top of page
Banner edge

MAI-AGNETHA PHAM (BÀI ST DO K3 ĐỖ NGỌC THẠCH CHUYỂN)

Hôm  ấy là ngày 27-5-1958, kim đồng hồ vừa chỉ 22g40, tay vợt đương kim vô  địch bóng bàn đơn nam thế giới Tanaka (Nhật) đã quăng vợt, chạy đến quì  xuống ôm chân mẹ khóc ròng. 10.000 khán giả chủ nhà ngồi lặng ngắt như  tờ. Hoàng Thái tử Nhật Bản lẳng lặng ra về và nguyên một ngày hôm sau  không tiếp khách vì đau buồn. Làng bóng bàn thế giới đã rúng động với sự  kiện ngay tại Tokyo: các tay vợt Việt Nam đã hạ một đội Nhật không có  đối thủ trong suốt thập niên 1950 để đoạt Huy chương Vàng đồng đội nam  Asiad 1958...


Một trong hai nỗi đau nhất của thể thao Nhật Bản


Tìm lại tư liệu báo chí  thời bấy giờ, đã có khá nhiều bài viết, bài dịch từ báo chí Nhật nói về  sự kiện này. Với thể thao nước Nhật lúc ấy, người ta cho rằng đây là một  trong hai nỗi đau lớn nhất.


Tờ Nhật báo Đông Kinh  viết: “Trong lịch sử thể thao Nhật, có hai biến cố làm chúng ta đau lòng  nhất là việc để đoàn Việt Nam đoạt Huy chương Vàng bóng bàn đồng đội  nam ngay tại Asiad lần 3 - Tokyo 1958; và võ sĩ Hà Lan Auton Geenik đoạt  chức vô địch judo thế giới”.


Còn tờ Nhật Bản Thời Luận  thì có hẳn một bài ca ngợi ba tay vợt chủ lực của Việt Nam: “bức tường  thành” Mai Văn Hòa, “kỳ quan” Lê Văn Tiết - tay vợt duy nhất chỉ thua  một trận trong số 14 trận đấu của mình tại Asiad 1958 và Trần Cảnh Được -  một tay vợt công thủ toàn diện.


Để lọt được vào đến trận  chung kết gặp chủ nhà Nhật, đội Việt Nam với bốn tay vợt Mai Văn Hòa,  Trần Cảnh Được, Trần Văn Liễu và Lê Văn Tiết đã lần lượt thắng như chẻ  tre trước Philippines 5-1, Đài Loan 5-1, Iran 5-2, Hong Kong 5-1 và Nam  Triều Tiên 5-2.


Chính vì vậy, đội Nhật Bản  dù rất tự tin nhưng cũng thận trọng khi tung ra thành phần mạnh nhất  của mình ở trận chung kết, gồm đương kim vô địch nam thế giới Tanaka,  cựu vô địch thế giới nhiều năm liền Ogimura (sau này từng làm chủ tịch  Liên đoàn Bóng bàn thế giới) và một cây vợt số hai của Nhật lúc đó là  Tsunoda. Phía Việt Nam, ba tay vợt chủ lực đã được tung ra gồm Hòa, Được  và Tiết.


Trước trận đấu, dư luận đánh giá các tay vợt Việt Nam chỉ có 10% hi vọng làm chuyện bất ngờ.


Nên nhớ trước đó một năm,  tại giải vô địch thế giới ở Thụy Điển, đội Nhật đã hạ Việt Nam (Hòa,  Được, Huỳnh Văn Ngọc) 5-3. Vì vậy, Liên đoàn Bóng bàn Nhật rất tự tin  mời Hoàng Thái tử Nhật đến xem và theo kế hoạch sẽ trao Huy chương Vàng  cho đội thắng trận.


Thế nhưng, cái 10% hi vọng  chiến thắng lại trở thành hiện thực. Thể thức thi đấu lúc ấy là đánh  chín trận đơn, bên nào đến năm trước là chiến thắng. Trận đầu, Hòa thắng  Tsunoda 2-1.


Kế đến, Ogimura gỡ hòa  bằng chiến thắng 2-0 trước Được. Việt Nam vượt lên ở trận thứ ba khi  Tiết hạ Tanaka 2-0. Đội Nhật lại bắt kịp khi Ogimura hạ Hòa 2-1. Ở ván  thứ năm, Tiết hạ Tsunoda 2-0. Đội Việt Nam vượt lên dẫn 4-2 khi Được hạ  Tanaka 2-0.


Tay vợt lão luyện Ogimura  là người “rửa mặt” cho chủ nhà khi thắng đối thủ thứ ba của Việt Nam là  Tiết 2-1. Ván thứ tám, Hòa gặp Tanaka. Nhà vô địch thế giới hi vọng  thắng trận này để gỡ hòa 4-4, và trận quyết định sẽ diễn ra giữa Được  với Tsunoda. Tuy nhiên, với lối chơi vững như tường đồng, Hòa đã xuất  sắc hạ Tanaka 2-0 (21/17, 21/18).


Những người mê thể thao  nay đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy kể lại rằng bộ phim nhựa quay  những trận đấu ấy sau đó đã được công chiếu trong các rạp chiếu bóng  toàn miền Nam. Khi xem đến cảnh Tanaka quăng vợt chạy đến bên mẹ khóc  ròng, rồi cảnh Hoàng Thái tử Nhật lặng lẽ rời nhà thi đấu, không người  Việt nào không rơi lệ vì tự hào.


Nhà bình luận thể thao nổi  tiếng Huyền Vũ lúc ấy viết rằng khi ký biên bản sau trận đấu, đội  trưởng đội Nhật - tay vợt Ogimura ngậm ngùi nói: “Đây là lần đầu tiên  trong đời cầm vợt của tôi đã phải ký biên bản trước (đội thất bại phải  ký trước)”!


Mặc dù chiến thắng được  ghi công bởi cả bốn thành viên đội bóng bàn lúc ấy gồm Mai Văn Hòa, Trần  Cảnh Được, Lê Văn Tiết và Trần Văn Liễu; nhưng nhờ trận thắng quyết  định cuối cùng, Mai Văn Hòa vẫn là người được nhắc đến nhiều nhất. Cũng  nhờ chiến thắng ấy, ông đã kiếm được một món tiền lớn để trang trải nợ  nần...


Mai-Agnetha Pham

(Bài ST do K3 Đỗ Ngọc Thạch chuyển)


NỀN.png
bottom of page