






DIỄN ĐÀN
TÂM TÌNH
Bài thuyết trình của NT TRẦN MINH CÔNG tại ĐH Berkeley 2016
Khi viết về chiến tranh VN nhiều tác giả ngoại quốc thường chỉ nhắc tới vai trò của quân đội Hoa Kỳ trong những trận chiến lớn, ít người nói đến vai trò của QLVNCH và những công tác mà chính phủ VNCH thực hiện. Các tài liệu về chiến tranh VN lại càng không lưu ý tới vấn đề an ninh công cộng mà Cảnh Sát Quốc Gia Nam VN đảm nhiệm. Thực ra cuộc chiến VN không phải chỉ là một cuộc chiến quân sự mà còn là cuộc chiến chính trị và ý thức hệ, giữa Độc Tài CS và xây dựng Dân Chủ. Trong khi cuộc chiến đang tiếp diễn thì Miền Nam vẫn cố gắng ổn định xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ. Và hôm nay tôi muốn nói đến vai trò của Cảnh sát Quốc Gia Việt Nam trong những lãnh vực quan trọng này mà nhiều sử gia về cuộc chiến VN đã bỏ qua hoặc ít chú trọng tới.
Bài nói chuyện của tôi sẽ gồm 3 phần. Ở phần đầu tôi sẽ tình bày sơ lược về lịch sử ngành Cảnh sát VN. Sau đó là phần Cảnh Sát VN đã được huấn luyện và hoạt động như thế nào để đáp ứng 2 mục tiêu chính là bảo vệ người dân và bảo đảm an ninh cho công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng một xã hội dân chủ trong thời chiến trước 1975. Và sau cùng là một vài nhận xét của chúng tôi về vai trò của an ninh trong hai lãnh vực đó.
Sơ lược về Lịch Sử ngành Cảnh sát Quốc gia Việt Nam.
Trước hết nói về lịch sử và sự hình thành của Lực Lượng CSQG ta có thể phân ra 3 giai đoạn chính: Giai đoạn đầu là CSQG dưới thời Pháp thuộc trước 1954, Giai đoạn kế tiếp là CSQG khi được Pháp chuyển giao cho chính phủ Nam VN và sau khi VN bị chia đôi bởi Hiệp Định Geneve và Giai đoạn 3 khi CSQG đã được tổ chức và huấn luyện quy củ để đáp ứng nhu cầu của Miền Nam VN trong thời chiến.
Ngành an ninh VN thực sự đã có mặt từ thời Pháp thuộc xa xưa. Vì VN bị Pháp xâm chiếm và đô hộ trong gần 70 năm từ 1884 đến 1954 nên việc cai trị và điều khiển ngành an ninh đều nằm trong tay người Pháp. Ngành này được tổ chức lúc đầu theo một mô hình sơ lược của ngành hiến binh Pháp, nỗ lực chính là để kiểm soát dân Việt, bài trừ những thành phần chống Pháp, thu thuế và kiểm soát dân buôn lậu. Đến năm 1946 chính quyền Pháp lập ra Sở Liêm Phóng (Sureté Nationale or National Security Service). Đây chính là tiền thân của Cảnh Sát VN. Sở Liêm phóng có các Ty Công An ở một số thị trấn lớn và ở mỗi địa phương có một Ty Cảnh sát thường gọi là bót cảnh sát. Các Ty CA và cảnh sát này hoạt động riêng biệt. Công an lo về an ninh chính trị, chủ yếu là theo dõi và bắt giam những người chống đối chính quyền đô hộ của Pháp. Các Ty cảnh sát thì lo giữ trật tự, truy tố tội phạm và bắt buôn lậu, nhất là bắt rượu lậu là độc quyền của Pháp thời bấy giờ. Trong giai đoạn này các ngành công an và cảnh sát đều được chỉ huy bởi các viên chức Pháp, điều khiển những nhân viên VN dưới quyền. Tới năm 1948 khi chính phủ VN được coi là độc lập (trong Liên Hiệp Pháp) thì hai ngành Công An và Cảnh Sát mới dược chuyển giao cho VN và do người VN điều khiển. Đây chính là giai đoạn đầu của Cảnh Sát VN.
Giai đọan 2 được khởi đầu vào năm 1950 khi chính phủ VN thành lập một Nha Tổng Giám Đốc Công An và Cảnh Sát trung ương để chỉ huy và phối hợp các cơ quan riêng lẻ Cảnh Sát và Công An tại mỗi tỉnh. Ngày 20-7-1954 Hiệp định Geneve được ký kết chia đôi VN thành Bắc và Nam Việt Nam. Miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản và Miền Nam theo chủ nghĩa Tự Do. Tại Nam VN dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ngô Đình Diệm Cảnh Sát dần dần được cải tổ và tái tổ chức thành một lực lượng thống nhất bao gồm ngành Công An lo về an ninh tình báo và Cảnh Sát lo về an ninh trật tự và thi hành luật pháp quốc gia. Hoa Kỳ qua chương trình viện trợ USAID giúp tái tổ chức và xây dựng ngành CSQG VN. Các cố vấn từ trường đại học Michigan được gửi qua giúp tổ chức quản tri, tiếp liệu, truyền tin và huấn luyện. Một số trung tâm Huấn luyện Cảnh Sát được xây dựng với viện trợ Mỹ. Và từ đây ngành cảnh sát VN đã dần dần rời bỏ cách tổ chức của công an Pháp và chuyển qua ảnh hưởng ít nhiều cách tổ chức, điều hành và huấn luyên của Cảnh sát Hoa kỳ.
Ngoài nhiệm vụ an ninh trật tự thông thường, năm 1961 Cảnh Sát VN còn có thêm một cơ sở mới là Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo phụ trách những vấn đề nội chính của Miền Nam VN. Tới năm 1962 hai ngành Công An và Cảnh Sát được hợp nhất dưới danh xưng chung là Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) và từ đây mỗi tỉnh chỉ có một Ty CSQG lo cả 2 mặt an ninh tình báo, an ninh trật tự và thi hành luật pháp quốc gia.
Năm 1960 Băc Việt công khai phát động chiến tranh tại Miền Nam. Để đáp ứng với tình thế và nhu cầu bảo vệ an ninh Tổng Nha Cảnh Sát thành lập thêm một Lực Lượng Cảnh Sát Dã Chiến và một Lực Lượng Giang Cảnh vào đầu năm 1965 để hỗ trợ các nhân viên công lực trong công tác bảo vệ an ninh. Cũng thời gian này quân số cảnh sát đã dần dần gia tăng từ 22,000 lên 73,000, do đó nhu cầu đòi hỏi phải có thêm Sĩ Quan chỉ huy.
Chương trình Huấn Luyện Cảnh sát Quốc Gia.
Tháng 3-1966 một trường sĩ quan cảnh sát có tên là Học Viện CSQG được thành lập, tuyển dụng các sinh viên Đại Học tham gia phục vụ ngành Cảnh Sát. Chương trình huấn luyện tại Học Viện này là 1 năm. Sau khi tốt nghiệp các sĩ quan này mang cấp bậc Biên Tập Viên và Thẩm Sát Viên. Sau này đổi thành Đại Úy và Thiếu Úy cho phù hợp với các cấp bậc quân đội khi ngành CS được quân sự hóa để phối hợp với quân đội trong nhu cầu diệt cộng và bảo vệ an ninh diện địa.

Từ sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, CSQG đã biến đổi rất nhiều theo nhu cầu. Từ những cơ quan chuyên lo việc giữ gìn an ninh trật tự và thi hành luật pháp quốc gia, CSQG nay phải đối đầu với một cuộc chiến khác: chiến tranh phá hoại và nổi dậy của Việt Cộng (VC). Nhiệm vụ của CS trờ nên đa diện và phức tạp hơn. Tổ chức ngành CS cũng như chương trình huấn luyện đo đó cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thời cuộc.
Tổng Nha CSQG sau này được đổi thành Lực Lượng CSQG (theo quân đội) và quân số được gia tăng nhanh chóng lên đến 130,000 người vào năm cuối năm 1973. Cơ cấu tổ chức cũng được thay đổi. CSQG có thêm các ngành Cảnh Sát Dã Chiến (CSDC_police field force), Cảnh Sát Giang Cảnh (harbor and river patrol police), Thám sát Tỉnh (provincial reconessance teams). Tại Trung Ương ngoài các Khối cơ hữu như: Khối Quản Trị lo về tuyển dụng và quản trị nhân viên, Khối Tư Pháp giám sát việc thi hành luật pháp quốc gia của các đơn vị CSQG toàn quốc, Khối Cảnh Sát Đặc biệt lo việc theo dõi nội chính và hoạt động VC, nhất là các hoạt động nằm vùng của VC trong dân chúng, Khối Huấn Luyện lo huấn luyện nhân viên các cấp đáp ứng nhu cầu của tình thế, Khối Tiếp Vận lo cung ứng nhu cầu phương tiện cho các cơ sở cảnh sát toàn quốc. Ngoài các bộ phận chính đó còn có thêm Khối Hành Quân, lo phối hợp hành quân tại các Nha CSQG Vùng và phối hợp tổng quát giữa CSQG và các đơn vị quân đội. Khối Truyền Tin, Khối Yểm Trợ gồm có CSDC và Giang Cảnh lo điều hành các Đại Đội CSDC và các Giang đoàn yểm trợ cho cảnh sát địa phương trong công tác an ninh và tiệu diệt hạ tầng cơ sở VC, Trung Tâm Bình Định và Phát Triển lo phối hợp với các đơn vị quân đội trong chương trình Phụng Hoàng và phát triển nông thôn.
Về phương diện chỉ huy quân sự, lãnh thổ Miền Nam VN được chia thành 4 quân khu và một Biệt Khu Thủ Đô. Để việc phối hợp đươc thuận tiện, CSQG cũng chia ra thành 4 vùng , mỗi vùng gồm nhiều tỉnh trực thuộc.Chỉ huy trưởng CSQG Vùng (regional police commander) thường mang cấp Đại Tá và các Chỉ Huy Trưởng Tỉnh (Province or City police chief) thường mang cấp Trung Tá hoặc Thếu Tá. Tại mỗi tỉnh có nhiếu quận và mỗi quận có nhiều xã (trước kia gọi là làng). Tới cuối năm 1975 VNCH có 44 tỉnh, 10 thị xã, 247 quận và trên 10,000 xã (10944 vào năm 1973). Khác với các đơn vị quận đội thường không có vị trí cố định lâu dài, CSQG phải có mặt và làm công tác bảo vệ an ninh tại tất cả các xã ấp dưới quyền kiểm soát của phía quốc gia kể cả những xã thuộc vùng xôi đậu. Nhiệm vụ bảo vệ diện địa do đó là trách nhiệm rất nặng nề của CSQG nhất là kể từ năm 1960-1975.
Vì ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và thi hành luật pháp quốc gia, CSQG-VNCH còn phải đối đầu với một cuộc chiến tranh nổi dậy (an undeclared insurgency) do Bắc Việt khởi động nên hoạt động của CSQG-VN cũng trở nên đa dạng và phức tạp hơn và do đó đã trở thành một lực lương bán quân sư. Đây chính là điểm khác biệt giữa CSQG VN và các lực lượng Cảnh Sát khác trên thế giới. Nhiệm vụ vừa dân sự vừa quân sự đã khiến CSQG VN có cơ cấu tổ chức bán quân sự và chương trình huấn luyện Cảnh Sát cũng thêm phần quân sự để có thể thi hành công tác theo nhu cầu quốc gia và theo tình thế đòi hỏi.
Cũng như các tổ chức và hoạt động của nhiều quốc gia khác, CSQG-VN cũng phải tuần tiễu mỗi ngày để giữ an ninh trật tự, truy lùng và ngăn chặn phạm pháp, truy tố ra tòa án các vi phạm và tội phạm. Ngoài ra CSQG-VN còn phải tổ chức tình báo trong các khu vực và thôn xóm để sớm phát hiện các âm mưu phá hoại của VC như tuyên truyền, đặt chât nổ, ám sát, đe dọa dân chúng. Chính vì vậy mà Cảnh Sát có chương trình xét thẻ căn cước và khám sổ gia đình luân phiên mỗi đêm để phát hiện những người lạ có thể là VC xâm nhập phá hoại. Các hoạt động có tính cách thời chiến này đã đòi hỏi ngành CSQG phải có những chương trình huấn luyện thích hơp với hoàn cảnh chiến tranh để vừa bảo vệ an ninh cho dân chúng, vừa bảo đảm cho công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ được thực hiện song song với các nỗ lực chiến tranh tự vệ của VNCH..
Nói chung chương trình huấn luyện của CSQG-VN ngoài các phần hành chuyên môn còn phải có thêm phần quân sự. Đối với cấp hạ sĩ quan và nhân viên chương trình huấn luyện thường từ 4 đến 5 tháng. Có một Trung Tâm Huấn lLuyện Căn Bản tại mỗi quân khu (trên toàn lãnh thổ VN có 4 Quân Khu). Chương trình huấn luyện căn bản chú trọng vào phần luật pháp căn bản, tuần tiễu an ninh và điều tra tội phạm. Sau một thời gian phục vụ, các nhân viên cảnh sát này có thể được gửi đi học thêm các khóa chuyên môn khác như điều tra tư pháp, truyền tin, tiếp liệu, tình báo...
Kể từ 1965 chương trình huấn luyện một Sĩ quan cảnh sát là một năm, bao gồm 1/3 thời lượng là huấn luyện quân sự, 2/3 là huấn luyện chuyên môn. Phần huấn luyện quân sự được tổ chức với sự hỗ trợ của một quân trường là Trường Bộ Binh Thủ Đức. Chương trình quân sự nhằm đào tạo cho các sinh viên có đủ kiến thức và khả năng chỉ huy một Trung Đội về mặt quân sự. Kiến thức quân sự này rất cần thiết vì họ sẽ phải thường xuyên tổ chức hành quân cảnh sát hoặc hành quân phối hợp với các đơn vị quân đội , nhất là tại các vùng nông thôn. Tại các đơn vị mà họ chỉ huy sau này họ cũng thường xuyên bị VC tấn công và do đó phải có khả năng quân sự để đối phó. Việc sử dụng vũ khí và mìn bẫy là việc họ không thể thiếu, vừa để bảo vệ đơn vị cảnh sát mà họ chỉ huy, vừa để bảo vệ đồng bào trước những quấy phá và tấn công của VC.
Ngoài phần huấn luyện quân sự và các môn khác như điều tra tư pháp, quản trị, tổ chức, lãnh đạo chỉ huy ...chương trình huấn luyện về luật pháp được coi là quan trọng nhất. Có thể nói một nửa chương trình huấn luyện Sĩ Quan cảnh sát là trong lãnh vực này. Các môn Hình luật và Hình sự tố tụng được coi là nồng cốt trong nhiệm vụ của người Sĩ Quan Cảnh Sát thi hành luật pháp quốc gia. Luật pháp quốc gia không phải chỉ dành cho những công dân mà còn phải được chính những người Cảnh Sát thi hành luật pháp quốc gia tuân thủ. Ý niệm pháp trị (Rule of Law) luôn luôn phải được đề cao để có sự công bằng và giữ được niềm tin của người dân. Một xứ đang có chiến tranh nổi dậy như ở VN buộc người Cảnh Sát phải làm sao vừa có thể áp dụng những biện pháp kiểm soát chặt chẽ dân chúng trong nỗ lực chống Cộng Sản xâm nhập, lại vừa phải tôn trọng tự do của dân chúng như luật pháp ấn định và cho phép. Những công tác kiểm soát người dân rất dễ đưa đến những lạm dụng quyền hành và vi phạm nguyên tắc pháp trị (the rule of law). Việc truy lùng, bắt bớ thẩm vấn và truy tố tội phạm VC rất dễ gây ra những sơ sót luật pháp này. Vì những ràng buộc của luật pháp như chỉ được tạm giam nghi can tối đa 72 giờ để điều tra sau đó phải trình Biện Lý, không được đe dọa hoặc tra tấn nghi can… đã phần nào làm họ bị bó tay trong công tác điều tra và truy tố tội phạm, nhất là các nghi can hoạt động cho Việt Cộng. Làm sao để có thể vừa chống Việt Cộng xâm nhập trong dân chúng vừa không vi phạm luật pháp và các thủ tục luật định. Điều này không dễ dàng trong hoàn cảnh chiến tranh VN. Nhưng tôn trọng những quy định của luật pháp vẫn phải là ưu tiên hàng đầu của mọi nhân viên cảnh sát. Hãy thử so sánh một vài vụ Cảnh Sát Hoa Kỳ bắn nghi phạm da đen ở Missouri và Baltimore gần đây để thấy những khó khăn mà người Cảnh Sát VN gặp phải mỗi ngày tại VN trước 1975.
Các ngành huấn luyện khác như CSDC chuyên về hành quân quân sự để tiêu diệt hạ tầng cơ sở VC hỗ trợ cho các đơn vị CS địa phương hay hành quân giang cảnh tuần tiễu trên sông ngòi để phát hiện Cộng Sản xâm nhập bằng đường thủy hoặc các tội ác buôn lậu hoặc tiếp tế cho VC, cũng là những môn huấn luyện đặc biệt cho cả nhân viên và cấp Sĩ Quan. Những công tác này nằm trong trách nhiệm kiểm soát tài nguyên để cắt đứt việc tiếp tế cho VC trong các mật khu đồng thời nhằm phát hiện việc chuyên chở cho VC những mìn bẫy, vũ khí, chất nổ và các phương tiện chiến tranh khác. Việc lục soát, tịch thu và tạm giữ những thành phần nghi ngờ vẫn phải tuân theo luật pháp (rule of law) cũng là một khó khăn cho người thi hành công vụ. VC đã từng xuyên tạc và cáo vuộc CSQG về những sai phạm loại này.
Ngoài phần huấn luyện chuyên môn như vừa kể trên, phần huấn luyện của CSQG còn nhấn mạnh về Chiến Tranh Chính Trị: làm sao để thu phục nhân tâm (winning hearts and minds) nhất là tại những vùng nông thôn. Trong một cuộc chiến tranh nổi dậy (insurgency) việc thu phục lòng dân là cốt yếu. VC dùng tuyên tryền lừa bịp và cả đe dọa để ép dân về với họ. Phía quốc gia chúng tôi chỉ có thể giải thích, thông tin trung thực và phục vụ để kéo người dân về với mình. Những việc làm thất nhân tâm được coi là phản lại đường lối quốc gia. Việc Cảnh Sát phải chặn người và xe cộ lại để khám xét, việc khám sổ gia đình ban đêm, việc chống biểu tình bãi thị do VC giật dây... là những việc làm đễ ngây ngộ nhận nơi người dân và thường bị các cơ quan truyền thông, nhất là các cơ quan truyền thông Tây phương lên án là vi phạm nhân quyền và quyền tư do của người dân. Các công tác khó khăn đó đòi hỏi một sự phán đoán tế nhị của người thi hành và chắn chắn là không tránh khỏi những xuyên tạc của đối phương VC. Một chương trình huấn luyện kỹ lưỡng sẽ giúp nhân viên Cảnh Sát có những quyết định hành xử đúng cách để giảm thiểu các xuyên tạc của đối phương.
Tình hình an ninh tổng quát từ 1965-1975.
Tình hình an ninh nói chung tương đối ổn định từ 1954-1963. Xin nhắc lại là Cộng Sản Hà Nội chỉ công khai phát động chiến tranh tại Nam VN kể từ 1960 nên trong 6 năm (1954-1960) Miền Nam đã có cơ hội tương đối ổn định để tổ chức xã hội và xây dựng nền móng cho công cuộc phát triển kinh tế nhờ những ngân khoản viện trợ dồi dào của Hoa kỳ. Tình hình an ninh có được trong giai đoạn này cũng nhờ vào việc tái tổ chức ngành Cảnh sát non trẻ của Miền Nam và đặc biệt là hiệu năng ngày một tăng tiến của ngành Cảnh Sát Đặc Biệt luôn theo dõi và phát hiện những phần tử VC hoặc thân cộng trong dân chúng. Nên nhớ là sau Hiệp Định Geneve 1954 chia đôi đất nước, CSVN đã để lại Miền Nam VN nhiều cán bộ của chúng. Số cán bộ cộng sản tập kết ra Bắc theo các điều khoản của hiệp đinh Geneve đã để lại gia đình họ. Hầu hết những gia đình này sau đó trở thành những cơ sở tiếp tế và liên lạc của VC khi những người tập kết này và những cán bộ VC khác được Bắc Việt gửi trở lại hoạt động trong Nam. Vì vậy sau khi Bắc Việt cho thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (một tổ chức trá hình của VC và do VC điều khiển, sau khi chiếm trọn miền Nam vào năm 1975 vì không còn cần thiết sử dụng nên VC đã giải tán tổ chức này) VC đã gia tăng xâm nhập người và vũ khí vào Miền Nam và các hoạt động tuyển mộ của họ cũng gia tăng. Kể từ năm 1960 họ đã gia tăng tuyên truyền, đe dọa và ra mặt tổ chức khủng bố tại một số vùng nông thôn. Các vụ đặt chất nổ và đắp mô dể cản trở lưu thông trên các trục lộ giao thông chính giữa các tỉnh đã xẩy ra thường xuyên hơn.
Đến năm 1965 thì VC đã đưa nhiều đơn vị võ trang xâm nhập miền Nam và tình hình chiến sự đã trở nên sôi động hơn. Nhiều trận đánh đã công khai diễn ra trên toàn lãnh thổ VNCH. Kể từ giữa năm 1965 khi các đơn vị quân đội Hoa Kỳ (HK) được đưa vào VN để hỗ trợ QLVNCH thì chiến dịch khủng bố của VC cũng gia tăng, phần lớn nhắm vào các nhân viên và cơ sở HK. (Vụ nổ tòa Đại Sứ-HK tại dường Hàm Nghi, vụ nổ tại cư xá Brink, vụ nổ nhà hàng Mỹ Cảnh ngay tại thủ đô Saigon,....) nhằm mục đích tuyên truyền trong dân chúng, nhất là đối với dư luận quốc tế và Hoa Kỳ. Ở đây chúng ta cũng phải nhắc tới một điều là hình ảnh của các quân nhân Mỹ lúc đầu có vẻ phản cảm đối với người dân VN vì nó nhắc nhở tới hình ảnh của những người lính thực dân Pháp thời Pháp thuộc hơn nửa thế kỷ mà dân tộc VN đã phải trải qua. Người Pháp đã đến cai trị VN như những kẻ chiếm đóng và trong con mắt người dân thường VN hình ảnh những người lính Tây phương như HK cũng không khác gì những người Pháp đã từng cai trị và bóc lột họ. VC lợi dụng kinh nghiệm này để khơi dậy tinh thần bài ngoại, nói đúng ra là bài Mỹ. Những hành động khủng bố nhắm vào người HK vừa nhắm ảnh hưởng dư luận với thế giới vừa nhắm mục đích tuyên tryền lôi kéo người dân về phía họ (VC). Các hoạt động tình báo và phòng ngừa chống khủng bố của cảnh sát vì vậy phải gia tăng. Bộ phận CSĐB phải phân loại dân chúng. Tổ chức an ninh chìm tại các phường khóm, theo dõi những đầu mối khả nghi và tổ chức xâm nhập ngay vào hàng ngũ VC. Điều này tạo thêm gánh nặng nhân sự và tài chánh cho ngành Cảnh Sát vốn đang cần nhiều tài nguyên để phát triển theo với đà gia tăng của chiến tranh.
Vào những năm tiếp theo CSQG không phải chỉ lo ngăn chặn những vụ khủng bố nhắm vào ngưởi Mỹ mà cả những vụ khủng bố và đe dọa tinh thần nhắm vào người dân bình thường, nhất là vào những người dân ở những vùng nông thôn xa xôi . Với trên dưới 10,000 xã của 44 tỉnh việc bảo vệ an ninh chống VC xâm nhập 24/24 rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi một quân số khá đông. Vì vậy an ninh tại nông thôn cũng là một bài toán nhức đầu khác cho CSQG.
Ngoài những vụ khủng bố vừa kể, VC còn gia tăng những hoạt động phá rối trị an khác như xúi dục biểu tình gây khó khăn cho chính phủ. Xin được nhắc lại ở đây là sau khi đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963, quân đội lên cầm quyền đã gặp sự chống đối của rất nhiều thành phần đối lập, và của một số tôn giáo, đặc biệt là từ một giáo phái Phật giáo được coi là nồng cốt trong cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm của Đệ Nhất Cộng Hòa. Những sự chống đối này bề ngoài có vẻ hoàn toàn chính đáng như dòi hỏi dân chủ, đòi bầu cử quốc hội Lập Hiến, đòi công bố một tân Hiến pháp dân chủ...nhưng thực ra thì phần nhiều là do những âm mưu và tham vọng chính trị của một số phe nhóm. Nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ được phát động quy mô. Có thể nói là sau cuộc đảo chánh 1963 biểu tình xuống đường thường xuyên xẩy ra tại một số khá nhiều Thị Xã và thành phố lớn, nhất là tại thủ đô Saigon. Những đòi hỏi nhiều khi chính đáng, nhiều khi rất mơ hồ. Cảnh Sát lại phải tốn công sức đối đầu với những xáo trộn này. Đàn áp một cuộc biểu tình không phải là một công tác khó khăn. Khó khăn chính là làm sao để duy trì được trật tự mà nhân viên Cảnh Sát vẫn không vi phạm vào những nguyên tắc luật định (rule of law) để người dân không bị tước đi quyền tự do phát biểu của mình. Trong rât nhiều trường hợp nhân viên Cảnh Sát đã bị người biểu tình đả thương nhưng vẫn phải chịu đựng vì không thể hành động ngoài luật pháp. (Ở đây chúng tôi xin mở ngoặc để so sánh cách hành xử của người Cảnh Sát-VNCH trước 1975 và Công An CSVN ngày nay đàn áp dã man những người chống đối bất công trong những vụ cướp đất của nhà nước VN. Điều khác biệt này dễ hiểu vì Cảnh Sát VNCH hành xử theo luật pháp của một xã hội dân chủ và pháp trị (rule of law), chỉ được làm những gí mà luật pháp cho phép. Trong khi đó thì người Công An Cộng Sản dùng mọi cách để bảo vệ Đảng và họ làm tất cả những gí mà Đảng cho phép dù trái với những quy định do chính hiến pháp của họ đề ra.)
Một vài biến cố quan trọng và vài chương trình có sự tham dự đặc biệt của Cảnh sát Quốc Gia.
* Vụ Biến Động Miền Trung năm 1966.
Trở lại với tình hình nội chính của VNCH, vào năm 1966 một vụ biến động lớn đã xẩy ra tại Miền Trung VN do một phe của Phật Giáo VN khởi xướng, được lãnh đạo bởi Thương tọa Thích Trí Quang người đã từng chủ động trong cuộc lật đổ Tổng Thống hợp pháp Ngô Đình Diệm của VNCH vào năm 1963 và là người được tuần báo Times thời đó đăng hình trên trang bìa với lời ghi chú "người làm rúng động nước MỸ". Lý cớ (excuse) của việc biểu tình bãi thị của TT. Trí Quang và khối Phật Gíao Ấn Quang tại hai thị xã lớn nhất của Miền Trung là Huế và Đà Nẵng là để phản đối quyết định của Chính Phủ trung ương thay thế Tướng Nguyễn Chánh Thi lúc bấy giờ đang là Tư Lệnh Vùng I, đồng thời đòi hỏi chính phủ mới thành lập do Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ Tướng phải lập tức bầu cử một Quốc Hôi Lập Hiến để soạn thảo một Hiến Pháp mới thay thế hiến pháp trước do TT. Ngô Đình Diệm ban hành từ tháng 10-1956.
Lý do đòi hỏi một Quốc Hội mới và một Hiến Pháp mới có vẻ hợp lý nên dân chúng dễ dàng bị lôi cuốn vào những cuộc biểu tình, đôi khi rất bạo động. Nhưng bên trong còn có những động cơ khác mà người dân không quan tâm chính trị khó biết được. Đó là gây áp lực với chính phủ để đòi hỏi chia sẻ quyền lực cho phe Ấn Quang (hồi ký Nguyễn Cao Kỳ). Phong trào phản kháng và biểu tình đã lôi kéo được sinh viên là những người đầy lý tưởng và nhiệt huyết tham gia. Trong nhiều tháng, hai Thị Xã này gần như tê liệt vì những cuộc biểu tình, đình công bãi thị. Phòng thông tin và Lãnh Sự quán HK bị đốt phá. Chính quyền tại hai thị xã và cả các cơ quan cảnh sát tại hai nơi này gần như bó tay vì muốn tránh đổ máu. Việt Cộng dĩ nhiên lợi dụng thời cơ này ngay từ đầu. Họ gài cán bộ vào đầu não phong trào chống đối dể thao túng tình trạng hỗn loạn (xem Biến Động Miền Trungcủa Liên Thành ). Khi tình hình bạo loạn dâng cao và khi âm mưu biến Miền Trung thành một vùng tự trị theo ý đồ của VC bị lộ liễu, chính quyền trung ương không còn lựa chọn nào khác phải dùng quân đội và CSDC từ Saigon ra Đà Nẵng rồi sau đó là Huế để dẹp loạn. Trong việc tái lập an ninh tại Đà nẵng tổn thất nhân mạng cho đôi bên hơn 100 người.
Sau nhiều tháng xáo trộn , an ninh trật tự tại hai thị xã Đà Nẵng và Huế tuy được vãn hồi nhưng cảnh sát vẫn phải đối đầu với những cuộc biểu tình và phản đối của một số chùa chiền và phật tử 6 tháng liên tiếp sau đó. Điều này đã khiến cảnh sát phải sử dụng số tài nguyên hữu hạn vào một mục tiêu hoàn toàn có tính cách chính trị và do VC giật giây, lấy đi những phương tiện mà cảnh sát đáng lẽ có thể dành cho các nhiệm vụ khác như giúp dân chúng phát triển đời sống trong ổn định và bảo vệ các chương trình bình định và phát triển nông thôn, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các chương trình phát triển kinh tế quốc gia.
Một điều cũng nên nêu ra ở đây là việc bắt giữ, điếu tra và truy tố những kẻ phá rối trị an như trong vụ biến động Miền Trung này nằm ở lằn ranh rất mờ nhạt giữa vi phạm luật pháp quốc gia và quyền hoạt động chính trị. Vì tôn trọng pháp trị nên trong rất nhiều trường hợp cảnh sát phải bó tay. Và cũng chính vì vậy mà những kẻ gây náo loạn vẫn nhởn nhơ gây khó khăn cho việc trị an. Đây là một khó khăn mà có lẽ ít cơ quan cảnh sát tại các xứ khác gặp phải.
VNCH thì khác, vừa phải tìm sự ổn định lâu dài để xây dựng xã hội và phát triển kinh tế lại vừa phải đối đầu với những thách thức mà một cuộc chiến tranh nổi dậy mang đến. Trong cuộc chiến ấy, kẻ thù VC lợi dụng mọi cơ hội để phá hoại và gây cản trở cho công cuộc ổn đinh và phát triển Miền Nam. Việc duy trì an ninh và tôn trong dân chủ trong một chế độ pháp trị quả không dễ thực hành. Nhưng đó lại là trách nhiệm hàng đầu đè nặng trên vai người Cảnh Sát VNCH trong suốt 20 năm chiến tranh 1955-1975.
* Biến cố Tết Mậu Thân 1968.
Một biến cố nổi bật khác khiến cả người dân VN lẫn Hoa Kỳ ngỡ ngàng và khó quên. Đó là trận tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đây là một trận chiến vừa có tính cách quân sự vừa có tính cách chính trị. Quân sự vì VC muốn chủ động xúi dục dân chúng Miền Nam nổi dậy trong sách lược tiến chiếm Miền Nam của chúng. Chính trị vì VC muốn thế giới và nhất là nhân dân HK thấy rằng họ thực sự làm chủ tình hình trên chiến trường và ngay tại các đô thị lớn của VNCH kể cả thủ đô Saigon. VC muốn nhân dân HK thấy rằng quân đội HK không thể chiến thắng họ và kéo dài chuộc chiến chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng tiêu hao nhân sự và tài nguyên của HK. Đây là một trận chiến tuyên truyền và cân não nhắm vào dư luận HK và thế giới hơn là nhắm vào người dân VN.
Tôi nhắc lại trận chiến này ở đây vì nó trực tiếp liên hệ đến Cảnh sát VNCH vào thời điểm đó. Diễn tiến sự việc đại khái như sau: Một thỏa hiệp ngưng bắn trong ba ngày Tết âm lịch giữa hai bên (VC và VNCH) được ký kết để người dân VN và binh lính hai bên có thể bình yên hưỏng 3 ngày Tết truyền thống. Đối với dân VN những ngày này được coi là rất linh thiêng. Là dịp để gia tộc xum họp đón vong linh tổ tiên về với con cháu. Vì có ngưng bắn, hầu hết các đơn vị quân đội đã cho phép 50% binh sĩ xả trại về với gia đình. Nhưng vốn tráo trở, VC đã bất ngờ đồng loạt tấn công vào tất cả các thành phố Mièn Nam bất chấp điều mà họ đã ký kêt. Chúng lựa chọn những mục tiêu nổi bật và dễ gây hoang mang giao động để tấn công. Tại Saigon chúng cho đặc công tấn công vào Phủ Tổng Thống, Tòa Đại Sứ HK, đài Phát Thanh , Bộ Tổng Tham Mưu và một số địa điểm quan trọng khác. Chúng đặc biệt nhắm vào những khu đông dân cư và những xóm nghèo lao động với tin tưởng rằng chúng có thể khích động dân chúng tại các nơi này cùng nổi dậy lật đổ chính quyền hợp pháp VNCH. Vì số binh sĩ còn lại tại nhiệm sở rất ít nên khi VC bất ngờ tấn công phía VNCH có phần bối rối dù binh sĩ phòng thủ cố gắng chống trả.
Chỉ riêng CSQG vẫn phải đề phòng nên lệnh cắm trại 100% vẫn được duy trì. Chính nhờ yếu tố cẩn thận và luôn đề phòng mọi bất trắc này mà CSQG đã đã phản ứng kịp và trở thành tuyến đầu chống trả cuộc tấn công của VC tại các đô tỉnh thi. Tình trạng trong mấy giờ đầu là tại Dinh Độc Lập VC đã áp đảo được quân số phòng thủ, vượt qua được một cổng phụ trên đường Nguyễn Du và đã đưa được một xe hơi chứa vài trăm bánh thuốc nổ vào sân dinh Độc Lập. Chỉ tới khi lực lượng Cảnh sát phản ứng cấp thời mới đẩy lui được nhóm đặc công VC ra khỏi vòng đai dinh ĐL và tiêu diệt chúng một ngày sau đó.
Tại Tòa Đại sứ HK Việt Cộng dùng chất nổ và đặc công tấn công qua tường rào. Chúng đã lên tới lầu 2 của building nhưng sau đó đã bị binh sĩ và quân cảnh HK đẩy lui. Tại Đài phát thanh quốc gia, VC cố gắng chiếm để phát thanh lời kêu gọi tổng nổi dậy. Tại đây chúng đã bị toán Cảnh Sát Dã Chiến phòng thủ đài đẩy lui. Tại Bộ Tổng Tham Mưu và một số địa điểm khác VC tấn công mạnh lúc đầu nhưng sau đó chúng cũng đã thất bại và phải rút lui hoặc bị tiêu diệt.
Đây là một trận tấn công bất ngờ đối với quân dân Miền Nam. Với yếu tố bất ngờ đó, lẽ ra VC đã có nhiều ưu thế để thắng. Nhưng chúng đã thất bại, không chiếm giữ được lâu những vị trí quan trọng, và cũng không phát động được cuộc tổng nổi dậy của dân chúng mà chúng dự trù. Trong trận chiến Mậu Thân này tuy thực sự thất bại về mặt quân sự và chính trị tại VN nhưng VC đã đạt được thắng lợi tuyên truyền trên thế giới và đặc biệt tại HK nhờ các cơ quan tuyền thông quốc tế đã tường thuật một cách không đầy đủ kết quả chung cuộc của trận chiến này đưa đến những nhận định tiêu cực về khả năng tham gia cuộc chiến của quân đội HK tại VN. Chính giới và nhân dân HK hoang mang và đòi xét lại hiệu quả của việc KH tham chiến tại VN. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng trong chính sách HK đưa đến quyết định HK rút khỏi VN bằng Hiệp Định Paris năm 1973, bỏ mặc quân đội và nhân dân VN phải một mình chống trả lại quân xâm lăng Bắc VN được viện trợ dồi dào về vũ khí và các phương tiện chiến tranh khác bởi Trung Cộng và Nga Sô. Sự chiến đấu đơn độc và thiếu vũ khí do nguồn viện trợ bị cắt đứt này của VNCH chỉ kéo dài được tới tháng 4-1975.
Ở đây tôi cũng muốn nhắc lại một sự kiện oan nghiệt trong trận chiến Mậu Thân 1968. Đó là việc Tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư Lệnh CSQG vào thời đó đã bắn chết một tên đặc công VC ngay tại mặt trận. Việc bắn chết tên đặc công này đã được ký giả Eddie Adam thu vào ống kính của đài NBC. Hình ảnh này khi được phổ biến và phát đi đã khiến dư luận HK bất bình và nặng nề chỉ trích chính quyền VN không tôn trọng quy ước tù binh được LHQ công nhận. Ký giả Eddie Adam được trao giải thưởng truyền thông cao quý Pulitzer và người ta không quên nhắc lại hình ảnh này như là một điều tàn ác và đáng ghê tởm trong chiến tranh VN. Chỉ tiếc rằng người ta đã quên không nhắc tới nhiều điều ghê tởm hơn thế nữa như vụ VC tàn sát hơn 5000 người dân Huế cũng trong Tết Mậu Thân này bằng cách dùng cán xẻng và búa rìu đập đầu hoặc chôn sống họ, hay vụ VC pháo kích vào một trường tiểu học tại quận Cai Lậy thuộc tỉnh Định Tường làm thiệt mạng hàng chục em bé học sinh. Đó là chưa kể biết bao trường hợp VC thủ tiêu các cán bộ xã ấp VNCH mà chúng cho là phản động theo giặc (VNCH).

Eddie Adam đã đến Washington DC dự đám tang Tướng Loan với vòng hoa thương tiếc có ghi "Tears are in my eyes" (for you). Ông ngồi cạnh tôi và rất buồn bã về bức hình mà ông đã chụp Tướng Loan bắn tên đặc công VC tại chiến trường. Ông nói ông rất hối hận vì bức hình đó đã chỉ nói lên một nửa sự thật. Nửa sự thật là hình Tướng Loan bắn tên VC. Còn nửa sự thật kia là phần mà bức hình và tác giả của nó đã không nói lên: đó là chỉ ít phút trước đó, tên đặc công VC Bảy Lém này đã đích thân hạ sát cả gia đình một nhân viên cảnh sát gần đó và hắn đã bị bắt khi bỏ chạy khỏi hiện trường và được giao nạp cho Tướng Loan tại mặt trận. Eddie Adam cho biết ông hối hận vì đã giết chết sự nghiệp chính trị của một ông Tướng anh hùng bằng một bức hình nửa sự thật đó. Người ta thường nói: một nửa cái bánh mì thì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật.
Tình huống này không phải chỉ xẩy ra cho Tướng Loan mà những tình huống tương tự còn xẩy ra rất nhiều trong cuộc chiến VN. Nhiều bài bình luận, nhiều bài báo cũng đã chỉ tường thuật một nửa của sự thật trong cuộc chiến VN vì nhiều lý do khác nhau: vì thiên kiến, vì phản chiến, vì những lý do chính trị hay lý do cá nhân. Khi cùng tham chiến thì nhiều người ca tụng Quân Lực VNCH nhưng khi mệt mỏi muốn rút khỏi VN thì người ta tự bào chữa và đổ thừa là tại quân lực ấy yếu hèn không chịu chiến đấu. Và đó là lý do người Mỹ không thể giúp họ lâu hơn nữa. Chiến tranh VN đã qua đi hơn 40 năm, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên can đảm xét lại tất cả để không còn một nửa sự thật nào phải dấu diếm và để 58,000 quân nhân HK đã gục ngã trên chiến trường VN không bị coi là vô ích. Lịch sử cần được viết lại để các thế hệ trẻ bây giờ và mai sau hiểu rõ về cuộc chiến thảm khốc 10 năm mà HK đã tham gia. Trả lại danh dự cho những người đã khuất cũng là việc nên làm và phải làm vì chúng ta là một dân tộc yêu Tự Do và yêu Sự Thật.
Một số chương trình nổi bật của CSQG-VNCH:
- Chương trình Bình Định và Phát Triển Nông Thôn (Pacification and Rural development).
Chương trình Bình Định và Phát Triển là một chương trình phối hợp giữa hai chính phủ HK và VNCH. Chương trình này phối hợp cả thành phần quân đội lẫn dân sự của cả hai phía, nhằm tạo sự ủng hộ và hậu thuẫn của dân chúng cho chính phủ VNCH, nhất là thành phần dân chúng tại nông thôn.
Chương trình này khởi đầu từ năm 1967 và được coi là rất thành công, nhưng đã phải gần như bỏ dở từ năm 1973 khi các thành phần quân sự và dân sự Hk bắt đầu triệt thoái khỏi VN. Tiến triển của chương trình bình định này chậm lại trong thập niên 1970 vì chiến tranh quy ước do VC chủ xướng (conventional war) gia tăng cường độ. Một số nông dân phần vì bị hăm dọa, phần vì VC tuyên truyền, phần vì tài nguyên dành cho chương trình này không còn đầy đủ vì phải dành ưu tiên cho chiến trường, đã dần dà theo VC.
Vào giữa thập niên 60's Phó Đại sứ HK Komer cùng Tướng Creighton Abrams Tư Lệnh quân đội KH tại VN là những người rất tích cực yểm trợ chương trình bình định của VNCH. Ông Komer cho rằng muốn thành công trong chương trình này thì trước hết phải lưu ý tới vấn đề an ninh tại nông thốn để bảo đảm là VC không thể vận động nông dân trong nỗ lực chiến tranh nổi dậy của chúng. Trước đó chính phủ Ngô Đình Diệm đã khá thành công trong việc tách rời nông dân ra khỏi VC bằng chương trình Ấp Chiến Lược (strategic hamlets). Tiếc thay chương trình ấp chiến lược đã bị các tướng lãnh hủy bỏ sau khi đảo chánh TT. Diệm vào năm 1963.
Vẫn theo ông Komer, bước kế tiếp là phải tiệu diệt hạ tầng cơ sở VC (đây là ý niệm đưa đến việc khai sinh chương trình Phụng Hoàng) để dành lại sự ủng hộ chính phủ từ các thành phần nông dân. Kết quả là chương trình Bình Định Phát Triển ra đời (CORDS_Civil operations and Rural development Support) vào năm 1967 mà Cảnh Sát Quốc Gia Nam VN đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong vấn đề an ninh và tiêu diệt hạ tầng cơ sở VC (chiến dịch phượng hoàng). Các chương trình dân vệ (local defense militia) và xây dựng nông thôn (rural development forces) cũng ra đời để phối hợp với CSQG loại trừ VC ra khỏi nông thôn và dành lại sự ủng hộ của nông dân.
Song song với việc phát động chương trình Bình định, Chương trình Chiêu Hồi cũng được phát động. Nhiều cán binh VC đã bỏ ngũ trở về với chính phủ quốc gia. VC rất bối rối. Chúng không thể để mất nông thôn về tay chính quyền vì nông thôn chính là nguồn tiếp tế của chúng và là phương tiện bao vây đô thị trong kế hoạch dành đất dành dân của chúng. Vì vậy VC gia tăng khủng bố và thủ tiêu các viên chức xã ấp, cán bộ xây đựng nông thôn và nhân viên cảnh sát. Chúng dùng những thủ đoạn khủng bố và đe dọa để buộc dân chúng nông thôn theo chúng.
Cảnh sát quốc gia đã tích cực tham gia trong các chương an ninh và tiệu diệt hạ tầng cơ sở chính trị và tiếp tế của VC tại các vùng nông thôn. Các chương trình này được CSQG cùng các đoàn dân vệ và phát triển nông thôn thi hành trong nhiều năm và đã mang lại một Miền Nam tương đối an ninh để công cuộc cải tiến dân sinh và phát triển kinh tế được thực hiện.
- Chương trình Phượng Hoàng (Phoenix Program)
Một chương trình khác do Cảnh Sát VNCH thực hiện rất thành công, nhưng cũng đã không tránh khỏi một số hiểu lầm và chịu khá nhiều chỉ trích từ cả trong nước lẫn trên dư luận quốc tế. Đó là chương trình Phượng Hoàng (Phoenix program ). Đây là một chương trình phối hợp tình báo giữa nhiều cơ quan an ninh quốc gia, có sự tham gia lúc đầu của cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ nhằm khám phá và vô hiệu hóa các cơ sở nằm vùng của VC. Chương trình này được đẩy mạnh sau vụ tấn công Tết Mậu Thân của VC và đã vô hiệu hóa được 81,740 người nằm trong hệ thống cơ sở VC (VC infrastructure) thuộc diện tình báo, giao liên và tiếp tế cho VC. Chương trình này kêu gọi dân chúng bằng cung cấp các thông tin giúp phát hiện những phần tử VC nằm vùng. Đây là chương trình hợp tác quân sự và dân sự mang tên 'phối hợp và khai thác tình báo' (intelligence coordination and exploitation) giúp chính quyền khám phá và tiêu diệt các mạng lưới cơ sở cộng sản. Chương trình rất thành công. Trong năm 1968 đã bắt giữ được trên 13,000 cán bộ cộng sản nằm vùng, chiêu hồi được 2230 cán binh VC. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, tính đến cuối năm 1972, tổng số cán bộ VC chiêu hồi đã lên tới 22,013 và không dưới 70 ngàn VC nằm vùng bị vô hiệu hóa.

Tuy thành công nhưng chương trình Phượng Hoàng cũng không tránh khỏi những chỉ trích. Trước hết là những chỉ trích gay gắt từ phía VC. Họ xuyên tạc rằng đây là chiến dịch nhằm bắt giữ và tiêu diệt đối lập chính trị của chính quyền Nam VN. Và vì chương trình này có sự tham gia lúc đầu của cơ quan tình báo trung ương CIA, dư luận một số báo chí tây phương đã chỉ trích CIA là đã sử dụng những hình thức tra tấn dã man để khai thác tin tức từ những người bị bắt giữ, như tra tấn bằng bình điện, dìm xuống nước (water boarding ) hoặc đóng đinh vào tai nạn nhân. Chiến dịch Phượng Hoàng bị một số dư luận tây phương gọi là "chiến dịch ám sát" của VNCH. Trong chiến dịch Phượng Hoàng, CIA cũng bị tố cáo là đã huấn luyện các đơn vị VNCH các hình thức khủng bố như ám sát, tra tấn, thủ tiêu, hăm dọa nhiều người vô tội.
Nói chung thì ngoài những chỉ trích tất nhiên phải có, chương trình Phượng Hoàng đã thành công trong việc vô hiệu hóa khá nhiều mạng lưới cơ sở VC, giúp chính quyền VNCH giữ vững được an ninh diện địa trên hầu hết các vùng lãnh thổ do VNCH kiểm soát. Theo báo cáo của phía HK thì vào cuối năm 1970 đã có 91% các xã (trên tổng số 10,944 xã) được coi là an ninh hoặc tương đối an ninh, chỉ có 1.4% tổng số xã là do VC kiểm soát. Phía cầm quyền CSVN sau 1975 cũng xác nhận là chương trình Phượng Hoàng đã làm suy yếu các cơ sở VC , tiêu diệt đến 95% cơ sở nằm cùng tại một số khu vực tại Nam VN.
Chiến dịch Phụng Hoàng thực ra đã giúp củng cố an ninh cho Miền Nam. Điều này cho thấy VNCH sụp đổ vào năm 1975 phần lớn là do thiếu phương tiện chiến đấu (viện trợ HK bị cắt đứt) trên chiến trường khi phải đối đầu với lực lượng quân sự được trang bị đầy đủ của VC, chứ không phải do nhân dân nổi dậy như VC tuyên truyền. Tóm lại, nhờ các hoạt động tích cực của các cơ quan chính quyền Nam VN, trong đó có các chương trình và hoạt động của CSQG-VN mà VN vẫn giữ vững được an ninh (territorial security) để vừa chiến đấu chống quân xâm lăng Bắc Việt, vừa phát triển được xã hội và kinh tế Miền Nam.
Ngoài những oan khuất như kể trên, còn có điều tôi muốn nhấn mạnh ở phần này là cảnh sát VNCH có lúc đã phải chiến đấu như một chiến binh tuy đó không phải là nhiệm vụ chính của họ. Họ cũng không được huấn luyện để đảm nhiện công tác chiến đấu như vậy. Nhưng trên thực tế họ đã phải cùng sát cánh với QLVNCH chiến đấu để bảo vệ người dân trên toàn lãnh thổ VN, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, khi tình thế đòi hỏi. Tại một vài tỉnh Miền Trung, CSDC đã từng nhiều lần hành quân cùng với các đơn vị quân đội HK. trong các chiến dịch lùng và diệt địch (search and destroy)
Chính vì những hoạt động đa dạng này mà tôi nghĩ Cảnh Sát VNCH của chúng tôi có những trách nhiệm không giống những cơ quan cảnh sát chuyên nghiệp tại nhiều quốc gia thời bình khác. Rất nhiều cấp chỉ huy của chúng tôi được huấn luyên chuyên môn về cảnh nghiệp (police administration) tại HK nhưng lại được huấn luyện tác chiến chống du kích tại Mã Lai (kế hoạch của Sir Robert Thompson). Những kiến thức chuyên môn về tổ chức và điều hành học hỏi từ các trường huấn luyện HK đã giúp cảnh sát VN cải tiến rất nhiều so với các cơ quan cảnh sát khác tại vùng Đông Nam Á. Chỉ riêng Học Viện CSQG được xây cất với trên hai triệu Mỹ Kim viện trợ thời bấy giờ (1969) sản xuất trung bình hơn 1500 sĩ quan mỗi năm củng đã được coi là một Học Viện cảnh sát lớn nhất Đông Nam Á, được nhiều phái đoàn cảnh sát các quốc gia bạn viếng thăm trao đổi và là nơi thường xuyên đón tiếp các phái đoàn quân sự và chính giới HK mỗi khi họ viếng thăm VN.
Nhiệm vụ đa năng của CSQG-VN là điều tốt nhưng cũng là một bất lợi khi những công tác có tính cách quân sự đã lấy đi thời gian và phương tiện đáng lẽ phải dành cho những lãnh vực chuyên môn của cảnh sát và làm cho việc yểm trợ an ninh đối với các công tác phát triển cộng đồng và phát triển kinh tế bị thiệt thòi. Việc thiếu phương tiện và nhân sự cảnh sát cũng ảnh hưởng đến tiến trình xây dựng và phát triển nền dân chủ phôi thai tại VN phần nào , nhất là tại các vùng nông thôn.
Trong những năm sau cùng của cuộc chiến, trọng tâm của các chương trình dân sự của chính phủ hầu hết đều hướng về nông thôn. Chương trình 'người cầy có ruộng' nhằm cung cấp ruộng cho nông dân làm chủ và khai thác, chương trình phát triển 'ấp tân sinh" , chương trình bầu cử xã ấp, chương trình giúp tín dụng cho nông dân canh tác qua các ngân hàng nông thôn đều nằm trong trọng tâm này của chính phủ VNCH.
CSQG được điều động gia tăng về nông thôn để yểm trợ an ninh cho các chương trình phát triển trên. Trong lễ mãn khóa Sĩ Quan Cảnh Sát vào tháng 4-1972 Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị tất cả các SQ tốt nghiệp phải được gửi về phục vụ tại nông thôn. Ông muốn bình định nông thôn để phát triển dân chủ và tách rời nông dân khỏi những tuyên truyền xảo trá và những đe dọa thường xuyên của VC. Tại nông thôn, các sĩ quan cảnh sát vừa giữ nhiệm vụ Trưởng Cuộc vừa là Ủy Viên an ninh phụ tá Chủ tịch xã. Nhiệm vụ này không kém phần nguy hiểm, nhất là tại các xã thiếu an ninh thường bị VC về ban đêm. Ban ngày thì lo nhiệm vụ chuyên môn, ban đêm thì lo chống đỡ VC. Phải nói rằng trong tình trạng chiến tranh như VN 1954-1975 mà hơn 70% các xã ấp đã bầu cử được hội đồng xã thì quả là một bằng chứng thực thi dân chủ đáng khích lệ. Dĩ nhiên trong đó có sự đóng góp khá lớn của cảnh sát VNCH trong công tác bảo vệ an ninh thôn xóm.
Một vài suy nghĩ về cuộc chiến VN.
Trước hết chúng ta cần tái thẩm định lại cuộc chiến VN mà HK từng tham dự. Chúng ta cần minh định rằng chiến tranh VN không phải chỉ là sự đối đầu bằng võ lực của hai miền Bắc và Nam VN. Đây thực sự là sự đối đầu giữa hai Khối Cộng Sản và Tự Do. Khối CS muốn mà đại diện là Trung Cộng muốn tiến xuống phía nam nhằm nhuộm đỏ toàn cùng Đông Nam Á. Phía thế giới tự do tiêu biểu là KH muốn ngăn cản việc bành trướng đó của khối cộng sản. VN ngẫu nhiên thành một tiền đồn ngăn chặn làn sóng đỏ. Khối Cộng Sản đứng sau lưng viện trợ Bắc Việt và HK sau lưng VNCH. Cả hai miền Bắc và Nam VN đều nhờ vào viện trợ và cung cấp vũ khí của một bên là Nga Sô và Trung Cộng và một bên là HK. Nguồn cung cấp viện trợ và vũ khí bên nào suy giảm thì sẽ bị thất thế và thất bại. Đây là trường hợp Nam VN trở thành kẻ chiến bại năm 1975 khi chính quyền HK cắt giảm viện trợ từ hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm xuống còn trên dưới 300 triệu vào năm 1975. Người lính dù giỏi đến đâu cũng không thể chiến thắng khi không đủ vũ khí và tiếp liệu.
Ở đây tôi không mưốn nhắc đến nhiều nguyên nhân khác nhau khiến VNCH sụp đổ vào tháng tư 1975. Ngoài tương quan về lực lượng quân sự của hai bên Bắc và Nam VN mà chúng ta đều biết, cán cân nghiêng về phía Bắc Việt sau khi HK rút quân và gần như ngưng viện trợ cho VNCH vào giai đoạn 1973-75 . Tôi chỉ muốn ghi nhận rằng trong giai đoạn cuối cùng này đời sống của người dân và xã hội tại Nam Việt nam đã tương đối ổn định nhờ các chính sách phát triển kinh tế, giáo dục, dân sinh và nhất là các chương trình phát huy và duy trì an ninh trong các kế hoạch bình định nông thôn và tiêu diệt hậu cần cơ sở VC như chương trình Phượng Hoàng mà Cảnh Sát VN tích cực tham dự.
Chúng tôi đã thắng về mặt dân sinh so với Miền Bắc VN nhưng chúng tôi đã thua họ trên chiến trường vì thiếu súng đạn. Chúng tôi cũng đã thua họ về mặt tuyên truyền trên diễn đàn dư luận thế giới với phong trào phản chiến và giới truyền thông nhiều thiên lệch tại HK. Trước 1973 chúng tôi đã thua không phải tại chiến trường mà tại HK. Khi nguồn viện trợ bị cắt đứt thì hậu quả tan rã của Nam VN là chuyện phải đến.
Hôm nay chúng tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ, chỉ muốn quý vị hiểu là trong thời chiến VNCH đã thực sự xây dựng được một xã hội tương đối an ninh và phát triển cả về hai mặt kinh tế lẫn xây dựng dân chủ, dù chỉ là một nền kinh tế đang khởi đầu cất cánh và một nền dân chủ phôi thai so với nhiều quốc gia Tây phương khác vào thời đó. Hy vọng là lịch sử sẽ ghi nhận điều này. Tôi cũng hy vọng là các thế hệ trẻ lớn lên tại đất nước này biết rõ một số sự thật về cuộc chiến VN mà cha ông họ đã tham gia.
TMC (2016)