top of page
Banner edge

Bài Nói chuyện về ‘Thân Thế và Sự Nghiệp’ của Thiếu tá Nguyễn thị Thanh Thủy, tác giả cuốn “Đời Tù của một Thiên Nga”, trong một buổi họp được tổ chức vào ngày 12 tháng 10, 2024, tại San Jose.

Nguyễn văn Canh


Giới thiệu: -Tôi bổ túc thêm bài nói chuyện ‘ứng khẩu’, với ít chú thích để cắt nghĩa vài trường hợp đã không được khai triển vì cần phải giới hạn bài nói chuyện trong khoảng thời gian Ban Tổ Chức qui định.


-Là tác giả tác phẩm trên, Thiếu tá Thanh Thủy, một cựu sinh viên của tôi cách đây từ hơn nửa thế kỷ tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, gọi điện thoại mời tôi đến nói chuyện, yêu cầu: “Thày xuống nói về tiểu sử trong buổi Ra Mắt Sách”. Tôi trả lời: “Chị là cựu sinh viên, sẽ được ưu tiên, Thày sẽ xuống dự”


-----


Thưa các quí vị và các anh chị:


Thiếu tướng Nguyễn khắc Bình vừa tuyên bố rằng tôi có dạy hàng trăm, hàng ngàn Sĩ Quan Cảnh Sát quốc Gia.” Tôi thấy cần phải cắt nghĩa sự “dính líu” của tôi với Cảnh sát Quốc Gia.

Tôi nguyên là một công chức, chuyên viên về Nghiên Cứu thuộc một Bộ Phận của Phủ Tổng Thống. Tôi lại là một người chuyên đi dạy học. Do đó, tôi dạy về Nghiên Cứu (1).


Vào khoảng tháng 10 năm 1962, ông Thượng cấp nói đại ý rằng: “Ông Cụ (Tổng Thống Ngô đình Diệm) nói các ông “Cò” của Cảnh Sát (Quận Trưởng Cảnh Sát như ở Thành Phố : Đô Thành Sàigòn chẳng hạn hay Trưởng Ty ở các tỉnh) làm không được việc, vì Tây họ huấn luyện. Họ nay giữ các chức vụ chỉ huy. Họ phải được tái huấn luyện.” Và tôi được chỉ định tham dự vào chương trình này.


Rồi về sau, tôi tiếp tục dạy các lớp kế tiếp trong kế hoạch nhằm “trẻ trung hóa” giới chỉ huy Cảnh sát. Lúc đó, Tổng Nha Cảnh Sát mở kỳ thi tuyển khoảng 198 sinh viên có bằng Tú Tài, được huấn luyện để trở thành cấp chỉ huy thay thế lớp “già” do Tây để lại. Họ được nhập ngạch Biên Tập Viên Cảnh Sát.


Rồi sang đệ Nhị Công Hòa, tôi tiếp tục công việc này.  Chính phủ lập ra Học Viện Cảnh Sát Quốc gia. Các sinh viên cũng phải có bằng Tú Tài và được lựa chọn qua một kỳ thi tuyển như trên. Lúc này chính phủ quân đội hóa ngành Cảnh Sát. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên được phong cấp bậc Thiếu úy.


Chị Nguyễn thị Thanh Thủy học Khóa I. Vừa rồi khi vào đây, Tôi trông thấy ông Thiếu tá Đinh văn Hạp, ông Trần quốc Nại đang đứng ở góc kia cũng học khóa I, cùng với chị Thanh Thủy.


Về Thân Thế và Sự Nghiệp của Thiếu Tá Thanh Thủy.


Hồi ở Việt nam, khi tôi đến dạy các lớp như ở trường Luật hay các trường khác, tôi đi thẳng đến bàn giấy kê ở trên bục giảng. Cũng vậy ở Học Viện, từ trên nhìn xuống tôi thấy có một nhóm con gái ngồi trên các bàn đầu phía trái tôi. Trong số này có  sinh viên Thanh Thủy. Hết giờ, tôi đi ra về. Nên không biết ai, kể cả nam sinh viên.


Nói cho rõ, hồi đó và ngay cả trong thời gian đầu sau khi chị Thanh Thủy định cư ở Mỹ, tôi không biết gì về Chị. Trước đó, tôi chỉ nghe thấy một vài cựu sinh viên Học Viện nói về Thiên Nga và chị Thanh Thủy chỉ huy Đoàn Thiên Nga.


Cho đến cách đây độ 4 hay 5 năm, có một ai đó ở Westminster khi tôi xuống họp ở một nơi khác, nói rằng có buổi họp nhiều anh chị cựu sinh viên họp mặt và mời tôi lại gặp họ. Tôi có nhờ một người chở tôi lại. Vừa bước vào cửa, có một chị trong số độ 20 người hiện diện, chạy đến túm lấy tôi, chào tôi và tự giới thiệu là Thanh Thủy. Tôi hỏi lại: “có phải Thiên Nga?” Chị xác nhận. Đó là lần đầu tiên tôi biết chị.


Rồi độ 3 năm qua, vào mùa hè, chị Thế Thủy, Chủ tịch Hội Đồng Thụ Ủy Học Khu Tiểu Học Westminster, một đệ tử khác, cùng chị Thanh Thủy, phu quân và một vài anh chị khác lên thăm. Nhân dịp này, tôi có dịp hỏi chuyện về “thực thi công tác trước 1975”, (Tuyên Dương số 2). Rồi khi Việt Cộng vào Sài gòn, chị bị bắt, và thời gian bị tù cải tạo. Tôi lắng tai nghe các câu trả lời. Mục đích là để đánh giá kết quả phương pháp Tâm Sinh Lý Pavlov mà Việt cộng áp dụng đối với một tù cải tạo như chị Thanh Thủy (Tuyên Dương số 3). Tôi cũng hỏi về công tác gây quỹ cho Thương phế Binh của Quân Lực VNCH (Tuyên Dương số 4). Đồng thời, chị có mang tặng tôi cuốn Biệt Đội Thiên Nga, in năm 2020 trong đó có nói về chị (Tuyên Dương số I).


Đó là những gì tôi biết về một người học trò của của tôi. Và tôi ghi lại trong 4 Điểm trong bản Tuyên Dương và tôi được biết Ban Tổ Chức sẽ nhờ Ông Thiếu Tá Đinh văn Hạp, cựu Phó Trưởng Ty Cảnh Sát, Tỉnh Bình Tuy, một cựu sinh viên khóa I, đồng khóa với sinh viên Thanh Thủy, và trong Khóa đó, ông này có chức vụ lãnh đạo cao nhất trong ngành, tuyên đọc.


Tôi rất hãnh diện có được một sinh viên con gái tài giỏi này, với ghi nhận bốn (4) đóng góp tích cực, tuyệt vời cho Dân Tộc trong Bản Tuyên Dương dưới đây ./.


----------------


(1) Nghiên cứu là một Bộ Môn thuộc Khoa Khoa Học Xã Hội Học. Bộ môn này giúp cho người làm chính sách, dù ở cấp nào : thấp hay cao, có được một tài liệu căn bản, chính xác, để ban hành một chính sách thích hợp, tránh những sai sót gây ra bất lợi.  Đối với các vấn đề phải giải quyết, các nghiên cứu gia phải triệt để áp dụng các phương pháp khác nhau, nhất là dùng phương pháp trong khoa học thực nghiệm ngõ hầu tìm ra đáp số, nhờ đó chính sách it khi bị sai lầm. Ở cấp quốc gia, công tác nghiên cứu thường có bao gồm phần quan trọng là ước tính, hay có thể gọi là giai đoạn chót, cũng có thể là ở bậc cao nhất trong tiến trình Nghiên cứu, với các phương pháp trên, một nghiên cứu gia có đầu óc sắc bén, có hiểu biết về căn bản xuyên ngành sẽ giúp ích rất nhiều trong nhiệm vụ của họ. Có thể đạt tới mức độ chính xác rất cao để có đáp số giống như trong khoa toán học.


Trên thực tế, không một chính quyền nào có đủ tài nguyên như nhân lực (các học giả tài giỏi trong các ngành sinh hoạt) và vật lực ( như tiền bạc...) để làm công việc này. Trong nhiều trường hợp để thực hiện các chương trình nghiên cứu về một lãnh vực nào đó, các chính quyền thường nhờ vào công trình các cá nhân như các Giáo sư Đại học hay các định chế chuyên môn (Viện Nghiên Cứu) để căn cứ vào đó làm chính sách. Đó là các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên môn hay các sách vở được phổ biến công khai. Cũng có thể trong vòng riêng tư, chính quyền phải nhờ họ thực hiện một dự án chuyên biệt nào đó.


Đối với các lớp thuộc Cảnh Sát Quốc Gia, tôi chỉ dạy ở cấp sơ đẳng để các sĩ quan học viên hiểu rõ các phương pháp để thi hành nhiệm vụ của họ, nhằm đạt được kết quả tốt.


ỦY BAN BẢO VỆ SỰ VẸN TOÀN LÃNH THỔ

HỘI ĐỒNG THỐNG ĐỐC


RẤT VUI MỪNG TRAO TẶNG BẢNG TUYÊN DƯƠNG NÀY CHO


Nữ Thiếu tá Cảnh Sát Quốc Gia

NGUYỄN THỊ THANH THỦY


ĐỂ GHI NHẬN :


Thứ Nhất: Thiếu tá Thanh Thủy đã có can đảm vượt qua rào cản tâm lý đương thời để gia nhập hàng ngũ Cảnh sát ngõ hầu đóng góp tích cực phần mình vào công cuộc bảo vệ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam. Cái can đảm này của chị và các nữ sinh viên khác sẽ mở đường cho các phong trào khác nhằm giảm bớt gò bó để xã hội dần được thông thoáng hơn. Có như thế xã hội mới có phát triển, hướng tới tiến bộ hơn cho một Việt nam ở nơi đó mọi công dân được sống một đời sống tốt đẹp hơn nữa.


Thứ Hai: Với tư cách Chỉ Huy Trưởng Biệt Đội Thiên Nga, Thiếu tá Thanh Thủy và đồng đội đã tận tụy phục vụvới tinh thần sáng tạo thực sự góp phần của mình và đã thành công trong sứ mạng chống lại quân khủng bố Việt cộng, ngõ hầu duy trì trật tự, an ninh cho dân chúng Sài gòn, trong những năm, tháng trước năm 1975.


Thứ Ba: Trong hơn một thập kỷ bị giam cầm và ngược đãi hà khắc tại các trại giam của Việt cộng, Thiếu tá Thanh Thủy tỏ ra là một sĩ quan cảnh sát phụ nữ gan dạ, đối phó thành công với các kỹ thuật tra khảo mà Việt cộng học hỏi từ Cộng Sản Đông Đức và  Tàu cộng áp dụng, đã không thể lay chuyển được tinh thần bất khuất của một phụ nữ cảnh sát VNCH  trong mục tiêu bảo vệ Chính Nghĩa của dân tộc.


Thứ tư:  Cuối cùng, theo truyền thống nhân bản của Dân Tộc, và cảm thông nỗi thống khổ của một số nạn nhân bị Cộng Sản kỳ thị, ngược đãi mà chị đã trải qua, Thiếu tá Thanh Thủy cùng một số thiện nguyện viên đã và đang cố gắng tìm cách giúp họ để giảm bớt các thống khổ mà họ phải sống dưới chế độ cộng sản. Đó là nhiệm vụ cao quí mà người Việt truyền thống theo đuổi.


Làm tại California ngày 12 tháng 10 năm 2024

GS Nguyễn văn Canh, Chủ tịch


RIGHT.png
bottom of page