top of page
Banner edge

VĂN THƠ NHẠC

VĂN

VĂN 1.png
VĂN 2.png
MÙA THU QUA THI CA

NGUYỄN QUÝ ĐẠI K8

Mùa thu là mùa của thi ca lãng mạn, trữ tình, những giọt mưa thu buổi sáng hay những đêm trăng mờ ảo, gió se lạnh khi thu về là xúc tác tạo rung cảm cho các văn thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác nhiều đề tài hấp dẫn, phong phú đóng góp lớn lao cho kho tàng văn học, và thi đàn Việt Nam.

MÙA THU QUA THI CA

Thời tiết ở Đức thay đổi rõ rệt bốn mùa, vào thu bắt đầu lạnh thỉnh thoảng có mưa bay nhẹ hạt, cây lá đổi màu từ vàng sang đỏ, xa xa dãy núi Alpen xanh đậm, chen lẫn lá vàng, đỏ tạo nên bức tranh đẹp tuyệt của thiên nhiên.


Mùa Thu ở Việt Nam không rực rỡ như mùa Xuân, không gay gắt, oi bức như mùa hè, hay tàn tạ ủ rũ như mùa Đông. Thu ở quê nhà nhẹ nhàng, thời tiết hơi se lạnh của gió thu với tiếng xào xạc từ lá vàng rơi bên hồ nước trong veo, nét huyền ảo của trăng thu, làm rung động lòng người những nỗi buồn xa vắng, mênh mông.


Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) miên man "giấc mộng con" cảm thu với nỗi ngậm ngùi, nhìn những chiếc lá thu từ hàng xóm bay sang khiến người thiếu phụ như sợ thời gian hững hờ trôi qua.


Trận gió thu phong rụng lá vàng

Lá rơi hàng xóm lá bay sang

Vàng bay mấy lá năm già nữa

Hờ hững ai xuôi thiếp phụ chàng

Trận gió thu phong rụng lá hồng,

Lá bay tường bắc lá sang đông

Hồng bay mấy lá năm hồ hết

Thơ thẩn kià ai vẫn đứng không


Tản Đà diễn tả từ lá vàng bay đến vàng bay mấy lá, làm cho mùa thu thêm nỗi buồn xa vắng.


Lá thu rơi rụng đầu ghềnh

Sóng thu đưa lá bao ngành biệt ly


Trăng thu mờ ảo làm tăng nỗi cô đơn, buồn chán xâm chiếm lòng người


Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nữa rồi

Nguyễn Khuyến tả cảnh thu nhẹ nhàng

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo


Thi sĩ Đinh Hùng (1920-1967) yêu đời, yêu người. Trước năm 1975 trong chương trình Tao Đàn đài phát thanh Sài Gòn làm cho thính giả say mê, Đinh Hùng muốn cuộc đời lúc nào cũng réo rắt như tiếng lòng mình, mùa thu mang nặng những đợi chờ


Hôm nay có phải là thu?

Mây năm xưa đã phiêu du trở về.

Cảm vì em bước chân đi,

Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.

Ai về xa mãi cô thôn,

Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà?

Ngày em mới bước chân ra,

Tuy rằng cách mặt, lòng ta chưa sầu .

Nắng trôi vàng chẩy về đâu?

Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu.

Chiều xanh trắng bóng mây xưa,

Mây năm xưa đã phiêu du trở về.

Rung lòng dưới bước em đi,

Lá vàng lại gợi phân ly mất rồi!

Trời hồng, chắc má em tươi,

Nước trong, chắc miệng em cười thêm xinh.

Em đi hoài cảm một mình.

Hai lòng riêng để mối tình cô đơn.

Hôm nay tưởng mắt em buồn:

Đã trông thấp thoáng ngọn cồn, bóng sương.

Lạnh lùng chăng, gió tha hương?

Em về bên ấy, ai thương em cùng?

MÙA THU QUA THI CA

Lưu Trọng Lư (1912-1991) có nhiều nét riêng biệt từ hạnh phúc đến tan vỡ, từ thực tế đến mộng mơ, bâng khuâng ấy được cô đọng thành tiếng thu với con nai vàng ngơ ngác giẫm lên những chiếc lá vàng kêu xào xạc làm rung động cõi lòng, người đọc như gợi một niềm luyến tiếc xa xôi.


Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp lên lá vàng khô?


Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-†1822) đa tình lãng mạn, mùa thu trong mối tình với thi hào Nguyễn Du (1765-†1820). Tình yêu thật cô đơn đợi chờ "bóng nhạn về đâu mây ở lại dế trùng như khóc nước trôi hờ". Bóng nhạn ở đây là Nguyễn Du và mây là Xuân Hương nhưng mùa thu mây chỉ giăng tối mịt mù, con nhạn kia đã vỗ cánh bay xa, nhưng mây trời ảm đạm mờ mịt! tí tách giọt mưa trên lá chuối!


Mưa thu

Trời thảm mây giăng tối mịt mùng  

Mưa thu tí tách nhỏ ngoài sân

Cây khô dài ngắn rơi hàng lệ,

Tàu chuối vàng tơi tiếng chậm nhanh

Ngâm dứt vàng đê mê sầu vạn dặm

Buồn giăng quạnh quẽ nỗi năm canh

Khuê phòng riêng khổ người nhan sắc

Một phiến sầu vương vẽ chẳng thành


Nguyên bản chữ Hán "Thu Vũ"

Thiên cách vân âm thảm bất minh

Tiêu tiêu thu vũ lạc nhàn đình

Đoản trường khô thụ chí đầu lệ,

Thư cấp hoàng tiêu diệp thượng thanh

Ngâm đoạn đê mê thiên lý mộng

Sầu khiên liêu tịch ngũ canh tinh

Thâm khuê tối khổ như hoa diện

Nhất phiến sầu dung họa bất thành


Đêm trăng thu của Tế Hanh đưa tiễn người yêu trong cảnh thu tàn.


Tiễn em trong cảnh thu tàn

Lòng ta muôn tiếng sao đầy lặng im

Ra về trong cảnh trời đêm

Vầng trăng như ánh mắt em dõi nhìn


Nữ sĩ Ngân Giang với mây chiều bát ngát, mơ hồ xa xôi… mùa thu ở miền bắc cây bàng trơ trụi, bên trời bầy én bay lượn lưa thưa!


Cây bàng đã rụng lá bàng

Cổng nhà ai đấy, có nàng nhìn xa

Giàn hồng gió tạt là là

Tóc nàng vướng mấy cánh hoa sang mùa

Bên trời bầy én lưa thưa

Mây chiều bát ngát… mơ hồ xa xôi..

Tiều phu gánh củi lên đồi,

Chuông chùa gần đấy gióng hồi thu không!

Quán đường heo hút lạnh lùng,

Có người khép cửa thư phòng ngâm thơ.


Nữ sĩ Vân Đài với nắng thu vàng vọt, gió heo mây mịt mờ sương khói, cánh nhạn ngập ngùng bên trời vắng.


Hiu hắt chiều hôm ngọn gió thu

Vừng ô gác núi bóng thêm mờ

Ngập ngừng cánh nhạn bên trời thẳm

Thấp thoáng thuyền ngư bến nước xưa

Mù mịt bên cầu cây phủ khói

Trơ trơ sườn núi đá phôi mưa

Trên đường vô hạn người qua lại

Trông khách tha hương luống hững hờ


Nữ sĩ Tương Phố khóc cho thân phận mình, tình yêu vợ chồng hạnh phúc vơi đầy, bỗng vổ cánh bay xa tận cuối phương trời và mãi mãi xa nhau, chỉ còn lại với những "giọt lệ thu"


Trời thu ảm đạm một màu

Gío thu hiu hắt thêm rầu lòng em

Trăng thu bóng ngả bên thềm

Tình thu ai để duyên em bẽ bàng


Thi sĩ Xuân Diệu nổi bật trong làng thơ mới, ông quan niệm "là thi sĩ, nghiã là ru với gió. Mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây". Mùa thu mang lại cho thi nhân màu sắc tuyệt vời... đây mùa thu tới.


Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;

Đây mùa thu tới- mùa thu tới

với áo mơ phai dệt lá vàng

Hơn một loài hoa đã rụng cành,

Trong vườn sắc đỏ rữa màu xanh

Đôi cánh khô gầy xương mỏng manh.

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ.

Đã nghe rét mướt luồn trong gió.

Đã vắng người sang những chuyến đò

Mây vẫn từng không, chim bay đi

Khí trời u uất hận chia li

Ít người thiếu nữ buồn không nói,

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để lại cho đời một số nhạc phẩm, rất đa dạng và phong phú, về tình yêu, thân phận, quê hương và chiến tranh. Sáng tác của ông cũng gắn liền với thời cuộc của đất nước. Một số nhạc phản chiến, phổ biến rộng ảnh hưởng trong giới sinh viên, học sinh trước1975. "gia-tài của Mẹ để lại cho con. Nối vòng tay lớn, những nhạc phẩm đó nói thân phận làm người trong cuộc chiến, dân miền Nam đang gánh chịu chiến tranh, quê hương bị bom đạn tàn phá…. Nhưng Trịnh Công Sơn quên nói đến lý do tại sao xảy ra cuộc chiến? ai tạo nên cảnh tương tàn đó? anh băn khoăn với nỗi bi ai lẫn tình yêu của một kiếp người! "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai tôi về làm cát bụi". Anh đã trở về với cát bụi không còn "Nhìn những mùa thu đi". Nhưng dòng nhạc vẫn còn đó.


"Nhìn những mùa thu đi

Em nghe sầu lên trong nắng

Và lá rụng ngoài song

Nghe tên mình vào quên lãng

Nghe tháng ngày chết trong thu vàng ..."


Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên ra đi làm người viễn xứ, Các ca khúc của ông với nhạc điệu vấn vương êm đềm thể hiện tình yêu, thân phận của con người qua mọi chuyển biến của cuộc sống. Nó xen lẫn nỗi đau và cả niềm hạnh phúc. nhưng luôn hướng về quê hương với một thời đầy kỷ niệm trong mùa thu vàng mưa giăng lá đổ Sài Gòn.


Em hỏi anh mùa thu Sàigòn

Nắng còn vương vương trên hàng phố vắng

Em hỏi anh mùa thu Saigòn

Nước mắt bây giờ có như mưa tuôn...


Hay


Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương


Trước 1975 thời kỳ phát triển mạnh về sáng tác âm nhạc hay phổ nhạc, Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác nhiều nhạc phẩm giá trị, phổ nhạc bài thơ của thi hào Guillaume Apollinaire "Mùa thu chết" thi sĩ Bùi Giáng dịch sang Việt ngữ.

... Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi

Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo

Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em

Vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ

Vẫn chờ... đợi em.


Tôi chưa đến Hà Nội vào mùa thu, nhưng Hà Nội 36 phố phường có nét đẹp riêng của nó, vào mùa hạ những hàng cây cổ thụ có nhiều bóng mát, giúp khách bộ hành thoải mái đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn. Nhiều người có dịp đến Hà Nội vào những chiều cuối thu sương phủ mờ mờ và se lạnh, các cô gái Hà Thành mặc áo len quàng khăn tím đi dưới những cơn mưa nhỏ hạt. Mùa thu Hà Nội cũng là mùa cốm, cốm vốn là món quê hương quen thuộc ở vùng châu thổ sông Hồng.


Cốm thơm ngon nhất vào giữa thu, có lẽ nhờ sữa hạt lúa hấp thụ khí hậu của mùa thu. Hạt cốm có màu xanh thơm gói trong lá sen, buộc bằng sợi rơm vàng nhạt, những ngày thu khi nắng đã nhạt và thoảng trong gió heo may, cùng trái bưởi vàng, quả hồng mọng đỏ. Mùa thu Hà Nội rõ nét có mùi thơm của hoa sữa "Hà nội mùa thu" của Trịnh Công Sơn.


Cây cơm nguội vàng,

Cây bàng lá đỏ

Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ

Mái ngói thâm sâu

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội

Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió

Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ


Nhà thơ Phạm Chung với nhạc phẩm "Mùa xuân ngồi bên cửa sổ" nhìn em lang thang trên đường Cổ Ngư thơ mộng dưới những hàng liễu rũ xuống Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch.


Có phải mùa thu đã qua

Em lang thang qua phố phường Hà Nội

Mặt hồ Gươm pha sương, em soi đời u tối

Mùa cốm hồng không đợi

Em nhớ ai mà mưa bụi bay?


Mùa thu quê nhà và mùa thu hải ngoại, mỗi nơi mang một bối cảnh những nét trữ tình, độc đáo. Người lữ khách lưu dung trên đất khách quê người, nhạc sĩ Võ Hữu Toàn phổ nhạc "Mưa Paris - Mùa thu của tôi" giống như bài Paris có gì lạ không em? Dòng sông Seine mà nhiều người mơ ước đến thăm, nhưng thực tế nước đục ngầu với nét buồn nào đó xa xôi, Paris trong mùa mưa thu buồn gió lạnh xa xôi.


Paris buồn giữa trời thu

Cơn mưa ùa theo hối hả

Tiếng đàn cùng tiếng gió

Thở dài thành những cơn mưa

Em là mùa thu của tôi

Chẳng đợi chờ sao lại đến

Cũng đành một lần lỗi hẹn

Sông Seine buồn quá xa xôi...


Nguyên Sa một thời "Paris có gì lạ không em?". Thi nhân Cung Trầm Tưởng với "Mùa thu Paris" nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:


Mùa thu Paris, trời buốt ra đi

Hẹn em quán nhỏ, hẹn em quán nhỏ

Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề ...

Mùa thu âm thầm bên vườn Lục Xâm

Ngồi quen ghế đá, ngồi quen ghế đá

Không em buốt giá từ tâm

Mùa thu nơi đâu, người em mắt nâu

Tóc vàng sợi nhỏ, tóc vàng sợi nhỏ

Chờ mong em chín đỏ trái sầu.


Nhạc sĩ Minh Kỳ ông cảm thấy mùa thu vương nắng ấm quê hương, cuộc đời lưu vong của chúng ta, khó có thể nghe được tiếng tiêu ai thổi trong chiều thu với gió heo mây.


Có chiều thu vương nắng cuối thu

tiếng tiêu ai vọng đến thiết tha buồn

man mác niềm vương vấn tình cố hương

mối u hoài trầm tư khi chiều xuống


Thi sĩ Paul Verlaine cũng cảm nhận được mùa thu nhẹ cảm như những thi sĩ, nhạc sĩ An Nam mùa thu của ông qua "Chansons D'automne" Bản dịch của anh Cao Yên Tuấn (Trần Tuấn Kiệt) ở Houston Hoa Kỳ tựa "Khúc hát mùa thu“ bản dịch nầy thật lả lướt và thoát nghiã, mang âm nhạc việt ngữ tuyệt vời


Les sanglots longs                      

Des violons                                 

De l'automne                             

Blessent mon coeur                   

D'une langueur                           

Tout suffocant                            

Et blême, quand                        

Sonne l'heure                            

Je me souviens                         

Des jours anciens                     

Et je pleure...                            

Et je m’en vais                          

Au vent mauvais                     

Qui m’emporte

De cà, de là

Feuille morte


Đàn gieo chi khúc phượng cầu

Nghe như nức nở, như sầu miên man.

Thu về cho lá nhuốm vàng

Lòng ta tê tái theo ngàn lá rơi!

Chìm trong điệp khúc đơn côi.

Chán chường mòn mỏi nối lời xanh xao

Chuông giờ nghe điểm, nghẹn ngào,

Tiếng xưa kỷ niệm đưa vào tâm tri!

Lệ tràn trên bước ta đi,

Mặc cho gió chướng, nói chi cuộc tình!

Mang ta vào ngõ đăng trình,

Lá rơi đây đó ngập hình bóng xưa

Thu ơi nhớ mấy cho vừa


Nếu mùa thu có lá vàng rơi rụng, có trăng thu huyền ảo, nắng mùa thu không gay gắt rực lửa, đi dưới nắng thu người ta thấy tâm hồn rất thoải mái lâng lâng, nhất là những lúc trời chiều nhạt nắng có lá vàng bay bay rơi rụng khắp phố phường. Mùa thu về bắt đầu một niên học mới mà Thanh Tịnh (1913-1988) đã viết TÔI ĐI HỌC một thời chúng ta trải qua và thuộc lòng. lòng đoạn văn:


‘‘Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc... buổi sáng hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.’’


Buổi sáng thu gợi lại bối cảnh đồng quê, khơi lại những kỷ niệm cảm xúc ngày đi học nao nức bên Mẹ hiền đưa chúng ta đến trường, trôi qua nhiều mùa thu lá rụng, giờ nầy chỉ còn lại trong ký ức!


Nguyễn Quý Đại  hoamunich.wordpress.com


- Tài liệu tham khảo Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến toàn tập

- Hình chụp mùa thu của họa sĩ Nguyễn Sơn ở Đức


bottom of page