top of page
Banner edge
QUYỀN CỦA BỆNH NHÂN TRONG VIỆC CHỮA TRỊ

DIỄN ĐÀN

TÂM TÌNH

DIỄN ĐÀN 3.png
DIỄN ĐÀN 2.png
DIỄN ĐÀN 1.png

LS NGUYỄN DUY TIẾP

Luật  lệ về y tế của Hoa Kỳ rất phức tạp, bao gồm đủ mọi khía cạnh của ngành y khoa. Sự phức tạp này được gia tăng lũy tiến với hệ thống liên bang, trong đó 50 tiểu bang có 50 hệ thống  luật pháp riêng biệt với nhau. Nói chung, tiểu bang nào cũng có luật lệ bảo vệ những quyền căn bản của bệnh nhân và những  luật lệ này không khác biệt nhau nhiều lắm về phương diện nội  dung. Một số học giả có khuynh hướng coi những quyền căn bản  này như một thành tố của nhân quyền.


Năm  1973, Hiệp Hội Bệnh Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết và chấp thuận  một Bản Nhân Quyền Của Bệnh Nhân (Patient’s Bill of Rights). Bản  Nhân Quyền này sau đó đã được sửa đổi và tu chính vào năm  1992. Bản Nhân Quyền của Bệnh Nhân, trên nguyên tắc, chỉ có giá  trị khuyến khích các bệnh viện hưởng ứng và áp dụng những  quyền của bệnh nhân được liệt kê trong Bản Nhân Quyền mà không  có giá trị chế tài. Trong thực tế, hầu hết các nhà thương  đều hưởng ứng và áp dụng những quyền của bệnh nhân được liệt  kê trong Bản Nhân Quyền của Bệnh Nhân.


Theo luật lệ hiện hành, bệnh nhân được bảo đảm một  số những quyền căn bản trong việc chữa trị như:quyền được đối  xử công bằng không phân biệt đối xử trong mọi dịch vụ y tế;  quyền được quyết định việc trị liệu cho chính mình, không bị  ảnh hưởng áp lực từ bất cứ ai; quyền được từ chối sự chữa  trị do bác sĩ nhà thương đề nghị; quyền được bác sĩ cho biết  kết quả của sự chẩn bệnh; quyền được biết các đề nghị của  bác sĩ về phương pháp chữa trị, cũng như những sự lợi ích,  rủi ro và nguy hiểm của sự chữa trị; quyền được biết về  những phương pháp chữa trị khả thi khác; và quyền được giữ  kín tất cả chi tiết về bệnh lý và sự chữa trị của bệnh  nhân.


Trong ngành phục vụ y tế (medical service providers) như  bác sĩ và nhà thương, luật lệ đòi hỏi là trước khi chữa trị  cho bệnh nhân, giới phục vụ y tế phải thông báo cho bệnh nhân  biết những quyền căn bản nói trên. Thêm vào đó, đạo đức nghề  nghiệp của ngành y khoa cũng đòi hỏi các bác sĩ và nhà thương  phải thi hành những luật lệ bảo vệ quyền căn bản của bệnh  nhân. Vì vậy, các bác sĩ và nhà thương rất thận trọng trong  việc thi hành nhiệm vụ của mình. Trước khi chữa trị cho bệnh  nhân, bác sĩ và nhà thương luôn đòi hỏi bệnh nhân ký vào tờ  “Informed Consent”.


“Informed Consent” (Đồng Ý Hữu Tường). “Informed Consent”  là một văn kiện pháp lý được ký bởi bệnh nhân chứng nhận là  bệnh nhân đã được bác sĩ thông báo và giải thích rõ về sự  chữa trị (tức là bác sĩ sẽ làm những gì cho bệnh nhân), sự  nguy hiểm và rủi ro của sự chữa trị, nếu có, và bệnh nhân  đồng ý cho bác sĩ chữa trị. Lẽ dĩ nhiên, khi ký tờ “Informed  Consent”, bệnh nhân phải còn minh mẫn và biết mình ký cái gì.  Nếu bệnh nhân không còn minh mẫn, tờ “Informed Consent” phải được  ký bởi người được ủy quyền có Durable Power of Attorney for  Health Care của bệnh nhân.


Đối với những bệnh nhân thiếu khả năng Anh Ngữ, tờ  “Informed Consent” phải được thông dịch và người thông dịch viên  phải ký vào phần cuối của tờ này. Nếu chữa trị mà không có  tờ Informed Consent, bác sĩ và nhà thương có thể bị bệnh nhân  kiện về dân sự cho sự vi phạm cơ thể trái phép (battery), bất  cẩn gia trọng (gross negligence), hay bất cẩn nghề nghiệp (medical  malpractice).


Đối với trẻ vị thành niên, tờ “Informed Consent” phải  được ký bởi cha mẹ hoặc người giám hộ. Còn đối với người bị  bệnh tâm trí, tờ “Informed Consent” sẽ được ký bởi người giám  hộ do Tòa Án chỉ định.


Trong trường hợp khẩn cấp hoặc trong trường hợp khám  những bệnh bình thường như cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, v.v..,  luật lệ không đòi hỏi phải có tờ “Informed Consent”.


Ngoài nhiệm vụ thông báo trước cho bệnh nhân qua tờ  “Informed Consent”, giới phục vụ y tế còn có nhiệm vụ phải tôn  trọng những quyết định của bệnh nhân được thể hiện qua những  văn kiện ký trước  như: “Do Not Resuscitate” (Không Hồi Sinh Cấp  Cứu), “Advance Health Care Directive” (Chỉ Thị Trước Về Chữa  Trị), và “Durable Power of Attorney for Health Care”  (Giấy Ủy  Quyền Y Tế Dài Hạn).


“Do Not Resuscitate” (Không Hồi Sinh Cấp Cứu). Form này  được viết tắt là DNR, trong đó bệnh nhân yêu cầu nhân viên y tế  của xe cấp cứu và phòng cấp cứu không được xử dụng bất cứ  phương pháp hồi sinh cấp cứu nào để giúp bệnh nhân được hồi sinh  sau khi bệnh nhân đã ngừng thở hoặc sau khi tim bệnh nhân đã  ngưng đập. Tờ form DNR cần được ký bởi bệnh nhân hay người được  ủy quyền có Durable Power of Attorney for Health Care của bệnh  nhân. Form DNR cũng cần được bác sĩ gia đình của bệnh nhân ký.  Sau khi ký xong, một copy của tờ DNR cần được lưu vào hồ sơ  bệnh lý chính của bệnh nhân. Form DNR có giá trị với xe cấp  cứu và phòng cấp cứu của nhà thương.


Tờ DNR sau khi ký cũng có thể được hủy bỏ bất cứ lúc  nào. Muốn hủy bỏ, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ gia đình  của mình để rút tờ DNR trong hồ sơ bệnh lý của mình, rồi tiêu  hủy nó cùng tất cả các bản sao.


“Advance Health Care Directive” (Chỉ Thị Trước Về Chữa  Trị). Ngày nay với sự tiến bộ của ngành y khoa, một người  trong tình trạng hôn mê bất tỉnh vẫn có thể kéo dài sự sống  với sự trợ giúp của máy trợ sinh. Những máy trợ sinh này có  thể giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, nhưng không thể giúp họ  hồi tỉnh lại được. Do đó, gia đình của bệnh nhân bị đưa vào  một tình thế khó xử. Họ phải quyết định giữa hai giải pháp:  giữ máy hoặc rút máy. Nếu giữ máy, bệnh nhân sẽ sống trên  giường bệnh với sự trợ giúp của máy trợ sinh, nhưng không hy  vọng hồi tỉnh. Nếu rút máy, bệnh nhân chắc chắn sẽ chết, và  sẽ chết một cách nhanh chóng và tự nhiên. Đây là một quyết  định quan trọng liên quan đến nhân bản, luân lý, triết lý (về  sự sống), tài chánh, y tế, xã hội, và luật pháp. Trên quan  điểm nhân bản, luân lý, và triết lý, câu hỏi được đặt ra là  liệu người quyết định có ân hận về sau, sau khi quyết định cắt  bỏ máy trợ sinh cho thân nhân của mình. Trên quan điểm xã hội,  gia đình, và tài chánh, liệu việc cắt bỏ máy trợ sinh có tạo  ra sự căng thẳng và đổ vỡ trong mối liên hệ gia đình hay không.


“Advance Health Care Directive” là một giải pháp cho vấn  đề khó khăn nói trên. Đây là một văn kiện pháp lý được ký vào  lúc người ký tên còn minh mẫn, yêu cầu và chỉ thị trước cho y  sĩ điều trị của mình không được dùng, hoặc phải gỡ bỏ, máy  hồi sinh trong trường hợp người ký tên bị hôn mê và sự hôn mê  đã được chứng nhận bất khả hồi. Vì bệnh nhân đã quyết định  trước cho mình, nên gia đình sẽ không phải quyết định nữa,  tránh được cho họ những ân hận có thể có về sau và cũng  tránh cho họ phải đương đầu với những món nợ y tế của bệnh  nhân.


“Durable Power of Attorney for Health Care” (Giấy Ủy Quyền  Y Tế Dài Hạn). Giấy Ủy Quyền Y Tế Dài Hạn (“Durable Power of  Attorney for Health Care”) cho phép người thụ ủy được phép ký  tất cả giấy tờ liên quan đến việc chữa bệnh của bệnh nhân  (tức “người ủy quyền”) khi bệnh nhân không còn tỉnh táo và minh  mẫn nữa. Chữ “Durable” ở đây có nghĩa là giấy ủy quyền vẫn  có giá trị, mặc dù bệnh nhân (tức “người ủy quyền”) không còn  khả năng ký kết nữa, như khi đã bị hôn mê hoặc mất lý trí.  Thẩm quyền của người thụ ủy y tế được ấn định trong tờ giấy  ủy quyền, tùy theo ý muốn của người ủy quyền. Phần đông,  người ủy quyền ban cho người thụ ủy y tế đầy đủ quyền hành  để có thể thi hành trọn vẹn ý muốn mình. Trên nguyên tắc,  người thụ ủy y tế có quyền ký các văn kiện, như “Informed  Consent”, DNR, và những giấy tờ y tế khác cho người ủy quyền.


“Durable Power of Attorney for Health Care” là một văn kiện  pháp lý nên làm và nên có. Văn kiện này có thể làm rút ngắn  thời gian chờ đợi trước khi chữa trị. Trong cơn nguy cấp, một  phút một giây có thể thay đổi mạng sống của một người.


“The End of Life Option Act of 2016” (Luật về Sự Lựa Chọn  Cuối Đời Năm 2016). Vào năm 2016, California đã ban hành bộ luật  The End of Life Option Act of 2016 cho phép những người bị bệnh nan  y, không còn hy vọng hồi phục, có thể quyết định chấm dứt  cuộc sống của mình với sự trợ giúp của y sĩ. Đây là quyền  được chết với nhân cách mà California đã công nhận qua bộ luật  nói trên. Theo thống kê, tính đến tháng Ba 2018 đã có 111 cư dân  California xử dụng luật này để chấm dứt cuộc sống của họ.  Vào tháng Năm 2018, trong một bản án sơ thẩm, tòa Superior Court  của Quận Hạt Riverside đã tuyên bố là bộ luật The End of Life  Option Act of 2016 bất hợp hiến vì bộ luật này được cơ quan Lập  Pháp California biểu quyết trong một phiên họp đặc biệt và  phiên họp đặc biệt này lại được nhóm họp cho vấn đề khác.  Việc biểu quyết như vậy không đúng với sự đòi hỏi của bản  Hiến Pháp California là luật lệ phải được biểu quyết trong các  phiên họp khoáng đại hay trong phiên hop đặc biệt, nhóm họp  riêng cho luật lệ này. Chưởng Lý California (Attorney General of  California) đã kháng cáo bản án nói trên lên Tòa Kháng Cáo của  California.Trong thời gian chờ đợi kết quả kháng cáo, cư dân  California muốn chấm dứt cuộc sống của mình sẽ phải di chuyển  qua tiểu bang Oregon để thực hiện viêc đó một cách hợp pháp.


Trở lại với tờ “Infomed Consent,” bệnh nhân được yêu cầu  ký tờ “Informed Consent” cho mỗi dịch vụ y tế, vì vậy trong  quá trình chữa trị, bệnh nhân có thể phải ký nhiều tờ  “Informed Consent” khác nhau. Mỗi bác sĩ, mỗi nhà thương đều có  tờ mẫu “Informed Consent” riêng cho mình. Nói chung, nội dung của  những tờ mẫu này không khác biệt nhau nhiều, ngoại trừ phần  dịch vụ y tế cung ứng cho bệnh nhân. Đính kèm là tờ “Informed  Consent” của bệnh viện Stanford được dùng trong những vụ giải  phẫu có gây mê cho quý đồng môn đọc và làm quen để khi hữu sự  sẽ không có sự bỡ ngỡ.


Nói tóm lại, nếu biết trước và chuẩn bị đầy đủ,  việc viếng thăm bác sĩ và nhà thương sẽ dễ dàng và thoải mái  hơn cho chính bản thân và gia đình của mình.


LS Nguyễn Duy Tiếp


bottom of page