top of page
Banner edge

VĂN

VĂN 2.png
ÔNG GIÀ ĐẠP XÍCH LÔ

KHÁNH ĐẶNG

Đó là dịp tết năm 1995. Lần đầu tiên tôi về thăm quê hương.

Người đàn ông đạp xích lô,  gầy guộc và khắc khổ. Nhìn ông già hơn  tuổi. Có lẽ cuộc sống đầy khó  khăn, nên sự lo âu, buồn buồn, hiện rõ  trên nét mặt của ông.


Lúc đó, cũng có dăm ba  người mời tôi đi xe của họ. Nhìn qua nhìn  lại, tôi chọn đi xe của ông.  Tôi nghĩ, ông già yếu hơn mấy anh kia, nên  có thể ông ít được khách mời  ông đi. Tôi muốn ông có thêm thu nhập, nên  đồng ý lời mời của ông.


Hôm đó tôi bao xe đi nguyên ngày, đi vòng quanh Vũng Tàu, ngắm lại phong cảnh quê hương, sau 5 năm xa cách.


Khi biết ý muốn của tôi,  ông mừng vui lắm. Nét mặt rạng rỡ hẵn ra. Trước khi lên xe, tôi nghe  mấy anh kia còn nói. Trúng mánh nhe ông già. Gặp Việt kiều là ngon rồi.


Ông đạp xe chở tôi đi. Hai  ông cháu nói chuyện rất thân thiện. Qua  câu chuyện, tôi biết ông đi tù  cải tạo về. Trãi qua bao tháng ngày cực  khổ trong chốn lao tù, hình như sức lực của ông cũng hao mòn, yếu dần đi. Cuộc sống vốn dĩ khó  khăn, nay về nuôi thêm mẹ già, nên càng khó khăn hơn. Khi biết tôi qua Mỹ theo diện HO, ông trầm ngâm:


- Bác giờ cũng đã già. Với lại đang nuôi mẹ già. Giờ bác đi cũng được. Nhưng mẹ bác để cho ai coi đây. Bao nhiêu năm đi tù xa cách mẹ  già, giờ bỏ đi nữa thì mang tội  bất hiếu.


Rồi bác nói không biết bây giờ qua Mỹ bác sẽ làm gì. Bạn bè của bác  đã đi gần hết. Họ nói họ đi  vì tương lai của con cháu. Chứ bác đâu còn  gia đình gì đâu nữa mà đi.  Tôi hỏi bác vậy vợ con của bác đâu rồi. Bác  im lặng một hồi. Tôi quay  lại, ngước mắt lên nhìn bác. Bác vẫn đạp xe,  nhưng hình như bác buồn  lắm. Mắt bác đỏ hoe. Như đoán được chuyện gì,  tôi chỉ im lặng nhìn theo  hướng phía trước. Chừng 5 phút sau, bác mới  nói được:


- Bác có 3 đứa con. Chúng nó đi vượt biên, khi bác còn ở trong tù.


- Giờ mấy anh chị đang ở nước nào hả bác.


Bác lại im lặng...một hồi...rồi nói tiếp.


- Chuyến đi đó mất tích luôn. Không một ai có tin tức gì hết.


Tôi lặng điếng người. Thật  không ngờ, kiếp người sao khổ vậy trời.  Tôi cũng khổ nhiều, nhưng so với ông, nỗi khổ kia chẳng thấm vào đâu. Lòng tôi cảm thấy thương bác  nhiều hơn. Không biết là tình thương đồng  loại, hay thương vì tội  nghiệp cho những bất hạnh của ông.


- Vậy bác gái đâu rồi bác.


- Ngày xưa thời VNCH, một  mình bác làm nuôi cả nhà. Sau năm 1975 bác bị đi tù, bác gái phải tần tảo mà cũng không nuôi nổi mấy đứa con. Rồi có người giúp đỡ...


Nói đến đó bác không nói nữa. Tự nhiên tôi thấy mình hơi tàn nhẫn khi vô tình khơi lại vết thương đau của bác.


Bác chở tôi đi về từ theo đường bãi Dâu, bãi Dứa. Con đường này,  cách đây 20 năm, vẫn một bên là  núi, một bên là vực sâu của biển. Có  đoạn lên dốc, có đoạn xuống dốc rất khó đi. Nhưng vì muốn tôi ngắm cảnh đẹp của đất trời, mênh mông của  biển cả, bác chọn hướng đi này. Những  đoạn lên dốc, tôi nhảy xuống, vì sợ bác mệt đuối sức, nhưng ông nhất định ko chịu. Bác thấy chân tôi bị yếu đi cà quẹo, bác càng không để tôi bước xuống. Chổ nào bác đạp không nổi, bác nhảy xuống đẩy hay kéo xe.  Thật lòng những lúc đó, tôi  cảm thấy khó chịu quá trời.


Thế rồi chuyện đời cũng  lắm cái ngờ. Trong khi đang xuống dốc, chiếc  xe chạy nhanh hơn, rồi  nhanh hơn nữa, hơn nữa. Tôi nghe bác hốt hoảng  la lên.


- Chết rồi, thắng xe bị tuôn.


Xe càng chạy nhanh hơn.  Tôi quá sợ hãi. Trong đầu lúc đó, tôi chỉ  nghĩ mình sẽ bị lao xuống vực  sâu. Bác vội nhảy xuống, dùng hết sức lực  kéo chiếc xe lại, nhưng  chiếc xe chỉ khựng lại tí xíu rồi vẫn chạy  nhanh. Tôi nhắm mắt lại và  nghĩ đến Gia đình. Cũng lúc đó, một tiếng  đùng vang lên. Cả xe và tôi  ngã nghiêng về vách núi và dừng lại.


Sau khi bình tĩnh trở lại,  tôi thấy bác máu ra nhiều ở 2 bàn chân.  Vì khi bác cố gắng kéo chiếc  xe lại. Sức mạnh của chiếc xe đã kéo đôi  chân của bác chà xát trên mặt  đường, và bây giờ nhìn vào đôi chân ấy,  chỉ thấy toàn là máu. Trong lúc  xảy ra tình huống giữa chết và sống, bác  lanh trí bẻ tay lái cho xe  tông vào núi. Dù có bị gì đi nữa, còn hơn  rơi xuống vực sâu.


Về đến nhà, bác không lấy  tiền xe vì tai nạn xảy ra. Bác tha thiết  năn nỉ tôi đừng bắt đền cái  máy chụp hình, vì bác không có tiền. Thật sự  lúc đó tôi thấy bác thật  tội nghiệp và đáng thương. Tôi nói bác đừng lo  gì cả, rồi tôi tặng cho  bác 100 đô. Bác ngỡ ngàng nói đây là tờ 100 đô  chứ không phải tờ 10 đô.  Tôi nói tôi biết. Bác nói như vui mừng lắm.


- Con cho bác 2 chỉ vàng hả con.


Đáng lý ra tôi không nên  kể chuyện tặng bác tiền. Nhưng tôi nghĩ,  nếu như những ai trong trường  hợp của tôi lúc đó, tôi tin cũng đều làm  như vậy.


Trước khi chia tay, tôi đã ôm bác thật lâu. Lúc đó tôi vẫn còn nhớ là có mùi khen khét từ làn da cháy nắng của bác.


Sau này tôi có dịp về thăm quê hương và có hỏi thăm bác. Người ta nói bác đã đi Mỹ theo diện HO rồi.


Khánh Đặng


VĂN 1.png

VĂN THƠ NHẠC

bottom of page