TRÍCH MỤC 18, CHƯƠNG IV, LƯỢC SỬ CSQG-VNCH
Trích nguyên văn một phần tài liệu BAN A17- BDTS (Tháng 6-2013):
Hoạt động của Ban A17:
Nhận thấy Thành Đoàn Cộng Sản dồn nỗ lực chính yếu để chiếm cứ Đại Học Xá Minh Mạng, Ban Đại Diện Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, Ban Đại Diện các Phân Khoa lớn : Luật Khoa ( 29,715 sinh viên 1973-1974 ), Văn Khoa ( 20,405 Sinh Viên 1973-1974 ) và Khoa Học ( 10,738 Sinh Viên 1973-1974 ). Do đó, để đối phó với Thành Đoàn Cộng Sản, Ban A17 đã thành lập các tổ công tác hoạt vụ bề thế hơn tại các trọng điểm kể trên. Tất cả đều dưới danh nghĩa là sinh viên thuần túy.
Tại Luật Khoa, Văn khoa và Khoa học đã diễn ra trận chiến gay go giữa Ban A17 và Thành Đoàn Cộng Sản để dành lấy Ban Đại Diện Sinh Viên. Để tăng cường cho các cán bộ Ban A17, bên Cảnh Sát Đặc Biệt đã điều về cho mỗi phân khoa một số Thiếu Úy Cảnh Sát vừa mới tốt nghiệp Học Viện CSQG. Các Thiếu Úy này còn trẻ, đã tốt nghiệp trung học, cho nên họ đều ghi danh để trở thành sinh viên tại các Phân Khoa Đại Học. Đây là sự phối hợp cần thiết và hữu hiệu.
Thực ra, nếu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình không kiêm nhiệm cả hai cơ quan to lớn (Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo và Bộ Tư Lệnh CSQG) thì việc phối hợp hoạt động nêu trên không dễ mà có thể thực hiện được.
Ngoài các trọng điểm nêu trên, Ban A17 cũng điều cán bộ tới Đại Học Vạn Hạnh, Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp (tên cũ là Nông Lâm Súc), Dược Khoa… vì trước đó ít lâu, 3 trường này từng bị các cán bộ Thành Đoàn Cộng Sản khống chế, chúng đã biến những trường này thành cứ điểm xuất phát nhiều cuộc tranh đấu, xuống đường và tổ chức các buổi văn nghệ phản chiến, các cuộc họp báo…
Kết quả:
Sau một thời gian tương đối ngắn, các sinh viên khuynh hướng Quốc Gia đã dành lại được quyền kiểm soát những tổ chức sinh viên quan trọng, như Sinh Viên Lý Bửu Lâm: Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên niên khóa 1970-1971, Chủ Tịch Ban Đại Diện Sinh Viên Kiến Trúc Đại Học Sài Gòn niên khóa 1970-1971. SV Bửu Uy : Chủ tịch Tổng Hội SV niên khóa 1970-1971, Chủ Tịch Ban Đại Diện SV Văn Khoa Đại Học Sài Gòn niên khóa 1971-1972. SV Phạm Minh Cảnh: Chủ Tịch Tổng Hội SV Sài Gòn niên khóa 1972- 1974-1975, Chủ Tịch Ban Đại Diện SV Khoa Học Đại Học Sài Gòn niên khóa:
1971-1972. SV Lê Khắc Sinh Nhật: Chủ Tịch Ban Đại Diện SV Luật Khoa Đại Học Sài Gỏn niên khóa 1970-1971. SV Trương Văn Banh: Chủ Tịch Ban Đại Diện Luật Khoa Đại Học Sài Gòn niên khóa 1971-1972. SV Nguyễn Hữu Tâm: Chủ Tịch Ban Đại Diện SV Văn Khoa Đại Học Sài Gòn niên khóa 1972-1973. SV Phan Nhật Tân: Chủ Tịch Ban Đại Diện SV Văn Khoa Đại Học Sài Gòn niên khóa 1974-1975. SV Khiếu Hữu Đồng: Chủ Tịch Ban Đại Diện SV Khoa Học Đại Học Sài Gòn niên khóa 1974-1975. Đại Học Xá Minh Mạng cũng có Ban Đại Diện mới. Tất cả đều thuộc thành phần Quốc Gia.
Sau một năm hoạt động, Ban A17 đã phá vỡ cả hai hệ thống cán bộ chìm, nổi của Thành Đoàn Cộng Sản. Đã dành lại Ban Đại Diện Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn và các Phân Khoa. Các cán bộ Thành Đoàn Cộng Sản cũng không còn khống chế được Ban Đại Diện Sinh Viên Đại Học Vạn Hạnh và Đoàn Sinh Viên Phật Tử.
Nhờ những thành quả trên mà an ninh, trật tự tại các Phân Khoa Đại Học Sài Gòn được vãn hồi. Từ nay, Đại học không còn là một mặt trận mà là môi trường an bình, thuận lợi cho việc học tập. Và cũng từ nay, các Ban Đại Diện Sinh Viên có điều kiện phát huy các sinh hoạt học đường. Văn nghệ, báo chí, thể thao, du ngoạn, công tác xã hội, thăm viếng các chiến sĩ tiền đồn, đi tiên phong trong việc chống Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, phản kháng mạnh mẽ trước công luận về việc Việt Cộng pháo kích bừa bãi vào 2 trường Tiểu Học Cai Lậy Tỉnh Định Tường và trường Tiểu Học Song Phú, Quận Bình Minh, Tỉnh Vĩnh Long, giết hại hàng chục học sinh thơ ngây, bé nhỏ…
Đại học yên ổn thì phố xá cũng được tấp nập, yên vui.
Đây là thắng lợi chẳng những của Ban A17 mà còn của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo và của Ngành Cảnh Sát Đặc Biệt. Thắng lợi tại mặt trận Đại Học là thắng lợi lớn, dứt điểm. Tình hình Đại Học yên tĩnh cho tới “ngày sập trời” 30.04.1975. Chính những cán bộ Thành Đoàn Cộng Sản cũng phải công nhận họ đã thất bại trong mặt trận Đại Học. Hàng Chức Nguyên viết “từ năm 1972, địch đã ra tay khủng bố, càn quét, hòng đè bẹp các phong trào đấu tranh. Hầu hết những trụ sở tập họp công khai của thanh niên, sinh viên, học sinh đều bị chúng phá hủy hoặc chiếm đóng…Tình hình im lặng, căng thẳng, không một cuộc đấu tranh công khai lớn nhỏ nào nổ ra được” (Hàng Chức Nguyên. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. Nxb Trẻ, 2005, trang 186)
(Trích trong Lược Sử CSQG-VNCH, Chương IV: Thành Quả Hoạt Động)