top of page
Banner edge

TRÍCH MỤC 6 CHƯƠNG IV, LƯỢC SỬ CSQG-VNCH

Giữa   năm 1971, Cục Nghiên Cứu Hà Nội đã có một tàu tình báo kỹ thuật cùng   loại với tàu của Bắc Hàn hoạt động trong vùng phía bắc biển Nhật Bản.   Một phái khiển tình báo chiến lược sẽ từ miền Nam đến điểm hẹn để hướng   dẫn, quản lý và điều động mọi công tác tình báo kỹ thuật mà phương  tiện  là chiếc tàu trang bị điện tử nói trên sẽ được đưa từ Bắc vào Nam.


Do một nguồn tin đồng  minh, Ngành ĐB được biết tên của viên phái  khiển tình báo là Phạm Đức  đang sống trong vùng Gia Định. Do đó, việc  bắt giữ tên nầy không mấy  khó khăn. Trong khi chấp cung, hắn cho biết  hắn sẽ gặp một người đàn bà  đến từ Quảng Ngãi tại một công viên ở Chợ  Lớn theo màu quần áo và hình  dạng đã định, và sau cuộc gặp gỡ nầy, hắn  sẽ làm việc trên một chiếc  tàu có trang bị điện tử. Với lời khai của  hắn, vấn đề đã được đặt ra là  nếu để hắn đến và ngồi ở chỗ hẹn, hắn có  thể đổi ý liều lĩnh chạy  thoát để bị bắn chết hay ít ra gây báo động ầm  ĩ? Người đàn bà đến từ  Quảng Ngãi sẽ mang đến cho hắn chỉ thị, mệnh lệnh  và dự án hành động  nào? Người đàn bà nầy sẽ không đến nếu nhìn từ xa  không thấy hắn ngồi  đợi ? Trước bài toán không dễ có đáp số trên, Ngành  ĐB đã chọn trong  các Sĩ Quan của Ngành một người giống Phạm Đức nhất và  thêm một chút  hóa trang, cũng như quyết định chung quanh điểm hẹn tuyệt  nhiên không  cần nhân viên nào hỗ trợ vì sợ con mồi thêm sợ hãi mà tránh  không vào  rọ.


Đúng ngày giờ đã định, một  người đàn bà đi vào công viên. Phạm Đức  giả đang ngồi đợi trong bộ  quần áo đúng như màu đã qui định. Bà ta trao  cho Phạm Đức giả một giỏ  xách. Phạm Đức giả một tay nhận giỏ xách, một  tay nắm chặt cổ tay của  bà ta. Một chiếc xe Jeep đã nhanh chóng trờ tới  và bà ta được đưa lên  xe một cách mau lẹ êm thắm.


Tại trụ sở Ngành ĐB, bà ta  khai tên Nguyễn Thị Đẹp và khai được thuê  đi Sài Gòn, đến Chợ Lớn để  trao chiếc giỏ xách cho người đàn ông ngồi chờ, mặc quần xanh áo nâu. Bà  ta cứ tưởng rằng đó là chuyện làm ăn chợ đen. Mặc dầu bà ta không biết  gì để khai báo thêm, nhưng Ngành ĐB nhận định rằng lời khai của bà là sự  thật vì Ngành ĐB thừa hiểu rằng tình báo cộng sản chỉ cần cử người trực  tiếp gặp Phạm Đức và xác nhận Phạm Đức đã đến địa điểm hẹn, bình an vô  sự, là chúng yên tâm và tiến hành kế hoạch sau đó. Do đó, việc cho bà  Đẹp trở lại Quảng Ngãi là công tác hàng  đầu mà Ngành ĐB phải thực hiện.  Một phi cơ Air Việt Nam bí mật đưa bà Đẹp trở về Quảng Ngãi và đổi lại  người con gái duy nhất của bà bị tạm giữ và bị đưa lên máy bay về Sài  Gòn. Bà Đẹp được cán bộ phụ trách công tác của Ngành ĐB hướng dẫn rõ  ràng về lời tường thuật phải nói nếu VC hỏi về chuyến đi Sài Gòn của bà.  Con gái của bà là con tin và sẽ được mang trả lại cho bà trễ nhất là 10  ngày. Vì cô con gái nầy đang làm cho một tiệm kem ở thị xã Quảng Ngãi nên bà Đẹp được dặn dò là nói cho tiệm kem biết là cô ấy đi thăm bà ngoại bị bịnh. Về đến Sài Gòn, cô gái nầy được Thiếu Tá Nguyễn Thanh  Thủy, Biệt Đội Trưởng Thiên Nga tiếp nhận và đưa đến một khách sạn đã  được thuê sẵn ở đường Hai Bà Trưng, tầng 3. Tại đây, một Sĩ Quan Thiên Nga được giao trách nhiệm suốt đêm ngày làm bạn với cô ta và cô ta chỉ  có đọc tiểu thuyết, xem truyền hình và đợi chờ ngày về…


Sau khi biết người đàn bà  đã an toàn trở lại Quảng Ngãi, Cục Nghiên Cứu Hà Nội thỏa mãn điều kiện  an toàn cho dự án công tác của họ nên tàu tình báo điện tử đã rời khỏi  biển Quảng Ngãi đến Cầu Đá Nha Trang và trụ  bám ở đây để truy tập mọi  điện văn của Bộ Tư Lệnh Dã Chiến Hoa Kỳ đóng ở  bờ biển Nha Trang.


Theo kế hoạch của Trưởng  Ngành ĐB, một đoàn đặc nhiệm được gởi đến Nha Trang và sau đó đã nhanh  chóng đổ ập xuống Cầu Đá bắt trọn ổ hải tặc  điện tử. Toàn bộ thủy thủ  đoàn và chuyên viên bị bắt cùng với chiếc tàu  tình báo kỹ thuật đáng  giá hàng triệu Mỹ Kim. Tất cả bọn họ đều mang căn cước giả với chánh  quán và sinh quán tại làng Trí Thủy, Tỉnh Ninh  Thuận, vốn là chánh quán  và sinh quán của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn  Thiệu. Điều nầy cho thấy  Cục Nghiên Cứu Hà Nội đã tính toán rất khôn  ngoan, vì họ dự trù nếu bị  xét hỏi, những ngư phủ cùng quê với Tổng Thống chắc được cảnh sát hay  hải quan nể nang hơn, ít bị tra soát hơn.


(Trích Mục 6 Chương IV Thành Quả Hoạt Động Của Ngành CSQG/VNCH, Trang 144 Lược Sử CSQG)


NỀN.png
bottom of page