






DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
TRẦN QUANG NAM (Cựu Giảng Sư HVCSQG)
Đầu năm 1965, nhóm chúng tôi gồm 12 Quận Trưởng CSQG có tên dưới đây được Tổng Nha CSQG đề cử theo học Giai đoạn I / Khóa 21 Trường Bộ Binh Thủ Đức:
Trần Quan An
Phạm Công Bạch
Trần Minh Công
Phan Trung Chánh
Đinh Văn Cẩm
Nguyễn Thái Lợi
Đỗ Kiến Mười
Trần Quang Nam
Nguyễn Kim Phùng
Quách Văn Trung
Nguyễn Hữu Trương
Vũ Văn Tư
Thời gian học khoảng 4 tháng rưỡi, chúng tôi ra trường vào giữa tháng 6 / 1965. Về trình diện Tổng Nha, chúng tôi được ông Tổng Giám đốc lúc đó là Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan chỉ thị về phục vụ tại Học Viện CSQG để huấn luyện cho các bạn trẻ sắp nhập trường. Vì trụ sở chính thức ở Thủ Đức chưa xây cất xong nên Học Viện còn đặt tạm trong Trại Lê Văn Duyệt thuộc Biệt Khu Thủ Đô. Ngoài hai anh Đỗ Kiến Mười và Nguyễn Thái Lợi ở lại làm việc tại Khối Đặc Biệt, số còn lại chúng tôi được phân nhiệm tại Học Viện như sau:
Liên Đoàn Trưởng SV: Anh Trần Minh Công
Liên Đoàn Phó kiêm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn I: Anh Phạm Công Bạch
Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn II: Anh Trần Quan An
Chủ Sự Phòng Học Vụ: Anh Nguyễn Hữu Trương
Chủ Sự Phòng Tiếp Vận: Anh Vũ Văn Tư
Trưởng Đoàn Giảng Sư: Anh Phan Trung Chánh
Giảng Sư Đoàn gồm các anh Đinh Văn Cẩm, Trần Quang Nam, Nguyễn Kim Phùng và Quách Văn Trung.
Đầu năm 1966, khóa sinh Khóa I Học Viện CSQG đã lần lượt nhập học, nhưng vì cần chờ văn kiện chính thức thành lập nên mãi đến ngày 12 tháng 3 năm 1966 mới khai giảng dưới sự chủ tọa của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương.
Khóa I – HVCSQG có 448 SVSQ gồm 228 Thẩm Sát Viên (200 Nam & 28 Nữ) và 220 Biên Tập Viên (200 Nam & 20 Nữ). Các SVSQ đã phải trải qua một kỳ thi tuyển về văn hóa và một cuộc khảo sát về nhân dáng đòi hỏi nam khóa sinh phải cao ráo, nữ khóa sinh phải xinh đẹp.
Lần đầu tiên khi gặp các SVSQ trong sân trại Lê Văn Duyệt, tôi nhớ tới hình ảnh của tôi lúc mới vào Ngành Cảnh Sát cũng đầy bỡ ngỡ và lo âu. Bỡ ngỡ vì vào một ngành hoàn toàn mới lạ, còn lo âu vì không biết tương lai sẽ ra sao. Tôi tự nhủ phải tiếp tay trong việc huấn luyện các bạn trẻ này, phải nói với họ những điều mà các bậc đàn anh đi trước đã khuyên tôi, như:
Ngành Cảnh Sát là một ngành quyền rơm, vạ đá.
Khi có quyền đừng bao giờ sử dụng hết quyền.
Làm Cảnh Sát mà không biết thương yêu lẫn nhau thì đừng hy vọng người ngoài người ta thương yêu mình.
Nói về Học Viện CSQG là phải nói tới vị Viện Trưởng đầu tiên, đó là Quận Trưởng Cảnh Sát Đàm Trung Mộc. Ông là người đã góp nhiều công sức trong việc thành lập Học Viện Cảnh Sát. Ông cũng là người có nhiều tài năng và đức độ, sự uyên thâm về luật pháp. Nghệ thuật xử thế của ông đã được nhiều người nói tới; nơi đây tôi chỉ xin trình bày một khía cạnh khác của ông, đó là đức tính tìm tòi học hỏi và cẩn thận tỉ mỉ trong mọi việc ông đảm trách. Ông thích sử dụng xe hơi nên đã mua sách nói về máy móc xe hơi để đọc. Do đó, ông có thể đoán được bệnh xe và tự sửa được. Giảng sư Nguyễn Kim Phùng có kể cho tôi câu chuyện như sau: Hồi đó, anh có chiếc xe hơi hiệu Corvair, khi lái cứ có tiếng khua lọc cọc ở đầu máy; một hôm anh lái xe vào Học Viện hỏi ý ông Viện Trưởng, ông nói anh mở nắp đầu máy (hood) và nổ máy cho ông nghe. Một hồi sau ông chỉ cho anh một con ốc ở đầu máy bị lỏng vì thiếu cái washer.

Một Giảng sư khác, anh Nguyễn Bá Hàm thì nhớ lại chuyện: Hồi đó ông Viện Trưởng có chiếc xe Opel hai màu xanh trắng, ông thường lái xe lên Thủ Đức làm việc hàng ngày. Anh Hàm mỗi khi dạy học xong, được ngồi cùng xe với ông để về Sài Gòn. Một hôm, có một nhân viên Học Viện xin quá giang về Sàigòn, ông Viện Trưởng đồng ý cho quá giang nhưng yêu cầu người nhân viên đó phải ngồi ngay chính giữa ở băng ghế sau, vì cho rằng ngổi như vậy xe mới cân bằng và lốp xe mới mòn đều.
Ông không thích việc các sĩ quan quân đội biệt phái qua giữ các chức vụ cao cấp thuộc ngành Cảnh Sát. Theo ông, các sĩ quan này tốt nghiệp các trường quân sự nên thiếu am tường về Luật pháp. Ông cũng không thích việc thay đổi lon Cảnh Sát qua lon Quân Đội vì hai ngành này khác nhau về quy chế và sắc phục: Lực Lượng Cảnh Sát trực thuộc Phủ Thủ Tướng, còn Lực Lượng Quân Đội thuộc Bộ Quốc Phòng.
Dù không thích nhưng vì chỉ là một giới chức thừa hành nên ông phải tuân theo mệnh lệnh của của cấp trên. Có lẽ vì vậy mà ông đã bị đưa về Bộ Nội Vụ để “ngồi chơi xơi nước”. Ông thường tự ví mình như cây “Danh Mộc” trong Cổ Học Tinh Hoa.
Phần tôi được phân bổ làm Giảng sư phụ trách môn Hình Luật Đặc Biệt, môn học nói về các yếu tố cấu thành tội danh. Để cho các khóa sinh dễ hiểu đề tài, sau mỗi bài giảng tôi thường kể chuyện về “Bao Công xử án” nên anh em đã đặt cho tôi biệt danh là “Ông Bao Công”. Người đời đã có câu “Nhất Quỷ, nhì Ma, thứ ba Học trò”, các khóa sinh K1 cũng vậy. Các bạn không chỉ đặt biệt danh cho các bạn đồng khóa, mà còn đặt biệt danh cho các cấp chỉ huy của Học Viện. Như ông LĐT Trần Minh Công thì các bạn đặt tên là “Ông Công Ngủ”, ông Phạm Công Bạch là “Ông Bạch Lửa”, giảng sư Nguyễn Kim Phùng là “Thầy Fidel Castro”,…Tới khi tôi lập gia đình thì có anh lại la lên: “Tụi bay ơi! Ông Bao Công lấy vợ.”
Tôi lập gia đình cuối năm 1968, tuần trăng mật vợ chồng tôi lên Đà Lạt. Tại đây, tôi gặp hai bạn cựu SVSQ Khóa I là anh Trương Công Cảnh và Đinh Công Huệ đang làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện CSDC Đà Lạt. Ngày nghỉ lễ, tôi được anh Đinh Công Huệ cho mượn chiếc

xe gắn máy để vợ chồng tôi cùng Trương Công Cảnh và người vợ tương lai của anh lúc đó đang học ở Couvent des Oiseaux Đà Lạt có chiếc xe Honda Dame cùng nhau đi chơi. Chúng tôi đi thăm và chụp hình các thắng cảnh ở Đà Lạt. Đinh Công Huệ quê ở Bình Chánh/SG. Huệ có ba người anh, tôi chơi với các anh của Huệ. Khoảng năm 1971, tôi đi công tác từ Phú Yên vào Sàigòn, tôi có ghé thăm Huệ lúc đó đang làm Trưởng Cuộc Đồng Khánh dưới quyền anh Trần Quan An, Trưởng Ty CSQG Quận 5. Đó cũng là lần chót tôi gặp Huệ. Sau 1975, Huệ bị đi tù “cải tạo” và đã bị tử thương trong lúc đi lao động tại Hoàng Liên Sơn, Bắc Việt, để lại vợ và hai con.
Khóa I-HVCSQG mãn khóa ngày 14/12/1966, ngoài một số được phân phối về Tổng Nha và Nha Đô Thành, còn đa phần các tân sĩ quan được bổ nhiệm về phục vụ tại các Ty CSQG địa phương. Tại đây, các sĩ quan trẻ tuổi này đã phải làm việc dưới quyền các ông cò già mà học lực cũng như ngạch trật đều thua kém họ. Do đó đã xảy ra tình trạng đố kỵ, chèn ép, ma cũ bắt nạt ma mới. Sở dĩ có tình trạng này vì từ năm 1954, Ngành Cảnh Sát và Công An mới được cơ quan an ninh Pháp chuyển giao cho Việt Nam; tới năm 1962, Ngành Cảnh Sát và Công An được hợp nhất và cải tổ thành Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Tại thời điểm này, nhân số ngành Cảnh Sát còn nhiều hạn chế; các giới chức cao cấp của ngành Cảnh Sát chỉ còn vài vị mang cấp bậc Quận Trưởng Thượng hạng Ngoại hạng, còn phần lớn nhân viên thuộc các ngạch trật Phó Thảm Sát Viên, Thẩm Sát Viên, Biên Tập Viên. Vì công việc giữ gìn an ninh trật tự ngày càng nhiều nên các nhân viên này đã được đề cử đảm nhiệm những chức vụ cao hơn với ngạch trật tương xứng của họ; như Phó TSV giữ chức Trưởng Phòng hoặc Chủ Sự, TSV giữ chức Phó Ty hoặc Trưởng Ty, BTV giữ chức Phó Giảm Đốc hoặc Giám Đốc Nha. Do đó, việc va chạm giữa cũ mới, gi trẻ là điều khó tránh. Sự việc này cũng đã xảy ra cho Khóa 14-BTV/Rạch Dừa là Khóa vào ngành Cảnh Sát trước Khóa I-HV khoảng 3 năm. Một số anh em thuộc Khóa 14 BTV/RD bất mãn đã từ nhiệm chuyển qua các ngành nghề khác như Quốc Gia Hành Chánh, Không Quân, Hải Quân, Võ Bị Đà Lạt, SQ Thủ Đức, hoặc Lục Sự Tòa án,v.v… Riêng các bạn ở lại đành tự an ủi ngâm câu: “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.”
Tình trạng này sau cũng được cải thiện dần nhờ các cấp chỉ huy sáng suốt, biết khả năng và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ nên đã ra chỉ thị: “Phải bổ nhiệm các sĩ quan trẻ tuổi vào các chức vụ tương xứng với ngạch trật.”
Từ ngày qua định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã cùng một số các bạn cựu SVSQ Học Viện thành lập nên Hội Ái Hữu CSQG Nam California. Hội đã ra mắt vào ngày 09 tháng 12 năm 1990 tại Quận Cam, Nam California. Các cựu SVSQ Học Viện đã sát cánh với tôi hồi đó gồm quý anh: Nguyễn Ngọc Tuấn (K3), Nguyễn Thanh Giàu (K3), Nguyễn Tấn Dược (K1), Sơn Rotha (K10), v.v…
Sau này, khi thành lập Tổng Hội CSQG vào ngày 27 tháng 5 năm 2000, tôi lại được nhiều sĩ quan Học Viện hợp tác. Đó là Giảng sư Trần Quan An, và các cựu SVSQ Phan Tấn Ngưu, Nhữ Đình Toán, Phan Quang Nghiệp, Thái Văn Hòa, v.v…
Nhớ lại lúc mới thành lập Tổng Hội CSQG chỉ có 9 hội thành viên hoạt động tại Hoa Kỳ. Sau hơn mười năm hoạt động, ngày nay số thành viên Tổng Hội đã lên tới 18 Hội, hoạt động bao gồm cả Âu Châu và Úc Châu. Từ Tổng Hội xuống tới các Hội địa phương, các chức vụ Hội Trưởng đa số đều do các cựu SVSQ/HV đảm trách. Điều đó chứng tỏ các cựu SVSQ/HV đã là nhân tố quan trọng trong các sinh hoạt của Tổng Hội CSQG.
Cựu Đại tá Viện trưởng Trần Minh Công rất hài lòng về các thành quả mà các sĩ quan Học Viện đã đạt được. Ông cho biết, mỗi khi có dịp gặp các vị niên trưởng của Ngành Cảnh Sát hoặc của các cơ quan đoàn thể bạn, các vị này thường khen ngợi tinh thần đoàn kết và tích cực trong các sinh hoạt cộng đồng của các chiến hữu Cảnh Sát mà nòng cốt là các bạn cựu SVSQ Học Viện. Ông hy vọng tinh thần này sẽ mãi là kim chỉ nam của các sĩ quan Học Viện trong tương lai.
Niên Trưởng cựu Viện Trưởng cũng ngợi khen tinh thần đoàn kết và tương thân tương trợ của các anh chị em cựu SVSQ Học Viện, đặc biệt là các bạn Khóa 6. K6 là Khóa đầu tiên đã thiết lập được một website riêng để làm nơi liên lạc giữa các anh em đồng khóa, nhờ vậy các bạn đã kịp thời có những chương trình trợ giúp cho các bạn đồng khóa đang gặp khó khăn trong cuộc sống. (Được biết, theo gương K6, đến nay nhiều Khóa HV khác như K1, K2, K3,… đã thiết lập những trang nhà riêng với cùng một mục đích như K6).
Viết tới đây làm tôi nhớ tới Thẩm phán Trần An Bài và những tình cảm của ông dành cho Khóa 6 - HVCSQG. Ông là giảng sư thỉnh giảng được mời từ Bộ Tư Pháp/VNCH về giảng dạy tại Học Viện CSQG. Ông dạy ở Học Viện từ Khóa 4 tới Khóa 12 (1969 – 1975). Ông cho rằng, một phần cuộc đời ông đã gắn liền với Học Viện CSQG và hy vọng một ngày nào đó sẽ cùng anh em sĩ quan Học Viện trở về mái trường xưa trên đồi Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức) để cùng nhau xây dựng một Lực Lượng Cảnh Sát tốt đẹp hơn cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, không Cộng Sản. Tôi biết lòng thương mến của ông dành cho anh em Khóa 6 qua câu chuyện sau đây:
Năm 2006, cựu Thẩm Phán Trần An Bài nhận lời mời qua Atlanta (Georgia) tham dự Ngày Truyền Thống CSQG 1/6. Hồi đó, Hội Trưởng Hội Ái Hữu CSQG Atlanta / Georgia là anh Nguyễn Văn Nhì, cựu sĩ quan K1-Học Viện. Tôi biết ông Bài rất bận rộn với công việc hàng ngày, nên hôm gặp anh Nhì, tôi có hỏi làm sao anh mời được ông đi từ San Jose (Bắc CA) tới Atlanta. Anh Nhì cho biết, thực tình anh không quen biết ông Bài, nhưng anh biết ông rất thương mến anh em Khóa 6-HV, nên anh đã nhờ một anh K6 ngỏ lời mời ông Bài trước. Sau khi ông Bài nhận lời, anh mới dám gởi Thư Mời chính thức với tư cách Hội Trưởng.
Ít lâu sau, có dịp ngồi nói chuyện với ông Bài, tôi có hỏi ông về lý do ông đã dành nhiều cảm tình đặc biệt cho anh em Khóa 6 HV. Được ông cho biết vì anh em Khóa 6 đã nghe và làm đúng lời ông khuyên nhủ. Tôi hỏi ông đã khuyên gì họ, ông cho biết, đã khuyên anh em Khóa 6, “Hãy đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau.”
Anh em Khóa 6 HV cũng đáp lại ông bằng lòng kính trọng, quý mến và coi ông như người anh cả trong gia đình…
Trở lại việc tôi làm việc ở Học Viện CSQG. Trước đó, tôi từng làm việc dưới quyền Quận Trưởng Đàm Trung Mộc từ cuối năm 1964, lúc đó ông đang là Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Trung Cấp. Tháng 7 năm 1965, sau khi mãn khóa giai đoạn I tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi cùng 11 Quận Trưởng khác được trở về tiếp tục phục vụ dưới quyền QT Mộc tại Học Viện CSQG. Trong số 12 Quận Trưởng phục vụ tại Học Viện, tôi là người sau cùng rời Học Viện đi làm Trưởng Ty Cảnh Sát vào cuối năm 1969, sau khi dạy xong Khóa 4 tại Học Viện CSQG (khi đó đã dời lên Thủ Đức).
Học Viện CSQG là nơi đã lưu lại cho tôi nhiều kỷ niệm, nhất là đối với Khóa I vì đó là Khóa đầu tiên và duy nhất có nữ sinh viên sĩ quan. Khóa I có tổng cộng gần 500 SVSQ, trong đó có 48 nữ khóa sinh, gồm 28 TSV (có bằng Tú Tài I) và 20 BTV (có Tú Tài II). Các nữ khóa sinh đã phải trải qua một cuộc thi tuyển về văn hóa và khảo xét về nhân dáng mà các vị trong ban tuyển mộ đã được chỉ thị phải tuyển chọn những cô gái có nhân dáng ưa nhìn. Đến khi nhập học, những người đẹp này có lẽ vẫn chưa quên tính ưa chọc phá thuở còn là học sinh “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nên đôi khi đã làm tôi lúng túng trong lúc giảng bài.
Tôi còn nhớ, lúc mới nhập Học Viện, các khóa sinh nam nữ đều mặc đồ trận màu xanh olive. Sau đó, các nữ khóa sinh đã có đồng phục trước với áo sơ mi trắng ngắn tay và jupe màu xám ngắn tới đầu gối. Hàng tuần, vào ngày thứ hai, các nữ khóa sinh phải mặc đồng phục tới lớp. Hồi đó, tôi mới 27 tuổi, chưa lập gia đình, đứng trên bục giảng cao nhìn xuống lớp học, ngay hàng ghế đầu nơi các nữ khóa sinh ngồi với mấy chục cặp đùi của những người đẹp đã làm tôi cảm thấy mất tự nhiên.

Khóa I / HVCSQG có cả nam lẫn nữ. Các nam khóa sinh ăn ngủ nội trú trong Trại Lê Văn Duyệt; còn nữ khóa sinh được trú ngụ tại Chi Vụ Huấn Luyện Nha Đô Thành, cho nên, thỉnh thoảng, tôi phải qua Chi Vụ Huấn Luyện để dạy môn Hình Luật cho các nữ khóa sinh. Sau mỗi giờ dạy thường có 10 phút nghỉ giải lao. Một hôm, sau giờ nghỉ, tôi trở lại lớp thì thấy trên bàn Giảng sư có một ly nước lạnh. Tôi đang phân vân không biết ai để ly nước thì bỗng từ dưới có một nữ khóa sinh đi đến bàn của tôi nói: “Xin mời thầy dùng nước”. Tôi nhìn cô ấy và ngỏ lời cám ơn thì nghe phía dưới lớp có những tiếng cười khúc khích. Tôi biết là các cô ấy đã có ý chọc phá tôi. Ngay lúc đó, tôi không biết cô khóa sinh ấy tên gì, mãi sau này tôi mới biết cô ấy tên là Phạm Thị Chích (hiện nay đang định cư ở Canada có chồng là một cựu SVSQ/K2/HV).
Đó là những kỷ niệm êm đềm của tôi với Học Viện CSQG.
Ôn lại một chút lịch sử, Việt Nam là một nước nhược tiểu đã bị các thế lực ngoại bang xô đẩy vào cuộc chiến tương tàn, đưa đến việc đất nước bị chia cắt năm 1954. Miền Nam thuộc thế giới tự do, đã lo canh tân và phát triển, mang lại nhiều phúc lợi cho người dân. Việc thành lập Học Viện CSQG cũng nằm trong chiều hướng tạo nguồn sinh khí mới, trẻ trung và năng động cho Lực Lượng CSQG trong việc giữ gìn an ninh trật tự ngày một hoàn hảo.
Trong khi đó, cộng sản Bắc Việt được sự yểm trợ của Trung Cộng và Liên Sô đã phát động cuộc chiến vũ trang xâm lược, đưa đến việc cưỡng chiếm Miền Nam tháng Tư năm 1975.
Lưu vong tại xứ người, các chiến hữu CSQG đã tìm về với nhau đứng chung dưới mái nhà Tổng Hội CSQG để cùng nhau lo toan xây dựng thế hệ hậu duệ hầu tiếp nối ý chí cha anh, sát cánh với các cơ quan, đoàn thể bạn, tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, và phú cường. Đặc biệt hơn nữa, kỷ niệm 50 Năm Ngày Thành Lập Học Viện CSQG (1966-2016), các bạn cựu SVSQ từng tốt nghiệp dưới mái trường này, đang tìm về với nhau vào giữa mùa hè này (ngày 17/7/2016) ở Little Saigon/Nam California, để cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn của quá khứ và hiện tại, và để cùng nhau ước mơ cho một tương lai tươi sáng của quê hương.
TRẦN QUANG NAM
(Cựu giảng sư HVCSQG)