top of page
Banner edge

Sài Gòn từng có lăng Cha Cả rất đẹp, nhưng chỉ vì định kiến của một số người mà nó đã biến mất không còn vết tích. Nhiều khi đi ngang bùng binh Lăng Cha Cả mắc cười, cái bùng binh có địa cầu xi măng mọc ba chưn nhìn dị hợm, kỳ cục. Hồi xưa có cái lăng Cha Cả ở đó.


Lăng Cha Cả giờ chỉ còn cái danh bùng binh, tụi trẻ trẻ không biết đó là cái gì, thực sự cái lăng mộ thi đã bị phá hủy từ lâu, sau những ngày 1975.

Cha Cả tức là Đức Giám Mục hiệu tòa Adran (évêque d'Adran) Pièrre Pigneaux de Béhaine (1741 – 1799), thường được phiên âm là Bá Đa Lộc, còn gọi là Cha Cả, đại diện Tòa Thánh ở Đàng Trong. Đức Giám Mục Bá Đa Lộc là công thần bậc nhứt của vua Gia Long.


Khu lăng mộ Đức Giám Mục Bá Đa Lộc (Lăng Cha Cả) ở làng Tân Sơn tồn tại hàng trăm năm. Cha Pierre Joseph Georges Pigneau (Bá Đa Lộc) sanh tại Origny-en-Thiérache ở Aisne (Pháp) ngày 02 tháng 11 năm 1741 và mất ở Việt Nam ngày 09 tháng 10 năm 1799 là một nhơn vật lịch sử Việt Nam. Đức GM Bá Đa Lộc là một nhà truyền giáo, một nhà văn hóa, quân sự, ông còn là cố vấn, ân nhân của vua Gia Long trong cuộc phục hưng nhà Nguyễn.


Cha Bá Đa Lộc là một trong 3 đại ân nhân của chữ quốc ngữ Việt Nam, 2 người kia gồm cha Đắc Lộ Alexandre de Rhodes và Petrus Trương Vĩnh Ký. Đức Cha Bá Đa Lộc biên ra cuốn tự điển Dictionarium Anamitico Latinum.


Chừng giữa tháng 12/1784, Đức Cha Bá Đa Lộc gặp chúa Nguyễn Ánh trên hòn Thổ Châu. Và trong khi trận Rạch Gầm chưa xảy ra thì ông đã ôm Hoàng tử Cảnh để cùng Phó Vệ uý Phạm Văn Nhân, Cai cơ Nguyễn Văn Liêm, Trần Văn Học với đám tuỳ tùng linh đinh trên Ấn Độ Dương hướng về Pondichéry cầu viện cho chúa Nguyễn Ánh. Trong tâm ý của ông, ông muốn huấn luyện đứa bé ba tuổi trở thành một giáo dân kiểu mẫu để cho thần dân nó sau này sẽ bắt chước noi theo.


Vào ngày 28/11/1787, thoả ước Versailles ký kết, một bên là hầu tước Montmorin, đại diện Louis XVI và một bên là GM Pigneau de Béhaine thay mặt chúa Nguyễn Ánh. Nhưng thoả ước Versailles chỉ là một trò đùa của vua nước Pháp. Pháp không thi hành hiệp ước Versailles nên Đức GM Bá Đa Lộc đã tự mình mộ quân, sắm tàu chiến, sắm vũ khí giúp chúa Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn.


Năm 1789 GM Bá Đa Lộc về tới Miền Nam, lúc này hoàng tử Cảnh đã 9 tuổi. Giám Mục Bá Ða Lộc nuôi hoàng tử Cảnh 6 năm, nên hoàng tử nhỏ rất mến giám mục. Nhưng các bạn phải nhớ điều này, cha Bá Đa Lộc chưa rửa tội cho hoàng tử Cảnh.


Năm Giáp Dần (1794), lúc 14 tuổi, Hoàng tử được lập làm Đông Cung Thái Tử, phong chức Nguyên Súy Quận Công, được ban Đông Cung Chi Ấn, dựng phủ Nguyên Súy, đặt văn võ đại thần. Ðông Cung trấn giữ Gia Định, trấn giữ Diên Khánh và lúc nào bên cạnh cũng có GM Bá Đa Lộc đi theo tòng chinh.


Giám Mục Bá Ða Lộc mất ngày 9 tháng 10 năm 1799 khi đang tòng chinh tại Diên Khánh. Cũng có nguồn sử liệu nói Đức cha mất năm 1799 ở Thị Nại trong trận vây thành Qui Nhơn. Dù lúc này đang chiến trận gay cấn, nhưng thi hài Đức cha được chở bằng tàu chiến về Sài Gòn quàn ở dinh Tân Xá (Ngày nay là nhà nguyện cổ trong tòa TGM Sài Gòn). Hoàng tử Cảnh theo lễ "quân sư phụ" đã thọ tang Đức Cha.


Lễ táng giám mục Bá Đa Lộc được cử hành trọng thể do đích thân chúa Nguyễn Phước Ánh chủ trì và đọc điếu văn. Vua Gia Long gọi giám mục là “Giám mục Thượng sư”. Quan tài quàn ở dinh Tân Xá một tháng trời. Một khu lăng mộ được xây dựng lên to lớn theo phong cách quận công nhà Nguyễn ở khu Vườn Xoài làng Tân Sơn.


Tang lễ chánh thức vào ngày 16 /12/ 1799. Đích thân chúa Nguyễn Phước Ánh dẫn đầu tang lễ. Petrus Ký mô tả cách thức rước lễ tang đậm màu Công Giáo như sau:


“Một thánh giá lớn, làm từ những chiếc đèn lồng khéo léo sắp xếp ở đầu đám rước, theo sau là một kiệu điêu khắc công phu màu đỏ và vàng, trên cao là một bục trang trí công phu và có bốn người khiêng.

Đầu tiên đặt một tấm bia mang các nhân vật 皇天 主宰 (Hoàng thiên chúa tể) bằng những chữ vàng.


Thứ hai chứa một hình ảnh của St. Paul và một hình ảnh thứ ba của St. Peter, người bảo trợ của các giám mục Adran.


Thứ tư chứa đựng hình ảnh của các thiên thần hộ mệnh và thứ năm là một hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria.


Sau đó hình mẫu đo khoảng 15 feet chiều dài và được làm từ vải gấm hoa,trên đó có thêu chữ vàng các danh hiệu của giám mục Adran do vua nước Pháp và Chúa của Đàng Trong (Nguyễn Phước Ánh), cũng như những người của văn phòng giám mục của Ngài tặng. Sau đến các phù hiệu của các vị giám mục, thập giá được đặt ở phía trước của chiếc xe tang. Ở hai bên của kiệu là những người Kitô giáo và giáo sĩ từ các nhà thờ ở Nam Kỳ.


Xe tang chở thi thể giám mục là dài khoảng 20 feet chiều dài, chở 80 người đàn ông tuyển chọn, và được bao phủ bởi một mái vòm vàng thêu. Trên đó đặt quan tài tráng lệ ... .. phủ bằng vải gấm hoa đẹp và được bao quanh bởi 25 ngọn nến thắp sáng lớn."


Chúa Nguyễn Phước Ánh đã tế Đức Cha Bá Đa Lộc với bài văn tế như sau:


Hỡi ơi!

Người nước khác mà dạ lòng chẳng khác, công non sông thẻ lụa đương cài;

Ân nghĩa tròn mà báo đáp chưa tròn, đường sống thác sớm chầy khó liệu!

Êm giấc hoè, hồn đó thanh thanh;

Nhớ ơn trước, sầu đây triều triệu!

Thủa ta mới quyền trao Nguyên soái, bạn tóc răng vui nghĩa sơ giao;

Ngày ngươi vừa làm khách viễn phương, lòng vàng đá phỉ nguyền tương chiếu.

Nghĩ lúc lưng gầy bước ngặt, đình Nam Vang, bầu Tân Lữ, phiêu lưu cho khỏi kẻ bạo tàn;

Tưởng khi mặt ủ gan phiền, trời cố quốc, bến Hậu Giang, tìm hỏi chẳng từ nơi hiểm yếu.

Cực đến nỗi cha con không giữ, gởi gia nhi, trao quốc bảo, trời Tây phương muôn hộc ai hoài;

May nhờ đâu nhà nước mới về, đưa ấu tử, cầu lương bang, đất Đông phố một đoàn vĩnh hiếu.

Công giáo dưỡng mấy thu khẩn khẩn, phước ta nhiều gần sánh tam vương;

Nghiệp tổ tông ngàn thuở miên miên, công gã giúp ngõ toàn cửu miếu

Đạo Tây vực một niềm riêng giữ, chẳng cậy ai quốc tử hoàng tôn

Nạn Nam bang trăm chước mưu lo, dựa thế sức mưu mầu chước diệu.

Nhà Thái học chia ngôi tây tịch, trải tín thành đòi buổi huân đao;

Dặm cô thành hộ giá đông cung, thêm khẳng khái mấy lần thượng biểu.

Mưu tế quốc kinh luân dạ đỏ, từng hay liệu địch chia đồn;

Phép dùng binh thao lược mắt tường, chi quản xông tên đạn pháo.

Chế hoả xa, bày trái phá, dẹp loài loạn tặc thủa long đong;

Đoàn thiết tử, tán hoa ngân, giúp vận nước nhà khi thốn thiếu.

Ân nặng đó mười phần công của, trước sau trọn nghĩa tiên thi;

Lẽ cùng ta ngàn thủa tôn vinh, đây đó phỉ nguyền hậu báo.

Mấy thu trấn biên thành Diên Khánh, tặc đảng đồn mất vía kinh hồn;

Một trận hàng hiểm địa Qui Nhơn, cố nhơn sớm phân bào chia áo.

Ôi!

Núi Nhạc về thần;

Trời Nam để dấu.

Giọt đồng long ô yết dễ đành;

Luỵ lạp chúc sụt sùi khôn ráo!

Trăng tối chợt ngờ nhan sắc, mở rèm đãi khách gia tân;

Mây chiều ngắm tưởng phong nghi, thiết ỷ mong người cố lão.

Chữ “Đạo đồng sinh, dưỡng” chế tâm tang con chút đáp ân;

Câu “Vinh cập một, tồn” tặng Thái phó ta đưa tình thảo.

Theo ý chúng giỏi nghi lề ngoại quốc, cuộc tống chung xác cất hồn cầu;

Hết lòng thành lấy lễ Trung Hoa, cơn tử biệt bài văn lễ điếu.

Trước sống đã suy tình bằng hữu, lòng thành lo sự nghiệp trung hưng;

Nay thác rồi nhớ nghĩa quân thần, linh xin giúp cơ đồ tái tạo.

Hỡi ơi! Thương thay!

Hỡi ơi! Tiếc thay”


Chúa phong cho giám mục danh hiệu Thái tử Thái phó Bi Nhu Quận công (太子太傅悲柔郡公) và cho lập lăng mộ hoành tráng ở làng Tân Sơn (sau là Tân Sơn Nhứt )


Thái tử Nguyễn Phước Cảnh khóc thầy như sau:


“Hỡi ôi!

Mấy năm dư tri ngộ, tính chưa rồi trong cuộc chinh tru;

Năm mươi lẻ xuân thu, sao nỡ rẽ ngoài vòng cực lạc.

Lấy ai nhờ giúp dựng việc nhà;

Lấy ai cậy lo chung việc nước.

Nhớ đức Thượng sư xưa: Suốt giải kiền khôn;

Khỏi trên muôn vật.

Học kinh thánh mảng theo đạo thánh, từ Tây thiên chẳng đoái công danh;

Giữ tính trời mong hóa dân trời, qua Đông thổ vui niềm nhân đức.

Trải năm lạnh thu sương nhiều thuở, đứng trơ cứng tiết bách tùng;

Rửa cột phàm nước trí một bầu, đâu có nghiêng lòng quỳ hoắc.

Duyên giải cấu liền vầy cửa Bắc, yến gia tân từng ngâm ngợi lộc minh;

Vận trung hưng chăm giúp triều Nam, cơ liệu định đã sẵn sàng hỗ lược.

Tục người khác mà tấm lòng chẳng khác, chia vàng đã rõ bạn tương tri;

Thù nước riêng mà tấc dạ chẳng riêng, rèn đá quyết vá trời Việt quốc.

Ngỡ thấy nhà Lưu vận ách, đất Hứa Xương rộng rãi, đã khó khăn giặc quỷ Tào Man;

Từng than thế Hán thiếu binh, nơi Tân Dã hẹp hòi, lại khôn dụng đồ chim Gia Cát.

Cùng thuyền hà việt, dìu dắt đưa lá ngọc cành vàng;

Kể nỗi gian truân, nhục nhằn trải non xanh bến bạc.

Ra Thổ Châu, vào Phú Quốc, giặc sau lưng theo đuổi, cùng nhau hầu khôn chước giải nguy;

Đồ khôi phục, liệu tá binh, con dưới gối lìa trao, muôn việc đã đành lòng ký thác.

Vì người mưu hết sức, ngừng lệ phân tiệc khách đông nam;

Hiềm sự cả khác lòng, rắp mình ẩn góc trời tây bắc.

Thức nhắp lo toàn Triệu Bích, mảng tai nghe yên đảng nguy lâm;

Hôm mai nuôi dưỡng Hán Sử, rắp cánh nhẹ trông miền tử khuyết.

Một nhà tương khánh, ơn lão trượng xiết bao;

Thuở nước huân đào, điểm tiền tinh sáng quắc.

Ra công giúp của, khi loạn ly từng đỡ ngặt nước nhà;

Nói gót rỉ tai, việc triều chính đã tin nhau gan mật.

Nhổ cơm trên cảm tình Cao đế, trí cả đành giúp một cánh tay;

Nắm gạo từng làm núi Phục Ba, thế giặc thấy rõ đôi con mắt.

Dải Duyên Khánh bốn bề sa mạc, lòng bền dạ gắng giúp Đông cung khoẻ sức chống thành;

Thu Qui Nhơn một luỹ Đồ Bàn, thẻ vận màu che, khiến Tây tặc cúi đầu quay bước.

Ra Bến Đá dưa nên bệnh quỷ, bệnh lại thêm dủ nhật dủ tăng;

Về Kỳ Sơn cầu chuộc thuốc tiên, thuốc khôn giúp tư nhân tư tật.

Ôi!

Tôn khách băng chừng;

Thiên đường nhẹ bước.

Sao khách Tử Lăng sớm xế, đoái nhìn lệ luống mông mênh;

Toà nhà Quan Vũ đeo sầu, chạnh tưởng lòng càng thổn thức.

Chép miệng ngẫm được thành Nhạc Bối, song thành kia dễ tạo, tuy rằng mừng chẳng lấy làm mừng;

Vỗ vế than chếch bạn tây song, tưởng bạn ấy khôn cầu, vậy nên tiếc khôn nguôi nỗi tiếc.

Ngày sáu khắc mảng lo chấp chính, vậy càng ngây mắt Thuấn mày Nghiêu;

Đêm năm canh chợt nhớ cố nhân, chẳng êm dựa gối loan nệm hạc.

Cảm là cảm một mai đại cử, ngõ dùng mưu giết giặc, ai hầu cùng ngồi chốn ốc duy;

Thương là thương muôn dặm viễn phương, vì tính việc cho ta, chết chẳng được về nơi quê vực.

Mồ tha hương luống gởi, chập chùng gò đất bi ai;

Tin cố lý chưa thông, bảng lảng phương trời phiêu lạc.

Nào thuở nước Lang Sa, thành Vọng Các, đường xa dặm thẳm, mấy thu trời ai được gặp nhau;

Bây giờ miền âm giới, cõi dương gian, kẻ mất người còn, ba tấc đất mà không thấy mặt.

Trăm mình khó chuộc, gác tía đà mất đấng trí năng;

Một giấc chẳng về, cung xanh lại không ai vũ dực.

Đổi con trẻ cho mà dạy đó, lối cổ nhân dấu hãy rành rành;

Đứt nghĩa này chẳng gác về đâu, trông thiên giới gót đà phảng phất.

Phận tân chủ sẻ chia hai ngả, bồi hồi xiết chạnh lòng đau;

Tả ân tình lao thảo một văn, điếu tế tạm dùng lễ bạc.

Công nặng đó, của thêm nặng đó, ngàn vàng chưa dễ đền bồi;

Còn tưởng nhau, chết cũng tưởng nhau, trăm thuở hãy còn ghi tạc.

Than ôi! Thương thay!


(Ngày 20/3/1801 (Tân Dậu), sau khi lấy được Thị Nại, Đông Cung mắc bịnh đậu mùa mất năm 22 tuổi).


Lăng Cha Cả là một kiến trúc lăng mộ cổ với thứ bậc của Quận Công, một kiến trúc Việt Nam hoàn toàn đã tồn tại gắn bó với dòng lịch sử của Sài Gòn, Gia Định. Lăng Cha Cả được xây trên khu đất rộng khoảng 2000m² gồm một dãy nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn. Khu mộ có bình phong, bái đường và hậu cung. Khu lăng mộ tồn tại 181 tới năm 1980 thì bị giải tỏa không còn dấu vết.


Một di tích quá đẹp và giá trị nhưng vì "lòng người" và lịch sử áp đặt hẹp hòi, nhỏ nhen nên đã không còn tồn tại.


Hiệp ước Versailles là cái cớ mà sau này Napoleon đệ III dùng để xâm lược Đại Nam. Tuy nhiên chuyện này không liên quan tới Đức Cha Bá Đa Lộc và vua Gia Long.


Di tích lại là di sản của chính người Sài Gòn, Gia Định, Miền Nam này.


ST

NỀN.png
LĂNG CHA CẢ CỦA MỘT THỜI SÀI GÒN NAY CÒN ĐÂU

ST

bottom of page