top of page
Banner edge
DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Có  cuốn mới tinh, có cuốn rách bìa, đa số thì ố vàng và đã nhạt màu mực.  Mỗi cuốn sách một số phận, trôi nổi qua biết bao biến cố, bỗng một hôm  trở về với người sưu tầm, người đọc như những báu vật của thời gian… Gọi  đó là “sách Sài Gòn trước Bảy Lăm.”


Trên đường sách Sài Gòn  giữa Quận Một ngày nay, có mấy kiosk bán sách cũ Sài Gòn xuất bản trước  1975. Ngoài sách, các ấn phẩm của thời kỳ này như báo chí, bản đồ,  postcard và tờ nhạc cũng xuất hiện trở lại một cách công khai.


Quán  Sách Mùa Thu là nơi có hàng ngàn đầu sách đầy bất ngờ tụ về từ những  thư viện gia đình khóa kín gần nửa thế kỷ. Nếu các ông Duyên Anh, Phạm  Công Thiện mà sống lại, dạo bước qua mấy chỗ này hẳn sẽ bất ngờ vì tác  phẩm của mình còn được đám hậu duệ sưu tầm đủ. Các sách văn học, triết  học, chính trị… đình đám của một thời kỳ xuất bản tự do đã trở lại với  độc giả hôm nay, bằng chính nguyên bản như mới, được người bán trau chuốt giữ gìn, đóng bìa, may lại gáy. Màu giấy vàng, lối làm bìa sách thanh nhã của một thời… khoác lên những giá sách quý một màu thời gian sâu thẳm.


Trong một cuộc triển lãm  sách cũ do các bạn sưu tập tổ chức, tôi đã gặp một độc giả năm xưa đứng  khóc ròng như trẻ thơ khi cầm trên tay cuốn sách “Quốc Sử” của Lớp Nhất,  vì cuốn sách gợi nhớ đến một người bạn chung lớp đã bỏ xác trên biển  hồi sau 1975.


Sách chạm vào ký ức của từng người theo một cách thế riêng, âm thầm.  Tôi cũng từng dẫn những bạn bè lớn tuổi đến đây sau nhiều năm xa nước,  họ mân mê những bản sách cũ đã trôi dạt qua những biến cố lịch sử như  chính cuộc đời họ, mà quên cả thời gian trở về với thực tại.


Gặp lại sách là gặp lại  những người bạn thân thiết đã trải qua biết bao thăng trầm dâu bể. Những  cuốn sách cũ khơi gợi lại kỷ niệm và gợi nhắc những ký ức đẹp đẽ hay  đau buồn. Những quyển sách cũ lặng lẽ nối chuyện thời cuộc và ký ức cá  nhân đã trở nên là một.


Vào khoảng thời gian sau  1975, nhiều người kể lại rằng, nhiều tủ sách, kho sách Sài Gòn đã bị đẩy  ra vỉa hè để đốt. Một kiến trúc sư nói với tôi trong nước mắt rằng, cha anh đã phát điên bởi vì thương sách.  Ông ta nhìn cái cảnh những cuốn sách mình nâng niu trân quý trở thành  mồi cho ngọn lửa trong suốt vài ngày trời mới hết, và nghĩ mình chỉ còn  một con đường hoặc ra đi hoặc tự sát.


Nhưng ở vào thời kỳ đó,  đâu chỉ ba của bạn tôi, nhiều người đã phải lựa chọn. Họ phải chôn xuống  đất những gì chế độ mới coi là “tàn dư” để bảo toàn mạng sống và tránh  những liên lụy cho người thân. Sau cùng người ta đã chọn những cách thế  tồn tại trong một hoàn cảnh đầy ngặt nghèo và khốc liệt. Người nâng niu  sách như những hiện thân của giá trị văn hóa, của đời sống thanh tao làm  sao không đau đớn phát điên cho được khi phải lựa chọn thiệu sách để tự  cứu lấy mình.


Ấy vậy mà bằng những  phương cách nào đó thật lạ lùng, những cuốn sách cũ của một thời đã lách  qua những cơn bão lửa của thời cuộc để neo giữ một tinh thần, tái hiện  một vàng son. Những pho sách qua thời gian đã làm toát lên một phong vị  văn hóa khó lẫn, một sự quyến rũ như người giàu có trải nghiệm đang kể  câu chuyện cuộc đời mình, đầy mê hoặc.


Đã có lúc, đâu chừng mươi  mười năm trước, dân sưu tầm những sách “trước Bảy Lăm” còn rón rén rụt  rè. Tôi còn nhớ thời đó, một tập thơ của Thanh Tâm Tuyền còn được đem ra  đấu giá trong giới chơi sách, trong tình trạng lén lút vì sợ bị an ninh  theo dõi tịch thu. Sau đó, một tờ báo đã bị nhắc nhở vì đăng bản tin  bán đấu giá sách có nhắc đến tên một nhà thơ Sài Gòn cũ. Nhưng nhu cầu  quy hồi những giá trị thuộc về văn hóa một thời đã dẫn dắt thị trường  sách cũ theo một chiều hướng lạ lùng. Nó buộc những gọng kìm bấy lâu khóa chặt phải mở ra để văn hóa được liền lạc.

Về Sài Gòn bây giờ đi tìm sách cũ, sẽ không lạ gì chuyện các nhà sưu tầm, giới chơi sách cho đến buôn bán sách cũ đa phần là trẻ.  Nhiều người sinh ra sau 1975, nhưng họ có một thao thức, bằng cách này  cách khác, làm cho những di sản của một thời kỳ xuất bản được xuất hiện  lại một cách tự nhiên, công khai, không rón rén. Họ nói về lịch sử  xuất bản, tiểu sử các tác giả… một cách thông thạo như thể những người  đã đắm mình trong sinh khí văn hóa một thời Sài Gòn.


Cùng với các nhà sách  offline, các diễn đàn sách xưa trên mạng cũng nhộn nhịp. Thông tin về  từng đầu sách được giới thiệu trở lại một cách chi tiết. Như vậy, những  ai chuyên tìm kiếm sách cũ có thể hình dung đến một không gian riêng mà  đám an ninh không muốn dây vào cấm đoán nhưng cũng không công khai thừa  nhận. Từ nguồn sách này, sẽ phát lộ nhiều chất liệu quý để thấy rõ những  giá trị tinh hoa của trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn thời kỳ đã qua.  Chúng như những chứng tích này sẽ giúp người đọc hôm nay có một cái nhìn  thấu suốt, khách quan về một giai đoạn văn hóa.


Nhiều cuốn sách cũ đã được  giới xuất bản tìm cách tái bản. Trường hợp tác phẩm của các nhà văn  Nguyễn Thị Thụy Vũ, Bà Tùng Long, Du Tử Lê, Võ Phiến, Lê Tất Điều hay  Dương Nghiễm Mậu…được giới làm xuất bản sinh sau đẻ muộn tìm kiếm ấn bản  gốc từ những kho sách cũ như vậy để nhập liệu, làm văn bản và tìm cách  tái bản. Dù việc này cũng chưa thật sự suôn sẻ trong bối cảnh kiểm duyệt  xuất bản, nhưng những nỗ lực khai thông các trở lực để đặt một gạch nối  hôm nay với hôm qua trong văn hóa Sài Gòn, ở giai đoạn này, đáng được  nhìn với ánh mắt hoan hỉ hơn xét nét nghiệt ngã bởi những định kiến.


Quá khứ không còn biến  thành những thêu dệt huyền hoặc, những cuốn sách cũ nói với hôm nay về  thực tại của văn hóa hôm qua một cách chi tiết. Cho dù, chúng trở thành  những báu vật (và được định giá rất cao so với sách mới xuất bản) nhưng  những người cần vẫn không ngại ngần để đón về một di chỉ của ký ức.


Đi qua thời gian và những  thăng trầm, những cuốn sách cũ “Sài Gòn trước Bảy Lăm” đang quay trở lại  trong đời sống hôm nay thật lộng lẫy, huy hoàng, điều mà có lẽ nhiều  người viết ra chúng, người ấn hành chúng, người bảo vệ chúng trong những  kho tàng ẩn mật khó hình dung được.


Nói mỗi cuốn sách có  một số phận, là đúng. Như người Sài Gòn, mỗi người một cách thế phiêu  dạt cùng thành phố, cùng thời cuộc. Tiếng nói, ngôn từ của người một  thời đã được ghi trên giấy, kinh qua những biến cố, đã không hư nát và  chìm vào thăm thẳm thời gian, mà còn vang vọng, bằng cách này, cách  khác. Dù trong lặng lẽ, thì vẫn là những chứng tích của một khoảnh khắc  bừng sáng trong thời gian.


Đó chẳng phải là điều đáng để vui, dù là vui trong nước mắt?!


Nguyễn Vĩnh Nguyên


bottom of page