top of page
Banner edge
LIVING TRUST - SINH THỜI TÍN QUẢN

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

LS NGUYỄN DUY TIẾP

“Living Trust” hay “sinh thời tín quản” là một quy chế pháp lý được xử dụng trong việc hoạch định di sản với nhiều mục đích khác nhau. Mục đích thứ nhất là tiết kiệm chi phí liên quan đến thủ tục truyền thừa di sản trước tòa án để bảo tồn khối di sản cho người thừa kế. Mục đích thứ nhì là, qua “sinh thời tín quản”, người thiết lập tín quản vẫn có thể tiếp tục quản trị, đầu tư, và kiểm soát tài sản của mình như không có “sinh thời tín quản” vậy. Và mục đích thứ ba là, cũng qua “sinh thời tín quản”, truyền lại tài sản của mình cho người thừa-kế-chỉ-định sau khi mình qua đời. Ngoài những mục đích chính nói trên, “sinh thời tín quản” còn được xử dụng để thực hiện những mục tiêu khác như chỉ định một quản trị viên chuyên nghiệp cho khối di sản của mình; tạo những điều kiện bảo vệ người phối ngẫu còn sống, con vị thành niên hay con bị khuyết tật về phương diện tài chánh; và có thể giảm bớt thuế di sản liên bang, nếu hội đủ điều kiện.


Quy chế sinh thời tín quản rất uyển chuyển; vì vậy, có nhiều loại sinh thời tín quản khác nhau. Những sinh thời tín quản này được thiết lập tùy theo ý định và mục đích của người thiết lập. Loại sinh thời tín quản thông dụng nhất là sinh thời tín quản khả bãi (revocable living trust), tức là người lập tín quản có thể bãi bỏ sinh thời tín quản của mình bất cứ lúc nào trong lúc sinh thời. Sinh thời tín quản khả bãi khác với sinh thời tín quản bất khả bãi (irrevocable living trust) ở chỗ là người lập tín quản sẽ không được bãi bỏ sinh thời tín quản bất khả bãi của mình. Còn nhiều loại “sinh thời tín quản” khác, nhưng vì nội dung giới hạn của bài này, những “sinh thời tín quản” khác đó sẽ không được đề cập tới. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến sinh thời tín quản khả bãi mà thôi.


“Sinh thời tín quản” luôn luôn có ba thành phần: người lập tín quản (settlor, trustor, hay grantor), người tín quản (trustee), và người thừa kế hay người thụ hưởng (beneficiary). Luật lệ cho phép một người có thể kiêm nhiệm cả ba vai trò nói trên, tức là người lập tín quản có thể vừa là người tín quản và vừa là người thụ hưởng. Đối với những khối di sản lớn, người lập tín quản có thể chỉ định người tín quản chuyên nghiệp đề quản trị tài sản trong “sinh thời tín quản” của mình.


Sinh thời tín quản được luật pháp coi là một “pháp nhân” nên nó có tên riêng và có thể đứng tên làm sở hữu chủ tài sản. Để thiết lập một sinh thời tín quản, người lập tín quản trước tiên sẽ phài ký vào một văn kiện pháp lý có tên là “Declaration of Trust” trước một người notary public. Có thể nói đây là tờ khai sanh của một sinh thời tín quản. Tờ Declaration of Trust thường được soạn bởi một luật sư, trong đó, người lập tín quản đồng ý chuyển những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào sinh thời tín quản của mình, chỉ định một người tín quản để quản trị tài sản thay cho mình, và sau khi mình qua đời, người tín quản đó sẽ trao tài sản trong sinh thời tín quản cho người thừa kế của mình. Để hoàn tất thủ tục thiết lập sinh thời tín quản, người lập tín quản sẽ cần ký giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản của mình qua cho sinh thời tín quản của mình đứng tên.


Sinh thời tín quản thường được thiết lập bởi hai vợ chồng. Tài sản của hai vợ chồng sau khi được chuyển vào sinh thời tín quản sẽ là tài sản của sinh thời tín quản.  Tài sản này sẽ giữ nguyên đặc tính của nó. Vì vậy, một tài sản cộng đồng sau khi chuyển vào sinh thời tín quản sẽ vẫn giữ đặc tính cộng đồng của nó. Nếu sau này sinh thời tín quản bị bãi bỏ, tài sản này sẽ trở lại là tài sản cộng đồng như cũ. Điều này cũng áp dụng cho những tài sản riêng của vợ hoặc chồng.


Tài sản được chuyển vào sinh thời tín quản thường là những tài sản quan trọng có giá trị cao như nhà cửa, bất động sản, cổ phiếu, cổ phần thương mại, cổ phần hùn hạp, etc. Những tài sản này là những tài sản cá nhân mà chủ nhân đứng tên một mình, hoặc tài sản cộng đồng hai vợ chồng đứng tên, hoặc tài sản đứng tên chung với người khác dưới dạng “tenancy in common”.


Đối với những tài sản đứng tên chung với người khác dưới dạng “joint tenancy”, “joint tenancy with right of survivorship”, ”with right of survivorship”, “husband and wife with right of survivorship”, hay những tài sản dưới hình thức accounts mà trong đó chủ nhân của account đã chỉ định người thừa kế như account hưu bổng, T.O.D. (Transfer On Death) accounts, P.O.D. (Payable On Death) accounts, life insurance, thì những tài sản này sẽ không được đặt vào “sinh thời tín quản”  vì, theo sự ấn định của luật pháp, khi chủ nhân qua đời, chúng sẽ được tự động chuyển qua cho người đứng tên chung còn sống hoặc người thừa kế chỉ định trong giấy tờ mở account.


Một câu hỏi được rất nhiều người hỏi là sinh thời tín quản khác biệt gì với chúc thư?  Câu trả lời có thể tóm lược vào vài điểm như sau:


Chúc thư chỉ có giá trị sau khi người làm chúc thư đã qua đời. “Sinh thời tín quản” có giá trị ngay sau khi ký và sau khi tài sản được chuyển qua “sinh thời tín quản”.


Sau khi người làm chúc thư qua đời, di chúc phải qua thủ tục truyền thừa di sản trước toà án. Án phí và lệ phí luật sư trong một vụ di sản trước toà có thể lên tới từ 6% tới 10% trị giá khối di sản hoặc cao hơn. Trong khi đó, nếu người lập tín quản qua đời, thủ tục truyền thừa di sản sẽ không phải qua toà án và sẽ không phải trả án phí và luật sư phí. Người tín quản hoặc người tín quản phụ khuyết, lúc đó, có thể tự mình phân phát di sản theo đúng sự qui định trong bản “Declaration of Trust” của người lập tín quản.


Thủ tục di sản trước toà được áp dụng cho cả trường hợp không có di chúcnếu di sản của người quá-cố-không-di-chúc nhiều hơn $150,000.00 hoặc di sản đó có một bất động sản.


Thủ tục truyền thừa di sản trước toà là một thủ tục công khai, tốn nhiều thời gian, và tất cả giấy tờ hồ sơ sẽ trở thành “public records”. Như vậy, ai cũng có quyền lục xem chi tiết của hồ sơ. Trong khi đó, vì không phải qua thủ tục toà án, thủ tục phân phối di sản của “sinh thời tín quản” sẽ được lẹ làng và kín đáo không ai biết.


“Sinh thời tín quản” có thể làm giảm bớt thuế di sản liên bang (federal estate tax) bằng cách tổng hợp mức miễn thuế di sản (estate tax exemption) của hai vợ chồng trong “sinh thời tín quản” của họ (AB trust). Đây là trường hợp của những cặp vợ chồng có tài sản trị giá cao hơn 11.2 triệu U.S.D.


“Sinh thời tín quản” rất hữu ích khi người lập tín quản không còn khả năng quản trị tài sản nữa hay không muốn quản trị nữa.


Một câu hỏi khác nữa là khi đã có một “sinh thời tín quản,” mình có cần có thêm một di chúc đi kèm hay không? Câu trả lời là có. Sinh thời tín quản thường chỉ bao gồm những tài sản chính và quan trọng. Vì vậy, nhiều tài sản nhỏ hơn sẽ không nằm ở trong sinh thời tín quản. Để không phải qua thủ tục di sản trước toà trong bất cứ trường hợp nào, “sinh thời tín quản” thường được kèm theo một di chúc. Di chúc này được gọi là “Pour Over Will”, theo đó tất cả những tài sản nào chưa nằm trong “sinh thời tín quản” sẽ được đổ vào “sinh thời tín quản” để được phân phối theo sự qui định trong “sinh thời tín quản” khi người lập tín quản qua đời.


Một câu hỏi nữa mà nhiều người hay hỏi là: để có thể cho di sản của mình cho người thừa kế mà không cần thủ tục di sản trước toà, một người có thể cho người thừa kế đứng tên chung tài sản với mình dưới dạng“joint tenancy”, “joint tenancy with right of survivorship”, hay ”with right of survivorship”, do đó chúng ta sẽ không cần phải dùng đến “sinh thời tín quản” nữa, như vậy có được không?


Yếu tố chính để cứu xét trong trường hợp này là sự uyển chuyển của định chế “sinh thời tín quản” trong trường hợp người cho thay đổi ý kiến và không muốn cho người thừa kế hiên tại nữa. Trong “sinh thời tín quản”, khi người cho (tức người lập tín quản) muốn thay đổi ý kiến, người này chỉ cần thay đổi tên người thụ hưởng (tức người nhận) trong văn kiện thành lập “sinh thời tín quản” là xong. Trong khi đó, người cho (donor) trong trường hợp đứng tên chung với người nhận dưới dạng “joint tenancy”, “joint tenancy with right of survivorship”, hay “with right of survivorship” muốn lấy lại tài sản của mình sẽ rất khó khăn vì người thụ hưởng ít khi nào tự ý ký tên trao trả tài sản lại cho người cho (donor), nhất là khi sự bất hòa giữa hai bên là lý do cho sự bãi bỏ sự tặng dữ này.


Câu hỏi cuối cùng là khi nào thì cần có một “sinh thời tín quản”? Nếu mục đích chính là tránh thủ tục di sản trước tòa để bảo tồn khối di sản và bảo mật tin tức về tài sản gia đình thì chúng ta nên có sinh thời tín quản khi mình đứng tên sở hữu một mình một căn nhà, hoặc một bất động sản.


Luật Sư Nguyễn Duy Tiếp

bottom of page