top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
HÀ XUÂN THIẾT

I.- Ngày Tàn Cuộc Chiến:


Khoảng 10:30 sáng chủ nhật  ngày 27 tháng 4 năm 1975. Trên hệ thống truyền tin của  đơn vị (Bộ chỉ  huy CSQG Quận 8 Sài gòn), với danh hiệu Hồng Lĩnh, Trung Tâm Hành quân  Cảnh lực thông báo: Lệnh của Thiếu Tá Chỉ huy trưởng sẽ có một phiện họp  khẩn tại phòng họp Bộ chỉ huy vào lúc 11 giờ 30. Đúng giờ đó, chúng tôi  toàn thể sĩ quan tham mưu bao gồm các Phụ tá, quý vị Chủ sự phòng, quý  vị Trưởng cuộc tại 5 phường trực thuộc Quận 8 và còn có sự hiện diện của  Đại Đội Trưởng CSDC (thuộc Biệt Đoàn 5 đang phục vụ về an ninh diện địa  tại Q8). Hy vọng trí nhớ không nhầm thì đại đội của Đ/úy K3 Đỗ Kiến  Huân. Ngoài ra cũng có lệnh mời Trung tá Quận trưởng Nguyễn Văn Lợi  nhưng không tham dự được. Chỉ có Thiếu úy Đinh Công Sửu, Trưởng ban 3  Đặc khu 8 thay mặt. Chúng tôi, ai nấy không thấy có nụ cười, không như  những lần họp về trước, ai cũng đang có một ưu tư trong hoàn cảnh dầu  sôi lửa bỏng của đất nước. Trước tình hình chiến sự và đặc biệt là suy  nghĩ việc bàn giao lần thứ 2 chức vụ Tổng Thống vào ngày mai 28/4, Sau  một tuần lễ đảm nhiệm của đương kim TổngThống dân cử Trần Văn Hương nay  bàn giao cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Mỗi người một suy nghĩ, riêng  tôi, không biết đất nước sẽ đi về đâu? Chúng tôi sẽ như thế nào? Thân  phận sẽ bi đát và sinh mạng như chỉ mành treo chuông trong mỗi phút đi  qua...đang chờ đón chúng tôi và gia đình vợ với 4 con thơ trong hai bàn  tay trắng (nghĩa đen)? Chúng tôi biết, dù có hiệp định Paris đã ký kết  nhưng không có gì bảo đảm cả. Và phải chăng đó chỉ là mớ giấy lộn để hợp  thức hóa việc người ta bán đứng miền Nam?


Hơn 11 giờ 30, để đánh  thức mọi người về với thực tại, một âm thanh dõng dạc vang lên: Vào hàng  ph..! Mọi người nghiêm chỉnh đứng dậy, riêng Đại úy Trương Trí Huệ chào  tay và xin trân trọng mời Thiếu tá Chỉ huy trưởng an tọa (đơn vị chúng  tôi thời gian đó không có Chỉ huy phó vì chưa được điền khuyết).


Thiếu tá Chỉ huy trưởng  cho biết: vừa tham dự phiên họp khẩn tại Bộ chỉ huy Thủ Đô với các vị  tân chỉ huy. Thiếu tá thông báo: "tin tình báo kỹ thuật" (tin khai thác  trên hệ thống truyền tin địch) cho biết: đêm nay 27/4/1975 cộng quân sẽ  tấn công vào Sài Gòn qua 5 hướng, bằng lực lượng chính quy của cộng sản  Bắc Việt, mà quận 8 là 1 trong 5 hướng chính yếu đó. Với kinh nghiệm qua  2 đợt tấn công của cộng sản Bắc Việt trong Tết Mậu Thân, thì địa bàn  quận 8 đã có những cuộc giao tranh đẫm máu và thiệt hại đáng kể về nhân  mạng lẫn tài sản. Và lực lượng cảnh sát Quận 8 vẫn giữ vững được lãnh  thổ và đẩy lùi địch quân một cách kiên cường, dũng cảm. Nhưng lần này  nghiêm trọng hơn, cần cảnh giác tối đa. Ngoài ra thiếu tá chỉ huy trưởng  còn phân tích và chỉ rõ ra những chi tiết cần thiết khác. Nhưng lệnh  chính thức là mỗi Cuộc, mỗi Phòng, Ban hãy tăng cường cẩn mật để sẵn  sàng chống trả…Nói chung là phần ai nấy lo, nếu có gì khó khăn trình chỉ  huy trưởng để xin giải quyết…


Phiên họp kéo dài hơn 2  tiếng đồng hồ, mọi người rời phòng họp bước đi lòng nặng trĩu...và có  ngờ đâu "đây là phiên họp cuối cùng". Và mãi tới nay hơn 42  năm sau có  nhiều người đã không hề gặp lại. Điều nổi bật nhất của buổi họp là sự  hiện diện 100% của toàn thể sĩ quan trách nhiệm. Đây là một nét son then  chốt nói lên tinh thần kỷ luật, trách nhiệm của chiến sĩ CSQG nói chung  và bộ chỉ huy CSQG/Q8 nói riêng...trước tình hình đất nước mà quý độc  giả đã từng biết rõ. Phần tôi, nắm giữ một phần lực lượng cơ hữu của đơn  vị đã có sẵn và đã từng hoạt động hữu hiệu bấy lâu nay. Đặc biệt lực  lượng này được hoàn thiện hơn sau biến cố Phước Long thất thủ giữa tháng  12/1974. Tôi với chức vụ Văn phòng trưởng Văn phòng thường trực Ủy Ban  Phượng Hoàng quận. Tôi đã giẫm chân lên Phòng hành quân của (cố) Đại Úy  Lê Văn Lời, vì do yêu cầu của Thiếu Tá chỉ huy trưởng tiền nhiệm Trần  Công Hoàng. Mặc dù thi hành lệnh của cấp trên, nhưng tôi cũng có trao  đổi với Chủ sự phòng liên hệ, đương sự đồng ý và hoan nghênh. Tôi đã  hình thành lực lượng đó, cả quân số và các phương tiện trang bị, xin sơ  lược như sau: Đại đội cơ hữu được sử dụng toàn bộ Cảnh Sát sắc phục và  được chia làm 3 Trung đội: Trung đội 1 và 2 là tuyển chọn toàn bộ nhân  viên trẻ, khỏe, năng động, nhiệt tình và kỷ luật cao. Không phân biệt  cấp bậc và phần hành công tác.


Tôi, Hà Xuân Thiết trung  đội trưởng trung đội 1 gồm 3 tiểu đội, với quân số 65 nhân viên. Trung  đội 2 do Đại Úy Tô Văn Để, chủ sự Phòng kỹ thuật quân số cũng từ 64 - 66  nhân viên (từ sau phiên họp 27/4 đến nay không gặp lại Đại úy Để và  không biết bây giờ đang ở đâu). Còn trung đội 3 gồm những nhân viên già  yếu hay cảm mạo thương hàn, khò khè thoa dầu gió và một số công vụ đặc  biệt..v.v..với quân số gần 80 người. Trung đội 3 này đặt dưới quyền chỉ  huy của Đại úy Trần Văn Du và cũng chia làm 3 tiểu đội. Tùy theo tình  hình công việc để ban đêm từ 9 giờ tối đến 3g sáng chia nhau đi tuần  quanh đơn vị. Bởi vì BCH Quận 8 diện tích rộng, mặt sau và bên phải là  hồ sen, phía trái là trường trung học Quận 8 (thuộc loại cao ốc), chung  quanh có 5 vọng gác, đi tới đâu là gõ kẻng tới đó và các vọng gác khác  phải gõ theo. Đồng thời cũng tuần hành chung quanh đơn vị, và luôn canh  trong giữ ngoài cẩn mật.

Thưa  quý chiến hữu và độc giả, theo tinh thần phiên họp vừa nêu, đêm nay  27/4 là phiên trung đội của tôi đi ra ngoài như thông thường, để trấn  giữ các yếu điểm của địa bàn Quận, chúng tôi chỉ sử dụng 2 tiểu đội  (khoảng 42-45 người). Nhưng đêm nay chúng tôi đã sử dụng toàn bộ. Điểm  chính yếu là chốt tại cầu Nhị Thiên Đường phối hợp cùng CSDC ngăn chân  bước tiến của cộng quân từ phía Nam, bán tiểu đội hợp tác với lực lượng  của CSQG Ký Thu Ôn gác chận tại Xa Cảng (đường đi Cần Giuộc) và bán tiểu  đội tại tổ báo động cuối đường Âu Dương Lân. Một bán tiểu đội khác phân  phối chiếm giữ các phòng ốc của trường học sát nách trái của bộ chỉ  huy. Cá nhân tôi đi với lực lượng chốt giữ cầu Nhị Thiên Đường (mặt trên  cầu) còn mặt dưới có CSDC.


Vũ khí trang bị: Carbine  M2, AR15, M16 và mỗi tiểu đội có 2 cây M79 và 2 máy truyền tin HT1,  không trang bị lựu đạn M26, mặc dù trong mỗi tiểu đội đều có cựu quân  nhân, hoặc quân nhân biệt phái của các binh chủng Biệt động quân, Bộ  binh, Địa phương quân.v.v..Mọi người ai cũng trong tư thế sẵn sàng chiến  đấu. Đêm hôm đó (27/4/1975) địch chưa tới kịp để được đón tiếp bằng vũ  khí và "tinh thần chiến đấu của CSQG" một mất một còn của chúng tôi.


Ngày thứ hai 28/4/1975 thời gian nặng nề trôi, từ quan tới lính, mắt ai cũng sâu trũng, mặt mày hốc hác.


Ngày làm việc, đêm thức  trong tư thế sẵn sàng tử chiến.....khoảng 6 giờ chiều, cũng là giờ bàn  giao nguyên thủ Quốc Gia. Một cơn mưa dông nặng hạt lại thêm sấm chớp tứ  bề bủa giăng, sét đánh vang cả góc trời vùng Thủ Đô phía Bắc, nhìn từ  trên pháo đài phòng thủ Quận 8. Trời mới dứt cơn mưa, nghe tiếng bom nổ  liên tiếp, nhìn lên bầu Trời phía Đông Bắc, chúng tôi thấy 2 phi tuần  chiến đấu cơ đang truy đuổi 2 oanh tạc cơ vừa dội bom ở khu phi trường  Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu (sau này được biết oanh tạc cơ xuất  phát từ Đà Nẵng do tên phản tặc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn vào tấn  công Sài gòn)... Khoảng 10 giờ đêm, từ trên sân thượng Bộ chỉ huy  CSQG/Q8, chúng tôi quan sát qua cánh đồng ruộng thuộc địa phận Quận Bình  Chánh Gia-Định, chúng tôi thấy những cây đuốc đi từ hướng Đông về hướng  Tây. Cứ 5-6 cây đuốc đi lên thì 1-2 cây đi xuống. Trên một khoảng dài  và mỗi toán cách nhau chừng 5-7 chục mét. Tôi đánh giá đây là một cuộc  chuyển quân có nghi binh. Chúng tôi trình sĩ quan trực (Thiếu tá Võ Đăng  Ngọc) và trình về Thủ Đô qua Trung tâm HQCL thì được trả lời: có thể  đồng bào đi soi nhái vì hồi chiều mưa lớn không được bắn. Tôi liều mạng,  kêu các xạ thủ đại liên bắn chỉ thiên. 2/5 con gà cồ vừa khạc đạn, lập  tức tất cả các cây đuốc giữa cánh đồng đều tắt ngúm. (Tức khắc tôi xuống  Trung tâm HQCL dặn các nhân viên âm thoại đang làm việc, cứ bảo chưa  ghi nhận gì, đừng trả lời, nếu Thủ Đô có hỏi nơi nào nổ súng? Giá như  không có ngày đứt phim, có lẽ tôi đã là con dê tế thần vì không chấp  hành lệnh. Đách sợ! Tôi từng tuyên bố: là dân Vùng I, đã phục vụ Vùng  II, bất cứ lúc nào muốn đẩy đi vùng nào cũng được miễn đừng đưa đi vùng V  là OK.


2:30AM khuya 29/4 bỗng  nghe 5-6 tiếng nổ lớn, và báo cáo từ Trung tâm Hành quân Cảnh - Lực:  Cuộc Ký Thu Ôn đang bị VC bắn B40 vào. Tiếp đó chúng tôi nghe có tiếng  súng nổ lớn và nhận ra ngay là tiếng súng của đại liên. Cùng thời gian  là tiếng pháo kích ở vùng phi trường TSN và vùng Bộ Tổng Tham Mưu và rải  rác vài nơi trong Đô Thành.


Trên sân thượng bộ chỉ huy  có Thiếu Tá Nguyễn Viết Thực, chỉ huy trưởng, Thiếu Tá Võ Đăng Ngọc,  Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy cùng một số sĩ quan khác. Tôi đang đứng ở tổ  đại liên chủ lực và đang theo dõi trên hệ thống truyền tin. Tiếng Đại úy  (K3) Nguyễn Hoàng Thanh đang điều động lực lượng Cuộc và đồng thời báo  cáo sự việc. Cộng quân đang bắn B40 vào Cuộc, chưa có thiệt hại nhân  mạng và chiến sĩ CSQG Cuộc đang anh dũng chống trả bằng Đại liên và súng  cá nhân. Nguyễn Hoàng Thanh xin Chỉ Huy Trưởng yểm trợ gấp, yểm trợ,  yểm trợ.......gấp...gấp..... Một lát sau, tôi nghe chỉ huy trưởng ra  lệnh: Anh Ngọc! (Thiếu tá Võ đăng Ngọc đang là sĩ quan trực) anh đi  xuống Ký Thu Ôn yểm trợ cho thằng Thanh, nó đang kêu cứu quá. Vì đứng  gần, tôi nghe nên liền xuống lầu và bấm chuông báo động tập họp. Chỉ  trong vòng 2 phút đơn vị có mặt đông đủ, chỉ trừ trung đội 2 của Đại úy  Để công tác bên ngoài.


Sau khi hàng ngũ chỉnh tề,  tôi cho trung đội 3 giải tán để trở về  lại nhiệm vụ. Đứng trước trung  đội hiện diện 100% và vũ khí đạn dược đầy đủ của mỗi cá nhân. Tôi thông  báo các anh:


- "Việt Cộng đang tấn công  cuộc Ký Thu Ôn bằng B40. Thừa lệnh Thiếu Tá chỉ huy trưởng, bây giờ  chúng ta sẽ đi xuống đó để tiếp viện, quân số của địch chưa rõ. Địch chỉ  sử dụng B40 bắn vào. Chúng nghĩ Cuộc sẽ bỏ chạy. Tôi đoán quân số của  chúng cũng ít thôi. Bây giờ, trong tất cả các anh ở đây, có ai vì hoàn  cảnh gia đình: vợ, con, cha mẹ ốm đau đặc biệt cần thiết, hoặc những lý  do khác bất khả kháng, hoặc các anh đang bệnh .v.v   cứ mạnh dạn bước ra  khỏi hàng quân.


Tôi nhắc lại một lần nữa và một không gian im lặng tuyệt đối, không có ai bước ra và cũng không một tiếng xầm xì nào cả.


Được rồi! bây giờ Tôi yêu  cầu các anh thi hành lệnh tuyệt đối và cùng đi với chúng ta có: Thiếu tá  Nguyễn Thanh Thủy và chúng ta được đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá  Võ Đăng Ngọc.


Tất cả đưa súng lên trời và lên đạn, khóa an toàn và súng cầm tay trong tư thế tác chiến.


Vì tình hình, tôi cử tiểu  đội 2 do Thiếu úy Võ Văn Bửu đi trước, mỗi người cách nhau tối thiểu 2m,  các anh di chuyển cẩn thận quan sát, đi tới đầu cầu đúc Hiệp Ân anh Bửu  phải dừng lại bố trí và gọi máy về báo cho tôi."


Thiếu úy Võ Văn Bửu (Trưởng ban Nhân huấn là 1 cựu quân nhân) dõng dạc trả lời:


- "Nhận rõ"


Và chúng tôi xuất phát. Tôi nhìn phía trước thì thấy 2 vị Thiếu tá Ngọc và Thủy đã đi hàng đầu.


Thưa quý chiến hữu, trong  việc điều động này, quý vị sĩ quan cao cấp đứng nhìn để tôi làm việc. Tất cả các vị chỉ quan sát không hề có ý kiến gì, không nói một lời nào,  có lẽ quý vị tin tưởng ở tôi. Tôi đi theo tiểu đội sau cùng tạo thành  một hàng dọc dài theo đường Phạm Thế Hiển. Khi vừa qua khỏi nhà Trung tá  Đỗ Kiến Nâu một đoạn, tôi nghe Thiếu úy Bửu báo trên máy:


- "Đã đến nơi quy định"


Tôi bảo:


- "Dừng lại chờ tôi".


Tôi đi lên cầu Hiệp Ân,  thấy 2 vị Thiếu tá đang đứng chờ. Tôi quan sát tổng thể, mặc dù trời  đang còn tối, dưới ánh trăng mờ mờ của những đêm cuối trung tuần tháng 3  âm lịch. Tôi chỉ Thiếu úy Bửu và 2 vị Thiếu tá những chiếc ghe lớn, tàu  thuyền đang neo đậu vì đó là Chành sửa chữa. Tôi sợ quân địch phục  kích, ở đó sẽ trí súng cộng đồng tiêu diệt chúng tôi khi đoàn quân đi  qua cầu. Tôi bảo Thiếu úy Bửu cử 3 chiến sĩ qua cầu từng người một cách  nhau 5m, người trước vẫy tay người sau để người sau tiến tới, sau khi đã  quan sát kỹ trong các hẻm và tất cả tiếp tục lần lượt cả tiểu đội vượt  qua cầu. Một khoảng thời gian ngắn bình yên, hai vị Thiếu tá cũng qua  cầu (không có gió bay). Tôi dặn Thiếu úy Bửu không đi đường chính, đi  vào đường tắt đến trước quán Hương Huyền, dừng quân tại đó và chờ tôi.  Tôi gọi máy 2 tiểu đội còn lại lần lượt tiến lên. Và tất cả chúng tôi  đang có mặt tại điểm hẹn, nhìn đồng hồ Tôi thấy 4:40 AM. Có một điều đến  nay, tôi không hiểu, hai vị đàn anh vẫn đứng tại địa điểm chờ tôi. Khi  tôi lên tới quán Hương Huyền thì hai vị này cùng hai tay cận vệ đi tắt  băng qua đường vào cuộc Ký Thu Ôn. Còn tôi dẫn nhân viên đi bọc ngã sau  lưng quán Hương Huyền, băng qua phía ruộng khô để đi ra xa cảng, là nơi  cũng có một số công sự chiến đấu. Tôi cho lính nằm hàng ngang dọc đường  nhựa và tìm chỗ an toàn. Đối diện bên kia đường là khu nghĩa địa rộng.  Trời mờ mờ nhìn mặt nhau chưa rõ, nhưng ở phía trái cách khoảng 50m, tôi  thấy có một con đê. Tôi liền điều Thiếu úy Bửu đem tiểu đội tới nằm  hàng ngang và chốt tại đó, để đề phòng địch đánh bọc sườn. Sau khi đã ổn  định vị trí xong, trên pháo đài, đại liên vẫn nổ. Trời vẫn chưa sáng,  tôi đi kiểm soát tư thế của từng người và bảo 4 anh mang M79 chuẩn bị.  Lúc đó để ngăn chặn bước tiến của địch, 4 cây M79 vừa phóng 4 viên thử  súng đầu tiên rót vào nghĩa địa. 4 tiếng nổ nghe cũng chát chúa và chắc e  cũng có người chết 2 lần vì đang trong nghĩa địa. Trong ánh sáng chập  chờn của bình minh, sau tiếng nổ thì có một vật tung lên, anh thì bảo  nón cối VC, anh thì bảo thùng carton, anh thì bảo chiếc giày rách..v.v...Tôi có thấy nhưng không xác định được vật gì. Trời bắt đầu  sáng, chúng tôi vẫn án binh bất động, không có lệnh lạc gì, hệ thống  truyền tin êm re. Tôi nhìn lên bầu trời , bây giờ trời bắt đầu sáng,  thấy ở hướng tây có 2 phi tuần đang nhào lộn, tôi không xác định được  vùng nào.


Tôi đang quan sát chung  quanh, nhìn lên trời về phía Tây Bắc, bỗng thấy một vệt lửa đang lắc lư  bay từ dưới đất lên và máy bay vừa tới thì vệt lửa hít nhanh vào. Trong  tíc tắc, máy bay rơi xuống và một đụm khói hình nấm bốc lên cuồn cuộn,  Tôi không thấy phi công nhảy dù. Thôi thế là xong một người con của Tổ  Quốc VN, một trong nhiều thanh niên trai trẻ đã dâng hiến đời mình để  bảo vệ Tổ Quốc thân yêu trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến.


Không gian vẫn im lặng, tiếng súng đại liên thỉnh thoảng nhả đạn, bỗng nhiên trên hệ thống truyền tin:


- "Xin trình Hồng Lĩnh 1 (tức Chỉ huy trưởng), đến giờ này chúng tôi không thấy động tĩnh gì trong nghĩa địa cả".


Tức thì lệnh từ Hồng Lĩnh 1:


- "Cho tràn vào kiểm soát và nhổ chốt".


Vừa nghe lệnh từ cấp chỉ  huy trên máy, toàn thể 2 tiểu đội chạy hàng ngang, băng qua đường nhựa  xung phong vào, không một  ai nằm lại. Tôi hoảng hốt chạy theo hô:


- “Dừng lại! Dừng lại!”


Nhưng bất lực. Tôi lấy cái HT1 và gọi lại Hồng Lĩnh I:


- “Đây! Hồng lĩnh 23 trình thẩm quyền. Tôi vừa thấy địch đang di chuyển để rút lui ở phía trong nghĩa địa".


Nhưng hoàn toàn không được  đáp lại bằng một lệnh lạc nào khác cả. Nên tôi cũng chạy vào sâu bên  trong theo anh em. Chúng tôi băng qua các ngôi mộ, tất cả nhân viên đều  nằm. Tôi đứng quan sát từng người, nhìn phía trước thì thấy 1 cán binh  đang bò qua giữa hai ngôi mộ lớn. Tôi đưa cây carbin M2 lên làm một  tràng, tên này có trở thành liệt sĩ thì chắc không hẳn do những viên đạn  bắn ra từ nòng súng của tôi (vì tôi phản ứng hơi chậm).


Khi chúng tôi tràn vào thì  đại liên trên pháo đài của Cuộc ngưng bắn. Vì thế địch ngóc đầu dậy  quan sát và thấy tôi đang la hét điều động, tức thì một quả lựu đạn chày  tung tới  ...Ầm…Ầm…Tôi nhảy xuống hố, còn nhìn thấy mấy mảnh ván hòm  của quan tài ngôi mộ mới cải táng. Một thoáng suy nghĩ, nếu địch tung  quả lựu đạn khác rơi xuống hố, tôi banh thây là cái chắc. Tôi nhảy lên  và mãi quan sát phía trước, đột nhiên có người giựt giựt ống quần, Tôi  nhìn xuống thì Trung sĩ Lê Văn Vinh (Phòng kỹ thuật) kêu nho nhỏ:


- “Đại úy! Đại úy! Em bị thương, em bị thương rồi.”


Tôi hỏi:


- “Chỗ nào?”


Vinh đưa tay chỉ sau mông,  tôi cúi xuống, đưa tay ấn, ấn và thấy máu chảy ướt quần tạo thành vòng  tròn bằng miệng chén. Tôi hỏi còn chỗ nào nữa không? Vinh bảo không thấy  đau đâu nữa cả. Tôi bảo nằm đó đi, nhẹ không sao đâu.


Tôi quay lại quan sát phía  trước và chung quanh, tức khắc những cây súng từ phía của chúng tôi nhả  đạn. Hai người bò tới: Nguyễn Văn Xuân (nhân viên Trung tâm tạm giam),  người thứ 2 là Nguyễn Văn Sáu (nhân viên thuộc Ban nhân huấn), cả hai  đều là quân nhân biệt phái. Xuân nói:


- “Đại úy, để hai đứa em dìu Vinh ra.”


Tôi bảo:


- “Một người dìu thôi.”


Miệng nói nhưng tôi vẫn  đứng và mắt quan sát phía trước. Vài phút sau quay lại nhìn thì thấy cả  hai thằng đã cùng dìu Vinh rời nghĩa địa chừng 10m.


Nhìn trái, nhìn phải la  hét, những tràng đạn bắn tới phía trước, vài ba quả M79 thay nhau nổ,  một nón cối tung lên, bây giờ thì thấy rất rõ và rất gần, địch đang trườn ngửa ra và lùi rời vị trí chiến đấu. Một trái lựu đạn thứ 2 đã tung tới. Tôi ngã xuống, tai ù điếc luôn, máu mồm hộc ra, súng trên tay không còn, gục ngay tại chỗ. Nhưng bản năng sinh tồn vực tôi dậy và chạy ra ngoài được bao nhiêu mét không biết. Tôi ngã xuống, lại đứng dậy chạy nữa. Mắt hoàn toàn không thấy. Miệng thì gọi tên mấy đứa con:


-"Ba chết rồi các con ơi!


Tôi ngã xuống lần nữa không biết bao lâu thì đồng đội chạy ra vực tôi lên xe tải thương đưa về Bộ Chỉ Huy.


Tôi có nghe (không thấy  mặt) tiếng nói của Đại úy Lê Công Danh (Trưởng ban 2 đặc khu 8) hướng  dẫn mấy nhân viên tải thương để giúp tôi. Tôi nghe giọng nói của Trung  úy Nguyễn Cao Hoách (quân nhân biệt phái, phục vụ tại Trung tâm HQCL) dù  nhắm mắt mệt lả nhưng tôi vẫn cự nự:


- “Sao anh đi theo tôi?”


Hắn bào chữa:


- “Ông nằm yên đi, tôi phải lo cho ông chứ.”


Từ Bộ Chỉ Huy và chuyển tiếp tới Bệnh Viện Cảnh Sát. Bác sĩ Chung Châu Hồ săn sóc và chuyển tiếp tới Bệnh Viện Bình Dân.


Tôi bị mấy mảnh lựu đạn  xuyên qua cổ từ trái sang phải, có mảnh còn nằm ở trong cổ cho đến nay  (2017). Chân phải bị đứt động mạch và nhiều mảnh lựu đạn ghim vào chân.  Tại Bệnh Viện Bình Dân đường Phan Thanh Giản, Quận 3 Sài Gòn, Bác sĩ  Nguyễn Văn Bích đã cứu sống tôi và chiều 30/4 tôi mới tỉnh lại và tiếng  nói nghe được đầu tiên sau khi hồi sinh là "đầu hàng vô điều kiện" của  Dương Văn Minh. Khi nằm tại phòng cấp cứu tôi đau và la quá. Bác sĩ Bích vỗ về tôi:


- “Anh cố gắng chịu đau, xong ca mổ này tôi đưa anh vào ngay. Bây giờ nếu mở ra máu chảy để anh bớt đau thì anh sẽ chết.”


Nói vậy nhưng bác sĩ có mở dây buộc ở chân ra, Tôi thấy dễ chịu, sau đó buộc lại. Tôi hoàn toàn không thấy mặt bất cứ ai.


Chiều 9/5/1975, bác sĩ Bích đến khám và bắt mạch ở dưới mắt cá chân. Bác sĩ bảo:


- “Chắc chắn anh sẽ không  chết và chân anh khỏi phải cưa. Bây giờ tôi cho anh về với một số thuốc  cần thiết, trong vòng 30 ngày anh trở lại gặp tôi. Và bất cứ lúc nào cần  anh cứ tới Bệnh Viện. Anh về đi! Anh nằm ở đây bất lợi cho anh."


Bác sĩ Bích đã cho tôi  nhiều thuốc và lời nói an ủi chia xẻ đúng chức năng của lương y như từ  mẫu. Trong tiếng nói đó cũng mang ý nghĩa của những kẻ thua trận cùng  chiến tuyến. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và tri ân! Rất tiếc 42 năm qua tôi  không gặp lại, dù có cố gắng tìm kiếm.


Thưa quý chiến hữu: Đó là  tinh thần phục vụ của Dân, Quân, Cán chính VNCH thể hiện ở bất cứ nơi  đâu. Tôi đã chứng kiến, và hưởng được những ân huệ cao cả đó, không phải  chỉ riêng ở Bệnh Viện Bình Dân mà ngay cả tại viện Bài Lao Quận 5, khi  em tôi lên đó để nhận 8 bịch máu O ở vào giờ phút dầu sôi lửa bỏng trưa  29/4/75 mà nhân viên vẫn phục vụ tận tình và sốt sắng thỏa mãn. Không  những trong giờ phút nguy ngập 29 và 30/4, với những ân huệ tôi đã nhận  được mà mãi đến hôm 21/5/1975, tôi được người nhà đưa đi trình diện ở  bên Tòa Hành Chánh Quận 8 (cũ), vì mấy tên an ninh địa phương cưỡng bức,  tôi đã nhận được một tình cảm nồng hậu của những nhân viên CSQG/Q8 và  một số đồng bào phường Xóm Củi đã đối xử với tôi thật vô cùng quý hóa.  Tôi và gia đình ngày nay vẫn ghi nhớ tấm lòng giúp đỡ tôi và gia đình  trong lúc hoạn nạn, không biết lấy gì đền đáp. Ngòi bút của tôi không đủ  để diễn tả hết được tấm lòng của quý đồng bào, đồng đội đã biết hoàn  cảnh tôi và cứu giúp. Tấm thịnh tình này còn được thể hiện  ở tổ 1 lán  24 trại tập trung Suối Máu Biên Hòa. Các anh em trong tổ đã nhường cơm  xẻ áo và một số nhu yếu phẩm cho tôi để bồi dưỡng thêm. Bởi vì đến lúc  này tôi vẫn còn quá yếu chỉ 42 kg.


Với trí nhớ qua 42 năm,  tôi còn nhớ tên những chiến hữu CSQG/VNCH của tổ 1 này: K2 Phạm Thành  Kính (lán trưởng); K4 Võ Văn Trọng tổ trưởng, cụ Trần Đình Thịnh; K6 Cao  Anh Tuấn, K6 Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Vĩnh Phương (nhảy dù biệt phái);  Nguyễn Văn Tiền (chuyển ngành); Trần Mạnh Cường(BTV/CN); Nguyễn Văn Hạnh  (chuyển ngành); K2 Nguyễn Duy Thành (De Gaulle); Trương Văn Thành  (không nhớ K mấy); K2 Hồ Thanh Khiết (đồi mồi); K2 Đỗ Văn Nhậm; K2 Vũ  Đình Thọ; K3 Nguyễn Văn Thích; K3 Hồ Văn Quang; K3 Trương Quang Nghĩa  (anh này đã chết trong trại tù ngoài Bắc vì kiệt sức, tôi nghe nói lại  chứ không ở chung trại) và tôi, Hà Xuân Thiết ( K3T, K6B). Riêng Thành  De Gaulle và Thành (lằm bằm) gánh nước cho tôi tắm giặt, phục vụ tối đa.


Sự có mặt của tôi tại mặt  trận Ký Thu Ôn coi như kết thúc ở thời điểm đó. Tôi xin ghi lại diễn  tiến hoàn toàn chân thật. Không đánh bóng ai, tất cả đều phục vụ Tổ  Quốc, với Danh dự, Trách nhiệm và lòng dũng cảm của chiến sĩ Cảnh Sát  Quốc Gia, để bảo vệ màu cờ, sắc áo tới viên đạn cuối cùng, tới giọt máu  cuối cùng.


Tôi đã rời cuộc chơi  khoảng lúc 7:30 sáng 29/4. Sau đó theo tôi biết, bằng lời kể lại của  những nhân viên tham chiến đến chiều như Nguyễn Văn Vạn, Lê Tương  Đối..v.v.. thì  Đại đội 4 Biệt Đoàn 222/CSDC tới tiếp viện, kết hợp với  Cảnh Sát Q 8 do Thiếu tá Võ Đăng Ngọc chỉ huy. Tiêu diệt toàn bộ 23 tên  bộ đội chính quy trẻ măng: 16 chết, 7 bị bắt (trong đó có 6 bị thương và  1 không bị gì).


Riêng cá nhân tôi thì trên  hệ thống truyền tin đã báo: tử trận tại chỗ !!! Cuộc tử chiến vào đêm  29 rạng 30 cũng tại cuộc Ký Thu Ôn và Đại úy Lê Văn Lời tử trận trên  pháo đài cùng nhiều chiến sĩ CSDC cùng một số chiến sĩ Q8. Cùng những  chi tiết khác sau đó. Nếu được xin quý huynh trưởng có thể tường thuật  tiếp thêm vài lời với những người đã hy sinh kế tiếp.


Mãi đến chiều 4/11/1977,  tôi được chuyển trại từ Tuyên Quang đến Nam Hà A, Trung tá Trần Tự Lập  thấy tôi và mấy ngày sau ông bảo:


- "Thấy anh mà tôi trưởng là ma"….


II. -  Thay Lời Kết:


Nhân cơ hội, dù trang báo  có hạn, xin phép cho tôi nói vài lời với người bạn cùng đơn vị đã hy  sinh tánh mạng để bảo vệ Tổ quốc trong giờ phút lâm chung.


Trong thời gian tù đày,  gặp những anh khóa 2 BTV, tôi đã hỏi để kiếm tìm gia đình Lê Văn Lời  nhưng không ai biết. Tôi qua Mỹ 1990 (H02) Tôi cũng có tìm kiếm nhưng  không có kết quả. Đến mùa xuân 2005, tôi đọc đặc san Phụng Hoàng Xuân Ất  Dậu, khi đọc kỹ trong phần tương trợ CSQG Bắc Cali do anh Thái Văn Hòa  thực hiện và điều hành, thì thấy có tên Đại úy Nguyễn Văn Lời hy sinh ở  đơn vị Quảng Ngãi. Tôi hoài nghi và gọi về anh Hòa thì anh bảo tôi gọi  anh Nguyễn Văn Cư là người phụ trách. Và anh Cư đã coi lại hồ sơ và xin  lỗi vì sai sót do ấn công. Anh Cư đã xác nhận đúng là Đại úy Lê Văn Lời,  và cho tôi địa chỉ gia đình Lời ở Trà Vinh. Tôi đã liên lạc và được xác  nhận đúng, bởi vì tôi chỉ đến nhà Lê Văn Lời có một lần, khi bà ấy mới  về nhà từ bảo sanh viện sau 3 ngày sanh đứa con gái thứ 5, chưa đúng 1  tuần thì Lời tử trận (để lại 1 vợ 5 con, cháu thứ 5 khoảng 10 ngày  tuổi).


Tôi ứng tiền ra trước gởi  về gia đình Lời tức khắc và sau đó gọi xin những người bạn, những chiến  hữu cùng đơn vị , và những người thuộc Quân Cán Chính VNCH, đồng thời có  báo cho K2 Nguyễn Văn Lợi ở Nam Cali, K2 Trần Bửu Giao ở Bắc Cali để  quyên góp giúp đỡ gia đình người bạn xấu số. Tổng cộng số tiền tôi xin  được khoảng $5000, chưa kể của Lợi và Giao. Một điểm son, trong việc vận  động tài chánh này là, tôi đã vận động các hậu duệ con em của gia đình  HO cùng làm việc chung hãng với tôi và các cháu đã sốt sắng giúp đỡ đóng  góp nhiều lần, cũng như những nhân viên Việt Nam cùng làm việc ở đó.  Xin cám ơn những tấm lòng vàng.


Trong số ủng hộ này, Tôi xin tán thán K2 Nguyễn Võ là người bạn đồng khóa. Anh Võ nói với tôi:


- “Bất cứ lúc nào anh gởi  tiền về cho gia đình thằng Lời, anh cứ ứng ra, bao nhiêu cũng được. Tôi  sẽ hoàn lại khi gặp anh, hoặc anh ghé chợ gặp tôi. Đừng gọi điện thoại  hỏi han gì cả.”


Tuy nhiên, tôi đã không  lợi dụng lòng tốt đó, nếu tôi đóng góp bao nhiêu trong mỗi lần gởi, thì  anh Võ bấy nhiêu. Những lần sau thì chỉ có anh Võ với tôi mà thôi.


Đầu năm 2006, tôi và vợ  tôi về VN, có liên lạc trước với Lê Phú Hưng (con trai thứ của Lời),  cháu lên Sài Gòn gặp tôi và nhận tiền, để về mấy mẹ con ăn Tết Bính  Tuất. Sáu tuần sau, hẹn gặp lại cháu Hưng ở Sài Gòn (vì vợ chồng tôi  phải về Huế). Chúng tôi đi Cai Lậy, xong qua Bình Minh / Vĩnh Long, ngủ  một đêm tại nhà người bạn mai đi Trà Vinh - Huyện Cầu Ngang - Mỹ Long  Nam. Trên đường đi rất may mắn - sau khi đỗ khách tại bến xe - Tài xế là  cựu Cọp Biển đã tham dự  trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị, đã đưa  chúng tôi về tận nhà vợ của Lê văn Lời là Võ Thị Giáp (cách thành phố  hơn 40km). Chúng tôi gặp 5 người con (2 trai 3 gái) các cháu đều đã có  gia đình cùng các cháu nội ngoại. Riêng cháu út sinh cuối tháng 4/75 nay  cũng có 2 cháu nhỏ. Con của Lời có 3 cháu là giáo viên. Vào nhà, vợ  chồng tôi đốt một nén nhang và một điếu thuốc Pallmall cắm lên bát  nhang. Khoảng 5 phút sau nén nhang đó cong vòng hình trôn ốc và điếu  thuốc cũng cong như vậy. Vợ Lời bảo:


- “Bữa hôm trước cháu Hưng đem về 2 gói thuốc (1 Pallmall & 1 Winston) đốt lên lần đầu nó cũng cong vậy."


Tôi có ra thăm ngôi mộ  (cải táng) của Lời cách nhà vợ Lời đang ở độ 200 mét. Có dựng 1 bia đơn  giản nhưng các cháu để sai ngày, Tôi có nhắc các cháu và ngôi mộ đất sét  đơn sơ chưa được xây lăng. Còn ngôi nhà của vợ Lời ở (một mình) quá khiêm nhường.


Qua hồi ký thô thiển này chúng tôi là bạn cùng đơn vị rất cảm tình với Lê Văn Lời. Anh là người  "dân chơi bất cần thân thể", còn vợ Lời thì hiện nay thuộc loại suy dinh  dưỡng. Số tiền nhận được do anh em giúp đỡ chị ấy có xây dựng lại căn  nhà để ở. Chị ấy có viết thư  báo cho tôi mấy năm trước đây.


Tôi là kẻ may mắn hy hữu  sống sót . Xin mạo muội đề nghị: Chúng ta hãy phát động tình đồng đội, để cho bạn mình có một nơi an nghỉ cuối cùng tốt hơn, để khỏi phụ lòng  một chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia VNCH đã hy sinh vào những giờ phút cuối  cùng trong hoàn cảnh tuyệt vọng của đất nước. Chết vì Tổ Quốc, vì màu cờ  sắc áo mà không có một nén nhang, không có một chiếc quan tài…Tới đây  nơi trang giấy này, Tôi xin thay mặt người bạn để cảm ơn anh chủ tiệm  gạo Công Sanh số 46 bến Cần Giuộc Q8 (người Việt gốc Hoa, anh của Quốc  là giáo viên Hoa Việt bạn của Lời) đã giúp đỡ 80.000đ vào ngày 4/5/1975  để mua quan tài an táng Đại úy Lê Văn Lời “Vị Quốc Vong Thân” tại nghĩa  địa Bình Tây và 5 năm sau do lệnh giải tỏa nên đã cải táng về quê nhà, nơi mà vợ chồng tôi sau 31 năm mới tìm ra và đốt được cho người bạn một  nén hương. Để gói ghém tất cả nỗi lòng qua mùi hương và làn khói trắng.  Tôi tin tưởng Lê Văn Lời đã chứng kiến.


Đứng trước mộ Lê Văn Lời  sau khi đã đốt một nắm nhang, tôi khấn với anh: Mình đã được thông báo  chết, ông đã nghe, đã biết, sao không tránh? Thằng đệ tử (Nguyễn Văn  Nhẫn) của ông nó đi tìm ông trong bệnh viện, vào phòng gặp mình và hỏi  thấy ông ở đâu không? Mình chịu. Không ngờ ông ở đây! Bây giờ chắc ông  nhớ lại lời của tay thầy tướng số. Hắn ta hay thật, chính xác 100%. Thôi  yên nghỉ đi nhé!


“Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc.

Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh..."

Tha thứ và phù hộ cho mình!


Tháng 6/1990 trước khi rời  VN, tôi có ghé lại địa chỉ trên để thăm anh Công Sanh, nhưng cả gia  đình anh đã đi định cư ở Đan Mạch.


Trước khi chấm dứt, tôi xin lỗi, vì trình độ hạn chế không diễn tả hết tấm lòng, cũng như ý chí  sẵn sàng hy sinh trong giờ phút tuyệt vọng để bảo vệ màu cờ sắc áo của  những chiến sĩ CSQG VNCH nói chung và của những chiến sĩ CSQG Q8 nói  riêng. Xin lỗi, tôi chưa diễn tả hết được ý thức kỷ luật và hành động kiên cường của họ. Tôi biết rằng bất cứ hoàn cảnh nào tôi luôn luôn ý  thức:


"Bại binh chi tướng bất khả dĩ ngôn dũng;

Vong quốc chi đại phu bất khả dĩ đồ tồn".


Tôi chỉ là một con tép riu, là một hạt cát rất tầm thường trong sa mạc - Tôi may mắn được đóng góp một chút xương máu, trong cuộc chiến chính nghĩa mà hàng vạn, vạn người Việt Nam đã anh dũng hy sinh và đóng góp. "Thành bại bất luận anh  hùng". Bao nhiêu nghịch cảnh cuộc đời, Chúng tôi không hề than van, khóc  lóc hay cầu xin. Luôn nghĩ mình may mắn hơn, được học những bài học vô  cùng quý giá.


Xin quý niên trưởng, quý  huynh trưởng, quý chiến hữu và đọc giả rộng lượng tha thứ, vì có nhiều  thiếu sót về nhiều mặt. Hãy bắt tay nhau trong tình thân ái và tự hào là  chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, bất cứ nơi đâu và bất cứ  lúc nào.


Thân ái,

HÀ XUÂN THIẾT


(Boston, Trọng Đông Đinh Dậu 2017)


bottom of page