top of page
Banner edge

TÂM TÌNH

TT CSVSQ-HD 1.png

TÂM TÌNH CỰU SVSQ & HẬU DUỆ

TT CSVSQ-HD 2.png
NHỮ ĐÌNH TOÁN (Hồi ký)

Cuốn  phim tài liệu “The Last Days in Vietnam” (Những  Ngày Cuối Cùng ở Việt  Nam) của đạo diễn Rory Kennedy, một hậu duệ của  dòng họ Kennedy, thực  hiện kể về những ngày cuối cùng của cuộc chiến  Việt Nam vào tháng Tư năm 1975. Trong phim có cảnh hỗn loạn của những  ngày cuối cùng ở Sài Gòn  trong đó có cảnh hàng ngàn người đang tìm cách  trốn thoát khỏi miền Nam bằng mọi cách trước khi quân cộng sản tràn  đến. Tôi không nằm trong số những người “may mắn” ra đi trong những  thước phim đó, nhưng hình ảnh này đã gợi lại trong tôi ký ức về những  ngày cuối cùng của chính mình trước khi rời khỏi Sài Gòn theo chương  trình H.O.

Trong  phim “The Last Days in Vietnam” có một cảnh thật cảm động. Khi chiếc  chiến hạm chở đồng bào di tản đến gần bờ biển Phi Luật Tân, mọi người  Việt, gồm cả quân và dân, đứng trên boong tàu đã nghẹn ngào hát bản quốc  ca VNCH lần cuối cùng trong khi lá cờ vàng ba sọc đỏ từ từ hạ xuống.  Tôi đã nhìn thấy những khuôn mặt đẫm lệ đang cất cao lời hát  “Này công  dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…”. Cảnh tượng đó làm cho  tôi nhớ  đến những ngày ở Bangkok, Thái Lan, trong khi chờ đợi làm thủ tục nhập  cảnh vào Mỹ. Chúng tôi được cho xem một video phim tài liệu về  cuộc  diễn hành Ngày Quân Lực ở Sài Gòn trước 1975. Lúc đó, lần đầu tiên  sau  mười sáu năm tôi mới được nhìn lại lá cờ vàng, dù chỉ qua màn ảnh  nhỏ  thôi mà tôi đã xúc động rưng rưng muốn khóc, nói gì những người trên  chiếc chiến hạm kia…


Vào giữa thập niên 1980, ở  Sàigòn và có lẽ ở cả nhiều nơi khác tại Việt Nam, đã có những tin đồn  rằng, những cựu tù nhân chính trị cộng sản từng bị bắt đi “học tập cải  tạo” từ 3 năm trở lên, sẽ được phép xuất cảnh đi định cư tại Mỹ theo một  sự thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Cộng.


Tôi cũng như các bạn cựu  tù khác rất phấn khởi trước tin đồn này.  Mọi người hy vọng nhờ đó có  thể thoát ra khỏi một cảnh sống tù túng đầy rẫy những âu lo có thể bị  bắt lại bất cứ lúc nào. Hầu hết các cựu tù cải tạo sau khi được thả về  đều rất chật vật trong cuộc mưu sinh. Họ hầu như không thể xin vào làm  việc ở bất cứ một cơ quan nhà nước nào. Vào thời điểm đó có rất ít cơ  quan tư nhân nên một số phải sống bằng nghề đạp xích lô, chạy xe ôm,  buôn bán chợ trời, hoặc về quê làm ruộng, làm rẫy, v.v… Cho nên, tin đồn  này đã như một cái phao cứu sinh, một niềm hy  vọng giúp họ được đổi  đời, dù chưa biết cuộc sống mới ở nơi xứ lạ sẽ như thế nào, nhưng ai  cũng nghĩ chắc chắn sẽ được hít thở một bầu không khí tự do.


Cá nhân tôi, sau gần bảy  năm bóc lịch ở trong nhà tù Chí Hòa mới được thả về. Tôi bị bắt vì bị  ghép vào tội “ngụy quân, ngụy quyền trốn học tập cải tạo” mặc dù mình  chẳng hề trốn tránh đi đâu cả. Do lệnh “trình diện học tập” dành cho các  sĩ quan cấp đại úy quân đội và cảnh sát không cùng một ngày nên bọn  “cách mạng ba mươi” vì muốn lập công đã chỉ điểm cho an ninh phường đến  nhà bắt tôi vì tình nghi tôi là một đại úy trốn trình diện học tập. Mặc  dù tôi đã giải thích vì tôi là đại úy ngành cảnh sát chưa đến ngày trình  diện, nhưng vì chủ trương của VC là “thà bắt lầm hơn bỏ sót” nên tôi  vẫn bị chúng bắt đưa vào giam ở khám Chí Hòa.


Sau gần bảy năm “nằm ấp” ở  Chí Hòa, tôi đã được trả tự do. Nhưng dù được trả tự do, cuộc sống hàng  ngày của tôi cũng chẳng được tự do. Hết trình diện lại báo cáo, hết họp  tổ đến họp phường; lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị công an hạch hỏi. Vào  mỗi thứ hai hàng tuần, tôi phải đến trình diện cái gọi là “Ủy Ban Quản  Lý Người Học Tập Cải Tạo Trở Về” để báo cáo những công việc mình đã làm  trong tuần. Báo cáo này phải được ghi chép vào một cuốn sổ trình cho tên  cán bộ chủ tịch ủy ban ở Phường. Tuy nhiên, tôi chỉ báo cáo một cách  chung chung những công việc hàng ngày.  Như, buổi sáng đưa con đi đến  trường, buổi trưa đến trường đón con về, thời gian còn lại là những công  việc lặt vặt như dọn dẹp nhà cửa, rửa  chén, lau nhà, dạy kèm con học,  hay phụ vợ buôn bán lặt vặt mưu sinh (bán chợ trời), v.v… Nghĩa là toàn  những công việc linh tinh, vô thưởng vô phạt.


Có lẽ việc báo cáo của tôi  như vậy, có cũng như không, nên khoảng hai tháng sau, tên cán bộ phụ  trách thay vì bắt tôi phải báo cáo mỗi  tuần, hắn đã ra lệnh cho tôi chỉ  phải báo cáo mỗi tháng một lần. Thế nhưng, hàng tháng tôi vẫn bổn cũ  soạn lại, vẫn báo cáo công việc hàng ngày chẳng khác gì những sinh hoạt  thường nhật mà tôi đã báo cáo trước đó. Sau mấy lần như thế, có lẽ thấy  báo cáo của tôi chẳng khai thác được gì, nên một hôm tên cán bộ này đã  nói từ nay tôi không phải trình báo cáo nữa. Tuy nói thế, nhưng hắn cũng  thòng thêm câu, “nhưng anh có thể  đến báo cáo – bất cứ khi nào – có  gặp những việc bất thường”. Mặc dù hắn  đã ra lệnh như vậy, nhưng tôi  chẳng bao giờ trở lại gặp hắn.


Khoảng hai năm sau, để chuẩn bị cho tôi được “xả chế, trả quyền công dân”, tôi phải dự một buổi  họp tổ dân phố để họ lập biên bản trình lên Phường, lên Quận. Xui cho  tôi là cái tổ dân phố ở khu nhà chị tôi mà tôi đang tạm trú có nhiều cán  bộ VC và tổ trưởng lại là một tên cán bộ phường. Lý do vì khu vực này  trước đây là khu có nhiều nhà của những sĩ quan, viên chức chế độ cũ đã  di tản năm 1975 nay bị bọn VC chiếm ngụ. Trong buổi họp, một tên cán bộ  đã phê bình tôi không đi họp tổ dân phố nên họ không biết gì về tôi để  báo cáo.  Do vậy, chúng đề nghị xin hoãn một thời gian để chúng tìm hiểu  trước khi có ý kiến. Sau buổi họp, có người đã chỉ cho tôi, muốn được  “xả chế” thì phải biết cái “thủ tục đầu tiên” (tức tiền đâu hay đâu  tiền) cho tên tổ trưởng dân phố. Biết vậy,  nên tôi đã phải lo lót  cho  tên tổ trưởng để có một cái biên bản khác tốt hơn.


Sau đó, để tránh bị làm  khó dễ và bị ép đi kinh tế mới, tôi đã xin  làm thiện nguyện viên cho  Hội Chữ Thập Đỏ (tức Hội Hồng Thập Tự, theo  cách gọi của VC). Vào đầu  thập niên 1980, mọi sinh hoạt của người dân  vẫn còn bị VC kiểm soát  chặt chẽ chứ đừng nói gì với những người cựu tù  cải tạo. Đó là lý do  tôi phải xin làm việc bán thời gian (nửa ngày) cho  Hội Chữ Thập Đỏ  không lương, chỉ thỉnh thoảng được cấp cho một ít nhu  yếu phẩm, để có  tấm lá chắn làm việc cho nhà nước. Nửa ngày còn lại tôi phụ với vợ buôn  bán quần áo cũ ở chợ trời An Đông và dạy kèm thêm Anh Văn cho mấy em học  sinh ở gần nhà. Nhưng việc dạy học của tôi cũng chẳng  được lâu, một  hôm tôi đang dạy học thì tên công an khu vực đến hỏi tôi  có giấy phép  dạy học của Phòng Giáo Dục Quận không. Dĩ nhiên là tôi không có. Sau đó,  vì không muốn bị rắc rối thêm, tôi đành phải dẹp cái  lớp học này.

Khi  những tin đồn về việc tái định cư các cựu tù cải tạo lan truyền ở  Sàigòn, tôi và các bạn tù rất náo nức hy vọng. Mọi người ai cũng mong đó   là sự thật để được thoát ra khỏi cảnh tù túng dưới chế độ cộng sản.  Biết bao nhiêu những tin đồn được rỉ tai nhau hàng ngày chẳng biết hư  thực thế nào. Nơi phát xuất ra những tin đồn loại này nhiều nhất là ở   bãi cỏ công viên phía trước Sở Ngoại Vụ Thành phố (tức Bộ Ngoại Giao  VNCH cũ), phía trước Dinh Độc Lập, gần nhà thờ Đức Bà. Thỉnh thoảng tôi  cũng đến đây để nghe ngóng tin tức. Ở đây, các anh em cựu tù thường tụ  tập thành từng nhóm để bàn tán những tin tức thu lượm được. Vì không có   một thông cáo chính thức nào về chương trình này, nên những tin đồn tha   hồ được thêu dệt. Có tin việc ra đi này đáng lẽ đã được thực hiện từ   trước ngày 30-4-1975, giống như cuộc di cư của đồng bào miền Bắc sau   hiệp định Genève 1954. Cũng có tin việc ra đi này để đổi lại, Hoa Kỳ sẽ   nới lỏng cấm vận cho Việt Cộng và từ từ sẽ tái lập bang giao. Thậm chí   còn có tin đồn, các cựu tù khi đến Mỹ còn được truy lãnh lương tính  từ năm 1975 cho đến nay. Mặc dù đa số đều nghĩ, đó chỉ là tin vịt, nhưng  cũng có một vài người vẫn nuôi một hy vọng hão huyền rằng biết đâu đó  là sự thật để tự an ủi mình.


Mãi đến khoảng giữa năm  1989, chương trình tái định cư các cựu tù cải tạo sau được gọi là chương  trình H.O. mới bắt đầu chuyển động. Tuy nhiên vẫn không có một thông  cáo chính thức nào về việc này cho đến khi  có một số người bổ túc hồ sơ  bảo lãnh (ODP) mới biết mình đã được chuyển  vào danh sách HO1, HO2...  Mặc dù vậy, mọi người vẫn còn bán tín bán  nghi. Đa số vẫn còn dè dặt  chưa dám xúc tiến việc nộp hồ sơ vì chỉ sợ bị gài bẫy, rồi tiền mất mà  tật mang, nghĩa là vẫn chẳng được đi đâu cả.  Chính vì biết tâm lý này  nên VC đã lập ra cơ quan Trung Tâm Dịch Vụ Xuất  Cảnh để thâu gom những  dịch vụ về việc xin xuất cảnh theo diện cựu tù cải tạo. Trụ sở của trung  tâm này nằm trên đường Võ Tánh, đối diện ngay cổng Bộ Tư Lệnh CSQG/VNCH  (Tổng Nha Cảnh Sát) cũ.


Sau nhiều ngày “điều  nghiên” cho chắc ăn, mãi đến cuối năm 1989, tôi mới mang hồ sơ của mình  đi nộp. Lúc đến nơi tôi thấy nhiều người cũng đến nộp đơn khá đông. Mọi  người nộp đơn phải đóng một số tiền lệ phí khá lớn, khoảng 200.000 đồng  tiền Hồ cho mỗi đầu người cộng thêm một vài phụ phí linh tinh khác. Gia  đình tôi bốn người gồm vợ chồng và hai con đã tốn mất gần một triệu.


Khoảng sáu tháng sau, gia  đình tôi nhận được giấy mời đi bổ túc hồ  sơ ở văn phòng quản lý xuất  nhập cảnh ở góc đường Nguyễn Du và Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng  Tháng 8) đối diện vườn Tao Đàn. Theo rỉ tai của những người đi trước, để  việc bổ túc hồ sơ được dễ dàng thuận lợi thì nhớ “bồi dưỡng” cho tên  cán bộ phụ trách một bao thuốc lá 555. Có người vì chủ quan hay vì không  biết chuyện này nên đã phải ra về, đi tới đi lui bổ túc hồ sơ nhiều lần  mà vẫn chưa xong việc. Nghe nói vậy, nên trước khi vào trình giấy tờ,  tôi đã ghé sạp bán thuốc lá lẻ trên lề đường phía trước văn phòng. Bà  bán thuốc lá đưa cho tôi một gói thuốc lá  555 có vẻ đã cũ, tôi nói bà  đổi cho gói khác nhưng bà nói: “Cậu mua thuốc mang vào cho cán bộ bên  trong phải không? Không sao đâu. Nó vào trong rồi chiều nó cũng ra lại  đây thôi.” Tôi hiểu ý bà muốn nói gì nên trả tiền mua gói thuốc đó. Quả  nhiên, khi vào gặp tên công an phụ trách, trong lúc y đang xem hồ sơ,  tôi để gói thuốc lá lên bàn và nói: “Mời  cán bộ hút thuốc.” Nói là mời  nhưng gói thuốc lá của tôi vẫn còn nguyên chưa xé bao. Tên công an vẫn  lầm lỳ, mặt lạnh như tiền, không nói gì và cũng không ngẩng đầu lên. Hắn  lấy tay lẹ làng gạt gói thuốc lá vào trong ngăn kéo bàn đã mở sẵn mà  tôi nhìn thấy đã có sẵn mấy gói thuốc lá 555 ở trong. Trong khi đó hắn  kiểm soát những giấy tờ tôi mang theo xem đã đầy đủ chưa một lúc rồi nói  giấy tờ của tôi đã đầy đủ, tôi có thể ra về.


Tiếp đó, sau những lần bổ  túc hồ sơ ở nhiều nơi khác, rồi khám sức khỏe, chụp hình, lăn tay, phỏng  vấn, v.v… cuối cùng tôi đã được chấp thuận chờ ngày lên đường. Nhưng  trước khi để được lên đường cũng còn phải trải qua nhiều thủ tục cũng  nhức đầu không kém. Nào là phải có giấy không thiếu nợ ngân hàng, giấy  xác minh không vướng bận về nhà đất. VC  đưa ra một quy định vô lý là  cấm mua bán, sang tên chủ quyền nhà đất với  những người xuất cảnh  nguyên là những sĩ quan chế độ cũ từ cấp Thiếu tá  trở lên cho các sĩ  quan quân đội và từ cấp Trung úy trở lên cho các sĩ  quan cảnh sát. Tôi  là một sĩ quan cảnh sát cấp đại úy nên phải giao căn  nhà của chúng tôi ở  chúng cư Minh Mạng Q.10 - Saigon cho chúng; không  những vậy, tôi còn  phải làm đơn xin nhà nước quản lý giùm căn nhà này vì  vắng chủ (một  kiểu tịch thu nhà thật tinh vi). Thiệt là tức. Vô lý hơn  nữa, chúng còn  truy thu tiền thuế thổ trạch cho căn nhà này kể từ khi  chúng được xây  cất cho đến nay. Nhà tôi là nhà chúng cư, lại ở trên lầu  thì làm gì có  đất mà phải nộp thuế thổ trạch? Nhưng thôi, coi như  “thí  cô hồn” cho  chúng mấy chục ngàn tiền thuế thổ tả này cho yên chuyện mà  lên đường.


Để tránh bị trục trặc vào  giờ chót, tôi đã nhờ một văn phòng dịch vụ  lo trước các giấy tờ liên hệ  trước khi lên đường. Trước ngày đi, tôi  hẹn giao chìa khóa nhà cho  phường rồi đến ở tạm nhà chị tôi chờ ngày ra  phi trường cho chắc ăn.  Tuy nhiên, trước khi giao nhà cho phường, tôi đã tháo gỡ hết những cửa  sắt, bóng đèn, ổ điện trong nhà đem bán ve chai hay cho người nhà cho bõ  ghét. Đến ngày hẹn, hai tên cán bộ phường đến  nhà tôi để nhận chìa  khóa. Chúng hạch hỏi nhà sao không có bóng đèn và ổ  điện. Tôi nói: “Đây  là nhà của chúng tôi nhờ nhà nước quản lý giùm  trong thời gian chúng tôi đi ra nước ngoài. Nó như thế nào thì các anh  cứ tiếp nhận như vậy.  Hôm nay, tôi chỉ có nhiệm vụ giao chìa khóa nhà  cho các anh, còn các  giấy tờ liên hệ tôi đã được cấp đầy đủ rồi.” Hai tên cán bộ biết không  thể làm khó dễ gì được tôi nên quay sang chúc chúng tôi lên đường may mắn.


Hai ngày cuối cùng tôi đến  ở nhà chị tôi hầu như tôi không ngủ được. Đêm nào chị và em trai tôi  cũng thức ngồi nói chuyện với vợ chồng tôi đến tận nửa đêm. Chúng tôi ôn  lại những kỷ niệm và dặn dò nhắn nhủ nhau đủ điều.


Buổi chiều cuối cùng trước  ngày lên đường, tôi mượn chiếc xe đạp của em tôi đạp vòng quanh qua mấy  con đường trong thành phố để nhìn lại Sài  Gòn một lần chót. Tôi đạp xe  loanh quanh mà chẳng biết mình đi đâu. Đường phố về chiều xe cộ vẫn tấp  nập. Tôi chậm rãi đạp xe dọc theo đường  Công Lý, qua Dinh Độc Lập, rẽ  về Nhà Thờ Đức Bà, rồi theo con đường Duy  Tân nhìn lại ngôi trường đại  học cây dài bóng mát mà một thời tôi đã  lui tới… Những con đường xưa,  phố cũ đã ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm trong tôi rồi sẽ chỉ còn là dĩ vãng.  Sài Gòn ơi, tôi sắp xa bạn rồi, biết đến bao giờ ta mới gặp lại nhau.


Sáng ngày hôm sau chúng  tôi chính thức ra phi trường Tân Sơn Nhất để ra đi, cảnh chia tay chị em  tôi thật là bịn rịn. Lúc chúng tôi phải  bước vào phòng cách ly để đi  ra sân bay, chị tôi rưng rưng nắm tay tôi chúc tôi lên đường bình an.  Qua cửa sau của phòng cách ly, chúng tôi bước ra sân bay để đi ra máy  bay. Tôi không dám quay đầu lại vì tôi sợ tôi sẽ khóc khi thấy chị tôi  đang đứng khóc nhìn theo chúng tôi. Tôi biết từ nay tôi sẽ xa chị, người  chị cả thương yêu của tôi và cả cái đất nước này, tôi sẽ xa rời nó mà  chưa biết đến bao giờ mới trở lại.


Trong lúc đi đến chiếc máy  bay đậu ở đằng xa, tôi nhìn thấy một ông trung niên đang bước lên cầu  thang máy bay. Khi đến trước cửa máy bay, người đàn ông này đã quay đầu  lại nhìn về phía phòng khách phi trường, rồi bất ngờ ông quỳ xuống chắp  tay lạy ba lạy trước khi bước vào bên trong khoang máy bay. Tôi không  hiểu, ông lạy giã từ đất mẹ, hay ông lạy cám ơn trời đất đã cho ông được  thoát ra khỏi cái “thiên đường” cộng sản này.


Khi chiếc máy bay cất  cánh, từ trên cao nhìn qua khung cửa sổ, tôi thấy Sài Gòn của tôi ở dưới  đang lùi dần, nhỏ dần rồi mất hút. Bỗng dưng nước mắt tôi ứa ra, buồn  bã, tôi nhủ thầm, Sài Gòn ơi, xin giã biệt!


NĐT


bottom of page