top of page
Banner edge
Picture2.png

TÀI LIỆU / LINH TINH

The Politics of Heroin in Southeast Asia
Ma Túy Trên Những Tuần Giang Đỉnh

K3 Lý Ký Hoàng

Phòng Điều Tra Ma Túy (ĐTMT) thuộc Sở Tình Báo Điều Tra Tư Pháp, Khối Tư Pháp, Bộ Tư Lệnh CSQG có trách nhiệm điều tra những vụ vi phạm luật lệ ma túy quốc gia và quốc tế.  Một trong những chiến công của Phòng ĐTMT được nhắc đến trong cuốn ‘’The Politics of Heroin in Southeast Asia’’,  từ nay gọi tắt là PHSA, tác giả Alfred McCoy, nhà xuất bản Harper &  Rows New York phát hành năm 1972.  Cuốn sách này và hình Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn tên VC Bảy Lốp đã gây chấn động trong giới chính trị Hoa Kỳ và thế giới. Theo Wikipedia, PHSA được dịch ra 9 thứ tiếng.  Một trong những nhóm phản chiến tại miền Nam Việt Nam như Linh mục Nguyễn Ngọc Lan đã sao chép và phổ biến PHSA trong nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Được biết sau 30/4/1975, Quân Cán Chính VNCH bị cộng sản giam giữ trong các ngục tù từ Nam ra Bắc đều phải ngồi hàng giờ nghe bọn cán bộ VC lập đi lập lại những cáo buộc trong PHSA, trong đó có nhiều đoạn mà sự thật đã bị bóp méo. Ba mươi sáu năm  sau, báo An Ninh Thế Giới (ANTG) số 79 trang 24, phát hành tháng 2 năm  2008, trong mục ‘Sau Bức Màn Bí Mật’, Tổng Cục An Ninh, Bộ Công An Cộng  Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã phỏng dịch 7 trang trong PHSA và cho đăng với tựa đề: “Ma Túy Trên Những Tuần Giang Đỉnh” của tác giả Nguyễn Hồng Lâm.


Tôi là người trong cuộc được PHSA đề cập từ trang 194 đến 199, và tôi sẽ lần lượt phân tích những chỗ sai của PHSA và báo ANTG.


Câu chuyện trong ANTG bắt đầu với hàng tít lớn: “Những vụ buôn lậu  ma túy bị khám phá trong những năm gần đây đều có số lượng khiếp đảm.  Nhưng về quy mô, chúng vẫn còn kém xa những gì đã xảy ra liên tục ở Miền Nam Việt Nam trước 1975. Lật lại hồ sơ, đó là những vụ buôn lậu quốc tế, dòng chảy ma túy đã được hộ tống bởi cả máy bay, xe tăng, tuần giang đỉnh. Hầu hết những vụ ‘làm ăn’ ấy đều được hậu thuẫn, nếu không muốn nói là được trực tiếp tổ chức thực hiện bởi những kẻ tai to mặt lớn khoác trên mình bộ quân phục VNCH’’.


Nhiều người thắc mắc hỏi cáo buộc nêu trên có đúng không? Tại sao  Cộng Sản VN lại hâm nóng vụ này sau 36 năm? Chuyện này thực hư như thế nào?


Tôi là người trực tiếp điều tra những vụ án ma túy quốc tế từ 1968 đến 1975 tại Phòng Điều Tra Ma Túy, Khối Tư Pháp, BTL CSQG; và kể từ ngày 11 tháng 5 năm 1975, là người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Đặc Vụ Trưởng (Supervisory Special Agent) của cơ quan Drug Enforcement Administration (DEA) cho đến lúc về hưu ngày 31 tháng 8 năm 2004. Chức vụ cuối cùng là Tùy Viên DEA (Narcotics Attaché) tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ, Hà Nội 1999 và Tư Lệnh DEA tại vùng Đông Bắc Thái Lan và  Kampuchea 2002-2004 (DEA Resident Agent-in Charge, Udorn, Thailand). Tôi viết bài này với mục đích làm sáng tỏ vấn đề. Xin độc giả lưu ý, bài viết có 2 loại chữ. Chữ viết thẳng là những đoạn trích từ PHSA và ANTG.  Chữ viết nghiêng và những hình ảnh là phân tích của tôi.


Mở đầu câu chuyện, trang 194 PHSA, đoạn cuối (last paragraph) có nói  đến một nhân vật gốc Triều Châu với biệt danh “Mr. Big” bên Bangkok,  Thái Lan, báo ANTG phịa ra tên “Lâm Xung”. Tài liệu của Phòng ĐTMT, Khối Tư Pháp, BTL CSQG ghi rõ tên thật của người này là Suthep Benchaipoki, quốc tịch Thái Lan. Suthep có 2 đối tác người Việt gốc Hoa tại Chợ Lớn là Trần Minh và Tân Thọ Huân. Cả PHSA và ANTG đều không biết đến Tân Thọ Huân. ANTG còn phịa thêm tên “Trần Minh Khố Chuối”. Trong quá trình  điều tra, tôi chưa bao giờ nghe đến ‘’hỗn danh’’ Trần Minh Khố Chuối. Trần Minh là một nhà tài phiệt chuyên kinh doanh đồ nhựa.  Hắn đâu nghèo đến độ phải dùng “khố chuối”. Báo ANTG còn viết “Lật lại hồ sơ”. Tôi không hiểu họ muốn nói đến hồ sơ nào? của ai? Trong bài này, tôi sẽ đề nghị hai hồ sơ "tối mật" và yêu cầu Ông Nguyễn Hồng Lâm nên “lật  lại’’.


Trang 195 PHSA đề cập đến ‘‘The Vietnamese Navy, of course, was to provide protection” và để làm như chuyện có thật, Alfred McCoy chỉ vào bản đồ  “See map 5, page 155”. Làm sao McCoy biết được Hải Quân Việt Nam bảo kê cho việc chuyển vận ma túy của Trần Minh? Và bản đồ do ai cung cấp?  hay do McCoy tự vẽ? McCoy nói nguồn tin từ bên trong Hải Quân VNCH. Tin này, do ai kiểm chứng? Nhà biên khảo lương thiện không nên đưa ra lời cáo buộc vô căn cứ như vậy.


Cũng trang 195, McCoy viết tiếp, “Sometimes in mid 1970, a Thai  Fishing vessel arrived off the coast of Puolo Dama, a tiny Vietnamese  island in the Gulf of Siam, with the first shipment. Waiting for the  boat was a Vietnamese fishing boat under the command of a Chiu Chau  captain named Tang Hai.  Báo ANTG tự ý đổi tên Tăng Hải thành Đặng Hải.  Tại sao phải đổi tên nhân vật chính trong đường dây chuyển vận ma túy?  “Vén Màn Bí Mật” có phải là chuyện khoa học giả tưởng không? Báo ANTG  còn phịa thêm: ‘‘Cách đó không xa, vài tuần hải đỉnh của Hải Quân VNCH  lượn lờ cảnh giới’’. McCoy không có ghi trong PHSA thì tác giả Nguyễn Hồng Lâm lúc đó còn ở ngoài Bắc làm sao biết có tàu Hải Quân VNCH đang  “lượn lờ cảnh giới”?


Tăng Hải khai: Đầu năm 1971 Tân Thọ Huân đặt kế hoạch cho tàu đánh  cá Thái Lan vào hải phận VN, cách hòn Khoai 5 Hải lý về phía Tây. Nửa  đêm tàu Thái Lan đến, dùng đèn chớp để liên lạc. Mật hiệu 4x4. Tàu Thái  Lan chớp đèn 3 lần, Tăng Hải chớp đèn lại 1 lần, Tàu Thái Lan chớp đèn 2  lần, Tăng Hải chớp đèn lại hai lần, Tàu Thái Lan chớp 1 lần, Tăng Hải  chớp lại 3 lần. Tất cả 4 lần, và cộng lại sao cho đủ 4 lần đối đáp với 16 cái chớp đèn và sau đó 2 tàu sẽ tiến lại gần nhau. Tăng Hải và thuyền  trưởng tàu đánh cá Thái Lan đều nói được tiếng Tiều nên không gặp trở  ngại trong chuyện giao tiếp. Chuyến đầu họ chuyển thành công 200 bánh  thuốc phiện (prepared opium) mỗi bánh nặng 1 kilo 400 grams.

Tăng Hải giấu thuốc phiện dưới hầm cá, đem về Rạch Giá chuyển qua ghe tam bản của một tài công người Việt gốc Hoa tên Lý Triệu Hồng. Lý Triệu Hồng  giấu 200 bánh thuốc phiện dưới đáy ghe và theo thủy trình kinh rạch qua  Cần Thơ, sau đó về bến Bình Tây, Chợ Lớn, giao hàng cho Trần Minh và Tân Thọ Huân. Tân Thọ Huân dùng xe tải nhỏ đem thuốc phiện về giấu trong  kho của Trần Minh trong quận 6, Saigon và sau đó mang đi tiêu thụ tại các động hút như Cây Da Xà ở Phú Thọ Hòa, Saigon và bán lẻ cho các đại  lý bí mật.


McCoy  viết thêm: “All the traffic on these waterways was police and protected  by the Vietnamese navy.” Đây là một trong những cái sai của McCoy. Có  lẽ anh ta không biết sông rạch miền Nam VN chằng chịt, chỉ có Lực Lượng  Giang Cảnh VNCH được giao trách nhiệm tuần tra trên sông rạch. Hải Quân VNCH không có nhiệm vụ khám xét tàu thuyền trên kinh rạch thì làm sao có thể bảo kê cho các chuyến hàng của Trần Minh. Họ tìm nguồn tài chánh từ đâu để chi cho việc bảo vệ thủy lộ từ Rạch Giá về Saigon. Ngoài ra, Hải  Quân VNCH tại căn cứ Rạch Sỏi chỉ gồm những tuần dương hạm, làm sao mang tàu chiến cỡ lớn len lỏi vào sông rạch, nhiều con rạch chỉ rộng hơn chục mét, đủ để chiếc ghe tam bản lọt qua. Cáo buộc cho rằng Hải Quân VNCH có quyền “police and protect” ghe thuyền là sai sự thật. Chỉ có Lực Lượng Giang Cảnh mới có quyền khám xét tàu thuyền trên sông rạch.


Cũng trang 195, McCoy viết tiếp: “Tran Minh’s business prospered and the smuggling continued. By the third shipment, Mr. Tran Minh decided to expand into the GI market and ordered ten kilograms of Double U-O Globe brand heroin as well as the usual two hundred kilos of opium”.

Báo ANTG dịch: “Thấy thành công quá dễ, đầu năm 1971, ngoài 200 kg  thuốc phiện, Trần Minh phấn khích đặt mua thêm mỗi chuyến 10 kg heroin  (30 bánh) số 4 hiệu Double U-O Globle (người Việt gọi tắt là hiệu hai  con sư tử, độ tinh khiết 99,99%, đắt gấp 16 lần heroin số 3 sản xuất  tại Marseille Pháp).


ANTG mắc hai cái sai lầm. Thứ nhất Heroin # 4 thuốc dạng viên hạt nhỏ li ti, được đóng gói trong bao ny lon chớ không đóng thành bánh.  (Xin nói rõ là heroin được bán trong lọ plastic, dân chơi gọi là cóng xì ke. Dân buôn bán đo heroin bằng chén, vì vậy heroin càng có nhiều hạt như xà bông bột, càng có giá cao. Heroin nát là loại đã có pha trộn).  Mỗi bao heroin cân nặng 750 gram. Một "unit" hay “một cặp” là hai gói, nặng 1 kilo 400 grams.


Cái  sai lầm thứ hai của ANTG: Sở Giảo Nghiệm thuộc Bộ Tư Lệnh CSQG/VNCH để lại đầy đủ hồ sơ và Special Testing Laboratory của DEA sau khi lấy mẫu cho biết độ tinh khiết của Heroin Hydrocloride trong vụ này khoảng 88%  tinh chất, còn lại là tạp chất không khử được trong quá trình điều chế từ thuốc phiện sang morphine base và sau đó chuyển sang diacetyl morphine (còn gọi là heroin hydrochloride). Cũng nên nói thêm là heroin được lén lút điều chế trong núi rừng Tam Giác Vàng (Golden Triangle), thuộc lãnh thổ Miến Điện. Tiền chất phải có để điều chế  heroin từ nhựa  á phiện (raw opium) như Axit Acetic, amonuium chloride đều phải bí mật chuyển qua biên thùy Thái Lan, sau đó được tải trên lưng lừa, ngựa, vượt  suối, băng ngàn, trốn tránh pháp luật rồi mới tới nơi điều chế bí mật  (clandestine laboratories). ANTG thiếu hiểu biết về heroin nên phóng đại và gán cho độ tinh chất 99.99%. Độ tinh chất này không hề có trong lịch sử điều chế ma túy. Heroin được đóng gói trong bao nylon có in nhãn hiệu “Song Sư Hí Cầu” (Hai con sư tử vờn cầu) và hàng chữ tàu “Nhất Phàm Phong Thuận” (Một cánh buồm thuận gió, ý nói mua bán nhãn hiệu heroin này sẽ được thuận buồm xuôi gió).


PHSA trang 195 viết: “By mid 1971, business was going so well that the Cholon syndicate boss ordered a double shipment …four hundred kilos  of opium and sixty kilos of heroin. The heroin alone was worth more than  $720,000 retail and for the fishing captain Tang Hai and his military  protectors at Rach Soi Naval Base it turned out to be an irresistible  temptation’’. Đoạn này báo ANTG còn phịa thêm: “Ngoài người nhận hàng Đặng Hải, Trần Minh còn bố trí thêm 20 Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan khác của  căn cứ Hải Quân Rạch Sỏi đi theo bảo vệ chuyến ăn hàng’’. Tôi muốn hỏi Ông Nguyễn Hồng Lâm:  Chi tiết này ông "lật lại" từ hồ sơ nào?


ANTG viết tiếp: Chỉ tính riêng 60 kg heroin nếu bán lẻ cũng đã có giá 720,000USD cộng với 400 kg thuốc phiện, lô hàng có giá trị lên đến cả triệu USD (thời giá năm 1971). Số tiền quá lớn khiến tên chủ ghe Đặng  Hải và những Sĩ Quan Hải Quân ở căn cứ Rạch Sỏi nổi lòng tham, chúng  quyết định dàn cảnh hốt tay trên lô hàng này. Thay vì chở hàng về Rạch  Giá, Đặng Hải đã cho ghe chạy thẳng ra đảo Phú Quốc tìm chỗ vắng trong  rừng chôn hàng lại, sau đó y bảo với người liên lạc của Trần Minh là hàng đã bị Hải Quân cướp mất. Trần Minh không chút nghi ngờ, lại tiếp tục thuê Đặng Hải làm thuyết khách “xin chuộc’’ lại số hàng với giá  25,000USD.


PHSA cuối trang 195 và đầu trang 196 viết tiếp: “ Tang Hai returned  to Phu Quoc Island, dug up most of the cache, and delivered half of the  original shipment to the contact man in Rach Gia, burying the  difference near his home. The contact man hired the usual sampan owner to smuggle the drugs in Cholon, but he was robbed, this time for real, by three ARVN corporals only ten miles up the canal from Rach Gia”.


ANTG dịch: “Đút tiền vào túi, Hải trở ra Phú Quốc đào ma túy lên, đưa một nửa cho người liên lạc của Trần Minh, nửa còn lại đem về nhà mình cất giấu. Người liên lạc của Trần Minh thuê một chiếc ghe quen, đưa số hàng vừa chuộc được theo đường sông về Sài Gòn ngay trong đêm. Mới  rời Rạch Giá được non 20km, chuyến hàng này lại bị ba chú lính VNCH lạ  hoắc chận ghe cướp mất. Lần này là cướp thật chứ không dàn cảnh dàn kiếc gì hết. Chính Đặng Hải là kẻ chỉ điểm và chỉ đạo ba tên lính kia cướp  hàng để tránh khỏi phải chia phần với cánh hải quân’’.


ANTG lại hư cấu việc Tăng Hải “chỉ điểm và chỉ đạo cho 3 tên lính kia cướp hàng để khỏi phải chia phần với cánh hải quân’’. Qua điều tra, tôi được biết Tân Thọ Huân thuê Lý Triệu Hồng đem số thuốc phiện và  heroin giấu dưới đáy tam bản. Đi được gần 20 cây số, Lý Triệu Hồng chợt  nhớ lúc ra đi vì vội vã nên quên đem theo giấy tờ. Lý Triệu Hồng cho neo  ghe và để vợ ở lại giữ ghe, hắn ta tức tốc trở về Rạch Giá lấy giấy tờ.  Vừa trở lại thì gặp hai tên cướp có võ trang súng Colt 45 đang chờ sẵn dưới ghe. Chúng ra lệnh cho vợ Lý Triệu Hồng nấu cơm cho bọn chúng ăn.  Sau đó, hai tên cướp tên thật là Trần Văn Hấu và Nguyễn Văn Lếnh thuộc  một đơn vị Địa Phương Quân gần đó gọi xe lôi 3 bánh (loại xe gắn máy có  thùng phía sau) chở hết số thuốc phiện và heroin về nhà người bà con của chúng tại Vàm Ba Lịch cất giấu dưới đống vỏ dừa. Tài xế xe lôi khai phải chở hơn 10 chuyến, đến gần sáng mới xong. Tăng Hải không quen biết hai tên Hấu và Lếnh nhưng biết chúng là dân cờ bạc, đem thuốc phiện và heroin bán tại các sòng bạc. Tăng Hải không bán được hàng vì hắn chỉ là tài công tàu đánh cá, không tìm ra khách mua ma túy.


PHSA trang 196 viết: “Mr. Tran Minh informed Bangkok that he had  been robbed twice and could not pay for the shipment. The Bangkok  financier, however, immediately assumed that he was being cheated and decided to wipe out the entire Vietnamese syndicate”.


ANTG viết: “Đã thua đơn lại còn thiệt kép, Trần Minh bèn cho người bay ngay sang Băng Cốc báo cho bang Triều Châu biết việc bị cướp hai lần, không thể trả tiền lô hàng đã mua, xin nhận lô hàng mới về bán, trả dần tiền. Ông trùm Lâm Xương cho rằng bị Trần Minh và đồng bọn lừa,  quyết định mượn tay cảnh sát xóa sổ bang Chợ Lớn”.


Trong cuộc điều tra, Tăng Hải khai hắn biết chủ hàng bên Thái Lan đã  gởi thám sát qua Chợ Lớn và Rạch Giá tìm hiểu xem thuốc phiện và heroin có bị khan hiếm không. Vì hai tên Hấu và Lếnh đã bán bớt một số thuốc phiện, heroin của Suthep Benchaipoki tại Rạch Giá, một ít đã về đến Sài Gòn. Thám sát Thái Lan lập tức đánh điện về Bangkok cho biết rằng hàng đã có mặt trên thị trường Việt Nam. Suthep nghĩ rằng Trần Minh và Tân Thọ Huân lường gạt mình nên quyết định mượn tay cảnh sát để trả thù.


PHSA trang 196 viết tiếp: “The Thai fishing captain was selected as the informer and he approached Col. Pramual Vangibandhu of the Thai  Central Narcotics Bureau with a proposition…Col Pramual accepted the  offer and contacted U.S. narcotics agent William Wanzeck, asking him to arrange a meeting with the Vietnamese. The two men flew to Saigon, where they met with the head of the Vietnamese Narcotics Police, Redactor Ly  Ky Hoang, and U.S. narcotics agent Fred Dick”.


ANTG dịch: “Cùng với chuyên gia của DEA (Cục Phòng Chống Ma Túy  Trung Ương Mỹ) William Wanzeck, một tay Do Thái gốc Ba Lan, Đại Tá  Pramual đã bay sang Sài Gòn gặp sếp ma túy VNCH Lý Ký Hoàng và một nhân viên DEA khác là Fred Dick hoạch định kế hoạch giăng lưới cất vó bang Chợ Lớn”.


Ông William Wanzeck không hề tới Sài Gòn và tôi cũng không biết ông  ta có phải là “một tay Do Thái gốc Ba Lan” hay không. DEA Bangkok cử  Special Agent Jack Greene và Đại Tá Pramual đưa tài công tàu đánh cá  Thái Lan, (bấy giờ là Mật Báo Viên) sang Sài Gòn gặp Chủ Sự Phòng Điều Tra Ma Túy là Biên Tập Viên (Đại Úy CSQG) Lý Ký Hoàng và DEA Special Agent Fred Dick, lúc đó là Tùy Viên DEA tại Sứ Quán Hoa Kỳ, Saigon.


PHSA viết: “It was agreed that there should be two simultaneous raids; the Vietnamese National Police would bust the Saigon syndicate, while  Redactor Hoang, Colonel Pramual and Fred Dick flew to Rach Gia to arrest Tang Hai and his cohorts’’.


ANTG viết: ‘‘Từ hai cái tên Trần Minh và Đặng Hải, Cảnh Sát nhanh  chóng khui ra toàn bộ tổ chức và nhân sự của bang Triều Châu Chợ Lớn do  nhà tư sản ngành nhựa cầm đầu’’.


Biên Tập Viên (Đại Úy CSQG) Lý Ký Hoàng sau khi lấy lời khai thuyền  trưởng tàu đánh cá Thái Lan, đã đặt kế hoạch huy động tất cả nhân viên  Phòng ĐTMT, Sở Tình Báo ĐTTP bám sát mọi hoạt động của Trần Minh. Lý Ký  Hoàng yêu cầu DEA cung cấp phương tiện đi Rạch Giá ngày hôm sau cùng với  Đại Úy Nguyễn Văn Chín (sau này được thăng cấp Thiếu Tá CSQG), Trung Úy Nguyễn Minh Đức, Trưởng ban 1, Phòng ĐTMT, Khối Tư Pháp, BTL CSQG. Đúng 7 giờ sáng, chiếc Beechcraft 6 chỗ ngồi của hãng Air America đưa chúng  tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất đi Rạch Giá. Hành khách gồm Ông Fred  Dick, Tùy Viên DEA Sài Gòn, thuyền trưởng tàu đánh cá Thái Lan, Thiếu Tá Chín, Trung Úy Đức và tôi. Đại Tá Pramual không đi theo vì ông ta không  có chức năng tại VN nên chúng tôi không thể bảo vệ ông ta.


PHSA viết: “The two raids were planned for 9:30 AM on July 25 1971,  less than three weeks after the drugs arrived off Hon Panjang Island.  The Saigon raid came off perfectly, but at Rach Gia, Redactor Hoang  found that Tang Hai was not at home ’’.


ANTG dịch: “9h30’ sáng ngày 25/7/1971, được hỗ trợ bởi các chuyên gia Mỹ và Thái Lan, Cảnh Sát chống ma túy Sài Gòn đã đồng loạt tấn công  hang ổ của những tên buôn lậu ma túy ở cả Chợ Lớn và Rạch Giá. Tại Chợ Lớn, 60 tên buôn lậu ma túy cùng 51 kg heroin, 334 kg thuốc phiện bị bắt ngay tại trận’’.


Sự thật thì hơn 60 tên buôn bán ma túy cỡ lớn và cỡ trung bị cảnh sát điều tra ma túy bắt tại Chợ Lớn. Riêng số tang vật 51 kilo heroin và 334 kilo thuốc phiện do chúng tôi tịch thu tại Phú Quốc, Rạch Giá chớ không phải tại Chợ Lớn. Cùng với tang vật, nhóm chúng tôi bắt được Tăng Hải, Lý Triệu Hồng, và hai tên cướp Hấu, Lếnh. Cuộc săn bắt tội phạm và tịch thu tang vật tiếp diễn hơn 3 ngày. Trang 196, 197 và 198 PHSA và  báo ANTG tường thuật như chuyện trong phim ảnh. Cuối năm 1971, McCoy  gởi nữ phóng viên Cathleen B. Reed đến BTL CSQG phỏng vấn BTV Lý Ký Hoàng. Cathleen Reed trở về trao bản thảo cho McCoy. McCoy vẽ vời thêm, tai hại nhất là cáo buộc các chiến sĩ Hải Quân Rạch Giá tổ chức chuyển vận ma túy. McCoy lại kéo thêm các đơn vị Hải Quân Tân Châu, Hồng Ngự, cách Rạch Giá vài trăm cây số đường kinh rạch vào việc chuyển vận ma túy này.


Lúc tôi đến nhà Tăng Hải thì hắn đã đi khỏi. Tôi đóng vai sứ giả của  ‘‘Ông Chủ’’ cần gặp Tăng Hải để bàn công việc. Em gái Tăng Hải khoảng 20 tuổi, khá xinh đang nấu cơm sau nhà cho biết Tăng Hải đang có tiệc tại một nhà hàng cách Rạch Giá hơn 10 cây số. Tôi nhờ cô chỉ đường nhưng  cô nói tôi không thể nào tìm ra được. Tôi khen cô ta xinh đẹp nhưng  không hiểu tại sao Tăng Hải lại ‘‘giấu’’ cô ở xó bếp như thế này. Cô gái  quê đỏ mặt, hứa sau khi nấu cơm xong, cô sẽ đưa tôi đi tìm Tăng Hải. Tôi cám ơn và hẹn nửa giờ sau trở lại để cùng đi với cô. Sau đó, tôi bí mật đến gặp Thiếu Tá Chín, Trung Úy Đức và Ông Fred Dick đang đóng vai  du khách gần đó, tôi căn dặn họ bám theo tôi và cô em gái của Tăng Hải.  Khi tìm được hắn, tôi sẽ ra dấu cho cảnh sát ập vào bắt.


Theo kế hoạch, Bộ Chỉ Huy CSQG Rạch Giá cho vài nhân viên theo Thiếu  Tá Chín để bảo vệ tôi.  Đến nơi, cô em chỉ vào một quán nhậu đồng quê,  mái tranh vách lá, không tên không bảng hiệu. Thảo nào cô em gái Tăng  Hải nói chỗ này khó tìm. Tôi không muốn cô nhìn thấy cảnh Tăng Hải bị  bắt nên trả tiền chuyến xe và khuyên cô em trở về Rạch Giá vì tôi còn ở  đây rất lâu. Tăng Hải đang ngồi “nhậu” với khoảng 20 người lính hải quân, súng ống gác la liệt gần đó. Tôi đến tự giới thiệu là người của “Ông  Chủ” từ Chợ Lớn đến, cần nói chuyện riêng với Tăng Hải. Hải trả lời đang bận và hẹn gặp tôi 2 giờ sau. Tôi kề tai Tăng Hải nói nhỏ ‘‘Ông Chủ đang chờ anh ngoài kia, ông không muốn cho ai thấy mặt’’. Tăng Hải vội lấy khăn lau miệng, xin lỗi thực khách, theo tôi ra ngoài. Vừa bước ra khỏi quán nhậu, hắn hỏi tôi ‘‘Ông Chủ đâu?”, tôi liền nói cho hắn biết tên họ, chức vụ và có lệnh bắt hắn. Tôi ra dấu cho Thiếu Tá Chín, Trung Úy Đức cùng nhân viên Cảnh Sát QG Rạch Giá xông tới, còng tay Tăng Hải và đẩy hắn lên xe Jeep. Sau đó, tôi ra lệnh rút quân và đưa Tăng Hải về Bộ Chỉ Huy CSQG Rạch Giá để chấp cung.


Vừa rời quán nhậu độ 5 phút, tôi thấy có xe quân đội đuổi theo. Tôi yêu cầu tài xế cảnh sát tấp vào một căn nhà gạch gần đó để xem mục đích  của họ. Tôi chỉ lo là họ không cho tôi bắt Tăng Hải, làm bể kế hoạch.  Đồng bọn của Tăng Hải sẽ tẩu tán tang vật và cao bay xa chạy. Nhìn qua  cửa sổ, Ông Dick đếm được khoảng hơn 10 người lính Hải Quân trang bị  súng M-16 đang bao vây chúng tôi. Tôi đang ngồi trên xe Cảnh Sát, gọi  máy điện đàm về Bộ Chỉ Huy CSQG Rạch Giá xin tiếp viện nhưng vì quá xa, tôi gọi mãi không được. Sau có một nhân viên CSQG mặc thường phục tiến đến gần xe cảnh sát và hỏi tôi có cần giúp sức không. Tôi nhờ anh ta cấp tốc trở về Rạch Giá gọi viện binh, xong tôi phóng chạy, áp sát bên hông một chiếc xe Lam dùng làm lá chắn để vào căn nhà gạch chỉ huy việc phòng thủ và chờ viện binh.


Tôi nhận định có lẽ mấy người lính hải quân bị “mất mặt” vì Cảnh Sát làm bể tiệc rượu của họ.  Tục ngữ Việt Nam có câu “Trời đánh còn tránh bữa ăn”. Đằng này, tôi bắt Tăng Hải giữa bàn tiệc, họ không phản ứng thì còn mặt mũi nào nữa. Nghĩ như vậy, tôi nhờ Ông Dick đóng vai “Lê Lai Cứu Chúa’’, bước ra nói chuyện với viên Sĩ quan chỉ huy, cho họ biết đây là một vụ điều tra của Bộ TL CSQG và Cảnh Sát Quốc Tế, chớ không phải của địa phương, anh ta không nên dính líu và nhất là không nên cản trở nhân viên công lực thi hành nhiệm vụ. Nghe xong viên chỉ huy tái mặt, nhìn Ông Dick gật đầu rồi ra lệnh cho thuộc cấp lên xe rút lui. Tôi thầm nghĩ, nếu là đồng bọn của Tăng Hải, họ không thể bỏ đi dễ dàng như  vậy và nếu họ nổ súng giải vây, chắc chắn sẽ có đổ máu vì chúng tôi  không đủ trang bị và nhân lực để chống lại họ. Vụ này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có cho điều tra và kết luận “Chuyện có ít mà họ (McCoy) xít  ra cho nhiều”.


Tóm lại, cuốn PHSA và ANTG dùng câu chuyện bắt ma túy để quàng sang việc Hải Quân Rạch Sỏi, Hải Quân Tân Châu, Hồng Ngự và các cấp chỉ huy Hải quân đều có dính líu, bảo kê, hộ tống, chuyển vận ma túy bằng các giang đỉnh, máy bay xe tăng v.v… Đây là những cáo buộc vô căn cứ nhằm  làm suy yếu tiềm năng chiến đấu của Quân Lực VNCH. Cũng nên nhắc lại, thời điểm này, sinh viên biểu tình, phản chiến lan tràn khắp nước Hoa  Kỳ, nhất là tại trường Đại Học Kent State nơi 6 sinh viên xô xát với cảnh sát và bị bắn chết. Họ phản đối việc Quân Lực VNCH vượt biên giới sang Cao Miên để đánh vào hang ổ của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt. Vì vậy, nhóm phản chiến chủ tâm bôi bẩn các đơn vị Hải Quân tại biên giới Việt Miên và cố tình lờ đi những chiến công của Hải Quân VNCH và CSQG.


Nếu ANTG và Ông Nguyễn Hồng Lâm cần "lật lại hồ sơ", tôi đề nghị nên công bằng một tí, nhờ quý ngài thử "lật lại" vụ Vũ Xuân Trường, Đại  Úy Cảnh Sát thuộc Cục Cảnh Sát Điều Tra Các Tội Phạm về Ma Túy, Tổng Cục Cảnh Sát Nhân Dân, Bộ Công An Nước CHXHCNVN, P5 C14 xem năm 1995, Vũ  Xuân Trường dùng công xa riêng của Thượng Tướng Công An Lê Thế Tiệm, Thứ  Trưởng Bộ Công An, đem heroin từ Lào sang cửa khẩu Điện Biên như thế nào?  Vũ Xuân Trường và Đại Tá Nguyễn Thế Bình Cục Trưởng Cục Điều Tra bán xe tang vật trong đó có hơn 10 kilo heroin dấu trong bình xăng. Sau đó Vũ Xuân Trường mua xe lại, lấy heroin bán ra chia chác cho ai? Quan cho mượn xe có hay biết gì không? Tại sao Vũ Xuân Trường dám “đâm” sau  lưng một Ủy Viên Trung Ương Đảng Cộng Sản VN?


Nội vụ bị đổ bể vì người mua xe không hiểu tại sao xe lại mau hết xăng, kiểm tra thì thấy thùng xăng có ngăn bí mật dùng để cất dấu ma túy.

Nếu Al McCoy muốn tìm thêm ‘‘chất liệu’’ để viết câu chuyện “The  Politics of Heroin in the Socialist Republic of Viet Nam”, tôi đề nghị nên tìm sự thật xem bà Chủ Tịch nước Nguyễn Thị  Bình và ông Chủ Tịch  Quốc Hội Võ Chí Công nói gì để bênh vực Thượng Tướng Công An Lê Thế  Tiệm. Tôi tin chắc vụ này có ‘‘tai to mặt lớn’’, khoác trên mình bộ quân  phục “Công An Nhân Dân” xanh cứt ngựa dính vào. Đây là chuyện có thật.  Vũ Xuân Trường hiện nằm với giun dế nhưng nếu Al McCoy dám lật lại hồ sơ  này sẽ “có nhiều tình tiết giựt gân’’ hay hơn việc cáo buộc mấy chú  lính hải quân tép riu bị hụt bữa nhậu tại Rạch Sỏi năm 1971. Dưới ngòi  bút xiêu vẹo của Al McCoy va ANTG, họ trở thành con buôn quốc tế, có cả xe tăng, máy bay và tuần dương hạm theo hộ tống ghe tam bản chở ma túy.


Cũng nên nói thêm, vì được ‘‘xách cặp’’ cho Đại Tá Phạm Kim Qui,  Trưởng Khối Tư Pháp, BTL CSQG, tôi có dịp nghe Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói gì trong buổi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Hôm đó, sau khi từ Rạch Giá trở về, tôi được Đại Tá Phạm Kim Qui, Trưởng Khối Tư Pháp ra lệnh cho tôi soạn bài về tình hình ma túy để Ông đi họp. Ngày  29/7/1971, Đại Tá Qui gọi tôi ‘‘xách cặp’’ theo Ông vào dinh Độc Lập.  Cũng may là tôi có người bạn cùng khóa 3 HVCSQG tên Triệu Xinh biết chữ Hán nên tôi nhờ dịch mấy dòng chữ Tàu ghi trên bao heroin, đề phòng gặp trường hợp Tổng Thống hỏi.


Tổng Tống Thiệu vui vẻ nghe Đại Tá Qui trình bày. Đúng như tôi dự  liệu, Tổng Thống hỏi những chữ Hán trên bao heroin có nghĩa là gì?


Đại Tá Qui đáp ‘‘Thưa Tổng Thống, đây là một bài quảng cáo heroin, nguyên văn như sau:


Chư Quân Huệ Cố

Chú ý quả lạp

Lạp Viên không tâm

Thanh hương vị thuần

Phần bán công bội

Xúc khí phiêu vũ

Lạc thủy vô tung

Hóa chân giá thật

Như giả bao hoán

Song Sư kính mời


Tạm dịch:


Được sự chiếu cố của quý khách

Lưu ý đến viên nhỏ

Viên nhỏ rỗng ruột

Hương vị thanh khiết

Gặp không khí thì phiêu phiêu múa may

Rớt xuống nước tan ngay, không còn tung tích

Hàng thật giá thật

Nếu giả, bảo đảm đổi lại được

Hiệu Hai Sư Tử kính mời.


Giọng miền Nam của Đại Tá Qui như quảng cáo ‘‘sơn đông mãi võ’’ làm  ai cũng cười. Tổng Thống Thiệu pha trò hỏi: Họ có ghi địa chỉ để đem  đổi lại hay không?


Đại Tá Qui chỉ vào tôi nói có thể sẽ cử Đại Úy Hoàng vào Tam Giác Vàng gặp Khun Sa đổi lại.


Sau đó, Đại Tá Qui gọi tôi mang một poster chống ma túy để Tổng  Thống Thiệu phê vào như sau: ‘‘Cần Sa, Ma Túy, Kẻ thù số 1 của Quốc  Gia, Không khác gì Cộng Sản’’.


Ngoài việc coi ma túy là kẻ thù của dân tộc, Tổng Thống Thiệu còn treo giải thưởng cho các đơn vị quân đội, cảnh sát và quan thuế có công trong những vụ bắt ma túy.

Ngày CSQG 1/6/1974, tôi nhận được giải thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc 10 triệu đồng (thời điểm này một lượng vàng là một trăm ngàn đồng VNCH) do Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm trao tặng. Đây là công lao và nỗ lực của Khối Tư Pháp nói chung nên tôi chia đều cho nhân viên trong Khối. Nếu “Các Tai To Mặt Lớn trong Chính Phủ VNCH” có dính líu vào việc mua bán ma túy, một Biên Tập Viên quèn như tôi làm thế nào thoát chết trong những vụ điều tra ma túy?


McCoy nêu đích danh và cáo buộc Trung Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Thiệu là người tổ chức buôn lậu ma túy. Theo sự hiểu biết của tôi thì Trung Tướng Đặng Văn Quang rất nghèo. Hôm tôi được lãnh giải 10 triệu đồng, Đại Tá Qui gợi ý nên tặng Tướng Quang một cặp loa vì nhà ông ta chưa có. Tôi đồng ý và nhờ Thiếu Tá Nguyễn Tiến Hoàng còn gọi là Hoàng Lý Tiểu Long vì chàng đẹp trai như tài tử Hong Kong Lý Tiểu Long, Trưởng Ban 2 Phòng ĐTMA (hiện đang ở St. Paul/Minneapolis) tìm mua một cặp loa khoảng 50,000 đồng bạc VN biếu Tướng Quang, ông rất cảm động.


Từ 11/5/1975 đến tháng 6 năm 1982, tôi được DEA giao trách nhiệm điều tra những người có tiền án, tiền sử (Visa Falcon, Background Investigation) từ các nước Việt, Miên, Lào đang nằm trong các trại tị nạn chờ ngày định cư vào Hoa Kỳ. INS, FBI và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hỏi ý kiến tôi về trường hợp của Tướng Quang. Tôi cho biết những cáo buộc của MCCoy đều vô căn cứ. Tương tự như trường hợp của các Sĩ Quan Hải Quân VNCH. Mục đích của McCoy là tường thuật sai lệch để cổ võ phong trào phản chiến và nhằm bôi xấu các Tướng Tá VNCH hầu làm suy giảm tiềm năng chiến đấu của Quân Lực VNCH vì mất lòng tin ở các cấp lãnh đạo, chỉ huy.


Dưới đây là hình ảnh và các bài báo nói đến thành tích chống ma túy của Hải Quân, Cảnh Sát và Quan Thuế VNCH:


-Ngày 18 tháng 3 năm 1973, tàu đánh cá Thái Lan Pasgon Samut, dài 23 mét bị Hải Quân VNCH chận bắt và kéo vào căn cứ Hải Quân Nha Trang theo tin tức tình báo của DEA Hoa Kỳ. Hải Quân VNCH phối hợp với BTL CSQG, PĐTMT và Tổng Nha Quan Thuế. Kết quả, đã bắt được tài công, 8 thủy thủ và tên đầu sỏ Amnuay Jira-Adisai cùng hơn 12,220 cân Anh thuốc phiện và 281 cân morphine base giấu dưới hầm cá, trên được phủ một ít nước đá bào. Trên bong tàu không có dụng cụ đánh cá nhưng có thêm những thùng chứa dầu diesel. Trị giá thời điểm này khoảng 17,000,000 USD. 


Sau đây là bài báo Saigon Post ngày 27/4/1973 đăng lời cám ơn của Đại Sứ Quán Anh:


‘’Her Britanic Majesty’s Embassy wish to convey to the Government of the Republic of Vietnam on behalf of the Governor of Hong Kong his personal thanks and congratulations ….to those involved in the recent  interception and seizure of a major cargo of narcotics bound for Hong  Kong from Thailand…


Nhân dịp này tôi mời một Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia Thái Lan tên Viraj  Juttima và một Thông Dịch Viên đến phòng ĐTMT chấp cung tên Amnuay Jira-Adisai cùng thủy thủ đoàn.


Tờ Saigon Post ngày 3/5/1973 tiết lộ thêm:

The  fishing trawler Pasgon Samut would have brought into Thailand a large  shipment of illegal arms and gold bars from Hong Kong had it not been  seized. The British Embassy in Saigon recently praised officials off the  South Vietnamese coast with large cargo of narcotics, according to Thai  officials.

-Cũng do nguồn tin từ DEA chuyển qua PĐTMT và BTLHQ VNCH, ngày 26/6/1974, tàu đánh cá Thái Lan Luanglap Lungsri bị Hải Quân VNCH chặn bắt phía nam Côn Đảo, Vũng Tàu. Tang vật gồm 2,000 kilo thuốc phiện và 9 thủy thủ  được chiến hạm VNCH kéo vào căn cứ Cát Lở và sau đó bàn giao cho KTP/PĐTMT. Tối hôm đó, tôi được người bạn đồng khoá Nguyễn Văn Cư tự Cư Sumaco từ Trung Tâm Huấn Luyện CSQG Rạch Dừa đến hỗ trợ. Các can phạm được áp tải về Phòng Điều Tra Ma Túy , tang vật được giao cho Tổng Nha Quan Thuế niêm phong, chờ lệnh Tòa.

-200  kilô thuốc phiện bị Cảnh Sát Cao Miên bắt tại biên giới Thái - Miên  ngày 22/11/1971. Người tải hàng quốc tịch Mỹ, gốc Do Thái. Hắn khai  đang trên đường về Việt Nam. Hắn tự làm thẻ phóng viên chiến trường  “TIMES” để qua mặt các đơn vị chiến đấu của VNCH trên đất Miên vì hắn  biết VNCH rất tôn trọng báo chí. Họ dành mọi sự dễ dàng cho phóng viên chiến trường qua lại biên giới. Vì vậy, tên này giấu ma túy trong những thùng đạn trung liên, thùng trên cùng có mấy băng đạn, nhưng thùng dưới chất đầy thuốc phiện. Hắn ngụy tạo một câu chuyện là hắn sẽ tặng những thùng đạn này cho một đơn vị Địa Phương Quân bên kia biên giới. Hắn còn khai đã từng cung cấp thông tin cho DEA và CSQG, Phòng ĐTMT. Tôi và cố vấn DEA có mặt tại Phnom Penh để thẩm vấn hắn. Tôi yêu cầu cảnh sát Hoàng Gia Cao Miên xử hắn theo luật của Hoàng Gia Cao Miên.


-Ngày 1/6/1973, một tàu đánh cá Thái Lan mang số đăng ký giả xâm nhập hải phận VNCH chuyển hơn 1,000 kilô thuốc phiện xuống ghe nhỏ tại Phú Quốc.  Trong lúc ghe đang tải chuyến chót thì gặp sóng to, nhận chìm chiếc ghe.  Thuốc phiện nổi lềnh bềnh trên mặt biển. Sóng gió đánh một số lớn trôi dạt vào bờ, người dân trên đảo Phú Quốc ra vớt thuốc phiện. Thoạt đầu họ tưởng đây là dầu rái có thể trét ghe nhưng sau khi trét ghe thì nước vẫn ào vào. Có người nghĩ đây là “nước mầu khô’’, một loại caramel dùng để kho cá, ăn vào thấy đắng và bị say nên hô hoán lên. Đơn vị Hải  Quân gần đó cho bao vây chiếc tàu đánh cá, bắt được thuyền trưởng, tài công và thu gom tang vật lên bờ tất cả được bàn giao cho phòng ĐTMT BTL  CSQG thụ lý và giải tòa.


Hình dưới tôi đang thu hình tang vật bên cạnh Hải Quân Đại Tá Phạm Gia Luật, Tư Lệnh HQ VNCH tại Phú Quốc.

Tóm lại, các chiến sĩ Hải Quân và các Tướng Lãnh trong Quân Lực VNCH cùng chính quyền VNCH quyết tâm bài trừ tệ đoan xã hội. Ma Túy là kẻ thù của  Dân Tộc nên chúng tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc gia. Tất  cả những cáo buộc của PHSA đều vô căn cứ. VNCH là nạn nhân của ma túy và tuyên truyền của báo chí vô lương tâm. Mục đích của họ là bôi bẩn Chính Phủ VNCH và giúp bọn phản chiến có thêm đòn phép để bức hại chính quyền Miền Nam Việt Nam. Trong một trang khác, PSHA cho đăng hình Bảy  Viễn đang nói chuyện với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, họ không nói đến việc Tổng Thống Diệm loại trừ Bảy Viễn và nhóm Công An côn đồ do  Bình Xuyên thân Pháp để lại như thế nào.


Có thể kể thêm rằng, năm 1988 Cộng Sản Bắc Việt cho các tướng lãnh Lào và chính trị gia tham nhũng Thái Lan chuyển 72 tấn cần sa, gồm 8,000 gói trên đoàn quân xa qua cửa khẩu Lao Bảo, đến Đà Nẵng và chất lên một chiếc tàu chở dầu mang cờ Panama biến cải thành tàu buôn lậu, sau đó đưa về Hoa Kỳ. Ngày 6 tháng 7, 1988 tàu phòng duyên Hoa Kỳ đã bắn 60 viên đạn vào chiếc tàu buôn lậu ngoài khơi Seattle, tiểu bang WA. DEA và US Customs được giao trách nhiệm điều tra vụ này. Qua điều tra, chúng tôi được biết một cựu Dân Biểu Thái Lan là người cung cấp số cần sa này.  Chúng tôi dùng áp lực buộc chính phủ Thái giao cựu Dân Biểu Thanong  Siripechapong có nick name là ‘’Tony the Thai’’ cho DEA và US Customs để  hầu tòa tại Seattle. Tôi là Sĩ Quan DEA dẫn độ Thanong về Hoa Kỳ. Hắn  kể cho tôi nghe chuyện xảy ra tại Đà Nẵng. Đồng bọn của Thanong là Brian  Peter Daniels nhận tội và khai tổ chức này đã chuyển hơn 200 tấn cần sa từ Lào qua VN để chuyển về Mỹ, trị giá hơn 280 triệu USD. Họ đã dùng vỏ ruột xe tải là những mặt hàng khan hiếm trong thời gian VN còn bị cấm vận để "bôi trơn" với quan chức, cán bộ CSVN tại Đà Nẵng. Vì vậy, việc bốc dỡ hàng rất thuận lợi. Những vụ này sao không thấy Al McCoy đề cập đến và báo ANTG chưa chịu "lật lại hồ sơ"?


Những  chiến sĩ Hải Quân, Cảnh Sát và Quan Thuế VNCH có công trạng trong những vụ bắt ma túy đều được Bộ Tài Chính VNCH tưởng thưởng bằng tiền mặt rất xứng đáng. Từ năm 1971 đến năm 1974, chúng tôi bắt được 4 vụ chuyển vận, tàng trữ và phân phối ma túy quốc tế : Năm 1971, Vụ Trần Minh, Tân Thọ Huân. Năm 1973 Hải Quân VNCH chặn bắt chiếc tàu đánh cá Thái Lan Pasgon Samut, tịch thu 12,220 cân Anh (5,554 kilo) thuốc phiện, 218 cân Anh (127 kilo) morphine base. Tháng 5, năm 1974 Hải Quân VNCH bắt 1,000 kilo thuốc phiện tại Phú Quốc và liền sau đó chặn bắt chiếc Luanglap Lungsri ngày 23/6/1974 tại Côn Đảo, tịch thu 2,000 kilo thuốc phiện.  DEA giúp Tổng Nha Quan Thuế bán hàng chục tấn thuốc phiện và morphine  base cho công ty dược phẩm Mallinckrodt, St. Louis, MO để làm thuốc giảm đau và trị ho. Phòng ĐTMT được giao trách nhiệm hộ tống thuốc phiện lên máy bay về Hoa Kỳ theo luật quốc tế.  Riêng heroin và cần sa không có công dụng trong y khoa nên được thiêu hủy trong một buổi lễ trước Tòa  Đô Chánh Sài Gòn ngày 7 tháng 9 năm 1974. Xin xem hình đính kèm.

Tiền bán thuốc được xung vào quỹ của Bộ Tài Chánh để tưởng thưởng cho nhân viên hữu công. Trần Minh và Tân Thọ Huân không thể mua chuộc được các Chiến Sĩ Hải Quân. Nếu có thì 2 tên cướp Hấu và Lếnh đã thoát được số hàng tại Vàm Ba Lịch. Khách quan mà nói, Hải Quân VNCH đã lập được nhiều chiến công lẫy lừng. Hải Quân Thái Lan và Cảnh Sát Hàng Hải Hong Kong chưa đạt được thành tích như thế. Tòa Đại Sứ Anh đã gởi thơ khen ngợi và cho đăng báo nguyên văn bức thư. (Xem hình đính kèm). Việc cáo buộc các Chiến Sĩ Hải Quân bao che cho tổ chức của Trần Minh là hoàn toàn vô căn cứ.


Ngoài ra PHSA còn cáo buộc Air America giúp CIA chuyên chở ma túy. Tôi từng làm việc cho USAID, Office of Public Safety từ 1965 đến 1967, mỗi ngày đều có nhiệm vụ ra sân bay nhận thơ từ các phi công của Hãng Air America. Họ thường xuyên bị du kích VC bắn sẻ tại các phi trường nhỏ như  Cà Mau, Bạc Liêu, Chương Thiện, Cần Thơ, Rạch Giá … Mỗi lần đáp xuống là họ chỉ cho tôi xem những vết đạn trên thân, trên cánh của máy bay nhưng các phi công của Air America vẫn can đảm phục vụ cho đến khi hết hạn giao kèo với chính phủ Hoa Kỳ. Tôi chưa hề nghe nói Air America chuyên chở trái phép ma túy cho CIA, ngược lại họ giúp chúng tôi chở 51 kilo heroin và 334 kilo thuốc phiện của Trần Minh, Tân Thọ Huân về Saigon, 12,220 cân Anh thuốc phiện và 281 cân morphine base từ Nha Trang về Sài Gòn. 1,000 kilo thuốc phiện từ Phú Quốc về Sài Gòn. Riêng 2,000 kilo thuốc phiện bị tịch thu tại Côn Đảo được Phòng ĐTMT và 1 tiểu đội  Cảnh Sát Dã Chiến hộ tống từ Vũng Tàu về Sài Gòn bằng đường bộ.


Vì Air America hoạt động hữu hiệu nên bọn phản chiến cố tình bôi bẩn hãng hàng không này.  CIA có phản đối nhưng họ không thể tiết lộ nhiều chi tiết để minh oan cho Air America. Air America chỉ là một công ty vận tải hàng không. Họ không dính líu vào việc chuyển vận ma túy bất hợp pháp.


K3 LÝ KÝ HOÀNG

Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Học Viện CSQG

(Trích từ Quyển Lược Sử CSQG VNCH – CHƯƠNG VIII PHỤ LỤC )


bottom of page