top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
LÊ XUÂN MỸ

Đã  gần 40 năm trôi qua, trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, di chuyển qua   bao nhiêu thành phố, từ Việt Nam đến Mỹ, đã có nhiều thứ phải bỏ lại,   nhưng có những kỷ vật tôi luôn mang theo. Đó là lá thư đầu tiên của ba   tôi, Thiếu Tá CSQG Lê Xuân Điềm, viết từ trại cải tạo, cùng với tấm  giấy  báo tử và tờ giấy trả quyền công dân sau ngày ba ra đi. Mang theo  để  luôn nhớ đến ba, người tôi yêu thương nhất trong cuộc đời, để luôn  nhắc  nhở mình sống cho xứng đáng với sự hy sinh của người, của những  cha ông, của những bạn bè. Để không bao giờ quên một quãng đời bi thảm.


Là con trai đầu trong một  gia đình 9 anh em, tôi là người sống với ba lâu nhất. Từ những năm tháng  hạnh phúc vô tư hoa mộng thời tiểu học, những năm tháng bắt đầu cuộc  chiến tranh, cuối những năm trung học, kéo dài qua thời đại học rồi đến  những tháng ngày đen tối sau khi mất nước.  Từ Huế vào Đà Nẵng, từ Đà  Nẵng ra Huế rồi trở lại Đà Nẵng và sau cùng là Sài Gòn. Tôi đã theo ba  dời chỗ ở không biết bao nhiêu lần. Là một sĩ quan cảnh sát, vì nhiệm vụ  ba cứ thay đổi nơi làm việc, mẹ theo ba không một lời than van. Lấy  chồng thì phải theo chồng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp mang. Tôi  cứ nhớ mãi lời ru đó của mẹ những ngày còn nhỏ  xíu. Mỗi lần chuyển chỗ ở  tôi lại được học trường mới, có thêm nhiều bạn mới. Thích nhất là mỗi  khi trở lại Huế được sống gần bà con bên nội bên ngoại.


Tôi sống với ba với mẹ  những ngày thơ ấu ấmêm đó. Năm 1968 ba đổi về lại Đà Nẵng, vài tháng  trước biến cố Mậu Thân. Bạn bè, đồng đội của ba còn kẹt lại bị bắt bị trả thù không ít.


Hồi đó ba làm Chánh Sở  Nhân Huấn vùng 1. Tuy là sĩ quan cảnh sát, có chức có quyền nhưng ba tôi  tính hiền lành, nhiều người thương. Ba còn hiền hơn cả mẹ. Không biết ở  sở làm ba như thế nào nhưng ở nhà, anh em chúng tôi sợ mẹ hơn sợ ba. Mẹ  hay nói trong nhà phải có một người ác và một người thiện. Mẹ tình  nguyện đóng vai bà ác để ba tôi làm ông thiện.  Mẹ la thì ba dỗ dành.  Cần mua gì chúng tôi hay xin ba hơn là xin mẹ.  Nhất là cái khoản đồ  chơi. Ba miệng cứng nhưng lòng mềm. Không cho, năn nỉ vài lần thế nào ba  cũng xiêu lòng.  Mẹ thì khác. Nói không là không.  Mỗi lần mua món gì  về, ba đều hạ thấp giá xuống. Ba nói cho mẹ tụi bay khỏi tiếc của. Thật  ra tôi nghĩ là mẹ biết nhưng mẹ làm lơ không nói thôi. Cái tính hiền  lành, thương người của ba suýt nữa gây hoạ lớn. Có  lần một người bà con  nghèo ngoài quê đến xin việc, ba thương tình đem về cho ăn ở trong nhà,  đối xử như anh em. Tính nết cũng hiền lành, ít nói ai ngờ lại là cán bộ  Cộng Sản nằm vùng. Một ngày anh ta bỏ đi để lại một trái mìn dưới sườn  xe jeep của ba. Không hiểu nhờ may mắn hay cũng có thể cái tình cảm của  gia đình làm tay cán bộ thay đổi ý định, mìn nổ lúc nửa đêm, không  thương vong cho người, chỉ đổ xập cái nhà đậu xe.


Tôi sống với ba mẹ cho đến  hết năm trung học. Lên đại học tôi thi đậu Bách khoa Phú Thọ và đó là  lần đầu tiên tôi xa gia đình, xa ba vào Sài Gòn đi học.


Năm thứ nhất, tôi sống  trong ký túc xá của trường. Mỗi tháng ba gửi cho tôi tiền ăn và tiền  tiêu vặt. Cuối tuần tôi đi dạy kèm cho một em lớp 9. Hồi đó tụi tôi ăn  cơm tại cái quán ăn gần trường. Nhưng thường chỉ hơn nửa tháng là hết số  tiền của gia đình, hết luôn số tiền đi dạy thêm. Sau đó thương thằng  con đầu, ra trường chắc chắn sẽ ở lại Sài Gòn làm việc, nên giữa năm  1973 ba xin chuyển về làm việc tại Tổng Nha Cảnh Sát Sài Gòn. Đó là lý  do, sau ngày mất nước 1975, ba tôi trình diện đi “học tập tập trung” tại  trường trung học Chu văn An, Saigon.


Nhưng rồi trình diện học  tập 10 ngày trở thành chuyến đi 1 tháng, 1 năm rồi 2 năm. Hai năm gia  đình chúng tôi chờ tin ba trong mỏi mòn vô vọng. Hết lên phường, lên  quận, hết nhờ người này đến người khác, tin tức về ba cũng chỉ là những  câu trả lời mơ hồ. Cũng chỉ là: Bà cứ yên tâm, khi nào ông học tập tốt  thì sẽ được cách mạng khoan hồng cho trở về đoàn tụ với gia đình. Để rồi  cứ tiếp tục chờ đợi. Cuộc sống của một gia đình sĩ quan cải tạo trên  một quê hương đã mất thật không dễ dàng.  Chúng tôi đã làm đủ thứ nghề  để sống, để tồn tại chỉ mong đợi ngày ba trở về. Vất vả, tủi nhục và đớn  đau mà chỉ những người ở lại như chúng tôi mới cảm nhận được.


Rồi một ngày đầu năm 1978  có một thanh niên, đầu đội mũ cối ghé nhà tôi. Khuôn mặt gầy, khắc khổ.  Giọng nói nặng trịch miền bắc Nghệ An, Hà Tĩnh. Anh ta đưa cho mẹ tôi  một bức thư của ba và nói: Thư của ông Điềm, bà xem, 3 ngày sau tôi ghé  lại, có gì gửi cho ông thì gửi nhưng chỉ một gói nhỏ thôi.  Quá mừng rỡ,  mẹ rối rít hỏi thăm ba, ba khoẻ không, ở  đâu, làm sao đi thăm ba… Chỉ  nhận được câu trả lời ngắn gọn: Tổ chức  không cho phép tiết lộ, nhưng  ông nhà vẫn khoẻ. Thôi thế cũng là quá  mừng. Ít nhất là ba vẫn còn sống  là được. Hơn nữa cũng có một chút manh mối. Trên góc bì thư ba gửi có  địa chỉ: K2 Trại Tân Lập, Vĩnh Phú.


Đó là lần đầu tiên sau gần  2 năm chúng tôi nhận đưoc tin ba. Mẹ và  tôi cứ đọc đi đọc lại mãi lá  thư của ba, gần như thuộc lòng từng câu, từng chữ.


“Em,


Luôn có người về, anh  viết vài hàng thăm em và các con được bình yên, anh mừng. Riêng anh  trong này cũng được thường và chỉ lo sợ ở nhà em và các con thôi. Anh  nghe nói gia đình có người làm Cách mạng bảo lãnh thì được về, em đi hỏi  và viết giấy bảo đảm cho anh, kể rõ chú Hoài, hiện là thiếu tá chánh án  ở Hà Nội, thoát ly 1949 và anh Nghĩa tập kết năm 1945 và kể chức vụ của  anh Nghĩa để xin cho anh. Em nhớ mua cho anh ít thuốc và gửi cho anh  này đem vào cho anh


-20 viên trụ sinh

-1 chai dầu cù là hoặc Nhị Thiên Đường

- 2 tiếp thuốc bổ (để khỏi thủng)

-1 tube ganidan (đau bụng)

-1 tube thuốc kiết

- 35.000 đồng


và  em hỏi anh này,  nếu có thể thì nhờ anh ấy đem cho anh ít thuốc hút, ít đường thẻ, vài  lon sữa (tùy anh này) em cố xin để gửi cho anh tùy em. Anh cũng biết em  và con, trong lúc này chỉ lo cho anh nhưng em cứ yên tâm lo cho các con.  Không biết mấy đứa đã đi học lại chưa, cu bé thi chưa, Aline còn đi học  không, bé út khá không, Mỹ vẫn đi làm thường chứ, Ni, Bé Tý, Cu Tẹo, cu  Tý có thường không, Mụ ra sao. Anh cầu mong cả nhà mình được bình yên  anh mừng.  Nếu được gửi gì anh cứ cầu xin anh này, và nhớ viết cho anh  vài chữ kể nhỏ chuyện nhà, và kể rõ em gửi cho anh thứ gì, để anh biết.


Cốt yếu em nói Mỹ đi hỏi tin tức về trường hợp nhà mình có người làm cách mạng từ lâu mà bảo lãnh cho anh thì tốt


Em cố gắng lo cho mấy con và bảo chúng cố gắng học hành đừng ham chơi, anh buồn.


Thương em và hôn các con. Nhất là bé Út và Aline


Anh


Điềm

-1 ít giấy đi cầu

-1 bộ quần đùi

- Ít chuối khô

-2 bao diêm”


Vừa đọc thư hai mẹ con vừa  ôm nhau khóc. Những khổ cực mình đang phải chịu đựng thật ra không thấm  vào đâu so với ba. Thương ba, thương những  tháng ngày ba đã phải gánh  chịu, đang phải trải qua. Thương ba vô cùng.  Tội nghiệp thiếu thốn đủ  thứ nhưng cũng chỉ xin 1 bộ quần đùi, một ít chuối khô. Hồi ở nhà ba hút  ngày một bao thuốc, giờ chỉ xin có 2 bao  diêm. Mạ đọc thư khóc mãi.


Tội nghiệp ba nhớ và hỏi  thăm từng đứa con. Ngay cả bà cô già ở trong nhà ba vẫn nhớ. Ba lo cho  từng người trong gia đình như ngày nào. Ba không khoẻ nhưng vẫn nghĩ cho  chúng tôi. Ba thiếu thốn đủ thứ nhưng vẫn không muốn đòi hỏi nhiều. Cứ  mỗi lần đọc thư nhìn những món ba xin tôi lại không cầm được nước mắt.


3 ngày sau, đúng hẹn người  thanh niên miền bắc đến nhà tôi từ sáng sớm. Mẹ đưa túi xách nhỏ gồm  các thứ như ba yêu cầu. Gói thêm một bịch đồ biếu riêng cho người cán bộ  (tôi chắc chắn dù không nói ra anh ta phải là một cán bộ trong trại cải  tạo). Mẹ năn nỉ xin gửi thêm sữa, thuốc lá, đường, mật ong... Lần này  thái độ của tay cán bộ có vẻ dễ chịu hơn. Nguyên tắc của trại rất khó,  thông cảm bà ở xa xôi, tôi chỉ nhận thêm một ít đồ dùng cho ông. Trước  khi đi mẹ còn dúi một bao thơ, cám ơn anh đã đưa tin, cho xin gửi tiền  tàu xe. Có gì nhờ anh giúp đỡ cho chồng tôi. Nói vậy thôi chứ tôi biết,  anh em cùng chung giòng máu còn chưa ăn thua huống chi kẻ thua người  thắng. Nó không hành hạ ba là đã may mắn rồi nói chi đến chuyện giúp với  đỡ.  Nội thấy ba gạch dưới cái câu nhớ kể rõ cho anh thứ gì là biết  rồi. Ba nhận được quà là phước đức ba đời rồi. Nhưng thật lòng cũng phải  cám ơn tay cán bộ đã đem thư của ba về cho chúng tôi. Còn sống là còn  hy vọng có ngày ba trở về dù ngày đó quá đỗi xa xôi.


Qua thư, nhìn dòng chữ  nguệch ngoạc, nhìn các thứ thuốc ba cần tôi biết chắc chắn ba đã không  khoẻ. Tôi quyết định bằng mọi cách phải đi tìm thăm ba.


Cuối năm 1978, trải qua  một chặng đường dài từ Nam ra Bắc, lên tàu chợ Hà Nội - Vĩnh Phú xuống ga Ấm Thượng, đạp xe băng qua 30 km đường rừng, qua những giòng sông đục  ngầu chảy xiết, cuối cùng tôi cũng đến được trại K2 Tân Lập. Khóc lóc,  van xin cũng chỉ được phép gặp nhau mười lăm phút.  Mười lăm phút cũng  chỉ để được nhìn ba, ôm ba và khóc, không đủ để kịp hỏi ba về những  tháng ngày trong trại. Mà có hỏi chắc cũng chỉ là “ba đang học tập tốt,  cách mạng đối xử khoan hồng”. Muốn hỏi ba  về những món đồ mẹ gửi cho  ba, nhưng chắc chắn dù có nhận hay không, ba cũng sẽ trả lời có. Cũng  như trong thư gửi ba, luôn luôn là “gia đình  mạnh khoẻ, chính quyền  cách mạng đối xử tốt, các em học hành tiến bộ…”.   Thôi thì cứ vậy cho  ba yên lòng.


***


Sau chuyến đi gặp ba lần đầu tiên của tôi, ba tháng sau mẹ thu xếp đi thăm ba. Vượt qua bao nhiêu  cửa ải khó khăn, thủ tục nhiêu khê cuối cùng chúng tôi mới cầm được tờ  giấy ra thăm ba tại trại cải tạo Tân Lập, Vĩnh Phú.


Tháng 2 năm 1979, hai mẹ  con ra Hà Nội bằng xe lửa. Sau khi hoàn tất mọi chuẩn bị sau cùng, chúng  tôi cùng người gánh hàng thuê lên tàu chợ tuyến Cao Bằng Lạng Sơn để về  ga Ấm Thượng. Hành lý mang theo là hai bao tải đồ ăn gồm lương khô,  thực phẩm, thuốc men, áo quần…bất cứ cái gì  cũng cần thiết cho người  đang “học tập” cải tạo. Năm 1978, tôi đã thăm được ba lần đầu tiên, đã  biết trước địa điểm, lại háo hức mong gặp ba, chuyến đi lần này diễn ra  suông sẻ nhanh chóng hơn trước rất nhiều.

Xuống ga Ấm Thượng, vượt qua gần 30 km đường bộ, 2 lần gọi đò qua những  dòng  sông nước chảy xiết, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà khách K2 Tân  Lập Vĩnh Phú vào lúc nửa đêm. Chuyến đi vất vả nhưng mẹ chịu đựng gian  khổ và khoẻ hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Nghĩ đến lúc gặp lại ba vào  ngày mai, hai mẹ con suốt đêm thao thức không ngủ được. Nằm bó gối ở một  góc phòng, trong tiếng ễnh ương rên rỉ, tôi nhìn ra bên ngoài từ khe hở  của vách tre lá của nhà khách ở một vùng đất gần biên giới Việt Hoa xa  xôi, và cảm nhận cái nỗi thê lương của những tháng ngày mà ba tôi, người  sĩ quan tù cải tạo, đã và đang trải qua.


Tiếp chúng tôi là một tay  công an khá lớn tuổi với khuôn mặt rất hình sự. Tôi đưa giấy tờ, trình  bày lý do, và xin phép được gặp ba. Gã cầm giấy tờ đi vào bên trong. Độ  khoảng 15 phút, gã đi ra vẫn với khuôn mặt khó đăm đăm. Gã nói: Rất tiếc  không thể để hai người gặp tù nhân này được. Ông nhà đang bị kỷ luật vì vi phạm nội quy trại. Hai người có thể để thức ăn và đồ dùng lại  chúng tôi sẽ chuyển cho ông. Mẹ tôi bắt đầu khóc lóc và năn nỉ. Gã một  mực cương quyết lắc đầu. Mẹ tôi càng lúc càng khóc to hơn.


Càng bị từ chối, nỗi uất  ức càng lớn, bà bắt đầu nằm lăn ra sàn đất.  Vừa la vừa lết, vừa khóc  vừa hét. Gã công an lúng túng không biết xử lý cách nào. Những người đến  thăm nuôi và cả những cán bộ của các bàn bên cạnh đều hướng về phiá  chúng tôi. Tình hình căng thẳng đến tai cấp chỉ huy trại. Một sĩ quan  công an bước vào. Hai người thầm thì nhỏ to gì đó. Cuối cùng viên sĩ  quan đến gặp chúng tôi, dịu giọng:


- Thật ra chúng tôi rất  muốn giúp bà nhưng quả thật hiện nay ông nhà đang bị kỷ luật bị giam ở ngoài trại cách đây rất xa. Thôi bà về đi.  Tuần sau bà quay lại. Tôi sẽ  cho bà gặp ưu tiên với thời gian gấp đôi bình thường. Còn bây giờ bà cứ  để thức ăn và đồ dùng chúng tôi hứa sẽ đưa tận tay ông nhà, không thiếu  một thứ gì.


Năn nỉ ỉ ôi cách mấy cùng  không lay chuyển tên cán bộ quản giáo, tôi nghĩ chắc là hết cách. Chắc  phải ở lại Hà Nội thêm một tuần. Nhìn khuôn mặt có vẻ hiền lành của viên  sĩ quan công an, tôi nghĩ gã có vẻ thiệt  tình. Tôi nói nhỏ với mẹ,  mình về thôi, ba bị kỷ luật, có xin cũng không được. Chịu khó về Hà Nội  ngủ lây lất. Tuần sau lên lại hy vọng họ giữ lời hứa cho gặp được ba lâu  hơn.


Trong khi quay lại bàn  tiếp tân để làm thủ tục đưa thức ăn và đồ dùng cho ba, bỗng dưng tôi thấy một ánh mắt hơi khác lạ của một tù nhân làm nhiệm vụ đem nước chè  xanh cho những người đến thăm nuôi. Để ấm nước xuống bàn, người này đi  chầm chậm về phía chòi vệ sinh sau khi ngoái lại  nhìn tôi, đôi mắt nhấp  nháy kỳ lạ. Tôi xin phép gã cán bộ công an đi vệ sinh.


Bước vội vào phía trong  vừa kịp thấy dáng khòm khòm của người tù nhân bước ra. Tôi bước vào,  nhìn quanh cái chòi tiêu, tiểu được xây tạm bợ bằng lá tranh với cánh  cửa tre nửa kín nửa hở. Tôi ngồi xuống và nhìn quanh vách tre lá. Tôi có  linh cảm hình như người tù nhân muốn cho tôi biết một điều gì đó. Tôi  cố nhìn thật kỹ. Quả đúng như linh cảm, trên góc đòn tre phía trái của  cầu tiêu, tôi thấy một mảnh giấy nhỏ, trên đó viết nguệch ngoạc một dòng  chữ: “Ông Điềm bệnh nặng.”


Hoảng hốt tôi vội chạy  ngược vào phòng tiếp tân. Dằn cơn xúc động tôi kéo mẹ ra góc phòng báo  tin. Mẹ bình tĩnh và khôn ngoan hơn tôi tưởng rất nhiều. Bà quay trở lại  bàn tiếp tân và nói: Xin cán bộ cho tôi ở lại đây đợi chồng tôi về chứ  bây giờ vừa đi vừa về Hà Nội cũng mất hai ngày. Gã cán bộ nói láo trơn  tru: Ông bị biệt giam ở nơi rất xa, phải tuần sau chúng tôi mới đưa ông  nhà ra găp bà được.

Đến lúc này nỗi uất ức  trong lòng mẹ tôi bùng nổ, bà khóc và la hét to hơn: “Mấy ông nói láo,  tôi biết chồng tôi đau nặng, đồ sát nhân, sao không cho chúng tôi gặp.  Các ông có còn là con người không?”

Đến lúc này thì mẹ tôi  không còn biết sợ là gì nữa, tất cả những oán hận chất chứa trong lòng  bao lâu này được dịp thoát ra, không ai có thể ngăn được. Cả phòng khách  của K2 bắt đầu nhốn nháo, ồn ào. Nhiều người bu quanh mẹ tôi lúc này  đang nằm lăn lộn dưới sàn đất cứng ngắc. Gã cán bộ chạy vào trong và đi  ra cùng với viên sĩ quan lúc nãy. Gã dịu giọng nói với chúng tôi: Xin bà  bình tĩnh, mời bà và anh vào trong, chúng tôi sẽ giải quyết. Nói xong  gã ra lệnh cho hai tay công an dìu mẹ tôi vào căn phòng phía trong. Có  lẽ không muốn những người thăm nuôi khác biết chuyện.


Căn phòng sạch sẽ hơn phòng bên ngoài nhiều. Viên sĩ quan công an nói: Bây giờ tôi xin nói  thật về tình trạng của ông nhà. Thật ra ông đang bệnh và chúng tôi đang  tích cực chữa chạy cho ông. Nay bà đã biết,  tôi sẽ thu xếp cho bà vào  gặp ông. Ông nhà đang nằm ở bệnh xá, tôi sẽ cho người dẫn ông bà đi. Xin  ông bà đợi một lát. Nói xong gã bước ra, nói nhỏ gì đó với công an  trực.


Gã công an bước đi thật  nhanh. Khoảng 40 hay 50 phút gì đó gã trở về, bước đi gấp gáp, hấp tấp.  Lại thì thầm to nhỏ với viên chỉ huy. Tôi linh cảm có chuyện không hay.  Lần này viên sĩ quan trầm giọng: Thưa bà, chúng tôi vừa mới nhận được  tin, mặc dù chúng tôi đã tận tình chữa trị, nhưng vì sức yếu, ông nhà  vừa mất cách đây 5 phút. Chúng tôi xin chia buồn với bà. Chúng tôi sẽ  đưa bà đi gặp ông lần cuối cùng.


Nghe tin dữ, mẹ tôi như  điên cuồng. Bà nằm lăn ra đất. Vừa khóc vừa la. Không từ nào mà bà không  đem ra. Không nhân vật nào bà không réo tên chửi....Vừa chửi vừa khóc,  khóc đến khan cả giọng. Mồ hôi quyện với đất đỏ dính đầy áo quần, mặt  mũi. Hết khóc rồi bắt đầu cười ngây dại. Tôi ôm mẹ không nói được nên  lời. Nỗi đau quá lớn làm thần kinh tôi như tê liệt. Ôm mẹ với trái tim  nhói đau như kim châm và mẹ ngất đi.


Khoảng 15 phút sau, chúng tôi được dẫn di gặp ba. Nơi ba nằm là một căn nhà nhỏ đơn sơ gọi là  bệnh xá nằm sâu trong K2 cách nhà khách khoảng  30 phút đi bộ. Ba nằm  trên một giường tre, thân hình gầy guộc, khuôn mặt ốm nhom như bộ xương  khô. Hàm râu lổm chổm có lẽ được cắt ngắn một  cách vội vàng không dài  thòn như lần đầu tôi gặp.


Hình như đã hết nước mắt, mẹ không khóc yên lặng ngồi bệt xuống đất vói tay ôm lấy ba. Tôi ngồi  xuống phía bên kia. Hai mẹ con ôm choàng lấy ba. Vẫn còn hơi ấm của một  cơ thể vừa mới qua đời. Mẹ vuốt mắt ba. Mắt  trừng trừng nhìn ba. Hình  như tôi thấy trong mắt mẹ màu đỏ của máu. Sẽ không bao giờ tôi quên được  cái hình ảnh của ba và mẹ tôi trong bệnh xá  trại K2 Tân Lập hôm đó. Mẹ  không khóc nhưng lại ngất thêm một lần nữa khi tôi định kéo mẹ đứng  lên.


Sau này qua một người bạn  tù của ba, lúc mẹ con tôi đến thăm trại cho biết, lúc đó ba đã rất yếu.  Ba nói ba sẽ cố gắng sống để găp mẹ một lần và ba cố gắng húp được vài  muỗng cháo trắng. Những muổng cháo trắng cuối cùng trước khi ra đi mãi  mãi. Giá mà tay cán bộ có một chút tình người thì có lẽ mẹ cũng được gặp  ba một lần sau chót. Chỉ cần một lần mà  thôi, của một cuộc tình ba  mươi mấy năm. Tôi biết ba đã không đành lòng ra đi. Đành lòng sao được  hả ba, khi vượt hàng ngàn cây số từ nam ra bắc, chỉ còn cách một bước  chân thôi mà mẹ không thể nói với ba những lời yêu thương sau chót, để  được nghe một lời trăn trối sau cùng. Tức  tưởi và uất hận lắm ba. Mà  thôi ba ơi. Cứ yên lòng ra đi rồi có ngày mẹ,  ba và chúng con sẽ lại  gặp nhau một nơi nào đó, trên thiên đàng. Chúng  ta sẽ lại có những ngày  tháng hạnh phúc bên nhau như thuở nào.


Để xoa dịu mẹ con chúng  tôi, lần đầu tiên K2 có tổ chức một đám ma tù nhân tương đối đàng hoàng.  Từ trước, đã có rất nhiều tù nhân chết ở đây. Toàn bộ được bó vào các  manh chiếu mây tre rách rưới và được chôn vùi sơ sài trong các mảnh đất  trống bên trong trại. Ba có lẽ là người đầu tiên được ưu tiên có hòm làm  bằng gỗ ván thông dù rất mỏng dính. Chôn theo với ba là mấy bộ đồ rách  bươm. Cũng có 4 người tù khiêng quan tài. Phía trước và phía sau có 4 công an đi cùng. Cũng có ly hương là cái chén ăn cơm cũ kỹ. Tôi cầm bài  vị là một bức ảnh căn cước nhỏ xíu còn sót lại trong trại. Mẹ đi sau  quan tài. Đoàn đưa tang gồm 10 người lặng lẽ đi về phía một đồi trọc xa  xa, phía ngoài hàng rào trại K2. Trên đường đi, tôi để ý thấy có những  gò đất với rất nhiều ngôi mộ vô danh.


Nơi chôn ba là một ngọn đồi, có một cây đa thật to. Những người tù đào vội một lớp đất không sâu  lắm, hòm được đặt xuống và lấp lại. Thế là xong. Ba tôi, một sĩ quan  cảnh sát miền nam thua cuộc, cuối đời nằm ở đây, một vùng đất gần tận  cùng biên giới Việt Hoa. Một mình, cô đơn, lạnh lẽo. Mẹ không còn nước  mắt để khóc. Suốt buổi lễ cứ nhìn trừng trừng. Một khuôn mặt tưởng như vô hồn, nhưng tràn đầy oán hận. Một nỗi hận đến vô cùng. Tôi cắn chặt  môi đến tươm máu. Thôi ba ơi, hãy yên nghỉ tạm nơi đây, con sẽ quay trở  lại một ngày không xa.


Trước khi trở về, tôi cẩn  thận ghi dấu vị trí ngôi mộ với một chữ thập ghép bằng hai nhánh tre và  khắc tên ba trên gốc cây to trước mộ.


Thật không thể nào ngờ,  chuyến đi thăm nuôi ba trở thành chuyến đi tiễn biệt.  Ba ra đi trong  tức tưởi nhưng dù sao bên cạnh vẫn còn có hai mẹ con chúng tôi.  Vẫn còn  may mắn hơn nhiều bạn bè, đồng đội. Biết bao nhiêu người không biết cái  ngày mình rời bỏ thế gian. Biết bao gia đình mãi mãi vẫn không biết nơi  chôn cất của những người thân yêu. Ít nhất ba tôi vẫn còn có một chiếc  hòm bằng gỗ thông che thân và một tờ giấy báo tử để lại cho đời. Ba tôi  mất ngày 10 tháng 2 năm 1979 hưởng dương  55 tuổi.


Hai năm sau, thương ba nằm một mình hiu quạnh, mẹ con tôi trở lại trại Tân Lập cùng với một người  đào mộ thuê từ Hà Nội. Không xin được giấy phép bốc mộ, nửa đêm chúng  tôi đã lén lút đào chui và trải qua những giờ phút gian truân, nguy  hiểm. Cuối cùng chúng tôi cũng đem được cốt ba về nằm bên cạnh ôn mệ  trong mảnh đất phía sau nhà, dưới chân núi Ngự Bình Huế.


Từ khi đem được ba về nằm  ấm cúng bên cạnh những người thân yêu, cuộc sống của gia đình tôi từng  bước thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn. Có quá nhiều cái tình cờ, may mắn  mà dù không muốn tin, tôi cũng phải tin có  sự che chở của ba, có sự sắp  đặt của ơn trên. Và nhờ đó gia đình mẹ và 9 anh em chúng tôi vượt qua  được những ngày tháng khó khăn, tủi nhục, đen tối để đến cuối năm 1998  toàn bộ gia đình đoàn tụ trên miền đất thật xa quê nhà nhưng tự do này.


Đầu năm 2001, khi tôi đang làm tại KLA-TENCOR, lúc đó nhà cửa rất là hot. Tôi tìm mãi mới thuê  được căn nhà 4 phòng ngủ. Giá thuê không rẻ, tới 1800USD một tháng. Trả  tiền nhà rất vất vả khó khăn, mất toi ½ số tiền lương hàng tháng. Chúng  tôi quyết định tìm người cho “share” lại bớt một phòng. Đúng lúc có một  technician vào làm trong dây chuyền của  tôi mới được tuyển vào làm  việc, cần nơi ở. Thế là thoả thuận về ở chung. Vừa tiện đi làm chung xe,  vừa sẽ chia tổn phí, tiện lợi đôi bề.


Ở một thời gian, làm chung  với nhau cả năm, trong một dịp tình cờ khi nhờ ông bạn share phòng cắt  tóc giùm, qua cuộc nói chuyện, tôi phát hiện ra ông bạn cùng nhà ấy lâu  nay cũng là một sĩ quan từng đi "học tập cải tạo".


- Anh đi tù ở đâu?


- Tân Lập, Vĩnh Phú


- K mấy?


- K2.


- Biết ông Điềm không?


- Biết quá đi chứ.


Thế đó. Quá bất ngờ hơn,  khi khám phá ra người share phòng bấy lâu lại chính là người đã đưa cho  tôi mảnh giấy báo tin ba tôi đau nặng tại phòng thăm nuôi K2 trại cải  tạo Tân Lập ngày nào.


Không thể nói hết sự kỳ  diệu của định mệnh, khi sau 22 năm ngày ba mất, một sĩ quan tù binh cải  tạo gặp lại người con của một bạn tù trên một đất nước quá xa vùng đất  biên giới VN xa xôi. Không diệu kỳ sao được, khi trong hàng triệu người  Việt lưu lạc, có mặt trên hàng chục quốc gia, sống trên hơn 50 tiểu bang  của Hoa Kỳ, tôi gặp lại đúng một người duy nhất đã đút cho ba tôi những  muỗng cháo trắng cuối cùng trước lúc lâm chung. Người đã sống với ba  trong những tháng ngày bi thảm đó và là một trong 4 người bạn tù khiêng  cha tôi về miền đất lạnh.


Từ xưng anh, từ đó tôi gọi là chú, chú L. Hai chú cháu có những đêm thức trắng để kể chuyện về ba tôi.


Chú là người báo cho ba  tôi biết hai mẹ con chúng tôi đang đợi chờ mỏi mòn tại phòng thăm nuôi.  Duy nhất, chú là người bên ba để chứng kiến những giọt nước mắt cuối  cùng tức tưởi của một người đang hấp hối. Chú là người duy nhất nhìn  thấy cặp mắt mong đợi mỏi mòn của ba. Dù chỉ gần nhau trong gang tấc,  trước khi ra đi vẫn không thể nhìn nhau một lần sau cuối.


Cám ơn chú L. Người bạn tù của ba tôi, ân nhân không bao giờ quên được của tôi. Sau khi nghỉ hưu,  chú về ở với con gái nghe đâu ở tiểu bang Minnesota xa xôi. Chưa một lần  chúng tôi gặp lại nhau. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu, cháu cũng cầu mong  chú và những người thân yêu của chú thật nhiều may mắn và bình an. Và  tôi tin rằng ở một nơi nào đó thật xa xôi, ba vẫn luôn dõi theo và che  chở cho gia đình chú cũng như cho mẹ con chúng tôi. Nếu có một kiếp sau,  con vẫn sẽ là con của ba, người tù cải tạo chết ở miền đất biên giới Việt Hoa, ngày 10 tháng 2 năm 1979.


Lê Xuân Mỹ

San Jose, cuối 2019

bottom of page