top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
LÊ PHƯƠNG LAN (Dâu K1)

Dạy học dù trong xã hội Việt Nam hay tại Mỹ là một nghề có mức lương thấp trong bậc thang lương bổng. Một nghề mà phần thưởng dành cho người dạy học thường là những "phần thưởng tinh thần". Thầy cô giáo xem như là những người hay được cho ăn “bánh vẽ” nhiều nhất. Thế mà vẫn luôn luôn có những người thầy cô giáo chấp nhận nghề nghiệp “thanh bạch” này để tận tụy lo cho các học sinh của mình.


Từ khi được làm quen với các trường dạy Giáo Lý Việt Ngữ tại các giáo xứ, nhất là khi nhận lời giảng dạy Giáo Lý và Việt Ngữ tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi, tôi mới nhận thức rằng dù chỉ dạy có một ngày trong tuần nhưng thời gian tôi bỏ ra cho việc soạn bài cho lớp Giáo Lý hay Việt Ngữ có khi còn nhiều hơn so với việc soạn bài cho lớp học tôi phụ trách tại trường công lập. Từ đó tôi mới khám phá ra rằng những “phần thưởng tinh thần” tạo ra sức thu hút và niềm đam mê mãnh liệt hơn là những phần thưởng vật chất. Một khi niềm đam mê đã trở thành lý tưởng thì người ta có thể sẵn sàng hy sinh những quyến rũ vật chất hay quyền lợi cá nhân, quên mình dấn thân phục vụ nơi vùng xa xôi, hẻo lánh tận lục địa Châu Phi, các rừng già Nam Mỹ hoặc những nơi nghèo đói nhất của vùng Châu Á theo ơn gọi của các vị linh mục. Nhất là gương hy sinh, dấn thân của các nữ tu đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để phục vụ các bệnh nhân phong cùi, những trẻ em bị bỏ rơi do bị tật nguyền hay bị lây nhiễm HIV, những người già tàn tật neo đơn không nơi nương tựa.


Càng ngày tôi càng bị thu hút bởi nguồn vui làm việc với các thầy cô dạy Giáo Lý và Việt Ngữ. Là những người di dân, chúng ta đã bị bứng gốc rễ để đem trồng lại vào vùng đất mới. Tuy nhiên, thế hệ của chúng ta và thế hệ của những người con mà đã cùng cha mẹ định cư tại miền đất mới trong độ tuổi thanh thiếu niên vẫn còn được bám rễ với các giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam: cần kiệm, siêng năng, nhân nghĩa, hiếu hòa, chung thủy và biết sống chuẩn mực trong cuộc sống. Sang đến thế hệ của các cháu sinh ra và lớn lên tại quê hương thứ hai thì làm sao để giữ được những tâm hồn trong trắng này không bị hoen ố là nỗi ưu tư đã thôi thúc sự dấn thân của thế hệ chúng tôi và những thế hệ tiếp nối. Tất cả đang nỗ lực xây dựng những lá chắn tâm linh của giáo lý đức tin, giữ gìn tiếng Việt giàu và đẹp, gieo trồng và vun xới những giá trị luân lý qua những bài học Việt ngữ.


Hoa trái của công sức và kỳ vọng trải qua hơn hai thập niên của chúng tôi đã nhìn thấy được qua sự hiện diện đông đảo của các cháu TA. Đội ngũ TA là những học sinh còn đang trong bậc trung học đã vào lớp cùng làm việc với các thầy cô chính và thầy cô phụ để tập sự làm quen với công việc dạy học. Hiện nay đã có một số em TA sau khi tốt nghiệp đại học đã  trở lại trường GLVN nhận đứng lớp với nhiệm vụ của một thầy cô chính.


Xin được liên kết bài này với một câu truyện ngụ ngôn của người Nhật:


Ngày kia, trong vương quốc của loài kiến có một con kiến được giao cho nhiệm vụ dự báo thời tiết. Để hoàn tất nhiệm vụ này nó, đã leo lên một ngọn cỏ để quan sát cho rõ. Nhìn sang bên cạnh, thấy cành hồng  cao hơn nó liền gắng sức bò lên cành hồng. Đứng trên cành hồng thì thấy cây hoa hướng dương còn cao hơn nữa, với nhiều công sức hơn, nó bỏ cành hồng để trèo lên cành hoa hướng dương. Đang làm nhiệm vụ nó phát hiện cây cam mới là vị trí tốt cho công tác. Thế là con kiến cần mẫn nhất định bỏ thời giờ rất lâu để leo được lên cành cao nhất của cây cam. Từ cây cam nó mới khám phá ra rằng cây thông trên đồi kia mới là mục đích theo đuổi của mình. Thế là nó bỏ hết quãng đời còn lại kiên trì từng bước leo lên cây thông để hoàn tất cho được kỳ vọng của mình. Con kiến nay đã già. Trên đường chậm rãi bò xuống để bàn giao nhiệm vụ, nó bắt gặp một đàn kiến trẻ đang hăng hái bắt đầu cuộc hành trình chinh phục chiều cao của cây thông như chính nó đã làm trong cả tuổi thanh xuân. Nó mỉm cười mãn nguyện.


Như những con kiến đã kiên trì hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, hàng năm cứ đến ngày kết thúc một năm học thì thành tích và kết quả học tập của các học sinh sẽ đánh dấu từng bước chinh phục đích điểm trong khi hoàn tất nhiệm vụ giảng dạy của các thầy cô trường GLVN. Trong đội ngũ giáo viên đó có một con kiến nay cũng đã già đang mỉm cười mãn nguyện khi cảm nghiệm được niềm vui “tre đã già và măng đang mọc”.


Bài được viết trong những tuần cuối của niên khóa 2021 - 2022 chuẩn bị làm Phiếu Điểm, dạy các cháu học sinh múa, hát, đọc thơ tiếng Việt để trình diễn trong ngày Lễ Bế Giảng kết thúc năm học.


Lê Phương Lan (Dâu K1)


bottom of page