DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
LÂM CÔNG TỬ
Ông Trịnh Công Sơn có một ca khúc rất hay: "Rừng xưa đã khép". Tưởng chỉ hát cho vui, hơn 50 năm sau lời ca đã vận vào… Hà Nội khi bà Khánh Ly bị Nhà hát lớn cắt điện thì khu rừng xưa chính thức khép lại, chỉ khép lại chứ không phải đóng. Khép là còn lấp ló chút ánh sáng trong tối tăm, còn thoang thoảng mùi hương của rừng núi, và có lẽ còn âm thanh của tiếng rừng, tiếng côn trùng pha tạp với tiếng gầm rống giận dữ của thú rừng.
Khi người ta nổi tiếng vì tiếng hát thì càng lúc càng lo sợ khán thính giả sẽ quên mình đi. Đó là sự thật, là hiển nhiên và không có gì phải xấu hổ. Bà Khánh Ly lại càng lo hơn so với các ca sĩ cùng thời khác, bởi bà là một hiện tượng, là da thịt của ông Trịnh Công Sơn, là hình ảnh của lịch sử. Lịch sử luôn luôn có hai mặt bà và ông Trịnh được nhắc đến cũng hai mặt, một mặt là phản chiến và một mặt khác là phản bội.
Trịnh và Khánh Ly đã và đang được lịch sử in khắc trong từng trang giấy của nó. Trong khi Trịnh Công Sơn âm thầm lấn chiếm lề đường bằng những bảng tên thì Khánh Ly bị chính quyền xua đuổi, quấy phá. Trong khi những trang nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ đời sau thoải mái lên sân khấu lắc lư thì người nữ của những ca khúc ấy bị cái thành phố văn hóa nhất Việt Nam làm cho ê ẩm bằng một hành vi mất văn hóa. Mà cũng kệ, văn hóa đối với chính quyền khác gì công lý, văn hóa dù sao cũng chỉ là một mỹ từ dùng che mặt trong cách hành xử côn đồ.
Thù ghét Khánh Ly cỡ nào cũng không nên… cúp điện, bởi khi đưa tay vào chiếc cầu dao là lúc phải chuẩn bị cho dòng điện giật vào cơ thể chính mình. Việt Nam có điều lạ hơn thế giới ở chỗ tùy theo vị trí, tiếng tăm, mà dòng điện lên cao hay xuống thấp. Ở nhà quê, điện 220 volt làm cho cá dưới ao, chuột ngoài đồng giẫy chết nhưng ở thủ đô thì điện không giật cho con người chết hẳn mà nó chỉ làm cho nạn nhân tưng tưng như người say, như người bệnh tâm thần, như thằng nghiện thiếu thuốc. Dòng điện ở Nhà hát lớn lại càng tỏ ra nguy hiểm hơn.
Và nó "giật" thiệt, giật bà Khánh Ly một phát để đời. Hay một chỗ, là điện bị cắt nhưng lại "gây giật" được cả một nhóm người. Về tên tuổi thì bà Khánh Ly đau khổ. Về tiền bạc thì cả một ê kíp tổ chức đêm biểu diễn của bà mất trắng tiền tươi thóc thật (hơn 1 tỷ rưởi VN đồng). Hơn 90 con người lặn lội mời mọc rủ rê cho tới lên chương trình, mua sắm đủ thứ, tới việc ký hợp đồng, thuê chuyên viên các loại để giờ đây cái Nhà hát có lịch sử hàng trăm năm nói cắt điện để sửa chữa thì làm sao mà không tức được?
Vào thử Wiki tìm hiểu cái Nhà hát này nó "lớn" đến mức nào thì thấy có mô tả như sau: Bắt đầu động thổ vào năm 1901 và sau khi hoàn thành, Nhà Hát Lớn giữ vai trò một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật. Nhà Hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch. Không chỉ vậy, nhà hát còn là một địa điểm mang đậm những dấu ấn lịch sử, từng là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam cũng như danh sách chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do ông Hồ Chí Minh đứng đầu)…
Hà Nội vẫn thường tự hào là người Tràng An và hai câu "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" luôn được người Hà Nội vận dụng trong lúc hào hứng nói về mình. Dẫu gì cũng là Nhà hát lớn Hà Nội sao lại hành xử như một gánh hát miền quê khi không thích thì lại chơi trò đóng cửa đánh bài… tứ sắc?
Thông báo cắt điện đột ngột để "kiểm tra, xử lý thiết bị điện… có đóng mộc của Nhà hát Lớn Hà Nội
Bà Khánh Ly không phải mới lần đầu về Việt Nam biểu diễn, những lần trước đã có kinh nghiệm rồi nhưng chưa "rút hết kinh nghiệm" nên mới bị bể show lần này.
Buổi biểu diễn có tên "Nhớ mùa thu Hà Nội" được lên kế hoạch cho tối ngày 24/9 do bà Khánh Ly cùng với các ca sĩ khách mời như: Phương Hồng Ngọc, Cẩm Vân, Khắc Triệu, Quang Thành và Đức Tuấn. Chỉ trước một ngày, Nhà hát lớn Hà Nội gửi một công văn đề ngày 23/9 cho Công ty Cổ phần Quảng cáo Truyền thông S, là đơn vị tổ chức, để thông báo lý do mà show của bà Khánh Ly không thể diễn ra tại nhà hát vì sẽ cắt điện "để kiểm tra, xử lý thiết bị điện cao thế".
Nhắc mới nhớ, ông Trịnh Công Sơn xứng đáng là một tiên tri khi viết bài này. Ông viết: Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn, cỏ khô / Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa / Rừng thu lá úa em vẫn chưa về / Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ…
Đúng như in rồi còn gì: Này nhé, đêm nhạc có tên "Nhớ mùa thu Hà Nội" trong lúc "Rừng thu lá úa" và điện đã cắt nên rừng cũng khép và em đúng bơ vơ… thì y bon rồi còn gì… Đã vậy ông Trịnh còn vuốt một câu hết sức tha thiết:
"Rừng xưa đã khép, rừng xưa đã khép, em hãy ra đi
Rừng xưa đã khép, rừng xưa đã khép
Em hãy ra đi"
Dĩ nhiên bà Khánh Ly rồi sẽ ra đi, về nơi xa lắm… Hoa Kỳ… và dĩ nhiên Nhà hát lớn Hà Nội vẫn lớn như hồi nào giờ, không vì cắt điện mà nó sẽ... nhỏ lại. Nhưng khoan đã, lớn mà chơi dơ, rất dơ! Thủ đô có còn hãnh diện là nơi "thanh lịch Tràng An" nữa hay không nhỉ? KeMeNo.
Lâm Công Tử
Nguồn: saigonnhonews.com