TÂM TÌNH
TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ
K8 DUY VĂN HÀ ĐÌNH HUY
Tôi không nhớ rõ ngày nào tôi bị chuyển từ trại tù số 20 Phú Quốc về trại giam Long Giao, nhưng tháng thì vào khoảng tháng 6 của năm 1976.
Hàng trăm xe motolova do Trung Cộng sản xuất,chạy tọt vào chiếc duyên vận hạm HQ504 của Hải Quân VNCH mới hải hành từ Phú Quốc về đậu tại Tân cảng (Newport) để bốc những người tù của chế độ cũ đưa về trại giam Long Giao. Tôi và 39 tù nhân khác bị đưa lên xe số 10.
Long giao là xã nhỏ thuộc tỉnh Long Khánh, và trại giam Long Giao trước đây là căn cứ của 1 trung đoàn bộ binh thuộc sư đoàn 18 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Khoảng 2 giờ đồng hồ, xe dừng lại trên một bãi đất trống, đối diện là một trại giam có nhiều cốt gác và hàng rào kẽm gai chằng chịt. Hai tên vệ binh tay trái mang băng đỏ và tay phải thì lăm lăm khẩu AK báng xếp từ trên xe nhảy xuống đất hướng súng về phía người tù đang ngồi trên xe ra lệnh phải ngồi im, không được quyền xuống xe, nếu ai cãi lịnh sẽ bị bắn bỏ. Vì di chuyển nhiều ngày bằng tàu và nhiều giờ bằng xe, nên cơ thể của tôi không chịu nổi sự dồn nén, cơ quan bài tiết của tôi đã đòi hỏi sự thoát nước. Tôi định hỏi 2 tên vệ binh cho tôi xuống tiểu tiện. Khi tôi đến gần phía sau đuôi xe thì đồng lúc bửng xe cũng đã hạ để chuẩn bị cho người tù chúng tôi xuống xe vào trại. Tôi nhảy tọt xuống đất, tên vệ binh mặt rỗ chỉa mũi súng vào đầu tôi và bắt tôi ngồi xuống đất. Hắn ta quay báng súng đánh vào vai của tôi nhiều phát đau điếng người. Hắn quát: chưa có lệnh tôi sao anh nhảy xuống? Tôi trả lời tôi cần tiểu tiện, nên nhảy xuống hỏi anh. Tên vệ binh mặt rỗ nói không tiểu tiện gì cả, mặt hắn ta cứ lầm lừ.
Những tù nhân trên xe được đưa vào trại, lúc đó khoảng 10 giờ đêm. Mọi người được nhóm cán bộ quản lý trại chỉ chỗ ở. Riêng tôi, tên vệ binh mặt rỗ giải giao cho một bộ đội tên là Thuyền, tên này mang quân hàm Trung úy. Tôi nói với tên Thuyền cho tôi được tiểu tiện tên Thuyền dẫn ra một nhà xí ngoài trời. Khi xong, tên này đem tôi nhốt vào một conex gần cạnh bờ rào và không quên nhắn nhủ: ngày mai tôi sẽ làm việc với anh về việc không tuân theo lệnh vệ binh. Ở trong conex, tôi ngủ thiếp lúc nào không biết.
Tháng sáu trời Long Giao nắng gắt, mắt nhìn vào những khoảng đất trống hay đường nhựa cảm tưởng như có hơi nóng bốc lên. Conex thường bằng sắt, nên rất hít chất nóng, nếu nhiệt độ bên ngoài khoảng 20 độ thì bên trong conex nhiệt độ có thể tăng lên gấp đôi.
Tôi bị nhốt trong conex đến trưa hôm sau, tên Thuyền đến mở cửa và dẫn tôi ra ban chỉ huy trại mà người tù chúng tôi thường gọi là “khung”. Ở đây tôi phải viết bản kiểm điểm với một tên bộ đội gọi là cán bộ chấp pháp. Tên cán bộ chấp pháp này hỏi tôi lý do nào tôi nhảy xuống xe khi chưa có lệnh của vệ binh. Và hành động của tôi như thế có phải muốn trốn trại? Tôi viết kiểm điểm cũng giống với lời khai là vì tôi rất mắc tiểu tiện nên phải nhảy xuống xin phép vệ binh, nhưng anh vệ binh đã nghĩ thế nào đó đã đánh tôi và bắt nhốt, giải giao đến khung.
Làm việc xong với tên cán bộ chấp pháp này, tôi được đưa về đội 4. Đội này do tên trung úy Tiêm làm đội trưởng, đội phó là tên thiếu úy Be. Về phần đại diện đội tù thì người tù HKL đảm nhiệm để làm trung gian giữa cán bộ và tù nhân. Đội 4 giống như các đội tù khác như đội 1, đội 2 và đội 3 cùng trại là: lao động khổ cực ngoài nương rẫy, chặt cây rừng làm củi đốt, trồng mì, phát hoang, hoặc dọn những bãi mìn còn sót lại của những đồn bót sau chiến tranh.
Công việc đốn cây rừng và gỡ mìn là hai nhiệm vụ mà đội 4 thường làm. Một bữa nọ, tên Thiếu úy Be dẫn 10 người tù của đội 4 trong số đó có tôi. Mỗi tù nhân đi gỡ mìn được phát một bàn cào sắt giống như cào cỏ của Trư Bát Giới dùng làm vũ khí đánh yêu quái trong chuyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, một tác giả là người Trung Quốc chuyên viết những truyện cổ có tính phiêu lưu. Nhưng cào cỏ của họ Trư có cán, còn bàn cào của những người tù gỡ mìn không có cán, mà được thay cán bằng một sợi dây điện hay dây nylon dùng cột võng trường sơn của mấy tên bộ đội miền Bắc. Mỗi người tù đi gỡ mìn cũng còn trang bị thêm một xẻn nhỏ dùng để đào lỗ ẩn thân.
Bãi mìn đầu tiên toán tù mười người chúng tôi gỡ là một đồn của lính VNCH cách xã Cẩm Mỹ 1 cây số. Đồn nằm trên một vị trí gò đất cao nên mùa nắng đất rất cứng, khó cho việc đào hố ẩn thân. Nhưng để bảo toàn sinh mạng, người tù buộc phải đào được hố sâu qua khỏi đầu.
Mười tù nhân chúng tôi ngồi thỏm trong hố cách nơi có mìn chừng khoảng mươi mét. Theo lệnh của tên thiếu úy Be, chúng tôi quăng những cào sắt có cột dây vào khu vực có mìn và kéo rà như vậy nhiều lần. Những quả mìn lộ thiên khi bị chạm vào cào sắt sẽ nổ làm đinh tai điếc óc, lắm lúc những người tù chúng tôi phải chết bởi miểng do những quả mìn nổ gây ra.
Một lần gỡ mìn ở Cẩm Đường toán tù gỡ mìn của chúng tôi mất mạng 2 người vì quả mìn cóc nổ tiếp cận. Anh T bị một miểng mìn xuyên qua lồng ngực, còn anh G thì bị vỡ vùng cổ và càm.
Mỗi lần đưa người tù đi gỡ mìn bọn họ đem theo rất nhiều vệ binh để canh chừng người tù. Họ đứng rất xa để quan sát và ra lệnh chứ không dám đứng gần.
Tên thiếu úy Be là người sắc tộc miền núi nên giọng nói rất khó nghe. Mỗi khi hắn ta truyền lệnh gì cả toán chú ý lắm mới hiểu được nội dung hắn ta nói.
Có lần, hắn ta dẫn cả đội vào rừng chặt cây vác về làm nhà, cùng theo hắn có 4 vệ binh hầu hết là người thiểu số miền Bắc. Hắn gọi đội trưởng HKL giao trách nhiệm để HKL truyền lại cho anh em tù hiểu mà làm theo. Cả đội tù chúng tôi nhìn thấy anh HKL cứ hỏi lại hắn ta nhiều lần, có lẽ vì anh đội trưởng không nghe nổi giọng nói của hắn nên yêu cầu hắn đến trước đội nói lớn cho anh em tù cùng nghe.
Hắn chỉ thị anh HKL: “anh dãn dọi nên khu rừng Com My dón cây, vất về đại, để nàm nớp học nà náng. Mõi người như vọi nà hai cây có đường kánh nà 10 centimét”. Đó là nguyên âm câu chỉ thị của hắn, mãi sau quen dần giọng nói của hắn những người tù chúng tôi mới hiểu hắn ta nói: “anh dẫn đội lên khu rừng Cẩm Mỹ đốn cây, vác về trại, để làm lớp học và láng. Mỗi người như vậy là hai cây có đường kính là 10 centimét”.
Giải mã xong cả đoàn tù vào rừng. Trong chuyến đốn cây rừng này, tôi ngất xỉu bởi do một cây rừng dính vào dây leo phóng mạnh đập vào lưng làm tôi té, đập đầu vào một tảng đá cuội. Ở trại D12 Long Giao, người tù vào rừng đốn cây, thường được phát một con dao dài trông giống như một chiếc mã tấu, nhưng thô kệch hơn mã tấu. Cây dao này cũng do những người tù làm từ nguyên liệu là những cọc sắt “ấp chiến lược” nên độ bén không lâu như những chiếc dao làm bằng thép nung. Chặt vài ba nhát thì đã lục ngay, phải mài lại mới có thể dùng được nữa. Thế mà bọn cai tù đặt chỉ tiêu là phải chặt nhiều cây, thì mới gọi là lao động tốt. Có những bạn tù sau ngày đốn cây rừng hai bàn tay phồng dộp cả lên, mà không có thuốc chữa nên lâu ngày lở loét, nhiễm trùng nhiều người phải cắt bỏ bàn tay.
Vào năm 1978, cả nước đều đói, do việc cộng sản Việt Nam lấy lương thực đặc biệt là gạo trả nợ chiến tranh cho quan thầy Nga – Tàu, nên bọn cán bộ cai tù ra chỉ thị cho các tù nhân phải lao động cật lực hơn, tăng sản xuất. Người tù phải ăn độn bo bo,củ mì khô sắc lát hoặc bắp, nhưng các thứ ngũ cốc này cũng không đủ ăn. Tiêu chuẩn một phần ăn cho người tù tại trại D12 Long Giao là một chén nhỏ bắp hột với một miếng cá khô chỉ bằng ngón tay trỏ của đứa bé 10 tuổi. Thế nhưng phải lao động nhọc nhằn theo chỉ tiêu của bọn cai tù đưa ra. Với tình trạng ăn uống thiếu thốn mà phải làm quá sức, nhiều tù nhân đã ngã bệnh, khi bệnh không có thuốc uống, chỉ uống lá cây rừng thay thuốc. Loại lá rừng thường được người tù dùng để chữa bá bệnh đó là lá mặt nhân và dây nhãn lồng. Có những người tù chết vì kiệt sức thân xác của họ được cuộn vào manh chiếu hay đệm rách và rồi được đem chôn sơ sài ngoài một bãi đất hoang cách trại giam vài trăm mét. Những người tù bệnh kéo dài nhiều ngày, bọn cai tù cho bắt đưa lên khung cho y tá của họ khám lại, phần lớn đều bị cưỡng bách lao động vài ngày sau đó, mặc dù còn bệnh.
Sau ba tháng áp dụng kế hoạch chỉ tiêu, tăng năng xuất, tù nhân bị bệnh quá nhiều mà hầu hết cùng một thứ bệnh là kiệt sức. Bọn cai tù mới cho viết thơ thông báo gia đình tù thăm nuôi. Lần đầu tiên được gia đình thăm nuôi và tiếp tế thực phẩm sau ba năm 4 tháng kể từ ngày tôi bị bắt vào tù. Gặp lại người thân tôi rất mừng, nhưng người thân và tôi cũng không trọn mừng sau bao ngày xa cách vì không nói được gì. Bởi bọn cán bộ ngồi xồng xộc trước mặt để theo dõi từng cử chỉ của tù nhân và gia đình, lại nữa thời gian thăm nuôi thì quá ít ỏi. Không đầy 5 phút, tôi phải chia tay với người thân, vào lại trại giam, trong khi người thân của tôi phải lặng lẽ ra về trong nỗi bùi ngùi.
Trong tình trạng đói khát trầm trọng, bọn cai tù buộc mỗi người tù phải tự túc trồng rau sắn để cải thiện đời sống. Những luống rau muống hoặc dền được người tù canh tác đầy trong khuôn viên trại giam, mùa khô trong trại chỉ có một cái giếng do tù nhân đào , không đủ nước để tắm giặt nói chi có nước để tưới rau, người tù phải dùng nước tiểu của minh để giải quyết tình trạng thiếu nước của rau. Rau trồng lớn, cán bộ phụ trách nhà bếp (anh nuôi) vào thu gom và khen thưởng người tù nào có số rau đạt chỉ tiêu. Họ mở nhiều đợt thi đua dồn ép người tù phải làm, nếu nhiều lần thu họach không đạt chỉ tiêu thì phải làm tờ kiểm điểm. Tờ kiểm điểm phải nói rõ lý do nào mà không đạt chỉ tiêu. Sau việc viết tờ kiểm điểm, bọn cai tù đưa ra kiểm thảo và đấu tố. Nhiều tù nhân bị kỷ luật vì việc trồng rau không đủ chỉ tiêu như thế này.
Cứ mỗi một tháng bọn cai tù bắt những tù nhân đem đồ đạc ra bày giữa sân để bọn chúng kiểm tra. Chúng không cho biết mục đích của sự kiểm tra, thế nhưng việc kiểm tra đồ đạc của người tù trong trại D12 thật khắc nghiệt. Họ tịch thu tất cả tiêu, ớt, thuốc tây, dao, kéo, gạo sấy, mì gói, tiền, lương thực khô, sách báo có chữ ngoại quốc, kinh điển, đặc biệt là thuốc trụ sinh.
Lần kiểm tra đồ đạc vào khoảng tháng 12 năm 1978, để bọn cai tù bộ đội bàn giao tù nhân trại D12 cho bọn cai tù công an (bò vàng), tôi bị tên Thiếu úy Be tịch thu nguyên bộ sách English For Today của Lê Bá Kông và qui cho tôi tội còn ngưỡng vọng Mỹ, luyến tiếc cuộc đời làm tay sai. Hắn bắt tôi viết kiểm điểm làm sáng tỏ sự việc này. Sau khi viết xong bản kiểm điểm, hắn tống giam tôi vào conex. Ở trong conex khoảng 2 giờ đồng hồ, tên trung úy Tiêm đội trưởng đội 4 cùng với anh HKL mở cửa conex thả tôi ra và cho biết nếu vi phạm một lần nữa sẽ bị nhốt biệt giam.
Trong trại giam D12 có 4 đội tù. Mỗi đội trực nhà bếp một tuần, nên anh đội trưởng phải cử người để canh chừng và đun lửa cho các chảo bắp nấu. Các đội khác cho người làm tốt được ban quản giáo khen ngợi, bởi lẽ khi bắp hột cho vào trong chảo nấu tất cả hạt bắp sẽ nở to và sẽ đẩy bung nắp chảo lên. Cán bộ đến kiểm tra thấy vậy cho là tốt. Một hôm đến đội 4 của tôi và lại đúng vào ngày tôi trực bếp tên cán bộ hậu cần (anh nuôi) đem bắp ra đo, đong và đưa một ít vôi để pha vào trong chảo cho bắp mau nở. Xong việc tên cán bộ ra ngoài khung. Trong bếp còn lại anh Luông (hiện nay ở Oklahoma US) và tôi. Hai chúng tôi thay phiên nhau ngủ và canh 4 chảo bắp đến khuya các chảo bắp đã chín và các hạt bắp đã nở to đẩy nắp vun chảo lên khá cao. Hai chúng tôi đều an tâm định ngủ một giấc đến sáng bàn giao cho cán bộ “khung”. Chắc sẽ được khen. Nhưng sáng ngày hôm sau hai chúng tôi không được khen mà ngược lại còn phải làm kiểm điểm, bởi do 4 chảo bắp không còn đẩy vun như lúc khuya. Tên cán bộ hậu cần nói: Với liều lượng vôi và hạt bắp như vậy, tôi tin các chảo bắp sẽ nở rang lên đầy cả vung và ta sẽ có đủ lương thực phát cho các anh cả ngày. Nhưng tôi thất vọng đối với hai anh. Hai anh phải giải thích rõ thế nào về sự giảm sút của các chảo bắp, nếu không tôi sẽ đề nghị nhốt hai anh. Tôi cứ giải thích lòng vòng để nó qua truông. Còn anh Luông cứ chối thẳng thừng là anh không biết gì về việc các chảo bắp bị tụt giảm. Tên cán bộ hậu cần quay mũi dùi vào tôi mà tấn công liên tục. Hắn ta nói: anh Luông không biết còn tôi thế nào? Tôi nói với anh ta rằng: có lẽ cán bộ đưa cho tôi loại bắp không nở tốt như các loại bắp anh đưa cho các đội khác. Tên cán bộ quả quyết rằng anh ta làm đúng và tôi là người sai. Cuối cùng tôi bị kiểm điểm và bị tống vào conex bởi một viên thiếu úy ban chấp pháp của trại. Vì anh ta đã có lời khai của một người bạn tù của tôi, (tạm dấu tên) cho rằng tôi đã mở các chảo bắp cho anh em tù tự động xuống lấy bắp nên các chảo bắp mới bị tụt giảm như vậy. Thực vậy, khi anh Luông ngủ còn lại mình tôi. Tôi thấy anh em tù của mình đói quá xuống nhà bếp xin ăn tôi làm lơ cho lấy, nhiều bạn tù lấy nên các chảo bắp đã giảm xuống tới mức như vậy. Người bạn tù của tôi lấy nhiều bắp hôm đó là anh “Cóc Ma ru” tức trung úy cảnh sát đặc biệt Nguyễn Hữu Ngọc (đơn vị bót Bà Hòa Chợ Lớn) Anh Ngọc có một đặc tính rất điềm đạm, nhưng rất là ngang tàng, thuộc loại chịu chơi thời thượng, nên ít khi làm phiền hà bạn bè, nhưng tôi không biết vì sao đêm hôm đó anh ta lấy bắp nhiều quá. Tôi biết anh dùng lon guigoz xúc vào chảo bắp đến 5-6 lượt. Có lẽ anh có kế hoạch riêng vì cho anh đối với cuộc sống đầy tù tội khốn khổ này.
Sau khi trở về đội lao động từ conex thời gian cũng chiếm mất một tuần. Tôi không được làm việc theo lịch luân phiên ở nhà bếp nữa. Tới phiên tôi anh đội trưởng HKL theo lệnh của cán bộ phân công người khác thay tôi. Tôi chỉ còn được phép theo cán bộ hậu cần và các anh em đi khuân gạo và thức ăn từ nhà thầu đem đến từ những “chiếc xe đò lỡ” chạy bằng than đá. Đây là dịp tôi đã tiếp xúc được với các anh tài xế và lơ xe trong lúc hành sự. Và nhờ nhiều lần đi lấy hàng định kỳ như vậy qua trao đổi tôi hiểu rõ một phần nào cuộc sống của dân chúng bên ngoài sau 4 năm nằm trong trại tù bịt kín.
Đêm, ngày, tháng…. năm 1978. Đã đến 2 giờ sáng tôi vẫn chưa ngủ, người bạn tù nằm cùng bên vẫn thao thức, nhưng chúng tôi không thể nói chuyện qua lại được vì sợ làm phiền những bạn tù khác, hoặc cũng phải dè dặt với những người đồng cảnh không tốt với mình. Ba giờ sáng, chúng tôi cùng nghe tiếng súng nổ lớn và giòn gần như đâu đây quanh trại. Tôi và người bạn tù định chồm dậy để xác định hướng súng nổ, nhưng không dám. Chúng tôi nhìn nhau và cố định hướng. Thật ra một ảo giác nào hoặc là do tiếng gió thổi mạnh về hướng trại của chúng tôi, chứ tiếng nổ không gần như chúng tôi nghĩ. Tiếng súng nổ gần sáng mỗi lúc lại tăng lên và im sau khoảng 5 giờ sáng.
Sáng hôm sau, sớm hơn giờ tập họp đi lao động. Chúng tôi thấy bộ đội ngoài “khung” và quản giáo, chấp pháp đã tràn đầy vào khuôn viên trại. Các vệ binh lăm le trên tay những khẩu súng AK và CKC có vẻ như muốn đè bẹp hoặc uy hiếp tinh thần những người tù nhân chúng tôi về một việc gì đó mới vừa xảy ra.
Tên Thân trưởng trại cho các đội tù ngồi tập họp trước sân các láng. Với điếu thuốc “Điện Biên” ông ta xoe đi xoe lại trên môi và nói: “Hôm nay, chúng tôi tập họp các anh lại và hôm nay các anh không phải đi lao động. Mà hôm nay, các anh sinh hoạt trong trại với chúng tôi. Chúng ta cần tìm hiểu về đường lối “cài đặt" của bọn CIA Mỹ và Ngụy. Như các anh đã biết “bọn phản động Mỹ - Ngụy, cho đến nay vẫn còn tạo sự nguy hiểm cho nhân dân và đồng bào ta. Đã hơn 4 năm kể từ Đảng và nhân dân ta “giải phóng” thống nhất đất nước. Bọn phản động vẫn không để cho chúng ta bình yên. Tối đêm qua, nhân dân họ Đạo miền cây Gáo không chút bình yên với bọn “tàn quân” Mỹ Ngụy. Chúng đã len lỏi vào khu vực họ Đạo và đã giết một số bộ đội ta trấn đóng quanh khu vực có nhiều giáo dân. Nhưng bộ đội ta đã đẩy lui gây tổn thất nhiều nhân mạng cho bọn chúng.
Các anh, phải bình tĩnh hãy tin vào bộ đội và nhân dân ta. Nhiệm vụ nào bộ đội ta cũng hoàn thành và khó khăn nào bộ đội ta cũng vượt qua. Chúng tôi được biết, một số anh khi đi lao động đã có sự liên hệ gắn chặt với những phần tử phản động còn ẩn nấp bên ngoài. Các anh cần phải thật thà khai báo rõ cho chúng tôi. Đây là những bản kê khai bổ sung các anh Đội trưởng hãy lấy phân phát đến với nhau, khai rõ ràng và kiểm điểm vào đấy rồi nộp cho chúng tôi. Nhớ là phải thành khẩn khai báo nhé.
Bọn họ quay trở lại “khung”. Người tù chúng tôi, mỗi người đều nhận tờ giấy khai báo. Nhìn qua, những điều quy định và những câu hỏi có thể suy luận ra nhiều vấn đề sâu sắc với óc bình thường của con người có thể hiểu được tại sao bọn họ làm công tác này.
Một ngày, chỉ quần quật trong láng trại với đầu óc căng thẳng với tờ khai báo. Những người tù của chúng tôi, phải lao động vất vả cho ngày hôm sau bù lại ngày hôm trước. Như thường nhật, mỗi khi lao động về tù nhân chúng tôi được lùa vào trại và cổng trại được kéo kín bởi một lớp dây kẽm gai và bên trên lô cốt lúc nào cũng có một tên vệ binh lăm le khẩu AK như chĩa vào đoàn người tù chúng tôi.
Trời vào hè ở Long Giao mặt trời lặn trễ, không khí “ca cóng” (nấu nướng theo kiểu Guizgo) trong trại còn có thời gian để khoản đãi những người tù đói như chúng tôi. Có anh nấu củ mì hoặc những thứ thực phẩm gì nhặt hái được trong rừng ngày lao động. Chủ yếu là để chống đói mà thôi.
Vài tuần trôi qua, sau vụ việc khai báo bất thường. Tối ngày G, nhiều chiếc xe Thiết Giáp M113 của Quân Lực VNCH cũ xuất hiện và chạy xung quanh trại D12 đèn rọi khắp quanh rào trại (có lẽ những chiếc xe tăng này là chiến lợi phẩm của bọn chúng sau ngày ăn cướp miền nam và giờ lấy sử dụng lại). Sự xuất hiện của những chiếc xe tăng này trong vòng hai giờ đồng hồ. Những người tù chúng tôi thấy rõ mồn một, nhưng chẳng ai dám xì xầm gì!
Một tuần sau đó, khi đoàn người tù lao động mới vừa về vào trong lòng trại. Một con mễnh (người phía Bắc gọi con mang) cũng đã lục tục vào trong trại mà không một ai hay biết. Cho đến khi giờ “ca cóng” bắt đầu mọi người mới phát giác ra cậu “mễnh” khảnh kia chạy tung tăng khắp láng và xuống đùa giỡn với các thần táo nhà bếp.
Dĩ nhiên là số phận của con vật này sẽ ra sao? Chắc mọi người đều biết. Đám vệ binh vào trong trại dùng dây vòng bắt con mễnh và đem ra ngoài “khung” làm thịt. Nhiều người tù lớn tuổi “đoán già đoán non” cho rằng con mễnh vào làng là có điềm xui xẻo, như vậy con mễnh vào trại D12 chắc có điềm quái gỡ gì đây? Ờ, mà ai ăn thịt của nó còn xui dữ hơn nữa. Có anh nói nếu nói như vậy thì bọn tù của chúng mình không có xui mà bọn họ ở ngoài “khung” mới xui ra bở.
Việc tin vào chữ hên xui, được nghe qua rất nhiều khi tôi còn ấu thơ. Và việc con mang (mễnh) chạy vào làng quê tôi hồi trước năm 1975 cũng có. Tôi nhớ một chiều thôn ấp của tôi ùn ùn người và chó đã rượt bắt được con mễnh đang chạy vào làng. Nhiều thanh niên vạm vỡ với nhiều con chó Phú Quốc (chó chuyên săn bắt). Sau nhiều giờ truy bắt họ đã bắt được con mang (mễnh) không lớn lắm. Họ trói con vật và để ngay trước sân nhà anh ruột của tôi là một Trung đội trưởng Nghĩa Quân ở Ấp.
Ba tháng sau, một đêm trăng nhà của anh ruột tôi bị Việt cộng bao vây, bọn họ bắn vào nhà tan tành nhưng anh không trúng đạn chết ngay ở nhà mà anh chết ở một nơi khác.
Tôi nhớ không lầm, ngày ấy vào ngày rằm tháng tám Trung Thu năm 1965 trăng trên trời lung linh chiếu tỏa khắp trong một thôn ấp miền quê thanh tịnh. Ánh sáng soi đến độ mọi vật dấu vết to nhỏ đều có thể thấy được. Khoảng 12 giờ đêm,tôi vẫn còn học bài chuẩn bị cho buổi học ngày sau. Tôi nghe tiếng động, quanh nhà anh tôi (vì ở miền quê gia đình anh chị em ai có chồng vợ, cha mẹ cho ra riêng cũng cất nhà ở lòng vòng xung quanh gần phần đất của cha mẹ. Nhà anh tôi cách nhà Mẹ tôi có một dãy chuối và dừa). Tôi gọi mẹ tôi và nói: hôm nay, nhà anh Năm có tiếng ồn ào khác lạ, mà không có tiếng máy truyền tin kêu vang như mỗi ngày. Vả lại, hai con ngỗng nhà của anh ấy sao hôm nay bỗng kêu to. Mẹ tôi bảo tôi, con chạy qua bên ấy coi xem sao! Tôi xếp vở lại và đi qua nhà anh ấy. Khi tôi mới đến dãy chuối, tôi thấy một tên Việt cộng đội cái mũ tai bèo mặc quần cụt trên tay lăm le khẩu súng và lớn tiếng đuổi tôi “thằng nhỏ mầy vào nhà không tao bắn mày”. Tôi bèn phải lùi lại vào nhà. Tôi nói với mọi người trong gia đình là Việt cộng đã bao vây nhà anh Năm để bắt anh. Mọi người trong nhà chia nhau ẩn nấp nhưng vẫn theo dõi về phía nhà anh tôi. Một loạt đạn bắn ra tiếng nổ như đinh óc, tôi không biết là của loại súng gì? Tôi nhìn thấy, Anh Hai Suỗng (một đồng đội của anh tôi) từ nhà của anh chạy đến nhà anh tôi, trên tay cầm cây súng carbine M1. Anh kêu tên anh tôi, nhưng sau đó thì ngưng. Nhìn qua khe cửa tôi thấy chú Hai Thông Sự (chức vụ theo đạo Cao Đài) ở đối diện nhà mẹ của tôi bò ra ngoài hàng rào cho anh Hai Suỗng biết việt cộng đã bao vây nhà anh tôi. (Tôi nghĩ, nếu không có chú Hai cho biết thì anh Hai Suỗng cũng đã bị bắn bởi tên việt cộng ở dãy chuối nhà mẹ tôi). Tiếng súng nổ xa và thưa dần. Lính Nghĩa Quân từ Quận, Xã kéo đến Ấp Hiệp Thạnh nơi nhà của anh tôi, cũng là nơi bao nhiêu năm trời anh tôi đã chiến đấu, ngăn chặn sự tiếp tế lương thực của bọn việt gian cho việt cộng cùng với sự bảo tồn hệ thống Ấp Chiến Lược quanh làng. Anh tôi đã hy sinh tại nhà người bạn cũng là người đồng đội với anh. Tôi và Mẹ cùng đứa em Út cùng bà con hàng xóm đưa xác anh về nhà. Vết thương làm anh không còn tồn tại trên thế gian nữa do viên đạn CKC xuyên thủng màn tang (theo giám định sau cái chết của Chính quyền VNCH).
Đám tang anh tôi làm theo lễ nghi của người tín hữu Cao Đài, nhưng chính quyền thời VNCH lúc ấy cũng truy điệu theo truyền thống của một quân nhân. Anh tôi đã được những người đồng đội đưa tiễn với nhiều loạt súng đưa hồn tận nghĩa trang và dĩ nhiên đã được phủ cờ vàng ba sọc đỏ Việt Nam Cộng Hòa.
Qua sự hy sinh của anh tôi. Cơ quan An Ninh Quân Đội Tỉnh Tây Ninh đã vào cuộc. Bằng sự chuyên nghiệp họ đã tìm phăng manh mối của bọn nằm vùng. Họ đã bắt được hầu hết các viên chức Xã ,Ấp có liên quan đến sự việc. Một ông Phó Xã trưởng, ông Trưởng Ấp, ông Phó Trưởng Ấp và một Nghĩa Quân viên đã bị truy tố trước pháp luật. Tên anh tôi được chính quyền thời đó tuyên dương và đặt tên cho một con đường trong Thôn Ấp.
Vài năm sau, khi tôi trưởng thành, nếu ai có nhắc đến cái chết của anh, tôi thường lân la và tìm hiểu sự việc để truy tìm nguyên nhân hơn. Dĩ nhiên có nhiều nguồn tin, không đúng 100%, nhưng nó cũng tạo sự hữu ích trên con đường tìm biết.
Những người bạn cùng chiến đấu với anh tôi cùng thời thì cho rằng sự lỏng lẻo của tổ chức Nghĩa Quân trong những năm đầu khi thành lập (chuyển từ Dân Vệ qua). Tôi cho đó chỉ là một phần tương đối của hiện tượng trong việc đi tìm nguyên nhân về cái chết của một quân nhân. Thực chất cái chết của anh tôi đã tạo một sự kiện cho một chuỗi sinh hoạt có tính “lính” và “dân”. Ai cũng có thể biết Việt cộng gian trá và xảo quyệt. Thế nhưng thế hệ này đến thế hệ khác đều mắc phải bởi tính không cảnh giác nên đã bị Việt cộng len lỏi xâm nhập trong tổ chức và khuynh đảo.
Lùi lại thời điểm trước khi xảy ra cái chết của anh tôi. Thời điểm đó, người lính Nghĩa Quân cải tổ từ Dân Vệ qua, đôi khi có những “thanh niên chiến đấu”, nên việc gia nhập của họ về mặt “lý lịch" ngành an ninh còn sơ hở, bởi phần lớn những thanh niên gia nhập vào Dân Vệ - Nghĩa Quân sau này đều sống và lớn lên ở địa phương. Về mặt “nổi” thực tế mọi người ai cũng đều minh xác nên được tin tưởng nhiều. Cho nên, nếu người nào họ quyết tâm phục vụ lý tưởng bảo vệ xóm thôn của họ thì thật sự họ trở nên những con người đầy quả cảm và cương quyết. Và theo suy nghĩ này thì cũng có những sự kiện ngược lại mà đầu mối là do Việt cộng móc nối dụ dỗ đưa đến sự phá hoại.
Về An ninh, nhất về mặt trang bị ý thức tình báo cho một quân nhân còn quá kém chưa đi sâu vào lòng của mỗi quân nhân (đặc biệt những người lính Nghĩa Quân và Dân Vệ vì nhiệm vụ của người lính Nghĩa Quân không giống như người lính các binh chủng của quân lực VNCH. Người lính Nghĩa Quân, họ vừa là một quân nhân tác chiến để bảo vệ làng thôn, họ còn là một người lính tâm lý chiến, và cũng vừa là một “tình báo viên”….) Do vậy, tính chất của họ không chỉ đơn thuần là một chiến sĩ giết giặc mà là một quân nhân đa năng.
Lòng vòng, trở lại ý nghĩa tìm nguyên nhân. Những yếu tố khách quan, chủ quan đều được cân nhắc, và về sau được mọi người đồng chung lý giải. Đó là yếu tố trực tiếp đưa đến sự hy sinh của anh tôi và cũng là nguyên nhân tiên quyết. Do sự yếu kém về mặt tổ chức và sự trang bị ý thức tình báo cho lực lượng Dân Vệ - Nghĩa Quân lúc cải tổ.
Trung đội Nghĩa Quân Ấp của anh tôi phụ trách một tuyến dọc dài giáp ranh với những Ấp khác trong một khu vực rộng lớn của một xã chứa 8 Ấp. Địa bàn Ấp của Trung Đội Nghĩa Quân của anh tiếp cận với ngõ ra vào tiếp tế lương thực cho bọn Việt cộng ở vùng sâu. Vào thời kỳ chương trình thực hiện Ấp Chiến Lược. Bọn du kích việt cộng bị động và đưa đến giai đoạn đói cực kỳ bởi các cửa ngõ ở các đầu Ấp Chiến Lược đều có Lính Nghĩa Quân và Dân Vệ canh gác. Trung Đội Nghĩa Quân của anh tôi đã làm việc này hữu hiệu. Vì thế bọn Việt cộng rất oán ghét và tìm cách triệt hạ.
Tôi không biết ở mỗi nơi tổ chức Lực lượng Nghĩa Quân ra sao, nhưng tôi biết ở xã Hiệp Ninh nơi quê hương của tôi có một Trung đội Nghĩa Quân ở Xã và mỗi Ấp đều có một Trung đội nữa. Vào thời điểm này, những người lính Nghĩa Quân ở Ấp thường hay tập họp tại một vị trí cố định nào đó rồi nhận sự chỉ thị từ trên ( cấp Xã hay Quận) để đi hành quân. Lính Nghĩa Quân ấp Hiệp Thạnh hay tập họp tại nhà anh của tôi và cũng chính sự tập họp cố định này mà đã là một môi trường tốt cho bọn việt cộng nằm vùng theo dõi dưới dạng “tình báo nhân dân”. Hơn thế nữa, sau mỗi lần đi hành quân hay đi “ba trui” sau đêm khuya mọi người lính đều về nhà với gia đình, vợ con, bởi vì không có đồn bót để vào trú ngụ. Chính sự việc lâu ngày trở nên quán tính nên Việt cộng mới điều nghiên và bao vây ám sát và bắn giết từng người. Việc hy sinh của anh tôi cũng đã lọt trong tầm ngắm của Việt cộng qua thời gian dài điều nghiên nên bọn chúng đã hành sự có kết quả cho bọn họ.
Câu chuyện về cái chết của anh tôi sau ba tháng khi con mang (mễnh) chạy vào làng, như tôi đã trình tiết. Còn việc tin vào hay không tùy theo đức tin của mỗi người.
Trở lại việc con mang (mễnh) vào trại, mọi người tù chúng tôi phần lớn cho rằng bọn cán bộ ngoài “khung” sẽ lãnh hậu quả sau khi ăn thịt con mang này. Sự việc xui xẻo xảy ra cho bọn cán bộ khung ở một dạng khác. Có lẽ vì những người tù nhân của chúng tôi không biết nhiều hơn về bọn họ. Lại nữa vì là những tin đồn truyền khẩu (nhưng trong giới hạn) nên khó tưởng tượng.
Sau thời điểm con mang chạy vào trại. Những người tù của chúng tôi nghe tin đồn thổi rằng hai vệ binh ở trại D12 bắn nhau vì giành giựt gái một chết và một bị thương nặng trong một quán cà phê trên đường vào xã Cẩm Đường. Anh vệ binh chết tên H người còn lại tên T. Một việc khác, là việc tên thiếu úy cán bộ chấp pháp bị một vệ binh người miền Nam bắn gãy chân sau việc cãi nhau về món tiền không biết nguồn gốc.
Đối với người tù (cải tạo) chúng tôi muốn được yên thân, nhưng đối với việt cộng họ không để cho chúng tôi được một phút nào bình yên. Họ phỉnh gạt lừa đảo, hứa hẹn và luôn khủng bố … cho nên những người tù chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải vượt thoát nếu có thể.
Chuyện anh Dương Phục thoát khỏi conex trong thời gian 9 ngày bị giam giữ, bị còng chân, đánh đập tàn nhẫn nhiều lần chết đi sống lại của bọn quỷ dữ gọi là quản giáo và cuối cùng anh đã đi đến bến bờ tự do đã lan truyền trong cộng đồng tù nhân chính trị của chúng tôi mặc dù tin rỉ tai tương đối dè dặt. Nhưng đó là một ánh sáng đã soi qua con đường hầm nhỏ về ý niệm thế nào người tù nhân chính trị của chế độ cộng sản phải làm.
Chi tiết về việc vượt thoát của anh Dương Phục còn nhiều tình tiết hấp dẫn, vào thời điểm đó những người tù của chúng tôi suy diễn theo tính cá nhân, nhưng cuối cùng vẫn đồng nghĩ anh Dương Phục chắc là con của Chúa nên được nhiều Linh mục và giáo dân che chở trong lúc vượt thoát. Một đặc điểm mà cũng là nguyên nhân chính để anh thoát tù ngục là phần lớn do sự thông minh, sáng suốt của người vợ anh là chị Vũ Thanh Thủy. Người đã phối trí cho cuộc đào thoát của anh. Nhưng làm thế nào anh rời khỏi conex trong lúc anh đang bị còng? Những người tù chúng tôi phải thắc mắc lâu dài vào những năm sau đó. Và bây giờ, yếu tố then chốt đó đã được giải rõ qua quyển hồi ký vượt thoát của anh.
Tôi biết anh Dương Phục một vài lần khi đội tù lao động của chúng tôi cùng đi lao động với đội của anh trên cánh đồng Cẩm Mỹ. Tôi không nhớ rõ lắm, dường như anh ở trại D14. Trại tù này cách trại D12 của tôi không xa nên chúng tôi có thể dùng mắt thấy được sinh hoạt tổng diện mỗi bên.
Như nói trên, sự đào thoát của anh Dương Phục thời điểm đó ít nhiều làm cho những người tù của chúng tôi có một sự trăn trở ý thức rõ rệt. Cho nên sau này cũng có nhiều cuộc trốn trại tiếp diễn xảy ra ngay vào lúc đang lao động ngoài nương rẫy. Có người thoát và cũng có người bị bắt lại và thân thể cũng chẳng còn nguyên với sự hành hạ của bọn vệ binh và quản giáo.
Đầu năm 1979, hàng tuần tôi không còn đi nhận hàng thực phẩm từ những nhà thầu cung cấp do những chiếc xe hơi chạy bằng than mang đến nữa. Tôi được “biên chế” ra đội lao động trở lại. Hàng ngày đội tù của chúng tôi phải quần quật dưới cái nắng tháng giêng của vùng đất đỏ Cẩm Mỹ - Cẩm Đường. Chúng tôi trồng hàng chục mẫu khoai mì, khi chúng tôi đói lại không có khoai mì để ăn. Thay vào đó chúng tôi phải ăn bo bo và bắp.
Một lần, anh đội trưởng HKL phân bố anh D anh N và tôi đi vác cây mì ở nhà người dân. Theo giữ chúng tôi là một anh vệ binh trẻ, khi vào nhà nơi lấy cây mì anh gặp cô con gái của ông chủ nhà anh mải mê tán tỉnh cho nên ba anh em chúng tôi sinh tình bàn với nhau về “kế hoạch vượt thoát”. Anh N là lớn tuổi nhất và cho biết nhiều về tin tức bên ngoài. Anh quả quyết rằng hiện vẫn còn có những người anh em Chiến sĩ VNCH vẫn còn ẩn núp trong những khu vực rừng già giáp với biên giới Campuchia và Việt Nam cũng như Lào, mà bọn Việt cộng gọi là “tàn quân”. Nếu chúng ta vượt thoát được sẽ gia nhập với những chiến sĩ rất dễ dàng, bởi vì chúng mình là tù vượt trại. Bằng chứng là việc nổ súng đánh nhau với bọn việt cộng vừa qua ở xóm đạo Cây Gõ mà hầu như những người tù ai ai cũng biết. Anh D thì nói về thực trạng cán bộ ăn hối lộ và có sự việc làm giấy tờ giả để mỗi khi mỗi tù nhân vượt ngục trót lọt sẽ được vượt biên ra nước ngoài. Và anh khẳng định thân nhân của anh biết về vấn đề này. Riêng tôi là người nhỏ tuổi so với hai anh N và D.Tôi không biết nhiều về những sự kiện, nhưng mỗi lần đi lao động tôi thường hay quan sát cách thức gìn giữ tù nhân của bọn vệ binh, đặc biệt và những con đường có thể an toàn khi vượt thoát. Trong khi ba anh em chúng tôi có thời gian trao đổi ý tưởng, thình lình tên vệ binh trẻ xuất hiện hắn đưa đôi mắt liếc dọc liếc xuôi và hỏi lớn: các anh làm gì chùm nhum như thế. Tại sao không đi vác cây mì mà ngồi lì thế? Chúng tôi nói với hắn chúng tôi đã làm và mới vừa nghỉ. Hắn quát to, các anh đứng dậy đi làm nha, mỗi anh từ giờ đến lúc ra về mỗi người phải hai bó lớn nhé. Quát xong hắn lại đi thẳng vào nhà nơi có cô gái có lẽ đang chờ hắn.
Hết ngày lao động, người tù chúng tôi về trại. Ngày hôm sau, thay vì đi lao động vác cây mì trồng như thường lệ. Ba chúng tôi bị “biên chế” làm việc khuân vác gạch ngoài trại do nhà thầu cung cấp bằng xe nơi một bãi đất trống cách trại khoảng 200 mét. Mục đích của họ là xây dựng một lò bánh mì ở ngoài “khung”.
Chính nhờ làm công việc này, nên chúng tôi tiếp xúc được với người dân bên ngoài. Chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội khai thác thêm nhiều tin cung cấp cho ý tưởng trốn trại của chúng tôi. Nhiều nhân công bốc xếp gạch, họ là người của địa phương nên họ rất am tường về tình hình ở nơi vùng họ cư ngụ, đồng thời họ cũng biết rất nhiều về những tin tức chiến sự. Họ cho biết, cách vài tháng lính đồ bông của VNCH đã vào vùng Cây Gõ và đã giao tranh với bộ đội trấn giữ ở đây họ đã bắn chết rất nhiều bộ đội. Họ cũng hy sinh một ít người. Một nhân công nói: chú tôi trước là trung úy đại đội trưởng lính Địa Phương Quân thuộc Tiểu khu Long Khánh, sau ngày 30 tháng tư năm 1975, ông không về nhà và gia đình xem như mất tích đến giờ. Nhưng thời gian sau đó, gia đình biết chú vẫn còn sống và vẫn còn chiến đấu ở một nơi nào trong địa bàn các tỉnh miền Đông.
Lần sau cùng, công tác chuyển gạch vào “khung”, theo giữ toán tù chúng tôi là một anh vệ binh người miền Bắc tên M trông anh có vẻ cởi mở và có ý muốn tìm hiểu về Saigon. Anh N đã tiếp cận nói chuyện với anh về cuộc sống người dân ở Saigon trước năm 1975. Anh dường như đã hiểu phần nào và sau đó cho biết rằng anh cũng có người bà con di cư năm 1954 hiện nay người thân của anh ta đang ở Hố Nai.
Cũng lần chuyển gạch này, anh D không biết bằng cách nào đã móc nối được với anh bộ đội này. Anh ta cho biết anh cũng không còn được cấp trên của anh đưa đi giữ toán chuyển gạch vào “khung" nữa vì yêu cầu đã xong. Anh sẽ nhận công tác mới làm vệ binh cho toán chặt cây rừng làm củi. Các anh nào vào đội chặt cây sẽ gặp anh ta.
Cũng thật may ba anh em chúng tôi hết chuyển gạch được “biên chế” vào toán chặt cây làm củi. Toán này, lấy một phần ba số người của một đội ước lượng khoảng 15 người. Theo canh chừng toán gồm một anh cán bộ “khung" và một vệ binh. Ba ngày đầu cho công tác chặt cây, chúng tôi không thấy anh vệ binh người Bắc tên M đi canh giữ mà lại là những vệ binh khác. Anh D nôn nóng vì có lẽ anh muốn gặp anh vệ binh M để tìm hiểu thêm hoặc khai thác một số tin tức hoặc nhờ vả hay lợi dụng những gì mà chính anh mới hiểu, còn anh N và tôi không hề biết.
Đến ngày thứ năm trong lao động chặt cây rừng, chúng tôi đã nhận ra anh khi anh cùng một cán bộ trong khung nhận toán chặt cây chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi vào cánh rừng phía Đông Cù Bị, Cẩm Mỹ. Trong lúc giải lao anh D trong nhóm của chúng tôi đã tiếp xúc được anh vệ binh M. Ngồi gần tôi và anh N thấy được anh D và anh vệ binh M hút thuốc và trao đổi qua lại . Tôi nghĩ là anh D đã thật sự móc nối được anh vệ binh M bằng đường đút lót tiền bạc và hứa hẹn khi anh chàng vệ binh có dịp về Saigon thì nên ghé qua gia đình của anh D để nhận những gì hai người đã hứa với nhau. Anh D đã cho tôi và anh N biết giờ L đêm P vệ binh M có ca gác trên lô cốt trước cổng ra vào trại. Và máy phát điện ở ngoài “khung” bị hỏng chưa có thợ sửa chữa. Cả 3 chúng tôi nắm bắt tin tức này và phác họa kế hoạch hành động vượt thoát. Thực ra chúng tôi đã chuẩn bị từ thời gian trước khi còn ở trong toán vác cây khoai mì. Đêm ngày P đã đến. Đúng giờ L chúng tôi thực hiện kế hoạch như đã định. Trên vọng gác trước cổng trại, chúng tôi nghe tiếng xì xào của vệ binh đổi ca gác, anh D dùng tay quẹt lỗ mũi như ra dấu cho chúng tôi tiến hành. Chúng tôi đồng loạt quan sát những anh em cùng tù để cảnh giác và lần lượt từng người ra nơi hố xí (trại này hố xí nằm trong vòng rào của trại) giả vờ như đi đại tiện để đánh lừa anh em tù cùng láng. Lợi dụng không có đèn hàng rào, anh D đã dùng kềm cắt kẽm gai cắt gọn 3 vòng kẽm (kềm cắt kẽm đã được cất giấu mấy ngày trước nơi vị trí ấn định) và anh dùng tay vạch lỗ chui ra ngoài tiếp theo anh N và sau cùng là tôi. Khi ra khỏi vòng rào. Chúng tôi núp dưới một mương rồi bò ra ngoài đám cây lau sậy và chúng tôi đi thẳng về hướng Cù Bị - Cẩm Mỹ. Khi đến vườn cao su Cẩm Mỹ chúng tôi ước lượng khoảng 4 giờ sáng vì nghe được tiếng gà gáy từ những ấp kinh tế xa vọng về. Lúc này, chúng tôi cũng không nghe động binh gì từ trại giam. Ba chúng tôi đi dọc theo đường mòn mà trước đây chúng tôi đã có nhiều lần đi vác củi cho trại. Đến gần sáng chúng tôi chưa ra khỏi khu vực Cẩm Mỹ. Chúng tôi thấy một vài người dân (chắc là ở địa phương) lên rẫy sớm. Sợ bị phát giác chúng tôi nằm rạp xuống dưới con rạch không có nước để tránh họ. Khi họ đi qua chúng tôi bắt đầu đi tiếp và tìm đường lên miệt Cây Gáo. Trời đã sáng hẳn, chúng tôi nghe ồn ào tiếng xe máy quyện theo gió từ xa đồng thời cùng tiếng súng nổ râm ran từ hướng trại giam. Chúng tôi dự đoán rằng họ đã phát giác sự trốn trại của chúng tôi. Theo sự chỉ dẫn của anh lơ xe (như sự tiếp xúc mỗi lần vác gạch trước đây) thì chúng tôi chỉ còn có nửa cây số nữa là chúng tôi đến được vùng Cây Gáo mà nơi đó sẽ còn có những anh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hiện còn đang chiến đấu. Chúng tôi cố gắng đi nhanh hướng đến mục tiêu. Tiếng súng mỗi lúc mỗi gần và tiếng la ó của vệ binh cũng như tiếng hỏi thăm người dân của nhóm vệ binh truy tìm ngày càng gần. Ba chúng tôi quyết tìm chỗ ẩn náu. Chúng tôi lao vào trong nương rẫy của người dân đã bỏ hoang không biết từ lúc nào nhưng cây cối mọc um tùm cao khỏi đầu trông giống như một cụm rừng chồi. Và mỗi người mỗi nơi để lánh nạn. Tôi chọn một nơi có hốc đá và dây mây rừng phủ trên chằng chịt người khó trông thấy. Còn hai anh D và N không biết tản nơi nào, nhưng tôi đoán là cũng đâu đấy gần đó.
Trời đã xế chiều,tôi không nghe tiếng ồn ào của nhóm vệ binh truy tìm. Tôi tự suy nghĩ có lẽ họ không truy tìm nữa là vì họ nghĩ chúng tôi đã thoát ra khỏi địa phận quản lý của họ rồi. Bây giờ họ chỉ đón bắt chúng tôi từ các chốt gác trên tuyến đường xe về thị xã học thành phố. Họ sẽ ra sức chặn nơi những chốt chặn.
Nằm trong bụi rậm, con sâu mây bò đầy đôi khi leo lên cả người, nhưng ít khi dám nhúc nhích sợ gây tiếng động. Nhìn ra ngoài thấy một số nương dân phần lớn là gái đang đi tìm một loại dây gì tôi không thể được biết, họ nói nói cười cười trông rất tự nhiên. Có những cô gái chỉ độ tuổi mới 15 tay cầm một cái dao dài chặt một số dây leo gần bên chỗ tôi trú ẩn. Tôi sợ các cô gái ấy thấy tôi nên cố thu người trọn trong đám dây mây mặc cho mấy con sâu tự do bám trên đầu trên cổ.
Trời đã gần chiều, đám các cô gái không còn lẩn quẩn quanh chỗ tôi trú ẩn, tôi vươn mình dậy để gãi ngứa và gạt mấy con sâu ra khỏi người. Tôi nghe tiếng động đậy từ một cụm mây gần đó, tôi vươn mắt nhìn qua thấy anh D đang lửng thửng đi về hướng tôi đang trú. Tôi cố quan sát một lần nữa thật kỹ vì sợ rằng mắt của mình bị quáng gà bởi sự lo sợ. Thật rồi, đúng anh D. Tôi lao ra và gọi nhẹ tên anh. Anh mừng và hỏi anh N đâu, tôi trả lời không biết. Anh D và tôi đi một đoạn trong đám rừng chồi đến một cụm cây leo trên mõm đá thấy có tiếng động. Hai chúng tôi nằm sụp xuống quan sát chúng tôi thấy một người trung niên từ từ bước ra từ đám dây leo phủ kín. Nhìn thật kỹ đúng là anh N. Chúng tôi tiến đến và cả ba họp lại tính kế hoạch là chờ đêm về sẽ đi tiếp đến vùng Cây Gáo như dự tính.
Đêm về, chúng tôi tôi bắt đầu định hướng và thẳng tiến đến vùng Cây Gáo. Chúng tôi dự kiến sẽ đến đó trước 9 giờ đêm bởi từ chỗ chúng tôi trú ẩn đến đó ước lượng chỉ còn nửa cây số nếu là ban ngày đi khoảng nửa tiếng đồng hồ, ban đêm thì mất thời gian hơn. Nương theo đường mòn ba chúng tôi tiến bước. Trời về đêm không khí rừng nghe u tịch hơn đôi khi cũng nghe rợn người vì sợ thú rừng. Chúng tôi đi khá nhanh bởi những vùng này đều có mặt chúng tôi mỗi khi lao động chặt củi đốn tre, có thể nói là gần như quen thuộc đường sá.
Chúng tôi đi gần một tiếng đồng hồ và theo lời anh lơ xe hướng dẫn lúc trước khi đến ngã ba đường mòn rẽ trái sẽ vào được đám rừng cây chằng chịt mà người dân địa phương gọi là rừng cấm. Y theo lời hướng dẫn, chúng tôi sẽ đến được ngã ba đường mòn chỉ cần rẽ trái vào được trong khu rừng âm u gọi là “rừng cấm” như mục đích của chúng tôi mong muốn. Thế nhưng chúng tôi mới vừa tới đến ngã ba chúng tôi nghe tiếng động xì xào. Chúng tôi vội nằm mọp xuống dùng ánh sáng nền đất để quan sát thì thấy rõ ràng là một chiếc xe tăng M113 của việt cộng đang nằm chình ình vào lối rẽ trái vô rừng cấm. Chúng tôi chưa kịp đứng lên để thoát thì hai tên Việt cộng cầm 2 khẩu AK 47 dí vào đầu 3 chúng tôi và bắt đem về chiếc xe tăng. Bọn chúng cho vào mỗi người chúng tôi vài bá súng đau thấu xương tủy. Chúng khai thác biết chúng tôi là tù trốn trại nên đã gởi chúng tôi về lại trại.
Khi bị giải giao về trại mỗi anh em chúng tôi bị hành hạ không thương tiếc. Ba chúng tôi được nhốt trong 3 chiếc conex khác nhau và bị đánh liên tục. Họ xích chúng tôi với những sợi dây cáp to trong thành conex và đem ra tra khảo thường xuyên. Trong thời gian hơn nửa tháng bị nhốt trong conex và hành hạ thân xác . Chúng tôi chỉ nghĩ chết còn sướng hơn. Mỗi ngày đều 2 cữ đánh đập với những tên cán bộ khác nhau. Kết quả anh D đã bị gãy một chân trái. Anh N xệ một cánh tay và một phần đầu bị dập nghe nói sau này anh điên luôn và đã chết trong một trại giam khác. Còn tôi dập cả vai lưng phía sau và nát một phần bên mắt phải.
Ba chúng tôi không còn gặp lại, sau khi ra khỏi conex. Tôi bị họ đưa đến trại giam Z30 D Hàm Tân Thuận Hải. Nghe nói anh D thì bị đưa ra Bắc còn anh N bị đưa về trại giam Chí Hòa.
Năm 1989, tôi có gặp lại anh D ngay ở vườn cây trước Sở Ngoại Vụ thành phố Saigon, bởi vì khi được tin Hoa Kỳ và chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã thỏa thuận cho tù nhân chính trị (cải tạo) được định cư tại Mỹ theo diện nhân đạo (Humanitarian Operition) có tên chính thức là chương tái định cư phóng thích đặc biệt tù nhân trung tâm cải tạo (Spicial Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program).
Các người tù chính trị thường tụ tập để trao đổi biết thêm tin tức của chương trình nên tôi có dịp gặp lại anh. Tôi cũng nghe nói anh cùng gia đình đã qua định cư ở Hoa Kỳ rồi, nhưng hiện nay tôi không liên lạc được và biết anh ở tiểu bang nào.
Duy Văn Hà Đình Huy