(Vụ án Huỳnh Văn Trọng & Vũ Ngọc Nhạ)
(thuộc Phòng Tình Báo Chiến Lược Trung Ương Cục Miền Nam trực thuộc Cục Nghiên Cứu Bắc Việt)
- Nội dung sự việc:
Trong Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia có một đơn vị chuyên đảm trách nhiệm vụ An Ninh Tình Báo, đó là Ngành Đặc Biệt. Phương tiện chánh yếu để thu lượm tin tức từ bạn cho tới kẻ thù của Ngành Đặc Biệt là sử dụng mạng lưới mật báo từ khắp mọi địa bàn, mọi tổ chức, từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, cái nôi của cộng sản Việt Nam.
Vào trung tuần tháng 6 năm 1968, theo báo cáo của TBV Z.23, sau nhiều lần đến sửa chữa nhà cho tên Thúy tại một con hẻm đường Bạch Đằng, Gia Định, đương sự đã được tên này tin tưởng, thu dụng và tiết lộ nhiều tin tức liên quan đến các hoạt động của Việt Cộng tại miền Nam Việt Nam, đặc biệt đề cao sự giúp đỡ của hai nước đàn anh Liên Sô và Trung Cộng cho Cộng Sản Bắc Việt và hết sức ca ngợi những chiến tích của bọn cộng sản xâm lược tại miền Nam. Y còn khoác lác khoe khoang là hiện nay “cách mạng” đã có mặt hầu hết mọi nơi trong các phủ, bộ chánh yếu của Việt Nam Cộng Hòa. Do đó, mọi tin tức dù bí mật đến đâu bọn chúng cũng đều nắm vững và cấp thời báo cáo về cấp trên để có biện pháp đối phó.
- Kết quả điều tra:
Nhận thấy báo cáo của TBV có giá trị nên Ngành Đặc Biệt đã bí mật mở cuộc điều tra. Qua báo cáo sự việc, nhận thấy đây có thể là một đầu mối khả tín vì qua những lần thử thách trước đây, TBV thường cung cấp nhiều tin tức rất có giá trị nên S2B đã cho mở cuộc điều tra về lai lịch của tên THÚY cùng tất cả những dữ kiện liên hệ tới nhân thân, bạn bè, nghề nghiệp, của hắn v.v…
Kết quả điều tra sơ khởi ghi nhận tên thật của y là Lê Hữu Thúy, sinh năm 1928 tại Thanh Hóa, Bắc Việt.
Năm 1945, y tham gia Việt Minh chống chính quyền và được kết nạp vào Đảng Cộng Sản và điều sang công tác tình báo để hoạt động bí mật. Khởi đầu y theo Cha Bửu Dưỡng, dòng Đa Minh, hoạt động trong Chi Hội Hòa Bình ở Dòng Chúa Cứu Thế và quen biết với Huỳnh Văn Trọng từ đó.
Năm 1954, y được bố trí vào Nam theo phong trào di cư. Khởi đầu y viết báo cho Trần Văn Ân, cố vấn của Bình Xuyên, chống chính quyền Ngô Đình Diệm.
Về sau y chuyển qua Công giáo, gia nhập Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm, gia nhập Đảng Cần Lao Nhân Vị, rồi An Ninh Quân Đội với cấp bậc Chuẩn úy.
Năm 1960, y bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung bắt giữ do sự chỉ điểm của một hồi chánh viên và bị giam giữ tại Tòa Khâm Sứ Huế.
Năm 1963, sau đảo chánh, y được Tướng Dương Văn Minh phóng thích, về viết báo Trinh Thám của dân biểu Hoàng Hồ, một cơ sở cộng sản nằm vùng trong làng báo tại Sàigòn lúc bấy giờ.
Năm 1966, phối hợp với Vũ Ngọc Nhạ để xây dựng lá bài Huỳnh Văn Trọng.
Năm 1967, xin vào làm việc tại Bộ Thông Tin Chiêu Hồi với chức vụ Công Cán Ủy Viên đặc trách Hồi Chánh.
Tưởng cũng cần nói thêm, vào thời Đệ I Cộng Hòa, Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung phối hợp cùng Ty Công An Thừa Thiên đã bắt trọn đám gián điệp của bọn Cộng Sản Bắc Việt bí mật bố trí vào Nam hoạt động qua phong trào di cư gồm các tên Đại Tá Lê Câu, đầu sỏ, cùng các tên Lê Hữu Thúy, Vũ Ngọc Nhạ, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe.
Sau đó bọn này bị giam lỏng tại Huế. Riêng tên Đại Tá Lê Câu bị đưa ra thụ hình tại Côn Đảo.
Rồi cuộc đảo chánh 1-11-1963 xảy ra.Theo lệnh của Dương Văn Minh, Hội Đồng Cách Mạng đã thả tất cả số này, ngoại trừ tên Đại tá Lê Câu. Ngược lại, những người quốc gia có công trong việc truy bắt bọn cộng sản, không chỉ riêng vụ này, đều bị bắt vô tù, kể cả ông Tổng Giám Đốc Cảnh Sát và Công An thời đó là Đại Tá Nguyễn Văn Y.
Kết quả ghi nhận đủ để cho S2B đánh giá có thể tên Lê Hữu Thúy đang tái hoạt động cho cộng sản. Nhưng để xác định về tổ chức, thành phần nhân sự của nhóm này còn cần có nhiều thời gian điều tra, theo dõi tiếp. Một toán giám thị đặc biệt gồm toàn những cán bộ ưu tú của S2B đã được bố trí giám sát chặt chẽ mọi hành tung thường nhật của tên này 24/24 giờ. Đồng thời lợi dụng ưu thế xâm nhập của TBV Z23 đã được tên Thúy tin tưởng, S2B đã hướng dẫn TBV bí mật lắp đặt một hệ thống nghe lén để ghi âm tất cả nội dung các cuộc tiếp xúc của mục tiêu với những phần tử liên hệ trong tổ chức và tất nhiên một nhà an toàn đã được thiết lập gần đó để theo dõi mọi diễn biến.
Sau một thời gian điều tra, S2B đã phát hiện được một mục tiêu rất đáng quan tâm. Vào ngày… tháng… năm 1968, mục tiêu đến tiếp xúc với tên Thúy vào lúc 8 giờ tối, hai bên đã bàn thảo nhiều về tình hình chính trị thế giới, trong đó có nói đến sự thắng thế của Khối Cộng Sản Quốc Tế, thế mạnh của Cộng Sản Việt Nam trong Khối thứ 3, những chiến thắng dồn dập của VC tại miền Nam và đặc biệt nhất là ưu thế của CSBV trong bàn hội nghị sắp diễn ra tại Paris vào đầu năm 1969.
Rõ rệt đây là những sinh hoạt nội bộ của cấp cơ sở và tên ra mặt này chắc chắn là cấp chỉ huy của Lê Hữu Thúy. Vậy y là ai, đang làm gì và ở đâu?
Toán giám thị đã bám sát y và phát hiện y đang trú ngụ tại Hàng Xanh, Thị Nghè. Sưu tra tờ khai gia đình được biết y mang tên Vũ Ngọc Nhạ và qua tàng thư văn khố của BTL/CSQG y có những quá trình hoạt động như sau:
Vũ Ngọc Nhạ còn có tên là Vũ Xuân Nhã, bí danh Hai Long, sanh ngày 30 tháng 3 năm 1928 tại Thái Bình, Bắc Việt.
Năm 1946, tham gia hoạt động cộng sản phụ trách Công giáo vận, nhờ lợi thế y có quen biết với Giám mục Lê Hữu Từ và Cha Hoàng Quỳnh.
Năm 1953, được chuyển về cơ quan Tình Báo đặc trách Công giáo.
Năm 1954, được bố trí xâm nhập miền Nam theo phong trào di cư ngụ tại giáo xứ Bình An với Cha Hoàng Quỳnh. Về sau, y di chuyển về sống tại Thị Nghè, Sàigòn, nhưng vẫn thường xuyên lui tới giáo xứ Bình An để giữ mối quan hệ với Cha Hoàng Quỳnh và sống bằng nghề viết báo, dạy học.
Năm 1957, y bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung câu lưu do sự chỉ điểm của một hồi chánh viên, và bị giam giữ tại Huế cùng lúc với các tên Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe và đồng bọn. Nhờ sự che chở của LM Hoàng Quỳnh, các tên này chỉ bị giam giữ tại Tòa Khâm Sứ Huế và không bị truy tố. Và từ đó bọn chúng lại có cơ hội tái cơ cấu tổ chức này dưới danh nghĩa Công giáo, soạn thảo nhiều kế hoạch “chống Cộng” và những nguy cơ đe dọa chế độ được ông Cố vấn Miền Trung Ngô Đình Cẩn đặc biệt quan tâm và đề bạt lên cho ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Năm 1963, sau khi Dương Văn Minh làm cuộc đảo chánh, y và đồng bọn được phóng thích, trở về Sàigòn tiếp tục hoạt động dưới sự che chở của LM Hoàng Quỳnh ở giáo xứ Bình An và LM Nhuận ở Tân Định.
Núp dưới con chiên ngoan đạo, hiểu biết sâu ộng về hiện tình đất nước, Vũ Ngọc Nhạ đưa ra nhiều kế hoạch “đánh phá” cộng sản rất được các linh mục này chú ý. Như kế hoạch sử dụng những người của kháng chiến, những hồi chánh viên có khả năng và kinh nghiệm cộng sản. Mục đích là để bọn chúng có dịp cài người của chúng leo cao vào chánh quyền của ta.
Hầu hết các kế hoạch của y đều được các Cha ủng hộ mạnh mẽ và lần lượt được đề bạt lên cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. (Nhờ vậy, sau 30-4-1975, y mới có dịp huênh hoang tự xưng mình là Cố Vấn của Tổng Thống VNCH).
Căn cứ vào kết quả điều tra sơ khởi có thể kết luận hai tên Lê Hữu Thúy và Vũ Ngọc Nhạ đã tái hoạt động. Dù chưa xác định được chúng hiện nằm trong tổ chức nào và gồm những ai nhưng có thể giải đoán theo kinh nghiệm, và dựa vào quá trình hoạt động của bọn chúng thì đây là một tổ chức tình báo chiến lượcCông tác xâm nhập ngày càng trở nên hấp dẫn và lý thú.
Ít lâu sau đó, toán theo dõi phát hiện Vũ Ngọc Nhạ xuất hiện từ nhà ở Hàng Xanh, Gia Định, dùng xe Mobylette (mà bọn cán bộ tình báo hay sử dụng theo những khám phá trước đây) di chuyển về hướng Đại Lộ Thống Nhất chạy thẳng về Dinh Độc Lập đến cổng sau gởi xe và đi vào bên trong. Độ nửa giờ sau y trở ra lấy xe và đi trở về nhà.
Y đã gặp ai trong đó ? Tổ chức này quả có phần lợi hại và là mục tiêu hết sức hấp dẫn của Khối Đặc Biệt. Phải chăng chính tên Vũ Ngọc Nhạ này là người mà Lê Hữu Thúy đã tiết lộ với TBV Z23 tổ chức của y đã cài được người vào tận Dinh Tổng Thống. Trong chiều hướng đó, Khối Đặc Biệt nhất định phải vén màn bí mật này càng sớm càng tốt.
Chỉ một thời gian sau đó, toán theo dõi ưu tú của S2B đã phát hiện được một sự kiện quan trọng.
Ngày… tháng… năm 1969, mục tiêu xuất hiện từ nhà di chuyển về hướng Sàigòn. Khi đến góc Đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi, y ngừng lại gởi xe và vào nhà hàng Brodard kêu nước uống và ngồi chờ. Độ 10 phút sau, một người đàn ông trạc chừng 60 tuổi ăn mặc khá sang trọng xuất hiện đến bắt tay rồi ngồi xuống cạnh bên, tay cầm theo một bao thư lớn màu vàng khá nặng dường như có một quyển sách bên trong. Sau khoảng nửa giờ thì người đàn ông đến sau đứng dậy giã từ và để lại bao thư trên bàn cho tên Nhạ.
Toán giám thị liền bám sát tên này. Đương sự đến chiếc xe Citroen loại 2 chỗ ngồi màu xám mang bảng số EB…. đậu bên đường mở máy và di chuyển về phía đường Tự Do, đến Nhà Thờ Đức Bà thì rẽ về đường Nguyễn Du, sau đó quẹo vào đường Huyền Trân Công Chúa, phía sau Dinh Độc Lập và chạy thẳng vào bên trong.
Không còn nghi ngờ gì nữa, mục tiêu này chắc chắn phải có sự liên hệ mật thiết với Vũ Ngọc Nhạ. Dồn hết mọi nỗ lực, S2B phải khám phá cho bằng được nơi cư ngụ của mục tiêu quan trọng này.
Đến khoảng 8 giờ 30, mục tiêu từ Dinh Độc Lập lái xe trở ra, hướng về đường Tự Do đến building số … thì dừng lại, tắt máy xe lên lầu đến phòng số … thì mở cửa vào trong. Đến khoảng 10 giờ thì tắt đèn. Rõ ràng đây là nơi cư ngụ của mục tiêu.
Sưu tra tờ khai gia đình ghi nhận chủ nhà có tên là Nguyễn Văn Tư. Kết quả sưu tra tên này vô danh trong hồ sơ văn khố.
Qua cách phục sức luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, lúc nào cũng thắt cà-vạt, thỉnh thoảng lại mặc veston đi làm, chứng tỏ mục tiêu không phải là một nhân vật tầm thường, ít ra cũng thuộc hàng Chánh Sở hay Giám Đốc gì đó.
Khối Đặc Biệt đã bí mật chụp ảnh tên này và qua ảnh phóng đại, Thiếu Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt, xác nhận đây chính là tên Huỳnh Văn Trọng, cố vấn ngoại giao của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu mà có lần Thiếu Tá Mâu đã được gặp nhân dịp vào Dinh Độc Lập yết kiến Tổng Thống Thiệu.
Qua điều tra, Khối Đặc Biệt được biết khoảng 1945 – 1946, lúc ở Hà Nội, Huỳnh Văn Trọng theo Cha Bửu Dưỡng hoạt động trong Chi hội Hòa Bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, nhờ đó có quen biết với Lê Hữu Thúy.
Năm 1955, Huỳnh Văn Trọng được cử làm Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nội Vụ do Huỳnh Văn Nhiệm, một người của Dân Xã Đảng Hòa Hảo làm Tổng Trưởng.
Dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, y bị bỏ rơi nên bất mãn về Miền Tây dạy học và viết báo. Về sau y trở về Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, Sàigòn, ẩn thân và đã gặp lại Lê Hữu Thúy và Vũ Ngọc Nhạ.
Năm 1967, y được bố trí xâm nhập vào Dinh Độc Lập và được Tổng Thống Thiệu chọn làm Cố Vấn Ngoại Giao và sau đó được đề cử hướng dẫn phái đoàn ngoại giao VNCH sang Mỹ để tìm hiểu thực chất chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ đối với VNCH. Lợi dụng cơ hội này, y đã khích động nhóm phản chiến Hoa Kỳ tích cực chống chiến tranh Việt Nam.
Với một quá khứ mù mờ như vậy, tại sao Huỳnh Văn Trọng lại lọt được vào Dinh Độc Lập và làm đến chức Cố Vấn cho Tổng Thống? Lẽ ra đối với một chức vụ quan trọng như vậy, y phải được điều tra thật cẩn thận trước khi được tin dùng. Đằng này, rất tiếc đã không có, nhưng cũng không quá muộn vì dù sao đương sự cũng đang được lọt vào “đôi mắt xanh” của Ngành CSĐB rồi.
- Biện Pháp Đối Phó: Kế hoạch xâm nhập Đống Đa hình thành.
Nỗ lực tiếp tục điều tra, theo dõi 3 mục tiêu đầu sỏ này, S2B ngày càng thu thập thêm nhiều bằng cớ quan trọng xác nhận cả ba đang cùng nằm trong cùng một tổ chức “Tình Báo Chiến Lược” đã ăn sâu gốc rễ vào Dinh Độc Lập. Chúng có cả hộp thư an toàn, hệ thống giao liên vào mật khu, và cả lịch trình tiếp xúc được ấn định trước.
Nhưng công tác còn cần được nuôi dưỡng thêm một thời gian nữa, vì dù sao đây mới chỉ là giai đoạn sơ khởi của mục tiêu xâm nhập được đề ra. Cái chính phải phát hiện cho kỳ được là bọn đầu não của chúng: Phòng Tình Báo Chiến Lược thuộc Trung Ương Cục Miền Nam (tức Cục R) trực thuộc Cục Nghiên Cứu Bắc Việt. Do đó, công tác mang ngụy danh Đống Đa được hình thành.
Công tác xâm nhập được hoạch định như sau:
Mục tiêu xâm nhập: Cụm Tình Báo Chiến Lược A22 thuộc Phòng Tình Báo Chiến Lược Trung Ương Cục Miền Nam trực thuộc Cục Nghiên Cứu Bắc Việt.
- Ngụy danh công tác: ĐỐNG ĐA
- Ngày khai triển: Tháng 8 năm 1968.
- Chỉ huy tổng quát: Thiếu Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt
- Chỉ huy trực tiếp: Đại Úy Phạm Đức, Trưởng cơ quan S2B
- Phụ Tá Điều Hành: Trưởng Ban 3 thuộc S2B
- Cán Bộ Điều Khiển: Chiến hữu Lê Văn Ngọc
- Tình Báo Viên xâm nhập: Z23
Cùng sự yểm trợ tích cực và dồi dào về phương diện kỹ thuật và tài chánh của Cố Vấn Hoa Kỳ Jim Potraz.
Để thực hiện kế hoạch này, Khối Đặc Biệt lần lượt làm những bước sau đây:
Thứ nhất: Thẩm tra lại sự trung thực của TBV Z23 qua máy kiểm tra nói dối. Kết quả xác nhận những báo cáo của TBV Z23 từ trước đến nay đều ở mức độ khả tín cao.
Thứ hai: Báo trình kết quả điều tra sơ khởi lên Thủ Tướng Chính Phủ để có biện pháp đối phó.
Sau đó, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đã đích thân đến Tổng Nha CSQG (lúc đó chưa đổi thành Bộ Tư Lệnh) trực tiếp gặp TBV Z23 để hỏi chi tiết nội vụ.
Trong tinh thần tiếp xúc cởi mở, trước sự chứng kiến của Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tổng Giám Đốc CSQG lúc bấy giờ, và Thiếu Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt, TBV Z23 đã kể lại tất cả nội vụ. Thủ Tướng Khiêm lắng nghe mọi chi tiết báo cáo của TBV. Sau cùng Thủ Tướng Chính Phủ đã đưa ra đề nghị khích lệ tùy TBV lựa chọn:
(1) Sau khi phá vỡ công tác có kết quả, TBV sẽ được tuyển chọn chánh thức vào làm nhân viên CSQG Ngành Đặc Biệt với ngạch Phó Thẩm Sát Viên Tập Sự (tương đương với Trung Sĩ sau này) cùng một số tiền thưởng xứng đáng.
(2) TBV sẽ được đi du lịch nước Mỹ 10 ngày, mọi chi phí chính phủ sẽ đài thọ.
Hai điều kiện Thủ Tướng đưa ra thật hấp dẫn, nhưng TBV đã chậm rãi thưa với Thủ Tướng: “Kính thưa Bác, cháu vốn dĩ ít học, không biết chút gì về ngoại ngữ nên không dám đi Mỹ một mình. Sau này, nếu cháu làm việc có kết quả, xin bác cho cháu được thật sự vào làm việc trong ngành Cảnh Sát để cháu có cơ hội phục vụ đất nước. Như vậy là cháu mãn nguyện lắm rồi. Không dám mơ ước gì hơn nữa”.
Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, Thủ Tướng nói: “Bác hứa với cháu là nếu cháu làm việc có kết quả, Bác sẽ cho cháu được nhập ngạch thẳng vào ngành CSQG như cháu mong muốn. Chuẩn Tướng Hai và Thiếu Tá Mâu sẽ đích thân làm việc này giúp cháu. Cháu cứ yên tâm và làm việc cho tốt đi. ”
(Tưởng cũng cần nói rõ là một nhân viên cảnh sát khi được tuyển dụng vào ngành CSQG cấp bậc khởi đầu là Cảnh Sát Viên phù động đồng hóa công nhật. Với ngạch này, ít nhất 5 năm sau, nếu chịu khó làm việc tạo được thành tích đáng kể mới hy vọng được nhập ngạch thực thụ với cấp bậc Phó Thẩm Sát Viên Tập Sự. Z23 đã được Thủ Tướng hứa cho nhập ngạch ngay sau khi công tác phá vỡ có kết quả, quả thực là một tưởng thưởng khá đặc biệt, ít ai được.)
Sau buổi tiếp xúc gặp TBV Z23, Thủ Tướng đã quyết định trình nội vụ lên Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Đây là một sự kiện lịch sử có một không hai trong quá trình hoạt động tình báo của Khối Đặc Biệt. Thuyết trình viên cho Tổng Thống là Thiếu Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt.
Tổng Thống hết sức chú ý lắng nghe từng chi tiết một, sắc diện biến đổi từng lúc, tùy theo nội dung sự việc mà Thiếu Tá Nguyễn Mâu trình bày. Sự xúc động nổi lên rõ rệt trên nét mặt đầy âu lo của Tổng Thống, một kẻ địch nguy hiểm đang ở cạnh mình bấy lâu nay mà mình không hay biết.
Trải qua gần 3 tiếng đồng hồ đầy căng thẳng, Thiếu Tá Trưởng Khối đã đi đến kết luận: “Đây quả là một tổ chức tình báo chiến lược cộng sản khá nguy hiểm đã xâm nhập sâu vào cơ cấu chính quyền ta qua sự điều khiển trực tiếp của Cục Nghiên Cứu Bắc Việt. Tổ chức này hiện nằm trong tay ta nhưng Khối Đặc Biệt còn cần thêm một thời gian nữa để thu thập đầy đủ tài liệu và chứng cớ cũng như toàn bộ nhân sự của chúng để đánh phá một cách toàn diện và triệt để. Đây quả thật là một thử thách hết sức cam go cho cả Khối Đặc Biệt và Tổng Thống, vì chỉ cần một sơ hở nhỏ cũng đủ gây nghi ngờ cho những tên điệp báo cáo già này và sẽ đưa đến sự đổ vỡ toàn bộ cho công tác”.
Tổng Thống đã hết sức đắn đo suy nghĩ, các cán bộ Cảnh Sát Đặc Biệt của Thiếu Tá Mâu có đủ khả năng cáng đáng công tác lớn lao và nguy hiểm này hay không? Kế hoạch xâm nhập kéo dài có bảo đảm được an toàn cá nhân cho Tổng Thống không? Nỗi lo âu đang trĩu nặng trong lòng Tổng Thống. Ông muốn biết làm sao Khối Đặc Biệt đánh phá tổ điệp báo nguy hiểm này?
Thấu hiểu nỗi âu lo của Tổng Thống qua những giọt mồ hôi đang rịn ra trên trán, Thiếu Tá Mâu tuyên hứa với Tổng Thống sẽ làm hết sức mình để hoàn tất công tác trong một thời gian ngắn nhất. Nhưng việc trước tiên mà Khối Đặc Biệt mong mỏi là Tổng Thống nên tiếp tục duy trì mọi liên lạc với hai tên Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng một cách bình thường. Tổng Thống không nên hạn chế việc ra vào Dinh Độc Lập của hai tên này, nhất là tên Huỳnh Văn Trọng. Hãy để cho y vẫn tiếp tục vai trò cố vấn của mình bằng cách trao cho y những kế hoạch tài liệu không có giá trị để y mật trình báo cáo về cho bọn cộng sản Bắc Việt đầu sỏ để chúng bỏ công nghiên cứu, khai thác.
Kết quả vở bi hài kịch này đã được trình diễn khá xuất sắc. Huỳnh Văn Trọng không hề mảy may nghi ngờ gì về vai trò cố vấn “bù nhìn” của mình. Tài liệu vẫn được y chuyển về mật khu tới tấp.
Vũ Ngọc Nhạ có biệt danh Thầy Bốn vì y là tu xuất. Thỉnh thoảng mỗi lần đi câu hay đi săn về, Tổng Thống không quên gởi biếu cho y một con cá (thực ra mua ngoài chợ) hay một miếng thịt nai (mua ở Long Thành) khiến y lúc nào cũng vênh vênh tự đắc. Y có biết đâu, sau lưng của y, lúc nào cũng có một toán theo dõi mọi hoạt động của y. Nhất nhất mọi hoạt động của y đều được bí mật thu hình. Nhờ vậy, sau khi đánh phá, cho y xem mọi sinh hoạt hàng ngày của mình qua màn ảnh TV, y gần như chết lặng không chối được nửa lời.
* Trục Trặc Kỹ Thuật:
Trong khi công tác xâm nhập đang diễn tiến tốt đẹp thì một trục trặc kỹ thuật nhỏ đã xảy ra khiến mọi người đều hết sức lo âu nhất là Thiếu Tá Trưởng Khối Đặc Biệt, người đứng ra chịu trách nhiệm trước Tổng Thống.
Hẳn chúng ta còn nhớ, trước đây khi cài TBV Z23 xâm nhập mục tiêu Lê Hữu Thúy, S2B đã bí mật gắn một máy thu âm tại nhà tên này để ghi lại mọi tiếp xúc trao đổi của bọn chúng. Đồng thời S2B còn có một căn nhà gần bên để làm nhà an toàn và cử nhân viên thường xuyên túc trực tại đây để trực tiếp theo dõi phát hiện mọi sinh hoạt của bọn chúng. Tổ trưởng Tổ giám sát này là Thượng sĩ Tô Văn Giàu, một nhân viên giàu kinh nghiệm của S2B. Một ngày nọ, đến phiên đổi ca, Tô Văn Giàu không xuất hiện. Ngày thứ nhất rồi đến ngày thứ hai, thứ ba, Giàu vẫn bặt vô âm tín. S2B đã cho người đến nhà đương sự để tìm hiểu sự thật. Nhà Tô Văn Giàu vẫn khóa, y thường sống ở đấy một mình, vậy việc gì đã xảy ra?
Rồi một toán cảnh sát sắc phục thuộc Bộ Chỉ Huy CSQG Quận Nhì được mời đến, được sự cho phép của tòa án đã phá cửa nhà Giàu. Sau khi lục soát kỹ lưỡng, toán điều tra chẳng tìm ra được manh mối gì.
Mở cuộc điều tra, S2B được biết trước đây, ngoài giờ làm việc ở Sở, lúc rảnh rỗi Giàu sống bằng nghề buôn bán vàng và hột xoàn tại nhà. Trong số khách hàng của y có một người đàn bà ở Biên Hòa thường xuống Sàigòn liên lạc. Một ngày nọ, người đàn bà bỗng nhiên mất tích. Gia đình bà này túa ra đi tìm kiếm nhưng vẫn không thấy đâu. Một hôm, con gái của bà ta nằm mơ thấy bà về báo mộng cho biết đã bị tên Giàu có nhà ở trên đường Trần Hưng Đạo, bên cạnh Nha CSQG Đô Thành giết chết và chôn xác bà ngay trong nhà của y. Thế là được sự cho phép của tòa án, Phòng Tư Pháp Quận 2 đã tới nhà y để mở cuộc khám xét. Lần đầu thất bại, toán điều tra không tìm thấy chứng cớ gì. Cảnh sát tạm xếp hồ sơ, nhưng bà ta lại về báo mộng lần nữa chỉ rõ địa điểm nơi xác bà bị chôn ẩn dưới đáy tủ. Cảnh Sát lại xin lệnh khám xét lần thứ hai. Lần này, sau khi đào bới dưới đáy tủ, nơi bà ta về báo mộng, toán điều tra đã tìm được thi thể của bà.
Riêng về tên Tô Văn Giàu, sau khi vì ham củ gây án mạng đã bỏ trốn về Miền Tây tìm cách vượt biên qua Miên sinh sống. Khi đến Châu Đốc, y có thể vì quá hối hận đã ra đầu thú Cảnh Sát sở tại và sau đó được chuyển về Sài Gòn để điều tra.
Vụ án này đã gây dư luận khá xôn xao. Toàn thể báo chí tại Sàigòn lúc đó đều vào cuộc, đăng tải với nhiều tin tức thật giật gân, nóng bỏng. Khối Đặc Biệt cũng không kém phần âu lo và hồi hộp theo dõi tình tiết nội vụ.
Một ngày nọ, có một tờ báo khá nổi tiếng thời bấy giờ đã tiết lộ tin tức về tiểu sử và hoạt động hiện tại của Tô Văn Giàu. Tờ báo tiết lộ, nghe đâu Tô Văn Giàu đang phụ trách canh giữ một nhà an toàn ở Gia Định để theo dõi một cán bộ cộng sản đang nằm vùng tại đây. Công tác Đống Đa thực sự đang bị “trục trặc kỹ thuật” và có nguy cơ bị bại lộ. Nhưng may mắn thay, tên Tô Văn Giàu trong khi bị tạm giam tại Ty CSQG Quận 2 để điều tra, có lẽ đã quá hối hận về tội ác của mình đã làm nên giữa đêm y đã treo cổ tự tử. Nhờ vậy mà cuộc điều tra chấm dứt. Sau cái chết của y, báo chí Sài gòn cũng tạm thời chấm dứt việc đưa tin. Khối Đặc Biệt thở phào nhẹ nhõm, sau nhiều đắn đo suy nghĩ, Thiếu Tá Nguyễn Mâu quyết định đánh phá tổ chức này vào một ngày thuận lợi nhất.
- Phá Vỡ:
Vào ngày N đã định, khoảng trung tuần tháng 7 năm 1969, Toán giám thị phát hiện tên Vũ Ngọc Nhạ từ nhà ở Hàng Xanh, Gia Định, di chuyển về hướng Sàigòn, chạy thẳng về Ngã Sáu Chợ Lớn, đến góc đường Nguyễn Tri Phương và Minh Mạng thì dừng lại, dẫn xe lên đường chờ đợi. Độ 10 phút sau, một nữ giao liên mà S2B đã từng phát hiện trước đây xuất hiện, tay y thị có xách một cái túi nhỏ đi ngang qua mặt tên Nhạ.
Sau khi nhận nhau, tên Nhạ lẳng lặng đi theo sau. Đi được một đoạn ngắn nhìn kỹ trước sau không thấy có gì khả nghi, cả hai bắt đầu trao đổi tài liệu. Vũ Ngọc Nhạ nhận cái túi nhỏ từ tên nữ giao liên, đồng thời trao lại cho y thị một gói nhỏ bằng bao thuốc lá và chia tay. Tên nữ giao liên đi thẳng về phía chợ An Đông, còn Vũ Ngọc Nhạ quay trở lại lấy xe và chạy thẳng về nhà.
Không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhặt hoặc một cá nhân nào, toán giám thị thứ hai bám sát nữ giao liên và khi đến một đoạn đường vắng vẻ nhất, bí mật “mời” y thị lên xe chạy thẳng về cơ quan S2B với đầy đủ tang chứng. Cái hộp nhỏ mà Vũ Ngọc Nhạ vừa trao cho y thị bên trong đựng 3 ống thuốc chứa đầy vi phim sao chụp tài liệu “Kế Hoạch Kinh Tế Hậu Chiến” của Giáo sư Vũ Quốc Thúc. Tài liệu này đã được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu giao cho Huỳnh Văn Trọng một tháng trước đó theo đề nghị của Khối Đặc Biệt.
Xúc tiến kế hoạch đánh phá, ngay trong ngày hôm đó, tại Dinh Độc Lập, Tổng Thống Thiệu đã mở một tiệc nhỏ để khoản đãi ông Cố Vấn Huỳnh Văn Trọng với lời cảm ơn sau cùng trước khi chấm dứt nhiệm vụ của y.
Và ngay tối hôm đó, Khối Đặc Biệt đã mở cuộc hành quân chớp nhoáng bắt giữ gần như toàn bộ đầu sỏ Tổ Gián Điệp lợi hại này gồm các tên:
- Vũ Ngọc Nhạ, bí danh Hai Long, Cụm phó A22 kiêm tổ trưởng Tổ Điệp Báo này.
- Lê Hữu Thúy, tự Thắng, cán bộ Tổ Điệp Báo A22.
- Huỳnh Văn Trọng, cán bộ tổ A22.
- Vũ Hữu Ruật, cán bộ tổ.
- Nguyễn Xuân Hòe, cán bộ tổ.
- Nguyễn Xuân Trừng, cán bộ tổ.
Và tiếp theo những ngày sau đó, cuộc hành quân đã tiến lên Đà Lạt, ra tận Thừa Thiên, câu lưu toàn bộ tổ chức của chúng, tổng cộng trên 40 tên. Riêng tên Tư Lê, chức vụ Cụm Trưởng Cục A22 này, lúc đó đang ở trong mật khu nên thoát nạn.
Dân biểu Hoàng Hồ (chủ nhiệm báo Trinh Thám) biết bị động nên chui vào nhà ông Đại sứ Ba Lan trong vòng thành Pétrus Ký cũ ẩn náu và sau đó trốn biệt tích.
Tại S2B, tên Vũ Ngọc Nhạ khai chiếc xách nhỏ mà y nhận của nữ giao liên lúc ban chiều có chứa một chỉ thị mật của căn cứ gởi cho đương sự khẩn báo phải cảnh giác tối đa về tổ chức có thể đang bị địch phát hiện. (Có thể bọn này đã đánh hơi được qua tin tức mà báo chí Sàigòn đã đăng tải trong vụ án Tô Văn Giàu). Bức thư này được viết bằng một loại mực chỉ có thể mã hóa bằng một loại hóa chất đặc biệt do Liên Sô cung cấp. Chữ chỉ hiện lên và tự biến mất sau 15 phút thành ra Khối Đặc Biệt không có cơ hội đọc được bức thư này.
Ngoài ra tại nhà tên Vũ Hữu Ruật ở đường Trần Quang Khải, Đa Kao Sàigòn, S2B đã tịch thu được một số vi phim đã dấu sẵn trong các ống thuốc tây, nội dung chụp lại các tài liệu mà Huỳnh Văn Trọng và Lê Hữu Thúy đánh cắp được từ Phủ Tổng Thống và Bộ Chiêu Hồi, trong đó có cả các tài liệu (giả) vô giá trị mà Khối Đặc Biệt từng trao cho Tổng Thống Thiệu để giao lại cho Huỳnh Văn Trọng.
Trước những chứng cớ rành rành như vậy, cả ba tên đầu sỏ đều cúi đầu nhận tội. Riêng Vũ Ngọc Nhạ tỏ ra cởi mở hơn, y tâm sự, y không bao giờ nghĩ rằng tổ chức của y có thể bị phát hiện vì Tổng Thống Thiệu đối xử với y như một người thân trong gia đình. Y có ngờ đâu, đó chẳng qua cũng chỉ là kế hoạch của Khối Đặc Biệt đề ra nhằm ru ngủ y mà thôi. Sau này, nằm trong tù, chắc y có dịp nghiền ngẫm và thấm thía lắm. Y khoe khoang là đã nhiều lần được Tổng Thống Thiệu ngỏ ý mời y làm cố vấn nhưng y đều từ chối vì biết rằng nếu y công khai chường mặt thì sớm muộn gì y cũng bị Ngành An Ninh lỗi lạc của chúng ta lột mặt nạ. Do đó, y đã tìm cách giới thiệu Huỳnh Văn Trọng cho Tổng Thống, còn y chỉ đứng trong bóng tối điều khiển sẽ có lợi hơn.
Thành thật mà nói, trong giai đoạn đầu, tổ chức gián điệp này cài người khá thành công. Nhưng may mắn nhờ ta phát hiện sớm nên bọn chúng chưa làm được việc gì quan trọng. Hầu hết những tài liệu chúng thu thập được chẳng qua chỉ là một mớ giấy lộn mà ta đã chọn để đưa cho chúng làm tin hầu sau này phá vỡ, bắt trọn ổ mà thôi.
Cuộc đấu trí đầy hứng thú đã chấm dứt. Kết quả là hơn 40 tên cán bộ và cơ sở của tổ điệp báo A22 hoàn toàn bị vô hiệu hóa, trong đó cả các tên đầu sỏ như Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Vũ Hữu Ruật và Lê Hữu Thúy, lãnh 4 bản án chung thân lưu đày ra Côn Đảo.
- Tưởng Thưởng:
Các viên chức và cán bộ hữu công trong công tác đều được tưởng thưởng. Trong Quyết Định số … ngày … tháng … năm 1970, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm đã đặc cách thăng cấp cho các cấp chỉ huy xuất sắc sau đây:
- Thiếu Tá Nguyễn Mâu, Trưởng Khối Đặc Biệt, đặc cách thăng cấp Trung Tá.
- Đại Úy Phạm Đức, Trưởng S2B, đặc cách Thiếu Tá.
- Biên Tập Viên Nguyễn Văn Cung, Chủ sự Phòng Thẩm Vấn, đặc cách Quận Trưởng CSQG.
- Thẩm Sát Viên Trần Văn Bi, Chủ sự Phòng Nghiên Cứu, đặc cách Biên Tập Viên CSQG.
- Phó Thẩm Sát Viên Lê Văn Ngọc, Cán bộ Điều khiển, đặc cách Thẩm Sát Viên CSQG.
- Tình Báo Viên Z23 đặc cách gia nhập ngành Cảnh Sát với cấp bậc Phó Thẩm Sát Viên Tập Sự.
- Trưởng Ban 3 / S2B được thưởng Đệ II Đẳng Cảnh Sát Chiến Công Bội Tinh.
- Và trên 10 cán bộ S2B được tưởng thưởng Cảnh Sát Chiến Công Bội Tinh Đệ III đẳng. Một số nhân viên nhờ có những huy chương này sau đã được đặc cách theo học các khóa sĩ quan tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, Thủ Đức, (nếu có bằng Trung Học Đệ I Cấp trở lên).
Đồng thời công tác cũng được đưa ra trước Ủy Ban Hỗn Hợp Việt Mỹ để cứu xét tưởng thưởng. Kết quả: Tình Báo Viên Z23 và toàn thể nhân viên hữu công thuộc S2B ngày đêm tích cực điều tra, theo dõi, bám sát các mục tiêu để đem đến kết quả phá vỡ toàn bộ tổ chức gián điệp lợi hại này đều được tưởng thưởng. Số tiền thưởng là một triệu đồng ($1.000.000) đã được Chuẩn Tướng Trần Văn Hai đích thân trao cho TBV và các cán bộ hữu công trong một buổi lễ chào cờ được tổ chức long trọng tại sân cờ Bộ Tư Lệnh CSQG vào một đầu tháng năm đó. Báo giới Sàigòn dịp này một lần nữa lại rầm rộ đưa tin và hết lời khen ngợi, nhiệt liệt chào mừng thành tích vẻ vang này của Khối Đặc Biệt và toàn thể anh chị em chiến sĩ CSQG đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia công tác điệp báo này.
(Trích trong sách “Lược Sử CSQG-VNCH”, Chương IV: Thành Quả Hoạt Động)
TRÍCH MỤC 3, CHƯƠNG IV, LƯỢC SỬ CSQG/VNCH