NGUYỄN QUÝ ĐẠI
Trước năm 1975, diện tích quận Thủ Đức khoảng 200 km² với những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt, những khu vườn cây ăn trái xum xuê, vườn cao su xanh ngắt và những nhà máy kỹ nghệ lớn nhất thời VNCH như: nhà máy Xi Măng Hà Tiên, nhà máy dệt VIMYTEX, nhà máy làm sửa hộp Foremost, nhà máy nước Đồng Nai, nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, nhà máy kim khi VIKIMCO, nhà máy sản xuất tôle VINATON vv... ngoài ra có suối Xuân Trường, những khu nghỉ mát, hồ bơi lớn theo tiêu chuẩn quốc tế... Đầu thập niên 70 Thủ Đức lại có thêm một trung tâm giải trí lớn nữa là khu Đường Sơn Quán bên xa lộ Đại Hàn với sân trượt (patin) nổi tiếng và thu hút rất đông giới trẻ Sài Gòn vào mổi cuối tuần.
Thủ Đức, vùng đất Văn Hóa gần Thủ đô Sài Gòn, dưới thời VNCH về phương diện giáo dục là đơn vị hành chánh cấp quận duy nhất có đầy đủ các trường từ cấp tiểu học lên đến đại học. Đại Học Khoa Học (Ban Vật Lý Địa Cầu) và Đại Học Kỹ Thuật Bách Khoa. Nếu không có biến cố 30.04.1975, trường Đại Học Kỹ Thuật Bách Khoa là đại học hiện đại có diện tích lớn nhất tại Miền Nam. Những trường trung học công lập: Thủ Đức, Hoàng Đạo, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, còn có thêm Trường Trung Học Kiểu Mẫu là trường dạy theo chương trình tổng hợp đầu tiên tại miền Nam với cơ sở đồ sộ và khang trang nhất. Ngoài ra còn có trường trung học Kỹ Thuật Việt Đức ờ Ngả tư Xa lộ. Giáo Hội Công Giáo cũng có một số trường trung học như trường Lasan Mossard, trường Thánh Phanxicô, và thêm một trường nội trú dành cho nữ sinh.
Chợ Thủ Đức theo lịch sử có từ hành trình xuôi về phương Nam của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thế kỷ XVII. Người lập ra chợ là một thương gia người Hoa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, bỏ nước ra đi sau khi phong trào "phản Thanh phục Minh" bị thất bại. Nhân vật lịch sử đã góp phần khai khẩn, lập ấp vùng Linh Chiểu xưa và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức.
Thủ Đức là một vùng nửa chợ nửa quê hấp dẫn đối với người dân Sài Gòn, có những chỗ vui chơi giải trí thơ mộng, không ồn ào náo nhiệt. Cuối tuần nếu dân Sài Gòn không đi tắm biển Vũng Tàu thường đến Thủ Đức tắm hồ, tắm suối, ăn nem nướng gói lá vông là một đặc sản nổi tiếng qua nhiều thập niên. Dọc các quán ăn, cửa hiệu ven đường, những chùm nem xanh tròn đầy treo lủng lẳng trông thật hấp dẫn, qua ca dao. “tay cầm bầu rượu nắm nem, mải vui quên hết lời em dặn dò“. Tản Đà thích thú khi đến ăn nem và tắm suối Xuân Trường làm thơ hồi tưởng
Thủ Đức- Xuân Trường khách vắng đông
Ngồi nhớ người xa thêm nhớ cảnh
Xa xôi ai có nhớ nhau cùng...
Thủ Đức còn có các quân trường nổi tiếng như: trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức (SQTBTĐ), Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG)... Từ ngã tư xa lộ, đi về hướng chợ Nhỏ là làng Phong Phú sau năm 1940 đổi thành Tăng Nhơn Phú. Trường SQTB Thủ Đức (Trường Bộ Binh) nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú cách thủ đô Sàigòn 18 cây số về hướng Đông Bắc. Trường SQTB Thủ Đức có những dãy nhà mái ngói đỏ san sát dưới những hàng cây um tùm xanh mát. Đi trên xa lộ Biên Hòa nhìn về hướng đồi Tăng Nhơn Phú thấy một phần của trường và Học Viện CSQG có đại giảng đường với huy hiệu Cảnh Sát lớn ở mặt tiền, cổng và sân cờ có nhiều cây tùng xanh, cột cờ cao với cờ vàng tung bay trong gió lộng.
Theo tài liệu của Bộ Quân Sử “các diễn tiến trong việc thành lập Quân Đội Quốc Gia VN, trường Sĩ Quan Thủ Đức là một trong hai trường đào tạo sĩ quan trừ bị do chính quyền Quốc Gia Việt Nam thành lập vào tháng 10 năm 1951 mang tên École d’Officiers de Réserve để đào tạo cấp chỉ huy người Việt cho Quân Đội Quốc Gia VN trong Liên Hiệp Pháp. Trường được xây trên đồi Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức. Năm 1952 Trường sáp nhập với trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định được chuyển từ Bắc vào. Trường Nam Định đào tạo chỉ một khóa sau đó giải tán.
Năm 1955 khi QLVNCH thành hình thì Trường Sĩ Quan Thủ Đức lập ra năm ngành (trường) chuyên môn: Thiết giáp, Pháo binh, Công binh, Truyền tin, Quân cụ, Thông vận binh (Quân xa sau này) và Quân chánh. Năm 1961 khi chiến tranh VN ngày càng lan rộng, các trường chuyên môn càng phát triển và trường SQThủ Đức với nhiệm vụ đào tạo chung nên trường đổi tên là Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức cho đến nền Đệ Nhất Cộng Hòa thì chấm dứt.
Năm 1963 lấy lại tên tên cũ: Trường Sĩ Quan Trừ bị Thủ Đức, chỉ đảm trách việc đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho toàn thể Lục Quân Việt Nam. Ngoài những khóa trên trường huấn luyện các khóa:
- Khoá hoàn hảo Sĩ quan Điạ Phương Quân
- Khoá Bổ túc Quân sự cho SQ Quân Y
- Khóa đào tạo Sĩ Quan Huấn Luyện Viên và huấn luyện quân sự hàng ngàn Sĩ Quan do các: Bộ Tư Lệnh Không Quân, Hải Quân và Cảnh Sát Quốc Gia gửi đến thụ huấn. (Năm 1969 CSQG thành lập Học Viện tại Thủ Đức cũng trên đồi Tăng Nhơn Phú, Sinh viên sĩ quan được huấn luyện căn bản quân sự tại trung tâm huấn luyện Rạch Dừa Vũng Tàu, sau khi mãn khoá gắn Alpha về Học Viện học chuyên môn, không còn thụ huấn tại trường SQTB Thủ Đức như những khoá đàn anh).
Học trình của Trường SQTB Thủ Đức kéo dài 9 tháng. Những khóa đầu điều kiện học vấn cần có bằng trung học, thời gian huấn luyện ngắn hơn. Nhưng sau nầy nhập học (động viên hay tình nguyện) thanh niên từ 18 tuổi phải có bằng Tú Tài I (trước 1974 tại miền Nam trường trung học đệ nhị cấp phải qua 2 kỳ thi Tú Tài I & II). Sau khi ra trường mang cấp Chuẩn úy, sau 18 tháng quân vụ thì thăng Thiếu úy, hai năm sau lên Trung úy. (ngoại trừ những Sĩ quan vi phạm kỷ luật bị "ký cũ" thì khó lên cấp bậc theo quy định). Mỗi đơn vị Quân Đội có một Khu Bưu Chính (hộp thơ). viết tắt KBC, với 4 con số ghi sau chỉ danh đơn vị đó. KBC của Trường Bộ Binh là KBC 4.100 trực thuộc Quân Bưu Cục Trung Ương tại Thủ Đô Sài Gòn.
Sau Tết Mậu Thân 1968, chính phủ ban hành một sắc luật Quân Sự áp dụng vào học đường, cuối tuần học sinh đệ nhị cấp phải học căn bản về quân sự biết xử dụng vũ khí, tập bắn tại các trung tâm huấn luyện. Nên khi họ vào trường SQ trừ bị Thủ Đức đã có một phần căn bản về quân sự. Các công chức và chuyên viên kỹ thuật các ngành phải được thụ huấn quân sự xong có thể trở về nhiệm sở cũ làm việc, nếu có nhu cầu đòi hỏi của cơ quan ấy. Các giáo chức sau một vài năm trong quân ngũ đa số được trở về trường xưa tiếp tục dạy học. Ngoài những người được biệt phái đa số sĩ quan trừ bị Thủ Đức phải ở lại Quân đội mặc dù nhiệm kỳ trừ bị 4 năm đã qua, nhưng bị lưu giữ lại vì tình trạng chiến tranh.
Năm 1972 lịnh tổng động viên (sụt một tuổi) sinh viên cũng như học sinh phải lên đường nhập ngũ, có 15 khóa SQTB thụ huấn tại Nha Trang và Thủ Đức. Kể từ tháng 1-1968 đến tháng 12-1973, trong việc tiếp sức trường SQTB Thủ Đức, trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang đã đào tạo được 12.000 Sĩ quan trừ bị. Khoá 1/68 Khóa 2/68, Khóa 2/69, khóa 1/72, Khóa 6/72, Khoá 9B/72 Khóa 11/72 học tại Nha Trang. Như vậy tổng số Sĩ quan trừ bị được huấn luyện tại Thủ Đức, Nam Định, và Nha Trang trên dưới 100,000 người trong đó có những danh tướng xuất thân từ Thủ Đức chiến đấu tới ngày cuối cùng như: tướng Nguyễn Khoa Nam, Tướng Lê Văn Hưng...tuẫn tiết không đầu hàng, (còn những hèn tướng ra lệnh cho cấp dưới, binh sĩ tử thủ chiến đấu trong khi họ cùng gia đình bỏ chạy từ 27.4.1975).
Thủ Đức còn đào tạo những khoá Sĩ quan đặc biệt, giành cho Hạ sĩ quan có trình độ trung học và kinh nghiệm tác chiến, là một cơ hội tốt để họ tiến thân trong cuộc đời binh nghiệp như cố Đại tá Hồ Ngọc Cẩn.
Tôi thi vào ngành khác không bị động viên vào trường SQTB Thủ Đức. Nhưng bạn bè, người thân trong gia tộc phần lớn được thụ huấn trong trường SQTB Thủ Đức, được học đầy đủ kỹ thuật tác chiến, công tác chỉ huy, tham mưu, tình báo, vũ khí, chiến thuật, chiến lược ... Cuộc chiến đôi khi cao độ đẫm máu, nhiều người hy sinh, bạn thân của tôi trở về trong chiếc quan tài bọc kẻm, phủ cờ vàng trong chiều đông gió lạnh! Mẹ già ôm quan tài thương khóc...
Trường SQTB Thủ Đức đã đào tạo Sĩ quan trẻ tài năng và đạo đức. Những cuộc hành quân Sĩ quan chỉ huy ra lệnh binh sĩ luôn tôn trọng sinh mạng, tài sản của dân, kính trọng người già, yêu trẻ con và luôn đứng đắn với phụ nữ... đối xử nhân đạo với tù. Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín là năm đức tính người chỉ huy phải rèn luyện hàng ngày.
Bởi vậy thời gian huấn nhục 8 tuần là giai đoạn rèn luyện thể lực và tâm lực cho tân Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ). Kiên nhẫn chịu đựng thi hành lệnh không nóng giận, chấp nhận gian khổ nếu bị khóa đàn anh phạt hít đất, nhảy xổm... Những bạn của tôi thời sinh viên sống lè phè, tóc dài nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, nhưng sau thời gian được huấn luyện ra trường trở nên nghiêm trang, nước da đen, tóc ngắn, đi đứng mạnh mẽ, ăn nói đúng tư cách của một cấp chỉ huy. Cuối tuần được đi phép với bộ đồ tiểu lễ kaki màu vàng nhạt, vai đeo dây biểu chương màu vàng, đầu đội cascette, giầy botte de saut, bút nịt sáng chói, có xe GMC chở về gần sở thú, SVSQ đi dạo phố, hẹn với người tình, tận hưởng những ngày đẹp ở thành phố Sài Gòn thân yêu. Ngày ra trường họ sẽ đi khắp các phương trời, đến những đơn vị tác chiến trên núi rừng biên giới, ăn cơm sấy, uống nước hố bom... Làm gì có tô phở hay ly cafe thơm ngon bên người yêu với uớc vọng tương lai! phải chờ 15 ngày phép trong năm mới có thể gặp lại nhau. Cuộc đời của người trai thời loạn phải hy sinh tất cả ra chiến trường để bảo vệ cho miền Nam được tự do, mong ước chiến tranh chấm dứt để trở về mái nhà xưa. Mọi người hy vọng Hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở VN (Agre ement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam) nhưng chỉ là một giấc mơ!
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết và có giá trị kể từ ngày 27.01.1973, tất cả quân đội Đồng Minh triệt thoái khỏi miền Nam Việt Nam. Trường SQTB Thủ Đức dời về tiếp quản căn cứ của Sư Đoàn Hổ Mang Thái Lan ở Long Thành. Những cơ sở trường ốc cũ được chuyển thành Huấn Khu Thủ Đức, tập trung các Trường Huấn Luyện của tất cả các ngành lại một chỗ.
Gần một phần tư thế kỷ từ cuối năm 1950 đến giữa năm 1973, trường SQTB Thủ Đức đào tạo Sĩ quan trừ bị cho Quân Lực VNCH. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đào tạo 4.600 Sĩ quan hiện dịch. (Khóa đầu tiên Võ Bị chỉ cần học vấn đến bằng thành chung, nhưng sau nầy phải có bằng Tú Tài 2 và chương trình học 4 năm ra trường cấp Thiếu úy).
Ngoài ra còn có thêm: Đại học Quân y; Đại học Chiến tranh chính trị; các trường Không quân; Hải quân… Phần lớn Sĩ quan xuất thân từ Thủ Đức phục vụ Quân Lực VNCH hùng mạnh. Quân đội VNCH không thua trên mặt trận, nhưng chính phủ VNCH thua trên mặt trận chính trị ở Paris Berlin, Washington... Bạn của tôi từ các mặt trận trở về trên thân thể với những vết thương đã lành, nhưng vết thương lòng không thể nào quên, sau khi Quân Đồng minh triệt thoái, quân lực VNCH phải trải mỏng lực lượng bảo vệ lãnh thổ, Hoa Kỳ chuyển giao võ khí quân trang, quân dụng, phi cơ... nhưng cắt viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH và gần như bỏ rơi miền Nam VN. Quân đội không được tiếp liệu đầy đủ, thiếu nhiên liệu cho xe hơi, xe tăng, tàu chiến, máy bay phải bỏ trong ụ vì không có phụ tùng thay thế, thiếu hỏa lực súng đại bác (105-155) đạn bị giới hạn bắn nhỏ giọt yểm trợ cho các cuộc hành quân...
Trong khi đó Liên Xô, khối Cộng sản Đông Âu và Trung Cộng viện trợ tràn ngập quân sự cho Hà Nội. Bộ đội Bắc Việt được trang bị đầy đủ vũ khí, xe tăng tối tân. Bộ đội trẻ phải hy sinh rất cao "sinh Bắc tử Nam" đánh theo chiến thuật biển người để tiến chiếm miền Nam. Tinh thần Quân Đội VNCH chiến đấu hăng say tái chiếm An Lộc, cổ thành Quảng Trị, dù bị cúp viện trợ thiếu súng đạn nhiên liệu...
Việt Nam Cộng Hòa phải tự vệ chống lại cuộc xâm lăng của CS cho đến biến cố lịch sử 30.4.1975, tan hàng rả đám, Sĩ quan, Công chức VNCH bị tập trung vào các trại cải tạo, nhiều người đã chết trong các trại tập trung ở núi rừng miền Bắc. Số còn lại may mắn sau nhiều năm trong tù đói khổ, thiếu thốn trăm bề sống sót trở về được đi theo diện H.O (Humanitarian Operation) năm 1999 đến Mỹ nhờ sự giúp đỡ, vận động tích cực của Bà Khúc Minh Thơ. Hay những người đi vượt biển được các quốc gia thuộc thế giới tự do cho định cư. Những người còn trẻ đi học tiếp tốt nghiệp đại học, những người lớn tuổi thì con cái có cơ hội làm nên sự nghiệp vẽ vang nơi xứ người, không bị kỳ thị lý lịch. Nhà cầm quyền CSVN trả thù Sĩ quan, Công chức của VNCH đã đành. Nhưng những cựu chiến binh của họ, họ cũng nhẫn tâm bóc lột, lọc lừa...nhiều người mang huân chương đầy ngực đi biểu tình, kêu gọi công lý vì bị cướp đất, cướp nhà nhưng tiếng kêu gào oan ức của họ đi vào hư không!
Thời gian qua tài liệu về cuộc chiến tranh VN được giải mã. Lời nói của cố danh tướng của Do Thái (Israel) Moshe Dayan "Muốn thắng cộng sản, phải để cho cộng sản thắng trước". Một người bạn trong nước đã nhận xét "Nhận định nầy của tướng Moshe Dayan đến nay vẫn còn có giá trị tuyệt đối. Nhân dân Việt Nam ngày nay đã nhìn thấy rõ bản chất phi nhân bản của cái gọi là CHXHCNVN kinh dị buôn dân, bán nước. Nói theo ngôn từ của triết gia Arthur Koestler thì chế độ CSVN hiện nay giống như một dòng sông bị nhiễm độc, bao nhiêu thứ rác rến hôi thối từ dưới đáy sông lần lượt trồi lên trên mặt nước, đó là những bộ mặt nham nhở của những tên lãnh đạo đảng CSVN."
Cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nói: "Chấm dứt chiến tranh VN, không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ cái giá phải trả, cho loại Hòa bình đó, là ngàn năm tăm tối, cho thế hệ sinh ra tại VN về sau."
Hồi tưởng lại những tháng năm đẹp, nhiều kỷ niệm ở Thủ Đức với mưa nắng năm xưa trong quân trường qua đoạn thơ của Tuý Hà:
Tăng Nhơn Phú ta sẽ về thăm lại
Đốt nén nhang thơm ta Đất Trời
Đã cho ta một thời hào sảng
Đã luyện cho ta thành sắt thành đồng
Nhập cuộc chơi có tên Sinh Tử
Giưã làn ranh nghiệt ngã chiến trường
Đã cho ta ngẩn cao đầu nhạo nghể
Thủ Đức làm người không hổ thẹn lương tâm
Tăng Nhơn Phú đồi xưa ta trở lại
Cắm ngọn cờ vàng rực rỡ trời Nam
Ta sẽ về dù nương theo gió
Bởi thân tàn chí lớn vẫn còn nguyên
(Tăng Nhơn Phú Túy Hà)
Thời gian trôi qua gần 39 năm, những người từng tham gia trong cuộc chiến cả hai bên Nam - Bắc đã già yếu, nhiều người đã ra đi về bên kia thế giới vĩnh hằng. Nhắc lại khúc quanh lịch sử không phải để khơi dậy nỗi hận thù mà là nhắc lại nỗi thống khổ, đau buồn của cả dân tộc Việt Nam, để thế hệ mai sau biết được giá trị lịch sử trách nhiệm của mình với dân tộc. Chúng ta cùng đốt nén nhang lòng, tưởng niệm những người đã nằm xuống trong cuộc chiến Việt Nam.
Nguyễn Quý Đại (K8)