top of page
Banner edge

LÝ KÝ HOÀNG - K3

Cuối tháng 9 năm 2011, tôi và 2 đồng nghiệp nhận sự vụ lệnh đi công tác tại Kenya, quê cha của cựu Tổng Thống Obama. Tôi rất vui mừng vì từ hồi còn đi học, tôi vẫn ước ao sẽ có ngày nhìn thấy “Tuyết Trắng Trên Đỉnh Kilimanjaro”( tên một tác phẩm nổi tiếng của Đại Văn Hào Ernest Hemingway ). Khi đến trình diện tại Nairobi, thủ đô của Kenya, tôi hơi thất vọng khi nghe tin công tác nầy do Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Somalia yêu cầu. Vì tình trạng bất ổn bên Somalia, nhất là sau vụ “Blackhawk Down”, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Mogadishu phải dời qua “tạm trú” với Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Nairobi. Công tác của chúng tôi là huấn luyện cho 24 sỉ quan tình báo Somalia về kỹ thuật xâm nhập vào các nhóm khủng bố. Địa điểm công tác nằm sát biên giới Kenya và Somalia. Như vậy tôi sẽ không có cơ hội ngắm đỉnh Kilimanjaro vì rặng núi nầy nằm về phía Tây Nam, trong lãnh thổ của Tanzania.


Một tin xấu khác làm “nản lòng chiến sĩ ” là bọn khủng bố vừa bắt cóc và hành quyết một cặp vợ chồng du khách người Đức, cách nơi chúng tôi sẽ đến khoảng 15 cây số về phía bắc. Nghe mà lạnh xương sống. Tôi hỏi hai người bạn đồng hành xem có ai từng tham chiến tại VN hoặc đã qua khóa “survival course” chưa, hai chàng nhìn tôi lắc đầu. Một anh trước làm cố vấn cho USAID và anh kia là cảnh sát tiểu bang, chưa từng “đụng trận”. Tôi hỏi bạn sẽ làm gì nếu bị tấn công, họ nhún vai, lắc đầu trả lời:


- Còn 24 Học Viên Somalia để làm gì?


- Ối giời ơi, ở đó mà “trông cậy” vào 24 ông “Thần Đèn”. Mấy ổng vừa thoát ra khỏi “cây đèn” đang tìm cách “tỵ nạn” đây. Vả lại, họ là khách, một tấc sắt cũng không có, lấy gì chống khủng bố?


Đến nơi, tôi mới biết “Trung Tâm Huấn Luyện” là một trung tâm dành cho Park Ranger địa phương, nhà ngủ không có phòng tắm. Nửa đêm, chẳng may bị “Tào Tháo đuổi” thì phải xách cuốc ra đồng, chịu khó “nhận giải nhì sau Quận Công”. Họ chỉ có thể cấp cho chúng tôi mỗi người một cây đèn pin vì ban đêm ở đây không có điện.


Tôi nhất quyết không thể sống “sơ khai” với thú dữ như vậy. Ít nhất phải cho tôi internet connection. Anh chàng trạm trưởng cho biết cách “Trung Tâm Huấn Luyện” vài cây số về phía bắc có một “lều vải cao cấp” có phòng tắm trong lều. Tôi yêu cầu anh ta đưa chúng tôi tới đó. Đây là một “Di Tích” lịch sử, cách nay 100 năm, 2 con sư tử đực loại không bờm đã tung hoành và“xơitái” ít nhất 35 công nhân xây dựng cầu xe lửa. Cầu nầy bắc qua sông Tsavo nối liền đường rây Kampala, Uganda qua Kenya để đến cảng phía đông.


Xe vừa quanh vào cổng, tôi thấy có khoảng 6 con ngựa rằn (Zebra) đang nhởn nhơ ăn cỏ nên hỏi ông chủ “khách sạn lều”:


- Ông nuôi mấy con ngựa rằn nầy à?


- Không, chúng nó là ngựa hoang, tự do đến đây ăn cỏ vì sân khách sạn có cỏ tốt.


- Có ngựa rằn là có sư tử theo sau. Ông gặp sư tử mấy lần rồi?


- Tôi gặp hoài, mà sư tử ở đây không ăn thịt người.


- Nhưng “Khách Sạn” của ông mang tên “Man Eater Lodge of Tsavo” có phải đây là nơi hai con sư tử đực xơi hết 35 công nhân làm đường hỏa xa?


- Đúng rồi. Chúng nó “xơi” hơn 135 người chớ không ít đâu, nhưng đó là chuyện xưa. Ông thấy trong góc quán rượu không, đó là nơi Trung Tá John Petterson hạ con thứ nhất. Con thứ hai theo dõi ông ta nhiều ngày nhưng cuối cùng nó cũng thua trí con người. Ông ta bắn nó nhiều phát mới hạ được con thú dữ. Ông ta cho lột da cả 2 con, đem về Mỹ và bán xương sọ cho Viện Bảo Tàng Chicago. Ông có ghé xem chưa?


- Chưa, nhưng ông nói vẫn còn sư tử lãng vãng nơi đây?


- Có, nhưng chúng nó hiền khô à.


- Thú hoang, khi đói, nó “mẳng giê mon sừ, mẳng giê mỏa aussi” (Tiếng Tây nhại một anh bồi cố giải nghĩa con hổ cho chủ hiểu) Tại sao ông không làm hàng rào bao quanh bungalow?


- Đây là wild life reserve mà. Tất cả mọi loài động vật hoang dã nơi đây đều được chính phủ chúng tôi triệt để bảo vệ, không ai được phép làm hàng rào cản chúng.


- Ông cho tôi xem phòng được không?


- Được chớ, Quý khách chỉ có điện từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm.


- Còn internet?


- Quý khách phải tự mua Sim card. Internet router chỉ hoạt động lúc có điện.


Tôi thấy không còn chổ nào có phòng tắm bên trong nên “cũng đành nhắm mắt đưa chân” mà check-in, cho bồi mang hành lý vào “túp lều lý tưởng”. Giữa tôi và động vật hoang dã chỉ cách nhau có tấm vãi bố. Tôi hỏi mượn một cây gậy của ông chủ để phòng khi bị sư tử hoặc voi tấn công, tôi dùng gậy đập lại, có chết cũng không ân hận là mình không “chiến đấu đến cùng”.


Khoảng 3 giờ sáng đêm đó, tôi nghe có tiếng như ai dùng cây sắt gỏ thùng phi hoặc ống nước. Tiếng kẻng giữa đêm khuya nghe thật ghê rợn, y như hồi ở thôn quê VN bà con báo động khi tiếng súngnổ ban đêm. “Teo” quá, tôi nắm chặt “thanh gươm gổ”, hồi hộp nghe ngóng…. Một lúc sau tôi ngủ quên vì mệt. Sáng hôm sau, ra phòng ăn lộ thiên, tôi hỏi mấy chú bồi có việc gì mà đêm qua nghe kẻng gỏ liên tu bất tận như vậy, họ nói đuổi sư tử!!! Chúng nó đói, đánh hơi có mùi thịt trong nhà bếp nên ghé vào. Chuyện này xảy ra như cơm bữa. Bồi vừa nói vừa cười, xua tay đuổi bầy khỉ, chúng nó đang bao vây bàn ăn của chúng tôi. Một anh đồng nghiệp tốt bụng, quăng cho chúng trái chuối, thế là cả bọn xông vào xâu xé, giành giật. Một con khỉ “chúa” bụng phệ, to gấp bốn lần những con khác, nhe nanh tiến tới, mấy chú khỉ con dạt ra. “King Kong” nhặt trái chuối, từ tốn đi ra khỏi “chiến địa”.


Tại Trung Tâm Huấn Luyện, tôi còn “ngao ngán” hơn. Phòng học chỉ là một túp lều, mái tranh nền đất, vách làm bằng những cây nhỏ như cừ tràm, mổi lần gió thổi là cát mịn từ sa mạc phủ lên mặt mũi, áo quần một lớp bụi, chúng tôi phủi bụi liên hồi. Điện chưa có, thợ phải đến nối dây từ nơi khác. 


Powerpoint mờ mờ ảo ảo vì chỉ có ánh sáng yếu ớt xuyên qua vách. Đến giờ ăn, chúng tôi được phát mổi người một dĩa nhôm, vài miếng thịt gà nướng và một củ khoai luộc. Chúng tôi được dùng muỗng nĩa, còn học viên thì dùng “bàn tay năm ngón kiêu sa”.


Phương tiện di chuyển là một chiếc Toyota Pick-up extended cab, tài xế là một chú Park Ranger người Kenya. Đoạn đường từ lều đến Trung Tâm Huấn Luyện đầy ổ voi. Mổi khi xuống xe, tôi phải đi “cà nhắc” một lúc lâu. Một buổi chiều, chúng tôi đang ngồi nhâm nhi ly bia lạnh tại nhà hàng lộ thiên, chợt thấy một đàn voi và khỉ, voi mẹ đi trước, voi con theo sau, khỉ mẹ cỏng khỉ con trên lưng đi thành từng đoàn hướng về phía thượng nguồn. Chúng tôi đang phân vân chưa biết chyện gì, chợt nghe tiếng ầm ầm như động đất từ xa tiến về phía chúng tôi. Một mùi sình thối xông lên, dòng nước đục đầy phù sa dâng lên thật nhanh. Nước cuồn cuộn chảy siết, lôi theo cây ngã, rác rưởi, xác thú vật... Đây là lần đầu tôi tận mắt nhìn thấy nước lũ. Chưa đầy mười phút, mặt sông dâng lên gần tới chân chúng tôi. Đêm nay, trước khi vô lều, chúng tôi phải hết sức cẩn thận đề phòng rắn độc, trăn khổng lồ tìm chổ cao ráo “tạm trú”. Tôi sợ nhất là con Black Mamba, nọc độc của nó không có thuốc chửa.


Tuần sau, hai ông bạn đồng nghiệp rủ tôi đi du ngoạn chụp hình trên sông. Thấy mấy con hippo thở phì phò dưới nước, họ muốn tới thật gần để chụp vài tấm ảnh mang về khoe bà con. Tôi hỏi life insurance của họ có cover tai nạn do mấy con hà mã làm lật xuồng và bị cá sấu “tùng xẻo” không? Thống kê cho thấy dân địa phương chết vì hà mã nhiều hơn bị sư tử vồ, nhất là khi chúng nó bảo vệ hà mã con. Nhị vị muốn chụp hình thì nên ở xa xa một chút. Tôi không còn “trẻ” để chơi dại bơi đua với cá sấu.


Chúng tôi hoàn tất khóa huấn luyện sau hai tuần sống trong tình trạng sơ khai. Về nhà không dám kể cho vợ con và những người thân trong gia đình nghe về Mission Safari.


Lý Ký Hoàng k3

NỀN.png
bottom of page