top of page
Banner edge

DON OBERDORFER - DỊCH: TS TRƯƠNG Đ. HỒ & CH PHAN Q. NGHIỆP

Đà Nẵng, ngày 5 tháng 11 năm 1972.


Các lực lượng Cộng sản tại  Nam, Việt Nam đã thực hiện những chuẩn bị  chi tiết và rộng lớn để lợi  dụng hiệp định ngưng bắn đã được manh nha  giữa Washington và Hà Nội.


Những mệnh lệnh bắt đầu  những chuẩn bị này đã được loan truyền tới  mọi tầng lớp và các mũi công  tác VC ở đây ngay cả trước khi tập đoàn Hà Nội bí mật đệ trình dự thảo  hòa bình mới đến Cố vấn Tổng Thống Hoa Kỳ Hennry A. Kissinger tại Paris  ngày 8 tháng 10.


Việc vừa bắt giữ 62 cơ sở  VC và tịch thu nhiều tài liệu quan trọng đã cung cấp những tin tức khó  khăn mới ghi nhận được về kế hoạch của  Cộng sản nhằm dành được lợi thế  về quân sự và chính trị trong giai đoạn "tranh tối tranh sáng" trước và  sau ngưng bắn hầu dành được lợi thế chính trị sau này khi lệnh ngưng bắn  có hiệu lực.


Rạng sáng ngày 4 tháng 10,  cơ sở VC hoạt động tại Đà Nẵng đã nhận  được chỉ thị khẩn cấp nhằm  chuẩn bị cho việc ngưng bắn và những sắp xếp về chính trị sắp xảy ra.


Ngày 19 tháng 10, hai ngày  sau khi Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đạt được thỏa hiệp tạm thời về hầu hết  các điểm quan trọng ở hội đàm Paris và ngay ngày Kissinger hội thảo với  Tổng Thống Thiệu ở Sài Gòn, nhiều cán bộ VC cao cấp của Thành ủy Đà Nẵng  được triệu tập về Bộ Chỉ Huy trên núi gần đó để nhận một chương trình  chi tiết cho những gì sắp xảy ra.


Khai thác tài liệu tịch  thu ghi nhận: một lịch trình ấn định sẵn đòi hỏi Mỹ ngưng ném bom, một  chuyến đi Hà Nội của Kissinger, ngày giờ phổ biến những thỏa thuận chung  của đài phát thanh Washington, Hà Nội và Moscow và sự thi hành cuối  cùng 48 giờ sau đó. Trong khi đó, VC đã vạch sẵn kế hoạch là vào phút  chót mọi nỗ lực để tấn công quân sự, ám sát, tuyên truyền và rộ lên cắm  cờ VC để đòi hưởng quyền về lãnh thổ và sự ủng hộ của dân chúng. Một  trong những âm mưu của VC là pháo kích bằng hỏa tiễn vào phi trường Đà  Nẵng, đưa cán bộ chính trị, đặc công khủng bố xâm nhập vào bên trong Thị  xã, trong khi lệnh ngưng bắn đã gần kề.


Sau khi Hoa Kỳ hoãn lại  phút chót những hành động sau cùng cho kế hoạch hòa bình bởi vì muốn bày  tỏ sự cần thiết loại trừ những "nhập nhằng không rõ ràng", đầu não VC  liền đưa ra một văn điện hỏa tốc là ngừng ngay những hoạt động đã dự  trù. Nhưng lệnh ngưng đến quá trễ để có thể ngăn chận cuộc hành quân  cảnh sát vào một nơi trú ẩn  kiên cố của một tên VC cao cấp mà y đã tẩu  thoát trong đường tơ kẽ tóc và bỏ lại tài liệu chi tiết về kế hoạch hoạt  động.


Có thể nói rằng những cuộc  bố ráp ở Đà Nẵng đã cung cấp được những tin tức tình báo đặc biệt và  quan trọng nhất về kế hoạch của VC. Người  ta tin tưởng rằng những chuẩn  bị tương tự như vậy cũng được thực thi trên toàn quốc.


Một vài ứng biến mà chính  quyền Thiệu đã đối phó gồm có chiến dịch dựng hàng trăm ngàn cờ quốc gia  nền vàng ba sọc đỏ và những cảnh báo tuyên truyền về ngưng bắn xuất  hiện như là những biện pháp đối phó với  âm mưu của VC đã được phát hiện  tại đây.


Những chỉ dấu trước đó:


Những chuẩn bị của VC cho  một cục diện mới về cuộc đấu tranh Đông Dương đã có từ 6 tháng trước  thời gian về kế hoạch hòa bình mới ở Hà Nội. Một trong những chỉ dấu sớm  sủa nhất là một bài báo trong số tháng 4 của tờ Tiền Phong, một bộ phận  của Đảng Nhân Dân Cách Mạng (tức Đảng Cộng Sản trong miền Nam Việt  Nam). Bài báo đã định giá sự cân bằng của các lực lượng ở Đông Dương kêu  gọi mở tấn công đồng loạt để nâng cao vị trí của Cộng quân trước khi có  sự sắp xếp về chính trị.


Các bản báo cáo về âm mưu  của Cộng sản triệt để lợi dụng ngưng bắn đã được phổ biến vào cuối mùa  Hè và đầu mùa Thu. Một bằng chứng hiển nhiên và rõ ràng nhất về những âm  mưu này – và cũng từ một tài liệu chưa được công bố - đó là Kế Hoạch Đà  Nẵng mùng 4 tháng 10, đã lọt vào tay của Sư Đoàn 3 Bộ Binh Nam Việt Nam  trong một cuộc hành quân gần đó vào ngày 9 tháng 10. Tài liệu tựa đề  "Kế hoạch Tổng Nổi Dậy Khi Một Giải Pháp Chính Trị Đã Đạt Được".


Chuẩn bị tư tưởng:


Một đề mục quan trọng là  chuẩn bị tư tưởng để giải thích sự giao  tiếp giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà  Nội. Tài liệu khẳng định rằng "Đế quốc Mỹ" đang bị đánh bại một cách  nhục nhã và đã rút binh cũng như chấm dứt cuộc xâm lăng và không can  thiệp quân sự ở Việt Nam. Không có sự trợ giúp của Hoa Kỳ, quân đội bù  nhìn sẽ trở nên rối loạn và dẫn đến bờ sụp đổ. Sau khi ngưng bắn, ngụy  quân tuy còn nhiều và còn được trang bị tốt nhưng không thể điều động  lực lượng ứng chiến như trước. Đây là dịp may ngàn năm có một cho nhân  dân ta đứng lên lật đổ bè lũ bán nước, giành lấy tự do, hạnh phúc và một  đời sống tốt đẹp hơn.


Giai đoạn cực kỳ quan  trọng là giai đoạn "tranh tối tranh sáng" giữa  lúc hiệp định ngừng bắn  được ký kết và lúc hiệp định hoàn toàn có hiệu  lực. Trong khi sự canh  phòng của quân đội Sài Gòn xuống thấp, dân chúng đang vui mừng là lúc mở  các cuộc tổng công kích các đồn bót quân sự của chính phủ, kêu gọi dân  chúng tại các trung tâm tỵ nạn trở về các làng cũ  (hầu hết là nằm trong  vùng kiểm soát của Việt cộng), gia tăng ám sát các phần tử "ác ôn" và  truy bắt thành phần "tề điệp".


Khi hiệp định hoàn toàn có  hiệu lực, mọi hoạt động sẽ được chuyển  qua chính trị. Cờ của Mặt Trận  Giải Phóng Miền Nam và "cờ hòa bình" sẽ được rải dài trong "các vùng đã  được giải phóng", các tỉnh thành xôi đậu và ngay cả các vùng không dân  cư, nhưng có giá trị chiến lược. Cờ chính quyền sẽ được xé xuống. Bản kế  hoạch tuyên bố rằng: "Chúng ta phải dành lại từng người dân, từng tấc  đất từ kẻ thù".


Vào khoảng hai tuần sau  vào ngày 19 tháng 10, các cấp ủy đảng được gọi về họp tại Đặc Khu Quảng  Đà (trong vùng rừng núi phía Tây của Thị Xã) để nhận một kế hoạch chi  tiết hơn cho những dữ kiện này từ một "đẳng  cấp cao hơn". Theo văn thư  đó, các cán bộ đảng được cho biết là: một  cuộc ngưng bắn căn bản coi  như đã đạt được. Và lịch trình sau đây đã  được thông báo:


Lịch trình:


Mỹ ngưng ném bom miền Bắc  VN có hiệu lực từ ngày 24 tháng 10 (vì những chuỗi sự kiện liên hệ và  dường như là do lỗi lầm ấn loát, ngày ngưng thả bom đáng lẽ là ngày 21  thay vì 24 tháng 10).


Kissinger có mặt tại Hà Nội vào ngày 22 tháng 10 để ký tắt thỏa ước hòa bình.


Đài phát thanh Hà Nội, Mỹ, Moscow sẽ phổ biến thỏa ước vào ngày 27 tháng 10.


Bộ trưởng Ngoại Giao  Nguyễn Duy Trinh của Bắc Việt và Ngoại Trưởng William P. Rogers của Hoa  Kỳ sẽ ký chính thức Bản Thỏa Ước vào ngày 30 hay 31 tháng 10.


Thỏa Ước sẽ có hiệu lực 48  tiếng đồng hồ sau đó. Nhưng cán bộ VC Đà Nẵng được cho biết Bắc Việt  yêu cầu 72 tiếng trong khi Mỹ yêu cầu 24 tiếng, do đó 48 tiếng đồng hồ  được xem như là một giải quyết tương nhượng.


"Thời gian tranh tối tranh  sáng" (từ lúc ký đến khi có hiệu lực đầy  đủ) sẽ rất ngắn. Chỉ thị nhấn  mạnh "Các cấp bộ đảng phải thường xuyên nghe đài để nắm sát tình hình.  Có thể có những thay đổi nhỏ. Nhưng luôn luôn có những biện pháp cảnh  giác đề phòng vì Mỹ có thể không giữ lời hứa."


Tấn công Đà Nẵng:


"Để ngăn chận địch quân vi  phạm vào các vùng đất (đã được giải phóng) một sự điều động quân sự gấp  rút từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 10, mà cao điểm vào những đêm 24 và 27  tháng 10". Ngay ngày đầu của những đêm này là 30 trái 122 ly rớt vào  căn cứ Không Quân Đà Nẵng giết chết 3 Không Quân Mỹ, làm bị thương 1 dân  sự Mỹ và 9 dân sự VN. Ngày thứ nhì của những đêm đã định trước là 28  quả 122 ly rớt vào căn cứ Không Quân và khu vực chung quanh, nhưng không  có ai tử thương.


Vào buổi sáng của ngày 23  tháng 10, theo tài liệu tịch thu tại Đà  Nẵng, một làn sóng "tín hiệu"  đã được đánh đi từ căn cứ kêu gọi sinh  viên, công nhân, thương gia, các  nhân viên chính quyền đình công, bãi  thị và biểu tình vào ngày 29  tháng 10, sau ngày thông báo về hiệp ước hòa bình, nhưng trước ngày hiệp  ước chính thức ký kết.


Vào ngày 23 tháng 10, đài  phát thanh Hà Nội đã tường thuật rằng Hoa Kỳ đã tái đàm phán về hiệp  định ngưng bắn và muốn đẩy lùi ngày và thể thức ký kết đến cuối tháng.  Vào ngày 24 tháng 10, căn cứ vào tài liệu Đà Nẵng, một tín hiệu được  đánh đi từ một căn cứ "cấp cao hơn" chuyển tin tức ngoại giao này đến  các cơ sở Đà Nẵng thông báo rằng: "đây là một âm mưu lường gạt chúng ta  để kéo dài chiến tranh, do đó việc thi hành 'Nhiệm vụ X5' đã được qui  định trong công điện trước đây phải được đình hoãn."


Lệnh đình hoãn đến chậm:


Cùng lúc khi lệnh này đưa  vào bên trong Thị Xã thì Cảnh Sát cũng nhận được tin tức từ một đầu mối  cho biết là VC đã xâm nhập vào bên trong Thị Xã để sẵn sàng giết chết  Đại Tá Nguyễn Ngọc Khôi, Thị Trưởng và nhiều bạo động khác cũng như mở  rộng tuyên truyền. Vào lúc 8 giờ tối ngày 25 tháng 10 Cảnh Sát bố ráp  đồng loạt vào 5 mục tiêu tình nghi là nơi trú ẩn của Việt cộng.


Ở cuối một con hẻm dài,  chật hẹp trong khu đông dân cư nghèo nàn,  cách hàng rào phi trường Đà  Nẵng không quá 1 dặm, Cảnh Sát đã tiến đến một căn nhà và bị tấn công  trả lại bằng lựu đạn gây tử thương cho 2 cảnh sát viên. Một thủ lãnh  Việt Cộng mà được tin chắc là Bí Thư Đảng Đà Nẵng tên là Năm Dừa đã  phóng ra cửa sổ lầu hai, băng qua đường rầy và tẩu thoát trong bãi sình  lầy gần đó.


Dưới sàn nhà là căn hầm ẩn  nấp được đúc bằng xi măng cốt sắt kiên cố rõ ràng được dùng như bộ một  chỉ huy…Trong sự hốt hoảng tẩu thoát tên cán cộng bỏ lại toàn bộ tài  liệu về kế hoạch lợi dụng ngưng bắn. Ngay trong đêm đó và nhiều ngày kế  tiếp 62 cơ sở VC đã bị bắt. Trong đó có hơn 12 tên khủng bố trẻ tuổi vừa  được huấn luyện về đặc công. Hơn 100 cân anh chất nổ bị tịch thu. Mặc  dù vậy, hầu hết mọi người ở đây đều nhìn nhận rằng việc đối phương chuẩn  bị một kế hoạch trước để lợi dụng cuộc ngưng bắn là một trong những  hình thức gây ấn tượng nhất của cuộc chiến Đông Dương hiện còn đang tiếp  diễn…


Bản dịch của TS Trương Đại Hồ và Chiến Hữu Phan Quang Nghiệp

(Trích từ Lược Sử CSQG, Chương VIII, Trang 394)


NỀN.png
bottom of page