DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
PHẠM THANH GIÁO
“YOU ARE FREE – GO HOME”… Đó là câu nói mà những người Do Thái may mắn còn sống sót sau cuộc tàn sát của Hitler và Đức Quốc Xã ở trại tập trung tiêu diệt người Do Thái mang tên Auschwitz, được nghe từ những người lính Mỹ và đồng minh đến giải thoát họ “Bạn được tự do rồi. Về nhà đi.”
Sau khi các cánh cổng trại giam được quân đội đồng minh tháo mở, những tù nhân Do Thái còn lại chút sức lực, chỉ biết ngơ ngác, chưng hửng, lết những bước chân nặng nhọc đi quanh trại giam một cách vô chủ đích, với những ánh mắt lạc thần nhìn vào khoảng không gian vô định.
Tự Do Rồi. Về Nhà Đi. Nhưng nhà ở đâu?
Có đến 99% người Do Thái sau khi được “giải phóng” từ những trại tập trung, đã trở về nơi họ cư trú trước đó, chỉ để thấy được một điều, tài sản của họ đã bị người khác cưỡng chiếm, không còn nữa. Không chỉ vậy, ngay cả sau khi cuộc tận diệt đã xong, người Do Thái trở về cũng vẫn bị tẩy chay, vẫn bị bài trừ và vẫn bị xua đuổi ở chính những nơi mà họ đã một đời sinh sống bằng chính những người đã một thời là hàng xóm của họ và ở tất cả các quốc gia Âu Châu như Ba Lan, Áo, Ý chứ không chỉ riêng gì ở Đức.
Cuối cùng thì sau khi được trả lại tự do, đại đa số những người Do Thái sống sót này, lại được đưa vào những trại tập trung khác mang tên “Trại Dành Cho Những Người Bị Di Dời Quê Quán – Displaced Persons’ Camps” được quân đội đồng minh mở ra ở những quốc gia Tây Âu, ngay cả ở chính cái trại tập trung mà Hitler đã nhốt họ trước đó. Thảm não không?
Mãi đến ngày 11 tháng 7 năm 1947 thì chuyến tàu đầu tiên mang tên Exodus đã đưa 4,500 người Do Thái về vùng đất mà ngày nay gọi là Israel, họ được cấp giấy phép… “chủ quyền và chiếm đóng hợp pháp”, đất của người Palestine.
Tôi thường ráp nối lịch sử để tìm hiểu thêm về hiện trạng đang diễn ra trên thế giới và thấy ngay cái liên quan của người Việt mình hiện nay. Sau 1975, người Việt đã có mặt hầu như ở khắp nơi, từ Âu sang Á, từ Mỹ qua Úc và có luôn ở một vài quốc gia bên Phi Châu. Người Việt đi tạm cư ở khắp nơi qua nhiều dạng với nhiều hoàn cảnh, nhưng chỗ nào cũng có một cộng đồng của người Việt tụ tập lại để cùng sinh hoạt. Và một điều không thể thiếu đó là… Ở đâu có cộng đồng Việt, ở đó có nghĩa trang người Việt, cô đơn, lạnh lẽo và hoang vắng.
Có những cộng đồng nhỏ chỉ độ vài chục hoặc vài trăm người Việt như ở Dakar thuộc Senegal ở Phi Châu hoặc Luang Prabang, một cái làng nhỏ thuộc Lào ở Á Châu, cho đến những cộng đồng khổng lồ vài trăm ngàn người như ở Quận Cam California hoặc ở Bellaire Texas để đôi khi, tôi nghe vọng lại cái câu nói: “You are free. Go home” đó trong đầu.
Khi nào thì tôi sẽ được nghe câu “Bạn Được Tự Do Rồi – Về Nhà Đi?” Sau đó thì… tôi sẽ về nhà nào, ở đâu?
Không ít người Việt sống nơi xứ người như tôi, đã nhận nơi này là quê hương thứ 2 của họ. Tôi thì không, bởi tánh tôi kỳ quặc, rắc rối và khó hiểu, ngay cả với chính bản thân mình. Bởi nếu Mỹ … đã là quê hương của người Việt, thì tại sao lại có những “thủ đô tỵ nạn của người Việt trên đất Mỹ”? Người Mỹ chỉ có xua quân đi “khám phá ra thế giới mới của Thổ Dân Da Đỏ” chứ làm gì có chuyện mất nước để phải xin tỵ nạn?
Nhiều năm trước đây, tôi cũng đã cố gắng nhận nơi này là quê hương, thế nhưng càng sống ở đây lâu, tôi lại càng hiểu rõ ra là … ít ra là đối với cá nhân tôi, điều đó không bao giờ thành sự thật. It’s just a matter of time – Đến một lúc nào đó… mà thôi.
Sau hơn 40 năm sống ở đất nước này, giữ trọn bổn phận của một người công dân, đóng thuế đầy đủ cũng như đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, cộng đồng người Việt cũng như cộng đồng người Mỹ, và với cuộc sống tạm gọi là thành công về mọi mặt, thế nhưng, tôi vẫn chưa tìm ra được Đồng Bào trên Quê Hương này.
Người Mỹ Da Trắng không coi tôi là đồng bào của họ. Chính quyền Mỹ không coi tôi là “Người Dân” của họ, vì trong hầu hết các thứ giấy tờ liên quan đến “đất nước này”, vợ chồng chúng tôi và con cái chúng tôi vẫn phải chọn đánh dấu vào cái “gốc gác” của mình là “Dân Gốc Châu Á”. Người ta gọi chúng tôi là “Người Mỹ Gốc Á hoặc rõ ràng hơn nữa thì Người Mỹ Gốc Việt – Asian Americans or Vietnamese Americans”.
Chỉ có người Mỹ Da Trắng mới là đồng bào với nhau trên đất nước này, làm gì có chỗ để tôi chen chân vào. Những thứ đó, nó vạch ra cho tôi thấy một điều rất rõ ràng, đó là, một ngày nào đó, có thể chúng tôi hoặc con cái chúng tôi, cũng sẽ được nghe cái câu: “You are free – Go home”.
Cũng đã gần 47 năm rồi còn gì?
Hơn chục năm nay tôi đã khổ công ra tìm NHÀ cho mình để VỀ. Tôi không tìm thấy NHÀ ở Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, mặc dù người ta chấm điểm cho 2 quốc gia này rất đáng … để dọn nhà sang đó ở, dễ mà, vì chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đô đầu tư để mua cái quốc tịch. Tôi cũng không tìm thấy NHÀ ở Thái Lan hay Mã Lai, cũng không thể thấy NHÀ ở Nam Hàn hay Đài Loan, mặc dù cũng chỉ phải chi ra độ 2 trăm ngàn để mua căn nhà và xin cái visa nghỉ hưu dài hạn là được. Nhất là ở những quốc gia Á châu này, không như ở các quốc gia của người Da Trắng, khi ra đường, chẳng ai có thể đoán ra được là chúng tôi… đến từ đâu và chắc chắn cũng chẳng có ai hỏi “Where are you from (originally)?”
Căn nhà cũ với cái ao to như cái hồ bơi quốc tế trên mảnh đất khổng lồ của chúng tôi trước năm 1975 nằm trên đường Hiệp Nhất thuộc quận Tân Bình đã không còn nữa từ lâu rồi. Hiện nay nó là một cơ sở kinh doanh thuộc “hạng khủng và to đùng”, cao cả chục tầng và có lẽ giá phải đến trăm tỷ tiền Hồ.
I AM FREE but NO HOME TO GO BACK TO … TÔI ĐANG CHỜ ĐẾN MỘT NGÀY TỰ DO THỰC SỰ, NGÀY VĨNH VIỄN RA ĐI.
Giao Thanh Phạm