- Tin tức tình báo giá trị của Ngành CSQG về cuộc Tổng Công Kích của Cộng Sản trong Tết Mậu Thân năm 1968:
Năm ngày trước khi thỏa hiệp về hưu chiến trong 3 ngày Tết có hiệu lực, Trung Tá Nguyễn Thiện, Trưởng Khối Đặc Biệt, Nha Tổng Giám Đốc CSQG đã nhận được tin tức từ “nguồn tin Tây Ninh” sau khi nguồn tin này tham dự buổi họp của Trung Ương Cục Miền Nam về, báo cáo chi tiết về kế hoạch Cộng Sản đã quyết định lợi dụng tinh thần ngưng bắn của Quân Dân VNCH để mở một cuộc tấn công, đặc biệt là nhắm vào Thủ Đô Sài Gòn và các tỉnh lỵ. Tin tức đặc biệt này đã được báo cáo cho Tổng Nha CSQG, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và các cơ quan an ninh liên hệ. Và ngày sau đó, Ty CSQG Quận 7 cũng đã nhận được tin tức có giá trị A1 # là 2 Tiểu Đoàn VC đang tập trung ở vòng đai Quận 7, chuẩn bị lương thực ( nấu bánh tét ) để tiến đánh Sài Gòn…
Qua những tin tức ghi nhận có giá trị trên, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG đã ra lệnh cấm trại nhân viên 100% và cho đào giao thông hào, đắp thêm bao cát ở các vị trí phòng thủ trong Tổng Nha CSQG, đồng thời chỉ thị các Ty, Chi CSQG ở Đô Thành và trên toàn quốc triệt để thi hành các mệnh lệnh:
Thứ nhất: Gia tăng các biệp pháp phòng thủ đơn vị, cắt đặt nhân viên ứng trực và ứng chiến.
Thứ hai: Gia tăng các hoạt động trên bộ và trên sông rạch, khám xét thật kỹ càng các ngã ra vào thành phố, thị xã.
Thứ ba: Các cấp đơn vị, chỉ huy phải có mặt 24/24 tại nhiệm sở.
Thứ tư: Lệnh cắm trại 100% được ban hành kể từ 18 giờ ngày 29/1/1968.
Một số địa phương, trong những ngày áp Tết, cũng đã nhận được nhiều tin tức cộng sản đang chuẩn bị để mở các cuộc tấn công, pháo kích vào các Tỉnh lỵ, Quận lỵ, Thị Xã. Đặc biệt tại Quảng Ngãi, Trưởng Phòng CSĐB Hồ Anh Triết, Ty CSQG Tỉnh Quảng Ngãi, đã kịp thời trình báo Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 tin tức về cuộc tấn công của cộng sản vào Thị Xã Quảng Ngãi và một số địa điểm trọng yếu trong Tỉnh sẽ xảy ra đúng 5 giờ sáng Mùng 1 Tết theo báo cáo của mật báo viên sau khi tham dự họp và trở về từ căn cứ của VC. Chính nhờ tin tức này của CSĐB, Tỉnh Quảng Ngãi đã bảo vệ được Tỉnh Lỵ, Thị Xã… trong đêm Mùng 1 Tết, lúc 5 giờ, khi VC bắt đầu pháo kích, tấn công vào Thị Xã Quảng Ngãi, vì các đơn vị quân sự, hành chánh đã có sẵn kế hoạch phòng thủ, chống trả trong tình trạng quân số ứng chiến tại đơn vị hầu như 100%.
- Những đóng góp và hy sinh của nhân viên Cảnh Sát Quốc Gia trong Tết Mậu Thân 1968:
- Trong Đợt 1:
Đêm 30 rạng 31-1-1968 (nhằm ngày mồng 1 rạng mồng 2 năm Mậu Thân) khoảng 12 giờ khuya có nhiều tiếng súng nổ liên hồi ở nhiều nơi trong khu vực Quận 1, Quận 2 và Gia Định. Thoạt đầu, ai ai cũng tưởng đó là tiếng pháo. Các xe tuần cảnh của Ty CSQG Quận 1, Ty CSQG Quận 2, Ty CSQG Gia Định đã lần lượt báo cáo về đài Trung Ương và Phòng Hành Quân Nha CSQG Đô Thành những tin tức nóng bỏng như Tòa Đại Sứ Mỹ ở Đại Lộ Thống Nhất, Cổng Dinh Độc Lập ở đường Nguyễn Du, Cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Công Trường Lam Sơn, Đài Phát Thanh Sài Gòn, Cổng số 5 Bộ Tổng Tham Mưu đã bị đặc công VC tấn công. Trước các báo cáo dồn dập của xe tuần tiểu Chi CSQG Tao Đàn, Quận Trưởng Cảnh Sát Trần Minh Công, Trưởng Ty Cảnh Sát Quận Nhì đã tức tốc báo cáo cho Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Đốc Nha CSQG Đô Thành và gọi báo trình Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám Đốc CSQG như Ông đã căn dặn và sau đó đã lên xe phóng tới Dinh Độc Lập, trực tiếp chỉ huy trận chiến.
Tại cổng gác Nguyễn Du của Dinh Độc Lập, toán tuần tiểu của Chi Cảnh Sát Tao Đàn, nhân viên tăng viện của Chi Cảnh Sát Lê Văn Ken, Toán Đặc Nhiệm của Ty CSQG Quận Nhì, binh sĩ phòng vệ Dinh Độc Lập đã phối hợp tấn công từ 3 phía và đẩy lùi toán đặc công VC. Một số VC thoát thân về hướng nhà thờ Đức Bà tiếp tay với toán đặc công đang tấn công Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. Số còn lại gồm 7 tên chạy dạt vào một cao ốc phía đường Thủ Khoa Huân, phía trước cổng Nguyễn Du. Tại địa điểm này, Lực Lượng CSQG Quận Nhì dưới quyền chỉ huy của Trưởng Ty Cảnh Sát Trần Minh Công, đã dùng súng M-79 và tiểu liên tấn công vào tầng dưới, dồn VC lên lầu trên. Cảnh sát từ lầu dưới xông lên, VC từ trên thẩy lựu đạn xuống. Súng và lựu đạn thi nhau nổ. Hai đợt xung phong lên lầu đã làm 3 Cảnh Sát Viên bị thương nên Trưởng Ty Cảnh Sát Trần Minh Công đã hạ lệnh tạm thời rút ra khỏi tầng dưới để tránh bị sát hại vì lựu đạn của VC từ trên lầu ném xuống.
Được trình báo tình hình, Tổng Giám Đốc CSQG Nguyễn Ngọc Loan đã đến thị sát và chỉ thị tái tấn công lên cao ốc. Sau khi đã di tản đồng bào xa cao ốc, Lực Lượng CSQG đã bắn lựu đạn cay lên lầu 4 và cùng lúc xung phong lên cận chiến. Việc thanh toán bán tiểu đội đặc công VC đã kết thúc vào chiều mồng 2 Tết. Kết quả, phía Cảnh Sát 1 hy sinh và 4 bị thương. Phía đặc công VC: 4 chết và 3 bị bắt sống.
(Xin xem “Mậu Thân tại Quận Nhì Sài Gòn” của Nguyên Trưởng Ty CSQG Quận Nhì Trần Minh Công tại Chương IX Phụ Lục, trang 356 - Lược Sử CSQG)
Trước đó, Tổng Giám Đốc CSQG Nguyễn Ngọc Loan đã chỉ huy Lực Lượng CSQG phối hợp với Quân Đội để tái chiếm đài phát thanh Sài Gòn trong lúc đài này đã bị tắt tiếng trong một thời gian ngắn. Nhờ vậy, không hề có một bài hát hay lời tuyên truyền nào của cộng sản Bắc Việt kịp phát đi từ làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn.
Sáng ngày mồng Hai Tết, tức ngày 31-1-1968, Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan đích thân chỉ huy trận chiến khốc liệt tại khu vực chùa Ấn Quang, Chợ Lớn. Tại địa điểm này, Đại Tá Loan đã hành quyết Đại Úy VC Nguyễn Văn Lém, tự Bảy Lốp là tên đã chỉ huy một đơn vị đặc công cùng với xe tăng của Tiểu Đoàn 2 Cơ Giới VC tấn công trại Phù Đổng của binh chủng Thiết Giáp ở Gò Vấp và chính Bảy Lốp đã giết Trung Tá Nguyễn Tuấn và toàn thể gia đình chỉ vì Trung Tá Tuấn từ chối không chỉ dẫn cách xử dụng các xe tăng còn lại trong trại cho tên Bảy Lốp. Ngoài ra, chính tên Bảy Lốp cũng đã giết trên 30 thường dân trong khu vực này.
Tại nhiều địa điểm khác trong Thủ Đô Sài Gòn, CSQG đã giúp đỡ dân chúng di tản ra khỏi các cao ốc và phối hợp với các quân binh chủng chiếm lại từng nhà, từng khu vực bị cộng quân chiếm giữ.
-Trong đợt 2:
Sau khi thất bại qua đợt tấn công đầu vào dịp Tết, VC vẫn không từ bỏ kế hoạch “Tổng công kích, Tổng nổi dậy" của chúng vì chúng đánh giá sai lầm tình hình và vẫn nghĩ rằng dân chúng miền Nam sẽ nổi dậy tiếp tay bọn chúng.
Đợt tấn công 2 khởi đầu từ ngày 5 tháng 5 năm 1968. Trong đợt này, VC lựa chọn những địa thế khó xoay trở cho ta, nhất là những khu đông dân cư. Tại Quận Nhì, chúng đồng loạt xâm nhập và bắn phá tại các khu Chợ Cầu Muối, Cầu Kho, Khu Đề Thám- Bùi Viện, là những khu nghèo đông dân cư, nhà cửa chen chúc và đường hẻm chằng chịt khiến cho việc lưu thông hàng ngày và công tác cứu hỏa bị giới hạn và khó khăn.
Khi các toán đặc công xâm nhập vào các khu vực trên, Lực lượng CSQG Quận Nhì dưới quyền điều động và trực tiếp chỉ huy của Trưởng Ty Cảnh Sát Trần Minh Công và theo lệnh của Tổng Giám Đốc CSQG Nguyễn Ngọc Loan, đã mở các cuộc tấn công để thanh toán từng mục tiêu trong hoàn cảnh rất khó khăn vì dân chúng hoảng loạn chạy ra khỏi khu vực VC xâm nhập, trong khi các toán đặc công VC đang ẩn nấp trong nhà của dân.
Trong nỗ lực triệt hạ cho bằng được các toán đặc công VC nhưng tránh gây thiệt cho dân chúng, Lực lượng Cảnh Sát Quận Nhì đã làm chủ tình hình tại các Trận Chợ Cầu Muối, Trận Cầu Rạch Bần, Trận Đường Đề Thám sau vài ngày giao tranh và thanh toán được các toán đặc công VC. Kết quả, địch 6 tên bị giết, 3 đầu hàng. Về phía CSQG, có 4 nhân viên bị thương và 2 hy sinh vì công vụ.
Tại Quận 5, VC đã đột nhập vào hãng xà bông Trương Văn Bền, khu vực chợ Thiếc. Chúng đã vào nhà dân và đặt súng bắn sẻ từ trên lầu cao xuống. Hai Trung Đội Xung Kích của Ty Cảnh Sát Quận 5 theo lịnh của Thiếu Tá Hiền và được đặt dưới quyền chỉ huy của Biên Tập Viên Cảnh Sát Lê Văn Lòng , đã cho rải quân dọc theo đường Phó Cơ Điều và phóng M.79 lên các vị trí mà VC đang ẩn nấp, đồng thời đã nổ súng bắn xẹp bánh xe Traction đen đang chạy vào chợ Thiếc nhưng không chịu dừng lại theo lệnh của nhân viên Cảnh Sát. Tên tài xế bị lạc đạn, chết tại chỗ. Lục soát xe, nhân viên Cảnh Sát tịch thu được nhiều súng K.54 và rất nhiều mìn. Trong tình thế hoảng sợ, VC đã bỏ chạy, lẩn vào các hẻm hóc xung quanh chợ tẩu thoát và bỏ lại rải rác 10 khẩu súng trường AK.47 trên đường thoát thân.
Ngoài ra, tại một số địa điểm khác như các dãy phố Phùng Hưng, Nguyễn Trãi, Đồng Khánh, Lý Thành Nguyên … VC xâm nhập và bắn sẻ suốt ngày đêm, nhưng sau đó đã bị TĐ/35 BĐQ nhanh chóng thanh toán. Cùng lúc phải triệt hạ các toán đặc công VC xâm nhập nhiều nơi trong thành phố, Lực lượng CSQG cũng đã tổ chức nhiều cuộc hành quân cảnh sát hỗn hợp để khám xét hai bên bờ các con sông, kinh rạch thuộc địa hạt của các Ty CSQG Quận 2, 4, 5, 7, 8 và 9.
Một trong các cuộc hành quân trên, khi tiến hàng ngang vừa trên bờ vừa dưới sông, ngang qua hãng sắt Eiffel trên Bến Chương Dương Quận 2, Đội Cảnh Sát Hải Cảng do Biên Tập Viên Cảnh Sát Võ Đăng Ngọc chỉ huy, đã phát hiện được một chiếc ghe dài 6 thước, ngang 2 thước, có mui, nhưng không có người và trên mặt ghe là những trái bí đỏ. Lục soát chiếc ghe này, lực lượng hành quân đã tìm thấy và tịch thu nhiều loại vũ khí mà VC chưa kịp chuyển vào Đô Thành để cung cấp cho các toán đặc công.
Tóm kết, trong 2 đợt tấn công của CS vào Thủ Đô Sài Gòn, các đơn vị thuộc Nha Cảnh Sát Đô Thành đã phối hợp với quân đội VNCH chiến đấu anh dũng, chống trả và tiêu diệt cộng quân để giành lại từng con phố, nóc nhà mà chúng đã đột nhập tạm chiến. Tuy nhiên, Lực Lượng CSQG không khỏi đau buồn trước sự mất mát một số cán bộ, nhân viên đã hy sinh trong các trận chiến tại Thủ Đô và những viên chức chỉ huy đã bị tử thương tại trường Phước Đức, là nơi đặt bản doanh BCH Hành Quân. Những viên chức sau đây bị thiệt mạng tại địa điểm này là do trực thăng Mỹ đã phóng 2 hỏa tiển sai lầm mục tiêu: Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám Đốc Nha CSQG Đô Thành - Trung Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty Cảnh Sát Quận 5 - Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Xinh, Chánh Văn Phòng Nha CSQG Đô Thành - Thiếu Tá Phó Quốc Chụ, Giám Đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn. Ngoài ra, Đại Tá Đàm Văn Quý tạm thay thế Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Nguyễn Ngọc Loan bị thương, cũng đã hy sinh trong khi đi thị sát mặt trận trên đại lộ Trần Quốc Toản, gần đường Minh Phụng. Riêng Trung Tá Trần Văn Phấn, Trưởng Khối Nhân Huấn Tổng Nha Cảnh Sát đã bị thương ở trường Phước Đức.
(Trích từ Mục 21- Chương IV THÀNH QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH CSQG/VNCH – LƯỢC SỬ CSQG)
TRÍCH MỤC 21- CHƯƠNG IV, LƯỢC SỬ CSQG/VNCH