TOÀN NHƯ
Vừa qua báo chí tại Quận Cam có đăng tải bản tin về một người cựu tù “cải tạo” 29 năm là ông Phan Văn Bàn, trong một phiên tòa trong tháng 12-2013 đã được Tòa Án Di Trú Khu Vực Los Angeles công nhận quyền tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Quyết định này đã chấm dứt một cuộc tranh đấu kéo dài hơn 6 năm qua của ông, kể từ năm 2007 đến nay.
Ông Phan Văn Bàn, nguyên là một cựu chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, chúng tôi đã liên lạc với ông Phan Tấn Ngưu, Tổng Hội Trưởng Tổng Hội CSQG/VNCH kiêm Hội Trưởng Hội CSQG Nam California, để tìm hiểu và đã có một buổi phỏng vấn như sau:
Hỏi: Được biết ông Phan Văn Bàn, nguyên là một cựu chiến sĩ ngành CSQG, xin ông có thể vui lòng cho biết rõ thêm về lý lịch của ông Bàn, người vừa được tòa án di trú Mỹ công nhận quyền tỵ nạn.
Phan Tấn Ngưu (PTN): Ông Phan Văn Bàn năm nay đã 76 tuổi. Ông sanh năm 1937 tại xã Tư An, quận Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông nguyên là một hạ sĩ quan trong Lực Lượng CSQG/VNCH, cấp bậc Trung Sĩ Nhất phục vụ tại Bộ Chỉ Huy CSQG Tỉnh Tuyên Đức – Đà Lạt trước năm 1975.
Hỏi: Nghe nói ông Phan Văn Bàn bị tù tới 29 năm trong khi ông chỉ là một hạ sĩ quan cảnh sát. Tại sao ông lại bị ngồi tù lâu như vậy, lâu hơn nhiều sĩ quan cao cấp khác và ngay cả cá nhân ông, nếu tôi không lầm cũng là một cựu sĩ quan cấp Tá trong lực lượng CSQG, từng bị tù lâu nhất cũng chỉ 17 năm sau 1975?
PTN: Đúng, ông Phan Văn Bàn chỉ là một hạ sĩ quan cảnh sát nhưng vì ông là một nhân viên ngành Cảnh Sát Đặc Biệt, một ngành mà cộng sản Việt Nam cho là “ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân”, nên sau ngày 30-4-1975, ông vẫn phải đi “học tập cải tạo” thực chất là đi tù như bao nhiêu sĩ quan, quân cán chính khác. Sau khi đã ở tù gần 7 năm, mãi đến năm 1982 ông mới được thả. Nhưng chỉ không đầy 3 năm sau, ngày 20 tháng 1, 1985, ông Bàn đã bị bắt trở lại vì tội đã tham gia tổ chức kháng chiến Chí Nguyện Quân Phục Quốc Nội Biên Việt Nam. Tổ chức kháng chiến này do ông Trương Văn Lân cầm đầu, còn ông Phan Văn Bàn là Phụ Tá, và được phong chức trung tá trung đoàn trưởng của tổ chức này, hoạt động trong địa bàn Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu.
Ông Phan Văn Bàn sau đó đã bị đưa ra tòa án nhân dân VC xét xử ngày 26 tháng 11, 1985, với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Bản cáo trạng của tòa án VC đã cáo buộc ông Bàn “đã cùng với Trương Văn Lân tổ chức họp nhiều lần để tuyên truyền xuyên tạc đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà Nước, tham gia in ấn tài liệu truyền đơn phân phát cho đồng bọn rải vào ban đêm…” Vì những cáo trạng này, ông Bàn đã bị tòa án VC kết án tù chung thân và bị giam suốt trong 22 năm, qua nhiều trại tù của cộng sản. Tổng cộng ông Bàn đã bị tù 29 năm, nhiều hơn cả cá nhân tôi là một cựu sĩ quan cấp Thiếu Tá ngành Cảnh Sát Đặc Biệt bị tù 17 năm.
Hỏi: Ông Bàn đang thụ án tù chung thân, nhưng đã được đến Mỹ trong trường hợp nào?
PTN: Trong nhiều năm trước, nhờ sự vận động của nhiều cá nhân và hội đoàn trong cộng đồng (trong đó có tổ chức LAVAS và Tổng Hội CSQG), ông Phan Văn Bàn đã là một trong số những người nằm trong danh sách những tù nhân được chính phủ Mỹ quan tâm. Vào tháng Ba năm 2007, đích thân bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice dưới thời tổng thống George W. Bush đã nêu trường hợp của ông Bàn khi thảo luận với phó thủ tướng VC Phạm Gia Khiêm trong chuyến Khiêm qua Mỹ để chuẩn bị cho chuyến đi của chủ tịch VC khi đó là Nguyễn Minh Triết sắp qua công du Hoa Kỳ. Nhờ vậy, ngày 9 tháng 5, 2007, ông Phan Văn Bàn đã được chính phủ Hoa Kỳ can thiệp đưa thẳng từ Trại Giam Ba Sao, tỉnh Nam Hà, đến Thái Lan để làm thủ tục đi định cư tại Mỹ. Tổng cộng ông Bàn đã bị tù 29 năm trong nhà tù cộng sản, vượt qua kỷ lục của nhiều người tù khác, kể cả ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện (đã qua đời), người vẫn được coi là tù nhân cộng sản (VN) lâu năm nhất cũng chỉ có số năm tù tổng cộng 27 năm; và còn nhiều hơn cả số năm tù của ông Nelson Mandela, người tù của thế kỷ (bị tù 27 năm vì đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi), vĩ nhân của thế giới và của dân tộc Nam Phi, vừa từ trần trong trong tháng 12 vừa qua.
Hỏi: Ông Bàn đã được đến Mỹ từ năm 2007, vì lý do gì đến nay ông mới được tòa án cho hưởng quy chế tỵ nạn?
PTN: Cuộc đời của người cảnh sát già này thật là nhiều gian nan, hoạn nạn. Sau khi đã ở tù tổng cộng 29 năm, vào năm 2007, sau khi được “bốc” thẳng từ trại giam Nam Hà đến Bangkok (Thái Lan), rồi đến Mỹ; cứ tưởng cuộc đời ông từ nay đã thoát nạn, nhưng không ngờ ông lại bị một khổ nạn khác. Lần này, người ta (phía Mỹ) tình nghi ông có tham dự vào việc tra tấn các cán binh cộng sản trong thời gian ông phục vụ tại Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt Quận Lạc Dương, tỉnh Tuyên Đức – Đà Lạt trước năm 1975. Vì vậy ông đã bị từ chối quyền tỵ nạn theo luật Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo sự tìm hiểu của tôi, đây chỉ là một sự hiểu lầm do sự thông dịch không chính xác trong buổi tiếp xúc của ông Bàn với nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Bangkok năm 2007. Sự hiểu lầm này đã dẫn đến việc Hoa Kỳ quyết định từ chối cấp quyền tỵ nạn và nhập cảnh cho ông Bàn vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhờ vào sự cầu cứu của người con trai của ông Bàn là anh Phan Văn Vinh đã vượt biên đến Mỹ và định cư ở Illinois từ năm 1994, tổ chức Trợ Giúp Pháp Lý Cho Thuyền Nhân Việt Nam gọi tắt là LAVAS (Legal Assistance for Vietnamese Asylum Seekers) đã can thiệp nên sau đó ông Bàn đã được đến Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa chính thức được công nhận quyền tỵ nạn từ đó cho đến nay. Cũng cần nói thêm, theo ông Bàn cho biết, người thông dịch viên ở Bangkok là một người Việt gốc Hà Nội 75.
Hỏi: Như vậy, chuyện gì đã xảy ra cho ông Bàn từ năm 2007 đến nay?
PTN: Sau khi quyền tỵ nạn của ông Phan Văn Bàn bị từ chối mặc dù ông được can thiệp để đến Mỹ vào năm 2007, chúng tôi lại một lần nữa khởi sự một loạt những vận động mới, đấu tranh về mặt pháp lý với tòa án di trú Mỹ qua tổ chức LAVAS. Về phần chúng tôi, Tổng Hội CSQG/VNCH, chúng tôi đã giới thiệu cho LAVAS những nhân chứng, nguyên là những cấp chỉ huy cũ của ông Bàn hay những vị chỉ huy trong ngành CSQG có uy tín để xác minh những điều cần thiết. Như cựu Thiếu Tá Lê Văn Bưu (hiện định cư tại Úc), nguyên Trưởng Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt Quận Lạc Dương, nơi ông Bàn từng làm việc trước đây. Hay cựu Thiếu Tá Phạm Văn Cờ, nguyên Phụ Tá Đặc Biệt Bộ Chỉ Huy CSQG Tỉnh Tuyên Đức – Đà Lạt, hiện cư ngụ tại Quận Cam, (quận Lạc Dương nằm trong tỉnh Tuyên Đức – Đà Lạt). Và đặc biệt trong các nhân chứng còn có cựu Đại Tá Trần Minh Công, nguyên Viện Trưởng Học Viện CSQG, cũng cư ngụ tại Quận Cam, một khuôn mặt rất quen thuộc trong cộng đồng hải ngoại; và cá nhân tôi, Phan Tấn Ngưu, nguyên là Thiếu Tá chỉ huy Cảnh Sát Đặc Biệt tỉnh Tây Ninh, hiện là Tổng Hội Trưởng Tổng Hội CSQG.
Trong phiên tòa vào tháng 12 vừa qua, ngoại trừ Thiếu tá Bưu (hiện cư ngụ tại Úc) vì đường xá xa xôi không đến được; tất cả ba chúng tôi đều có mặt để nộp tờ khai hữu thệ và làm chứng rằng các nhân viên Cảnh Sát Đặc Biệt như trường hợp ông Bàn không hề tra tấn các cán binh cộng sản. Nhờ vậy mà chánh án Toà Án Di Trú Khu Vực Los Angeles Jan Latimore đã ra án lệnh công nhận quyền tỵ nạn cho ông Bàn kể từ nay, chấm dứt một cuộc tranh đấu đã kéo dài trong hơn 6 năm qua.
Điều đặc biệt đáng nói là, sau khi ra phán quyết, chánh án Latimore đã nhắc đến cuộc đời và sự tranh đấu của ông Nelson Mandela, một vĩ nhân không chỉ của dân tộc Nam Phi mà còn của cả thế giới, người đã từng bị tù đầy hơn 27 năm chỉ vì đấu tranh cho lý tưởng tự do và công bằng xã hội, chống lại sự phân biệt chủng tộc. Ông Nelson Mandela vừa mới qua đời tại Nam Phi. Vị chánh án này còn nói, trường hợp ông Phạm Văn Bàn cũng gần tương tự, ông đã chấp nhận ngồi tù 29 năm để chỉ nói lên rằng, ông không làm điều gì sai trái đối với nhân dân và đất nước Việt Nam.
Hỏi: Phản ứng của ông Bàn và gia đình CSQG như thế nào sau phán quyết trên?
PTN: Dĩ nhiên đây là một tin vui, rất vui, không chỉ cho cá nhân ông Bàn mà còn là một tin vui trong đại gia đình CSQG chúng tôi. Nó đã làm sáng tỏ rằng chánh nghĩa đã thuộc về chúng tôi và xóa đi những ngộ nhận, hiểu sai về những hoạt động của người chiến sĩ cảnh sát quốc gia VNCH trước đây.
Trước tin vui như vậy, Tổng Hội CSQG và Hội CSQG Nam California trong buổi họp mặt Tất Niên Mừng Xuân Giáp Ngọ sắp tới vào ngày 26 tháng 1, 2014, sẽ được tổ chức tại nhà hàng Paracel, thành phố Westminster; chúng tôi sẽ có buổi hội ngộ, vinh danh và chào mừng chiến hữu Phan Văn Bàn chính thức được hưởng quy chế tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, chúng tôi tổ chức vinh danh và chào đón ông Bàn. Kể từ năm 2007, sau khi ông Bàn được tạm nhập cư trên đất Mỹ, Tổng Hội CSQG chúng tôi đã nhiều lần tổ chức gặp gỡ và vinh danh ông trong tình đồng nghiệp, tình chiến hữu. Tuy nhiên lần này, buổi gặp gỡ ông Bàn sẽ đặc biệt hơn vì có sự hiện diện của cộng đồng và nhiều thân hữu trong nhiều hội đoàn bạn muốn đến để chào đón và chia sẻ niềm vui với ông.
Phóng viên: Xin chúc mừng đại gia đình CSQG và cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn lý thú này.
TOÀN NHƯ ghi