


Có lẽ cộng đồng người Việt ít ai biết rằng, Hải Quân Hoa Kỳ đã có một chiến hạm mang tên Thành Phố Huế từ nhiều năm nay. Tên chính thức của nó là USS Hue City (CG 66) được ra đời từ cuối thập niên 1980’s của thế kỷ trước Ny vẫn còn hoạt động.
Sở dĩ nó được mang tên ‘Hue City’ là để ghi nhớ lại chiến công của Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã từng cùng với Quân Lực VNCH tham gia trận đánh tái chiếm thành phố Huế trong Tết Mậu Thân 1968.
Kế hoạch đóng chiến hạm Thành Phố Huế đã được Hải Quân Hoa Kỳ bắt đầu từ ngày 16 Tháng Tư năm 1987. Việc đóng tàu được khởi công tại xưởng đóng tàu Ingalls Shipbuilding, Mississippi. Hơn một năm sau, ngày 20/2/1989, nó đã hoàn tất tại xưởng và hạ thủy vào ngày 1 Tháng Sáu năm 1990. Tuy nhiên mãi đến ngày 21 Tháng Bảy năm 1991, nó mới thật sự chính thức đi vào hoạt động dưới tên USS Hue City (chiến hạm Thành Phố Huế). Buổi lễ hạ thủy và đặt tên cho chiến hạm được đặt dưới sự chủ tọa của Bà Jo Ann Cheatham, phu nhân của Trung Tướng (hồi hưu) TQLC Mỹ Earnest C. Cheatham, Jr. Đây là chiến hạm đầu tiên và duy nhất của Hải Quân Hoa Kỳ mang một cái tên Việt Nam là Thành Phố Huế.
Chiến Hạm Thành Phố Huế hay USS Hue City (CG 66) là loại soái hạm của Hải Quân Hoa Kỳ. Nó là chiến hạm thứ hai mươi thuộc loại Ticonderoga có khả năng hướng dẫn phi đạn. Tàu có trọng tải 9.600 tấn, tốc độ 30 hải lý/giờ, với những trang thiết bị và vũ khí hiện đại tối tân, trị gía tổng cộng khoảng 1 tỷ Mỹ kim. Tàu còn được trang bị hai trực thăng Sea Hawk SH-60, các súng bắn phi đạn và hỏa tiễn Tomahawk, ASROC, súng phóng ngư lôi và nhiều vũ khí hạng nặng khác. Tàu có chiều dài 567 feet (173m) và bề ngang nơi rộng nhất là 55 feet (16,8m) với một thủy thủ đoàn gồm 33 sĩ quan, 27 hạ sĩ quan và khoảng 340 thủy thủ. Ngoài lá quốc kỳ Mỹ tàu còn mang hiệu kỳ của Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân Hoa Kỳ để ghi nhớ sự đóng góp của hai quân chủng này vào chiến thắng tại thành phố Huế trong Tết Mậu Thân 1968 tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của chiến hạm Thành Phố Huế là chỉ đạo những cuộc hành quân yểm trợ khẩn cấp trên biển để hỗ trợ cho các hải đoàn hay chiến đoàn thủy bộ. Chiến Hạm Huế cũng có nhiệm vụ bảo vệ chống lại những cuộc tấn công của phía địch đến từ các chiến hạm, tàu ngầm, máy bay hay phi đạn. Ngoài ra, Chiến Hạm Huế cũng còn có khả năng tấn công qua việc sử dụng các phi đạn tầm xa, các phi đạn tấn công vào đất liền và các loại súng hải quân.
Mặc dù được khai sinh kể từ ngày 21/7/1991 nhưng mãi đến ngày 11 Tháng Ba năm 1993, chiến hạm Thành Phố Huế mới thực hiện chuyến hải hành đầu tiên đi tới vùng biển Địa Trung Hải làm nhiệm vụ Tư Lệnh Không Chiến (Air Warfare Commander) cho chiến đoàn USS Theodore Roosevelt (CVN71) trong cuộc chiến tại Bosnia (1992 – 1993). Nhiệm cụ chính của nó là khai thác không ảnh và chuyển nó tới các trung tâm chỉ huy ở ngoài khơi hay trên bờ. Chiến Hạm Huế cũng hướng dẫn sự an toàn cho các chuyến bay cứu trợ của Liên Hiệp Quốc tới Bosnia, để bảo đảm máy bay của Serbia không vi phạm vùng cấm bay.
Kể từ sau chuyến hải hành đầu tiên đó, Chiến Hạm Thành Phố Huế đã tham gia nhiều cuộc hành quân khác trên biển, khi thì với chiến đoàn USS Theodore Roosevelt, khi thì với chiến đoàn USS John F. Kennedy (CV67), hoặc USS George Washington (CVN73), và nhiều đơn vị khác, v.v…. Phạm vi hoạt động của USS Hue City trải dài từ vùng biển Địa Trung Hải, Biển Baltic, Bắc Đại Tây Dương cho tới vùng Biển Caribbean. Hiện nay, Chiến Hạm Huế đảm trách nhiệm vụ Tư Lệnh Hải Đội Tây Bán Cầu (Western Hemisphere Group), có hậu cứ đặt tại căn cứ hải quân Mayport, gần Jacksonville, Florida.
Phù hiệu Chiến hạm TP Huế

Vì chiến hạm mang tên Thành Phố Huế nên phù hiệu của nó cũng mang một ý nghĩa đặc biệt liên quan đến Huế cũng như trận đánh lịch sử Thành Phố Huế. Phù hiệu này là một hình bầu dục màu xanh dương theo chiều đứng được viền bởi một vòng xích màu vàng bao quanh, bên trong phía trên hình bầu dục có hàng chữ USS HUE CITY có nghĩa là Chiến Hạm Mỹ Thành Phố Huế, và phía dưới đáy hình bàu dục có chữ CG 66 (CG = Commanding General). Ở giữa trong hình bầu dục có hình một tấm lá chắn (hay cái khiên), phía trên lá chắn đó có một cái chỏm (mào) vẽ hình một con rồng đang uốn khúc và phía dưới lá chắn có một giải băng mang các chữ FIDELITY (Trung Thành), COURAGE (Dũng Cảm) và HONOR (Danh Dự). Ba chữ này chính là châm ngôn của Chiến Hạm Huế.
Các hình vẽ trong phù hiệu này mang một ý nghĩa gì?
Tấm lá chắn hay cái khiên ở giữa phù hiệu có các màu xanh đậm, vàng, và đỏ; hai màu xanh đậm và vàng là những màu truyền thống của Hải Quân còn màu đỏ tượng trưng cho sự can đảm và hy sinh. Cây chĩa ba màu vàng ở giữa tấm khiên tượng trưng cho sức mạnh trên biển với hệ thống phóng pháo của Chiến Hạm Huế. Ba nhánh của cây chĩa ba tượng trưng cho ba sức mạnh của Chiến Hạm Huế thể hiện qua các hỏa tiễn AEGIS tối tân có ba khả năng giao chiến trên không, trên biển và dưới biển. Hai thanh kiếm bắt chéo hình chữ X ở giữa - một của Hải Quân và một của Thủy Quân Lục Chiến - tượng trưng cho hai nước Việt Nam (Bắc Việt hay CSVN & Nam Việt tức VNCH). Hai nhành dương liễu hay nguyệt quế (màu xanh lục) và cái khiên nhỏ hình lá cờ Mỹ quốc ở chính giữa bên trong cái khiên lớn tượng trưng cho chiến thắng của Thủy Quân Lục Chiến khi sự giương cao lá cờ Hoa Kỳ sau khi tái chiếm lại Huế.
Về cái chỏm hay cái mào bên trên cái khiên có hình một con rồng đang uốn khúc, phía sau là hình một bức tường thành. Bức tường thành tượng trưng cho kinh thành Huế, nơi mà TQLC Mỹ đã chiến đấu rất dữ dội mới chiếm lại được, còn con rồng tượng trưng cho sự quyết liệt của trận chiến và tinh thần chiến đấu dũng cảm của thủy thủ đoàn Chiến Hạm Huế.
Về trận chiến Tết Mậu Thân 1968 tại Huế
Chiến hạm mang tên Thành Phố Huế chính là để tưởng nhớ đến trận đánh lịch sử tại thành phố này trong Tết Mậu Thân 1968 trong đó Hải Quân Hoa Kỳ đã cùng TQLC Mỹ và các đơn vị thuộc QLVNCH đã tham dự.
Thành phố Huế, cố đô của Việt Nam, có dân số khoảng 140.000 người vào năm 1968. Huế là một trong những thành phố ở phần địa đầu giới tuyến phía Bắc của Việt Nam Cộng Hòa. Huế cũng là nơi đã diễn ra một trong những trận đánh ác liệt nhất trong cuộc chiến Việt Nam, đặc biệt trong Tết Mậu Thân 1968.
Vào dịp Tết Nguyên Đán năm Mậu Thân 1968, như thường lệ hàng năm, các bên tham chiến tại Việt Nam đã thỏa thuận một cuộc hưu chiến trong 48 giờ vào hai ngày 30 và Mùng Một để ăn Tết. Nhưng vào đêm giao thừa tức rạng sáng ngày 31 Tháng Giêng năm đó, Việt Cộng đã bất chấp lệnh hưu chiến đồng loạt mở những cuộc tổng tấn công trên toàn lãnh thổ Miền Nam, cụ thể là vào 36 tỉnh lỵ, 5 thành phố tự trị và hàng chục quận lỵ và xã ấp. Hai cuộc tấn công của VC gây chú ý nhất là cuộc tấn công vào tòa đại sứ Mỹ ở Sài gòn và cuộc tấn công vào thành phố Huế.
Cuộc tấn công vào tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đã bị đẩy lùi ngay trong ngày. Riêng tại cố đô Huế, vào đêm ngày 30 rạng sáng ngày 31/01/1968 (tức đêm giao thừa Tết Mậu Thân), tám tiểu đoàn cộng sản Bắc Việt từ thung lũng A Shau cùng các đơn vị đặc công và biệt động nội thành Huế đã xâm nhập và tấn công Huế. Do bị bất ngờ trong lúc đa số binh lính VNCH đang nghỉ phép ăn Tết do lệnh hưu chiến nên đến sáng ngày 31/01/1968, Huế đã lọt vào tay địch. Ngay sau đó, VC đã củng cố thắng lợi này bằng cách tăng cường thêm các sư đoàn 5 và 324B của chúng vào Huế, đồng thời thiết lập một chính quyền ‘nhân dân cách mạng’ tại đây. Tuy nhiên, QLVNCH và đồng minh ngay lập tức đã phối hợp mở những trận phản công dữ dội nên chỉ không đầy một tháng sau, ngày 26/02/1968 đã tái chiếm lại thành phố Huế.
Tham gia vào trận tái chiếm cố đô Huế có sư đoàn I Bộ Binh của QLVNCH dưới sự chỉ huy của Tướng Ngô Quang Trưởng lúc đó còn là Đại Tá (ông đã từ trần ngày 22/01/2007 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 78 tuổi), ngoài ra còn có chiến đoàn 1 Nhảy Dù dưới quyền Trung Tá Lê Quang Lưỡng. Về phía đồng minh Hoa Kỳ có các Trung đoàn 1 và 5 của TQLC và được yểm trợ bởi Trung đoàn 7 và 12 Không Kỵ của Hoa Kỳ, cùng nhiều đơn vị khác của Mỹ và VNCH. Vì muốn bảo tồn cố đô Huế, tránh thiệt hại tối đa cho thành phố cổ kính này mà vẫn đạt được chiến thắng nên lực lượng Việt Nam và đồng minh đã phải chiến đấu trong nhiều ngày trên từng khu phố. Sau chiến thắng này Đại Tá Ngô Quang Trưởng đã được thăng cấp Chuẩn Tướng. Tuy nhiên để đạt được chiến thắng này, phía VNCH và đồng minh cũng phải trả một gía khá đắt. Chỉ riêng TQLC Hoa Kỳ đã hy sinh 142 người cùng với 857 người khác bị thương. Đó cũng là một trong những lý do trận đánh này đã được Hải Quân Hoa Kỳ vinh danh và được dùng để đặt tên cho Chiến Hạm Huế.
Chiến thắng của QLVNCH và đồng minh tại Huế đã gây cho địch sự tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, trước khi tháo chạy, chúng đã hành quyết hoặc chôn sống hàng ngàn người dân vô tội ở Huế bao gồm các công tư chức, thành viên đảng phái, sĩ quan, binh lính, cảnh sát chế độ Miền Nam, và cả các giáo chức, tu sĩ, sinh viên, học sinh và những người không chịu về phe với chúng. Nhiều mồ chôn tập thể sau đó đã được tìm thấy ở Huế với hàng trăm các xác chết ở mỗi nơi. Nhiều tử thi được tìm thấy đã cho thấy họ đã bị chôn sống hay bị hành quyết trước khi chôn. Ước tính con số người bị thảm sát tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968 tổng cộng có thể lên đến gần 6.000 người. Đây là một tội ác không thể chối cãi của Việt Cộng mà lịch sử sẽ mãi mãi không thể nào quên lãng.
Lời kết
Năm 2003, nhân kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng trận đánh Thành Phố Huế, một phái đoàn gồm nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam (Vietnam Veterans) đã viếng thăm Chiến Hạm Huế. Cuộc viếng thăm đã gợi lại cho các cựu chiến binh về một trong những trận đánh dữ dội nhất của chiến tranh Việt Nam. Các cựu chiến binh đã được hướng dẫn đi thăm chiến hạm để tưởng nhớ đến trận chiến lịch sử mà các chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu và đã hy sinh trong trận chiến này. Mark Dubeil, Hạm Trưởng Chiến Hạm Huế, đã nói: “Chiến Hạm Huế vinh dự là chiến hạm duy nhất được đặt tên từ một trận đánh trong chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi cũng hãnh diện được giương cao các lá cờ Hoa Kỳ, Thủy Quân Lục Chiến và Hải Quân, để tưởng nhớ đến những người đã hy sinh chiến đấu cho thành phố cổ kính Huế.” Trong khi đó, một cựu chiến binh Mỹ đã xúc động rưng rưng nước mắt nói: “Thăm viếng chiến hạm cùng các thủy thủ đã làm cho tôi hãnh diện là một cựu chiến binh, và hơn nữa, là một công dân Hoa Kỳ.”
Vậy còn cộng đồng Việt Nam? Có nên chăng các cựu chiến binh QLVNCH, đặc biệt là các chiến sĩ đã tham gia trận đánh Thành Phố Huế, và các đồng hương Huế thực hiện một cuộc viếng thăm hay kết nghĩa với Chiến Hạm Huế để bày tỏ sự tri ân và tình đồng minh với những người bạn năm xưa?
TOÀN NHƯ



TOÀN NHƯ