top of page
Banner edge
DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

NHƯ NGÃ

Nói  về Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tác giả của những ca khúc nổi tiếng   được nhiều người ái mộ luôn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng về   những hoạt động và thái độ chính trị của ông lúc ông còn sinh thời.


Theo nhiều nguồn trên mạng, Trịnh Công Sơn (TCS) là nghệ danh và cũng   là tên thật, sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 tại làng Minh Hương, tổng  Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, cũng có nguồn  tin nói, TCS sinh tại xã Lạc Giao, Ban Mê Thuột, trên cao nguyên Đắc  Lắc, nhưng sau mới về sống và đi học ở Hương Trà, Huế. Tại đây, TCS theo  học chương trình trung học Pháp và thi đỗ Tú Tài I Pháp. Năm 1962, TCS   thi đậu vào Trường Sư Phạm Quy Nhơn; sau đó tốt nghiệp năm 1964, được  bổ  nhiệm làm giáo viên tiểu học tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đến năm 1967,  sau  khi có lệnh gọi nhập ngũ, TCS đã bỏ nhiệm sở trốn về Sàigòn và kể  từ đó  sống như một kẻ trốn quân dịch dưới sự che chở của một vài sĩ  quan cao  cấp trong QLVNCH vì yêu văn nghệ và ái mộ TCS đã bao che cho  ông (?)


Ngày  30-4-1975, ngay sau khi Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chỉ vài  giờ sau, TCS đã ôm đàn guitar đến Đài Phát Thanh Sàigòn cùng vài người  bạn sinh viên nằm vùng hát bài ca “Nối Vòng Tay Lớn” của chính TCS sáng  tác để lấy lòng những người vừa chiến thắng giống như những tên  “cách  mạng ba mươi” lợi dụng thời cơ lập công lấy điểm. Tuy nhiên, mặc  dù  vậy, TCS sau đó vẫn bị chế độ mới không tin dùng; phải đợi nhiều năm   sau, nghe đâu nhờ Võ Văn Kiệt và nhà văn VC Nguyễn Quang Sáng vì mến mộ   tài năng đã bảo lãnh nên TCS mới được trở lại những sinh hoạt ca nhạc   rồi kể từ đó TCS mới được nhiều ưu đãi từ chế độ. Mặc dù được ưu đãi  như  vậy, nhưng TCS cũng chẳng thọ được lâu, ngày 01 tháng 4 năm 2001,  TCS  đã từ trần ở Sàigòn vì bệnh ung thư, hưởng thọ 62 tuổi.


Nói về Trịnh Công Sơn, từ  lâu, vẫn có nhiều nguồn dư luận phê phán. Có người chỉ coi TCS như một  người nhạc sĩ tài ba mà không để ý gì đến những tranh cãi chính trị liên  quan đến ông. Có người lại cho TCS là một  tình báo viên hoạt động cho  cả hai phe Quốc Cộng, nhờ vậy ông mới dễ  dàng trốn quân dịch dưới thời  Việt Nam Cộng Hòa và sống thoải mái dưới  chế độ xã hội chủ nghĩa sau  này. Tuy nhiên, cũng có dư luận cho rằng,  TCS chẳng phải là quốc gia mà  cũng chẳng phải cộng sản, ông chỉ là một  kẻ cơ hội đón gió trở cờ, gió  chiều nào ngả theo chiều đó, không hơn  không kém. Vậy con người thật  của Trịnh Công Sơn là gì?


Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ


Nói Trịnh Công Sơn là một  nhạc sĩ, điều này có lẽ cũng dư thừa bởi vì  ai cũng biết Trịnh Công Sơn  là tác giả của hàng chục ca khúc nói về  tình yêu và thân phận con  người trong đời thường cùng những phản kháng  với chiến tranh. TCS bắt  đầu sáng tác từ rất sớm, nhạc phẩm “Sương Đêm  và Sao Chiều” là tác phẩm  đầu tiên TCS viết khi mới 17 tuổi nhưng không  được phổ biến nên ít ai  biết đến. Người ta chỉ biết bài hát “Ướt Mi”  được cho là nhạc phẩm đầu  tay của TCS từng được ca sĩ Thanh Thúy hát lần  đầu tiên vào năm 1959,  nhưng vào thời gian đó, tên tuổi TCS vẫn còn  hoàn toàn xa lạ với công  chúng. Sau đó, trong thời gian theo học tại  Trường Sư Phạm Quy Nhơn,  TCS đã sáng tác thêm khá nhiều ca khúc mà sau  này rất nổi tiếng;

tuy  nhiên vào lúc đó, khoảng 1962-1964, chúng chưa được phổ biến ngoài một  số bạn bè quen thuộc. Những bài như “Diễm Xưa”, “Nhìn Những Mùa Thu Đi”,  “Nắng Thủy Tinh”, “Vết Lăn Trầm”, “Lời Buồn Thánh”, v.v… đã được TCS   sáng tác trong thời gian này. Ngoài ra, trong thời gian dạy học ở Bảo  Lộc, Lâm Đồng, TCS cũng đã sáng tác thêm khá nhiều ca khúc nhưng để được  phổ biến phát hành, TCS đã phải dựa vào uy tín của nhạc sĩ Duy Khánh  như bản “Chiều Một Mình Qua Phố” để được xuất bản. Cũng trong thời gian này, nhờ những lần đi về Sài Gòn để chào bán những sáng tác của mình, TCS đã có nhiều thay đổi trong khuynh hướng sáng tác. “Ca Khúc Da Vàng” chính là tập ca khúc TCS đã sáng tác trong thời gian này.


Vào giữa thập niên 1960, phong trào sinh viên tranh đấu hoạt động rất  mạnh ở Sài Gòn. Lúc đầu, phong trào chỉ nhắm vào việc chống độc tài,  đòi tự do dân chủ và quyền tự trị đại học qua những cuộc biểu tình xuống  đường, hoặc những buổi sinh hoạt du ca hay “đêm không ngủ”; nhưng dần  dần phong trào đã bị một số phần tử thiên tả (VC) len lỏi xâm nhập hướng  sự tranh đấu của sinh viên đi theo một chiều hướng mang màu sắc phản  chiến, phản đối sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Tập “Ca Khúc Da Vàng”  của TCS đã ra đời qua những đêm trình diễn ngoài trời với Khánh Ly ở  Quán Văn trên nền của trường Đại Học Văn Khoa đang bị phá bỏ để chuẩn bị  xây tòa nhà Thư Viện Quốc Gia mới trên đường Gia Long, Saigon. Những  buổi trình diễn này đã nhanh chóng được giới trẻ hoan nghênh nhiệt liệt  và “Ca Khúc Da Vàng” bỗng chốc nổi tiếng và tên tuổi Trịnh Công Sơn cùng  Khánh Ly đã trở thành một cặp bài trùng được đặc biệt chú ý. Nhờ vậy,  cả hai bỗng nổi tiếng như cồn; những nhạc phẩm của TCS tự nhiên trở nên  ăn khách và Khánh Ly từ một ca sĩ vô danh từ Đà Lạt về Sài Gòn cũng trở  nên nổi tiếng và chính thức bước vào làng ca sĩ Sài Gòn.


Nhờ những buổi trình diễn kiểu “du ca” như vậy mà “Ca Khúc Da Vàng”  của Trịnh Công Sơn đã nổi tiếng lấn át cả những bản tình ca cũng của  TCS. Nó nổi tiếng đến nỗi Cục Tâm Lý Chiến VNCH đã phải ra lệnh cấm phổ  biến, trình diễn “Ca Khúc Da Vàng” vì e sợ nội dung phản chiến của nó có  thể ảnh hưởng tới tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Chính sự cấm đoán  này đã là cơ hội cho những ca khúc viết về tình yêu của TCS có dịp được  thăng hoa, được phổ biến và được đón nhận một cách hào hứng không thua  gì “Ca Khúc Da Vàng”. Mặc dù ngày đó, những ca khúc viết về tình yêu của  TCS như “Diễm Xưa”, “Biển Nhớ”, “Mưa Hồng”, … vẫn còn có vẻ gì xa lạ  với giới thưởng ngoạn phần lớn chỉ ưa chuộng những ca khúc theo thể loại  nhạc Boléro phổ thông. Nhạc tình của TCS từ lời ca đến âm điệu lúc đó  có vẻ “sang cả” qúa nên chưa được đón nhận rộng rãi nếu không có hiện  tượng “Ca Khúc Da Vàng” bị cấm đoán. Trong khi trên thực tế, những bản  nhạc tình của TCS như Diễm Xưa, Nắng Thủy Tinh, Như Cánh Vạc Bay,v.v… đã  ra đời trước “Ca Khúc Da Vàng” từ nhiều năm trước.


Trịnh Công Sơn, tình báo viên


Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ thì ai cũng biết, không cần bàn cải. Thế  nhưng, vì lý do gì, TCS là một thanh niên trước 1975 lại không phải nhập  ngũ như bao thanh niên khác? Theo Luật tổng động viên trước năm 1975,  hầu hết mọi thanh niên đều phải nhập ngũ khi đến 18 tuổi nếu không được  miễn hay hoãn dịch vì một lý do nào đó. Những lý do để được miễn hay  hoãn dịch có thể là: (1) Vì lý do gia cảnh (con độc nhất trong gia  đình); (2) Lý do công vụ (giáo chức, ngoại giao, cảnh sát,…); (3) Lý do  sức khỏe (bệnh nan y, tàn phế,…); (4) Lý do học vấn; v.v…. TCS không nằm  trong những trường hợp này. Cho nên nhiều người đã thắc mắc đặt câu  hỏi, vậy Trịnh Công Sơn vì lý do gì mà được hoãn dịch không phải nhập  ngũ, có phải chăng TCS trốn quân dịch (?). Trong các lý do hoãn dịch nói  trên, lý do duy nhất mà TCS có thể được hoãn dịch là lý do công vụ vì  TCS từng là giáo chức; nhưng rất tiếc, TCS đã hèn nhát, bỏ nhiệm sở (đào  nhiệm) từ năm 1967 khi có lệnh gọi nhập ngũ theo luật tổng động viên.  Phải chi TCS vẫn tuân hành lệnh gọi nhập ngũ thì sau đó TCS cũng đã được  Bộ Quốc Gia Giáo Dục can thiệp cho biệt phái trở về dạy học trở lại  rồi, đâu có phải trốn tránh để làm một kẻ trốn quân dịch như vậy.


Nhưng vì sao là một kẻ trốn quân dịch mà Trịnh Công Sơn vẫn sống công  khai ở Huế, Sài Gòn và nhiều nơi khác ở Miền Nam? Có dư luận cho rằng, sở dĩ TCS được an toàn như vậy là nhờ có sự che chở của một sĩ quan cao cấp trong QLVNCH. Vị sĩ quan đó là Đại Tá Lưu Kim Cương, Chỉ huy trưởng  căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất-Sàigon. Cảm kích vì ân tình này nên sau  khi Đại Tá Lưu Kim Cương tử trận trong Tết Mậu Thân 1968, TCS đã sáng tác ca khúc “Hát Cho Người Nằm Xuống” để tưởng nhớ một người mà ông đã  mang ơn. Tuy nhiên, nếu việc ĐT Lưu Kim Cương (sau được truy thăng Chuẩn Tướng) che chở cho TCS là có thật thì câu hỏi được đặt ra tiếp theo là, sau cái chết của ĐT Lưu Kim Cương, ai là người đã tiếp tục bao che cho  TCS cho đến ngày 30 tháng 4, 1975?


Theo tác giả Liên Thành của tập sách Biến Động Miền Trung, nguyên cựu Thiếu Tá Chỉ huy trưởng Bộ CSQG Tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết, Trịnh Công Sơn có dính líu đến các tên Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân bỏ Huế trốn vào bưng theo VC trong Tết Mậu Thân  1968. Những tên này chính là những tên đồ tể đã tham gia thảm sát nhiều  đồng bào Huế trong Tết Mậu Thân 1968. Vì vậy, để tránh bị buộc tội tiếp  tay cho cộng sản, TCS đã phải nhận hợp tác với cơ quan cảnh sát Huế như  là một tình báo viên làm việc cho ngành Cảnh Sát Đặc Biệt Thừa Thiên –  Huế. Ông Liên Thành tiết lộ cho biết, chính ông là người đã ký Sự Vụ Lệnh cho TCS trong đó có ghi rõ rằng, “… Người mang giấy này (tức TCS)  là viên chức Đặc Biệt thuộc Bộ Chỉ Huy CSQG Thừa Thiên – Huế.  Yêu cầu  các cơ quan Quân Dân Chính giúp đỡ đương sự trong khi thi hành phận sự.”


Nhưng Trịnh Công Sơn không chỉ làm tình báo viên hay mật báo viên cho cơ quan cảnh sát tỉnh Thừa Thiên – Huế như xác nhận bởi ông Liên Thành, cựu Chỉ Huy Trưởng CSQG ở địa phương này, mà còn làm tình báo viên cho  cả cơ quan cảnh sát đặc biệt ở Trung Ương Sài Gòn.


Theo chiến hữu Phan Ngh., tác giả của bài báo “Bài Học 50 Năm và Nghị Quyết 36” trong Đặc San Phượng Hoàng Xuân Kỷ Sửu 2009 của Tổng Hội CSQG/VNCH, Trịnh Công Sơn là một cộng tác viên hoạt động ngầm cho Ngành  Cảnh sát Đặc biệt tại Sài Gòn. Bài báo đã kể lại quá trình dẫn đến việc  TCS và cả nữ nghệ sĩ Kim Cương đã hợp tác với cơ quan cảnh sát như sau.


Vào khoảng năm 1969, chiến hữu Phan Ngh. đã tham gia công tác bắt giữ tên Hai Tân, một cán bộ cao cấp của Thành Ủy Sài Gòn đặc trách tuyên huấn. Tên này đã xâm nhập vào Sài Gòn để trực tiếp điều khiển những hoạt động nội thành và một cơ sở ấn loát khá qui mô trên đường Phát Diệm,Quận 2/Sàigòn. Khám xét nhà in này, cơ quan cảnh sát đã bắt giữ 5 tên  đang có mặt, trong đó có hai cán bộ thành ủy, đang in ấn tờ báo “Cờ Giải Phóng” để truyền bá tại Sàigòn. Khám xét nhà riêng tên Hai Tân, cảnh  sát đã tịch thu được một số tiền mặt lên tới $6.000 USD (một số tiền rất  lớn vào thời điểm đó) và một cuốn phim đám tang Hồ Chí Minh tại Hà Nội  cùng nhiều tài liệu quan trọng. Đặc biệt trong số tài liệu tịch thu được có một danh sách những nhà văn, nhà báo và các nghệ sĩ mà cơ quan tuyên  huấn của chúng đã tiếp xúc và đang chuẩn bị kết nạp vào đảng. Trong  danh sách các văn nghệ sĩ đó có nữ kịch sĩ Kim Cương và nhạc sĩ Trịnh  Công Sơn.


Chính từ công tác trên, ngành cảnh sát đã xin lệnh câu lưu một số khá  lớn các cán bộ VC nằm vùng đang len lỏi hoạt động trong các toà báo Việt ngữ ở Sàigòn. Sự việc này khiến cho chính quyền VNCH thời bấy giờ đã bị mang tiếng là đàn áp báo chí, đàn áp tự do ngôn luận, đàn áp những tiếng nói đối lập. Riêng trường hợp nữ kịch sĩ Kim Cương và Trịnh Công  Sơn, Ngành Cảnh Sát Đặc Biệt đã tương kế tựu kế, có một kế hoạch khác.  Cả hai, sau nhiều lần gặp gỡ riêng rẽ với những giới chức chuyên môn  cảnh sát đặc biệt, đã có những sự hợp tác tốt. Từ sự hợp tác này, cơ  quan an ninh đã vô hiệu hóa được thêm một số tên cộng sản khác. Cho nên,  thật tội nghiệp cho hai người này, sau 1975, đã bị cộng đồng người Việt quốc gia tại hải ngoại lên án họ là những tên cộng sản nằm vùng, ăn cơm  quốc gia thờ ma cộng sản, thì cũng hơi oan cho họ. Chỉ nói là “hơi” oan  thôi, vì thật sự sau 1975, khi chế độ VNCH sụp đổ, họ đã có những hoạt  động đứng hẳn về phía bên kia, phía những người cộng sản, phản bội lại  người quốc gia và chế độ đã cưu mang nuôi dưỡng họ trước đó.


Trịnh Công Sơn, kẻ cơ hội


Qua những tài liệu trên, rõ ràng Trịnh Công Sơn là người đã hoạt động (tình báo) cho cả hai phía quốc cộng trước 1975. Không rõ động cơ nào đã khiến TCS cộng tác với bên phía cộng sản. Vì cảm tình, vì lý tưởng hay bị đe dọa áp lực không thể từ khước? Nhưng riêng đối với phía quốc gia, có thể sự hợp tác của TCS với ngành an ninh cảnh sát là một sự bất đắc dĩ để đổi lấy sự an toàn cho bản thân không bị dính vào vòng lao lý vì cơ quan an ninh đã có đủ chứng cớ TCS có những dính líu với những người cộng sản. Sự hợp tác ấy để làm gì nếu không phải là cơ hội để tìm lấy sự an thân. Chính việc hợp tác làm việc (ngầm) với cơ quan an ninh  ngành cảnh sát đặc biệt (VNCH) như vậy mới là lá bùa hộ mạng che chở cho TCS thoát khỏi những sự kiểm soát của các lực lượng an ninh chứ không  phải nhờ vào sự bao che của một sĩ quan cao cấp nào như những lời đồn  đại.


Về sự nghiệp âm nhạc, không ai phủ nhận tài năng của Trịnh Công Sơn qua những sáng tác được mọi người yêu mến. Nhưng nhìn lại những hoạt động của TCS trước và sau năm 1975 mới thấy rõ ông chỉ là một kẻ cơ hội,  sẵn sàng lợi dụng hay thỏa hiệp với những hoàn cảnh hoặc điều kiện nào  đó để vụ lợi và tạo sự thuận lợi cho mình. Sự thỏa hiệp hợp tác với cơ  quan an ninh cảnh sát của TCS trước 1975 là một thí dụ điển hình. Còn  sau ngày 30/4/1975, những hành động chứng tỏ TCS là một kẻ cơ hội còn rõ  ràng hơn nữa.


Chỉ vài giờ sau khi chế độ VNCH vừa sụp đổ, trong lúc tình hình còn  đang lộn xộn chưa ổn định, Trịnh Công Sơn đã cùng một số bạn bè lợi dụng cơ hội ôm đàn guitar đến Đài Phát Thanh Sàigòn hát bài “Nối Vòng Tay  Lớn”. Hành động này của TCS chẳng khác gì những bọn “cách mạng ba mươi”  lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng để tranh công từng bị người dân Sàigòn nguyền rủa. TCS những tưởng đây sẽ là cơ hội cho mình lấy điểm để tiến thân với chế độ mới hầu xóa đi cái mặc cảm từng hợp tác với chế  độ cũ. Thế nhưng không ngờ, TCS vẫn bị gạt ra rìa. Vào thời điểm đó, hầu  hết cán bộ tiếp quản Sàigòn là những người từ miền Bắc vào, họ không  biết TCS là ai. Kết quả là TCS đã bị buộc phải trở về nguyên quán ở Huế  để bị đưa đi lao động kinh tế mới. Một thời gian sau, nhờ những người  bạn cũ ở Huế nay đã là những cán bộ trong chính quyền mới, TCS mới được  trở lại với sinh hoạt âm nhạc nhưng cũng rất hạn chế. Nhưng rút kinh nghiệm sau những năm bị thất sủng, TCS đã không bỏ lỡ cơ hội khi được tái hội nhập vào đời sống âm nhạc.


Trở lại Sàigòn, TCS tham gia sinh hoạt trong Hội Âm Nhạc Thành Hồ và cố gắng lập công chuộc tội bằng những sáng tác mới theo đúng quan điểm của chế độ mới. Vì vậy, những sáng tác của TCS trong thời gian này nặng mùi cơ hội chủ nghĩa như một gã nhạc nô sáng tác phục vụ theo mục  đích tuyên truyền của cộng sản. Chẳng hạn như bài “Huyền Thoại Mẹ” ca  tụng những bà mẹ Việt Cộng từng che dấu bộ đội, du kích trong chiến  tranh. Hay như bài “Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới” ca tụng cổ vũ  những cô gái thanh niên xung phong bị đày ra những nông trường làm thủy  lợi; hay phải ra biên giới tải đạn, tải thương trong cuộc chiến tranh  biên giới Miên – Việt vào cuối thập niên 1970. Hoặc các bài “Em Là Hoa  Hồng Đỏ”, “Khăn Quàng Thắp Sáng Bình Minh” ca tụng ru ngủ những em thiếu  nhi quàng khăn đỏ làm cháu ngoan của “Bác”.


Ngày 01 tháng 4 năm 2001, Trịnh Công Sơn đang sống đã … chuyển sang từ trần vì bệnh gan và tiểu đường ở Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Bọn cộng sản trong nước đã nhân dịp này tâng bốc, ca tụng TCS như một thiên tài  âm nhạc đã có những cống hiến trong sự nghiệp văn hóa góp phần vào cái  gọi là công cuộc giải phóng miền Nam năm 1975. Tiếc thay, họ không biết  rằng, chính TCS đã từng tiếp tay với chính quyền Miền Nam trong lãnh vực an ninh tình báo làm vô hiệu hóa nhiều hoạt động của chúng. Cũng tiếc  rằng, ngành tình báo quốc gia miền Nam đã không có cơ hội bật mí những  bí mật này sớm hơn để những cái loa tuyên truyền của cộng sản đừng huênh hoang khoe khoang những chiến công tưởng tượng không có thực của Trịnh  Công Sơn.


Như Ngã


bottom of page