ĐÀI Á CHÂU TỰ DO 2010
- Phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do– RFA 2010)
Quỳnh Như: Chào ông. Xin ông tự giới thiệu với quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.
Trần Minh Công: Tôi là cựu Đại tá Trần Minh Công của Lực lượng Quốc gia Nam Việt Nam trước năm 1975. Trong thời gian xảy ra biến cố Tết Mậu Thân tôi là Chỉ huy Trưởng Cảnh sát Quốc gia Quận Nhì, tức là Trung tâm của Sài Gòn khi trận chiến xảy ra.
Quỳnh Như: Thưa ông, trong trận phản công Tết Mậu Thân ở Sài Gòn, về phía Việt Nam Cộng Hoà có những lực lượng nào tham gia chiến đấu.
Trần Minh Công: Trước hết phải nói là lực lượng chủ yếu của cả hai bên; bên phía Cộng sản Việt Nam thì lực lượng chủ yếu trong trận Mậu Thân là những cán bộ của Mặt trận Giải phóng miền Nam, sau đó mới được thay thế bởi quân đội Bắc Việt. Bên phía Việt Nam Cộng Hoà, thì thành phần phản ứng đầu tiên, tức là lằn ranh bảo vệ Sài Gòn đầu tiên là những người cảnh sát là bởi vì lúc đó có một cuộc hưu chiến giữa Bắc Việt và miền Nam Việt Nam 48 tiếng đồng hồ, để cho đồng bào và mọi người được hưởng một cái Tết an bình.
Không ai nghĩ rằng bên nào trong hai bên đó có thể gây đổ máu trong giờ phút thiêng liêng của một dân tộc như vậy. Người Cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng dịp đó, trong khi có hưu chiến và phía bên Nam Việt Nam cho phép 50% binh sĩ được về hưởng một cái Tết với gia đình, và họ đã lợi dụng dịp đó để tấn công vào Sài Gòn cũng như vào những nơi khác trên toàn cõi Việt Nam.
Quỳnh Như: Thưa ông, với một lực lượng như vậy, làm thế nào các đơn vị của Việt Nam Cộng Hoà có thể đánh bật Việt Cộng ra khỏi Đô thành Sài Gòn?
Trần Minh Công: Phải nói là do ý chí của những người bảo vệ Miền Nam, trong đó có Cảnh sát và sau đó là có anh em Quân đội, và phải nói ngay là có dân chúng miền Nam, vì khi những người đặc công Việt Cộng vào tấn công trong các địa điểm chính ở Sài Gòn như: Toà Đại sứ Hoa kỳ, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng Tham mưu, Đài Phát thanh, v.v… thì chính dân chúng miền Nam chạy ra khỏi nơi giao tranh và cũng chính họ chỉ cho Cảnh sát và sau này là Quân đội biết những người đặc công đó ở chỗ nào để phản công. Phải nói rằng đây không phải là một sự phối hợp không của một lực lượng nào riêng biệt – Cảnh sát, Quân đội, và đặc biệt là của người dân miền Nam.
Bài học Mậu Thân 1968
Quỳnh Như: Theo ông bài học nào ta có thể rút ra được trong trận Mậu Thân 1968.
Trần Minh Công: Trong cuộc chiến Mậu Thân, rõ ràng về phương diện quân sự phía Cộng sản đã thua, điều này tôi nói không quá lời là vì chính ông Võ Nguyên Giáp cũng đã nhìn nhận là thua trong trận Tết Mậu Thân – Bùi Tín khi trả lời Giáo sư Steven Young đã xác nhận điều đó, là ông Giáp đã xác nhận phía họ đã thua. Tướng Trần Văn Trà là người điều khiển cuộc chiến ở miền Nam, trong Hồi ký của ông xuất bản năm 1982, ông Trà cũng nhìn nhận rằng trong trận chiến Mậu Thân họ đã thua vì họ không lượng định đúng khả năng phản ứng của Việt Nam Cộng Hoà. Hai người lãnh đạo cuộc chiến – một là từ Bắc Việt, một là tại miền Nam đều xác nhận là họ thua về phương diện quân sự.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ghi nhận một điều là trận chiến Mậu Thân đã làm cho dư luận Hoa kỳ thay đổi, vì lúc đó những binh sĩ Hoa kỳ đang chiến đấu ở Việt Nam hầu hết là thuộc thành phần quân dịch của Hoa kỳ, thì khi những người mẹ, những người bà tìm cách để đưa con mình về chỗ an toàn thì họ tham gia vào những phong trào phản chiến. Khi báo chí Hoa kỳ có phần thiên tả và bị đầu độc bởi những tin tức sai lạc thì họ đã làm cho dư luận Hoa kỳ thay đổi, bất lợi cho Việt Nam Cộng Hoà, vì vậy mà trong phần điều trần của tôi, tôi nói trận chiến Mậu Thân là một khúc quanh lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Và thực ra sau này ta biết lịch sử cũng đã chứng minh, đặc biệt là chính trị Hoa kỳ, trận chiến Mậu Thân không chỉ là một khúc quanh, mà nó còn là sự khởi đầu của thất bại tại miền Nam Việt Nam. Thất bại đó đến từ phía đồng minh Hoa kỳ, từ quyết định của chính phủ Johnson lúc bấy giờ - rút quân đội Hoa kỳ ra khỏi miền Nam Việt Nam và giảm viện trợ cho đến năm 1975.
Tôi nghĩ, Việt Nam bây giờ nên xét lại sự lệ thuộc vào ngoại bang như Liên Xô hay Trung Cộng trước kia; mình không tự cường được mà lệ thuộc vào người ngoài thì số phận sẽ không tốt đẹp được đâu.
Bây giờ đi vào câu hỏi của Đài RFA – mình có thể học được những gì ngoài bài học mà mọi người đều biết, thì bài học đó là chiến tranh Việt Nam mà lệ thuộc vào phương tiện của ngoại quốc, tức là Hoa kỳ lúc bấy giờ thì khó để cho chúng ta có thể đứng vững. Một bên là Nam Việt Nam bị cúp viện trợ không có phương tiện và vũ khí để chiến đấu, mặc dầu có tinh thần chiến đấu; một bên là Bắc Việt được hỗ trợ đầy đủ bởi cả Nga Xô lẫn Trung Cộng thì sẽ thấy ngay phương tiện giải quyết một phần của chiến trường, không phải chỉ là ý chí chiến đấu mà thôi.
Rất tiếc đến 1975 viện trợ đang từ 1tỉ rưỡi xuống chỉ còn chưa tới 200 triệu đô la. Quân đội của miền Nam đã chiến đấu hết sức anh dũng, với những phương tiện phải nói hết sức hạn hẹp, và có thể nói là không có phương tiện để chiến đấu, không có đạn dược để sử dụng, không có vũ khí để thay đổi và phải chiến đấu đơn độc, không có quân đội Hoa kỳ yểm trợ, không có phương tiện như thế thì tôi không nghĩ rằng một quân đội dù có anh hùng đến đâu cũng có thể chống lại với một quân đội Miền Bắc được hỗ trợ đầy đủ bởi Nga Xô và Trung Cộng lúc bấy giờ.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, ông Trần Minh Công có đôi lời nhắn nhủ giới trẻ Việt Nam hiện nay:
Thưa quý vị, tôi nghĩ những bạn trẻ không sống vào thời đó và không tham gia vào những chiến trận của cha, anh thì nên tìm hiểu về lịch sử. Lịch sử sẽ cho thấy ai là người yêu nước ai là kẻ phản bội đất nước, cho thấy sự lệ thuộc vào ngoại bang để chiến đấu, để sống còn có lợi ở chỗ nào, và đồng thời cũng mang lại những nguy hiểm ghê gớm như thế nào. Nam Việt Nam đã thất vọng vì mất thế dựa, mất viện trợ của ngoại quốc. Tôi nghĩ, Việt Nam bây giờ nên xét lại sự lệ thuộc vào ngoại bang như Liên Xô hay Trung Cộng trước kia; mình không tự cường được mà lệ thuộc vào người ngoài thì số phận sẽ không tốt đẹp được đâu.
(Nguồn RFA-2010)