anh nghe mong xoa dịu bớt nỗi cay đắng của anh. Nhưng tôi mới nói nửa chừng anh ta đã ngắt lời “Thôi, đủ rồi! Xin lỗi, tôi đang bận chút việc” rồi cúp máy. Từ đó tôi cũng không liên lạc được với anh bạn khó tính này nữa. Sau này một người bạn khác đã cho tôi biết anh bạn ấy đã từng được cử giữ chức vụ Chi trưởng (về sau là Chỉ huy trưởng) tại một quận mấy năm, làm việc rất năng nỗ nhưng sau cùng lại bị chỉ định về giữ chức Cuộc trưởng ở một Xã nhỏ chỉ có lèo tèo hai ba nhân viên... Thế thì lý do tại sao anh bạn ấy trở nên khó tính cũng dễ giải thích!


Con người càng về già, nhất là đối với hạng lưu vong thất thổ luôn mang tâm trạng buồn phiền, càng hay hoài niệm về quá khứ. Nhưng đối với đám vịt còi chúng tôi càng hoài niệm về quá khứ càng đau lòng. Tôi biết chắc trong đám vịt còi chúng tôi có rất nhiều người đã bị mất ngủ rất nhiều mỗi khi hồi tưởng lại con đường công danh của mình. Đã nhiều lần tôi muốn nói lên vấn đề này nhưng lại ngại sẽ bị những bậc đạo đức, quân tử mắng mỏ “Đồ thứ nhiều chuyện! Đã kề miệng lỗ rồi mà còn mê muội chút hư danh!”. Nhưng giờ nghĩ lại, biết đâu khi thuật lại những lời của ông trung tá Sở Tổng Quản Trị đã nói lại chẳng có được chút kết quả? Biết đâu lại chẳng vớt vát được ít nhiều “an ủi tinh thần” cho đám vịt còi bất hạnh vào những ngày cuối đời?


Tôi tin chắc thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Cựu Tư Lệnh CSQG, đại tá Trần Minh Công, Cựu Viện trưởng HV/CSQG đều biết rõ sư việc này, và nhất là vị trung tă Chánh sở Phạm Văn Hầu là người đã cho tin, lên tiếng xác nhận là tôi đã kể lại một chuyện thật chứ không phải là bịa đặt để tự an ủi mình chỉ vì quá mê muội hư danh!


K2 Ngô Viết Trọng


bottom of page