top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
K1 PHẠM VĂN CÁC

Đời  mỗi người, sự tình cờ đã đưa đẩy đến một cơ hội nào đó không phải ít.   Mình muốn cũng không được. Tôi dự thi Sư phạm trượt vỏ chuối, nhận  phiếu báo danh của Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc Đà Lạt. Mẹ tôi và các  chị bàn ra, nghe nói nguyên tử ghê gớm lắm, có thi đậu rồi làm việc có  ngày nhiễm phóng sạ, nhiễm độc mà chết. Thế là bỏ không dự thi.


Cả nhà đồng ý cho tôi học  tiếp chờ dịp khác. Tôi đang học năm thứ hai Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt  thì chị tôi từ nhà lên đưa tôi phiếu báo danh thi vào Biên Tập Viên Cảnh  Sát mà trước đó tôi đã nộp đơn. Kỳ thi được tổ chức tại Trường Pétrus  Ký Saigon. Tôi đậu hạng thấp. Bắt đầu từ đó quen dần nếp sống kỷ luật,  tập luyện, ăn ngủ, đi đứng,… suốt một năm  1966 trong Học Viện CSQG,  Trại Lê văn Duyệt, Sài Gòn.


Tốt nghiệp từ trường mẹ  HVCSQG, tôi bốc thăm trúng Nha CSQG Miền Nam Cao Nguyên Trung Phần tức  Nha CSQG Vùng 2 sau này. Từ đó, suốt một đời Cảnh Sát, tôi lần lượt phục  vụ tại các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Bình  Định, Khánh Hòa, Sông Cầu,  TTHL/CSDC Đà Lạt, và sau cùng là Bình Định.


Nhiệm sở lâu nhất của tôi  là Ty CSQG Phú Yên từ tháng 9-1967 đến  tháng 10-1970, nhiệm vụ là Phó  Trưởng Ty cho nên có nhiều kỷ niệm khó  quên. Tuy vậy, nhiệm sở đầu tiên  khi phục vụ tại CSQG Ninh Thuận cũng có  không ít điều tôi vẫn còn nhớ  khá rõ.


Không biết tại các tỉnh  thành khác như thế nào, trong ngày Lễ Lao Động 1 tháng 5, hầu hết công  chức trong tỉnh Ninh Thuận thường ra bãi biển Thanh Hải mừng lễ, dựng  lều cắm trại. Mọi người ra đó nhào xuống  làn nước biển trong xanhtắm  mát, phơi nắng, rồi vào các lều ăn uống vui  vẻ chuyện trò. Dịp đó, tôi  cùng với K1 Nguyễn Văn Suốt (hiện còn sống ở  VN) cũng tháp tùng theo  chung vui với họ.


Từ Phan Rang đi ra biển,  chúng tôi phải đi ngang qua khu đá chồng kỳ  lạ, gồm nhiều tảng đá lớn  nhỏ, có tảng lớn bằng nửa căn nhà rộng 5, 6  mét. Ở giữa đồi đá có một  thanh đá thẳng khá lớn bề rộng cỡ 1 – 2 mét,  thanh đá này cao hơn những  khối đá xung quanh. Qua khỏi khu đá này, về  phía trái đi từ phía Phan  Rang về hướng biển là đường vào làng Ninh Chữ  Tri Thủy, quê hương của  Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Có lời đồn đãi rằng  khu này là “địa linh  nhân kiệt”.


Một kỷ niệm khác tôi còn  nhớ khi đảm trách Phó Quản Đốc Trung Tâm  Thanh Lọc, sau chuyển thành  Trung Tâm Thẩm Vấn, trụ sở tọa lạc tại xã Mỹ  Đức cách Phan Rang 6 km.  Trung Tâm được xây hình vuông chỉ có một cửa  ra vào, có bót gác trên  cao quan sát khắp bên trong và ngoài rào. Có một  trung đội võ trang do  cố vấn Hoa Kỳ tuyển và trả lương cùng với một số  nhân viên dân chính  không phải cảnh sát. Chỉ có Phó Quản Đốc và các thẩm  vấn viên là số ít  cảnh sát mà thôi.


Ban thẩm vấn vẫn trực  thuộc Ty cảnh sát. Trung Tâm Thanh Lọc nhận  các nghi can cơ sở cộng sản  trong chiến dịch hốt từ các vùng có VC kiểm  soát. Thời gian này, tôi  học hỏi và rút tỉa được nhiều kinh nghiệm từ những người “tiền bối”.  Cùng làm việc tại TTTL có bốn cựu Trưởng Chi  Cảnh Sát 4 quận của Ninh  Thuận là các quận Thanh Hải, Bửu Sơn, An Phước  và Du Long. Đặc biệt ông  Nguyễn Đức Bố, cựu Trưởng Chi Thanh Hải trình  với tôi, ông đã có SVL  đi nhận nhiệm vụ tại Tỉnh Đoàn Xây Dựng Nông Thôn  tỉnh Ninh Thuận.


Khi nghe ông Bố nói vậy,  tôi rất ngạc nhiên. Khi đến làm việc tại  Ninh Thuận, tôi có nghe kể  rằng, cách đây mấy năm, có một toán BTV (Khóa  14 Rạch Dừa) đi đến Ty  CSQG Ninh Thuận để quan sát thực nghiệm. Một  hôm, trên đường từ Chi  CSQG Quận Thanh Hải về lại thị xã Phan Rang thì  xe bị phục kích tại  khúc quanh khu Đá Chồng làm cho có một số thương  vong. Có dư luận nghi  ngờ rằng vụ phục kích này là giả vì người ta e sợ  rằng số BTV mới này  có thể ảnh hưởng đến họ trong tương lai. Tuy nhiên,  khi tôi hỏi ông Bố  về việc này, ông đã rất tự tin xác nhận với tôi rằng,  có dư luận như  vậy nhưng ông quả quyết việc này hoàn toàn là do VC thực  hiện.


Cũng trong thời gian này,  Trưởng Ty CSQG là ông Phạm Văn Sơn,  TSV/ĐB/TH, cho chúng tôi biết, ông  đã đệ trình đề cử BTV Nguyễn Văn Suốt  (cùng K1) làm Phó Ty CSĐB, và tôi  làm Phó Ty CSSP, đang chờ kết quả.  Nhưng kết quả đã không như ý.


Đến giữa tháng 8-1967,  chúng tôi nhận được Nghị Định bổ nhiệm của Bộ  Nội Vụ: K1 Nguyễn Văn  Suốt giữ Phó Trưởng Ty CSQG Ninh Thuận, còn tôi  đi Phó Trưởng Ty Phú  Yên. Vừa ra trường mẹ HVCSQG mới có 8 tháng, công  việc trong ngành đã  nắm hiểu được bao nhiêu, nên mừng thì có mừng nhưng  thấy trách nhiệm  trước mắt nặng nề quá.


Khi đến Ty Phú Yên, tôi  may mắn gặp lại bạn đồng khóa Võ Lâu đương  nhiệm Phó Ty CSSP tại đây.  Một nỗi vui trong lòng như “tha hương ngộ cố  tri”. Cùng làm việc có bạn  đồng khóa ở đây, tôi thật yên tâm. Từ đó, tôi  cố nỗ lực tìm hiểu công  việc từ khắp các Phòng, Ban, xem kỹ cách hành  văn các văn thư đến và đi  các loại. Anh bạn Võ Lâu còn dẫn tôi đi đến  Tòa Án để tìm hiểu các  công việc liên quan đến tòa án. Ông Trưởng Ty Lê  Đình Pháp thấy vậy tỏ  ra hài lòng với tác phong làm việc của tôi.


Chỉ 4 tháng sau khi chân  ướt chân ráo đến Ty Phú Yên, một biến cố  lịch sử là cuộc tổng tấn công  Tết Mậu Thân 1968 của cộng sản Bắc Việt đã diễn ra. Ban Hoạt Vụ do  Trưởng Ban Nguyễn Tâm, TSV/CN, hoạt động rất  hăng say với các màng lưới  tình báo, đầu mối xâm nhập, và cảm tình viên  đã có tin chính xác là VC  sẽ tấn công Tuy Hòa vào đêm giao thừa. Ông  Trưởng Ty lệnh cho Quyền  ĐĐT/CSDC Lê Văn Hiền cho 2 toán CSDC phục kích  tại hai con đường nghi  VC sẽ tấn công.


Mặc dù đang có lệnh hưu  chiến Tết, nhưng 11g30 đêm giao thừa, tôi  vẫn chạy xe vào Ty ra lệnh  cho 2 bót gác cổng Ty và cổng TT Thẩm Vấnkhông ai được nổ súng chào mừng  tết. Nhưng khi còn mấy phút đến giao  thừa, tôi nghe một loạt súng nổ  từ hướng lô cốt TT Thẩm Vấn rồi im. Tôi  vội chạy đến hỏi xem tên nhân  viên nào đã nổ súng bắt đem về Đội Phòng  Vệ tạm giữ, rồi chạy xe đến tư  thất ông Trưởng Ty trình sự việc.


Ông Trưởng Ty đến Ty chừng  10 phút sau thì được Trưởng Ban Hoạt Vụ  báo cáo vừa bị VC bắn trúng  chân trong khi lái xe đi kiểm soát các vị  trí phục kích của CSDC. Nghe  tin Ban Hoạt Vụ báo cáo như vậy, ông Trưởng Ty liền trình báo ngay Trung  Tá Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Bá. Thoạt đầu  ông tỉnh trưởng không tin VC  tấn công mà hỏi lại có phải phe ta bắn nhầm  hay không. Nhưng kế đó,  tiếng súng đã nổ nhiều nơi trong thị xã.


Sau nhiều ngày giao tranh ở  nhiều nơi trong thị xã, tỉnh Phú Yên và  cả nước đã vãn hồi được an  ninh trật tự, nhưng chúng ta cũng bị thiệt hại một phần đáng kể. Nhiều  bạn bè K1 của tôi ở nhiều nơi khác đã hy  sinh trong trận chiến Mậu Thân  khốc liệt này.


Riêng tại Phú Yên, phía  bắc là thị xã Qui Nhơn bị VC tấn công hư hại khá nhiều. Trưởng Ty ANQĐ,  Đại Úy Quyền bị bắt. Về phía Cảnh Sát, hai bạn K1 Phan Quang Nghiệp và  Lê Quang Phú đã can trường trong hãi hùng đối phó với VC bao vây nhưng  đẩy lui được chúng.


Tại Tuy Hòa, người dân  tưởng đã là yên, nào ngờ tối mùng 7 rạng ngày mùng 8 hạ nêu, VC đã phục  thù mở cuộc tấn công do một trung đoàn của  chúng tiến đánh hai mặt  nhưng vẫn thất bại trước lực lượng phòng thủ do  Trung Đoàn 47 của ta  bảo vệ cùng các lực lượng khác trong tỉnh trong đó  có Ty CSQG Phú Yên.  Đạn pháo của Đại Đội Pháo Binh từ đỉnh Tháp Nhạn nã  pháo tấp nập, đồng  thời trực thăng Hoa Kỳ liên tục phóng rocket xuống  hất tung xác VC văng  lên rơi xuống bùn đất ruộng. Có thể nói đây là lần  đầu tiên cảnh sát  Phú Yên – Tuy Hòa chứng kiến một trận đánh kinh hồn như trong phim chiến  tranh.


Trận này tôi thu được  chiếc dây nịt ‘centuron’ của VC do Trung Cộng  sản xuất có gắn ngôi sao  trắng ở đầu khóa nịt. Thấy người cố vấn Mỹ của đại đội CSDC rất thích,  tôi đã tặng ông ta làm kỷ niệm, ông ta đã tặng  lại tôi một khẩu AR15.


Sau khi thị xã dứt tiếng  súng, trong lúc tôi đang dẫn một toán cảnh sát đi lục soát các nơi thì  bỗng đâu một chiếc máy bay phản lực của Mỹ đã bay trở lại thả bom để  diệt những tàn quân VC đang tháo lui. Một quả bom đã lao xuống nổ cách  chỗ tôi chỉ hơn 10 thước, may mắn chúng tôi đã kịp nằm xuống thoát chết.  Sau đó, tôi lượm được một mảnh bom dài độ 8 x 3  cm bỏ vô bao thuốc lá  Salem để giữ làm kỷ niệm.


Kết quả trận đánh, xác VC  bị tử thương nhiều đến đỗi đem chất thành đống trên đường Trần Hưng Đạo  mãi mấy ngày sau mới đem chôn. Tên Thiếu  tá Chính Ủy VC tên Sáng bị bắn  gãy chân và bị bắt sống. Cảnh sát có nhiệm vụ canh giữ tên này đang  được sơ cứu tại Ty Y Tế Phú Yên. Tôi mặc  thường phục đến tiếp cận tên  này và hỏi:


- Ông  thấy dân miền Nam  (VNCH) đời sống như thế nào so với dân chúng miền  Bắc, chứ tôi thấy  những không ảnh chụp được thì nhà cửa, dân chúng ngoài  đó còn nghèo  lắm, phải không?


Ông ta đã trả lời như một cỗ máy tuyên truyền: “Giải phóng miền Nam xong rồi, chúng tôi sẽ xây dựng đẹp hơn nhiều.”


Ít lâu sau trận Mậu Thân,  Trung Tá Cao Văn Khanh, Giám Đốc Nha CSQG Khu II, đến Ty CSQG Phú Yên  khen ngợi và gắn huy chương Cảnh Sát Chiến  Công Bội Tinh cho những cảnh  sát hữu công, trong số đó tôi hân hạnh được  gắn huy chương đầu tiên.  Thật là vô cùng xúc động, chưa bao giờ tôi  nghĩ rằng ngành Cảnh Sát lại  có ban thưởng huy chương.


Tôi phục vụ ở BCH/CSQG Phú  Yên hơn 3 năm. Đó là thời gian tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tôi đã  được làm việc với nhiều bạn đồng khóa như các K1 BTV Võ Lâu, Ngô Đình  Anh, Nguyễn Kim Khôi, Nguyễn Ngọc Cẩn; rồi  tiếp đến các bạn K2-BTV Lê  Tấn Hợi, Phan Tuyết Hồng, Nguyễn Phước Bảy,  Trần Thu Huỳnh, Võ Tấn  Nhưỡng,… và nhiều bạn các khóa HV khác.


Sau Phú Yên, nhiệm sở kế  tiếp của tôi là Ty CSQG Bình Định từ tháng  10 năm 1970 đến 1971. Tôi  nhận nhiệm vụ Trưởng Phòng Cảnh Sát thay thế  BTV (K14-RD) Phùng T.  Thông đang bị điều tra. Công việc rất là bận rộn vì Bình Định có 9 Quận  đông dân hơn Phú Yên. Ngoài ra, Bình Định còn có  BCH của Sư Đoàn 22 BB  và Sư Đoàn Không Kỵ của Hoa Kỳ đóng quân ở quận An  Túc. Cũng vì vậy nên  Bình Định có nhiều quán bar nhất là trên đường Võ  Tánh và Gia Long. Cứ  chiều tối và ban đêm là xập xình tiếng nhạc sôi  động. Rất nhiều tệ nạn  xã hội đã xảy ra khiến cho Ban Tư Pháp phải làm  việc không ngừng nghỉ.


Trong thời gian tôi phục  vụ tại Bình Định, chương trình cấp phát thẻ  căn cước bọc nhựa loại mới  được bắt đầu trên toàn quốc. Ty CSQG Bình Định được tăng cường hai toán  căn cước từ Ban Mê Thuột và Pleiku đến để  làm việc, chẳng những tại  Đoàn Căn Cước Tỉnh mà còn phải thực hiện tại  vài BCH/CSQG Quận như An  Nhơn, Hoài Nhơn. Thẻ căn cước ghi lý lịch, nhận  dạng, lăn tay; còn hình  chụp cá nhân những cuộn phim không thể rửa in  kịp thời, cho nên khi  khi trình lên Trưởng Ty, hay Phó Ty ký chỉ có thẻ  chưa ép hình, vì thế  nếu trong thẻ ghi là sinh năm 1950 mà không có hình  kèm theo thì làm  sao biết sự thật. Tất cả thẻ và phim chụp đều chuyển  gởi về BTL Sở Căn  Cước, khi Sở Căn Cước hoàn tất việc dán hình ép nhựa  xong mới chuyển về  BCH Tỉnh để phát lại cho người dân. Có lẽ vì số thẻ  quá nhiều nên ông  Trưởng Ty đã tăng cường thêm tôi là Trưởng Phòng Cảnh  Sát ký tên lên  thẻ. Vì công việc quá nhiều, nhiều hơn gấp bội khi tôi  làm ở Phú Yên,  nên nhiều khi tôi phải mang về nhà hoặc ở lại Ty đến 9 –  10 giờ đêm để  ký.


Tôi làm việc ở BCH/CSQG  Bình Định được mấy tháng thì có Trung tá Trần Thái Hân, quân đội biệt  phái, đến nhận chức CHT/CSQG Bình Định. Tôi  tiếp tục làm việc với Tân  CHT được vài tháng thì được lệnh chuyển về  BCH/CSQG Quận Sông Cầu.


Tại nhiệm sở mới Sông Cầu,  có một sự việc khá đặc biệt mà tôi không thể nào quên. Khoảng giữa năm  1972, Trung Tướng Ngô Dzu, Tư Lệnh Quân  Đoàn II, cùng với ông Cố vấn  Paul Vann và một vị Đại Tá đặc trách lãnh  thổ đến thị xã Sông Cầu cắt  băng khánh thành nhà máy phát điện Sông Cầu  vừa hoàn thành. Trong bữa  tiệc mừng, tôi trình bày báo cáo với ông Quận  Trưởng. Ông Thiếu Tá Quận  Trưởng tên Lý đã trình bày với Trung Tướng Tư  Lệnh xin can thiệp với  BTL/CSQG ở Sài Gòn cho tôi được tiếp tục phục vụ  tại Sông Cầu. Tướng  Ngô Dzu nhìn tôi rồi nói:


- Tôi không biết khi làm việc ở Qui Nhơn, anh đã làm việc như thế nào, nhưng tôi thấy ở đây anh làm việc rất tốt.


Nói rồi, ông quay sang Trung Tá Nguyễn Văn Tố, Tỉnh Trưởng Phú Yên, nói:


-Anh Tố, anh cho làm văn thư nói, thừa lệnh tôi, đề nghị cho Đại Úy Các tiếp tục làm việc tại Sông Cầu.

Nghe vậy, tôi thấy yên  tâm. Nhưng khoảng một tháng sau, bỗng nghe tin ông Cố vấn Paul Vann bị  tử nạn máy bay trực thăng trên bầu trời  Kontum khi đang đi thị sát. Dạo  đó, nghe nói có nghi vấn về cái chết này  (?). Còn việc Trung tá Tố có  làm văn thư can thiệp cho tôi như Tướng  Ngô Dzu nói hay không thì tôi  cũng không biết. Chỉ biết là đến tháng 12  năm 1972, tôi nhận SVL thuyên  chuyển về TTHL Cảnh Sát Dã Chiến Đà Lạt.


Tại TTHL/CSDC Đà Lạt tôi  được cử làm Phụ Tá Chủ Sự Phòng Huấn Luyện  kiêm Sĩ Quan Kiểm Huấn.  Ngoài công việc văn phòng, tôi còn đảm trách  việc thuyết trình về “Kỹ  năng giảng huấn” cho các khóa sinh từ trong hội  trường đến ngoài bãi  tập. Sau một thời gian, tôi được Trung Tá Nguyễn  Quang Cảm, Giám Đốc  TTHL/CSDC/ĐL đề cử giữ chức Chủ Sự Phòng Tâm Lý  Chiến. Tôi phục vụ đến  cuối năm 1973 thì xin thuyên chuyển về lại  BCH/CSQG Bình Định, để được  gần gia đình.


Đời Cảnh Sát của tôi thăng  trầm, vui buồn lẫn lộn. Tôi luôn tự nhủ  phải phục vụ đúng đắn nhiệm vụ  của một sĩ quan CSQG có trách nhiệm. Tôi luôn luôn là người trực tiếp  trong công tác. Có lần trong một cuộc hành quân cảnh sát, một thanh niên  bỏ chạy từ ngôi nhà cảnh sát đang kiểm soát. Anh ta chạy vụt ra bờ  biển, tôi chạy đuổi theo hô đứng lại nhưng hắn vẫn chạy. Tôi rút súng  cầm trong tay định bắn chỉ thiên, nhưng không bắn. Đến khi đuổi kịp anh  ta, mệt bở hơi, quá giận nhưng tôi kịp kềm chế. Chạy trên bãi cát bờ  biển Qui Nhơn chân mang giày, cát vô rất khó chịu…


Suốt trong thời gian phục  vụ trong ngành Cảnh Sát, tôi luôn luôn làm  việc đúng với phương châm  “Công – Minh – Liêm – Chính” mà tôi đã được giảng dạy từ trong Học Viện  CSQG. Bài viết này chỉ nhằm để ghi lại một vài kỷ niệm của tôi trong 9  năm ngắn ngủi của cuộc đời Cảnh nghiệp.


Phạm Văn Các (K1)

(Arkansas – 10/2019)


bottom of page